Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Một cuộc phỏng vấn!

Tôi đi phỏng vấn cho rất nhiều công ty, tất cả đều không hề liên quan đến chuyên ngành chính của tôi ở trường: Kinh tế đối ngoại (trừ lần đi phỏng vấn xin chân kiến tập hồi cuối năm ba). Điều đó đặt tôi vào một tình huống khá là khó sử: chọn lựa giữa ngành nghề mà mình có chuyên môn, có bằng cấp hay làm một việc mà mình đam mê, có hứng thú để lâu dài theo đuổi! Tôi vừa trải qua một cuộc phỏng vấn cực kỳ thú vị, mà dù rằng kết quả có đậu, hoặc rớt hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của bản thân tôi!

Tôi nộp đơn vào một công ty kinh doanh theo kiểu Nhà nước, lớn, bự... nhưng là công ty của Nhà nước, vị trí nhân viên nhập khẩu, hoàn toàn phù hợp với chuyên ngành học của mình! Vừa gởi hồ sơ, ngay lập tức được gọi đi phỏng vấn vào hai ngày sau. Kẹp giữa là ngày tôi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, họ bảo tôi khi đi nhớ đem theo một bộ hồ sơ hoàn chỉnh. Dồn nhiều sức cho buổi bảo vệ quá, rốt cuộc khi đi tôi chả nhớ rằng mình cần phải tạo thiện cảm tốt bằng việc tuân thủ những đòi hỏi ban đầu phía nhà tuyển dụng. Có lẽ do vị trí không hoàn toàn hấp dẫn và sự mệt mỏi kéo dài từ khóa luận tốt nghiệp làm cho tôi không chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn. Tôi đề nghị đổi lại thời gian sớm hơn một chút - vào ngay đúng ngọ, và kết quả là tôi đeo lên mình bộ mặt quạu quọ nhất của những ngày hè Sài Gòn nắng mưa thất thường đến công ty. Tôi đe nẹt bác bảo vệ bằng những lời rành rọt chẳng có chút nào sợ hãi khi bị đối xử như một người lơ tơ mơ. Ông bác bảo tôi kiếm ai, tôi bảo tôi đi phỏng vấn và tôi không nhớ tên của người bên nhân sự đã hẹn tôi. Bác bảo tôi hôm nay nhân sự không thông báo về việc này và tôi đốp lại bằng việc thản nhiên trả lời đó là chuyện của nhân sự, tôi không quan tâm! Sau màn đốp chát thiếu thiện chí đó, tôi thản nhiên bay vô salon ở phòng khách và ngồi chờ, không thèm để mắt đến bác bảo vệ ấy nữa. Tính tôi là vậy, bực lên rồi thì bất chấp mọi thứ, ai đứng gần sẽ dễ bị trúng chưởng! Một buổi trưa nóng nảy!

Ngồi chưa đầy hai phút thì có nhân viên nhân sự xuống dắt tôi lên phòng phỏng vấn, căn phòng nhỏ, nóng. Chị rót trà nóng cho tôi, thứ trà nóng trong cái không khí nóng nực như thế này, tâm trạng lại thêm phần bất ổn. Giọng chị gái miền Bắc thân thiện bảo em uống trà chờ xí, cho bớt run. Tôi cười thầm trong bụng, run cái gì, cảm giác đi phỏng vấn tôi kinh qua hơn hai chục lần, chả có gì gọi là run cả, chỉ có bực bội và nực nội thôi! Đợi chị đi ra, tôi tự tiện với lấy cái điều khiển bật máy điều hòa, tự nhiên như người Hà Nội - đó là cá tính của tôi!

Đợi chừng năm phút, hai nhân vật sẽ tiến hành tra khảo tôi bước vào: một đồng chí nữ và một đồng chí nam. Đồng chí nữ là nhân viên phòng nhân sự, đồng chí nam là thủ trưởng của phòng ban tôi nộp đơn vào công ty, cả hai đều khá trẻ, trên dưới ba mươi tuổi, nhưng vẻ mặt của đồng chí nam hoàn thiện không có thiện chí, lầm lầm và cực kỳ khó chịu - y chang cái mặt của tôi từ nãy đến giờ.

Thường đi phỏng vấn, tôi diễn kinh khủng, lúc nào cũng tỏ ra thân thiện, dễ thương. Chả hiểu sao hôm nay tôi bực bội, trả lời phỏng vấn nhát gừng. Không bày biện lung tung! Đồng chí nam hỏi tôi là chủ yếu. Sau màn khởi đầu là tự giới thiệu, anh chuyển ngay sang tiếng anh và lại bắt tôi giới thiệu từ đầu. Nóng tiếp tập thứ ba, mắc gì phải cứ nhai đi nhai lại như thế này, anh không chán tôi cũng chán chứ!

Đối đáp qua lại, những câu vô thưởng vô phạt! Tiếng anh của anh khá khó nghe, nói lại nhanh, nuốt từ tùm lum! Tôi phải đôi lần xin lỗi và phải cẩn thận lặp lại câu hỏi của anh để xác định điều anh đang muốn nói. Nhắc lại lần nữa là tôi hoàn toàn không chuẩn bị gì cho cuộc phỏng vấn này, bởi lẽ, sau đó tôi còn có hẹn ở một cuộc phỏng vấn khác - cái mà tôi trông đợi nhiều hơn, cũng là lý do khiến tôi phải dời thời gian phỏng vấn lên đầu giờ trưa như thế này!

Thái độ của anh vô cùng khó chịu, thường những điều tôi nói anh đều cố bật lại, đập cho tôi nát mặt mới đồng ý! Lần đầu tiên tôi đi phỏng vấn mà không khí nóng bỏng như thế này, điều này khiến tôi bớt đi vẻ khó chịu. Dĩ nhiên thôi, người nào nóng hơn tôi, tôi nhịn, dần dần thấy thú vị! Kiểu như một món ăn lạ giữa vô vàn những gương mặt lúc nào cũng dễ thương, hỏi những câu dễ thương và cuối cùng là nói tôi rớt. Tôi thích cách anh bắt bẻ tôi như vậy, đề thấy rằng mình phải dẹp bỏ cái mặt nạ dễ thương ra mà căng óc lắng nghe thứ tiếng anh khó nghe của anh và những lập luận anh bật lại cho tôi! Có lẽ, do không làm về nhân sự nên cách tiếp cận của anh khác! Và tôi thích điều đó!

Thường tôi ích khi uống trà đặc, vì đắng và nóng! Nhưng tách trà được rót mời tôi lúc ban đầu, tôi mỗi lần bị bắt bí và mỗi lần bật lại anh thấy thỏa mãn, đều được tôi bưng lên nhấp một cái! Nhấp nhiều quá đến nỗi tôi phải với tay rót thêm tách nữa, nóng hổi!

Sau những màn đối đáp về tính cách, về kinh nghiệm này nọ! Anh đột nhiên đưa cho tôi một tờ L/C (thư tín dụng) và yêu cầu tôi kiểm tra xem L/C ấy có điểm nào sai sót. Tôi bị bất ngờ, hoàn toàn không nghĩ rằng một cuộc phỏng vấn dành cho người chuẩn bị ra trường như tôi, lại có đề cập đến vấn đề kiểm tra chuyên ngành như thế này! Nhưng dĩ nhiên, tôi là người được cái là khá tự tin, vẫn bình thường nhận lấy tờ L/C và kiểm tra sơ qua một lượt.
Nói sơ qua về tình hình kiến thức chuyên ngành xuất nhập khẩu của tôi một tí! Nói chung những môn chuyên ngành tôi đều được học tập trung ở năm ba, tức hơn một năm về trước. Tôi cũng có nói là từ nào đến giờ tôi toàn nộp đơn và đi phỏng vấn cho các vị trí không phù hợp với chuyên ngành đào tạo của mình. Hơn một năm không dùng đến những kiến thức chuyên ngành, vì thế, tôi cực khó chịu trong việc lục lọi trong trí nhớ ít ỏi của mình những điểm căn bản nhất để có thể thể hiện mình như một ứng viên có năng lực.

Nhưng câu hỏi đã đưa ra, nhiệm vụ của tôi là trả lời. Tôi đưa ra hai điểm mà tôi nghĩ là L/C ấy có khuyết. Anh bảo tôi kiểm tra lại lần nữa, dĩ nhiên, tôi không chắc chắn là câu trả lời của mình có đúng hay không. Nào giờ tôi chưa kiểm tra một tờ L/C nào cả! Thái độ của anh dồn ép, tinh thần tôi cũng đã nóng lên rất nhiều, trà liên tục được nhấp! Sau một hồi căng thẳng, tôi bật lại với anh rằng liệu anh có nghĩ việc kiểm tra L/C là một công việc khó hay không. Anh trả lời là không, và tôi đồng ý đồng thời xí xa xí xồ với anh rằng, đây là việc mà một người có thể chả có kiến thức chuyên ngành cũng có thể làm được, nếu cho họ ngày nào cũng check L/C. Tôi bảo với anh những điều đó với một thái độ cực kỳ láo xược, mặt ngênh lên và tay chân thì khua đủ bốn phía (thói quen của tôi khi nói tiếng anh là như thế, càng khua khoắn, nghĩa là càng bức bách!).

Sau câu nói của tôi, anh rõ ràng thay đổi thái độ, dữ tợn hơn và càng bức ép tôi nhiều hơn. Anh bỏ qua vụ L/C, cùng với nhận xét là, hai lỗi của tôi một cái đúng, cái còn lại anh vả vào mặt tôi một cái chát bằng cách lôi ra từ trong cái L/C chết tiệt ấy chính cái điểm mà tôi cho là thiếu xót. Anh tiếp tục tàn nhẫn hỏi tôi là có hiểu hết cái L/C 5 trang giấy, chữ nhỏ xíu (font 7, Arial), hoàn toàn bằng tiếng anh hay không. Tôi bảo nhiều từ chuyên ngành tôi không biết!

Tiếp đó, anh quăng ra cho tôi một cái hợp đồng, chỉ cho tôi một điều khoản, và bắt tôi dịch sang tiếng Việt! Hồi tưởng lại một tí, đây đúng là chuyên ngành của tôi, học tiếng anh thư tín và ngôn ngữ hợp đồng! Tuy nhiên, cũng đã sáu tháng, nửa năm rồi tôi không hề đụng đến mảng kiến thức đó nữa, và ngay cả khi đang học, thì việc phiên dịch đối với tôi là phải có quyển từ điển kế bên! Vậy nên bây giờ, mang mác sinh viên Ngoại thương mà một điều khoản hợp đồng mà tôi bất giác lớ ngờ, trà trong tách vơi đi một nửa.

Và dĩ nhiên, đã đưa ra thì phải thực hiện, tôi dòm cái điều khoản mà trong lòng sóng to gió lớn, đầu lùng bùng hồi tưởng lại lời vàng ý ngọc của thầy cô tôi đã dạy từ hơn một năm về trước về các thuật ngữ chuyên ngành. Và tôi dịch, cố gắng sử dụng vốn từ tiếng Việt của mình để trôi chảy hóa điều khoản ấy! Cơ bản là tôi hiểu được nội dung, nhưng để làm thỏa mãn đồng chí đang đứng trước mặt là cả một vấn đề, và nhất là đồng chí nữ - không - chuyên - ngành - về - xuất - nhập - khẩu nhân sự ngồi kế bên! Dịch xong, dĩ nhiên là tệ, anh chần chừ một tí rồi đưa tôi tờ giấy, bảo tôi viết ra cho nó dễ nghe một tí, đặc biệt, làm ơn dịch cho đúng!

Tôi đi phỏng vấn rất nhiều, và chưa từng thấy một người phỏng vấn nào kiên nhẫn đàn áp tôi đến mức độ như thế này! Và tôi cực thích những trường hợp thử thách như vậy, chắc có lẽ, tôi thấy rõ anh thực sự nghiêm túc muốn tìm ra được nhân tài để bưng về cho công ty mình, để đào tạo!

Thì tôi viết, bắt đầu sắp xếp lại câu cú cho đàng hoàng. Chưa đầy ba phút sau đã đưa trả lại cho anh, anh không thèm để ý mà chuyển ngay cho chị nhân sự, nhờ chị đánh giá bởi chị là người không có chuyên môn trong vấn đề này, nếu chị hiểu, bài dịch đạt yêu cầu, nếu không, tôi mất điểm. Cũng may, chị hiểu, và tôi thấy anh mỉm cười. Tôi dựa lưng vào ghế, khoái trá đến độ tọng vào họng một ngụm trà kha khá lớn, rõ ràng là đây không hề là một cuộc phỏng vấn dễ dàng!

Cuộc chơi vẫn tiếp tục! Anh đại khái kêu tôi viết một bức thư phàn nàn (Complain letter). Lại tiếp tục là chuyên ngành của mình, tôi bất giác mỉm cười, ha ha, thấy chưa, ai bảo ngày xưa học hành lơ tơ mơ, giờ gặp chuyện thì mới biết thế nào là trời cao đất dày! Thì viết! Tôi nói chung giỏi ứng biến, viết không hay nhưng có thể diễn đạt được nội dung mà mình tự nghĩ ra, tự chế ra! Điểm thi viết của tôi thường lúc nào cũng cao điểm, dù không được xuất sắc về mặt câu cú cũng như ngữ pháp cho lắm.

Năm phút sau, tôi gởi lại bức thư lem nhem dấu xóa bút chì lại cho anh. Lần đầu tiên, từ chối, đẩy bức thư lại cho tôi, bảo kiểm tra lại một lần nữa. Nhận lại, thêm vào vài điểm ngữ pháp quan trọng mà trong lúc loay hoay chẳng để ý, nhấp một ngụm trà, thanh thản. Lần thứ hai, tiếp tục bị trả lại, kèm theo là yêu cầu kiểm tra thực sự kỹ và hoàn thành bức thư. Tôi biết bức thư có lỗ hổng, nhưng thư tín không phải là chuyện đùa, không thể muốn viết là viết, tất cả đều có nguyên tắc, lơ tơ mơ bị đập như chơi. Tôi đưa lại bức thư, không thèm để ý đến lỗi chính tả, ngữ pháp, nhấp ngụm trà, căng thẳng. Lần thứ ba, ông cũng không nhận, chị nhân sự kế bên, lặp lại yêu cầu, em phải hoàn thành bức thư, hãy viết đúng những gì em đã học ở trường. Tôi bực mình, không nhận lại thư nữa, ngụm trà thứ ba không thèm uống, bực dọc bảo: em biết đây là một bức thư không hoàn chỉnh, không hoàn chỉnh ở chỗ nào, nhưng em không rõ mình nên viết cái gì vào chỗ thiếu sót đó, và nếu phải gượng ép viết sai một nguyên tắc nào đó, em thà không viết. Bốn ánh mắt dòm tôi, lạ lùng là không thấy chút nào bực dọc, chỉ thấy ánh mắt họ cười. Tôi thấy có tôi ngạo ngỡ, dở - nhưng - hoàn toàn tự tin vào bản thân mình. Cốt cách cao ngạo nhiều khi khiến tôi sống dở chết dở như thế!

Anh chỉnh sửa bức thư của tôi trong nháy mắt với bảy lỗi. Tôi nhận tất cả, đồng thời cũng chia sẻ thực sự với anh rằng tôi không chuẩn bị gì về kiến thức chuyên ngành cho buổi phỏng vấn này. Từ lúc tôi phản pháo vụ bức thư, rõ ràng không khí buổi phỏng vấn đã chuyển hẳn sang nhẹ nhàng và chia sẻ, không còn những bắc bẻ này nọ nữa.

Thì ra, đồng chí anh kia cũng là đồng môn Ngoại thương, sống trong chăn nên rõ ràng là biết điểm yếu, điểm mạnh của đồng môn hết ráo rồi con gì nữa. Vì thế mà việc tôi bị đập cho tan nát, cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, từ lúc đó trở đi, đã hiểu nhau, đã đánh giá được đối phương, thì việc còn lại chỉ là những chia sẻ về kinh nghiệm cá nhân, kinh nghiệm làm việc. Thoải mái, trà vẫn nhấp nhưng không còn nóng bỏng nữa. Anh chia sẻ với tôi những quan niệm sai lầm của sinh viên Thương khi ra trường, hỏi cặn kẽ định hướng của tôi đối với nghề nghiệp. Chị cung cấp cho tôi các chế độ phúc lợi, lương thưởng đồng thời hỏi tôi mức lương mong đợi, cực kỳ sâu sát trong việc phân biệt giữa lương với thu nhập, rồi thu nhập có thuế hay chưa thuế, nói chung tạo cảm giác rất rất thân mật và hiểu nhau của những người vừa trải qua hoạn nạn thấu chân tình.

Chị không hứa hẹn nhiều, và rõ ràng thấy tôi không hoàn toàn đặt tâm vào công việc này, thì cũng đúng thôi, tôi đến với cuộc hẹn bằng tâm trạng bực bội và mệt mỏi của những ngày dài đắm mình trong khóa luận tốt nghiệp, bằng cái nắng mưa thất thường của trời Sài những ngày hè. Và chị bảo tôi trong tuần sau sẽ liên hệ lại, nhưng chị đề nghị là em nên gọi cho chị, nếu em có nguyện vọng cũng như thắc mắc gì. Có lẽ, chị vẫn chưa bằng lòng với câu trả lời rằng tôi 60% chọn công việc này!

Một cuộc phỏng vấn kéo dài trong 2 giờ đồng hồ, kỷ lục! Khi đến bằng bộ mặt cau có, và bận ra về được thay bằng một nụ cười toét tận mang tai! Cảm thấy vui vì mình có cơ hội nhìn thẳng vào bản thân, được thử thách thực sự theo kiểu đàn áp cho đến giây phút cuối cùng. Đã lâu lắm rồi mới có một cuộc phỏng vấn thú vị đúng nghĩa như vậy. Tâm trạng vui khiến cho cuộc phỏng vấn tiếp theo hóa ra nhạt nhẽo.

Đó là một cuộc phỏng vấn đáng nhớ nhất! Cho đến bây giờ, của tôi!

11 nhận xét:

  1. Thật tuyệt.... tình hình là e cũng sắp lâm trận trong tình trạng như anh. Nhưng thời gian là sáng mai, chắc đủ thời gian để em học lại chút kiến thức học từ 1 năm trước.
    Cảm ơn anh về bài viết.
    Chúc anh thành công.

    Trả lờiXóa
  2. Ôi sinh viên Thương mình có giá lắm em ơi! Chúc em thành công nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Ôi, thực sự cảm ơn anh! Em đọc bài của anh mà hồi hộp như trong buổi phỏng vấn của anh vậy, đến tận phút chót.Em học Tài chính ở ngoài Hà Nội cơ, đang vào tìm kiếm hỏi kinh nghiệm của các anh chị tham gia phỏng vấn vào mấy công ty lớn, lại đọc được những dòng chia sẻ kinh nghiệm này của anh! Thực sự đáng giá lắm ạ! Em cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  4. Đọc blog anh viết kịch tính thật đấy. Bình thường khi viết blog em thường có xu hướng than phiền với cuộc sống nhiều, viết xong lúc khác đọc lại thấy mình suy nghĩ như con dở hơi ý, suy nghĩ gì mà nông cạn. Có lúc chẳng biết mình có cái cá tính gì không nữa. Nản. Hum nay đọc mấy bài anh viết mà bài nào cũng đầy kinh nghiệm đi ạ. Kinh nghiệm nào cũng hữu ích cả. Chắc là em sẽ học hỏi phong cách này của anh đấy.Xin phép anh nhé.^^. Thực sự cảm ơn anh!! chúc anh nhiều niềm vui trong cuộc sống nha!

    Trả lờiXóa
  5. Tớ thích bài này của cậu, viết chắc tay, liền mạch. Cuộc phỏng vấn này cũng hữu ích lắm, mong là mình cũng được trải nghiệm hay như vậy.

    Trả lờiXóa
  6. chào bạn, đọc bài của bạn tôi cũng thấy bạn khá cá tính, tôi tò mò không biết kết thúc câu truyện của bạn ntn nhỉ?

    Trả lờiXóa
  7. Chào bạn,

    Cuộc phỏng vấn này lâu rồi, từ ngày mình chưa tốt nghiệp ra trường nữa. Lúc đó còn bồng bột, chưa hiểu đời, chưa va vấp! Do trong lúc phỏng vấn mình có chia sẻ với chỉ là có thể mục tiêu nghề nghiệp của mình không phù hợp với công việc này! Chị bảo là em cứ suy nghĩ kỹ đi rồi chủ động liên hệ lại với chỉ!

    Sau khi cân nhắc thì mình đã không gọi lại, chỉ gửi mail cho anh phỏng vấn mình để cảm ơn thôi!

    Còn bây giờ thì... mình đang làm tín dụng cho một ngân hàng! Chạy kiểu nào mình cũng không thoát khỏi bank hết bạn à!

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  9. Em vừa bookmark trang blog của anh xong, :) cách anh viết đọc thấy vui vui mà thấm quá, em cũng sắp ra trường đúng là giờ hỏi lại mấy cái ở trên thì cũng hi sinh, :/ Thực sự cám ơn anh, chúc anh luôn vui trong cuộc sống nhé, :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em đã quan tâm tới trang bờ lau này. Ôi bây giờ đọc lại anh mới thấy cái thuở xa xưa mình đúng kiểu trẻ người non dạ ấy. Bây giờ đi làm bốn năm, thấy mình già ra, không còn cái kiểu không biết người biết ta như vậy nữa.

      Cơ mà vẫn thích được như thế, không sợ trời, không sợ đất. Cứ bụi cứ phủi, chỉ sợ làm hòn đá không lăn được thôi!

      Xóa
  10. Đọc bài viết này của anh em thấy hồi hộp, căng thẳng không kém gì người trong cuộc, hic vã cả mồ hôi hột a à. Em là sv mới tốt ngiệp ngành Tiếng Anh, ĐH Mở TP HCM, đang theo học một khóa ngắn hạn xuất nhập khẩu, vì nhận thấy lương bổng bên này khấm khá hơn nhưng thật sự rất lơ mơ, chưa có cái nhìn tổng quát và cụ thể về ngành xuất nhập khẩu cả. Dù chưa hoàn thành xong khóa đào tạo ngắn hạn này nhưng em vẫn apply vào mấy công ty logistic quy mô nhỏ, để thử năng lực bản thân và lấy thêm kinh nghiệm thực tế. Sáng mai em có một buổi phỏng vấn kiểm tra năng lực chuyên môn xuất nhập khẩu về Tiếng Anh và Excel, em thật sự rất hoang mang, lo lắng. Anh có thể cho em vài lời khuyên được không ạ? Em cảm ơn

    Trả lờiXóa