Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Thèm ký ức....

Bạn tôi, nhiều đứa ngạc nhiên, bởi trong tất bật ngày hội thanh niên ở trường, thấy tôi đi cà kheo bén ngót! Ngạc nhiên lắm, bởi với nhiều đứa, cà kheo y chang như một thứ quà xa xỉ, nào giờ chưa được đụng, hay thật ra, mỉa mai, không dám đụng! Và tôi, trong một chừng nào đó, tôi thấy bình thường! Bình thường như cái câu ơ hờ, tôi trả lời bạn, trời đất cơi, cái này tôi biết đi từ hồi nhỏ, hệt như con nít vùng quê phải có tắm sông, phải có trốn ngủ trưa đi bắt cá, phải biết độn cơm làm diều, phải biết chơi ống thục, phải biết rú trong góc tường đánh tiến lên, trèo cây hái ổi, đi lượm hột điều ngày người ta thả giàn, khi trời nổi gió to thì rủ nhau vô rừng cao su lụm củi… Đi cà kheo, thiệt sự ra đã ăn sâu vào hơi thở, của tôi, như bao nhiêu những thức trò bình thường, và dân dã khác, mà tôi liệt kê phía trên kia!

Ngay hồi nhỏ, nghĩa là nhỏ xíu luôn đấy! Tôi đã tập đi cà kheo! Lý do duy nhất, và đơn giản nhất, là bởi vì con nít cả xóm ai cũng biết! Tôi là con nít của xóm, lúc nào cũng bu vô tất cả các trò chơi của xóm, thì không có lý gì, tôi lại bỏ qua được đôi nạng cà kheo! Cái thời mà cây đinh, nước sơn, nước đá, đèn cầy, dầu hôi, thuốc sổ, thuốc nhức đầu, sổ mũi cả thảy đều được thảy vô một tiệm tạp hóa (mà hồi xưa, nhiều khi cả xóm chỉ có một cái, nôm na ai cũng kêu bằng quán, đi quán, ai đọc chữ cô Lan, hoặc chị Tư, chắc ăn sẽ biết về một hình thức của trao đổi hàng hóa thông thường bình dị này, chỉ khác ở chỗ, cô Lan viết về nó với tên gọi là tiệm chạp phô, hồi những năm chín mươi thế kỷ trước. Còn chị Tư lót đót theo sau, bình dân chỉ gọi bằng quán, mà thôi!).

Việc đóng cà kheo trước hết phải có tầm vông, mà tầm vông chỗ tôi không thiếu, xóm cần xé mà, trúc, tre các loại đều có đủ. Trước nhà ai cũng có dăm bụi trúc, hai ba bụi tầm vông, sau nhà thì có mấy bụi tre kẽo cà kẽo cọt làm hàng rào ngăn nhà mình với nhà hàng xóm. Có nhà chơi ác, trồng cái thứ tre gai, gai rụng đầy ên dưới đất, con nít hay chạy nhảy, nhảy từ bờ rào này qua bờ rào khác, sứt đầu chảy máu thì không có mà toàn bị tre đâm thủng chân, con nít quê, có bao giờ đôi dép liền chân đâu. Mà cha má cũng ác, đồn câu chuyện rằng là ngày xưa con rắn nước độc lắm (rắn nước là cái thứ rắn hiền nhất, cắn đau nhưng không chết, gì chứ anh bà con của tôi đi ruộng, bị cắn hoài và cũng đem về mần cháo ăn hoài!). Rồi một bữa nó chán cái cảnh sống đời rắn độc, nên rủ bỏ hết nọc đi, khoác áo cà sa, cắn người không chết. Và thứ nọc độc của nó, được trút hết trên mấy cái gai tre. Má ơi, hồi xưa tôi thuộc nằm lòng cái câu chuyện đó, y như những câu chuyện khác, kiểu như đi ngoài đường thấy cái gì cũng đừng lụm, coi chừng bùa ngải, đừng đi về khuya, ma nó bắt về cho ăn bún, mà thực ra toàn là giun trùn các thứ, hoặc giả muốn khôn thì đừng ăn trong bóng tối, phải kiếm chỗ sáng mà ăn, không được bước qua sào đồ người ta phơi, bước qua thì ngu lắm, những nếu lỡ bước qua rồi, thì phủi đầu ba cái, coi như trả nợ quỷ thần. Ngày nhỏ tôi phủ đầy những bí quyết thông minh sáng láng, được truyền hồn nhiên giản dị qua những lời dặn của má, của cha, của chị, của anh tôi! Còn chuyện đạp gai, thì phải chạy ngay về nhà, nặn cho ra hết mủ máu, coi chừng bị phong đòn gánh, bị trúng độc mà chết. Thói quê của tôi hay đem đôi dép mũ trắng, có lỗ chỗ trên cái quai, mà bây giờ ít người hay mang. Kiểu dép ấy theo tôi mãi đến năm lớp tám, từ nhà tới trường, thân còn hơn bạn, đeo còn hơn đĩa, được cái xài bền. Giờ hông còn thấy con nít mang nữa, người lớn cũng không, dép Việt Nam, làm bằng mũ, đứt thì bán ve chai, lợi cả đôi đường, mà bây giờ người ta chuộng dép Hàn, Trung, Nhật, Mỹ, nên đâu còn ai mang thứ dép cổ hũ đó nữa đâu!

Đóng tầm vông phải đóng bằng đinh, bữa đi chơi hội thanh niên trong trường, thấy các bạn mình chơi dây ràng nẹp lại hai bên, dòm cười muốn sặc máu mũi! Đinh thì không thiếu, nhưng nghĩ nghĩ một hồi, rồi tự nói với bản thân chắc là cái này người ta làm cho tiết kiệm, sinh viên mà, lấy dây cột lại, rồi hết chơi thì tháo ra, khỏe re, khi nào cần thì mang ra xài tiếp! Chớ con nít quê, mấy cái trò chơi dân dã, đạo cụ nọ kia được công phu chế biến dữ lắm! Đôi nạng cà kheo được đóng từ lúc cây tầm vông còn tươi nguyên, nặng gần chết! Kiếm trong thùng đồ nghề của cha được lóc cóc mấy cây đinh, đóng chắc cùm vô hai đôi nạng, vậy là thành ra đồ chơi suốt ba bốn mùa sau kế! Cả tuổi thơ hình như tôi đóng ba, bốn đôi cà kheo, không phải vì bị hư, mà chủ yếu vì tôi lớn lên, cao hơn và phải thích nghi dần với một chiều cao mới!

Chơi cà kheo, cái thú là nguyên đám con nít, đứa nào cũng có một đôi! Rồi trưa trốn má ra ngoài đường cái, đi cà kheo rủ đứa này đứa nọ, rồi chạy đua trên đôi cà kheo! Chia phe chơi đánh lộn, đá đá cái chân coi chừng té lọi giò! Cái thuở cả xóm ai cũng nghèo, cái xe đạp không có mà đi, thì hỡi ôi được di chuyển, bằng một phương tiện khác, không phải bằng việc đặt bàn chân mình tiếp xúc trên mặt đất, đã là cả một niềm vui to lớn rồi! Chơi cà kheo cũng có mùa có vụ, y chang như bữa thấy trời chiều gió bự, thì biết ngay mùa thả diều tới! Lôi trong mớ giấy tập học trò năm trước ra, rứt năm sáu đôi giấy, rồi bắc nồi cơm, chờ cơm vừa trổ giò, móc ra một bụm nhỏ, cơm nhão, dễ dính! Rồi bắt đầu cắt cắt, dán dán, hai dôi giấy ghép lại thành cái đầu diều, kiếm cái nón lá rách cũ của má, lọc lấy mấy thanh nang nhuyễn rí mà cong cong đem dán vô làm bộ khung, rồi giấy nhỏ cắt ra, quấn vô từng lọn, từng lọn y chang như cách trang trí rạp đám cưới mà cái hồi chín mươi thế kỷ trước đang thịnh! Mất chừng mười lăm hai chục phút và có con diều, chơi chừng một tuần là chan, diều đứt nút, cho nó bay tuốt luốt giữa xấp xải quá chừng niềm vui! Hay khi thấy trời ui ui, mưa nhỏ nhẻ là biết mùa nấm mối, nấm dai! Nấm dai là thứ nấm hay mọc dưới góc tre, trúc, tầm vong, màu trắng, ăn dai dai, kho khô với nghệ và xả ớt, ngon bá cháy bồ chét! Xứ tre trúc, nên vô mùa nấm là rủ nhau đi bẻ, xách cái rổ đi chừng nửa tiếng đồng hồ, là thể nào trưa cũng có món nấm dai kho khô ăn đã cái họng!

Mùa nào trong năm cũng có thứ để chơi, để vui, và để bây giờ ngồi tôi nhớ đến đứt ruột! Hình như khi con người ta càng thừa thãi thì lại càng thiếu thốn, về một mặt nào đó! Bữa đi chơi trong trường, bạn dân phố thấy mình đi cà kheo bén ngót, khen nức nở! Trong đôi mắt bạn, tôi thấy thiếu quá chừng những niềm vui con trẻ, giản dị và gần gũi với tôi lắm! Nhưng mà biết đâu, tôi cũng đang thiếu thốn mà, ký ức có ăn được đâu, nên cứ làm cho người ta nhớ hoài, thèm hoài! Ví dụ như buổi trưa, thèm một tiếng ú ơi rủ đi chơi năm mười, tạt lon hay thùng binh thì hay phải biết!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét