Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

BỖNG DƯNG MÀ ÔNG TRỜI MƯA!



Sáng nay trời mưa, đúng là lạ, thời buổi gì mà kỳ cục quá, giáp năm rồi mà ông trời còn mưa! Nếu ngày xưa, tức ngày tôi còn nhỏ, gặp ngày mưa trái mùa tréo cẳng ngoe thế này, chắc mừng túc tắc, vì được nghỉ học, được nằm chèo queo ở nhà, có khi lại đi tắm mưa, chắc vui! Còn bây giờ, đang yên đang lành thế này, trời mưa, chỉ có nước buồn thúi ruột. Gì chứ cuối năm cuối tháng, ông trời bậy bạ khóc nỉ khóc non, sáng ra chỉ thêm uể oải, kéo theo là không muốn làm việc gì hết. Coi như đói nhe răng!


Người dân Tây Ninh quê tôi khát mưa dữ dội lắm! độ chừng tháng giêng mình là bắt đầu vào mùa hạn. ngày tết ngồi chơi đánh bài, đàn ông hùng hùng hổ hổ chặt heo, thúi hẻo, cởi trần, quần nhau từ sáng đến tối. chỉ tội mấy cô đàn bà, ngày tết không được rảnh rang, vừa chộn rộn làm này làm nọ, còn phải châm trà rót nước, cộng thêm kế bên hầu quạt cho mấy anh. Cũng tại ông trời, ai biểu nóng quá, làm các chị thêm khổ, quạt lấy quạt để. Ngày tết nắng chi mà nắng, ai nói nắng vàng, tôi thấy vàng con mắt luôn mới đúng!


Ở chỗ tôi ngày trung thu có cái hội, nôm na là Lễ hội Diêu trì cung, đậm đà màu sắc tôn giáo Cao Đài! Bà con mình ở tứ xứ tụ về, ăn chay, làm việc thiện, ngày gói bánh ít, bánh tét, bánh ú, tối coi múa rồng nhang, cộ tiên… Cá nhân tôi thấy ngày hội này vui, thú vị, nhưng ngặt nỗi năm nào cũng quần đi quần lại như thế, hóa ra nhàm! Vậy mà dân làng mình cứ tới ngày, tháng đó là tụ về, vui lắm!


Có điều cũng hay hay về cái hội ấy, rằng năm nào cũng tới giờ múa rồng nhang (tức múa rồng, trên mình rồng cắm nhang, múa may loạn xạ, đi vòng lượn xoáy tùm lum tùm la, nghe đồn ngày xưa cháy quần cháy áo ghê lắm, bây giờ thay bằng nhang điện, hóm hỉnh thiệt!) là ông trời đổ mưa xuống, ầm ầm ào ào, ướt thôi là ướt! Về chuyện này thì ông ba của tôi trong một bữa trà dư tửu hậu, ngồi nhâm nhi ly cà phê đắng ngét, thong thả nói tôi nghe về cái tục của tôn giáo ruột thịt mình là ngày hội phải có mưa, coi như ông bà mình về, có dòm xuống, thấy ừ, con cháu mình năm nay có lòng thành, biết thương yêu, có hướng thiện, thôi kệ, cho tụi nó chút nước, năm sau ráng làm ăn, chứ Tây Ninh nắng quá, chịu hổng thấu! Đấy, đến đây thì thấy có mối liên kết với cái sự mưa rồi đấy! Tây Ninh nắng dữ quá nên con người tìm đến nhau, thông qua một ngày hội, thông qua tôn giáo để liên kết với một thế giới nào đó xa lắc xa lơ, tự an ủi là thế này thế nọ. Để có sức mà chiến đấu với thiên nhiên, với cái nắng xứ vùng biên trồng cái gì cũng hổng nổi như đất này!



Bởi vậy mà đôi khi thấy ước gì giữa trưa nắng có một cơn mưa, nhỏ nhỏ, vừa vừa, đủ để làm bớt đi cái oi nực của ngày đổ lửa. Mà cái ước mơ này tôi ước hoài, nhỏ lớn, vậy mà ông trời có cho tôi bao giờ đâu! Những ngày tôi ôn thi đại học là những ngày khủng khiếp, ông trời hành hạ bằng cái nóng thôi là nóng! Tôi chữa cháy bằng cái máy quạt, quạt điện thứ trăm mấy ngàn bán đầy ngoài tiệm, về nhà chạy hết công suất, rốt cuộc cũng đỡ đôi chút, nhưng nghe giang hồ đồn là xài cái này nó hổng tốt, nên thôi. Khuyên bản thân mình nên hạn chế xài điện, coi như hành động nhỏ vì một xã hội lớn, cái này báo chí bàn miết, thấy cũng có lý ghê!


Và giờ thì tôi đổ lỗi cho cái việc rằng Tây Ninh quê tôi nắng quá là do chính người dân Tây Ninh làm ra, nào là xài túi nylon nhiều (hồi nhỏ đi lụm bọc nylon bán ve chai, thiên hạ mua hà rầm, bán hà rầm, xài nhiều là cái chắc), xài điện nhiều (ông nhà nước hay bậy bạ cúp điện, chứ thật ra do dân mình xài nhiều quá, nên lâu lâu canh me tắt cái cụp, tiết kiệm được một miếng!), làm ô nhiễm nguồn nước (hôm bữa đi xuống mé sông Bến Kéo, thấy hổng còn đám lục bình nào, mà nước sông đen thui, ghớm chết),… Và còn nhiều nhiều nữa, cho nên, nắng là tại con người!


Trở lại chuyện mưa, tại sao lại có mưa vào thàng này? Tôi một lần nữa cho rằng là do con người! Cá mười ăn một là dân làng nhiều khi cũng cho rằng như thế là đúng! Nghĩ sao mà tết đến nơi rồi mà trời lại đi mưa, ông trời chư đâu phải đứa con gái mít ước, đụng vô là xịt nước! Cái này là do con người, làm này làm nọ, ổng buồn, ông giận, ổng tức, và ổng khóc! Thế thôi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét