Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Một chuyến đi, vui!





Cả nhà toán 1 - Hoàng Lê Kha 04 - 07 vừa mần một chuyến đi Kê Gà hoành tráng, mặc dù chỉ có 11 mống thôi nhưng vẫn vui nổ trời!

Cả nhà mình đi từ hôm khuya thứ sáu, bạn vẫn phải đi làm vào ngày thứ bảy (số làm nhà nước, nó khổ như vậy đó!). Xui cái là thứ bảy hôm đó các anh chị đồng nghiệp đang đi dự hội thao, cũng ở Bình Thuận luôn, bạn phải ở lại mần, khách đông, tan sở trễ.

Vừa xong việc là tức tốc chạy xe máy vượt gần 80 cây số xuống Sài, từ đó bắt xe đò đi Lagi. Nằm vật và vật vưỡng ở Bến xe Miền Đông đến gần 2h30 mới có tuyến xe chạy! Đi bằng niềm tin và những tiếng cười của bạn bè mình từ đầu cầu Lagi gửi về! Chốc chốc tụi nó lại gọi điện hỏi mày tới đâu rồi! Từ đầu dây điện thoại bạn gởi qua cho nó là quá chừng những niềm vui, tụi bây phải chờ tao, không được chơi nhiều quá, không được bỏ rơi tao!

Ngồi xe hơn bốn tiếng đồng hồ mới tới nơi. Lần đầu tiên đi xe khách kiểu này, đến Lagi rồi thì hỏi thăm đường tới chỗ nhà nghỉ của lớp!

Cuối cùng cũng đến nơi! Ăn chơi ngủ nghỉ với những đứa bạn cũ lúc nào cũng đáng nhớ cả!

Một chuyến đi đầy niềm vui, chỉ tiếc là ngắn ngủi quá! Y chang cuộc đời này, cuộc vui nào cũng ngắn ngủi, rồi cuộc vui tàn, chỉ còn lại con người với nhau!

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Của nơi khác!

Ngày còn ở phố bạn dòm phố chỉ thấy toàn người xe tấp nập
Nhà cao tầng che khuất hết những đêm trăng
Phố về đêm thì sáng choang
Không có chỗ trống để đom đóm lạc bầy tìm về với bạn!

Phố về đêm chập chờn những giấc mộng mị
Tiếng gầm rú của những tay quái xế độ xe xé toang giấc bình yên
Phố ầm ì phố tất bật phố chung chiêng!
Bạn cũng mịt mùng trong những dòng chảy như mắc cửi đó

Bạn thấy mình nhỏ nhỏ
Trong cái thành phố to to mà do đông người quá thành ra cũng nhỏ nhỏ, chật chật, hẹp hẹp luôn!
Những khoảng trống thênh thang
Bạn tự tạo ra bằng cái cổng nhà trọ lúc nào cũng đóng kín, bằng tâm hồng đóng khép, bằng những bước chập chờn, những ánh nhìn vô cảm khi bước qua những ngã tư đường!

Giờ thì bạn đã rời phố mất tiêu rồi!
Đêm mơ phố thấy đèn thành thị nhiều khi cũng hấp dẫn lắm!
Giấc thị thành chếnh choáng!
Đi xa rồi, mới thấm nhớ, thấm thương!

Và chập chờn giữa những ấm ớ vấn vương
Là bạn của sống nơi này mà mơ về nơi khác!
Lung liêng quá mà thành ra lắc lẻo
Kỳ cục ghê!

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Bạn kể chuyện (số 1)

Bạn nhớ cái hồi còn học tiểu học trường làng, vui lắm, những bận trời vừa chuyển bấc, sáng giật mình tỉnh dậy thể nào dòm trời cũng tưởng rằng còn sớm lắm! Co ro trong cái mền mỏng lét mà thấy sao trời cứ u u, làm biếng ngồi dậy, làm biếng xỏ chân vô đôi dép nhựa đục lỗ chỗ mang ba bốn năm trời không đứt, làm biếng cả những thói quen, những công chuyện phải làm hằng ngày trong những ngày bình thường khác. Tiếng gà gáy những buổi sáng bâng bấc gió như thế, tự nhiên mà thấy ghét vô cùng vô tận.

Bữa đầu tiên bạn đi học, tính từ lúc học mẫu giáo vậy, cho nó vui! Bữa đó bạn nhỏ xíu, in như má với cha đi mần hay bận gì đó, nhờ Út Thúy đưa bạn đến trường giùm! Cái trường mẫu giáo bông sen tám (sao hồi đó mấy trường mẫu giáo hay lấy tên kiểu thế này?) nhỏ xíu, có hai phòng học, mái tole, nền gạch đá tây, cửa sổ tổ tò vò bằng gỗ. Đoạn đường từ nhà đến trường chưa đầy một cây số mà hồi đó út Thúy dắt bạn đi lệch kệch, bạn vấp lên vấp xuống không biết bao nhiêu bận, thấy xa ơi là xa. Con đường đá đỏ sáng tháng chín trời quang mây tạnh, cái cảm giác bạn nhỏ bé lần đầu tiên đi mẫu giáo thấy nó hồi hồi hộp hộp chi mà lạ lùng vô tận!

Trường mẫu giáo nhà quê, lũ trẻ quê dòm mặt nhau quen hết ráo, mà đứa nào lần đầu tiên đến lớp cũng khóc ngấu! Bạn cũng mếu mếu, kiểu thấy tủi thân vì con người ta cha mạ đưa đến tận cửa lớp, rồi dòm vô rồi nhảy bổ vô phụ cô giáo dỗ dành mấy trẻ khóc quấy, còn mình ên mình thì cha mạ đi đâu mất tiêu rồi, cô Út Thúy cũng về rồi!

Và hồi mẫu giáo là hồi mà bạn xênh xang nhất, kiểu như bạn là hot boy trong trường á! Bởi bạn lanh và sáng quá mà! Lúc nhỏ bạn mập mập, trắng trắng (sau lớn dần lên thì bạn ốm bớt đi, đen thui luôn vì ăn tối ngày trốn má chạy ngoài đường, giang nắng, chơi đủ thứ trò, cứ thế mà nhan sắc của bạn đến bây giờ... thấy mà tội!). Bạn khoái coi truyện từ hồi nhỏ, lúc học mẫu giáo thì chưa biết chữ, nhưng vẫn khoái dòm dòm và đoán nội dung qua mấy cái truyện cổ tích nhà xuất bản in bé như bàn tay, bán năm trăm một quyển, toàn những truyện cổ tích Việt Nam từ sự tích con muỗi, sao hôm sao mai, Mai An Tiêm, nàng cóc... khiến bạn khoái lắm! Học mẫu giáo chứ có học gì đâu, hát hát, múa múa, nghe cô giáo kể chuyện rồi xung phong lên kể lại cho cả lớp nghe. Bạn rành sáu câu, lanh nữa nên lúc nào cũng dẫn đầu!

Lên tiểu học, bạn sợ lắm! Vì nghe nói học dở là ở lại lớp, mà bạn sợ ở lại lớp lắm luôn. Cái nôi ở nhà toàn dân học dốt! Mấy anh chị em sàn sàn lứa tuổi, có người học lớp một đến hai năm, mà thời đó rớt là rớt, là ở lại học chừng nào lên được lớp mới thôi chớ không phải như bây giờ mà kiểu nào cũng sẽ được tống lên lớp trên, thành ra hổng chân, và thầy cô ở lớp cao hơn thì cứ đổ thừa cho thầy cô ở cấp dưới dạy dỗ làm sao mà tụi học trò càng lớn... càng hổng biết gì hết (thì cũng vì cái bệnh thành tích á!)

Sợ thì sợ những vẫn phải đi học, như một quy luật tự nhiên, tới tuổi thì tới trường, ngày năm tháng chín ngày toàn dân đưa trẻ tới trường (in như bây giờ các bạn trẻ của bạn không còn theo cái quy luật ấy nữa, mỗi trường mỗi phách, mỗi nơi mỗi ngày - mất đi một niềm vui nho nhỏ và tập thể của những ngày xưa cũ, đáng buồn chứ bộ!). Trường tiểu học của bạn ngày xưa nhỏ xíu, học ké phân hiệu của cái trường cấp ba của xã, mấy bé cấp một thường lúc nào khi ra về cũng có giang mấy chị bận áo dài trắng đặng đi về, cha má khỏi phải rước!

Học cấp một nhớ có bận buổi trưa ra về bạn cùng mấy thằng giang hồ khác, bắt được con ốc hay châu chấu hay chim chóc gì đó, con vật đó chết. Cả đám hè nhau đem ra sau trường chôn, làm đám ma, giả bộ khóc, rồi đọc kinh - bị lậm bởi đạo Cao Đài nhà mình mà! Hồi đó con nít làm nghiêm túc lắm, qua ba ngày sau còn ra sau trường mở cửa mả cho con vật đáng thương nữa! Ký ức trong trẻo ngọt lành mà mỗi bận bạn nhớ tới là thấy thương thấy xót là thấy cả tuổi thơ cựa mình tỉnh dậy ngơ ngác hỏi, ủa hồi xưa có thời tui cũng điên dữ dội vậy đó hả?

Và cũng bày đặt bứt lá thuộc bài với lại bông phượng làm bươm bướm ép vô trang vở cho mấy cái gọi là... mau thuộc bài và chia tay lớp. Mắc cười lắm có bận bạn nghĩ, ép bông phượng làm chi trời, đen thui mà cũng chả thơm tho gì cả, thế là đem cả chục quyển vở trắng phần thưởng cuối năm đi ép vô mấy cái bông... sứ cho nó thơm! Dè đâu bông sứ tươi nó có nước, làm ố hết trơn mấy quyển vở. Bạn hổng biết đến nửa tháng sau mở ra thì thúi hoắc, đem vứt luôn chục vở mà tiếc trời thần đất lỡ, ai biểu cái tội tài lanh!

Năm lớp ba trường có mấy bác sinh viên đại học Văn Lang xuống thăm và phát quà trung thu nhơn ngày rằm tháng tám! Mới bữa đó học lịch sử có dạy bài về nước Văn Lang, má ơi, bạn hết hồn nói trời đất cơi giờ này mà còn vua Hùng xuống thăm bạn nữa sao? Con nít quê trớt nào giờ đâu có biết là sau khi mình học xong thì sẽ tới cái gì, mà lúc đó cũng chả biết trường đại học nó là cái gì và Văn Lang nó là cái thế nào! Tự nhiên đùng một phát ứng dụng ngay vào bài học lịch sử và... đến giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn thấy mắc cười với những suy nghĩ non dại của bạn như thế!

Kỷ niệm ngày đi học thì còn nhiều vô số. Lâu lâu bạn lại kể tiếp, phải tranh thủ chứ! Như những người muôn năm cũ, bạn góp nhặt lại để dành, để lâu lâu mở ra đặng nhớ, đặng cười đó đặng quên đó mà thương!

Bạn không lưu lại những file trong trang bờ lau này, rồi có khi nào trang này bị hack (hay đại loại thế) thì ký ức biết trốn nơi nao?

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Út lấy chồng!

Dì út lấy chồng hồi tuần trước!

Dì út sanh năm 1978, chạy như năm nay út 34 tuổi, cái tuổi mà ai cũng ngỡ là rồi thì út cũng như cô Hương con của ông Hai nhà lầu đối diện nhà, cũng giống như bà Năm trong xóm - muộn đường chồng con, ở giá! Cô Hương đã qua cái ngưỡng bốn mươi, mở tiệm may, ở mình ên ở cái nhà lầu hai tầng khang trang mà buồn hiu hắt. Và bà năm thì thui thủi ngày ngày đi chùa tụng kinh cúng kiếng, cũng có mình ên!

Nhưng dì út thì lấy chồng, mới đưa dâu hồi tuần trước, ba ngày sau phản bái, vợ chồng cô dâu chú rể về nhà ngoại, ăn bữa cơm, sum họp!

Cái số út khổ! Sinh ra vào cái thời điểm nhà ngoại không dư dả gì! Bận đó má với bà ngoại cùng có thai, út sinh ra trước chị hai mấy tháng, nhưng năm hết tết đến nên thành ra út lớn hơn chị hai một tuổi! Chị hai với út lớn lên chung với nhau, dì cháu mà như hai chị em, mần gì cũng con Nga với con Thảo, rồi sau này là chị ba, nhỏ hơn út bốn tuổi! Gộp chung lại thành một nhóm! Nhà hồi đó ông ngoại làm trại cây, cha với má thì làm trại đũa, sau giải phóng nên mần ăn nói chung cũng khó, nhưng gom góp cũng có đồng ra đồng vào! Út với hai chị lớn lên cùng nhau, nhà thì đông anh em - bên ngoại có tới 15 người, sau út còn có dì út nữa, nhưng dì út chót thì bị bệnh, tới giờ vẫn còn bệnh, nên thành ra tính có mình út là thương nhất, bởi ông bà ngoại mất sớm, út phải lo cho dì út chót nữa, vậy nên anh chị em thương, thương sâu, thương đầm!

Nhớ hồi còn nhỏ, nhà ngoại là nhà cổ, mái ngói, ba gian, cửa lá xép, bằng cây, mấy cây cột bằng gỗ, con nít trồi lên hụp xuống bóng láng. Có cái ván gỗ, tối ngủ văng mùng, muỗi kêu xè xè. Út ngủ chung trên bộ ván gỗ đó với chị hai và chị ba. Ba người ai cũng ghiền đọc tiểu thuyết. Bận đó chưa có điện, tối nào cũng chong đèn dầu đọc sách! Ban ngày đâu dám đọc, bà ngoại thấy là la chết, con gái toàn đọc ba cái tiểu thuyết, riết hư người! Nên có bữa đêm quên thổi đèn, nửa đêm lửa bén chạy trụi lủi cái mùng, cũng may ba người tỉnh kịp, dập tắt lửa!

 Nhưng út thì vẫn không rời được cái niềm mê đọc sách! Hồi đó nhỏ lắm mà đã đọc ké sách của út, tờ Kiến thức ngày nay và Thế giới mới mở ra một vùng kiến thức cho bạn và kéo dài cho đến tận bây giờ! Út đọc Mực tím, đọc tạp chí Phim (in như bây giờ tạp chí này nghỉ chơi rồi, chắc tại không sống được với những tạp chí mạng toàn khoe hàng, lộ ngực, bơm vá, đại gia và cạp đất mà ăn với chuẩn men thôi!). Trong tủ sách của út giờ giở ra là toàn những tờ báo của hơn chục năm về trước, giấy đen thui mà út trân trọng dữ lắm, cất trong hộc tủ thờ của ngoại, lâu lâu lại bưng ra, xếp vô, thấy mà thương!

Út học hết lớp chín, nghỉ, đi học nghề may! Ngày xưa học may đối với con gái là nghề thời thượng, in như nhà nào có con gái lớn lên cũng đi học nghề may! Má cũng có nghề may, mà dì mười, dì tám, mợ ba, mợ chín... ai cũng một tay may đồ hết ráo! Út khéo tay, nên tết nào cũng được người ta đặt hàng may tới tấp! Cái thời khăn khó, con người ta in như chưa biết đua chen sửa sạng là gì, tết con nít toàn đi may đồ chứ không phải như bây giờ, toàn mặc đồ của shop này, nhãn hiệu nọ! Tết út may đồ đắt dữ lắm! Khéo tay, út bày ra thiết kế này nọ, có cả một cuốn sổ út vẽ mẫu, có bận giở ra thấy út vẽ mấy cái hình giang hồ nhân hiệp nghĩa sĩ, đẹp lắm!

Ngày ngoại mất thì út đang học lại bổ túc! Rồi bằng chiếc xe đạp ngày ngày út đạp vô chùa học cho lấy được cái bằng cấp ba, thi vô trường Nông xúc tỉnh nhưng không đậu - làm sao mà đậu cho được khi mà vừa phải lo cho em vừa phải lo cho cuộc sống, khi mà anh chị em cũng không ai khá hết! Út cứ thế mà sống, hiên ngang mà sống, hình như bận đó chả có ai nghĩ đến chuyện út sẽ lập gia đình! Vì cuộc sống của út là căn nhà thờ, là những bông hoa trà quả út khéo tay chưng đẹp như nghệ nhân trong những ngày tết, là năm cái đám giỗ, là út chót bệnh, là... cả sự ngại lấy chồng của một người... nào giờ luôn nghĩ rằng... mình sẽ không lấy chồng, mà ở vậy, thôi!

Nhưng út lấy chồng, ở cái tuổi quá ... dừ của một người phụ nữ!

Cháu của út giờ thì nhiều đứa con đã đi lẫm chẫm, có đứa đã vào mẫu giáo, gọi bằng bà, nghe phát sợ! Bữa lạy công cô, con cháu tụ về đông như cái chợ! Cô dâu bẽn lẽn bận áo dài màu hồng phấn bước ra, không tóc tai chi hết mà cười hề hà "Tụi bây làm cái gì mà người ta lạy công cô khóc như mây như mưa mà tới tao thì cười thấy toàn răng không là sao?". Út tí toáy ngày cưới tự nhiên cũng thấy bẽn lẽn, cái từng trải cũng không làm cho con người ta bớt đi nỗi sợ hãi và cả bối rối khi cuộc sống bấy lâu nay chỉ quen với gia đình mình giờ phải chia đôi với một người mình khác! Út không khóc mà hình như có cả bầy cháu đang rấm rứt khóc! Nhà chú rể khó khăn quá rồi út mình sẽ ra sao?

Ra sao là ra sao? Cũng phải cho người ta bước tiếp đi chứ sao!