Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Thụt ống thụt!

Một trong những trò mà ngày còn nhỏ, lớp năm đổ xuống, mà tụi con nít chung xóm với tôi – cũng toàn anh, chị, em họ hàng hết thảy đều mê, là bắn ống thụt! Không có một mùa, hoặc bất cứ một giới hạn thời gian nào đặng báo hiệu cho chúng tôi biết rằng là đến mùa bắn ống thụt rồi đấy, kiểu như tháng hai, tháng ba lúc lúa đồng gặt xong còn trơ gốc rạ, là xắp xải rứt giấy trắng học trò, kiếm trúc, vót nan đặng làm diều để chiều chạy tềnh tang với gió! Bắn ống thụt, chỉ cần có hứng, là cả đám năm, mười, mười mấy đứa rủ nhau đi chặt tầm vong, bày biện thêm trúc, đặng làm ống thụt! Rồi thế nào chiều hôm đó cũng sẽ chia phe rượt nhau chạy té khói! Trò bắn ống thụt, là một trong vô số trò chơi ngày nhỏ, mà đến giờ, năm cuối đại học rồi, mà tôi vẫn cứ thường tha thiết mà nhớ, mà mong, mà thèm đến độ nhức hết cả đầu chân tóc cũng chỉ để được một lần được cùng những gương mặt anh, chị em, bạn bè cùng xóm ngày cũ chơi lại! Và thì rồi cũng sẽ rượt nhau chạy té khói mà thôi!

Ống thụt đơn giản nhất được làm từ tầm vông, thứ tầm vông vừa trở già, cái lỗ ở giữa thân vừa đủ lớn, không nhỏ quá, không lớn quá, để có thể đút vừa cây trỏ, vót từ một khúc tầm vông khác, đặng làm cái chồi đẩy đạn! Tầm vông chỗ tôi không thiếu, đã nhiều lần bảo rồi mà, xóm cần xé, thiếu nhà lầu, thiếu xe hơi, thiếu đường trải nhựa, bê tông chạy dài tít tắp chứ mấy thứ quê mùa, cục mịch giữ làng, giữ xóm, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín như tre, tầm vông, trúc thì nhiều vô số kể! Chỉ cần ra sau nhà, ghé lại bên bờ hiên nhà hàng xóm, xách theo con dao phay, chặt lấy một cây tầm vông, đem về chặt ra thành tám, chín khúc, là coi bộ cũng đủ cho ba, bốn đứa chụm chung lại làm thành một tụ!

Tầm vông chặt xong rồi, khỏi cần đem phơi hay xử lý chi ráo! Chỉ cần chặt lấy sao cho một khúc có hai mắc, rồi khúc đó chặt làm hai, khúc dưới làm cán, ngắn độ chừng nửa gang tay, đảm bảo phải có chứa khúc mắc tầm vông, vừa vặn sao cho cầm thụt thoải mái, hổng bị hụt tay, hay vướng víu! Khúc cán đó được lắp vô bằng một cây trỏ, trổ ra từ một khúc tầm vông khác, phải chịu lực được và cứng, đặng khi thụt ra thụt vô, không bị gãy, giữa chừng cuộc chiến mà cây trỏ gãy là cầm như cháy nhà, bị quân địch tấn công coi mòi banh cả cái mặt mà vẫn không có đường phản công lại, vũ khí đã bị hư hỏng mất tiêu rồi còn gì! Thường thì cái lỗ của khúc cán cầm ống thụt với cây trỏ không có khớp với nhau, cho nên mấy miếng mạt cưa, đẽo ra lúc vót cây trỏ sẽ được tôi gia cố vô trong gốc, lèn chặt đặng tránh trường hợp cây trỏ bị sút cán, trường hợp này cũng coi mòi đau thương không kém gì vũ khí bị gãy giữa chừng cuộc chiến! Đã xong cái cán ống thụt, thì quay qua mần tiếp tới phần bao ống thụt, tức là khúc tầm vong còn lại! Phần này dễ, chỉ cần vót sao cho cây trỏ ra vô vừa khít với cái lỗ của khúc tầm vong bao này là được! Khúc này cũng giữ vai trò quan trọng lắm, vì nếu như đạn dược mà không đút vừa ống thụt, khi đạn bự quá, hoặc khi đạn nhỏ quá, đút vô là trọt lót là cũng coi như thua trước khi rút súng! Vũ khí đến đây coi như xong, và loại ống thụt này, là theo kiểu đơn giản nhứt nhứt nhứt, mà tôi nghĩ, thằng nhỏ dở ẹt mấy cái trò làm ống thụt, làm cà kheo (hay sứt càng, gãy cán giữa chừng), làm diều giấy (chết bỏ, làm xong mà thả hoài hổng chịu lên, hoặc muốn lên phải bứt mấy nhánh cây, thắt vô cái đuôi cho nó đừng chinh thì diều mới bay được!) mà còn làm loại ống thụt này được, thì ắt hẳn là, ai cũng có thể làm được!

Tuy nhiên, đã bảo là ống thụt là một trò chơi vạn người khoái, thì việc gia cố, sản xuất ra những loại vũ khí hiện đại hơn, cao cấp hơn là một thực tế khách quan của tụi con nít xóm tôi, hoặc ở những bờ tre, gốc lúa khác, mà tôi không biết! Tụi nó hay lắm, không đơn giản như tôi chỉ xài mỗi loại ống thụt làm xong chỉ trong chừng ba, bốn phút! Tụi nó chặt thêm một lóng trúc, ống thục bằng tầm vông làm y chang như khúc tôi đã hướng dẫn phía trên! Rồi ở phần bao ống thục, tụi nó khoét một lỗ sao cho nhét cái lóng trúc vừa y thì được! Mục đích của cái lóng trúc này là kiểu như cái ống khói, để tiếp tế đạn dược! Nếu như loại ống thụt đơn giản, dễ làm phía trên không tiện vì mỗi bận chỉ bắn được một viên đạn mà thôi, tốn thêm thời gian bỏ đạn vô ngòi ống thục nữa, thì ống thục dạng súng máy này mỗi lần vô trận, chỉ cần bỏ vô lóng trúc một nắm đạn, là cứ bắn lai rai, tiếp tiếp tiếp, đạn lọt xuống khe, vô lỗ bắn, thế là vô tư! Chỗ tiếp đạn cũng dễ dàng nữa, không tốn nhiều thời gian nhét vô cái lỗ của ống thục! Tóm lại là loại này tôi cũng biết làm, nhưng không thích, vì bắn tàn ác dữ dội lắm, với lại, tôi thuộc loại làm đồ chơi dở, nếu làm, thì cũng không phát huy hết được tác dụng của ống thụt máy loại này, nên để cho ăn chắc mặc bền, tôi thường xài cái loại ống thục một ống kia!

Tiếp tới là vấn đề đạn dược! Tôi khoái vụ này lắm, vì phải đi xuống sông, xuống ruộng, lên rừng để kiếm, và đứa nào lanh, thì kiếm được nhiều đạn, trữ nhiều, thì phần thắng sẽ nhiều, thường thì tôi nằm trong tốp mấy đứa phá cây diệt loài dữ dội nhất! Kiếm được kho vũ khí nào là tôi tàn sát dã man luôn! Chơi ống thụt, vui vì được dí nhau chạy thoải mái, lại thêm trò núp núp, ló ló, kết hợp giống như chơi năm mười, lại có cả chơi thùng binh! Đặc biệt, kèm theo là tiếng súng nổ đì đùng từ những kiểu đạn dược chơi ống thụt! Thế nên, khi nói về trò chơi ống thụt, phải kể đến những tiếng kêu, phát ra từ những kiểu đạn!

Đạn của ống thụt cực kỳ đa dạng! Dở nhất là giấy! Cái này thuộc về trường hợp kiểu như ghiền chơi quá, mà các thể loại đạn dược khác (tôi sẽ kể sau) không còn nữa, hoặc đã bị chúng tôi sử dụng hết rồi, thì mới họa hoằn sử dụng đến! Giấy học trò, đem nhúng nước, rồi vo tròn lại sao cho nhét vừa lỗ ống thụt! Đạn bắn ra bét nhè, không đau bằng khi cũng dùng giấy, nhưng xếp lại nhỏ nhỏ rồi lấy thun bắn ra, có lẽ do lực của ống thụt không linh hoạt bằng sợi thun! Không hiểu tại sao lại là đem giấy đi nhúng nước, vì bây giờ tôi nghĩ là cứ lấy giấy khô vo tròn lại, bắn cũng được mà! Nhưng thời thế nó như vậy, hễ đạn bằng giấy, là y như rằng đám tụi tôi sẽ đem nhúng nước, vo tròn, rồi bắn! Dở ẹt!

Một thể loại đạn dược khác, thuộc loại phổ biến, dễ tìm nhứt mà cũng được tụi tôi hay xài nhứt, đó là trái chùm giấy! Thời buổi đó nhà chưa nhiều, chỗ đồng ruộng tôi ở loanh quanh có mấy chục chái nhà, đất rộng người thưa, chùm giấy mọc hoang dại nhiều vô số kể! Chùm giấy mọc thành bụi, không có gai, lá mềm, giống giống lá của cây bông giấy, trái mọc thành từng chùm, một bụi chùm giấy, nếu đã ra trái thì coi như dòm cây chỉ thấy toàn trái! Trái chín màu nâu đen, ăn được, nhưng ăn dở (thế mà hồi còn nhỏ, đói khát tụi này toàn tranh nhau đi bẻ chùm giấy nhét vô họng, đó là cả một thế giới đầy niềm vui của mấy đứa nhà quê đầu cháy nắng khét lẹt bên những thức quả quê mùa đầy thơm ngọt, lớn lên, đi qua, dòm lại thì bạc tình, thấy một miền khác hoàn toàn miền thơ ký ức, bèo bọt vậy đấy!). Làm đạn ống thụt thì trái chùm giấy phải còn xanh, cứ bay lên mấy trảng đất trống xung quanh nhà là tha hồ bứt cả mớ chùm giấy đem về chơi, ngặt nỗi do chùm giấy dễ hư, lặt về mà không chơi liền là trái queo quắt lại, bình thường nhỏ cỡ đầu ngón tay út, khi teo lại thì còn có chút béo, chỉ da với hột không thôi! Bởi thế mới nói trái chùm giấy dở, vì ăn thấy chỉ toàn là vỏ với hột không, mỗi việc nhả hột cũng đã thấy mệt mỏi rồi! Chùm giấy do có hột, nên khi bắn ra khá ác liệt, đau, rát, nhưng không sưng, dễ tìm, dễ bắn!
Một loại đạn dược khác, thuộc hàng khá hiếm, đó là trái cò ke non! Lâu lắm rồi tôi không gặp lại cây này, hay tại tôi không để ý tìm nên không gặp! Cò ke cũng là một loại cây rừng, nếu cho mọc thì nó cũng bự cỡ cây lồng mứt chứ hổng phải chơi! Trái cò ke ăn ngon, ngọt, nhưng ngặt nỗi hay bị xơ, hột nếu chịu lường thì dằm dằm trong miệng rồi nuốt lúc nào hổng hay! Trái cò ke vì thế nếu làm đạn, thì chỉ có thể sử dụng lúc còn non, trái xanh, mọc thành từng chùm, bắn vào thì bá phát, đau thấy cha, thấy má luôn! Tuy nhiên, do cây cò ke bự, nên đâu dễ để cho mấy đứa con nít kiếm nhiều được! Họa hoằn lắm mới kiếm đủ cò ke đặng chơi cho hết một cuộc chiến!

Trái bời lời đứng hàng số hai vì độ “khủng hoảng sát thương”. Bời lời cũng là cây dại, trái mọc thành từng chùm, màu vàng xanh! Cây bời lời cũng thuộc dạng không dễ cũng không khó kiếm, chỉ cần để ý là thể nào cũng thấy xung quanh nhà có một hai cây! Trái bời lời không ăn được, lại có mũ! Khi đem bắn ra, trúng thì coi như sưng cả da luôn! Mủ dính vào áo, giặt không ra! Thường thì bời lời được ưa chuộng nhất, vì đứa nào cũng ác, đã chơi thì phải chơi cho đối phương thân bại danh liệt, mà trái bời lời thì bắn đau thấu trời xanh, bắn xong đứa nào cũng tối tăm mặt mày, nhưng vẫn cứ khoái!

Đứng hàng số một la mã, đại sát thương là trái sơn, mọc dưới ruộng! Trái này không dễ kiếm, vì nghe bảo đứa nào có chuyện này, chuyện kia, người lớn đi ruộng nếu có chuyện này, chuyện kia, lỡ gặp nó, là thể nào cũng nổi đầy mình, đầy mẩy! Anh tư tôi có lần đi ruộng chơi, gặp cây sơn, về nhà nổi trái tùm lum, từ dạo đó tôi hết dám chơi cây này! Mà cái vụ chuyện này, chuyện nọ, chuyện kia, cụ thể là chuyện gì thì tôi cũng hổng biết! Hay là giống tôi, có máu phong, ăn cá ngừ, cá biển, thịt bò vô là mình mẩy nổi tùm lum hết trơn! Thế nên trái sơn tôi có được chơi một hai lần, trái xanh rặt màu xanh lá cây, tròn vo, rất vừa với ống thục! Trái cứng, bắn là coi như tét quần, tét áo, mủ dính đen thui, rách da là chuyện bình thường. Một mẹo nhỏ đặng làm cho trái sơn trở thành siêu vũ khí, đó là ngâm trái vào nước tiểu, má ơi, khỏi nói cũng biết là tét da tét thịt đến cỡ nào!

Hồi nhỏ nhà đứa nào cũng nghèo, bận toàn áo trắng, đi học năm trước ba năm sau áo trắng bỏ ra, mỏng te móng tét, nên toàn bận áo trắng để chơi ống thụt! Bắn dữ quá là coi như áo mặc xong đem giấu luôn, để khỏi bị ba má la! Tôi nhớ bạn cùng xóm tôi bận mỗi áo sơ mi mài trắng, mà giặt nhiều nước quá nó thành ra rách te tua, màu trắng biến thành màu ngà, dòm cười phải biết, gặp thằng đó mập, toàn lồi cả rún!

Chơi ống thụt chia làm hai phe, rượt nhau chạy, bắn, trốn, bắn. Tiếng thụt ống thụt nghe bựt bựt vui ơi là vui! Thường chiều chiều quờn đất là cả đám hú nhau chơi, trò này không chạy ra đường được vì làm gì có chỗ mà nấp, mà trốn nên toàn rủ nhau ra mấy chái hiên nhà sau! Mấy chỗ đó thường có chuồng heo, rồi này, rồi nọ, rồi kia! Chơi xong thể nào muỗi cũng mần cho mình mẩy nổi mẩn tùm lum thứ, nên nhiều khi tôi nói thêm nói bớt rằng tại đạn dược làm cho rách da! Phe nào cũng ham hố, hiếu chiến, quyết đánh cho tan nát phía bên kia nên trước khi chơi lúc nào cũng phải tranh nhau chuẩn bị vũ khí! Lý do đó càng làm cho cuộc chơi trở nên hấp dẫn hơn, thú vị hơn, kéo dài ra hơn vì cả đám phải cùng nhau lội rừng, lội ruộng kiếm mấy trái chùm giấy, bời lời, cò ke… mà tích trữ đạn dược. Mỗi chuyện cùng nhau đi chặt tầm vông vót ra làm ống thụt cũng đã đủ để cho câu chuyện xoay vần giữa đám con nít ăn chưa no lo chưa tới với nhau! (Một trong những chuyện hồi nhỏ vui nhứt mà tôi còn nhớ là cả đám thi nhau kể mấy từ bậy bạ, mà nghe hàng xóm chửi nhau học dần rồi thuộc, con nít mà, nói mấy cái đó, thấy vui lắm, mấy từ kiểu như … cái đó, cái đó, đó!)

Con gái, con trai, thằng lớn, thằng nhỏ, hết thế hệ này nối tiếp thế hệ khác lớn lên! Đến lứa tụi tôi, tự nhiên thấy cái xóm … hết con nít, hoặc có, mà tụi nó không thèm chơi, hoặc không biết chơi mấy trò này! Xóm cần xé tầm vông vẫn còn nhiều quá chừng, cò ke, bời lời, chùm giấy thì có bớt đi thiệt do nhà mới, người mới mọc lên nhiều! Nhưng tự nhiên chiều nay mà thấy thèm ghê tiếng ống thụt bắn nhau chí chóe, và tiếng của những nọ cười con trẻ kháo nhau cho một miền ký ức tuổi thơ túc tắc trở về! Nhớ ghê!


Vì nhớ, nên tiếp sau, sẽ chỉ dành cho một loạt những trò chơi ngày cũ! Với số 2, sẽ là: Năm mười của nhớ, và xa!

2 nhận xét:

  1. chỗ mình gọi là ống bụp, vì bắn nó nghe cái bụp, nhưng mình chưa thử loại súng máy như thế, tiếc quá, hồi nhỏ chỉ bắn phát một thôi :)

    Trả lờiXóa
  2. Anh Phú: hihi, chỗ của em thì cứ nhìn sao kêu tên làm vậy! Kiểu súng máy giờ nghĩ lại thấy đúng là con nít sáng tạo thiệt, bắn kiểu đó là chỉ có nước la làng thôi anh ơi, bắn dữ dội lắm! Để hôm nào em làm cái súng máy, trưng hình lên cho mọi người coi!

    Trả lờiXóa