Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Bên hiên nhà ai có trái... (số 2)

Tôi đọc chữ của cô Lý Lan tính ra đã hơn mười ba năm trời, quãng còn là một chú bé lớp ba le te đói chữ hơn đói cơm, bưng tô cơm là y chang rằng phải cầm trên tay quyển sách, nuốt trệu trạo mà như đang ăn chữ vô bụng! Tôi đọc chữ của chị Tư khi tôi đã là sinh viên năm nhứt đại học, bữa chiều tan giảng đường năm nhứt, bước vô tiệm sách đầu đường D2 thấy trên quầy te he còn mỗi quyển Cánh đồng ấy, bưng về, đọc, thấy bạn Cải ơi mà chảy nước mắt. Rồi đọc Một trái tim khô cũng tớt lớt buồn tênh luôn! Rồi rưng rức cái tình không của những người bên trong căn nhà cổ ở Nhân Phủ. Rồi Chiều vắng buồn hiu hắt, rồi này rồi nọ rồi kia, rồi hóa ra tôi lại không thích cái Cánh đồng, khi so với những chữ còn lại! Cơ mà, nói tênh hênh vậy thôi, chứ điều tôi muốn nhắn gởi đến bạn ở đây! Là ai thường đọc chữ cô Lý Lan với chữ chị Tư, chắc thể nào cũng đã đôi lần bắt gặp họ viết về những cây trái cỏ dại bên hiên nhà, lé đé vườn sau, mọc tềnh tang bên bờ giậu, chạy lực bực trong tiềm thức. Âu thì đó cũng là lẽ thường, quê nhà nỗi nhớ cục cựa bén răng từ những điều nhiều khi đơn giản đến như thế! Cỏ cây hoa trái cũng có tình, để người đi xa, lâu gặp gặp lại mừng húm!

Chỉ cây cỏ bên hiên nhà thôi heng!


Là bụi xả mọc ơ hờ bên vẹt đường đất hẻm! Không cần phải trước cửa nhà ai, cứ mọc tềnh tang bên vẹt đất trống, làm cho bữa ăn người quê thêm đậm thêm thắm! Người đi qua tiện tay bứt mấy mớ đem về kho xả ớt, hoặc ra sau nhà bứt mấy đọt lá vông, lá củ mì, rau lang đem vô luộc ăn trệu trạo với muối xả, mà ngon trời thần đất lở! Chiều xuống quờn quờn là có bóng phụ nữ nào đem chổi ra quét sân, gom lại đống ung rồi chiêm vô mớ sả khô đốt chung quyện thành thứ mùi thương, mùi nhớ! Lựng cả một khoảng chiều, gió!


Là một gốc mãng cầu già, chắc lần khân bữa nào nhà ăn đem ra hiên sau rải hột, rồi bữa mưa xuống đất tơi nó đội đất đứng lên! Rồi tháng lại ngày qua, nhà đem chặt đi, lão quá, trái teo tóp lại còn chút béo, ăn toàn hột! Sắp sải mưa đầu mùa, gần đến quãng mùng năm tháng năm, tự dưng cây lòi ra tươi tốt!



Và đã le lói trái, non! Lá mãng cầu thì hôi kinh khủng, má nhà quê, bữa con ăn phải chướng, đem vò lá mãng cầu, bắt ăn cho hết! Vậy là ói ra hết, hết chướng!





Thuốc nam cũng mọc len xen đám cỏ gà tuốt luốt! Dây chùm bao, phơi khô đem uống trị mấy chứng … (thiếu kinh nghiệm, nào giờ chưa uống thuốc nam, nhưng biết, dây chùm bao để dành chữa bệnh!)! Với lớp trẻ như mình, thì trái chùm bao là niềm vui, chỉ canh me khi nào trái hường hường, là quất, trong có hột, vị thơm thơm, đặc trưng lắm!



Bàn tay cầm nhánh cỏ gà, mà mất tiêu bạn ngày xưa, ngồi trên bậc tam cấp trên thềm nhà ngoại, ca cải lương bản Bao công vô lò gạch xong thì trở qua kiếm cỏ gà chơi đá gà, chặt nhau bựt bựt, đầu gà đứa nào rơi trước, là thua! Bạn giờ đã có gia đình, bíu ríu bước chân bởi tiếng trẻ bi bô, bởi những nỗi cơm áo. Mình thì trói vào những chuyến đi giữa Ninh với phố, lâu lâu về gởi thương, gởi nhớ qua vạt cỏ bên hiên, có đám cỏ gà, giờ queo quắt, có chút béo, mà nhớ!



Là thứ cỏ mình chưa kịp biết tên! Mà cũng cần chi biết tên, bởi ngày xưa, rủ nhau vô rừng cao su, cắt cỏ này về cho bò ăn! Thuở nhà nước vừa mới có chính sách, cho dân vay tiền gầy dựng đàn bò, đàn heo. Nhà ai cũng sắm về con heo nái, con bò cái đặng chờ tới ngày phá bầy mà có đồng ra đồng vào! Tổ chức sản xuất còn ở giai đoạn sơ khai, ruộng thì chỉ để trồng lúa nên phải tận dụng tất cả các loại cỏ, chứ không như bây giờ, có những vùng chuyên canh trồng cỏ cho bò! Và ngày nào đám trẻ trong xóm, mà hầu như toàn bà con râu mê rễ má với nhau, đều í ới rủ nhau vô rừng cao su cắt cỏ cho bò ăn! Chính loại cỏ này mà bữa bạn mình bị liềm cứa vô tay, máu chảy đầm đề mà cả đám chỉ bu lại nhai đụm cỏ hôi, đắp vô là chút nữa nó cầm máu!




Cỏ hôi nè! Chỉ cần mở mắt ra, thấy bông cỏ hôi nở trắng trời trắng đất là biết đã chạp rồi, là biết sắp xải chuẩn bị tết! Con nít không giống như người lớn, không đong đậy thời gian bằng những cơm áo lo toán, bằng mùa tết này thóc lúa tài chánh không bằng cái tết kia, bằng thay áo của cha bằng tấm áo mới con thênh thang ngày mùng một với bạn bè hàng họ! Con nít lãng mạn chỉ biết đếm ngày, đếm tháng bằng cây cỏ hôi trổ bông, đại loại như vậy!



Thì bởi quê hương là chùm khế ngọt mà! Nên phía bờ rào má trồng lên cây khế! Cơ mà khế bây giờ cũng coi mòi khác rặt khế ngày xưa, trái nhỏ, mọc đùm đùm rụng lềnh gốc ráng! Vậy mà nhiêu đó cũng đủ cho mấy bữa trốn ngủ trưa chạy ra sau nhà làm một rổ, một chén muối ớt hột đâm với ớt cay, là thành ra ngon tới lới! Ngồi dưới gốc cây mà nhớ về chuyện hai anh em, ăn quả khế trả cục vàng! Má ngày xưa sao hay thiệt, không nhiều chữ không nhiều nghĩa mà sao thổi tuổi thơ con đơm đầy chuyện cổ tích: Cây khế, Tích Chu, Nàng Cóc, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện… Còn thằng nhỏ con giờ lớn lên, tối nằm trở trăn hổng biết mai mốt đây thằng nhỏ có con rồi, liệu nó có còn truyền nối lại cho con mình những giấc mơ đầy bà tiên, ông bụt, kẻ lành gặp thiện như má nó hồi xưa nữa hay không? Truyện Tích Chu, ngày xưa nó khoái, mà giờ, đã vơi đi mất quá chừng chi tiết!


Cây ớt lão giờ đã nối tiếp vòng đời bằng cây ớt con này đây! Đã nói rồi mà, chỉ cần mưa xuống, là sẽ đội đất đứng lên! Để bữa cơm người thêm mặn mòi vị cay của đất, của những tháng ngày kham khổ!




Là cây trứng cá, sao tự nhiên có thể mọc được ở đây hè! Định chụp miểng sàng, nứt ra từ cái lu đựng nước nhà mình! Vậy mà dính luôn hai thứ, thành ra cũng hay! Nhà mình giờ vẫn xài lu, nhớ lại cái quãng thay cái tay xách giếng bằng máy bơm nước, thằng nhỏ con mình cứ hay lói chói với tay lên cái thành lu cao và bự ơi là bự ở nhà! Và mình lớn lên đo bằng chiều cao của cái lu ấy, tới thành lu, tới vành lu, cao hơn lu, lu đứng tới vai, và giờ là lưng chừng ngang ngực. Cái lu đó bự, thiệt!



Có một mớ rau mồng tơi mọc len xen trên đá nè! Nhớ hồi xưa, thằng nhỏ hay lãng mạn kiểu mực tím học trò, lấy trái mồng tơi chín đen đem quậy với nước, màu tím lịm, rồi lấy que tre chấm vô lá chuối, viết nhăng viết cuội! Quãng đó thằng nhỏ chưa biết chữ, thế mà đã lỡ thậm thương màu mực tím rồi! Bởi vậy mà mười hai năm trời, toàn viết mực tím, loại bút hero - có muốn viết tuồng, viết ẩu cũng không được! Lại là một cách để làm cho tính tình con người ta chậm rãi từ tốn lần lần, cũng má mình ngày xưa hay dạy vậy!


Và còn nhiều thứ khác, muốn gặp lại, muốn chụp hình để giới thiệu với bạn xa, bạn quen, bạn không quen, để bạn biết, rằng là tôi lớn lên trong gian khó, không xênh xang cửa rộng nhà cao! Tôi lớn lên từ quê đồng cỏ rạ, và tôi yêu mất tiêu mấy cái củ mẻo quê mùa! Và biết đâu chừng, năm mười năm nữa thôi, đường quê bị người ta dẹp mất, tráng nhựa, thì còn đâu chỗ đặng cho chiều mát mát tôi thả bộ từ đầu xóm đến cuối xóm, kiếm vài thứ cây cỏ quê mùa, mà thương!



Mận Ấn Độ của nhà hàng xóm, chồm từ bức tường cao thòng xuống khoảng sân nhỏ nhà mình! Dòm mấy chùm mận này mà nhớ ngày xưa, nhà chồng của dì mình – thì cũng chung một xóm, một con đường đất đỏ, giờ thành lộ lớn, nhà mới cất lên, người cũ bỏ đi, người lạ chuyển về, thành ra quen, mà lạ - có mấy cây mận lão, trái đỏ chét, chưa chín đã thúi, nhỏ xíu, mọc chùm chùm, dòm đã con mắt! Nhưng mà mê, cứ canh me trưa là bay vô ăn cắp! Vậy đó, xin thì cũng được, thứ cây dại quê mùa này, ai mà ăn cho hết, nhưng vẫn cứ muốn rình ăn cắp, đặng vui!

Và cây mận Ấn Độ, trái nhiều, vậy chớ mấy đời mình thèm ăn cắp đâu!


Bên hiên nhà ai có trái, số 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét