Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Làm vài cái so sánh a!

Ha ha, tự nhiên bữa mình ngồi, làm cái so sánh chỗ làm cũ với chỗ làm mới, nó như thế này này:

1. Hồi trước mình làm ở ANZ, mỗi lần mình về quê mình nói với bạn mình hay bà con mình rằng ngân hàng này này này, ai cũng hổng biết. Còn giờ mình làm ở Vietcombank, mình đi tiếp thị hoặc đi tiếp xúc khách hàng, nhiều người toàn nhầm qua Vietinbank. Nói chung, toàn ngân hàng lớn mà ở quê mình ít người biết, chậc!

2. ANZ trước làm ở phòng Marketing & PR, tối ngày ăn chơi nhảy múa, đi karaoke, đi ăn với khách hàng. Vietcombank giờ làm tín dụng, tối ngày cũng nhong nhong ngoài đường, đi cà phê, đi nhậu với khách hàng!

3. Ngân hàng Z mình ngồi vắt vẻo ở tầng 10, có bận ngồi nói chơi lỡ mai mốt có động đất hay gì gì đó chắc chết hết quá! Vietcombank giờ ở trệt, má ơi, khỏi phải lo vụ tai nạn, thiên tai gì sất! Sàn nhà không có thảm nữa, đi ở ngoài về nhiều khi giày dơ, dẫm lên cái sàn dòm... tội cái sàn gạch bông ghê ghớm!

4. Mùa mưa năm trước mình làm ở Z được cho có... 300 cái áo mưa, xài hổng hết nên cấp tốc liên hệ Hội đồng hương Tây Ninh ở bên trường Ngân hàng đặng cho gấp, đặng các bác bên ấy đem cho từ thiện quê mình! Mùa mưa năm nay, hẩm hiu, đến một cái áo mưa branding cho ngân hàng cũng hổng có! Bữa đi công tác ở trong vùng sâu vùng sa, khu vực ba nông thôn ở Phước Chỉ (quê của nghệ sĩ cải lương Châu Thanh), lúc về trời mưa cũng may khách hàng cho các áo mưa thuốc trừ sâu bận về!

5. Bánh trung thu nghe bảo cơ quan cho là đặt của Kinh Đô, nhỏ đồng nghiệp ngồi cười hí hửng, đã quá đã quá! Mình ngồi kế bên rung đùi, trời đất cơi nhớ ngày xưa tui làm ở Z, trung thu được cho nguyên cái hộp bánh trung thu làm bằng gỗ, khảm xà cừ, có logo ANZ, bánh đặt ở khách sạn 5 sao, có cái trống bỏi với cả hai cái lồng đèn bằng giấy nữa, sang và đẳng cấp lắm ạ!

6. Được cái lương thì bằng nhau a! Thưởng bên Vietcombank ba tháng, sáu tháng lên đều đều! Z thì hổng biết bonus ra sao, nhưng chắc cũng nhiều, hà hà!

7. Làm ở Z sếp khuyến khích nhân viên nghỉ! Vietcombank thì sếp cho nghỉ nhưng chả đứa nào dám nghỉ, nhiều khi nghỉ sếp còn dặn nghỉ nhưng phải kiếm khách hàng ở nhà, hoặc... nghỉ ở nhà làm cái gì! Trình độ chênh lệch quá!

8. Nhiều cái khác biệt nữa, thì dĩ nhiên rồi, một cái là của Nhà nước và một cái là của nước ngoài! So sánh hoài chắc tới mơi cũng hổng hết nữa a!

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

.......

10 ngày ở Sài Gòn.......

(Còn tiếp)

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Bạn sẽ buông tay!

Bạn mệt rồi, bạn mệt rồi!

Chiều nay khi bạn a lô cho chị đồng nghiệp ngày trước làm chung ở ANZ, than than thở thở với chị, chị quăng cho một câu ngay tắp lự: trời đất cơi VCB là niềm mơ ước của chị đó cưng! Ở đầu dây bên này bạn quăng nguyên cục lơ to tổ bố, thì là niềm mơ ước của chị, nhưng giờ là nỗi ám ảnh của em đó, chị ơi!

Bạn vào VCB làm tròm trèm một năm rồi! Nhớ ngày nộp hồ sơ, bạn lóc cóc lèng xèng vác mỗi cái CV với máy tấm giấy khen này nọ lên văn phòng chi nhánh nộp, bị từ chối! Lần thứ hai lên - đỡ lèng xèng hơn nhưng cũng bị từ chối - thiếu đủ thứ bằng cấp từ vi tính đến tiếng anh và cả... bằng tốt nghiệp đại học nữa. Lần cuối cùng, chưa có đủ hết các thể loại bằng nhưng bạn mệt mỏi lắm rồi, chỉ để hồ sơ một cái cộp lên bàn, loắn xoắn bên tai là tiếng của chị trưởng phòng bảo em để đó thì chị nhận nhưng nhận thôi chứ không có cơ hội cho em đâu, em chưa đủ bằng mà! Cuối cùng bạn đậu, bạn cũng ngỡ ngàng y chang như cô bạn làm bên U có bận hỏi mình: ủa chứ ông làm ở quê chắc có quen biết mới xin vô được hả? Và cả ông anh cùng trường cấp ba dạo trước cũng thẳng băng phang cho mình một câu: làm ngân hàng chắc em quen biết mới được nhận vô phải không?

Thì không, không quen biết, không dây mơ rễ má, nên giờ bạn mới cảm thấy mệt mỏi như thế này nè! Bạn làm mảng tín dụng! Sếp giao hồ sơ, không nắm bất cứ thông tin nào của khách hàng hết, vẫn phải ký, mà còn phải ký nhanh, ký lẹ, kẻo khách hàng giận, kẻo mất mặt sếp! Bạn làm mảng tín dụng, nghĩa là mỗi ngày phải bươn bả ngoài nắng đặng đi tìm khách hàng về! Thời buổi khăn khó, không kiếm được về báo cáo sếp, mong nhận lại vài lời an ủi động viên kiểu cố gắng lên em ơi thì bị quăng ngay một cục lơ, sếp ủa ủa bộ khó chứ đâu phải không làm được đâu! Bạn im re, cái thằng háo thắng với thẳng tính trong đầu bốc khói. Nhiều bữa sáng ngủ dậy, thèm viết đơn xin nghỉ việc cho rồi, chia tay sớm bớt đau khổ, vậy!

Nhưng nhiều bận bạn suy nghĩ thế này! Trời đất cơi làm nghề nào mà không khó, không khổ! Mới đụng có tí xíu chuyện mà đã than than thở thở, dễ nán quá thì dù có chuyển công việc khác thì nếu đụng chuyện gì đó không vừa ý, không vừa lòng, bạn lại coi mòi muốn chuyển đi, như vậy thì đâu có được, nhà còn ba má vẫn phải trợ cấp mà! Bạn nghĩ vậy đó cho nên cái chữ nhiều khi muốn viết đơn xin nghỉ việc cho rồi ở trên kia lúc lắc, vẫy vẫy bảo làm đi, thực hiện đi, nghỉ đại đi rồi lõng la lõng lẻo bay đi! Bạn lại cắm đầu vào công việc,tìm kiếm khách hàng huy động vốn, và năn nỉ khách hàng đi vay!

Mắc cười ghê chưa: năn nỉ khách hàng đi vay! Cái này thiệt, khách hàng tốt thì khó kiếm, khách hàng cà lơ phất phơ thì đầy, chỗ nào cũng có, khi nào cũng có! Nên muốn khách hàng đàng hoàng, phải năn nỉ, phải cạnh tranh, chào lãi suất và dày mặt! Bạn mệt mỏi với cái chuỗi dài đi năn nỉ người ta đó! Bạn biết rằng mình không khoái sales đâu, cũng không khoái cả ngân hàng, dễ ở tù như cái hồi viết đơn chọn trường thi đại học! Nếu khoái thì bạn đã nộp đơn vào trường Ngân hàng rồi mà!

Nhưng ngân hàng như một cái vận, lôi bạn vào, day dứt mãi không ra! Hồi trước bạn làm bên ANZ, mảng marketing, hồi bạn kết thúc bên đó, chị sếp có đề nghị bạn bay qua làm mortgage, bạn từ chối - bạn ớn đi sales lắm! Rồi sau đó bạn vác cái CV có kinh nghiệm mảng ngân hàng qua các công ty FMCG, hổng ai thèm nhận! Chỉ duy nhất nộp một bộ hồ sơ cho VCB, thì vào làm luôn, bất ngờ, không thể tưởng nổi!

Bây giờ thì bạn đã quá chán nản rồi! Không có cơ hội đặng bạn phát triển bản thân, sự rủi ro quá xá cao trong từng bộ hồ sơ bạn ký! Và cả tình đồng nghiệp lỏng lẻo được kết nhau bằng những: sợ mất lòng sếp, nịnh đặng sếp thương, dòm mặt sếp mà ăn nói khép nép!

Chắc là bạn sẽ buông tay, vào một ngày không xa!

Nhớ Sài Gòn!

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Đợi tới tết nửa năm!


Hôm nay đã là ngày 23 tháng tư rồi, tháng tư nhuận, không thì đã cuối tháng năm, loay quay là tới tết, lại hết một năm, thời gian gì mà nhanh quá! Mà như vậy là sắp tới tết nửa năm rồi, mùng năm tháng năm, tết Đoan ngọ!

Bốn năm đi học dưới Sài in như làm cho con người ta gấp rãi, bốn năm trước, năm đầu tiên còn háo háo hức hức rủ bạn đi chơi ngày mùng năm! Năm thứ hai nằm nhà, gọi điện về cho má bảo tết nửa năm con hổng có về, năm thứ ba được bác chủ nhà đem cơm rượu nấu bằng gạo lức qua cho ăn, năm thứ tư đăng đăng đê đê khóa luận tốt nghiệp nên quay qua quay lại hóa ra cái mùng năm tháng năm nó trôi đi đâu mất tiêu! Thành thử ra đã lâu lắm rồi mới lại có cảm giác trông chờ tới ngày tết nửa năm như những ngày còn nhỏ nít đã xa quá chừng xa!

Ngày nhỏ, mong chờ tới mùng năm tháng năm lắm! Bởi con nít mà, chỉ cần nghe chữ tết, là thấy khoái! Tết giữa năm rơi vào tháng hè, không phải đi học, được cha má chở về nhà nội, ngoại, được ăn mấy món ngon hơn ngày bình thường, sáng theo má ra chợ thấy chợ quê đông ơi là đông, vui ơi là vui, là đã thấy nôn nao dữ lắm rồi!

Thông thường thì quãng này miền Nam ngày nào cũng sáng nắng chiều mưa, khổ lắm, sáng mới bưng đồ ra phơi một giàn đầy nhóc quần áo, trưa hanh hao một xí là chiều trời đổ mưa ầm ào, khí hậu đặc biệt làm thành ra những con người đặc biệt, và cả các thể loại cây trái miệt vườn cũng đặc biệt luôn! Thôi thì tết giữa năm cây trái nhiều vô kể, chôm chôm, nhãn chỉ cần ra chợ đã thấy rực đỏ, rực vàng (cơ mà bây giờ nhà vườn nghỉ chơi trái nhãn rồi, không còn bán nhãn dày đặc như những ngày xưa nữa!). Sầu riêng cả năm chỉ có mùa này mới có trái (bây chừ thì mùa nào cũng có, khi nào cũng có!). Măng cụt, bòn bon (những trái này coi bộ cũng hiếm, dân quê nghèo ít khi được ăn lắm!). Và quả vải – miền Nam không có quả này, nhưng hồi nhỏ có coi tuồng cải lương Dương Quý Phi – nghệ sỹ Phượng Mai đóng đào chính, Vũ Linh đóng kép chính và Kim Tử Long vai An Lộc Sơn, có cảnh An Lộc Sơn bưng trái lệ chi cho Dương Quý Phi thưởng thức, thấy ngộ quá ngon quá a! Vậy mới nói, tết giữa năm con nít khoái lắm, vì đây là mùa của các thể loại cây trái mà!

Đạo Cao Đài ngày mùng năm tháng năm là ngày lễ lớn – tôi nhớ không nhầm là ngày kỷ niệm Thần Thánh Tiên Phật và ngày kỷ niệm Đức Phạm Hộ Pháp. Nhà tôi đạo Cao Đài, mỗi năm đến ngày này thể nào cũng đi chợ mua trái cây, bông hoa về cúng, xôn xao từ trước đó ba bốn ngày. Mình thì thế nào cũng được nhưng đồ cúng ông bà phải tươm tất, phải đơm cái chò trái cây cho rôm rả tí, phải chưng bông cho tươi cho đẹp! Nhiều khi thấy cha mẹ già ở nhà thấy tội, ăn chay trường tiền có bao nhiêu là ngày chay ra chợ mua bông hoa về cúng, về dĩa trái cây trên bàn thờ nhà tôi bao giờ cũng có nải chuối, ngày rằm mồng một có thêm vài loại trái cây khác bổ sung thêm!
Chả hiểu sao khoảng hơn chục năm về trước, tết Đoan ngọ năm nào cả xóm tôi cũng đều xào hủ tiếu! Món này coi như thành truyền thống luôn đấy! Mấy bà bán giá, hẹ, hủ tiếu ngày này là coi như đắt khách nhất chợ! Ai lu bu công chuyện nắng lên đầu ngọn sào mới quầy quả chạy ra chợ mua miếng hủ tiếu vài cọng giá về sào mâm cơm cúng ông bà là coi chừng hết! Món này đơn giản mà dễ làm, ăn ngán thấy mồ luôn nhưng thiệt tình không hiểu vì sao cả nhà năm nào cũng bị má bắt ăn!

Rồi khi con cái lớn lên, như tôi đi Sài học đại học, tết nửa năm không về, in như cha má ở nhà cũng chỉ làm dăm ba món gọi là cúng cơm ông bà! Ngày tết nửa năm đáng lẽ ra là ngày gia đình tụ họp, ăn miếng bánh, uống miếng thành vui mà thành ra lại trôi qua tan tác! Đau nhất là có bận tôi hỏi bạn ở Sài có biết ngày tết nửa năm không, bạn quay qua cười toe toét, ủa ủa có ngày đó nữa hả!

Năm nay đi làm rồi, đi làm gần nhà nên chắc ăn phải về ăn bữa cơm với má! Chắc má không còn làm món hủ tiếu xào nữa, má sẽ mần gà, mần vịt, má không ăn đâu nhưng dòm tụi con má quây quần mà má sẽ biết là món má mần ra ngon lắm! Thì ngon hay không cũng do lòng người mà!

Cùng đợi ngày vậy!

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Cho những ngày hè trôi qua

Mỗi bận hè đến, thể nào đài truyền hình, không HTV thì VTV, không VTV thì SCTV... sẽ chiếu lại Tây du ký, mỗi tập phim đi qua, là một trời nhớ, một trời thương về một thời đã qua xa ngái.

Cái thời đó là khi mà cả xóm chục nóc nhà cộng lại mà chắc được chừng vài ba nóc có được cái truyền hình (dân xóm tôi vẫn quen gọi là cái truyền hình - chứ ít ai gọi là cái ti vi , đó, ai nói dân mình vọng ngoại nào!). Con nít thì không hiểu sao nhiều quá trời, nhà nào cũng đông anh em, sinh năm sinh ba mà nhiều khi trọ trẹ toàn cách nhau năm hai, năm nhất! Vậy nên hè tới không vướng bận chuyện học thêm, học bớt, ngày tha hồ chạy tơi bời trên những ruộng đồng vừa mới phóng, chơi năm mười, chơi ống thụt, chơi u táng, chơi tạt lon... Chiều quờn đất là rủ nhau đi coi phim Tây du ký, chỉ cần nghe nhạc điệu chiếu phim tèn tén ten trên HTV7 là thôi rồi ù té chạy! Thằng anh cõng thằng em băng hàng rào chạy ù một phát ngồi xuống, dán mắt lên màn hình mà không hay cái cẳng bị kẽm gai cào rách một mảng! Thằng bạn ôm tô cơm chưa kịp nuốt chạy phới lới quên luôn cả cái đói. Và thể nào cũng sẽ có đứa con nhà giàu, nhà có truyền hình làm cái mặt thấy ghét coi bộ muốn ôm cả cái truyền hình không cho ai coi! Nhưng con nít quê cũng sẽ quây quần tìm cho được một chỗ đặng mà thả cửa ngồi theo dõi theo hành trình tây du của thầy trò Đường tăng! Phim gì mà hay dễ sợ!

Hồi đó tôi mắc cười dữ dằn lắm! Không dám coi phim ma, không dám coi phim yêu quái, yêu tinh, nhưng lại ghiền Tây du ký! Thì coi, khoái nhất là 4 tập đầu, đại khái toàn tiên nhân đạo cốt, toàn những cảnh Ngộ không đại náo thiên cung vui ơi là vui, coi hoài mà hổng thấy chán! Qua tới mấy tập có Bạch cốt tinh, bảy yêu nhền nhện là thôi rồi, mỗi bận yêu tinh xuất hiện là nhắm chặt mắt lại, không thôi vùi vào đùi chị gái - tại con nít mà, ngồi lâu mỏi, vậy là nằm dài trên đùi chị, hoặc, lăn luôn ra đất, coi cho nó thoải mái! Thời con nít ngây thơ quá, mà bây giờ coi phim kinh dị nhiều khi phì cười, nhất là mấy thể loại Bóng ma học đường vậy!

Tây du ký thì rõ là con nít nào mà không mê! Cái thời mà ra đường mua bịch cốm bắp, bên trong người bán cũng kèm theo mấy tấm hình Ngộ Không, Trư Bát giới, Đường Tam Tạng này nọ đặng cho con nít dòm khoái mà mua, bắp thì để ăn còn hình thì để dành sưu tập, không thôi đem ra so đứa nào có nhiều... Tề thiên hơn! Và mặt nạ, có đủ bộ bốn thầy trò, rồi cả Phật tổ Như lai  nữa! Nhớ bận học lớp sáu, học môn Văn, cô cho thuyết trình - đóng kịch! Nhóm tôi diễn lại vở kịch gì mà có ông bá hộ đem con ngựa thồ ra chợ, chất cả đống đồ lên rồi bắt con ngựa khiêng lặt lè, đến lúc con ngựa gần kiệt sức thì ông bá hộ vắt lên thêm một cái áo nữa, con ngựa sụm bà chè, ông bá hộ chê ỏng chê eo con ngựa gì mà dở quá xá! Vở đó hình như nhóm tôi có mua một cái mặt nạ Phật về đóng kịch, vui quá chừng! Nói để biết, ăn theo Tề thiên ngày xưa, cũng có nhiều niềm vui nhỏ nhoi, chỉ riêng thuộc về Tôn Ngộ không mà thôi!

Rồi dòm qua dòm lại, thấy bây giờ không biết con nít thời nay giải trí bằng những thứ gì! Mình ngày xưa thiếu thốn trăm bề mà thành ra dư dả quá nhiều thứ, mà thành ra toàn là những đặc sản không thể nào quên! Giải trí bằng những trò chơi dân dã mà vui nổ trời nổ đất, bằng những câu hát đồng dao mà lớn lên nghĩ lại thấy hay quá lá hay - mà giờ lại quên mất tiêu, tiếc đứt ruột, bằng những buổi đi coi phim ké bận về tối thui sợ ma, sợ bụi tre kêu kẽo kà kẽo kẹt ù té chạy, bằng những củ mì lùi tro đọt rau lang chấm mắm xả ăn mà ngậm ngùi quẹt nước mũi chảy lẹt quẹt! Con nít bây giờ đủ đầy mà sao thấy nó đơn độc trong cái thiếu thốn mà vui của mình ngày xưa quá!

Và mỗi bận phim tây du ký chiếu lại trên truyền hình là thể nào cũng sẽ có một đám người lớn tôi ngồi lại chung quanh thầm nhớ, thầm tiếc về những ngày xưa! Ngoài kia đám con nít đang bằn chéo bán tuổi thơ mình cho những buổi học thêm hoặc trong cuốn truyện tranh hình nhiều chữ ít hay lên mạng chat ola!

Những ngày hè trôi qua!