Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Một cánh chuồn sa

Một buổi tối, tôi nhặt được trên nền gạch một cánh chuồn đã ráo, đuôi đứt và nằm lỏng lẻo ở nơi mà ai không để ý, có thể dễ dàng giẫm lên. Vậy là một cánh chuồn đã sa. Không thể nào như thằn lằn, đuôi cụt rồi, vẫn sống. Nhưng tôi nhớ, cái cảm giác run như đuôi thăn lằn đứt, khi nhìn người ta lấy dao đâm bén ngót vào một thân thể khác. Cái thân thể đó vùng vẫy thoát ra chạy được dăm ba bước, rồi lịm tắt. Phố vẫn đông người, Dầu Hạ, khuyết mất một người.

 Nhưng nào có xá chi. Tôi buộc mình phải quen với cái run tay như đuôi thằn lằn đứt đó. Vì những nỗi lo sợ, làm mình chùn chân. Xã hội đảo điên. Nào ai ngó ngàng chi, đến những đau đáu đời thường.

 Tôi đặt cánh chuồn ráo nước ở bệ cửa sổ. Từ đó, tôi hy vọng rằng, nó sẽ được cất cánh lên, thêm một lần nữa, của cuộc đời

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Những cố sự vô thường.

Tôi nhớ, rất nhiều năm về trước, tôi lần đầu xuống Dầu Hạ, ngày đầu tiên đi thẩm định, tôi bị té ruộng vì không quen đi trên những con đê nhỏ sụt sùi mỗi bước chân người. Sau này, tôi vẫn bị té ruộng hoài, bên cạnh đó còn thêm té lầu, vấp cầu thang, vấp bậc tam cấp, trẹo chân té ịch đụi miết. Phần do mắt kém, phần do cũng tại hớt hải. Ủa mà đang nói cái beap gì vậy trời?

Chỉ là, tối chủ nhật bao giờ cũng là lúc chất chứa nhiều tiếc nuối nhất. Mai thứ hai, lại phải đi làm, mai thứ hai, lại là những chảy ngược xuôi đưa đẩy mới. Có lần bạn tôi hỏi, vậy chủ nhật - là đầu hay là cuối, của một tuần? Tôi ngớ ra, là cuối - hay là đầu?
 



Ảnh này tôi chụp cũng nhiều năm về trước. Lần đó đi qua rạch Dầu Hạ, mùa nước lên, tháng mười. Chiều trên rạch Dầu Hạ, buồn thê thảm. Rất nhiều năm sau đó, tôi hay nghĩ về hình ảnh nước lênh láng hắt ánh mặt trời giữa mênh mông những khuôn mặt người. Và nắng tắt, và một đời người lại ra đi. Vô thường đến độ tôi thấy lại cái hình ảnh vía mình lơ lửng giữa câu hỏi chủ nhật là mở đầu, hay là kết thúc của một tuần.

Vía còn nhiều lần lơ lửng nữa. Vì hay sướt mướt với những vô thường nhiều đến độ đếm không nổi nữa của cuộc đời này.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Tuổi mới

















Và như thế lại thêm một tuổi
Bàn tay chai, non nửa phần người
Qua dâu bể cuộc đời dài rộng
Chỉ mong mình - chỉ là mình thôi


Và như thế lại thêm một tuổi
Đặt bàn chân ướm lấy ngọt ngào
Cơn chếnh choáng nửa vơi nửa cạn
Gió cuốn rồi, nuốt trọn xôn xao

Và như thế lại thêm một tuổi
Những yêu thương vân vít dại khờ
Chào hai lăm nhẹ như cơn gió
Hai sáu mình, chỉ nhạc và thơ!


Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Giọt buồn lơ lửng (Đến bao giờ?)



Mùa mưa đến. Khuya chưa kịp sâu, tiếng chó sủa ma lần theo từng góc xóm nhỏ, chưa kịp thấy ánh đèn đã thả vào đêm những mịt mùng, nhà trong quê nên một giờ đêm ra ngoài đường thì chỉ có một mình anh, tưởng như bị màn đêm hút trọn. Khuya ấy anh xách ba lô bay ra Đà Nẵng, ở Đà Nẵng được một đêm, chưa sâu chưa đằm chưa say nổi nắng và biển của xứ này, đã lọc cọc đeo ba lô nhảy xe cóc ra Huế. Đến Huế lúc chiều muộn, mưa đinh ninh! Anh kiếm một nhà trọ nhỏ, nằm gần trung tâm cho tiện đường đi loanh quanh. Có đôi lúc anh nghĩ, sao mình không kiếm một công việc gì đó, tự do thoải mái hơn, để tha hồ được rày đây mai đó và muốn mần gì thì mần. Cái ý nghĩ ấy bén rễ và cào sâu vô tâm trí của anh mỗi bận anh bứt hết số má sổ sách công việc để đi chơi. Hay chắc tại con người ta hay có cái kiểu đứng bên này sông dòm qua bên kia tưởng nước con suối trong hơn, nên cái ý nghĩ nó cứ sủi tăm theo từng bước chân anh cuối đất cùng trời. Và cái bận anh đi ra Huế, cũng đã là chuyện của những ngày trước.


Anh hỏi bạn thử ở Huế có chỗ nào chơi hay không? Bạn hiện giờ thì không ở Huế, nhưng bạn nói vui lắm, tính anh âm trầm như này, ra Huế chắc hợp. Anh hỏi sao vậy? Bạn trả lời gọn bâng bởi Huế buồn, thê thảm luôn. Anh gõ lóc cóc mấy tin nhắn, nói nghĩ sao vậy trời, tui mà âm trầm cái gì, hồi xưa đi học tui là cây hài và là đầu tàu cho mấy cái cuộc ăn chơi nhảy múa của lớp đó. Tin nhắn gửi lại, bạn bảo thấy người cười cười vậy thôi, chớ chàng sống âm trầm thầm lặng lắm, nên đi Huế, nếu được, hãy về với Huế. Thì đi, anh cũng không biết làm gì vào những ngày tháng bảy và mưa bít bùng như thế này! Hai thiếp mời đám cưới im lặng trong hộc bàn, anh kệ, cũng đã lâu lắm rồi kể từ ngày anh quyết định sẽ quen với cái việc quên đi những bữa tiệc tùng, hẹn hò và chờ đợi. Cuộc sống quanh quẩn một mình, riết rồi cũng đã lăn thành những vòng quen. Xe chạy qua hầm Hải Vân rồi bước vào địa phận Huế, nhìn ra ngoài với những núi non điệp trùng và sương khói ban chiều bãng lãng quá sức buồn, anh nghĩ trong bụng, khi nào đến Huế rồi, phải kiếm món nào thiệt cay, ăn cho bốc lửa, ăn cho đỏ phồng miệng lưỡi, một cách để quên đi miệng đời, và những mỉa mai đầy rẫy của con người. Huế, chắc là không thiếu món cay!

Bảy giờ hơn thì vào đến trung tâm Huế, ngay chỗ ngã ba anh quyết tâm gạt hết, bơ hết những lời mời gọi đi xe ôm, đi taxi, đi xích lô về nhà nghỉ. Thui thủi có một mình, anh quyết định cuốc bộ một quãng đường. Móc trong túi ra cái điện thoại cũ kỹ, anh nhắn cho bạn nói chàng trai năm ấy đã đến với Huế mộng, Huế mơ rồi này, mưa cũng đang rơi đầy, buồn thiu! Bạn nói ờ kiếm chỗ nào đó nóng nóng ấm ấm ấp ủ đi, tui đi ăn lẩu cay đây nha! Anh cười như mếu, lại là đồ cay. Thiệt bốc lửa. Bước vội qua một vũng nước, dấu chân nhòe nhoẹt, anh xách túi hành lý ghé một nhà nghỉ phía trước có giàn thiên lý thiệt hiền, cái nhà nghỉ tối thui, đèn lom lom nằm trong một con phố thưa người. Anh ở chỉ một đêm thôi, đêm đã quạnh vắng, và không cần một chỗ sang trọng, chỉ đơn giản có chỗ để ghé lưng, đặt túi hành lý xuống, thưa người càng tốt. Cô gái có gương mặt cũ kỹ, tóc mái bằng, nói giọng Huế rặt, ngồi thưa rỉnh thưa rảng ở quầy lễ tân, buồn hiu kiểu như cho dù nhà nghỉ này có đông hơn hay vắng khách hơn nữa, cô cũng buồn. Anh không có thói quen vẫy tay chào hỏi hay làm thân với người lạ, thói quen đó anh cất trong hộc tủ lâu lắm rồi, chắc có lẽ từ hồi anh qua tuổi hai mươi, hoặc là trễ hơn xí, khi anh biết nhìn cuộc đời bớt đi chút màu hồng, thêm đôi phần ảm đạm. Và đêm nay thì Huế cũng thiệt buồn, như cô em ở quầy lễ tân này. Anh đơn giản check in, hỏi cô gần đây có chỗ nào bán đồ cay Huế hay không? Và tối thế này rồi, còn chỗ nào để anh lông bông được. Cô gái nhả nhẽ trả lời mấy câu hỏi, không quá nhiệt tình không quá lãnh đạm, đủ thông tin, gọn gàng tẩn bẩn rồi lại quay lại với gương mặt buồn. Huế, mưa buồn, cô gái trước mặt cũng buồn!


Mưa không hết. Anh mượn đỡ cây dù, bước ra hàng ba, mùi bông thiên lý thiệt dịu, quyện vào với đất. Anh nhớ xưa lắm, có người cũng từng rủ anh hôm nào chủ nhật lên nhà người ta bẻ bông thiên lý, giàn thiên lý nhà người ta rũ lắm rồi, bông đầy, mùi thơm gay gắt, ngửi một lần nhớ mãi. Dạo đó anh đâm ra mê bài hát ở cuối lưng đồi, có giàn thiên lý và biết đâu đó, có người anh thương. Nhưng rồi tháng tư nắng gắt, tháng năm nắng nồng, tháng sáu mưa, tháng bảy mưa nặng hạt hơn nữa, thì giàn thiên lý bắt đầu rệu, mùi hương tản mác, cũng như người, không còn đến nữa. Anh không còn nghe bài ca thiên lý, cũng nhặt khoan hết vòng người. Chuyện dang dở anh cất sâu trong túi áo, bữa nay giữa đêm mưa buồn xứ thần kinh, đợt nhiên ngóc lên làm anh hổng biết làm sao, hổng lẽ khóc. Mưa nhễu qua vành dù, len vào tóc, anh dứt khoát bước khỏi hàng ba, đi qua giàn thiên lý, bước ra mặt đường. Đêm chưa sâu đã thấy mòi cô lẻ. Bóng anh hắt vào đêm những dấu hỏi? Tại sao? Và tại sao?


Định là sẽ đi ăn cơm hến. Khổ thiệt, anh ít khi đọc cái này hỏi cái kia, lặng im và lầm lũi. Đến lúc muốn thỏa mãn một nhu cầu nào đó, thì lại im re, không biết phải làm sao? Người ta nói mưa quá, ông chủ bán cơm hến không bán, đóng cửa chắc là đi úm ba la với nhân tình rồi. Lại thêm một người có đôi. Anh chán, nghĩ trong bụng thôi kệ, ăn đồ cay lại hành hạ bao tử, anh hành hạ mình cũng đủ rồi. Tìm đại một quán nào đó ở ven đường, ở Huế, lại đi ăn mì Quảng, lãng nhách. Đường về nhà nghỉ cũng tối thui, anh rẻo bước ngược lên dốc, xa xa là cầu Trường Tiền, đèn sáng, và màn mưa lất phất. Sông Hương tối thui, trời mưa nên không có nhiều thuyền bè trôi trên sông. Và dĩ nhiên là không có một cô em xứ Huế nào mơ mộng, tóc dài thả hồn trên những dòng chảy âm thầm sầu muộn vào buổi đêm mịt mùng heo hút như thế này cả. Anh đi bộ về nhà. Nghĩ rồi thôi mai mình sẽ dậy sớm, đi bộ vào Thành nội, rồi trước khi mặt trời đứng bóng, anh sẽ đi về. Huế buồn, nhưng chắc anh ép mình buồn hơn Huế, nên thôi, đôi lẻ không sánh cùng nhau. Tự nhiên, anh đâm ra ghét cái xứ này ghê!


Sáng ra, anh trả phòng, về nhà sớm. Nhắn cho bạn, nói cô ấy đã lầm, anh trai đây không thích Huế, không thích một chút nào? Bạn chưa tỉnh ngủ, anh đã đi, cô gái có gương mặt buồn trời sầu đất lở tối qua chắc đã tan ca, dòm hoài từ sau ra trước, cũng không thấy. Tin nhắn từ bạn gửi lại, lúc anh gật gù xe cóc đâu đó ở giữa Huế và Đà Nẵng, bạn nói vậy hả, ờ, chắc tại không có tâm trạng, thôi ráng lên đi, tao yêu mày! Anh cất điện thoại, không trả lời lại, bạn sẽ biết là anh đang nóng nảy cái gì đó, không sao, mỗi lúc gặp nhau, dù chỉ im lặng thôi, bạn cũng sẽ hiểu và anh cũng sẽ hiểu, đôi khi, im lặng không phải là không cần được nói, im lặng, chỉ là một cái cớ, để che giấu nỗi buồn. Xe ngừng lại ở chân đèo Hải Vân, cho khách đi vệ sinh. Trời mây và lộng gió, tối qua mưa, hôm nay sương mù dày đặc. Anh moi cái áo khoác dưới túi ra, tròng qua đầu rồi bước chân ra lé đé bờ vực, nghĩ trong bụng nếu như bây giờ mình không tiếp tục về lại nhà nữa, mình cứ thế biến mất vào trong biển mây này, chắc cũng sẽ thú vị lắm. Sáng thứ hai sẽ không có những có điện thoại, biểu coi thử coi tiền lãi bao nhiêu? Chiều sẽ không còn ai chạy nhong ngoài đường, bưng về mấy thứ lặt vặt làm trò tiêu khiển. Nụ cười thương mại vạn người mê sẽ biến mất. Những cuộc cãi vã và những con số nhập nhoạng không còn nữa. Đêm sẽ bình yên, ngày cũng bình yên luôn như không còn gì để gợi nhớ về một gương mặt người. Ý nghĩ thoáng chốc mọc lên rồi lặn đi mất tăm. Bị trì néo bởi những thứ khác. Chưa đành lòng dứt áo ra đi!

Nơi nào đó cách Huế gần một ngàn cây số. Có tiếng người khóc, vừa có một trận mưa to đêm qua, và một vì sao tắt lịm giữa trời. Những viên thuốc ngủ rơi vãi, một kiếp người. Một nhân sinh. Anh lần khân đứng mãi ở đèo Hải Vân, không gì lung lay được. Như một sợi khói, mỏng tang, nhưng bảng lảng day mãi không rời. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao anh lại ở nơi này? 

(Phóng, từ một bữa lơ lửng giữa buồn!) 








Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Lại nói chia tay, một gương mặt người


Chiều nay cô đi. Đúng ra là hôm qua cô đi rồi, chớ nào có phải bữa nay đâu. Nhưng việc còn nhiều quá nên xin sếp cho phép được trù trừ thêm một bữa đặng cố giải quyết cho hết mớ chứng từ sổ sách còn đang đọng vũng chưa bơi đi được. Bữa cô nhận quyết định, bất ngờ thì là có, phải có, nhưng biết làm sao, rồi cũng phải có một hướng nào đó, chớ đâu thể lửng lơ ơ hờ tòn ten và lủng lẳng ở giữa như thế này! Chiều nay thì Dầu Hạ mưa, mưa thì buồn, hổng biết lòng cô có buồn hay không? Lúc chia tay với những gương mặt quen, dầu dãi gì thì cũng đã bốn năm quen mặt đặt tên ở cái xứ này, thấy cũng bịn rịn. Chia tay, kèm theo chút tình bịn rịn cho đúng kiểu buồn thương đa sầu và đa cảm. Chiều nay thì cô sẽ đi thiệt rồi!

Anh với cô được cho là thân nhau nhất ở cái xứ này. Anh học chung với cô từ hồi nhỏ, nhà lại là hàng xóm của nhau (sau này cô chuyển đi, đời dâu bể nên đâu ai hôm nay còn gặp mặt, ngày sau lại xa cách nghìn vạn trùng). Rồi lúc đi phỏng vấn, đụng mặt cô ngay tại cái chỗ này. Làm chung với nhau, nhận quyết định đi Dầu Hạ cùng nhau, anh với cô, coi như là duyên đẩy đưa từ thời thơ bé dài theo cho đến lúc mở mắt ra với đời. Anh đối xử với cô, nhiều khi không chỉ là đồng nghiệp, mà còn là bạn, nên đối đãi nhiều thêm chút phóng khoáng, thêm chút khó khăn vì ... ai biểu cô là bạn của anh mần chi. 

Làm chung với nhau, ở chung với nhau (ở nhà tập thể) nên hiểu nhau đến từng cử chỉ, từng ý tứ. Nhớ hồi mới đi Dầu Hạ, tối tối anh với cô còn chăm chỉ đi tới nhà khách hàng đặng tư vấn đặng cố gắng huy động vốn. Anh chở cô đi tặng quà cho khách hàng, cô mặc váy nên đi đứng cũng khó khăn, anh ghé vai giành chút phần cực cho mình. Nhớ chở cô đi về nhà, đường từ Dầu Hạ về xa ngái, cô thả bên tai anh những điều như tui với ông có duyên quá trời ha, đi đâu cũng gặp. Nhớ lúc cô ngồi bên này tư vấn cho khách hàng mà anh bên kia cười rỉ rả vì hiểu nhau, vì biết là đang dụ lòng khách đó. Nhớ lúc lục trong tủ lạnh thấy trái bom Tàu má cô thòng theo mà cứ chọc cô miết vì thời đại nào rồi mà còn ăn cái thứ này. Nhớ cả những tối hai đứa ngồi làm việc, phòng về hết trơn chỉ có hai gương mặt già cỗi này lọc cọc gõ chữ với nhau, thấy mình thân hơn, hiểu nhau hơn từ những buổi làm việc đêm như thế. Nhớ cả những lần anh say, hú cô xuống mở cửa giùm, đường vô nhà vệ sinh phải ngang qua phòng cô, anh mượn cơn say giả vờ gõ cửa giả vờ kêu này kêu nọ đặng chọc cô mất ngủ. Và nhớ cả những lần anh xách xe chở cô về vì cô đi tiếp khách xa, uống đến mức không thấy đường về nhà. Nhớ luôn cả lần cô nhờ anh đi mua thuốc, cô bệnh mặt mày xanh lét anh nhìn sợ quá nên le te xách tờ giấy cô viết chạy ra nhà thuốc tây, mãi sau này anh mới biết đó là thuốc phụ nữ (anh chịu, chớ biết sao giờ vì mình là đồng nghiệp và bạn bè mà). Và cũng nhớ cả cuộc cãi vả gần đây nhất đẩy anh và cô đi về hai hướng không thể nào gần lại nhau được. Rồi thì cuối cùng thì ngày mai cô cũng sẽ đi, khỏi nơi này! 

Biết còn ai để anh giày vò mỗi bận bực bội nóng nảy trong người? Biết còn ai lâu lâu làm bánh, mấy cái bánh cô làm càng ngày càng lên tay, để bắt anh ăn rồi bắt anh phải khen? 

Biết còn ai mang theo quýt, để tối anh mần đêm có cái nhét vô họng? 

Biết còn ai nữa, để mỗi lần nhắc lại những ngày đầu tiên ở Dầu Hạ, có cô với anh là thuộc dạng "già cỗi nhứt vũ trụ này?". Bây giờ, anh thủ thỉ những câu chuyện một mình. 

Biết ai còn có thể chưa nói đã hiểu anh định làm gì? Và ai đó nữa, có thể hiểu cô định làm chi, khi chỉ cần cô chưa kịp nói. 

Biết còn ai đâu cho những nhắc nhở trong công việc, lúc nào cũng hối làm đi, làm chưa, méc sếp nghen! 

Và còn biết ai còn ai nữa cho những đoạn đường còn dài phía trước? 

Chia tay, lại phải chia tay một gương mặt người!