Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ, tìm lại một bài thơ của, của Nguyễn Duy! Gì chứ T. vẫn thích những dạng này... Để biết rằng tư tưởng ái quốc, lúc nào cũng nhuần thắm trong tim!


NGHE TẮC KÈ KÊU GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ
Tác giả: Nguyễn Duy


tắc kè
tắc kè
tôi giật mình
nghe
trên cành me góc đường Công Lý cũ
cái âm thanh của rừng lạc về thành phố
con tắc kè
sao mày ở đây?
sáng ra nhìn soi mói mọi cành cây
chả thấy con tắc kè đâu cả
khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá
tắc kè kêu như tiếng ai vọng về

chợt hiện về thăm thẳm núi non kia
dưới lá là hầm, là tăng, là võng
là cơn sốt rét rừng vàng bủng
là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn
những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
ngủ ôm súng suốt một thời tuổi trẻ
đêm trăn trở đố nhau
bao giờ về thành phố?
con tắc kè nghe, nhanh nhảu nói: sắp về
sắp về
sắp về…
người bạn tôi rung võng cười khoái trá
ấy là lúc những cánh rừng trút lá
mùa khô năm một ngàn chín trăm bảy tư

ăn tết rừng xong, từ giã chú tắc kè
chúng tôi xuôi, ào ào cơn lũ đổ
các binh đoàn tràn vào thành phố
đang mùa thay lá những hàng me
lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
chồi non lăn tăn nơi đầu cành run rẩy
cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

người bạn tôi không về tới nơi này
anh gục ngã bên kia cầu Xa lộ
anh nằm lại trước cửa vào thành phố
giây phút lạnh lùng chấm dứt cuộc chiến tranh
đồng đội, bao người không về tới như anh
nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù và xa nữa
tất cả họ, suốt một thời máu lửa
đều ước ao thật giản dị:
sắp về.

qua hai mùa thay lá những hàng me
cái tết hoà bình thứ ba đã tới
chao ôi nhớ tết rừng không hương khói
đốt nhang lên
chợt hiện tiếng tắc kè
tôi giật mình
nghe
có ai nói ở cành me
sắp về…

TP.Hồ Chí Minh, Tết Mậu Ngọ, 1978

Yên tĩnh tuyệt đối hay quét bụi, ăn chay!

Cuối cùng cũng làm xong cái báo cáo kiến tập!

Đang đau đầu với mấy cái đề cương Axioo, không ngờ để có được một cái form như thế, phải tốn bao nhiêu là não! Thiệt tình!

Độ rày đi lên đi xuống Sài nhiều lần quá! Thứ hai tuần sau lại tiếp tục quấy quá đi xuống dưới đó nữa! Ơ hờ, ghé nhà dám chừng đui con mắt nữa àh!

Có khi nào sau này ra trước trúng chưởng cái ngân hàng hông tà?

Thấy bà con đi du lịch hoành tráng, còn tở thì nằm nhà, tu nhơn tích đức, ăn chay niệm Phật! Dễ chừng tháng 7 này ăn chay cả tháng, lập ra cả một cái thực đơn, toàn tàu hũ nước tương!

Vui vì được yên tĩnh!

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Quăng cục lơ!

Tình hình rất chi là tình hình là một ngày đẹp trời thằng nhỏ Đại Bàng bị người ta quánh xịt máu mũi, ngay tại cái bến bãi của mình, máu anh hùng sục sôi lênh láng trên mặt nó, tràn ra cả đất, thằng nhỏ Bàng te tái, lần đầu tiên, bị quánh, mà không thể quánh lại, và đau!

Chuyện bắt đầu khi thằng Đại Bàng gặp một cô bé, dễ thương, giọng nhỏ nhẻ, tóc dài... Lần đầu tiên nó mở đầu câu chuyện không bằng "mày muốn cái giề...?" mà chỉ đơn giản là ngây người, đôi con ngươi trợn trừng, thời gian đối với nó, lúc đó, y chang như ngừng trôi, và chỉ có trái tim, bà mẹ nó trái tim, đập liên tu bất tận! Và nó biết, thế nào là bị sét đánh trúng tim!

.............. Một câu chuyện tình sắp sửa xảy ra, và sau đó sẽ có màn đánh ghen hoành tráng, nhưng mà vấn đề ở đây là mình hông muốn viết nữa! Quăng cục lơ, chấm dứt ngay khi vừa mới bắt đầu, đôi khi, cũng là một cái thú!

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Cột băng lên đầu!

Mình đang ngồi ở cà phê và suy nghĩ về một số sự kiến đã, đang và sắp sửa diễn ra:

1. Với P&G:

Thật sự không có duyên với P&G, thế nên khi out bạn, mình thấy hài lòng! Bởi lẽ văn hóa của bạn rất nice, mọi người đều đủng đỉnh, dễ thương... Bản thân mình thì lúc nào cũng aggressive, hoàn toàn không thích hợp! Thế nên, quán triệt tinh thần là ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa tìm ra được bãi đáp lý tưởng cho cái cuộc đời đầy hứng khởi này, dù rằng là đã rạch ròi đường đi, lối rẽ! Mình khoái làm marketing!

2. Với hoanglekhatayninh.net:

Mình không tham gia năng nổ với ngôi nhà của trường này, nhưng trong một buổi quởn quơ, mình thấy rằng trời ơi sao cái nhà này nó trống trải và mốc meo quá! Sao hông có ai xốc nải dọn nhà, rào lại cái vườn, chăng lên mấy ngọn đèn, thắp lửa lại cái bếp, cắm thêm mấy bình bông, sau đó thì mời khách, vui nổ trời trong một buổi nôm na là tiệc - để - nhà - không - bị - quạnh - hiu đi! Thế là mình le te lập mốt cái plan, sau đó thì mời gọi, gặp mặt mấy bạn khác nữa. Và cuối cùng thì khẩn trương chạy cho một cuộc chơi hoành tráng! Thế mới biết trong căn nhà đó, lấp ló trong từng góc khuất, ngõ tối, vẫn còn đầy những tấm lòng thơm thảo, chỉ chờ một ngọn mồi, là bùng lên thôi! Năm sau đã tốt nghiệp rồi, và mình nhất định phải thắp lên ít nhất vài ngọn lửa, đủ để ấm áp căn nhà!

3. Với ABOB:

Mình tham gia đến hai đề tài, hai nhóm, hai dòng quan hệ, tình cảm khác nhau. Mà cái nào cũng khăng khít, cũng cuồn cuộn chảy chung quanh mình! Và điều không thể ngờ là cả hai đề tài ấy đều vào bán kết! Thế nên rổn rảng hai dòng đụng nhau kin kít! Một cuộc thi thật sự đem đến cho mình một trải nghiệm tuyệt vời. Lần đầu tiên chạm ngõ với việc lập một mar plan, sau đó lên marquette cho một cái brand image, rồi suy nghĩ thiệt nhiều về việc tận dụng các công cụ mar vào kế hoạch ấy! Mình biết mar là một ngành nghề đòi hỏi phải chuyển động mỗi ngày, mình yêu nó và mình đang dấn thân vào một thử thách, mà thử thách ấy, trước tiên dọn ra cho mình là việc phải biết khôn khéo dung hòa các mối quan hệ! Và con đường trước mặt vẫn còn dài! Mình yêu mất tiêu ABOB mất rồi!

4. Với bạn bè:

Không nhận được bất cứ tin qua tin lại gì từ Y., đồng đội và cũng là bạn bè thân thiết dù mình đã đôi lần hú bạn! Chắc là bạn giận mình rồi! Ơ hờ, thế nên lúc gọi ddienj cho Tr., mới thấy bạn thiệt là vĩ đại! Lúc nhắn tin cho mình, bạn bảo là chút bạn gọi lại, siêu thị đông người quá! Và trong lô xô nhấp nhô những ồn ã đó, bạn suy nghĩ về đường đi trước mắt cho cả mình! Khi gọi lại, nửa đêm, mình nghe tâm hồn thanh thản, trăng sao tối qua cũng thanh thản! Cuối cùng thì cũng khơi thông một dòng chảy! Bạn bè là tình cảm quý báu, khi gặp chuyện thì càng thêm yêu thêm quý! Nhưng cơ mà dạo này mình nghiêm túc suy nghĩ về các mối quan hệ lúc nhúc của mình! Mình thì lúc nào cũng cần bạn bè!

5. Với bản thân:

Dạo này lên cân, cái mặt úc núc dòm hổng ra! Thế nên lại lên một cái plen khác, tự kỷ với bản thân mình!

6.
Khi băng đã cột lên đầu! Nghĩa là mình đã quyết tâm thực hiện một việc gì đó! Và trong tình huống này, mình đã cột băng đến 5 lần, cho toàn là những điều quan trọng!

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

ĐƯỜNG CÒN DÀI CHO MỘT VÀI THÓI QUEN

Thói quen khi lên mạng, sẽ đầu tiên sign in vào hộp thư! Thói quen sẽ ồ lên khi nhận một tin mới, một tin vui kiểu như lời hỏi thăm từ một người bạn xa lơ lắc, hay lời chúc mừng báo hỉ từ một cuộc thi, một nhà phỏng vấn… Nhưng nhiều lúc thói quen cũng thẫn thờ, ơ hờ buồn như trẻ con trốn ngủ trưa đi chơi bị má bắt quả tang, nhấp nhỏm chổi lông gà biểu vô nhà cúi xuống. Đó là những lúc đón nhận mấy câu We are sorry… hay you are failed … này nọ! Cơ mà cuộc đời, đôi khi thắt thẻo cả tim khi thói quen đang đón chờ những tin tức mới, và những tin ấy, dĩ nhiên bao gồm cả tin vui lẫn tin buồn! Sau đó thì sẽ lại vào trang face, tìm trên notification có cái tin nhắn mới nào không! Thói quen hơi mắc cười, chỉ thường đọc và chí chóe một mình, lâu lâu cũng gửi lại cái tin, status thường chong ngóc buồn hiu! Vậy thôi! Thói quen cùng hay cười, người bạn ở ngoài dịu hiền mà trên face ồn ào thấy sợ, còn thói quen ngoài đời cười nói liên miên, lên face lại im re y chang ông già đi âm phủ, thui thủi, có một mình! List bạn thân hổng có ai hết trơn!

Và báo, thì phải nói ngay tới ông bạn hiền dantri! Ngày xửa ngày xưa, nhớ tên họ đầy đủ của bạn là tintucvietnam, tự dưng một ngày bị thằng mũ đen chơi ác, hất bạn một phát. Lâu lâu sau đó thì vô tình bắt tay bạn cái rụp giữa đường bơ quơ hú hoáy, tên mới của bạn, cho đến tận giờ, là báo dân trí Việt Nam. Một số người bạn khác, thói quen cũng hay thăm hỏi là 24h, cơ mà chỉ vào đọc mấy tin giải trí, để biết được cô ca sĩ H. đang lùm xùm vụ kiến cáo về cái đám cưới hồi thuở chín năm, chuyện người mẫu hó hé nội y, những tin tức kiểu giựt giò, giựt cẳng! Bạn vnexpress, thói quen chủ yếu coi hình, để rồi dày thêm tình yêu nước trước những vẻ lung linh của buổi trưa hạ trắng nắng rơi vàng phủ lối em đi của những bước chân Sài Gòn, hoặc giả thâm trầm thủ thỉ những nẻo xưa góc cũ bao đời của một thủ đô ngàn năm văn hiến đẹp miên man qua từng hơi phố cổ! Vietnamnet, coi clip, nhưng bạn này thiên về thời sự và chánh trị quá, cho nên thói quen cũng hổng thích. Bạn lại có tật nói chuyện rì rà rỉ rả, chậm còn hơn ông bà già đi chợ huyện, mà thói quen nhanh nhảu ưng chừng hổng hạp cho lắm, nên thôi, lâu lâu mới tạt qua, chào hỏi vài ba cái, rồi về!

Thói quen cũng hay vào nhà của trường cũ: hoanglekhatayninh.net! Để nhớ ra hồi thuở chưa xa thói quen từng đi về ngày hai bận, quen từng góc sân nhỏ nơi có con cá rô phi bự chà bá lửa, có khoảng sân đầy nắng ăm ắp niềm vui mà sao ngày cuối năm lại thênh thang quá đỗi. Thói quen cố gắng lưu giữ những ký ức cũ về cái thời quần xanh áo trắng, thời đó thói quen là sáng 5h dậy, vệ sinh tắm táp này nọ rồi đạp xe hơn nửa tiếng đến trường! Vẫn nhớ quê nhà mình có mấy ngày trời rong sương mù mịt, đạp xe mà cứ chong ngóc ngó người phía trước để khỏi mắc công gây tai nạn! Những ngày như thế, bây giờ ở thành phố, làm gì có!

Thói quen khác, chưa lâu lắm là thể nào cũng tạt qua nhà, nhà mình. Đó là nơi thói quen cắm mốc, dọn cỏ, dựng nên ngôi nhà, để một ngày vơ vẩn, thói quen vẽ nên một vùng ký ức, cảm nghĩ, vu vơ về cuộc sống, về cuộc đời, con người và ti tỉ những điều nhũn nhặt khác. Thói quen hay xài mấy chữ ơ hờ, túc tắc, lừng khừng này nọ! Bởi lúc nào cũng như đứng giữa dòng, sợ không theo kịp người ta mà cũng muốn luyến lưu những bước chân còn chưa phai dấu! Thói quen chọn cho mình một ngôi nhà, sau đó mời khách bằng những chén trà thơm thiệt là thơm nhưng uống xong cái hậu đắng ngét, bởi khách vừa uống vừa ngẫm coi có khi nào cái thằng thói quen đang mỉa mình trong từng chén trà thơm phức, nhiều khi cục tức dâng lên tới cổ mà cũng có làm được gì nó đâu! Thằng thói quen dạo này cũng hổng hiểu sao khoái đi sanh chuyện, lôi kéo người này người nọ vô nhà mình! Mà thói đời, nhiều khi người ta hôm nay là khách nhưng qua bữa sau, lịch sử sang trang, lại biến thành kẻ thù của mình! Thói quen cũng phải tập dần thói quen cẩn trọng, lỡ biết đâu một ngày, đưa người ta chén trà mà người ta trả lại cho ly rượu là coi chừng té cái rật, chết chưa kịp ngáp!

Đi qua hơn một phần ba đời người, thói quen cũng dần định hình nên ý thức! Như người ta nói, từ ý thức sẽ làm nên tính cách, từ tính cách mà sẽ thành nên một con người! Thói quen cũng dần thiên sang tả, ơ hờ, coi như cũng đỡ khổ! Nhưng mà đường vẫn còn dài, lại lắt léo ngã rẽ quanh co, khúc khuỷa, y chang thầy trò Trần Huyền Trang ngày xưa đi Tây thiên phải qua bao đèo, bao suối, vượt hết chín chín tám mốt kiếp tai mới tu thành chánh quả, thì thói quen càng phải nhanh nhanh rèn luyện cho sức khỏe thêm dai, tinh thần càng thêm mẫn huệ thì mới có thể vững vàng trước hàng hà sóng to gió cả. Và chỉ mong một điều, trên con đường dài đó, thói quen nếu có rẽ lộn đường, cũng vẫn còn tỉnh táo quay đầu lại, chứ đừng như thiêu thân, chỉ biết cắm đầu cắm cổ bay về chỗ có ánh sáng! Mà người ta nói, đó là cửa tử, chết chắc!

Ơ hờ, phải biết liệu hồn, nghen!

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

GIẤC MỘNG VỠ TAN

Hix, mình vừa mail cho chị Th. bên Friesland Cam, và từ lúc đó mình biết là mình đã out P&G! Qua bao bận chinh chiến, thì giờ mình ê càng! Giấc mộng vỡ tan, ui, thiệt là đau đớn quá đi!

NHỊP ĐỜI QUA NHỮNG VÒNG BÁNH XE LĂN...

Từ Tây Ninh, nếu muốn làm một vòng xuống Sài phố, có hai cách, một là cứ ra bến xe, hú ông tốc hành, hay xe đò, xe dù, rồi yên chí, phủ phê ngồi quách đốc chừng hai tiếng rưỡi, mở mắt ra là lưng chừng trôi giữa dòng người xe tấp nập của phố thị Sài Gòn, chỗ bạn đặt chân xuống ngay chóc Bến xe Sương! Còn một cách khác, túc tắc và tốn nhiều chút đỉnh thời gian, đó là kiếm quãng nào có cây to bóng mát, chờ dăm ba phút, khi thấy ông xe bus trờ tới, vẫy cái tay, qua ba bốn bận lên xuống bến bãi, dọc dọc ngang ngang, rồi thì cuối cùng bạn cũng sẽ tới, Sài phố! Cách thứ hai rẻ tiền hơn chút đỉnh nhưng cực còn hơn bà già đi âm phủ, chỉ thích hợp với dân buôn, học sinh, sinh viên tiếc tiền. Bạn tôi hay mỉa mai những ai đi bus là những người liều mạng, bởi cái thằng bus tuyến Tây Ninh Sài Gòn, thường chạy rề rề vào lúc đầu, càng về cuối càng chạy tới bến, tóc tai bở rở, tinh thần bở rở. Nhưng tôi ơ hờ! Mỗi bận đi Sài Gòn, tôi lại gói tròn hành lý qua những vòng xe bus lăn, kéo theo đó, xoay tròn bao câu chuyện, những câu chuyện đời, hay thiệt là hay!


Ví như bữa kia, trên xe có hai bà sồn sồn, ngày đầu tuần gom tiền đi tái khám dưới Bệnh viện trường Dược! Hai bà đi từ sớm, tới bệnh viện cũng sớm, để mong lấy cái số nhỏ nhỏ, vô khám lẹ, rồi quảy quá bắt xe về, tranh thủ còn kịp tưới cữ mía buổi chiều! Xe bus thành phố dừng hai bà lại bên đường, lúc trời chưa bảnh mắt. Xe ôm trờ tới, mọi bữa ổng lấy hai chị em có mười đồng, hôm nay hàng họ chưa mở cửa mà hét lên hai chục, hai người tiếc tiền, nên le te đi bộ. Chưa đến nơi thì thằng ôn nào từ đâu trờ tới bỉnh luôn sợi dây chuyền lấp ló cổ bà em, bả la oai oái! Sợi dây chuyền vàng mười tám, dành dụm cả năm nay lên thành phố xênh xang mới đem ra hù người ta mà chưa kịp lấy ra hù thì bị thằng ôn giựt mất, ong óc cục tức. Suốt buổi đi về, hai người cứ huyên thuyên suốt! Cái chốn gì mà khốn nạn, con người dòm thế mà đi ăn cướp! Mà cũng tại cái tật, tiếc tiền làm chi, hai chục đồng thì đi đại xe ôm đi, cho nó an tâm, bây giờ thì mất đi gần ba chỉ vàng! Hồi đó bán mớ mía, dư chút đỉnh giấu mua cọng dây cho có với thiên hạ, bây giờ mất rồi biết bao giờ mới mua lại được! Vàng dạo này lên dữ quá! Câu chuyện tròn theo những vòng bánh xe lăn! Tôi thiệt tình ngồi nghe mà nghe như cuộc đời đang lô xô nhảy nhót trước mặt mình! Thương gì đâu mà thương quá đỗi!


Có những câu chuyện, chắc chỉ có ngồi trên xe bus tôi mới nghe được, người thật, việc thật! Như hôm kia, ngồi kế bên bà má, chắc cũng tròm trèm tuổi má mình! Má đi trộm trạo từ Ninh xuống tận Bà Rịa thăm con, bận về má cứ ngồi trên xe thút thít! Má kể có đứa con gái, nó thương thằng thợ hồ hồi bận thằng này theo xe đò lên Ninh làm nhà cho người ta! Con gái bà thương thì bà chịu, chứ khép nó vào nếp không được, thiệt tình cái thằng bà dòm không ưa được chỗ nào. Đời thợ thuyền rày đây mai đó, nếu khổ thì chỉ khổ con gái bà chứ khổ ai! Rồi thì chuyện gì tới cũng phải tới, có ai ép uổng gì đâu mà đứa con gái cũng bỏ nhà theo người ta, ăn ở như vợ chồng! Rồi có con, cũng lại con gái! Bà đau như ai cắt đi núm ruột, dù già cả rồi đoạn ruột thừa nhiều khi cũng để không chứ có làm chi! Bữa bà đang ngồi trệu trạo nhai mớ cơm, nghe phong phanh Gái lớn gọi về, nó bảo chồng con dính H rồi, con cũng dính, con khổ quá má ơi! Bà bỏ dỡ chén cơm, cái ruột tự dưng mắc đau, còn đau hơn hồi Gái lớn bỏ bà mà đi. Bởi lần trước, đau thiệt nhưng bà biết, dù gì thì cái núm ruột nó vẫn còn đó, đau nhưng còn đó! Còn lần này, vậy là tiêu luôn rồi! Bà quày quả xách đồ lần theo địa chỉ con gái đưa, xuống Bà Rịa thăm con! Đoạn đường xa ngút ngái mà không dài bằng nỗi đau người mẹ! Xuống tới nơi thì dòm không ra con Gái lớn, nó ốm nhom ốm nhách, thằng chồng cũng đi miết hổng thấy mắt mũi ra sao luôn! Chỉ có đứa cháu ngoại, bụ bẫm, y chang má nó hồi nhỏ! Rồi bà năn nỉ kêu Gái lớn về, kêu hoài mà nó cứ lắc đầu, đời con khổ quá má, nhưng tội con làm con chịu, giờ con về còn làm gì má? Con mà về ai mà thèm dòm con nữa má, tía con từ bận con bỏ nhà có còn dòm tới mặt con đâu, hàng xóm cô bác có ai thèm nói tới con đâu! Đời con giờ coi như bỏ đi! Bà khóc lên khóc xuống, mày nói vậy chứ còn con mày, đời mày lỡ làng rồi mày tính sao với con mày? Tờ xét nghiệm còn hôi hổi trên góc tủ, con nhỏ con âm tính! Bây giờ cũng hổng biết tính sao, thôi con ở đây, kiếm cơm kiếm cá lo cho con con, bao giờ con lo hổng siết nữa thì con lạy má, má đỡ con một tay, nuôi giùm con con nhỏ, tội nghiệp con nghen má! Bà lại khóc, con dại cái mang! Đoạn đường về xấp xải, cái nón lá tuốt luốt trên tay bà cứ như muốn bay khỏi tay! Tôi thiệt tình muốn khóc, cuộc đời gì mà khổ quá vậy nè!

Bởi vậy mà có quãng, hơn bốn tháng tôi không thèm ngoắc xe túc tắc đoạn từ nhà ra phố! Tôi chuyển qua chạy xe máy, ngeo ngéo bò qua cả trăm cây số cũng chỉ để khỏi phải mắc công ngút ngát lòng mỗi chuyến sang xe! Nhưng chiều nay bỗng dưng thấy nhớ, nhớ những câu chuyện xoay tròn theo vòng bánh xe lăn! Chắc tại trên đoạn đường xa ngút ngắt, đường độc hành chỉ có mình ên khiến cho tôi buồn, qua đồng lúa xanh cũng im thút thít tự sướng chắc năm nay bà con mình vô mánh! Qua Trảng thấy dạo này bớt đi mấy chòi lá bán bánh tráng, muối ớt tự nhủ chắc lên đời, người ta không thèm bán mấy thứ đặc sản Tây Ninh nữa rồi! Qua những buổi chợ tan lòng cũng đơn độc bồi hồi, chắc ở buổi chợ nào, má mình giờ này cũng đang thong thả dọn hàng! Chạy xe máy một mình nhiều khi buồn muốn rơi luôn nước mắt! Nên bữa qua trở lại ngoắc bus để kiếm bạn đồng hành. Và khi đoạn về cả chuyến xe đầy ăm ấp những phận đời, biết đâu bỗng thấy yêu từng vòng bánh xe lăn kinh khủng. Trên những chuyến xe ấy, lòng khách thanh thản, bởi chắc ăn bạn đồng hành là những người đồng hương với mình, cùng chung một gốc gác, một lỗ rốn nắng cháy bạc đầu. Có hôm về quê, trúng ngày chay, cả xe hổng ai thèm dòm tới mấy món trứng cút, thịt thà, bởi cùng chung tôn giáo, tâm hồn chay tịnh đụng nhau rổn rảng!

Những vòng bánh xe lăn nối Ninh với phố, nối cả những phận đời gấp rãi qua những chuyến sang xe! Có người sợ chết nên chọn xe chất lượng cao, có máy lạnh, có khăn thơm, có truyền hình màu chiếu hài Hoài Linh cười rung cả ghế! Nhưng bạn tôi, ai chọn xe chất lượng tốt, đâu có thấy được những mảnh đời nhiều khi còn hay hơn tiểu thuyết, chậm rãi giở ra theo từng bận khách xuống, khách lên. Bởi đôi khi, ngồi lên xe là không chỉ có dòm về phía trước mà thôi! Dù gì cũng phải dòm sang bên, thấy nhiều thứ hay ho, chứ hổng phải là những hành khách mập lù, sang trọng thấy ớn, ngồi ngoe ngoác trong im lặng, cả chặng đường dài! Ơ hờ, đi bus cái thú là được nghe tiếng người, để biết là xe đang chạy, và mình đang sống chứ không phải đang ... lăn!

Quãng dài... dài ghê!

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

YÊU...

Yêu đám bình bát mọc lé đé cầu cá dồ mé ruộng. Cả tuổi thơ gắn liền với thứ trái dân dã, mộc mạc này! Bình bát thì nhiều, mà trẻ con quê nghèo còn nhiều hơn. Thế nên mỗi bận phải canh me, chờ trưa trời trưa trật mới lén phén đi bẻ bình bát, giành giật từng trái với lũ xóm ruộng, xóm chổi, xóm cần xé... Rôm rốp những niềm vui với cái thứ trái thuộc họ mãng cầu, ăn có vị ngọt ngọt, thanh thanh, sạch ruột, mà có điều hột nhiều quá, hồi nhỏ khùng hết sức toàn ăn nhả hết hột ra, ăn một trái bằng người ta ăn tám trái! Thế nên bữa hè năm trước, lúc chạy ngang qua cầu ao ngày cũ, rơi rớt một mớ nỗi buồn khi xơ xác đám bình bát tuổi thơ. Quãng đó người ta đổ đất, cất lên mấy căn nhà, trẻ con chạy loanh quoanh mấy gốc cây còn trơ trọi bên cái sân ngày xưa là cái bờ ao cá dồ. Bình bát về đâu, tuổi thơ cùng trôi miên miết về đâu!

Yêu đám ruộng gần nhà, mọc lên nào là rau đắng, lúa, rau răm, ngò gai, dấp cá... Có những chiều mấy anh em rủ rê xuống ruộng kiếm cua, thấy cái lỗ nào lấp ló bờ ruộng là nghĩ ngay có cua trong đó, nhưng hông đứa nào dám thọc tay vào, lỡ có con rắn, nó cắn một phát là te tua cả bàn tay! RUộng gần nhà nong đầy những bữa thả diều, diều no gió còn tuổi thơ no cả những niềm vui! Lớn lên từ tuộng nên biết con cá bảy trầu đá cũng dữ lắm, con nhà nghèo hổng có tiền mua cá lia thia nên tạm thỏa mãn bằng thứ cá dân điền này cũng được. Dân gần ruộng nên biết được là để làm nên hạt lúa người ta phải trải những mưa nắng, nhọc nhằn! Mồ hôi người ta rơi cho bữa cơm trắng thơm hạt gạo! Nhưng hổm rày tự dưng buồn, vì đọc báo thấy tội ông nông dân hết sức, cơ cực là thế mà bữa lúa làm ra, đem rao bán thì bị tụi dân buôn nó ép giá! Nông dân nên có biết thông tin bất đối xứng là gì đâu, bị tụi đầu cơ hùa nhau làm giá này nọ! Rồi thì người ta hả hê đem mồ hôi của người khác đem đổi ra ngoại tệ. Lúa gạo Việt Nam ngày càng tìm được mối xộp, nhưng dòm qua dòm lại chỉ thấy dân mình khổ! Thế nên bữa kia đi qua ruộng gần nhà, thấy mọc lên quán cơm tấm! Ông chủ bỏ cày, bỏ ruộng đi bán cơm. Ổng tí toáy, tui bỏ nghề, bán mấy miếng ruộng rồi mở tiệm bán coi mòi đỡ cực mà cũng có đồng vô đồng ra! Mừng cho ông nông dân bỏ ruộng mà tự nhiên te tái cả một vùng trời lộng gió ngày nào! Đám ruộng gần nhà giờ cũng tấp nập mấy quán cà phê, nước mía đội lên thớ đất trũng nước! Ơ hờ cả một tuổi thơ!

Yêu bờ kinh hồi nào hay thọc chân quậy nước! Nhiều khi còn bị cá lòng tong rỉa chân! Bờ kinh nối Hòa Thành với thị xã, quãng dốc Ao Hồ chạy lên! Ngày xưa nước trong và nhiêu cá lắm! Trưa hay đội nắng vác cần câu lên bờ kinh, quãng mọc um tùm mấy cội sung lơ thơ trái, mát ơi là mát quẳng cần kiếm cá! Dọc bờ kinh là con đường đất, cỏ rỉa hổng thấy đường đi! Chạy theo con đường ấy là ngút ngàn ruộng lúa, có quãng cò về đậu rợp cả một khúc kinh! Hồi đó thấy cò sợ nó bay tới mổ cho lòi mắt, nên thấy cái mỏ con cò là né! Coi cải lương nên biết được chỗ nào cò ỉa nhiều là có nhiều cá, vừa có cò vừa có nhiều cá, đó là dòng kinh trong trẻo gần nhà! Nhưng lại tiếp tục lừng khừng, bữa chạy qua bờ kinh lấy tay che mặt, che mũi! Trời ơi sao mà dạo này hổng tắm hay sao mà cả một mùi khủng khiếp! Nước kinh đen thui mà cứ tưởng đâu nước mắt mình đang chảy. Nghe đâu phía thượng nguồn mấy thằng nhà máy mới mọc lên mấy năm, thấy con nhỏ kinh hiền nên đè đầu ăn hiếp khiến con nhỏ te tua tàn tạ! Môi trường sống báo động mà ngày qua ngày người ta cứ vô tư đổ lên đầu nhỏ kinh bao nhiêu là nước thải, xác chó chết, băng vệ sinh... Thế nên, con nhỏ kinh bây giờ hết còn dòm ra, chưa già mà mặt con nhỏ nhăn nheo, da thì sần sủi nổi mụn quá đỗi! Con nhỏ không thèm nuôi cá nữa, thằng cá hết chỗ chơi nên rủ nhau ngủm củ tỏi! Hối tiếc!

Hết thèm yêu vì hình như yêu cái gì là cái đó bị người ta hè nhau đàn áp! Thôi thì đổi qua yêu cái thằng đô thị hóa, con nhỏ ô nhiểm môi trường, bà bầu vi khuẩn, ông cố nội bội bạc tình người... để cho tụi này bị đàn áp! Đấy, ai nói cuộc đời này đẹp lắm! Gì đâu mà toàn lấy đi những gì người ta yêu, người ta quý! Là sao? Là sao?

MỘT NGÀY NÀO ĐÓ ....

Một ngày nào đó, nếu thấy tôi bụng phệ, vác cái thân óc ách chiều chiều đi uống bia là bạn sẽ hiểu! Lúc đó nhà tôi cao tám tầng, tiền chất núi trong nhà băng! Con rớt con rơi lụm hoài hổng hết! Cái miệng hại cái thân, đi công tác tới đâu hay tò te tú tí! Cơ mà tiền xài hổng hết, thì phải có người tiêu phụ, tiêu giùm! Tiền không mất đi cũng hổng sinh thêm, nó chỉ đơn giản là chuyển từ tay người này sang tay người khác! Chẳng hạn như tôi đi giao dịch ngoài cảng, đút túi anh em ngày nọ, người kia! Sau đó trúng mánh, mỗi chuyến vô mấy con số là chuyện giản đơn! Rồi nào là bất động sản, rồi đầu tư vàng, buôn lậu đồ cổ... Tiền tài như nước, mỗi bận xuống xe là kè kè vệ sĩ theo đuôi (y chang như bác TS. bên trường Bàng, đi đâu cũng cặp nách hơn hai chục thằng đô con, lực lưỡng! Sống trong sợ hãi bởi vì mình giàu có quá!). Tôi sống trong nhung, trong lụa! Bữa đi qua một cây cầu, tự dưng thấy lục bình trôi, tự do, tĩnh tại, thấy thèm bay luôn xuống cầu mà tự tử, bởi lâu quá lâu rồi không còn thấy lại tâm tưởng hồi năm nảo năm nao đầy khoáng đạt. Tôi ơ hờ, ôi tiền!

Một ngày nào đó, tôi sẽ trở thành một ông già, bụng phẳng phiu, còi cõm như con tép. Sáng sáng chiều chiều tôi chống gậy cụm cạo, lúc lé đé hiên sau mở nắp dòm lũ cá bảy trầu nuôi hoài hổng lớn, thứ cá điền viên dân dã núp lùm ngoài bờ ruộng, ông già Út đem về nuôi trong khạp thử hỏi bao giờ nó mới lớn cho nổi.Lúc lại thấy tôi quỡn đãi ngồi chiêu ngụm trà, lật giở từng trang tri thức. Tủ sách mấy chục năm còm cõi rút nhặt giờ dàn ngang hai dãy, đông đúc, sum vầy! Cuộc sống chậm chậm nhón chân đi qua mà tôi - ông - lão vẫn luôn mỉm cười. Lúc lại thấy tôi lục đục trước sân phụ một bà già khác tóc trắng như mây như mơ, ốm nhom quét tước vườn rau. Hai ông bà già làm tới, làm lui coi mòi hạnh phúc dữ! Nói nào ngay chủ nhật con cháu mới tụ tập về có một ngày, quét đó, dọn đó rồi khi tụi nó đi, ông bà lại lục đục dọn tiếp! Con hai đứa, một gái một trai, đều sinh sống và làm việc ở thành phố! Hai ông bà già sau quãng đời bươn chải, nay hưu trí kiếm miếng đất quạu đeo nơi bờ sông một vùng quê! Đó là một tôi của sáu chục năm sau viên mãn!

Một ngày nào đó, tôi bỏ hết sách, hết tham, sân, si, gia đình, bà con, mối quan hệ để lên chùa. Sáng sáng, tối tối tôi trải mình qua lời kinh, tiếng kệ. Ơ hờ, thôi thì sau khi lăn lốc mình giữa chợ đời, bữa tôi rọi mình dưới dòng sông lặng, bỗng thèm một góc nào đó thiệt tĩnh để chậm chậm lại bản thân. Tôi bắt gặp giữa dòng ánh sáng của đạo, tôi bỏ bà vợ ngày nào cũng cằn nhằn chuyện tiền nong, cơm cháo! Tôi bỏ cái chỗ ngồi mòn đít ở văn phòng máy lạnh nằm chong ngóc ở khi trung tâm thành phố dày nghẹt người đẹp, tria đẹp, gái đẹp. Tôi liệng qua một bên những ưu phiền, mỏi mệt thế thái tình nhơn để lên chùa! Nơi đó tôi tìm thanh thản qua tiếng cá đớp mồi ngọt xớt, qua tiếng kệ chuông trầm khản của ông sư già, qua hương bông lài thơm thanh nhàn mỗi sáng, qua từng miếng đậu hủ, nước tương mỗi quãng cầm đũa... Một tôi thoát tục sau những trở trăn về cuộc sống, chắc lúc đó, đầu tôi trọc lóc!

Một ngày nào đó, khác với mọi ngày, tôi ngồi chong ngóc trên bàn thờ! Tưởng tượng như thế này, bữa tôi bị người ta ám sát, bởi tôi làm ông lớn, lắm tiền nhiều thế. Mà ăn tiền của dân nhiều quá, nên cái thằng dân bữa đó nóng mắt, dòm cái thằng quan lớn như tôi, có làm gì đâu mà giàu ơi là giàu, cái mắt lúc nào cũng chọc thẳng lên trời, cái tay chọc sâu vào túi người khác mà hút máu! Quân hút máu người, quân dã man. Và thằng dân đi kiếm một con dao bầu, nó chọn lúc thằng quan tôi đang tum húp dạy đời bà con mà nó xông thẳng tới! Một phát, tôi chết ngọt! Ảnh tôi trên bàn thờ cười như hoa héo, đời khổ thế là cùng, tự dưng làm quan lớn mà bị dân mình ám sát! Biết thế ngày xưa đừng chơi lobby để thằng dân nó bầu này, bầu nọ... Phải chi hồi xưa đừng ham hố cái ghế trưởng... Phải chi, phải chi... Tôi chết mà nhóc nhách cục tức! Cái ghế quan hổng biết bây giờ thằng cha nào đặt đít lên hả ta?

Một ngày nào đó... là một ngày nào đó! Bởi tương lai thì ai mà biết trước được hở trời! Tôi ơ hờ, hay thà mình cứ sống như mình đang sống, tương lai nằm gọn ơ trong bàn tay mình! Và từ bàn tay ấy, mỗi nhánh chỉ tay sẽ thay đổi từng ngày, chỉ cần mình trân trọng những gì mình đang có, thì chắc ăn, mai mốt, đường mình đi là chính mình vẽ nên! Vậy thôi!

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

NHÀ BÊN SÔNG 2!

Tôi hay ra quãng sông để đôi khi chỉ đơn giản là dòm lục bình trôi, vào giấc chiều, lỡ cỡ mé ba rưỡi bốn giờ, là lúc sông nhộn nhịp, lớp thuyền to thuyền nhỏ lũ lượt chở lá dừa nước, chở cát, chở dừa, chuối… lũ lượt trôi trên sông. Trên đó, dĩ nhiên, óc ách chở cả những phận người!

Có chị gái đôi mươi tóc dài chấm lưng, giọng líu lo chân chất miệt vườn! Chị theo đò từ miệt Bến Tre về đây để bỏ mối dừa. Từ những quầy dừa qua bàn tay thoăn thoắt chuyển từ ghe sang bàn tay những người đàn ông lực lưỡng của chị, tôi thấy có sự te tái nào lưng chừng rơi trên bến sông một chiều ngun ngút nắng. Chị theo ghe đi miên miết, tóc dài đã lé đé thắt lưng mà bàn tay chai chưa vòng đeo nhẫn. Cuộc đời người con gái thương hồ là những sáng dậy nhỏm người ra mép ghe dòm sông thấy gương mặt đứa tóc dài nào đen nhẻm ngúc ngoắc đàu dòm lại, chiều múc nước sông hồ tắm gội, giặt giũ ngay giữa lòng sông. Có đôi lần giữa khoảng dừng, chị cười túc tắc tâm sự nhỏ to với bạn hàng rằng là ba má dưới quê già muốn rụng rún, bỏ ổng bả đi cũng tội nhưng nhỏ lớn theo thuyền, giờ bỏ thuyền biết lấy gì mà ăn! Trái dừa từ bàn tay chị chuyền đi qua khắp trong cùng thành phố!

Ghe đến, ghe đi với những giọng nói, những con người đôi khi làm tôi ngỡ mình đang chảy xuôi giữa quãng sông của một vùng quê miền Tây sông nước nào đó, bởi giữa giấc trưa có câu vọng cổ nào vang lên mướt rượt, không phải những bài theo kiểu “người yêu ơi anh có cùng em…” của cô gái chân dài, tóc uốn lọn bận quần đùi chơi bài vọng cổ mà câu xề xuống nghe thiệt tình quạo đau quạo đớn! Tôi yêu biết mấy bác nông dân cũng bận quần đùi, lưng trần đen thút thít trải bao mưa nắng, giữa khoảng nghỉ chân trong những quẩn quanh của cuộc mưu sinh, bên cây sào chống đẩy ngoài sông hát lên câu vọng! Giọng đục khàn mà thấm ướt cả hồn tôi một tình yêu cuộc sống, sự lạc quan và cả một chút tình của người hoài cổ! Chút dư vị của cuộc sống, có đôi khi chỉ là một tiếng ca nhỏ nhoi cũng bất chợt xao động lòng người!

Tôi hay ơ hờ về những đứa nhỏ theo thuyền, theo ghe bỏ làng, bỏ xóm! Em theo ghe đi biền biệt thế này rồi thời gian nào em dành cho giấy bút, cho tri thức chữ đèn! Và trên quãng sông chỗ tôi, cứ chiều chiều ra dòm lục bình, thấy thuyền đi ngang là sẽ dòm thấy biết bao em gái, em trai tuổi còn lún phún trẻ thơ ra nép mạn thuyền man mác nhìn về hướng đất! Chắc là do tôi tưởng tượng chứ em có biết gì đâu, cha mẹ cũng cả đời lênh đênh sông nước, cuộc sống thương hồ không cho phép những đời thường nơi phía đất bon chen! Và em, bắt buộc phải theo mẹ theo cha chứ không lẽ bơ vơ tìm đèn, tìm chữ nơi đất một mình! Giao thông đường thủy là một thành phần kinh tế nền quan trọng, nếu không có những thuyền ghe xuôi ngược đó, chắc ăn hầu bao kinh tế sẽ nghiêm trọng thất thu! Vậy nên tôi chiều chiều lại ra dòm sông, nhìn thấy em đấy, nhưng rồi tôi cũng khẽ khàng nghĩ về hướng khác, ở một nơi mà tôi thấy em cắp sách đến trường, và mỗi độ hè sang em lại theo thuyền đi cùng trời cuối bãi, góc cuối ghe lấp ló những sách vở chữ đèn!

Không sinh ra và lớn lên ở một vùng đất phù sa nồng hậu, tôi ao ước được một lần theo ghe xuôi về những cồn bãi hào sảng ấy. Để nghe tiếng vịt chạy đồng mỗi bận hè sang, để lụm bỏ túi trái bần rơi rụng giữa một khoảng sông, để được nghe tiếng con bìm bịp kêu giữa chiều hung gió, để thổn thức đôi bờ trước cây cầu khỉ lắc lẻo khềnh khang! Để giữa trưa tòn ten cánh võng nghe câu xề nức nở. Tôi ơ hờ, ơ hờ! Bởi lẽ khoảng sông chỗ nhà thiếu chút nữa đã thành một bờ sông Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ nào đó, nếu không có những cặp đôi chiều chiều gió mát rủ nhau tìm bãi đáp, có nhà cao thiệt là cao ở tít tắp bờ kia, có wifi chạy ầm ào để tôi online chiều chiều sáng sáng, có rác trôi đầy sông để trẻ con đôi khi tắm lên mà cả ngày sau ngứa ngáy! Tôi thiếu chút nữa bần thần khi lâu lâu chợt dòm thấy con cá rô nhỏ xíu, ghẻ chóc đầy mình lượn lờ bờ sông, bởi mặc nhiên tôi nghĩ rằng sông này mà cũng còn có cá để thành sông nữa à!

Sống chỗ này mà mơ về chỗ khác, thiệt tình đúng là mơ mộng hão quá đáng! Tuy nhiên, cuộc đời là phải biết bay lên, như bộ phim hoạt họa tôi mới được coi! Phải chi, đời như hoạt họa, hay phải biết!