Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Lớp tôi là (số 1)

Lớp tôi là:































Trường Thương, cơ sở số hai, tại Sài

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Tìm cảm giác thanh thản

Nếu muốn tâm hồn thong thả, không vướng bận chuyện gì hết, thì hãy cho đi một cái gì đó! Không hẳn chỉ để nhận lại một lời cảm ơn, để thắc thỏm những khuôn mặt cười, mà đôi khi đơn giản, như việc ngồi dòm gà má túc tắc dẫn đàn gà con bươi tan nát sân nhà ngày mưa hửng ráo, hoặc khi con heo nái đẻ lứa đầu tiên, và tận tay mình bắt heo con từ trong chuồng ra cho chúng bú, bàn tay mình lựng thơm mùi sữa, hoặc con chó cái ngày mình đi xa về, mừng rớt nước mắt vì vừa thấy hơi người từ xa tít tắp cổng, nó đã cuống đuổi chạy ra chào đón, cái lưởi thè ra như muốn liếm hết trơn mỏi mệt của chuyến đường xa. Nói chung là, cảm thấy bình yên và nhẹ nhàng hạnh phúc quá đỗi!

Bởi việc mình lục lọi trong đống đồ cũ kỹ, không phải cũ lắm nhá, rồi gom hết thảy những giấy má, bút viết còn sử dụng được, đóng vô một thùng, thừng mì gói mà năm thì mười họa mình mới lôi ra ăn! Sau đó mình chuyển khoản, đem vô trường, gởi cho bạn bên đội công tác xã hội. Rồi giêng hai này, có thể quyển sổ mình không còn xài tới ấy, cây bút nhỏ xíu ấy, cái móc chìa khóa thấy ghê mà mình không thèm đụng đến kể từ bữa cố gắng bon chen chơi trò chơi trong mấy chương trình quảng cáo khuyến mại này nọ của mấy sản phẩm / dịch vụ (có vài cái do mình đi hiến máu, được tặng!), lại trở thành một món quà xuân, nhỏ xíu xiu nhưng lại được những cánh tay cũng nhỏ xíu xiu khác nâng niu và gìn giữ! Gom đồ cũ, gom lại học bàn cũ, và cho đi bớt những thứ còn dùng được, nhắc mình nhớ rằng là chỉ còn mấy bữa nữa thôi là đời mình sang trang, không còn gắn với bút viết nọ kia, nhưng cũng nhắc cho mình rằng, biết đâu từ chính những vật liệu cỏn con này, lại là khởi nguồn cho những trang khác, của một cuộc đời này khác! Ý nghĩ đó, khiến mình thanh thản dễ sợ, trong một chiều bờ sông ngan ngát gió, và lòng mình, thanh thản!

Hoặc một buổi tan tầm, khi trời chiều chuyển dần sang đêm, không thấy mặt trời ở phía cuối đường chân ở góc Sài này đâu, mình hì hụi cùng vài anh chị đồng nghiệp, những người chưa có gia đình, ngập trong những giỏ nhỏ xinh xinh, trong có hộp sữa cô gái Hà Lan, một cái đồ cài tóc, một con gấu bông, một cây bút màu, rồi lểnh khểnh lên đường, tìm tới một ngôi chùa nhỏ xíu bên quận 2! Ở đó, tụi mình chia nhau ra phát quà cho các em, có đứa thấy các anh chị vô thì mừng líu quíu, biểu anh chị ở lại chơi với tụi em nghen! Nhưng lúc sau lại phải quầy quả ra về, trời khuya lạnh nhưng trong lòng thấy ấm ghê lạ! Từ chân cầu Thiêm ngược về phía sáng, thấy như phần đời trước mắt, vẫn còn quá chừng thứ mình cần làm, mình phải làm! Những thứ ấy, mình gọi chung, là chia sẻ!

Lại là sự chia sẻ, khi chiều nay, về nhà sớm! Đi làm hơn ba tháng, mà vẫn chưa mời bạn nhỏ cũng nhà một cái chi! Ghé qua tiệm bánh, xốc nải mang về một ổ ga tô, rồi về nhà rủ bạn ăn chung. Hôm nay Noel, mà bạn không đi chơi, ở nhà học bài, rồi mang đờn ra bờ sông ngồi nắn phím! Tội nghiệp, nhờ bạn chuyện này, chuyện nọ, chuyện kia, mà một lời cảm ơn nhiều khi cũng không thèm gởi qua cho bạn một tiếng! Có cái bánh, nghe bạn khen ngon nổ trời! Trời đất cơi, có những thứ bình thường giản dị mà sao tự nhiên khiến cho lòng mình thanh thản quá!

Và đôi khi, chỉ cần dòm thấy một bàn tay chìa ra bắt lấy một bàn tay, là cũng đủ cho mình vui hết cả buổi chiều!

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Bạn rủ đi chơi!

Chắc bạn khoái rủ tôi tham gia vào mấy cuộc ăn chơi, karaoke và đàn đúm lắm! Bởi:

1.

Thường thì không rủ thì thôi, chớ rủ thì tôi sẽ đi! Cảm giác khi mình bị cho ra rìa trong một buổi hẹn hò đi chơi nào đó, khiến cho đôi bàn chân cứ thấy bứt rứt, y chang như kiến cắn! Cứ bổi hồi bồi hồi, hông biết không có mình thì người ta ra sao, người ta đang vui cười hớn hở ra đó, mà mình thì ngồi đây, chong ngóc, thấy sao mà đau tim hết sức! Nên không rủ thì thấy quê quê, rủ rồi thì sẽ cố gắng xắp xạn để ra đi, vui mà!

2.

Tính tôi thoải mái, chơi thì chơi tới bến, không e ngại, không rụt rè, theo kiểu con nhà gia giáo! Mà thực ra nhà tôi cũng dân giang hồ tứ chiên, đời mà, phải giành nhau mà sống, và theo lối ấy, tôi bày hết ra, để cho người ta, khi biết tôi, và khi hiểu tôi rồi, cũng không thấy hụt hẫng, dạng như dòm ngoài thì chua chát và bầm hầm dữ lắm, nhưng ngậm vào thì thấy sâu và lắng vô cùng! Đi chơi cũng vậy, chơi tới bến! Miễn là tôi có hứng, mà thường là tôi lúc nào cũng có hứng, khoái đi chơi hơn đi học!

3.

Tôi thuộc dạng chơi được, dễ hòa đồng! Nếu đi với người lạ, đặc biệt là những bạn theo thể loại hiền hòa và nhút nhát, thì thế nào tôi cũng sẽ xê dịch lại để ngồi kế bên, rồi khuấy đảo lên để họi han, dạng như nhà bạn ở đâu, rồi làm gì, như thế nào, thế nọ, thế kia! Theo cái cách ấy mà tôi thường đứng về phía người nào nhỏ bé, để vươn ra một bàn tay, để nắm lấy người ta và kéo về phía mình! Tôi thích che chở cho người khác!

4.

Quan trọng là tôi sung! Lúc nào cũng hừng hực như lửa cháy!

Chính vì thế mà hy vọng rằng sẽ được bạn rủ đi chơi, nhiều!

Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Ơ hờ - Căn bệnh của chúng ta!

Ơ hờ...

Hình như trên cái bờ lau này, món tôi thường đem ra đãi bạn, chính là xốc nải quá chừng những ơ hờ! Tôi ơ hờ ngày này qua tháng nọ, từ những gấp rãi của cuộc mưu sinh, từ những nếp than của những ngày xưa rỗi! Tôi ơ hờ với tập thể lớp, tôi ơ hờ trong những ký ức còn nặng mùi ngày cũ! Và khi tôi viết những dòng này, ơ hờ, đã trở thành một nỗi ám ảnh trong hơn một năm trời, ngày tôi dọn sạch cái bờ lau, đóng mốc đặt tên và mời khách ghé về rôm rả! (cơ mà cái bờ lau này, có mình tôi rôm rả, chớ mấy!)

Cho nên khi chỉ còn ba ngày nữa là tan buổi lớp, tôi nhiệt tình thò tai rỉ bạn, biểu bạn ơi bạn à, mình còn có ba ngày, là coi như cũng đành chia tay một thời đại học, không thơ mộng với giảng đường theo lối bậc tam cấp, không đóng cộc rụng rời với buổi học làm quen với xác chết ngâm trong phóc môn lần đầu tiên. Nên bạn ơi, mình nghỉ tay, đứng im với những miền mơn man ký ức, về bạn bè, về trường lớp! Rồi thì mình sẽ đóng thành tập san, có hình này hình nọ, có chữ của bạn này, có lời của bạn kia! Góp gió rồi ngày mai đây, khi không còn gặp nhau, không còn được đủ đầy những khuôn mặt này, ta vẫn còn chạy qua nhau trong quá trời những vầng ký ức, dù cắt xén quá chừng!

Tôi thấy tủi, bởi vì bệnh ơ hờ, mà tôi tưởng chỉ mình tôi có, thì giờ đây, bạn bè tôi cũng đã mắc phải, hình như cũng đã rất lâu rồi, hay là từ đó, mà lây cả sang tôi, ai mà biết được! Bởi vì, ngày cuối năm chia tay với lớp, biểu người ta tụ họp lại một chút đi, chụp lấy một vài tấm hình đi, mà người này người kia, cứ nườm nộp rủ nhau bận lên bận xuống! Tôi lại ơ hờ, ừ thì bận, tôi cũng bận mà, tôi vừa đi học, tôi vừa đi làm! Vị trí của tôi trong công ty, cũng có cao sang theo kiểu chỉ tay năm ngón gì đâu, tôi chạy lên chạy xuống, làm từ công việc nhỏ nhặt nhất! Rồi tôi còn đi học, rồi cũng con người bận rộn đó, lại ngồi vẽ ra một cái buổi nôm na là chia tay, rồi nhờ mọi người góp thêm chút gió, để cho vượt qua giây phút chia tay đó, là những khoảng lặng, khi không còn gặp nhau nữa rồi, sẽ có người cười, sẽ có người khóc, vì rằng là đã có một thời, ngồi chung trong một lớp học, có những gương mặt này, nụ cười này, tiếng nói này!

Bệnh ơ hờ đó, chắc cũng trầm kha dữ lắm! Cho nên từ bận mà tôi rỉ tai rủ bạn viết bài nghen, bạn cười ngỏn ngẻn, bảo biết gì đâu mà viết! Và ngay chỗ đó, tôi giận! Tôi giận chớ, bởi tôi có yêu cầu chi đâu rằng bạn phải viết cho hay, bạn phải viết cho xúc động vào, đặng khi đọc tôi khóc cho sưng mắt! Bởi bạn ơi, tôi trân trọng những gì bạn viết, tất cả những gì bạn viết, bởi giản đơn rằng đó là tình cảm thật của bạn! Chỉ cần có tấm lòng, thì dù là sỏi đá, thì cho đến ngày sau, mười hai mươi năm sau, cũng sẽ tìm nhau, cũng sẽ cần nhau! Nhưng biết đâu rằng, bệnh ơ hờ, cứ khiến cho con người ta ơ hờ, vô tình, dửng dưng mãi! Người ta có thể nhiệt tình quăng bom trên facebook, người ta kể chuyện về tình yêu, người ta than khóc bản thân, người ta tìm quên trong lời ca tụng cô ca sĩ tối qua vừa làm lay động tâm hồn hàng triệu người! Mà với tôi, chính mối quan hệ, ngày ngày gặp mặt, chính miếng khăn giấy mỗi khi đi toilet xong bạn nhẹ nhàng thảy qua cho tôi, chính tiếng bạn cười khi tôi nói chuyện mặn, chính việc bạn vui vẻ nhận lời đi lấy giùm micro cho buổi học theo đường dây tiếp nối, chính những lần đi ăn chè cùng cả nhóm, chính những con người này, chính những phút giây này, càng đáng được trân trọng, được ghi nhớ, được đóng dấu và lên giấm cho ngày mai!

Tôi không là bác sĩ, tôi không học trường y nên tôi cũng không biết làm sao chữa được căn bệnh ơ hờ! Trường Thương tôi học âm thầm, điểm chuẩn đầu vào cao lắm đấy nhưng nhiều khi cũng có quá chừng người lạ tai và chưa từng nghe nói đến! Trường Thương tôi học, gần gũi và đời như hơi thở, có những vụ con người ta sẵn sàng đánh đổi cái gọi là liêm sỉ để ăn cắp từ người bạn ngồi chung bàn với mình cái điện thoại, cười cười nói nói, giả tạo và thô bỉ hết chỗ nói! Đời lắm chớ khi chiều mưa có những bàn tay chìa ra, bảo lên tui chở về cho, dù đường quay về lập lầy nước bẩn, và phải vòng thêm cả một vòng xa ngái! Đời vô cùng vì ở trong tập thể ấy, người ta biết được rằng, ờ, mình đã gắn một phần cuộc đời mình với cái không gian và quãng thời gian này rồi!

Tôi đành vậy, nỗ lực cuối cùng nhằm đánh dấu cuộc đời mình cùng với hơn một trăm cuộc đời khác, bằng việc vận động những cuộc đời đó một lần dòm lại, rồi ghi ra giấy, để đơn giản là đóng dấu lại cái khoảng quen nhau, gặp nhau và có điểm chung với nhau, rồi thôi! Nhưng mà bệnh ơ hờ, đã làm cho tôi mếu máo! Tôi không thấy buồn!

Tôi chỉ thấy trống rỗng!

Căn bệnh ơ hờ đang dần ăn mất tôi!

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Buổi tối ở Petite Note!

Một ngày thứ năm, trời lạnh! Không cần áo khoác, không cần những thứ xông xênh giày nọ, áo kia, tóc tai chải thẳng, xéo, mượt mà các kiểu... Sáu người chông chênh chuôi vào Petite Note! Bốn cô gái và hai chàng trai! Đo độ tuổi của nhau bằng phải một hai con giáp! Những ngày bình thường cứ trôi, và khi ngồi trong không gian jazz ngày thứ năm yên tĩnh, một cặp ngồi chong ngóc trôi trong góc quán, sáu kẻ ngông trên người còn chơi trọn bộ công sở, tém vào trong góc hành lang, trên bàn có bình bông chuối, đang sắp tàn. Quán tềnh tàng, chỉ bật nhạc jazz, ông chủ là người quen, hiền và bình dân không như thứ nhạc anh vẫn chơi mỗi tối, nói chuyện mà cứ cười cười! Sáu người gọi cùng một thứ thức uống, và ngay chỗ nốt hoa mỹ ấy, họ chỉ im lặng chuyền cho nhau mỗi người ba tờ giấy, viết vào đó tất cả những suy nghĩ của mình!

Ngông nhiều khi cũng vui chớ nhỉ!

Một buổi tối ở Petite Note, tiếng việt là nốt hoa mỹ!

Vậy thôi!

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Lực ngăn bàn cũ - K46E chia tay!

Chỉ còn ba ngày đi học nữa thôi! Phải, vì chỉ còn ba ngày đi học nữa thôi, nên bữa qua quởn quơ mình ngồi lục lại ngăn bàn cũ! Để thấy rằng trong cái hộc bàn cũ kỹ đó, đầy ong ách những ký ức dễ thương vô cùng của hơn ba năm lặn lội dưới Sài trọ học! Và mình biết chắc ăn rằng, rồi thì sẽ khó mà đổ cái ngăn bàn ấy đi!
Bởi vì mình đã quen mất rồi cái góc ngồi cũ, với từng ấy khuôn mặt người chạy qua! Với T.Đ lúc nào cũng chăm chỉ, khéo léo, đảm đang ôm nguyên một mối tình tơ, đời có, người có giéo vào lòng mình một trời những ký ức! Bạn hiền y chang cơn gió nhẹ, một chiều không nắng bạn thổi cho lòng mình bớt lênh đênh! Giáng sinh năm nào bạn cũng tặng cho mình một tấm thiệp, có năm còn quàng sang cả thiệp đón năm mới. Tấm thiệp năm vừa rồi bạn tặng, mình cất sâu trong đáy tủ, tấm thiệp màu đỏ, làm bằng tay, nét chữ nghiêng nghiêng đẹp đến lạnh lùng! Mỗi khi nhận được quà của bạn, là coi như biết mùa sang trang, là tự nhắc bản thân đêm trừ tịch, dù gì cũng phải gọi cho bạn một cú, gọi là xông đất, gọi là chúc tết đầu năm! Hình như với bạn, có cái gì đó nhẹ nhàng, len lén, âm thầm! Bình thường thì không thấy nhớ, nhưng xa rồi thì lại không dễ để quên!

Với bạn Y.L! Dĩ nhiên rồi, trong xấp xải những gương mặt người, cuối cùng thì cũng còn có ba người bạn, mình, T.Đ, Y.L. quen nhau từ năm nhất, cái hồi ngơ ngơ ngáo ngáo, lúc đó chưa quen với ai, tự nhiên lại đi làm thân với T.Đ và bạn! Có lẽ cái chất giọng người miền Tây hào sảng, đã ăn đậm trong máu bạn, máu mình mà dễ khiến cho con người ta thân nhau, xích lại gần nhau! Đi qua mấy mùa Sài mưa, Sài nắng, là cũng bao bận cái mối dây ơ hờ tình bạn giằng néo giữa rôm rốp tiếng cười, khúc khuỷa những hờn giận! Và chính những nhiệt thành của những lần rải cảm xúc ấy, vô hình chung càng làm cho người ta càng thấy thân nhau hơn, hiểu nhau hơn, và cũng thấy buồn hơn, khi chỉ còn có ba bữa nữa thôi, là chia tay thiệt rồi, là không còn được ngồi cùng nhau ở chung một dãy bàn nữa rồi!

Và cũng làm sao mà quên được cô bạn hiền ngoan, dễ thương và xốc nải y như một cô bạn nít! Bạn thân với mình, thì cũng tự nhiên, nhẹ nhàng y chang như việc bạn luôn sẵn sàng giúp mình trong những lúc mình khăn khó nhất! Bạn chỉ mình các đứng lên, đôi khi giản đơn chỉ bằng việc mỉm cười và lạc quan dòm về phía trước! Bạn nấu bánh bột lọc cho mình ăn, bạn gói ghém mứt dâu và mình trộn chung với nước sắn dây ăn chung, thành ra một món gì lạ quơ quắc, mà lâu không ăn thì lại thấy nhớ, không phải vì ngon, mà chắc vì buồn cười! Và đâu đó tìm trong những thước phim còn lần thần trong khắc khoải những niềm nhớ, có một buổi tối bừng bừng niềm tự hào dân tộc, cả đám rủ nhau đổ ra đường mừng cho trận cầu chiến thắng! Đi đến hơn hai giờ đêm, giọng khản đặc mà tinh thần vẫn chưa nguôi máu lửa! Dĩ nhiên, chưa nguôi máu lửa, bởi vì bạn là một ngọn đèn không tắt, nhiều khi cừ lập lòe, âm thầm dẫn mình đi trong khản đặc những nỗi gập ghềnh!

Cũng cần nói đến những gương mặt khác, những giọng cười, tiếng nói khác! Như cô bạn quê gốc Quy Nhơn! Ngày lòng mình quặn sóng, vì những gấp rãi của bộn bề, gọi điện đến bạn, chỉ để nhờ bạn ủi an cho cơn sóng lòng bớt lặn đi, cho ngày mai, rồi thì mình lại thấy trời đang sáng! Hay bữa mình qua nhà mắc giùm bạn cái truyền hình cáp, mắc qua mắc lại thành ra mình không biết mắc! Tốn cả buổi chiều xà quần xà quần mà lúc về bạn còn cho mình một mớ nước mơ, gọi là đem về ăn lấy thảo, làm cho mình cứ phải nhớ hoài hoài!

Gương mặt khác, còn có H.Y, có H.T, toàn là những cô gái dễ thương, mà với nhiều người khác, họ là những người thương không dễ chút nào! H.Y hay gọi điện cho mình, nhắn tin cho mình, chỉ đôi khi là bảo ông ơi tôi sợ tôi thi rớt môn này quá, hay ông ơi hôm nay lớp mình nghỉ học đấy! Đơn giản lắm! Mà cũng có cần chi phức tạp, màu mè gì đâu! Tình bạn là những lần quan tâm ân cần, không suồng sã, không ba hoa, bạn với mình, ừ thì chỉ cần biết là có những mối quan tâm lẫn nhau, là đã thấy vui rồi!

H.T thì hay bị mình xin xỏ, biểu H.T ơi lì xì đi! Bạn móc ra một món gì đó, bỏ vô tay mình, gọn lỏn! Bạn lầm lì, ít nói đấy, nhưng còn tốt hơn gấp trăm ngàn lần những người nói nhiều và hay tỏ ra nguy hiểm khác! Bạn là bạn, và mình tin, rồi thì bạn sẽ vui nhiều thôi!

Vậy là chỉ còn ba bữa đi học nữa thôi, là coi như đời sinh viên đại học, trôi qua cái ào. Một chút gì đó, khiến cho tự nhiên trong lòng thơ thãi, lớp học này, những gương mặt này, nụ cười này, tiếng nói này… trong trẻo quá, và rồi thì cũng sẽ chìm mãi về một góc nào đó xa ơi là xa, lâu ơi là lâu! Lên giấm ký ức, đề những ngày sau còn dùng được! Nói yêu lớp mình thì không đúng, mà nói không yêu thì lại thấy quởn quơ, e hèm, dù gì thì cũng đã gắn bó với nhau hơn ba năm trời!

Lục lại ngăn bàn cũ, tự nhiên mà sóng mắt cay cay!

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Chủ nhật, ngày buồn!

Ngày chủ nhật (chữ của các bạn hải ngoại, hay gọi là ngày chúa nhật, hông hiểu tại sao).

Ngủ dậy khi trời đã sáng banh con mắt, bước ra ngoài bờ sông, thấy người ta câu cá, độ rày sao người ta chịu khó đi kiếm cá dữ, chắc trời lạnh lạnh, kiểu chớm tết, khiến lòng người phây phây, nên không có việc gì làm, sát sanh vậy!

Độ rày tâm trạng thiệt tình không tốt! Muốn về quê ghê luôn, nhưng cứ mắc mứ trong lòng, nửa chừng khựng lại, rồi bổi hổi bồi hồi, nghĩa là lận lựa và cuối cùng thì lại ở lại phố! Sài mùa này đã trở lạnh rồi, và sắp đến Nô en rồi, và chỉ còn vài ba bữa nữa thôi, là chia tay lớp học, chia tay chỗ ngồi quen thuộc, chia tay cả một quãng đường dù dài, dù ngắn bốn năm những chắc ăn là đầy ăm ắp kỷ niệm! Chuyện công ty coi như bỏ quên một bên, không muốn nhắc, không thèm nhắc! Chỉ biết rằng tâm trạng không tốt! Và tâm trạng đó, biến một sáng chủ nhật thành một màu khói, buồn te tái và lạnh tanh, đìu hiu quá đỗi!

Hôm qua gọi điện cho một số bạn! Gọi xong rồi lại ngồi đó suy nghĩ! Mình thèm tiếng người nói đến vậy sao? Nhất định là không! Mình cần có người đứng kế bên thiệt, nhưng mình không muốn dựa vào người, bởi vì dựa vào tường, tường sẽ đổ, dựa vào người, người sẽ phụ ta! Dựa vào chính bản thân mình thôi! Thèm tiếng người, đó thật ra chỉ là một trạng thái mơ hồ, kiểu như ngày xưa thèm đọc báo, cứ mong mỏi cho mau đến ngày thứ hai, đặng xách xe chạy ra sạp mua về tờ Mực Tím, đọc ngấu nghiến trên đường về, vừa chạy vừa đọc, cho đã cơn thèm! Nhưng tại sao lại cứ phải thèm tiếng người, tiếng của những người mà mỗi khi cất lên là cứ bảo rằng mình đang bận, chút nữa gọi lại, và rồi mất tăm! Vậy thì thôi, mình thèm tiếng người mà cái thèm rơi trong khắc khoải, thôi thì đành vậy, thèm thì cũng giữ trong lòng thôi, chớ còn biết cất nó vào đâu?

Muốn làm nhiều thứ quá! Dạng như bỏ hết công việc, bạn bè, gia đình, nhà cửa, đi ngao du một tháng trời! Qua những ngọn đồi nhỏ, đầy cỏ, có những lùm bụi sim, hay những hang hốc nào đó, để mặc sức khám phá! Ước mơ về một buổi tối, ngủ giữa đồng không mông quạnh, vác dao đi kiếm một mớ củi, hoặc chặt về mấy khúc mía, ăn trộm nhà ai một thức đồ ăn gì đó, rồi đốt lửa giữa đồng, đêm ngủ tha hồ nghe tiếng côn trùng rỉ rả, sợ thì có sợ nhưng khiến cho mình nhiều khi thèm đứt ruột! Đi cho thỏa những nỗi niềm gì đó của một ngày lòng còn rạo rực, để mai này, khi lửa đã lụi tàn, thì làm sao mà khơi lại chút lửa tàn đó đây! Rồi một sớm mai, thức dậy trên một khoang thuyền chòng chành trôi tơi bời giữa một vùng sông nước lặng gió, đón nắng lên từ những mộc mạc, dân quê của một vùng thương hồ miền Tây, để gọi một tô cháo lòng nấu huyết chấm nước mắm trong mà nghe tự trong lòng mình biển êm, lặng sóng! Thương ghê ghớm luôn đấy!


Vẫn còn đang trôi giữa vô vàn những tất bật của mẫu người luôn muốn làm chút gì đó, để đánh dấu một chặng đường, không pahir cho mình, mà cho rất nhiều người! Ngồi viết kế hoạch cho buổi farewell của lớp đại học, bỗng nghĩ ra hóa ra mình cũng còn nặng nợ ân tình với lớp này dữ ta! Rồi lúc gởi mail cho các đồng chí ban bộ cán sự, chờ nhận lại còm từ các đồng chí mà cơ hồ run như cầy sấy, hông biết các đồng chí ấy có tán thành hay không, hay lại bàn ra, bàn vào! Như thế này, mình đặt mình vào vị trí của một sinh viên bình thường nhất, tổ chức một dịp ăn chời nhảy múa cho tất cả những người còn lại! Cái mình muốn là tất cả mọi người đều tham gia được, đều thỏa mãn được! Chớ không phải là mình tổ chức chỉ để thỏa mãn mình, để lấy niềm vui cho mình! Mình cười khi bạn hay bảo rằng cần phải ấn tượng hơn, kiếm chỗ nào đó cho hoành tráng hơn! Mình cười chớ, vì hoành tráng chi mà trong lòng nhiều người không muốn nhìn mặt nhau, ghét nhau, thậm chí khing bỉ nhau! Mình chỉ muốn làm một cái gì đó, nhẹ nhàng, nhỏ thôi, nhưng đủ để cho tất cả những gương mặt này đều có thể tham gia được, đều có thể lưu dấu được, một chút gì đó, gọi là kỷ niệm! Mình vẫn chưa có ý định nối lại chút dây tình cảm nào với các đồng chí như P., như V., đâu! Dù mình biết rằng, ừ thì chỉ còn ba bữa học nữa thôi, để cho mình có thể cất lên tiếng nói! Chỉ còn ba bữa nữa thôi àh?

Chủ nhật, ngày buồn, và mình trôi!

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Sách cũ - Chữ của bạn Diệu Linh!

Cần tìm một quyển sách cũ để tham khảo cho bài thi tuần sau. Khổ nỗi không thể nhớ đã vứt nó ở đâu nên phải lôi cả hai bao sách xuống, mỗi bao chắc trên dưới 50 kg. Và cũng phải moi ra xem từng quyển để xem nó ở đâu. Và ta chợt thấy, toàn bộ hơn ba năm đại học của ta đều nằm ở đây.



Từ những quyển tập khi mới vào năm nhất, đậm chất học sinh phổ thông, vở sạch đẹp ngăn nắp, bút đỏ gạch chân, bao bì cẩn thận, có cả nhãn tên. Rồi đến mấy quyển tập năm 2, năm ba với hai ba môn nháo nhào trong một cuốn. Có môn còn chẳng cần đến tập, chỉ có slide và tài liệu, high light với bút chì, bút mực, comment dở hơi chạy loằng ngoằng, có tập thì toàn là dê gà ngan lợn với chữ kí làm chứng của cả đàn gà trong bàn.



Rồi thì cơ man là sách, từ mấy môn triết học cơ bản đến kinh tế vi mô, vĩ mô, triết học, môi trường, giao dịch, tiền tệ… sách gốc có, photo. Tài liệu học AV, luyện thi, trắc nghiệm của Thủy top, photo Phương…



Cả một mảnh đời sinh viên của ta đều ở trong này cả.



Tay run run mà lật ra từng trang một, ta như chuyển sang hoạt động ở chế độ dừng, không dám cựa quậy, chẳng dám thở mạnh. Mỗi trang mở ra là bao nhiêu kỉ niệm ùa về. Ta chỉ có yên lặng trôi bồng bềnh trong cái miền mênh mang vô tận của kí ức. Chẳng có gì là rõ ràng, ba năm đại học với bao nhiêu kỉ niệm ngổn ngang chồng chất. Nhiều lắm, nhưng nhanh lắm, và cũng mong manh lắm. Tưởng như rằng chỉ cần một làn hơi thở mạnh thôi thì những điều đó sẽ rơi rụng tan biến hết. Nắm tất cả trong tay nhưng cũng thấy mọi thứ cứ tuồn tuột trôi đi như cầm chặt một nắm cát tuôn chảy giữa các ngón tay. Càng cố giữ chặt nó lại càng chảy nhanh hơn.



Tim se lại và mắt hơi nhòa đi. Phải đến khi sắp mất thứ gì thì cái tính tham lam của con người mới làm ta thấy nó quí giá. Cánh cửa lớn đã hé mở, chỉ cần cầm lấy tay nắm và kéo nhẹ, bước chân qua cái ngưỡng cửa đó, tất cả những điều này sẽ được bỏ lại phía sau. Để rồi thỉnh thoảng ta chỉ có thể ngoái nhìn lại, thèm thuồng và tiếc nuối. Giống như những lúc mà ta thèm được mặc lại áo dài trắng, rồi ta cũng sẽ thèm được mặc lại đồng phục trường, ngồi trong bàn vừa nghe cô giảng vừa len lén tám chuyện, lúc rôm rả đứng ngoài hành lang gặp bánh mì, khi lê la ở ghế đá VJCC hay ngồi gân cổ cãi nhau ỏm tỏi về bài tiểu luận nào đó.



Các cậu ạ, tớ đang nhớ những điều sắp qua.



"Đây là chữ của cô Diệu, viết vào một ngày mà cả đám bạn ai cũng đang tất bật cho mấy môn thi đầu tiên, học kỳ bảy, học kỳ gần cuối! Cô viết bài này hay! Mượn chữ cô, gắn lên bờ lau này đãi khách, vậy!"

Thèm ký ức....

Bạn tôi, nhiều đứa ngạc nhiên, bởi trong tất bật ngày hội thanh niên ở trường, thấy tôi đi cà kheo bén ngót! Ngạc nhiên lắm, bởi với nhiều đứa, cà kheo y chang như một thứ quà xa xỉ, nào giờ chưa được đụng, hay thật ra, mỉa mai, không dám đụng! Và tôi, trong một chừng nào đó, tôi thấy bình thường! Bình thường như cái câu ơ hờ, tôi trả lời bạn, trời đất cơi, cái này tôi biết đi từ hồi nhỏ, hệt như con nít vùng quê phải có tắm sông, phải có trốn ngủ trưa đi bắt cá, phải biết độn cơm làm diều, phải biết chơi ống thục, phải biết rú trong góc tường đánh tiến lên, trèo cây hái ổi, đi lượm hột điều ngày người ta thả giàn, khi trời nổi gió to thì rủ nhau vô rừng cao su lụm củi… Đi cà kheo, thiệt sự ra đã ăn sâu vào hơi thở, của tôi, như bao nhiêu những thức trò bình thường, và dân dã khác, mà tôi liệt kê phía trên kia!

Ngay hồi nhỏ, nghĩa là nhỏ xíu luôn đấy! Tôi đã tập đi cà kheo! Lý do duy nhất, và đơn giản nhất, là bởi vì con nít cả xóm ai cũng biết! Tôi là con nít của xóm, lúc nào cũng bu vô tất cả các trò chơi của xóm, thì không có lý gì, tôi lại bỏ qua được đôi nạng cà kheo! Cái thời mà cây đinh, nước sơn, nước đá, đèn cầy, dầu hôi, thuốc sổ, thuốc nhức đầu, sổ mũi cả thảy đều được thảy vô một tiệm tạp hóa (mà hồi xưa, nhiều khi cả xóm chỉ có một cái, nôm na ai cũng kêu bằng quán, đi quán, ai đọc chữ cô Lan, hoặc chị Tư, chắc ăn sẽ biết về một hình thức của trao đổi hàng hóa thông thường bình dị này, chỉ khác ở chỗ, cô Lan viết về nó với tên gọi là tiệm chạp phô, hồi những năm chín mươi thế kỷ trước. Còn chị Tư lót đót theo sau, bình dân chỉ gọi bằng quán, mà thôi!).

Việc đóng cà kheo trước hết phải có tầm vông, mà tầm vông chỗ tôi không thiếu, xóm cần xé mà, trúc, tre các loại đều có đủ. Trước nhà ai cũng có dăm bụi trúc, hai ba bụi tầm vông, sau nhà thì có mấy bụi tre kẽo cà kẽo cọt làm hàng rào ngăn nhà mình với nhà hàng xóm. Có nhà chơi ác, trồng cái thứ tre gai, gai rụng đầy ên dưới đất, con nít hay chạy nhảy, nhảy từ bờ rào này qua bờ rào khác, sứt đầu chảy máu thì không có mà toàn bị tre đâm thủng chân, con nít quê, có bao giờ đôi dép liền chân đâu. Mà cha má cũng ác, đồn câu chuyện rằng là ngày xưa con rắn nước độc lắm (rắn nước là cái thứ rắn hiền nhất, cắn đau nhưng không chết, gì chứ anh bà con của tôi đi ruộng, bị cắn hoài và cũng đem về mần cháo ăn hoài!). Rồi một bữa nó chán cái cảnh sống đời rắn độc, nên rủ bỏ hết nọc đi, khoác áo cà sa, cắn người không chết. Và thứ nọc độc của nó, được trút hết trên mấy cái gai tre. Má ơi, hồi xưa tôi thuộc nằm lòng cái câu chuyện đó, y như những câu chuyện khác, kiểu như đi ngoài đường thấy cái gì cũng đừng lụm, coi chừng bùa ngải, đừng đi về khuya, ma nó bắt về cho ăn bún, mà thực ra toàn là giun trùn các thứ, hoặc giả muốn khôn thì đừng ăn trong bóng tối, phải kiếm chỗ sáng mà ăn, không được bước qua sào đồ người ta phơi, bước qua thì ngu lắm, những nếu lỡ bước qua rồi, thì phủi đầu ba cái, coi như trả nợ quỷ thần. Ngày nhỏ tôi phủ đầy những bí quyết thông minh sáng láng, được truyền hồn nhiên giản dị qua những lời dặn của má, của cha, của chị, của anh tôi! Còn chuyện đạp gai, thì phải chạy ngay về nhà, nặn cho ra hết mủ máu, coi chừng bị phong đòn gánh, bị trúng độc mà chết. Thói quê của tôi hay đem đôi dép mũ trắng, có lỗ chỗ trên cái quai, mà bây giờ ít người hay mang. Kiểu dép ấy theo tôi mãi đến năm lớp tám, từ nhà tới trường, thân còn hơn bạn, đeo còn hơn đĩa, được cái xài bền. Giờ hông còn thấy con nít mang nữa, người lớn cũng không, dép Việt Nam, làm bằng mũ, đứt thì bán ve chai, lợi cả đôi đường, mà bây giờ người ta chuộng dép Hàn, Trung, Nhật, Mỹ, nên đâu còn ai mang thứ dép cổ hũ đó nữa đâu!

Đóng tầm vông phải đóng bằng đinh, bữa đi chơi hội thanh niên trong trường, thấy các bạn mình chơi dây ràng nẹp lại hai bên, dòm cười muốn sặc máu mũi! Đinh thì không thiếu, nhưng nghĩ nghĩ một hồi, rồi tự nói với bản thân chắc là cái này người ta làm cho tiết kiệm, sinh viên mà, lấy dây cột lại, rồi hết chơi thì tháo ra, khỏe re, khi nào cần thì mang ra xài tiếp! Chớ con nít quê, mấy cái trò chơi dân dã, đạo cụ nọ kia được công phu chế biến dữ lắm! Đôi nạng cà kheo được đóng từ lúc cây tầm vông còn tươi nguyên, nặng gần chết! Kiếm trong thùng đồ nghề của cha được lóc cóc mấy cây đinh, đóng chắc cùm vô hai đôi nạng, vậy là thành ra đồ chơi suốt ba bốn mùa sau kế! Cả tuổi thơ hình như tôi đóng ba, bốn đôi cà kheo, không phải vì bị hư, mà chủ yếu vì tôi lớn lên, cao hơn và phải thích nghi dần với một chiều cao mới!

Chơi cà kheo, cái thú là nguyên đám con nít, đứa nào cũng có một đôi! Rồi trưa trốn má ra ngoài đường cái, đi cà kheo rủ đứa này đứa nọ, rồi chạy đua trên đôi cà kheo! Chia phe chơi đánh lộn, đá đá cái chân coi chừng té lọi giò! Cái thuở cả xóm ai cũng nghèo, cái xe đạp không có mà đi, thì hỡi ôi được di chuyển, bằng một phương tiện khác, không phải bằng việc đặt bàn chân mình tiếp xúc trên mặt đất, đã là cả một niềm vui to lớn rồi! Chơi cà kheo cũng có mùa có vụ, y chang như bữa thấy trời chiều gió bự, thì biết ngay mùa thả diều tới! Lôi trong mớ giấy tập học trò năm trước ra, rứt năm sáu đôi giấy, rồi bắc nồi cơm, chờ cơm vừa trổ giò, móc ra một bụm nhỏ, cơm nhão, dễ dính! Rồi bắt đầu cắt cắt, dán dán, hai dôi giấy ghép lại thành cái đầu diều, kiếm cái nón lá rách cũ của má, lọc lấy mấy thanh nang nhuyễn rí mà cong cong đem dán vô làm bộ khung, rồi giấy nhỏ cắt ra, quấn vô từng lọn, từng lọn y chang như cách trang trí rạp đám cưới mà cái hồi chín mươi thế kỷ trước đang thịnh! Mất chừng mười lăm hai chục phút và có con diều, chơi chừng một tuần là chan, diều đứt nút, cho nó bay tuốt luốt giữa xấp xải quá chừng niềm vui! Hay khi thấy trời ui ui, mưa nhỏ nhẻ là biết mùa nấm mối, nấm dai! Nấm dai là thứ nấm hay mọc dưới góc tre, trúc, tầm vong, màu trắng, ăn dai dai, kho khô với nghệ và xả ớt, ngon bá cháy bồ chét! Xứ tre trúc, nên vô mùa nấm là rủ nhau đi bẻ, xách cái rổ đi chừng nửa tiếng đồng hồ, là thể nào trưa cũng có món nấm dai kho khô ăn đã cái họng!

Mùa nào trong năm cũng có thứ để chơi, để vui, và để bây giờ ngồi tôi nhớ đến đứt ruột! Hình như khi con người ta càng thừa thãi thì lại càng thiếu thốn, về một mặt nào đó! Bữa đi chơi trong trường, bạn dân phố thấy mình đi cà kheo bén ngót, khen nức nở! Trong đôi mắt bạn, tôi thấy thiếu quá chừng những niềm vui con trẻ, giản dị và gần gũi với tôi lắm! Nhưng mà biết đâu, tôi cũng đang thiếu thốn mà, ký ức có ăn được đâu, nên cứ làm cho người ta nhớ hoài, thèm hoài! Ví dụ như buổi trưa, thèm một tiếng ú ơi rủ đi chơi năm mười, tạt lon hay thùng binh thì hay phải biết!

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Bức thư viết dở - Thư gởi má (số 3)

Má, con lại biên thơ gởi má! Độ rày tâm trạng con hổng được sáng sủa cho lắm, má à! Sáng qua đọc báo, thấy tin nóng hổi nhất, là vụ giẫm đạp kinh hoàng ở đất láng giềng nhà mình! Chắc ở quê nhà, má đã biết lâu rồi, cũng bởi vì nhà mình nằm gần nhà láng giếng quá, nghe mà cứ ngỡ như sát bên hông, nghe sát rạt! Số người chết bằng nguyên ba bốn cái xóm, chỗ con đường đất chạy tòn ten qua nhà mình chụm lại! Dòm trên mấy cái hình chụp trên báo, thấy cả mặt cầu phủ toàn là quần áo vất vơ vưởng, dép thì hỡi ôi đủ mở hai ba cái shop, và con nghe có tiếng kêu cứu, đồng vọng từ những thứ đồ còn lại! Chắc là đau và chật chội dữ lắm má! Bởi Ninh mình, năm nào mà hông có những tiếng kêu ấy, vào tháng tám, lúc trời mưa tâm tẳng, và người thì quyện trong người, mồ hôi trong mồ hôi! Chỉ thiếu xíu nữa, thì biết đâu Ninh mình cũng có chuyện để làm báo, để chiều nay con bồi hồi, biên thơ cho má mà chữ cũng lấm lem!

Con nói chuyện nhà người, để lại một lần nữa, nói về chuyện đó, chuyện mà lằn ranh, giữa hơi thở và giấc nằm im, thin thít giữa đất và người, mong manh và dễ vỡ đến tàn bạo! Người ta hăm hở đi chơi, hòa vào những rôm rốp niềm vui, xủng xẻng những tiếng cười, rồi giữa chừng người ta giẫm lên nhau, đạp lên nhau, để cuối cùng, tiếng cười rơi đi trong tiếng khóc, máu và nước mắt! Má nói giỡn, con đi làm, trên tầng 10, dám phải thủ sẵn một cái phao, hay cái dù, lỡ có cháy, thì mình tự cứu! Gì chứ đi làm ở khoảng không gian cao, nếu có chuyện gì xảy ra, chỉ có nước chết! Bữa ngồi nhớ đến má, con đi kiếm cái cánh cửa thoát hiểm, và lên mạng, tìm coi cách nào để khi xảy ra sự cố, con có thể cứu được bản thân. Nghe nói, khi có động đất, thì nhảy ngay vô gầm bàn, hoặc ôm gốc cột, đó má!

Mấy anh chị đồng nghiệp kể lại, vào một ngày bình thường, như mọi ngày, ai làm việc nấy, việc văn phòng, lọc tọc trước màn hình máy tính, nhởn nhơ lướt qua các phím a, b, c. Rồi cái trần nhà rơi ra, rớt xuống đầu của năm người ngay choc khu vực đó, có người gãy cổ, bể đầu, đa chấn thương! Sự cố xảy ra, còn một ngày nữa là cuối tuần, khi ngày mai, có người có buổi hẹn sớm trên công viên, chụp hình gia đình, người đi chợ, người hẹn thứ bảy để tìm thú vui đọc hết cuốn sách mới ra tuần trước, người mong chờ một giấc ngủ, mòn mỏi cả năm ngày rồi! Và không ai nghĩ rằng, khi ngồi trong văn phòng, lại có thể xảy ra, những chuyện như sập trần nhà ngân hàng Z. Ngôi nhà cũ, xây từ thời Pháp, mấy chục năm trước, đã có quyết định thôi không làm việc ở chỗ đó nữa, và chưa đầy hai tuần nữa thôi, là người ta dọn đi chỗ khác. Hai tuần nữa thôi, mà người ta đã chạm rất gần vào lằn ranh giới kia mất tiêu rồi, má à! Và khi sự cố ấy xảy ra, con đi làm bình thường, cả buổi sáng lục đục chạy sang ngôi nhà đó, rồi khi vừa chạy về văn phòng, đếm được đâu chừng mấy lượt thở ra, thì nhận được tin trần nhà bị sập! Đó, má thấy không má, lằn ranh kia nó mờ mịt và bất ngờ quá chừng đi má ơi!

Lần nào biên thơ cho má, cũng toàn nói đến ba cái chuyện chết chóc, thiệt là bực mình quá phải không má? Cho nên chuyển qua kể chuyện khác, nhưng cũng hổng có chuyện gì sáng sủa lắm đâu má ơi, bởi tính con ích kỷ, chuyện vui thì chia sẻ một mình, để một mình ên, còn chuyện buồn thì tênh hênh kể ra. Nhưng như thế thì nhiều khi lai tốt, má nào mà không hy sinh cho con cái, má há!

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Trân trọng cảm ơn!

Hôm nay là một ngày bận rộn! Bởi sau hơn hai chục cuộc goi, nhắn tin tá lả đến trên một chục người, tôi không rủ được thêm bất cứ ai trong cả một tập thể hơn một trăm hai mươi người! Chính vì lẽ đó, tôi trân trọng gởi lời cám ơn đến bạn yêu quý của tôi, những người đã cũng tôi, trong nỗ lực níu kéo lại một chút gì đó của thời sinh viên, giảng đường và ngày của nắng, của gió, nhiệt huyết và tuổi trẻ! Sau ngày hôm nay rồi, coi như tôi chia tay với những niềm vui, những nụ cười bất tận! Tôi sẽ ít cười hơn, ít nói hơn, ít vận động và cũng ít chia sẻ với mọi người hơn! Một tháng nữa tôi sẽ không còn viết blog, tôi không còn tíu tít mời khách đến thăm nhà! Tóm lại là, tôi trân trọng cám ơn bạn! Những người mà tôi sẽ viết thẳng tên ra, dĩ nhiên, cũng không phải là chuyện bình thường, sau này! (Nếu để ý, nào giờ chỉ có mỗi một người tên viết thẳng tên thiệt ra, còn những người viết tắt, tự hiểu là tình cảm cỡ nào đi nhá!)

Cám ơn Vũ!

Tôi không thân với bạn, bởi lẽ bạn có cái gì đó hơi lênh đênh! Bạn không thường đến lớp, bạn không trùng với cái gout của tôi! Bạn đạo Chúa còn tôi thì đạo Đài! Nhưng tôi gặp ở bạn sự hết mình! Hôm nào làm đại hội chi hội, tôi còn nhờ bạn góp vui cho lớp một bài hát văn nghệ! Tôi nhờ bạn, bởi ngoài bạn tôi cũng hông còn biết nhờ ai! Tôi không thân với bạn thiệt, nhưng tôi muốn gởi lời cảm ơn đến bạn! Bởi vì không cần gượng ép, bạn vẫn nhiệt tình tham gia với tôi trong một buổi mà chán cháo, chè, xôi. Ai cũng quay lưng lại với tôi, bạn thì khác! Bạn là Nguyễn Trần Hoàn Vũ!

Cám ơn Trần Thị Ly!

Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi gặp bạn trong lớp tiếng Anh. Đó là buổi học thứ hai tôi làm quen với giảng đường! Tôi quãng đó là một thằng sinh viên tỉnh lẻ, tiếng anh chỉ ù ù cạc cạc, không nghe nói được, nên dĩ nhiên, tôi chọn chỗ ngồi cho mình ở bàn cuối! Tại nơi đó, tôi ngồi chung với Ly! Tôi nhớ bạn rụt rè, khi thầy phân công từng nhóm, gồm bàn trên bàn dưới ráp lại với nhau, lên nói về TOEIC là gì. Bạn rụt rè, bởi bạn y chang tôi ở chỗ, bạn cũng là sinh viên tỉnh lẻ, không giỏi tiếng anh và còn nhiều lý do khác, tính cách của bạn, chẳng hạn! Ấn tượng không đổi về bạn vẫn là một cô gái dịu dàng, thích nhạc sến giống tôi, mái tóc bạn suôn, dài và đen dữ lắm! Mái tóc ấy ám ảnh tôi nhiều, bởi gout của tôi ở chỗ đó, con gái tóc dài, đen và mượt! (Ơ hờ, bạn có bồ chưa ta?). Sau bốn năm, bạn vẫn như thế, dịu dàng, mềm mại, và mái tóc, phải, vẫn là mái tóc, dài và đen đến lạ lùng!

Bạn khá cởi mở khi nói chuyện, tôi thích cách bạn thủ thỉ tâm tình! Tôi cũng nhiều bận ngồi nghe bạn nói, về chuyện con trai đừng làm con gái khổ! Có lần bạn rủ về nhà chơi, ở Tàu. Đợt đó tôi từ chối, vì tôi cũng về quê, Ninh! Tôi cảm ơn bạn vì chiều nay, trong xấp xải những chuyện buồn vui, bạn đã đến chia bớt cho tôi một gánh nặng của lần cuối cùng của đời sinh viên. Cảm ơn bạn, vì nhiều lẽ! Nhưng trong hoàn cảnh mà không ai thèm đoái hoài đến mình, dĩ nhiên, đó là những gì đáng quý nhất! Tôi nhắn tin, không gì khác ngoài hai chữ cảm ơn!

Cảm ơn Diệu Linh!

Năm nhất tôi không thân với bạn đâu! Bởi bạn thuộc vào một thành phần khác của lớp, luôn hết mình cho việc học, ít khi đi chơi! Nhưng ở bạn có điểm gì đó thu hút! Ngoại hình tròn tròn, nhỏ nhỏ, vui vui! Bạn học khá, có thể xếp vào hàng giỏi của lớp! Bạn hay có những suy nghĩ tuyệt vời, thuyết trình hay, tiếng anh khá! Đến giờ tôi vẫn còn ấn tượng bởi phần giới thiệu của bạn về đội Gà 121 của Axioo, đơn giản và hiệu quả!

Năm hai, học nhiều, chơi nhiều và nói chuyện nhiều, mới biết bạn cũng thuộc loại học hết mình, chơi cũng tới bến! Thích bạn trong nhiều lần đỡ phụ tôi một vài hoạt động của lớp, đi họp thay, chịu trách nhiệm thay! Bạn ầm ào nhưng biết lắng nghe! Bạn thuộc mẫu người phụ nữ hiện đại! Chiều nay, lúc gọi cho bạn, để chắc chắn rằng bạn sẽ đến, tôi biết, tôi yên tâm dữ lắm, bởi bạn cũng có điểm chung giống tôi: ít khi trễ giờ, và là người đến trước, trong nhiều cuộc hẹn! Tôi thích những người như thế!

Tôi cảm ơn Vũ, Trần Thị Ly và Diệu Linh! Bởi ngày hôm nay, bạn đã cùng tôi đóng lại một quãng mới của T.P! Bởi chiều nay, bạn đã cho tôi một cái kết thiệt đẹp của đời sinh viên! Ngày hôm nay, là một ngày bận rộn, ai cũng quay lưng lại với tôi, chỉ có ba bạn, là nắm tay tôi, cầm tay tôi, dắt tôi đi qua một buổi trưa trời lặng gió, chỉ có một tiếng khóc! Tôi biết, đó là tiếng cười, chào đời của một T.P mới!

Xin cảm ơn!
Trân trọng!

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Ngày mai trời có sáng không?

Bạn mình rải câu hỏi ấy vô tâm trí mình, vào một buổi chiều trời Sài mưa tầm tã! Dòng mesage trên face còn hôi hổi nóng, bạn nói tao biết mày đang buồn! Cơ hồ độ rày mình hay cảm thấy trống rỗng quá! Có thể tại trời chiều hay mưa, mà đã bước sang nửa tháng mười rồi, còn già hai tháng nữa là tới tết. Cũng có thể tại vì sắp sửa không còn phải đi học, không phải mỗi sáng xấp xải tóc tai bởi hởi bời hời chạy lên tận năm cầu thang đến lớp, nhiều khi chỉ để thử coi micro có đứa bạn nào lấy cho thầy coo chưa, bảng có lau chưa? Thấy khổ ghê vì những việc đó có phải là việc của mình đâu, có bắt buộc mình phải lo đâu! Nhưng kệ, những người hay nghĩ về những chuyện nhỏ nhặt ấy, dễ chơi! Mình cũng hơi lạ lùng, vì câu hỏi Ngày mai trời có sáng không lại rơi ra từ phía của cô bạn ngày thường hay cúp học (nhưng mình đồ rằng cô ấy học một lúc hai trường, Thương và Phạm, dè đâu, đúng thiệt!). Tháng tám vừa rồi bạn đã dự một lễ tốt nghiệp, bạn đang chờ đến tháng mười một năm sau, dự tiếp một buổi lể khác, nhận thêm một tấm bằng khác, bằng cử nhân kinh tế! Và trong giai đoạn này, bạn đang mày mò xin việc làm! Mình phục bạn, bởi bạn bề ngoài cười cười nói nói, cúp học triền miên mà kỳ nào cũng qua, môn nào cũng qua! Điểm không cao nhưng đủ xài, miệng mồm lanh lẹ, vô tư lúc nào cũng nghĩ như bạn chỉ khoái ăn chơi! Dè đâu trong một buổi chiều ế ẩm, bạn rải lời trong tâm trí, cho mình biết rằng là, à, bạn cũng đang đau đầu với cái gọi là tương lai sự nghiệp, với người đã có một tấm bằng đại học lận lưng!

Dòm hình trên album của anh chị khóa trước, thấy xênh xang mũ áo, thiệt tình rộn ràng quá đỗi! Mình cũng muốn ngay lập tức tới phiên mình, đội cái mũ ấy, cái áo ấy, rồi cầm chắc tay tấm bằng đại học, hơn ba năm rồi đêm nào mình cũng nằm mơ thấy cái ngày ấy! Nhưng chỉ còn vài tháng nữa thôi, mình sẽ như người ta, tự nhiên lại thấy trống rỗng! Ý nghĩa cuộc đời là gì nếu như mình cầm tấm bằng kia đi, quay quắt chạy theo những giấc phù phiếm, một ngày dòm lại, mình cũng chỉ là một vết đời. Bạn mình, theo cách nói của nó, đã được khai sáng bởi Phật, nó quê gốc Ninh, học chung cấp ba với mình, ngày xưa nó tếu táu, ăn nói dẻo queo, mà giờ lúc nào cũng chậm rãi, hay là mình ngày càng rốp rẻng và sống lẹ quá, nên thấy bạn mình tự nhiên ở phía xa lắc xa lơ! Độ rày mình cũng thấy mình tốc độ, ăn nhanh nói nhanh tắm cũng nhanh!

Rồi mình mừng cho các bạn, những bạn kiếm được cơ hội nghề nghiệp! Nhưng tự nhiên tối qua ngồi chat với một bạn khác, hiền lắm, dễ thương lắm! Chung lớp đại học, quê bạn ở chỗ Hòn Đất ấy! Bạn học bình thường, mỗi ngày trôi qua bình thường. Bạn chia sẻ về những tâm tư, tình cảm và cả những lo lắng về tương lai sắp tới! Bạn lo, mình cũng lo! Nhưng chỉ biết an ủi chứ biết làm sao! Mà nghĩ cũng kỳ, anh cùng phòng, học trường dân lập, hơn mình một tuổi, đến giờ này mới đi làm, chưa tròn một tháng đầu tiên, mà thấy họ có lo âu bối rối chi đâu! Mà lớp tụi mình, chưa chi đã lo cuống cuồng sợ mai này thất nghiệp! Mình cũng vậy! Bởi vậy mà lúc nào cũng thấy nặng nề, tới tâm trạng để ngồi làm đồ ăn đãi khách trên cái bờ lau này cũng bay đi đâu mất!

Còn có vài ngày nữa thôi, quậy cho nát nước đời sinh viên! Mình quăng lên facebook như thế! Biết quậy gì đây ta? Cũng được bạn bè ủng hộ, nhưng rồi mình nhẹ nhàng biến mất, tại vì cũng có biết bày trò gì đâu! Ai cũng kêu phát động đê, tui sẽ tham gia! Nhưng người đứng đầu cho những trò vui ấy, hiện có còn chút nào nhiệt huyết nữa đâu mà cầm cờ vẫy gọi! Hẹn bạn một dịp khác vậy! Độ rày tâm trạng mình khá lung tung!

Còn nữa! Tự nhiên nhận được mail hỏi thăm của bạn! Bạn khác nhé! Nhưng mình cũng dửng dưng! Chuyện của mình, mình tự giải quyết! Chỉ có điều, không biết ngày mai trời có sáng không? Mình không thích chia sẻ, giải bày, vui thì mình giữ kín trong lòng, buồn thì mình trút lên người khác! Hóa ra mình cũng ích kỷ dữ! Nhưng kệ, mình kệ rằng ngày mai trời có sáng không? Mình vẫn thích tâm trạng mình những ngày như thế! Tin cấp báo nhé, sáng nay (21/11 - cái giờ trên cái bờ lau này bị điên, lúc nào cũng trễ hơn giờ thực tế lúc mình ngồi làm cỗ đãi khách!), trời Sài có sương mù! Hơn tám giờ rồi mà mình vẫn chưa thấy nắng, và lạnh! Tối qua rằm tháng mười, trên sông người ta thả nhóc đèn hoa đăng! Cảnh đẹp! Và tâm trạng mình, vẫn cứ trôi lơ lửng ở đâu!

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Đất nhà ngoại!

Nhà ngoại tôi, nằm ở lưng chừng dốc Hồ. Ngược đầu về phía Xã, đụng đầu dốc cao chót vót, ngày xưa đi bộ mỏi hết cả lưng trần. Còn nếu quay đầu về phía Thành, cũng lấp lửng một con dốc nhỏ, nhỏ thôi, nhưng cũng đủ cho ngày thơ tôi tập tành xe đạp, phơ phởi cả đầu ngọn tóc.

Trước cửa ngà ngoại, hồi nhà nước chưa mở đường, mở xá, tròng trành chảy một con mương nhỏ, mùa khô nước chảy tềnh tang, mùa mưa nước đổ như suối, cá chạy o e, tôi nhổ giờ lớn lên cũng từ hai bờ mương ấy, nhảy qua nhảy lại, lớn hồi nào mà tôi cũng hổng hay! Rồi năm hai ngàn lẻ mấy, người ta vẽ vẽ đo đo, trả cho dì út tôi một mớ tiền bù cho phần đất đem ra công dựng, sửa sang, mở mang đường huyết mạch nối Thành với Xã. Cây xoài ăn trái được mùa Tết đầu, mấy cái hột chưa kịp rủ đất đứng lên, bàn thờ ngoại chưa kịp xênh xang với cây xoài ngoại trồng nay đã có trái, chưng tết, thì bị người ta bứng đi. Cây mãng cầu tôi hay rình bẻ trái chín, cây lão, nên trái nhỏ xíu, mãng cầu bở, hột không! Dàn phát tài, loại chỉ vàng cuống lá, rồi dàn bông trinh nữ hoàng cung, cái bờ giậu bằng kẽm tây cũ… tất cả bị lôi về phía dĩ vãng. Trước nhà mọc lên một công trình, rồi đường ra Xã từ nay thênh thang, bốn làng đường thoải mái. Nhưng với tôi, mãi cho đến tận sau này, không hiểu sao vẫn cứ hoài nhớ về một hình ảnh quen thuộc trước cửa nhà ngoại, mà không gì có thể so sánh được

Đối diện nhà ngoại, có một phần đất trống, người ta đồn đất thầy pháp, làm ăn không lên, nên hổng ai thèm để ý mua, dù đất nằm mặt tiền, thuận bề mần ăn sinh kế. Trên mảnh đất trống ấy, mọc lên một bầy chuối, không phải chuối già, chuối sứ, chuối sim… bán ngoài chợ, mà là loại chuối si mon, trái nhỏ, ăn có vị chua chua, mau ngán. Người ta không hảo loại chuối si mon này, bởi nó thuộc về một loại chuối rừng, theo kiểu không cần ai chăm sóc, tự lớn, tự nuôi thân, trái nhỏ, mà thân cây thì bự tổ bố. Mấy nhà nuôi heo khoái mấy thân chuối si mon lắm, vì bự, đốn đem về cắt khoanh nhỏ cho heo ăn, đỡ phần nào tiền cám. Mà tôi cũng đồ rằng, cũng vì là chuối si mon, nên anh chị em tôi mới có được những tuổi thơ không thiếu chuối, vì hổng em thèm để ý đến mấy thứ chuối rừng dại kia.

Bên cạnh đám chuối si mon ấy, mọc lên một cây ổi sẻ, cũng là một loại cây rừng khác, không cần ai chăm bón, tự lớn, tự nuôi cây. Ổi sẻ không to, nhỏ cỡ ngón tay cái, hoặc bự hơn một chút (bởi vậy mới có tên là ổi sẻ, nho nhỏ, se sẻ như con chim se sẻ), hột nhiều, vỏ mỏng, thịt hổng thấy đâu hết trơn. Nhưng ổi sẻ ngon, thơm và ngọt vô cùng. Cây ổi sẻ cũng không to, trái thì mọc thành từng chùm, dòm thèm phải biết! Ổi trái nhiều, nhưng con nít chung xóm thì còn nhiều hơn. Đầy o những lần mà trái ổi chưa kịp chát, đã có đứa mân mê bấm bấm mấy cái móng tay đặng coi hàng. Rồi thì cả chùm ổi đều bị thử hết ráo, đến lúc trái chín thì dòm hết ra, nghẹt dấu bàn tay, của những trẻ nít thèm thuồng!

Không dư dả nên món quà thơ trẻ nhiều khi chỉ là một trái ổi chín, một chùm nhãn lồng, thứ trái nhỏ xíu, màu vàng, mọc thành từng chùm, trên rừng, trên rẫy, hoặc một con cào cào bự chà bá, thiệt khác so với những con nhỏ xíu, nhảy lóc tóc trên những đám cỏ trước bờ nhà. Nhà ngoại tôi, hồi chưa đập ra xây lại vào năm chín mươi mấy, thì trước nhà có bậc tam cấp, ở chỗ đó có những vở cải lương, kiểu Bao công vô lò gạch, được anh chị em tôi chia vai ra diễn, cũng có hát ư ử cải lương, hoặc giả là chúng tôi cho là cải lương, cũng có xử án, đập mấy cục gạch kêu chảng chảng! Rồi bên hiên nhà có cái giếng, trên có cái ống cống, chiều nào con nít cũng le te xách cài gầu ra tắm, tắm tập thể, tắm lộ thiên. Quần áo treo tòn teng trên hàng rào dây gai kẽm, bay ngang tàng giữa những tiếng cười khúc khắc! Nhà ngoại tôi lúc đó không dư dả, nhưng lúc nào cũng rộn tiếng cười con trẻ. Ngoại có cả thảy mười người con lận mà!

Không hiểu sao tôi có cảm giác nhà ngoại như nhà mình. Chắc bởi vì ngày nhỏ hay lọc tọc chạy về ngoại, khoái chơi với mấy anh chị em bên nhà ngoại, khoái cái tủ sách báo của út, khoái cái không gian thờ tự cổ xưa trong ngôi nhà đã nhiều mai một, khoái tiếng đồng hồ rị mọ tình tang khiến mình sợ ma gần chết mỗi khi ngủ trên bộ ván gõ trước ba bộ bàn thờ, khoái luôn rồi cảm giác sáng dậy sớm nghe tiếng nổ động cơ biết rằng trời đang chuyển dần về sáng, âm thanh ấy bây giờ không còn cảm thấy nữa, chắc bởi con người ta ngày xưa chạy trong tiếng máy nổ mà âm thầm lặng lẽ đối mặt với cuộc đời, không như bây giờ người ta hối hả lăn xả quằn quại để đối chọi lại với cuộc mưu sinh!

Nhà ngoại bây giờ nhiều đổi khác, khu đất trống đối diện nhà, đất thầy pháp nhưng giờ thành khu đất vàng, người ta đốn hạ cây đi, trồng lên đó một nhà cho thuê, sáng bán cơm, chiều quán nhậu, khách đông nghẹt! Chắc ở một góc xa thẳm nào, cây chuối si mon và cây ổi sẻ đang khóc, vì người ta đã không còn thòm thèm đến những thức đơn giản và rừng này nữa rồi! Và biết đâu đấy, tôi cũng khóc, vì tìm hoài mà không biết tiếng khóc kia xuất phát từ đâu. Ai biết làm ơn chỉ tôi coi!

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Đi thật chậm giữa lòng thành phố!

Để tôi kể bạn nghe, một chiều nào đó, hãy đi thật chậm giữa lòng thành phố, thấy mình y chang một hạt bụi, bay vơ vưỡng trong chiều lộng gió... Cảm giác cũng hay!

Đi từ Duẩn, chậm chậm qua Sứ quán Mỹ. Mới sáng nay thôi, trời chưa mờ sương đã thấy lớp lớp dòng người trôi trong giấc mơ Mỹ, có bà cụ già, nước hoa thơm phức, lụm cụm bò qua lằn vạch ngang đường, tròm trèm cả đời người, vẫn mải miết giữa một nẻo trời xa. Có người trẻ, ôm ấp trong tay một vốc mộng tương lai, xếp hàng ở chỗ kiểm kê. Rồi ngày mai, trên một khoảng đường xa, lại thêm một dân Việt Nam da vàng, mũi tẹt, mắt hí gia nhập vào đoàn binh đa chủng tộc, đa quốc tịch, ở chỗ mà ai cũng nghĩ là thiên đường. Dòng người ngồi ngồi đứng đứng! Đi thật chậm qua những xốc nải ước mơ Mỹ, thấy mình thanh thản. Tự do bước trên dãy đường khoan thai, vằng vặc một vành mơ, không vướng bận.

Sẽ bước qua con đường rợp bóng cây, gốc ngã tư Duẩn với Hoàng, ngó bên kia đường, góc cà phê sách, thấy lọc tọc những con người trầm mặc, thơ thểnh lướt qua những dòng văn. Và phía trong kia, là những giấc mộng khác, gắn mình với mẻ thuốc! Trong lố nhố những dược sĩ tương lai ấy, biết đâu bỗng chạm mặt một số bạn bè mình, dễ gì cũng hơn ba năm trời học chung. Chiều nào cũng đi qua, ngày nào cũng đi qua, gốc ngã tư ấy, cánh cổng trường ấy, chỉ cần một cú phone, là có thể chạm mặt bạn bè rồi. Vậy mà vẫn te tái những khuôn mặt người. Chưa thấy bạn lần nào hết trơn, kể cũng đã tròm trèm ba tháng!

Không nên quẹo ngã Hoàng nhé! Bởi nếu thích không khí ầm ào, thì quẹo ngã ấy hoàn toàn không là một lựa chọn thích hợp. Sinh viên trường Văn, dẫu trường Văn nhưng lúc nào cũng thấy ầm ào, cộng thêm Đài truyền hình lúc nào cũng có người ra, người vô. Dòng người trôi trong vội vã, vỉa hè, chỗ người đi lấm láp bước bàn chân, có rộng rãi thiệt, nhưng đi chậm giữa vội vàng, thì cũng đành coi như mất tiêu chất chậm. Khoan thai, khoan thai, rảo bước qua những khung đường khác!

Và hãy đi thẳng, tới ngã đường Khiêm, đụng côm cốp Vườn thú, trong đó ôm ấp những buổi trưa có một thằng trai, tốn thêm tám ngàn tiền vé, xách theo ổ bánh mì, hoặc xâu cá viên chiên, tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ làm việc, bay vô, kiếm bóng cây nào đó, gặm thời gian trôi trong không lặng, thanh thản, yên hòa! Vườn thú ngày làm việc khá tĩnh, thích hợp cho những người cơ hồ lãng đãng, giữa bồn bã của cuộc mưu sinh, muốn tìm chốn để trốn cái nắng, cái nóng, để tìm lại chất người, lặng!

Trong một buổi tan tầm, hãy quẹo phải, vào đường Khiêm! Có hai hàng cây bự chà bá, rậm mát, đủ để chiều đến thiệt lẹ, đi chậm chậm là cơ hồ đi trong bóng tối, như thế càng khoái! Đừng lo, con đường này ngày xưa bạn có nghe đồn là nhiều người sống trong bóng tối lắm đấy, nhưng bây giờ thì không thấy, cũng an toàn, bạn cho là vậy, vì nào giờ chưa bị trầy trật suy suyển gì, đã kiểm chứng. Bước qua ít nhất là ba ngôi trường, trong đó có trường Vương, kiến trúc đẹp, mấy ô cửa sổ dòm qua Vườn thú, chao ơi là khoái!

Sẽ đi chậm qua ngã đường Cảnh, con đường mà hai năm trước đây, còn ngập trong nước, trong những công trình dở dang, thì giờ đây đã tượng hình thành một cung đường đẹp nhất nhì Sài. Bạn thích trôi giữa chiều đầy gió, với cảnh Sài lên đèn, giăng mắc tùm lum, thấy Sài hiện đại y chang một thành phố xa lạ nào đó, như trong phim, có nhà xe cao cao, và phía cao cao, là thăm thẳm những khát vọng về một ngày mai nước mình cất cánh! Gì chứ nước bạn đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cất cánh trong sơ đồ năm bước của kinh tế phát triển, hồi năm ba bạn có lần khẳng định như vậy, trong phòng thi, môn ấy bạn chín điểm! Và khi bước thật châm, giữa mênh mang cầu, đường, đèn, xe chạy nhanh, có khi không kịp đếm bảng số, thói quen giúp bạn rèn lại khả năng tính nhẩm từ lúc nào lâu rồi, khiến cho bạn thấy mình thật vui. Đi chậm giữa vô vàn bất tận, vui!

Rồi thì ngay ngã đường Cảnh, cũng phải mất ít nhất là hai chục phút cho bạn tà tà đi hết đường ấy đấy, đụng với xa lộ Nội, thì bạn dừng lại! Bởi bất ngờ, với tiếng rao của người bán hàng áo ấm giá rẻ, hai chục ngàn một cái! Giọng Bắc kỳ, nghe không ưa, vì ra rả, y như đang mắng sa sả vào lỗ tai người khác! Bạn không thích cái kiểu ầm ào, người đàn ông đứng giữa đường, cầm micro và thản nhiên như đang trình diển trên sân khấu, thả vào tai người chạy qua những lời quảng cáo, áo ấm giá rẻ, áo ấm mùa đông. Bạn biết rằng đó là hàng Tàu, bên xứ người ta đó là rác, rồi thì người nhập về, đem giặt ủi nọ kia, mà cái mùi ấy, bạn đến giờ vẫn chịu không nổi, rồi đem bán. Rước rác về nhà mình, không nên thành một thói quen nếu như muốn hàng trong nước phát triển, nếu như muốn cái mảnh hình chữ S này phát triển! Bạn không thích đi qua góc ngã ba chỗ ấy nữa, nên giữa đường, ngay chỗ The Manor, bạn vượt đèn đỏ, dù đang đi bộ, qua phía hè bên kia, rồi chầm chậm thả rong miên man theo những ký ức, có một thời mình cũng lăn lộn bên chỗ này, một năm rồi!

Cứ thế bạn trôi thật chậm trong lòng thành phố, hai mươi phút nữa bạn về tới nhà! Nhà bạn phải vô hẻm, mùa này đang ngập nước, bạn đi bộ, nên phải vén quần, vén áo nếu không muốn phải ngâm chân trong một mớ nước cống, dễ bị ghẻ! Rồi bạn về nhà, coi như rải cả buổi chiều thật chậm giữa quá chừng túc tắc ký ức!

Bài này viết vào một buổi chiều, khi Sài kẹt xe kinh khủng, và sau một hồi đắn đo, bạn dửng dưng từ chối một chiếc xe ôm, và cả taxi (dù cái thẻ trong túi ngọ nguậy, biểu dùng tao đi, dùng tao đi!), bạn đi thật chậm giữa lòng thành phố. Chiều ấy, bạn vui!

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

NHÀ BÊN SÔNG (SỐ 4)

Ừ thì nhà tôi ở bên sông…

Nên khi Sài vào mùa ngập lụt, hay đơn giản chỉ là khi triều cường lên, là coi như ngoi ngóp. Nửa đêm giật mình tỉnh dậy, thấy cơ man nào là chén, bát, đũa, tô trôi lềnh bềnh theo con nước, chỉ thiếu vài con thuyền thấy, là thành ra giấc trẻ thơ với lủng bủng những con xuồng thả nước trôi xuôi! Nhà có ba anh em, ai cũng ngủ say như chết, khi nước lên, hổng ai thèm để ý, lúc nước lên rồi, thì coi như cả đêm khỏi ngủ, tát nước ra ngoài. Phòng chật hẹp, đồ đạc để lên giường, và người, dành chỗ cho đồ vật, mà thức qua mùa đêm.

Mấy bữa nay, tháng mười âm, triều cường chạm nóc. Thêm nữa là chiều nào trời cũng mưa, trùng trình thằng sông bên nhà càng thêm đầy nước. Tôi cho rằng nó đang khóc, bởi độ rày anh em họ hàng nhà sông coi bộ bị con người hiếp đáp dữ quá trời! Nhưng anh này coi mòi có bộ hiền, chỉ khóc té ra nước mắt, bắt quá xin tí đồ đạc đũa muổng, lủng bủng của bọn người bên sông kia thôi! Chứ như mấy anh chị sông khác, một phát nuột trọng luôn cả hai chục mạng người, lỡ làng một chuyến xe, có tâm hồn nào mười tám tháng tuổi, cũng đoạn đành xuôi theo dòng nước. Khi sông đã giận lên rồi…

Không phải ngẫu nhiên mà buổi chiều hôm ấy tôi thừ người te tái. Nhà tôi ở bên sông, quãng sông Sài Gòn chia làm hai nhánh, một ra sông Đồng Nai, một chia thành bán đảo, cách Thanh Đa với tôi một bờ sông ăm ắp nước. Từ đây qua đó chưa đầy năm chục sải tay, khi đầy khi cạn! Và tôi thừ người vì nhớ ra, quãng sông này không biết đã ủ bao nhiêu linh hồn người?

Có người đàn ông, cỡ cha tôi, bữa ẩm trời, từ trên cầu quăng mình xuống sông! Sông trọn tay ôm vào lòng, chới với! Sáng hôm sau người ta mới tìm được xác, ca nô kéo xác ông chạy qua chỗ nhà tôi, nằm xấp, chỉ thấy thấp thoáng cái áo trắng, phất phơ giữa trời ngược gió. Nghe người ta kể lại rằng, ông này nhà khá giả, bữa làm ăn thất bát, thua lỗ triền miên, quằn quại. Và một ngày ẩm trời, ông tìm ra quãng sông, về với sông, để tìm chia sẻ. Tôi học kinh tế, biết rằng tiền không nhiều hơn hay ít đi, mà nó chỉ đơn giản là chuyền từ tay người này, sang tay người khác. Có thể vì một phút nổi nông, mà người ta coi thân mình như một giọt nước, nhỏ xíu xiu và không đả động gì đến ai. Cái chết, với người ra đi có thể là một sự giải thoát, nhưng cũng có khi là cả một trời mây đen u ám với người ở lại! Tôi thấy buồn…

Tận mắt chứng kiến một câu chuyện tình buồn. Cô gái lụy tình, trắc trở bảo với chàng trai rằng anh mà bước đi đi thì em nhảy xuống. Chàng trai, cỡ tuổi tôi, mặt mày sáng láng – và cũng mặt mày lạnh tanh, ngoảnh mặt quay đi, cái ánh nhìn hờ hững, thái độ sống hờ hững. Cô gái trầm mình xuống sông, nước mắt hòa vào sông. Tôi nghĩ rằng cô không muốn chết, cô chỉ muốn níu kéo một cuộc tình, tuyệt vọng! Chạy xe đi qua mà thiệt tình hết muốn nói đến chuyện yêu! Thằng con trai kia vẫn cứ vô tình, khoảng khắc cô gái chạm vào mặt nước, ủ mình trong nước, là khoảng khắc bình thảng hắn quay đi, lên xe, và vồ ga đi mất. Người ta chửi trong đau xót một cuộc đời, người ta quáng quàng tìm cách cứu một tâm hồn thua thiệt trong chuyện yêu, người ta dửng dưng chạy xe qua lại trên khúc sông, và trong những người ta ấy, tôi nhìn thấy hình ảnh của một cô gái, đến khi nhắm mắt mới chợt thấy mình vụng dại! Còn cha má ở nhà, tối nay có còn chờ con bên hàng rào cổng hay không?

Một buổi sáng, báo đăng trên quãng sông gần nhà mình, tìm thấy xác một cụ già, tai tóc bạc phơ, trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Không quê quán, không giấy tờ tùy thân, bà ra đi trong cái im lặng tột cùng, và đen tối tột cùng của một đời già cô quạnh! Có thể bà trượt chân té ngã, có thể mắt mờ chân run, bà không kìm lòng được trước những sản vật trôi trên sông, có khi là một nải chuối, một tờ hai chục, một đôi dép ai đánh rơi trên sông… Tôi cũng không loại trừ khả năng bà sắp xếp một cái chết, ngẫu hứng, khi chiều nay, bà không muốn bước chân trở về nhà, cái mà bà gọi là nhà thực chất chỉ là một manh chiếu con, co ro trên bờ thềm một nhà ai đó, nhà của bà, góc riêng của bà thực chất cũng chỉ là tạm bợ. Bà tìm một lối thoát, âm thầm, bà bước ra bờ sông, nhìn về khoảng xa đầy gió, tự nhớ ra tiếng bìm bịp kêu con nước ròng nước lớn, tự tưởng tượng ra một chái nhà yêu thương, rộn tiếng con trẻ và cả ấm áp của những vòng tay người. Khi con nước lên, bà nhẹ nhàng thanh thản, sông ôm ấp chở che cho những hình ảnh cuối đời. Bà thấy mình theo sông, trở về nhà của mình!

Sài hào hiệp quá nên ai chọn làm quê cũng nhiệt tình đón nhận. Có những cái chết bờ, chết bụi, chết trôi sông mà nhiều khi nhà quản lý cũng không biết gì về cái chết ấy, giấy báo tử, ở quê như một giấy tờ tùy thân cho người đã mất, còn ở cái chốn này, hình như đó, cũng là một thứ xa xỉ. Người nhiều, nên không có đất để chôn, người nghèo nhiều, nên sông cũng có thể là một nơi chôn thân lý tưởng. Xa xót lắm chứ khi cũng chính dòng nước ấy, mình ngâm chân mỗi bận chiều về, trẻ con gần nhà cũng hay trầm mình xuống sông cho quãng thơ thêm ngọt mát. Nhưng dòng sông ấy cũng chở biết bao nhiêu phận người, linh hồn người!

Tôi tin những chuyện gọi là kỳ bí. Như bữa trước, giấc chạng vạng giờ dậu, nhà có mỗi mình tôi! Đang ơ hờ ngồi nhìn sông, chợt thấy thằng nhỏ lạ quắc, sống ở bên sông tròm trèm cũng gần nửa năm rồi, nhưng lần đầu tiên tôi thấy bạn nhỏ. Bạn cứ vô tư đùa nghịch bên sông, chạy đến bên chiếc xuồng ba lá cắm sào gần chỗ tôi, cơ hồ muốn đem chiếc xuồng ấy lên bờ. Tôi lạ lùng, bạn nhỏ này ở đâu, giấc chạng vạng mặt người sao còn lởn quởn quanh đây! Sợ bạn trượt chân, nhiều khi ngã xuống thì có ai đâu mà cứu, quãng đó cũng hổng có ai xung quanh ráo trơn! Tôi ngoắc bạn lại, biểu đi lên, về nhà ăn cơm, giờ này còn chơi bời chi nữa. Bạn nói em đi chơi, em không về nhà được. Tôi nói đi về, con nít gì mà đi chơi dữ thần vầy nè. Em đi chơi, em không về, em đói. Nhà có mỗi mình tôi, chiều không nấu cơm, cũng thấy thương, muốn cho bạn món gì đó, nhìn mặt bạn tội quá chừng. Nhưng em không ăn cơm, cho em xin ba loại trái cây. Sao lại là ba loại trái cây? Phải, em chỉ xin ba loại trái cây? Tôi giật mình, trời đất cơi, sao không xin gì lại xin thứ kỳ quắc quá! Lát sau tôi đi vô, dặn em đi về nhà đi, đừng chơi nữa, cái xuồng đó thấy vậy mà người ta có neo lại đấy, em không ra ngoài đó được đâu, coi chừng té chết đó! Khi đèn ven sông đã lên, tôi quay trở ra, không thấy em đâu nữa, cũng yên tĩnh và không có tiếng động nào khi em xuất hiện!

Bữa sau, nhà có đủ người, tự nhiên anh cùng phòng kể tôi nghe câu chuyện, đợt hè lúc em về, quãng bờ sông gần nhà mình, có đứa bé, cỡ chừng sáu bảy tuổi, bắt cá, rồi nước lên, trượt chân, té chết luôn, ba ngày sau mới tìm thấy xác. Tôi ớn lạnh cả mình….


Nhà bên sông số 5

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Một người chị gái tên Kim Xoàn....

Chị tên Kim Xoàn, cái tên rổn rảng những khát khao về một cuộc sống nạm vàng, nạm ngọc. Quê chị ở Bến Tre, năm 18 tuổi chị rọt rẹt cất sách vở để một mình bươn chải mải miết tận trời Mã Lai. Sau hai năm, chị trở về Việt Nam, lận lưng một mớ tiếng Anh bồi, kết quả của những lần bạo gan làm phiên dịch cho những người bạn đồng hành với bà chủ nhà người bản xứ. Một tháng sau chị lặn lội xuống Sài Gòn, chưa mất một tuần để chị kiếm được một việc làm tại khu Sài Gòn quận nhất. Và thêm hai tháng nữa, đưa đẩy phận đời, tôi gặp chị, trong một gallery ở số 19 Đông Du, nơi tôi bắt đầu công việc làm thêm đầu tiên của đời sinh viên. Quãng đó, là nửa đầu năm hai!

Gương mặt con gái tròn tròn, da trắng, môi đỏ, tường người phốp pháp, ăn nói dẻo queo! Con gái đẹp, có đôi mắt biết cười, cái miệng có duyên, nói gì cũng thấy vui, nụ cười hùng hục, mái tóc đen quăn tít thù lù! Chị đẹp, theo kiểu con giá quê miền Tây, không thục nữ, không sông nước đèo ngang, mà đẹp theo kiểu người biết ăn ở, khéo chèo khéo chống, ăn diện nhưng không se sua, luôn biết làm mình đẹp, nhiều khi chỉ băng fmootj thứ nước rửa hoa hồng mua ba ngàn một hũ trong mấy khu bán đồ tàu đồ chợ ở những khu công nhân bên quận chín, chỗ ở hiện giờ của chị.

Nói thẳng ra thì cuộc đời chị không như cái tên, sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn, bươn chải mà lớn lên với đời. Trên mái tóc chị, tôi thấy rõ ràng những tháng năm còm cõi với cuộc mưu sinh. Đôi bàn tay chai, nhiều lần giấu vội sau lần nếp váy, khuôn mặt đẹp, nhưng sao ơ hờ xấp xải những nỗi lo toan! Tôi biết chị khi tôi vừa tập tễnh bước chân vào đời. Tôi nhón gót đi trên con đường bắt đầu lên dốc, và ở phía đầu kia quả đồi, chị thênh thang, nhẹ nhàng đoạn cuối!

Nhà chị ở Bến Tre, nàh có ba chị em, chị là chị cả. Cô em gái lớn hơn tôi một tuổi, thằng em trai nhỏ hơn tôi một tuổi. Vừa vặn, khoan thai, chị hơn tôi ba tuổi, tuổi sửu, chắc sinh vào ban ngày, nên làm nhiều, chai sạn nhiều!

Nói về chị, là nói về một ý chí. Tôi ngạc nhiên dữ lắm, bởi những người nổi tiếng tôi biết, hoặc gốc Bến Tre, hoặc liên quan dính dáng đến tôi, mà thường là những người giỏi, chị đều hay khoe rằng người đó gần nhà chị, hoặc chung xóm, hoặc quá nửa buổi đi đò. Giọng chị kể về những nhân vật đó, hấp háy niềm tự hào, khát vọng văng lên tung tóe, và nhiều khi cũng quằn quại, bởi cuộc đời chị, nếu được một nửa của người ta, thì chắc ăn chị cũng đã thành ông này bà nọ mất tiêu rồi!

Năm nhất đại học tôi có ngồi chung lớp với V., con gái của thầy giáo cũ, dạy toán, dưới trường cấp ba chị học. Bữa đi làm, phòng tranh ngày vắng khách (nói vậy thôi, chứ chỗ phòng tranh tôi và chị mần, ngày nào cũng chỉ leo teo vài ba bận, người đến người đi, qua bốn tháng nhận lương, bấm tay đếm thử dễ chừng mỗi người chắc tiếp xúc cỡ vài ba chục khách, là cùng!). Chị hỏi tôi em có biết V. không? Tôi dĩ nhiên ngỡ ngàng, ờ thì cũng biết, à má bạn cũng dân Tre đấy, đồng hương với chị, con thầy, học giỏi, ừ, bạn học giỏi lắm chị ơi, cà lơ phất phơ, yêu đương nhăng nhít mà phẩy cao thứ hai lớp em đó. Vậy hả, ừ, ngày nhỏ V,. học giỏi, đi thi bé khỏe bé ngoan, chị đứng nhất, V đứng nhì đó em. Ra vấn đề, chị hồi còn đi học, học giỏi. Mà học giỏi thiệt, bởi không phải ngẫu nhiên mà đi làm xa, mịt mù trời Mã lay, mà người con gái ấy vẫn luôn có ý thức rằng học, chỉ có học giỏi mới có thể vươn lên, mới có thể thoát nghèo! Những lần tí toáy nói chuyện với chủ, rồi lén ra ngoài lãnh đồ gia công để dành đến tối, hì hụi mần đến khuya, làm cho khả năng nói tiếng Anh của chị lên như gió, dù là tiếng Anh bồi, ghép chữ này chữ kia búa lua xua, nhưng cần chi đung snguwx pháp, chị nói người ta hiểu, người ta thương, người ta chấp nhận cho chị đem đồ về mần, là được rồi, dễ gì có được một lao động phổ thông, có thể nói được tiếng Anh, dẫu móp méo, trong hàng lố những người công nhân bình thường khác, ruổi rong ở những nẻo đường xa, như chị! Một năm sau tiền chị gửi về, cha má trả nợ, cất lên được ngôi nhà! Ngày chị ra đi, đời còn giăng mắc, ngày chị trở về, còn giăng mắc, nhưng đã thấy thênh thang chút đỉnh, đỡ cực!


Ai coi cuộc thi người dẫn chương trình truyền hình năm hai ngàn lẻ mười, thấy có cô đạt hạng nhất người dân Tre, nghĩ ra cũng vui vui, vì cô đó cũng cùng trường với tôi, nói chuyện không hay, giọng không ngọt nhưng được cái cô đó giành hạng nhất! Bữa đang bơ quơ, chị gọi điện, giọng vui vui rải lời cười bên kia đầu máy, tíu tít bay qua chỗ tôi rằng cô đó gần nhà chị đó, cô đó giỏi lắm, ở quê ai cũng biết, đồng hương với chị, ừ, nhà cũng gần, xóm trên, xóm trên là xóm nào, cách nhà chị cả thước... Vậy đó, chị luôn làm tôi bất ngờ về nhiều chuyện, nhưng rõ ràng rằng là, khát vọng được vươn lên với đời, với người, luôn bỏng cháy trong chị. Chị quan tâm đến những chuyện đó, nghĩa là, chị rồi sẽ còn đi xa hơn nữa. Hiện chị đang làm tại một công ty du lịch, kiểu người sắp xếp tour cho khách, tính chị vậy, khoái làm những công việc oai oai, hướng dẫn người ta, khách chị hầu như dân Tây, khách ngoại quốc là nhiều!

Chị vui tính, có khiếu kể chuyện, hát cũng hay, múa cũng giỏi. Bạn trai chị ở dưới quê, nghe đâu nhà cũng khá, có của ăn, của để, má ảnh làm hiệu trưởng một trường mầm non, để ý chị từ đâu hồi còn học cấp ba. Đến giờ vẫn còn đậm đà, lâu lâu nhắn tin biểu chị về quê, rồi ráng học lấy cái nghề cô giáo, dù là cô dạy trẻ mầm non, nhưng về Tre sẽ có người nâng đỡ, dù gì má anh cũng làm đến chức đó, không lẽ nỡ để chị, nếu một mai thành vợ thành chồng, bơ vơ hay sao. Tôi cho đó cùng là một hướng đi tốt, bình lặng, dễ sống, sẽ sống, nhưng không giàu! Đời người, có bao giờ làm giáo viên mầm non mà giàu được đâu, hở trời!

Nhưng chị lại khác, chị trù trừ trong một mối vòng tơ, đi hay ở. Đời chị khoái đi, khoái được hướng dẫn người ta, chị có khả năng, có tố chất, nhưng cái nền tảng gốc gác, rồi gia cảnh khiến cho chị bị vịn níu! Chị tâm sự, trong những buổi giao ca ở phòng tranh, rằng chị buồn lắm em ơi, chị với ảnh thương nhau, nhưng hồi đầu chị ghét ảnh lắm, chị là lớp trưởng, dữ dằn, học khá, ảnh học bình thường, khoái chị, cứ tò tò đi theo, xin cô giáo cho ngồi chung, rồi từ từ dần dần chị cũng thấy thương, ảnh hiền, và thương chị thiệt. CHị kể chuyện của chị nhẹ như không, như thể chuyện đó bình thường lắm, vu vơ lắm. Nhưng tôi thì thấy y như tiểu thuyết, y như phim, lãng mạn và tình vô cùng! Chính chị cũng nói, chuyện của ảnh với chỉ,bình thường lắm, nhưng khi đi xa, khi qua Mã lay, cũng có nhiều người để ý, nhưng ánh mắt của anh, đã in sâu trong tâm trí chị, nên thôi!

Chị có quãng khổ tâm, vì người quê tai tiếng, con gái đi làm xa, biết đâu có ngày về mà dẫn theo thằng cu thì coi như thúi quắc! Dòm tới dòm lui, mấy quán cà phê đèn mờ, bia ôm, chỗ tôi ở, gái miền Tây nhiều dữ quá. Nên người nhà bên bạn tria chị lo, không cho chị đi, biểu về quê, học lấy bằng trung cấp cô giáo, về nhà đi dạy, thủng thẳng vài năm nữa, người ta cưới. Nhưng chị tính trù trừ thêm vài năm, chị ráng đi học thêm tiếng Anh, vô làm tiếp tân cho khách sạn, lương lậu cao thêm một tí, đỡ cha má một tí, cho hai đứa em ổn định, rồi mới tính tới chuyện lập gia đình. Mà bên kia người ta hổng chịu, chị cũng không biết làm sao, nhà chị chị lo, giờ đang không buông tay, chịu gì nổi!

Tôi nghỉ làm phòng tranh, coi như bặt luôn tin chị! Một ngày nhận được tin, chị nhắn hôm nào em sắp xếp, lên dạy chị tiếng Anh, chị đang cố thi cho có cái bằng, để dễ xin đi mần, với lại độ rày, dưới quê chị người ta hà rầm lập khu công nghiệp, có được bằng cấp, biết đâu về quê, xin được chân thông dịch trong đó, trên này người tài nhiều nên coi mình không ra gì hết, nhưng về quê là của quý, em ơi. Rồi chị vừa đi làm, vừa đi học, chỗ làm vừa là chỗ ngủ, vừa làm chỗ cho hai chị em học luôn. Chị làm một lúc hai công việc, tối trực ca đêm ở khách sạn, ngày chạy công việc giấy tờ ở một công ty bên quận nhất. Đi đi về về, có tuần chị không ghé qua nhà trọ, nếu có ghé qua, thì dòm thằng em một phát, tối ngủ nằm nói chuyện với nhỏ em gái một phát, sáng lại đi, biền biệt, sôi động như một cái vòng quay. Chị làm như chỉ còn lại một ngày để sống, không giây nào ngơi tay, rảnh rỗi. Tôi thương chị quá chừng, người con gái này, nếu sinh vào một nhà khác, chắc chắn rồi sẽ thành công!

Chị tên Kim Xoàn, chị vẫn chưa có chồng, hiện giờ vẫn như con thoi trong khắp các ngõ ngách ở Sài, khu quận nhất! Ở người con gái ấy, luôn óc ách những khát khao! Tôi tin có ngày chị sẽ ngẩng mặt với đời, gọi điện cho tôi, nói em thấy chị không, chị làm được! Biết đâu đó, chị là Kim Xoàn mà!

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Quỡn quỡn nói chuyện nghề (số 2)

Mình khoái đi làm, tơi bời hồi năm học phổ thông, bữa tối đi học thêm, có lần quởn quơ thả bom với bạn rằng mai mốt đậu đại học, năm ba năm tư, có công ty nào nhận, trả lương tháng chừng ba triệu thôi, nhưng có cơ hội thăng tiến, là tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả, chuyện học, chuyện chơi… đặng đi làm! Vào đại học rồi, cũng máu me làm việc lắm! Năm nhất tung hoành ngang dọc, quăng cái này bắt cái kia! Kết quả là thương tích tùm lum! Cái phẩy cuối năm trong bảng điểm tru tréo, cha má ở nhà thấy con trên bảy chấm cũng không la lối chi hết, nhưng cái thằng lý trí trong mình thì quằn quại, dòm xung quanh mình thì hàng xóm học hành thảnh thơi, phẩy cao, điểm tốt! Bực mình, bước qua năm hai làm lại từ đầu! Kể từ dạo đó, ráng gồng lên mà học, cho đặng điểm cao, cho sau này dễ kiếm việc làm!

Rồi thì cũng có được việc làm, khi vừa ngẩng đầu bước vào năm cuối đại học! Ngay từ đầu, cũng không hề xác định mình sẽ đi làm cho ngân hàng, mà dự định sẽ tham gia vào một thằng đa quốc gia chuyên về ngành hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, trang sức… gì đó! Thằng mình ngơ ngếch, thấy U, thấy P… hoành tráng nên mê, đâu biết rằng nơi đó, chỉ vừa khít với những người chí lớn, khoái làm ăn , khoái giành giựt và đạp đầu lên nhau mà sống! Quãng đó mình hay nhìn vào tên công ty để mà so sánh, mà ước ao, mà chờ đợi! Nhưng cơ hội đến không cho mình kịp biết mặt, đặt tên! Mình đi làm khi mình đang è dài cổ ra chờ đợi cho những cơ hội được làm việc cho những đại gia có máu mặt, có tên tuổi khác. Và ngân hàng Z là một cơ hội tốt, cho mình mở banh con mắt mình ra, cho mình biết rằng, ước mơ là một chuyện, và việc ước mơ có thành hiện thực hay không lại là chuyện khác!

Ngân hàng Z là một trong bốn ngân hàng lớn nhất ở quốc gia có cái món đặc sản trứ danh là Kanguru, bữa có hỏi chị làm cùng phòng, mài đũng quần ở chỗ đó tròm trèm bốn năm trời, rằng là thịt của cái con đó ăn như thế nào, chị bảo dở, mà cũng hổng ai thèm ăn. Dòm nó thấy thương lắm em ơi! Cái nước đó hồi nhỏ hay là niềm ao ước, vì bởi nghe giang hồ đồn đại rằng hệ thống chính trị, pháp luật, đặc biệt là giáo dục ở cái nơi ấy nó văn mình và tiên tiến lắm, và cho đến giờ vẫn còn là ước mơ của mình! Thôi thì tháng 12 này, gửi thương nhớ, khát khao, kỳ vọng cho bạn, bởi tháng 12 này bạn cũng sẽ bay, qua bên đó! Chưa hẹn ngày về!

Ngân hàng ít người biết! Hỏi dân trường Thương, nhiều người còn tí toáy, tui chỉ biết có mỗi thằng S, còn thằng Z là thằng nào? Mình cũng ơ hờ, hóa ra cái khâu branding của đối thủ tốt thiệt, ngân hàng nước ngoài am hiểu địa phương, châm ngôn slogan phải nói là glocal hết sức! Còn Z mình, thực ra ngân hàng không phải của mình, nó chỉ là nơi mình sắp sửa trải qua ba tháng thực tập, chỗ mình ba năm về trước đứng ngay chóc sảnh trước dòm lên mà mơ mộng rằng một ngày nào đó mình sẽ được làm việc trong một cái building lớn như thế này, vẫn chưa là gì trong trí nhớ của người dân đại chúng! Z xâm nhập vào Việt Nam, tính ra cũng kể từ hồi năm chín mươi mấy, một trong ba ngân hàng có yếu tố ngoại quốc bự nhất Việt Nam, số liệu thống kê nọ kia, nhưng gần gũi nhất là nó xếp hạng 93 trong cái top 1000 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất mà bữa qua mình có làm báo cáo.

Chỗ mình làm nằm ở lầu 10, mấy ngày đầu tiên đi làm cũng khoái, vì làm trong tòa nhà lớn, thang máy to đủ sức chứa đến 24 người, tốc độ nhanh, khiến cho người đi nhiều khi chưa kịp cảm nhận đã thấy cửa thang máy xộc ra, và người từ trong ấy, xộc ra, theo những guồng quay sôi động của một cuộc đời sôi động. Trụ sở chính của Z nằm ở Hà Nội, dễ hiểu vì sao ở Sài nhiều người ít biết đến Z nhá, vì S làm bá chủ ở Sài mà, còn ngoài Nội, xin lỗi nhá, đại ca thuộc về Z đấy! Tại Sài, Z có năm chi nhánh, với văn phòng chính hiện đặt tại tòa Kumho, góc đường Hai Bà Trưng với Duẩn! Mình thích cái góc chỗ này, vào quãng 12 giờ, lúc nào cũng có một hồi còi hụ dài chừng một phút. Mình thích chỗ ngồi ngay bếp dòm ra khoảng sân đầy nắng và lá điệp, mà mùa này, mùa mưa, lá rụng trơ trọi te he chỉ còn thân với cành khiu khẳng dòm y chang mùa thu thay lá! Mình chưa từng nói yêu nơi này, mình thích Z hoặc bày tỏ những tình cảm nọ kia về nơi đó. Xỉa xói một phát với một bạn khác, đi làm cho Tel, ngày đầu tiên viết cảm nghĩ nọ kia, rằng yêu, rằng thích, rằng tự hào lắm lắm. Đi làm vài ba tháng thì lại chán, hết thấy khoe này khoe nọ, lại hay le te đến hỏi mình công việc ra sao, làm ăn thế nào, coi mòi muốn từ bên núi này dòm qua núi nọ! Bữa thẳng thừng nhờ mình đem nộp hồ sơ vô Z giùm! Đã chuẩn bị trước, gì chứ mình thì không thích dạng người như thế, nên độp lại ngay: trời ơi tôi có là gì đâu, trainee trong ba tháng, nhãi nhép, không làm bên nhân sự, thân tôi lo chưa xong, vui lòng đừng nhờ vả. Từ bữa đó bặt vô âm tín, hết thấy bạn lảng vảng chung quanh chỗ mình, đỡ cực!

Nhiều người hỏi mình đi làm, thì làm những gì. Kể cũng khó nói, nhiều người không ưa, thế nào cũng nói sau lưng, cái thằng không biết làm nên trò trống gì, học hành làng nhàng mà đi làm cho công ty có mác ngoại quốc. Thế nào rồi thì người cũng cầu cho mau bị đuổi việc sớm! Đi học, chạm mặt nhau côm cốp, cười cười nói nói mà ai biết trong lòng ai nghĩ sao, yêu ghét ra sao. Nhiều người trơ trẽn, trước mặt mình thì ù ù cạc cạc, sau lưng mình thì đem mình ra nói xấu, tính y như đờn bà! Cái lớp mình học, thiệt tình, còn tệ hơn cái chỗ mình làm việc! Cái này nói thiệt, vì mấy chị, nghĩa là những người mình chơi thân, xấu dở thế nào họ cũng sẽ nói thẳng ra nhau, chứ không phải kiểu dân văn phòng trên phim, tụm năm tụm ba làm ba chuyện bậy bạ hại người, hại đời. Hầu hết họ đều đã từng sống hoặc có dính dáng nước ngoài!

Đến văn phòng thường mình sẽ check mail, từ mail đó sẽ có kế hoạch cho một ngày làm việc. Mình đang theo một dự án kéo dài trong một năm, bắt đầu từ tháng bảy. Theo đó thì việc theo dõi dự án ấy cũng tốn khá nhiều công sức! Sau đó, nếu rãnh thì mình sẽ chạy việc phụ mấy chị khác trong phòng, như photo, in, scan, chạy ký tên, đóng dấu, nhập những quà tặng khuyến mãi cho các chương trình sự kiện vô kho, kiểm hàng hóa, lấy hóa đơn, kiểm hợp đồng, số hóa các số liệu, hết một chương trình nằm trong dự án mình theo dõi thì phải gồng mình ra làm báo cáo cho sếp… Công việc khi nhiều khi ít, vui thì thiệt là vui mà buồn thì cũng thiệt là buồn. Giữa mình và sếp không có mối quan hệ thân thiết gần gũi cho lắm. Mình không khoái chuyện làm thân, nịnh hót nhảy đầm. Việc sếp giao thì cố gắng làm, sếp chửi, dù đúng dù sai cũng im luôn, không cãi lại. Mình không thuộc tuýp người là ai nói sai là quyết tâm cãi lại cho đúng, mình mệt vì cãi cho đã rồi cũng có được gì, mình cũng chỉ là một thằng lính nhãi nhép, nói như thế cho bạn nào không ưa mình có đọc được mà cười hê ha thỏa mãn. Vị trí của mình trong công ty là như vậy, không khác chân sai vặt và cũng không khác gì một thằng bốc vác khuân khiêng là mấy. Cả phòng có mình là đờn ông, thì phải chịu thôi!

Vì nhận thức được vị trí của mình, nên tính mình thường luôn khoái nghiêng về những vị trí thấp cổ bé họng. Mình bênh vực những bạn mới vô, ví như khi bị la thì mình sẽ phụ thanh minh, hướng dẫn tận tình, dù nhiều khi mình còn lớ quớ. Mình cũng thường lân la hỏi chuyện mấy chị lao công, thấy bực mình vô cớ khi người ta cứ ăn xong rồi để chén bát dơ đầy ra đó cho mấy chị dọn! Hôm bữa mình đi dọn kho, dư áo mưa mình để dành cho mấy chị, một hai cái không là gì hết mà câu nói của mấy chị tự nhiên làm cho mắt mình muốn rưng rưng. Cái này quý lắm, đang mùa mưa, bữa trước dọn rác thấy người ta dục một miếng áo rách tơi tác mà lụm đem về xài, có được cái này, quý lắm em ơi. Mình như vậy, không phải mình là người tốt, mình là người không thích những số phận, danh vọng cao sang mà thôi! Mình sẽ đứng về phía người nào đang ở thế yếu, nhưu Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Mỹ, như V.A trong trận cãi với cô T. năm mình học phổ thông (trận đó máu lửa quá đến giờ mà mình vẫn còn ê hề hối hận, vì hông biết mình làm như thế có đáng hay không?). Mình không là người tốt, nhưng mình đứng về phía người yếu, không se sua và nịnh đầm! Nên mình ghét những người nào nịnh đầm! (nói thế này thì lớp mình đầy đứa bị mình ghét! Muốn biết thì cứ hỏi trực tiếp, mình thẳng tính, sẽ nói ra hết!)

Đi làm, cảm nhận cá nhân là không được chị sếp thương! Nhưng cũng không đòi hỏi gì nhiều nhặn, cũng không nhất thiết phải so sánh, với cái chuyện rằng là cũng cùng là dân lính lác, nhưng các đồng chí chiến hữu khác được sếp cưng như trứng, hứng như hững bông! Tính tình nào giờ không khoái mấy chuyện nịnh nọt, làm thân, đắng đót mình này nọ để mà tiến! (nói chuyện này mới nhớ, trong công ty có một thằng, dòm cái mặt thấy hổng ưa, nhưng đáng tiếc, thằng đờn ông ấy lại còn thêm cái tật nịnh nọt, dòm thiệt chịu hông nổi!) Thêm việc sếp là đờn bà, và giữa đờn bà với đờn ông, dù là đờn ông trẻ, thì khó lòng mà thân thích đặng! Sếp thuộc dạng người khoái đùa giỡn, nhưng trước mặt mình vẫn thường nghiêm nghị, hay bày tỏ thái độ không hài lòng, tiếng thở dài thõng thượt, ánh mắt thất vọng chỏng chơ, cái chắt lưỡi óc ách… chỉ nhiêu thứ cũng khiến mình biết, mình không hợp với cái gu của sếp mất rồi, hoặc tệ hơn là mình tệ bét nhè. Cái gì cũng tệ, cái gì cũng tùm lum, quằn quại, tru tréo! Đi làm rồi mới biết, đi làm không phải là chuyện sướng!

Sắp sửa kết thúc ba tháng rồi, theo thông lệ mình sẽ xin gia hạn thêm ba tháng nữa. Cơ hội để cho mình ở lại làm nhân viên chính thức không phải là không có, nhưng phải chuyển qua chỗ khác, vị trí khác, phòng ban khác! Nhưng đã lỡ khoái bản chất của công việc mình làm rồi, dù thấy mình còn thiếu thốn vô vàn thứ, nên chắc nếu không được thì thôi, ở nhà, luyện công chờ ngày tái xuất.

Gần hết ba tháng, nên quỡn quỡn bày chuyện nghề ra đãi, bài số hai!

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Tóc!

Má tôi nói con trai không nên chải chuốt nhiều, tóc thì cứ bảy ba, móng tay móng chân cắt tỉa cho gọn gàng! Má ghét đứa trai nào để móng tay dài, để tóc "không theo kiểu của má". Và điển hình là cha tôi, suốt đời móng tay cắt ngắn, tóc chẻ bảy ba, giờ quá vãn nửa đời người chỉ còn lơ thơ muối tiêu dăm mối! Tôi học theo tính của má, cố gắng gọn gàng,kỹ lưỡng, dù là đờn ông, nhưng phải, tôi theo túp người đờn ông không se sua chải chuốt!

Bao bận đi cắt tóc, cũng muốn làm một quả để cho ra một thằng đờn ông mới, nghĩa là tóc sẽ cắt sát ót, phía đuôi phía đầu bổ tứ lung tung. Nhưng thời trang tôi không rành, khi nghĩ đến hình ảnh mình dòm trong gương là một thằng lạ hoắc, ốm nhom nhách, tang hoác dòm ngược lại tôi, và ánh mắt má, cái chép miệng của má, tiếng thở dài,hoặc sẽ là cái củ chổi má lăm le cầm sẵn, chờ đợi tôi trong những thước nghĩ về má! Qua được hai mươi năm có tóc, tôi nào giờ vẫn thế, tóc bảy ba, móng tay cắt ngắn, không biết xài nước thơm, không biết xài chai lăn nách... và mỗi khi má mua mớ bồ kết về nhà, rang lên dậy cả một khoảng sân cái mùi thum thủm, là tôi lại xớ rớ bụm tròn quay trong tay một mớ! Và khi tắm, cũng bắt chước má lấy bồ kết chà ra gội đầu! Nhưng nào ngay tóc tôi thuộc loại tóc trơn sép rẹp, gội bồ kết phải xả đi xả lại nhiều lần, thôi thà mua đại mấy xai xà bông gội đầu về, mỗi ngày làm một phát, dễ dàng, thuận tiện!

Chuyện tóc tai tôi đơn giản, bao nhiêu năm vẫn một hình ảnh ấy, cũ kỷ, lắc lơ. Độ rày tôi xài câu của má bạn L.A., quỡn quơ hay nói tôi không đẹp, nhưng tôi đủ xài. Mà thiệt, tôi dòm không đẹp nhưng tính tôi bơ quơ, thương thì thương dữ trời thần đất, nhưng khi đã ghét ai rồi thì cũng đất lỡ trời thần. Dạng người đó, dễ chơi!

Có một dạo bạn tôi, mấy thằng đờn ông rủ nhau đi cắt trụi lủi mái tóc. Mạnh mẽ, có, thoải mái, có. Nhưng nghĩ ra tôi thấy hông còn gì là riêng của mỗi người! Tôi thích sự yên định, dù nó có lạc hậu, lạc loài, lạc lõng so với những gì đương thời khác! Khi bạn tôi đổ nhau đi cắt tóc, tôi quyết tâm giữ cho bằng được cái kiểu tóc của mình, đơn giản tôi muốn mình khác biệt. Và kiểu tóc bảy ba đến giờ, hầu như dòm khắp lớp chỉ còn lại mỗi mình tôi!

Chuyện tóc tai xào qua tán lại, cũng trở lại chuyện con người! Bây giờ nhiều người đổi thay đen trắng dữ quá, để tìm được một người đường đường chính chính thiệt khó! Y chang như quãng tôi đấu tranh tư tưởng để không cắt phăng trọc lóc mái tóc của mình! Quãng đó tôi xui! Và qua quãng đó rồi, tôi thấy mình may, vì giờ này, tóc vẫn xum xuê trên quả đầu! E hèm, chớ hổng lẽ mỗi bận không vừa lòng vừa ý chuyện chi đó, là lại xách kéo ra sởn, điệu này coi bộ vừa tốn tiền, vừa tốn công dữ!

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

Khi Sài trở giấc lạnh đầu đông...

Hai bữa nay Sài sáng nào cũng lạnh, ù ù cạc cạc bước chân ra mé bờ sông, gió nhẹ mân mân từng hơi thở, tôi nghe trong tiếng gió từng hơi của Tết, lại vu vơ nhớ những chuyện ngày xưa, lúc còn ở Ninh! Mùa của những ngày sắp tết, gió cũng mân mân, lòng người cũng mân mân, y chang như những giấc bây giờ, tại Sài này!

Ninh tôi không nhiều ngày lanh, nắng nóng nhiều hơn. Nên những ngày lạnh là những ngày thật khác! Trò Ninh không khoái diện áo ấm, như đám bạn cũ, chỉ những khi trời lạnh dữ thần kinh tụi nó mới chịu khoác lên mình một cái áo khoác gì đó, chớ ba cái lạnh xoàn xoàn, tụi nó coi như đồ bỏ. Tôi thì khác, đi học xa, đạp xe lôm côm qua những đoạn đường vắng, bóng người, bóng nhà, bóng xe, cảm giác lạnh ăn sâu vào từng thớ thịt. Khoác thêm tấm áo, ngỡ như mình vừa bước ra khỏi mớ cô đơn!

Cã xóm tôi ở không nhà nào không theo đạo, nhưng là đạo Cao Đài. Bữa nói chuyện với bạn, ơ hờ, mà cũng có còn là bạn nữa đâu, người ta đã cám ơn, vì đã cho bạn bài học, đơn sơ giản dị về tình bạn (thế thì tôi đái vào cái tình bạn ấy, nhảm nhí và dễ bốc hơi, y chang Ninh tôi, ngày lạnh ít, nhưng lạnh tái tía!). Trở lại chuyện cũ, tôi hay bực, vì mỗi bận nói đến chuyện đạo, là bạn mặc nhiên cho rằng đó là Đạo Chúa, trời đất cơi, chỗ tôi người ta hà rầm ăn chay tụng kinh, cũng nói mình có đạo, nhưng đạo là đạo Cao Đài, cho nên lần sau có nói, thì cũng xin rõ ràng chi tiết, tôi không màng tiểu tiết, nhưng đã màng rồi là màng tới bên luôn. Cũng như tính tình kỳ cục, dễ thì cũng điên cuồng, khó thì cũng khó quằn quại!

Cả xóm tôi theo đạo Đài, nên Noel, giáng sinh gì gì đó người đạo không có khái tượng gì về dịp hội hè đình đám ngày Chúa sinh ra đời gì đấy! Trời lạnh, đêm mới bảy tám giờ tắt đèn, ngồi bật ra - dô (khoái cách ông hàng xóm tôi, lần nào cũng móm mém bật ra-dô, chứ hông phải bật ra đi ô như dân học thức tôi đây, nhưng nghe gần, vì nào giờ cha má mình, ông bà mình, cũng lớn lên từ những phương ngữ bình dân và giản dị cơ hồ như hơi thở đó!) Ngày giáng sinh, cả xóm chìm trong hơi lạnh, mà lạnh thì chỉ khiến cho con người ta đi ngủ sớm, gà cũng lên chuồng sớm, chỉ có đống ung, được cha trở trăn từ đâu giấc tờ mờ tối, ung cho đỡ lạnh, ngồi trong nhà dòm ra, thấy một trời khói bay nghi ngút, quyện lẫn trong đó là mùi ngai ngái khói, của vỏ trấu nhà Mười cha đi xin từ mấy bữa trước, của rơm rạ ruộng đồng, của một đời nghèo mà nhân nghĩa thủy chung, của những yêu thương quyện lên trong từng cái trở tay cho lửa lâu tàn chút nữa, cái lạnh được xua đi, cho yêu thương thật gần!

Rồi thì ngày sớm đi học, trên bước đường xa, thấy bóng dáng của ai xập xèo theo từng cánh gió! Má vẫn dậy sớm, canh lửa nồi than, cha cũng dậy sớm hơn! Không như lớp trẻ, trời lạnh chỉ khoái ngâm mình trông mền ấm, cha má dậy sớm, người lớn thường dậy sớm, bao giờ cũng vậy!

Tháng 12, hồi còn học phổ thông, là ngay chóc quãng mùa thi, nhắc tôi nhớ về những buổi trời rong, co ro như con tép chong đèn dậy sớm, học bài cho kịp với mùa thi gần tới! Con chữ nhảy quanh trong cánh gió xập xòe! Tôi đi qua mấy mùa học bài thi như thế, và bây giờ, lâu lâu lại thấy nhớ những cái lạnh trong quãng ngày chưa cũ ấy!

Nhớ năm đầu đại học, học buổi trưa, tuần hai buổi học tiếng anh, lại vào buổi sáng! Bữa tôi đi học sớm, có bạn Y., đã vô tự lúc nào, đứng thẩn thơ bên hành lang lầu tư, dòm xuống sân trường ngày Sài trở lạnh, hỏi đang nghĩ đến ai đó! Nhẹ nhàng như hơi thở, nhớ chồng! Tôi biết bạn kể từ ngày ấy! Cũng nhớ lần đó, bạn L. (một trong số ít những bạn đờn ông trong lớp đến giờ còn nói chuyện với tôi!), có mua giùm tôi hộp bún xào! Trong cái lạnh bất dưng mà nghe ấm áp! Đến giờ bạn vẫn hay mời tôi ăn chung thức gì đó! Lâu lâu vui vui, tôi nói thằng này nhìn thế mà tình cảm đậm đà hết sức à!

Sài mấy hôm nay trở lạnh, chạy xe ngoài đường có một chút mà hai mắt đã cay xè, rồi thì nước mắt chảy! Tôi mỉm cười vì đã lâu thiệt lâu mình chưa bật ra giọt nước mắt! Tự nhiên vui vì khi nước mắt chảy, nghĩa là tâm hồn người, vẫn còn biết đau!

Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

Chụp hình

Mấy hôm nay, tôi tranh thủ đi chụp hình mọi người, dù lò tò đến giờ vẫn chưa mua được một cái máy chụp hình nào đúng nghĩa (bạn tôi, dân miền Trung, chuyên gia gọi máy hình, lúc đầu tôi không hiểu, đến bây giờ thì không thích, sao lại là máy hình, tức máy + hình, phải là máy - chụp - hình chớ!). Điện thoại thì cùi bắp, mua hồi xưa lơ lắc, có chức năng chụp hình, nhưng lạng quạng coi chừng chụp cái miệng mà nhiều người dòm lầm hóa ra cái mũi thì chết, người đẹp chụp thành người xấu, và xấu thì khỏi dòm ra luôn, nên thôi, mỗi bận ngứa ngáy chân tay, mượn đỡ điện thoại của bạn lôi ra chụp!

Như sáng nay bơ quơ vác điện thoại đi chụp hình khắp lớp, bạn cười hí há, bạn che mặt che tay, bạn trề môi, bạn cười tí toét! Tôi định chụp một vài bạn, gọi là quan hệ ruột rà, máu mủ, nhưng dòm qua dòm lại thấy thương, lỡ có đăng hình chụp lên, năm mười mười lăm sau nữa, bạn dòm lại hình ảnh của mình hồi đại học, bỡ ngỡ bơ vơ vì tìm đâu ra bóng dáng mình ngày xưa. Không lo chuyện bao đồng nhưng tôi cũng biết, nếu có chụp thì cũng nên chụp cho hết cả những gương mặt này, để khỏi có ai như tôi, lúc lôi hình lớp ra, tìm hoài hổng thấy gương mặt của mình, nhiều khi chỉ để cười, vì cái dung mày sao ngố ộp và lỗ mãng kinh khủng, nhưng kệ, có hình của mình, tức là, rốp rẻng sự quan tâm, của người dành cho nhau!

Không phải ngẫu nhiên khi coi hình bạn, đăng trên facebook, tôi luôn rải lời bình luận, vui vui có, châm biếm có! Bởi đơn giản tôi nghĩ rằng, à, mình đang coi hình bạn mình, bạn mình đã đăng hình lên đây, nghĩa là họ muốn khoe, tui đẹp đó, tui xấu đó! Đã không dòm đến thì thôi, còn chẳng đặng đừng thì dù gì cũng để lại vài câu còm cho người đỡ vắng, cho lòng người đỡ quạnh! Thói quen coi hình, đọc bài, và để lại lời bình luận theo tôi từ cái thuở nào, đơn giản, bởi tôi nghĩ đó là sự quan tâm! (đang nói khéo người nào ghé nhà tôi chơi, khi về tay không, dửng dưng và vô cảm trước những món tôi đem ra đãi, đấy nhé!)

Lớp cũ của tôi, dạo gần đây đang râm ran, khi lớp người ta rập rờn đen hình hồi xưa cũ ra trưng trên facebook. Dòm thì khoái, vì cũng những gương mặt đó, những khoảng không gian đầy kỷ niệm đó, nhưng nghĩ lại thì thấy hối tiếc vô cùng, mắc cỡ vô cùng. Lớp tôi ngày xưa đi chơi cũng nhiều, sinh hoạt tập thể cũng đông, mà hồi nào, đợt nào cũng tòn ten quên mất tiêu ghi dấu kỷ niệm! Cắm trại, đi chơi Tết, đi chơi dịp hè, đi thả diều, đi nhậu, đi thăm thầy cô... bao bận đón đưa mà không lấy gì làm bằng chứng. Hai mươi năm nữa, nếu có họp lớp thì chắc cũng chỉ mỗi tênh hênh nhớ nhung và bạn bè nuối tiếc vì giá như ngày xưa, phải, ngày xưa... chụp hình để khi buồn giỡ ra coi lại, hay phải biết!

Những tấm hình cũ luôn làm cho tôi cảm thấy mình khác đi từng ngày! Năm lớp mười nụ cười tíu tít, năm lớp mười một tóc tai bom bi, năm mười hai cò hương ốm nhom ốm nhách. Năm nhất đại học, tôi tếu táo những nụ cười, bước qua năm hai tôi khoe răng hàm trong những nụ cười rốp rẻng, năm ba cười ít đi một chút, thấy thấp thỏm những nỗi buồn nhiều hơn vui, qua năm tư cũng nụ cười ấy nhưng thấy mất tiêu những niềm vụng dại, ngây thơ trôi đi tuốt luốt! Để rồi buổi trời chạng vạng chưa rõ mặt người, trong ánh tà dương tôi nhờ bạn bấm cho hơn chục kiểu ảnh, biểu ráng bắt cho được tôi của nụ cười trẻ nít, tít mắt, vô tư... Về nhà giở hình ra coi, thầm cảm ơn bạn, hay cảnh, hay tâm trạng người đã khiến cho mình dòm cũng còn vô tư quá xá!

Rồi khi thời gian đi qua, điều đọng lại dĩ nhiên sẽ chỉ là hoài niệm! Tôi ơ hờ nhận ra mình có quá ít hình chụp chung với lớp, lớp cũ cũng thế, lớp đại học cũng thế! Dòm lại hình bạn gửi lên face vào những năm đầu tiên bước chân vào đại học, tìm mỏi mắt chồn chân cũng không kiếm ra hình ảnh của mình! buồn buồn, vì nghĩa là tôi đã không trọn vẹn trong những guồng quay của lớp, nhớ lần nào đó tôi dại dột nói ra tôi yêu lớp này, bây giờ nghĩ lại mà ngập tràn trong nuối tiếc! Yêu một cái gì đó, nghĩa là sẽ phải cháy hết mình vì nó! Tôi không tham gia đợt 8.3 đầu tiên tổ chức cho các bạn nữ trong lớp, để cho mãi đến tận sau này chắc sẽ còn hoài tiếc về những sự kiện xảy ra trong buổi ngày hôm ấy, những sự kiện mà có lẽ, hình ảnh chụp lại, nếu có, cũng không thể nào diễn tả hết nổi đâu!

Chỉ còn hai tháng nữa thôi, sẽ tạm chia tay môi trường này... và công việc độ rày tôi yêu thích nhất, chắc là chụp hình! Đơn giản tôi gọi đó là sự quan tâm, đến những ngày có thể gọi là, vui nhất của mỗi người!

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Và cho FTU's Day

Khi chuẩn bị thi đại học, tôi quơ quào vào trang web của trường Tthương, đặt một cái tên, tò te tú tí, sau đó mới biết, diễn đàn này không phải của cái trường mình đăng ký vào, mà thật ra nó là cha, chú, là đàn anh, dây mơ rễ má từ mấy chục năm trời. Độ đó, tôi không vào trang web ấy nữa.

Một tháng sau ngày thi đại học, tôi biết mình đậu! Lại lần mò trở về đường cũ, vô diễn đàn của người anh em, làm quen không khí, khẩu khí của dân trường Thương. Quãng ấy, là lúc bà con mình đang rục rịch chuẩn bị cho một ngày, nôm na là FTU's Day, chết bỏ ngày đó, tôi không biết cái tên ấy từ đâu ra, nghe vô duyên và không có gì ấn tượng. Một tháng sau tôi nhập học, kể từ đó, chỉ vào trang web kia mỗi bận mùa thi đặng tìm tài liệu, kiếm phao.

FTU's Day là một sự kiện lớn, có thể nói là bự nhất trong năm, của dân trường Thương. Vào ngày đó, sẽ có hát múa, văn nghệ hoành tráng giấc tối, nhảy vào buổi trưa, trò chơi dân gian vào buổi tờ mờ sáng, ẩm thực hội hè thì từ sáng đến khuya. Bà con thiên hạ rần rần đăng đăng đê đê rủ rê bạn bè, gia đình, hàng xóm tới coi, giữ ghế, giữ chỗ từ đâu lúc trời còn chưa sáng! Với tôi, từ năm nhất đã không tham gia, nửa chừng bỏ về, đến năm thứ tư, cũng gọi là tham gia cho có hương có hoa, không chè không cháo, thấy mần cái ngày này nó nhàn nhạt, có cũng được mà không có coi mòi cũng được luôn! Thế nên bữa bạn khối trưởng rủ tôi đi ăn nhậu liên hoan sau kỳ hội hè hoành tráng, tôi từ chối! Trong bụng rủa thầm, trời đất sao năm nào cũng có cái màn hậu kỳ này, bộ thành công rực rỡ lắm hay sao ta? Bạn đi ăn về, có chụp hình, dòm nhiều người thấy mà nóng, dám cá trong số ấy, có người suốt cả kỳ lễ hội, có đụng tay mó chân vô làm cái gì đâu, mà giờ ngồi cụng bia kêu rốp rẻng. Thiệt tình, tự nhiên thấy tội cho bạn khác, năm nào cũng mày mò làm ra cái trại, rồi trang trí báo tường, rồi nọ nọ kia kia! Hiền khô, ít nói, mà làm nhiều. Thế mà đến lúc chung vui, hổng thấy mặt bạn đâu hết trơn! Nghĩ vậy mà tôi từ chối, chứ hổng có hờn giận gì ai ráo trọi!

Nói về FTU's Day, tôi nghỉ đến bạn Đ. Tội nghiệp, tiểu thư, nhà có hai chị em, chắc ba má cưng, hổng cho làm gì hết trơn! Mỗi bận rủ bạn đi chơi, có ngủ qua đêm, trong sáng tinh khiết, mà lần nào bạn cũng lắc đầu quầy quậy, tỉnh bơ nói má tui hổng cho! Nghe trong lời nói có cái gì đó chua chát bay gọn lỏn qua chỗ tôi, bối rối! Nói như thế, có nghĩa là, bạn thuộc kiểu người được gia đình ấp ủ, không cho ra đời nhiều! Thế mà bận nào trường có hội, hay tôi có công tác gì cần đến cái sự gọi là khéo tay, hoa văn nọ kia, cùng đường nhờ đến bạn! Thể nào rồi bạn cũng gật đầu đồng ý, và khi ra tay, nghĩa là không còn chỗ nào để chê! Lớp tôi cũng nhờ những người như thế, mà làm cho cái trại của lớp ra hình, ra dáng! Bữa thấy bạn tất tả chạy về, ngồi trên chiếc bus tối thui, tự dưng thấy thương!

Những người làm nên FTu's Day của lớp, cũng phải kể đến Th. Mặc dù tôi đã không còn nói chuyện, dòm mặt bạn từ hồi nào tôi không còn nhớ! Nhưng cũng phải nói, bởi mấy chuyện hậu cần, bạn năng nổ xông xáo, không đứng một chỗ chỉ tay, mà việc chi cũng xốc tay vô, việc chi cũng lót tót làm! Bữa qua đăng lại tấm hình chụp bạn hồi năm nhất, cười muốn rụng cái rún vì mặt bạn hồi xưa ngơ ngác quá, ốm nhom, tóc chẻ bảy ba, hai hàm răng cười còn hơn là mùa thu tỏa nắng! Cũng tự nhiên mà thấy nhớ, bạn của những ngày "chưa - thấy - mình - bị - người - ta - ăn - hiếp" hồn nhiên và thân thương quá đỗi!

Và U., không thân không quen với tôi, nhưng tấm báo tường nào của lớp cũng có bàn tay bạn góp vô, nét cọ vẽ nào trên cổng trại trang trí cũng đều có thể là do ý tưởng của bạn viết nên. Bạn quê ở Đắc Lắc, khoái đọc văn, đọc nhiều, và nghe đồn hình như truyện nào bạn cũng đọc! Tôi không thân nhiều với bạn, nhưng thích bạn ở chỗ ít nói, nhưng mỗi bận lớp nhờ bạn làm gì, bạn cũng đều vui vẻ nhận lời! Bạn viết cũng hay, nhưng chưa đọc nhiều của bạn, hy vọng bạn cũng có cắm sào trên mảnh đất này, và một ngày mời tôi ghé nhà chơi, không cần trà bánh, cũng gọi là thỏa mãn!

Tôi nghĩ nhiều đến ai nữa?

+ Nhắn nhe với bạn Đ.: tui có hai coupons coffe Highlands, nếu bà đọc được cái này sớm, và có ngẫu hứng, thì xin mời bà đi cà phê với t một buổi! Từ rày đến hết tháng 10, bà nhé!

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Hà Nội, Hà Nội.

Với tôi, Hà Nội là một niềm xôi xa và dẳng dài trong tiềm thức. Ở nơi đó, có trái tim của đất nước, có Hồ Gươm mà ngày nhỏ má hay kể về một vị thần đem gươm báu giúp nước, giúp vua. Và Hà Nội, còn có Bác Hồ, Người mà thuở lóc chóc loi choi, tôi hay ngêu ngao Đêm qua con mơ gặp Bác Hồ, và cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn không nguôi mong mỏi được một lần nhìn thấy Bác. Hà Nội, Hà Nội. Hôm nay Hà Nội đã qua tuổi ngàn năm...

Tôi là người miền Nam, sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Xóm tôi ở, quẩn quanh chỉ toàn bà con lối xóm, dòng họ có, nội ngoại có. Điểm chung là giọng nói, là lối sống, là nếp nghĩ, nếp nhà. Ngày nhỏ, tôi không biết giọng nói nào khác, ngoài giọng ngọt lịm của chị bán chổi trưa nào cũng chạy ngang qua nhà tôi, tóc dài trôi lưng chừng ký ức, kêu chổi đây, ai mua chổi không rải miên man một trưa hong hóng nắng? Giọng nhặn xị của người hàng xóm mỗi bận chửi nhau, lèo nhèo léo nhéo của cha tôi khi vô một xị, hai xị đế. Giọng má tôi hay thầm thì kể tôi nghe chuyện đời xưa có ông tiên hay hiện lên giúp cho người hiền đánh lại kẻ ác. Giọng của anh chị tôi, cũng như tôi, dễ nghe, dễ hiểu. Tôi chưa từng nghe một giọng nói nào khác, một phương ngữ khác. Khi nghĩ về Hà Nội, tôi nghĩ đến câu Bắc Kỳ lai mười hai lỗ đít, Bắc Kỳ ăn cá rô phi/ ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ. Cơ hồ ngày đó, tôi chẳng biết gì về Hà Nội, chỉ biết rằng à, nơi đó xa lắm, người nơi đó ghê ghớm lắm! (vì bởi họ có tới tận mười hai cái lỗ … lận mà!)

Hình như cả nhà tôi, hầu hết đều không thích giao lưu, nói chuyện, rề rà quan hệ với những người miền Bắc. Má tôi bảo, dân Bắc ở dơ. Bởi ngày xưa, hồi má đi bán đồ lậu mé cầu Quang trở ra, khúc Châu Thành, Biên… này nọ, mà phía ấy, từ quãng 54 đã lập thành làng, thành ấp, nơi có nhiều người theo đạo Chúa, khác với chúng tôi về ngôn ngữ, về tôn giáo, và cách thức làm ăn. Họ trồng rau, làm đậu hũ, nuôi heo… này nọ, và má bảo họ lấy phân người bón cho rau màu tươi tốt. Họ trồng bắp cải, mồng tơi, mướp, dền… mà không ăn, chỉ toàn đem xuống Hoa để bán. Má tận mắt thấy, và sau này, nhiều người cũng thấy! Nên má nói, dân Bắc không chơi được, vì họ ở dơ.

Với cha tôi, đơn giản chỉ vì họ không ca được bài bản vọng cổ, thứ âm nhạc mà nhỏ lớn cha đã mê, và giọng hát của cha cũng khối người mê chết. Đã bước qua phía bên kia con dốc, mà giọng cha vẫn còn bén lắm, ngạo nghễ lắm. Và cha không thích những người nào, mà khi cất giọng vọng cổ lên đã thấy ngay một trời kinh khiếp, câu vọng cổ vỡ tan, xuống xề mà nghe lốp bốp, muốn khóc. Cha không chịu, nếu mai này vợ tôi là người không biết ca vọng cổ. Cha nói thế! Cơ mà làm sao tôi tìm được cho cha một cô biết ca vọng cổ đây trời! Vả lại bây giờ, người ta chỉ toàn ca vọng cổ teen thôi cha ơi!

Các câu tôi cũng không thích người miền Bắc! Cậu út tôi hay nhái giọng Bắc, nói dòm thằng nào mà trên mặt có hai cọng rau muống, là biết ngay Bắc Kỳ. Người miền Bắc không biết có khoái ăn cái thứ rau ấy không, chứ cá nhân tôi, nhà tôi, thiệt tình ít khi ăn rau muống lắm. Đổi lại, nhà tôi khoái ăn rau lang, rau tập tàng, những thứ rau dân dã ngoài vườn, có khi đổi một buổi chiều tềnh tang bờ ao ruộng lúa lấy một rổ đầy um úp những sản vật đồng quê cho bữa cơm chiều thêm đầy! Và cậu tôi không thích người miền Bắc, dám lắm, bởi họ chỉ toàn ăn rau muống thôi!

Và người hàng xóm kế nhà tôi, cũng không ưa gì dân Bắc, bởi mỗi lần bật tivi lên, phim truyền hình, nghe giọng chanh chua, chửi có văn có vần là y như rằng họ chuyển sang kênh khác, rốp ra rốp rẻng mà nhanh gọn lẹ, chửi liền tay day liền mặt chứ không phải đội cả tổ tiên, ông bà cha mạ người ta ra! Tôi thì cũng bó tay, vì nào giờ có chửi lộn, có đánh lộn thì cùng lắm tới thế hệ thứ hai, tức cha hoặc má, không bao giờ lôi ra tới tám chục đời tám hoánh của người khác ra kể lể. Tội!

Nói như thế, không có nghĩa là người miền Bắc là những gì kinh khủng và đáng ghét. Bởi lẽ sự khác nhau trong cách cư xử, trong giọng nói, trong phong tục tập quán, nền tảng văn hóa mà nhiều khi làm cho con người ta không thể dung hòa được. Nhưng vượt lên trên tất cả, thì chính là mối dây đồng bào, đã và sẽ liên kết người giọng Nam với người phương Bắc lại với nhau. Khi Hà Nội đang tưng bừng cho những ngày đại lễ nghìn năm tuổi, dân phương Nam thử hỏi ai không ao ước, không háo hức được trở về, phải trở về, với chính thủ đô yêu quý của dân tộc mình. Ai cũng có một quê hương, và khi quẳng trên vai một túi vali, đi tìm phố ở một chân trời khác, rồi thì cũng cảm thấy mình thật tự hào là dân Việt. Cảm giác tự hào vô bờ bến khi giáo sư Châu lần đầu tiên đạt giải Fields khiến cho tôi thấy mình vô cùng tự hào, tự hào vì mình là người Việt Nam, là đồng hương của người nói giọng – miền - Bắc ấy! Và trong vô vàn những lần khác, như khi coi những thước phim tài liệu quý giá ngắn ngủi về những ngày Hà Nội ta đánh Mỹ, ngày giải phóng thủ đô… lại càng thêm yêu, thêm quý trái tim của đất nước. Phải, Hà Nội đã ở sẵn trong sâu thẳm trái tim mỗi người!

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Ăn dừa!

Được cô giáo đãi cho một bữa thịnh soạn về cái này: http://anhttt.blogspot.com/2010/10/bai-thu-hoach-ve-to-mi-tom-singapore.html, nên về nhà, bắt chước làm một cái khác!

Biết đến trái dừa nổi tiếng tên gọi là dừa sáp kể cũng lâu lơ lắc rồi! Từ cái hồi còn học phổ thông, bữa đọc báo Tuổi trẻ, nói đến loại dừa không có nước, thay bằng cái phần cơm dừa dẻo dẻo, thơm thơm, ngọt ngon và đặc biết nhất, là chỉ có ở mỗi vùng Cầu Kè, tỉnh Vinh, giá cao, trên một ngày làm công ở ngân hàng Z, nhưng không phải lúc nào cũng có, phải đặt trước. Cây dừa đặc biệt ở chỗ, trồng được ở mỗi Kè, đem qua Tre đố ông nào trồng lên được, dù Tre là xứ dừa, nổi tiếng từ cái hồi Đồng Khởi đốt đuốc lá dừa! Cũng quá trời lần muốn thử, như lần thử chạy xe đêm từ Ninh xuống phố, coi cảm giác ra sao (mà đến giờ này còn sợ, mơ mơ huyền mờ, ớn chết!). Nhưng một vì nói nào ngay cái giống dừa quý quá, nên chưa có dịp thử, hai nữa là bởi mắc quá, nếu có tiền, cũng chưa chắc mua ăn, dù là ăn cho biết! (quan điểm của tôi, thà đừng thử, mắc công ghiền, chết đứng!)

Rồi bữa qua, chị cùng phòng, chắc cũng hổng phải dân Kè, nhưng có công chuyện, nhờ người gởi lên hai trái, một trái cất túi, một trái ngoắc tôi, nhỏ nhẻ em với chị khui ra, cả phòng cùng thử! Dân phòng mình, hình như cũng chưa ai thử cái giống dừa kỳ lạ này hết!

Rồi thì đem xuống bếp, lấy con dao Thái Lan, có chít béo, cạy cạy nạo nạo! Một tay tôi, từ từ tước lấy mấy cái lớp vỏ, rồi xí xọn mượn đồ đập nước đá, vỗ đều một vòng tròn quanh trái dừa sáp! Nói nào ngay, dòm bên ngoài, đố ông nội ai biết,nó là trái dừa sáp! Cũng bình thường, y chang trái dừa (mà nó là trái dừa, chứ trái gì trời!), cũng có vỏ, nhưng có điều trái nhỏ nhỏ, dòm coi bộ cũng dễ thương! Bỏ vỏ xong thì ẻm nằm gọn trong lòng bàn tay, bự hơn em dừa xim một tí, nhưng với mấy loại khác, chắc nhỏ hơn nhiều, nhẹ hều, gọn ghẽ trong lòng bàn tay! Gáo của ẻm mỏng, rất dễ để nạy ra, khi nạy ra phải cẩn thận, coi chừng làm đổ cái thứ chất lỏng mà người ta gọi là tinh khiết nhất ra ngoài, bởi loại này không có nước, chỉ có mỗi một dung dich sền sệt, đặc đặc, dính vào tay thì rất rích, ngứa ngáy khó chịu lắm! Cơm dừa thì dễ khựa (hay khựi, từ địa phương, chỉ biết đọc, không biết viết!).

Trái dừa lúc bổ ra, không nghe thấy mùi thơm, chỉ thấy nó rích rích, vì bị chất lỏng sền sệt dính vô tay! Hai chị em hí hửng, lấy muỗng xúc vài xúc, rồi dòm nhau í ới, má ơi, có vầy thôi mà nó mắc! Y chang như nước miếng, của bà già, hông có mùi gì, chỉ nhừa nhựa trong miệng. Thế thôi! Rồi ù tế, bưng lên cho cả phòng cùng xài thử! Ai ăn một lần cũng buông đũa, buông muỗng, lần sau có mua, chắc để tiền mua dừa nước bình thường sướng hơn!

Tuy nhiên, phải chi bỏ thêm xíu đường, đập đá, rồi bỏ tủ lạnh, lạnh lạnh đem ra xơi, chắc là ngon hơn biết mấy! Nhưng lúc xấp xải ăn, là gần đến giờ về, ai cũng tù tì te tái chuẩn bị cặp sách chuẩn bị về nhà! Và cái gáo dừa, thứ mà người chưa ăn nghe tên thấy khoái, người trồng ra thấy mê, thì lại chỏng chơ trên bàn! Chờ ngày mai, mấy chị lao công sẽ dẹp tất! Một thứ đặc sản, qua tay, không một lời khen, không nhiều cảm xúc! Tôi đã được ăn thứ dừa nức tiếng, và cũng chẳng thấy ngon lành gì!

Nhưng với người nào chưa ăn, thì cũng nên ăn thử! Đơn giản vì nó mắc, thế thôi!