Ừ thì nhà tôi ở bên sông…
Nên khi Sài vào mùa ngập lụt, hay đơn giản chỉ là khi triều cường lên, là coi như ngoi ngóp. Nửa đêm giật mình tỉnh dậy, thấy cơ man nào là chén, bát, đũa, tô trôi lềnh bềnh theo con nước, chỉ thiếu vài con thuyền thấy, là thành ra giấc trẻ thơ với lủng bủng những con xuồng thả nước trôi xuôi! Nhà có ba anh em, ai cũng ngủ say như chết, khi nước lên, hổng ai thèm để ý, lúc nước lên rồi, thì coi như cả đêm khỏi ngủ, tát nước ra ngoài. Phòng chật hẹp, đồ đạc để lên giường, và người, dành chỗ cho đồ vật, mà thức qua mùa đêm.
Mấy bữa nay, tháng mười âm, triều cường chạm nóc. Thêm nữa là chiều nào trời cũng mưa, trùng trình thằng sông bên nhà càng thêm đầy nước. Tôi cho rằng nó đang khóc, bởi độ rày anh em họ hàng nhà sông coi bộ bị con người hiếp đáp dữ quá trời! Nhưng anh này coi mòi có bộ hiền, chỉ khóc té ra nước mắt, bắt quá xin tí đồ đạc đũa muổng, lủng bủng của bọn người bên sông kia thôi! Chứ như mấy anh chị sông khác, một phát nuột trọng luôn cả hai chục mạng người, lỡ làng một chuyến xe, có tâm hồn nào mười tám tháng tuổi, cũng đoạn đành xuôi theo dòng nước. Khi sông đã giận lên rồi…
Không phải ngẫu nhiên mà buổi chiều hôm ấy tôi thừ người te tái. Nhà tôi ở bên sông, quãng sông Sài Gòn chia làm hai nhánh, một ra sông Đồng Nai, một chia thành bán đảo, cách Thanh Đa với tôi một bờ sông ăm ắp nước. Từ đây qua đó chưa đầy năm chục sải tay, khi đầy khi cạn! Và tôi thừ người vì nhớ ra, quãng sông này không biết đã ủ bao nhiêu linh hồn người?
Có người đàn ông, cỡ cha tôi, bữa ẩm trời, từ trên cầu quăng mình xuống sông! Sông trọn tay ôm vào lòng, chới với! Sáng hôm sau người ta mới tìm được xác, ca nô kéo xác ông chạy qua chỗ nhà tôi, nằm xấp, chỉ thấy thấp thoáng cái áo trắng, phất phơ giữa trời ngược gió. Nghe người ta kể lại rằng, ông này nhà khá giả, bữa làm ăn thất bát, thua lỗ triền miên, quằn quại. Và một ngày ẩm trời, ông tìm ra quãng sông, về với sông, để tìm chia sẻ. Tôi học kinh tế, biết rằng tiền không nhiều hơn hay ít đi, mà nó chỉ đơn giản là chuyền từ tay người này, sang tay người khác. Có thể vì một phút nổi nông, mà người ta coi thân mình như một giọt nước, nhỏ xíu xiu và không đả động gì đến ai. Cái chết, với người ra đi có thể là một sự giải thoát, nhưng cũng có khi là cả một trời mây đen u ám với người ở lại! Tôi thấy buồn…
Tận mắt chứng kiến một câu chuyện tình buồn. Cô gái lụy tình, trắc trở bảo với chàng trai rằng anh mà bước đi đi thì em nhảy xuống. Chàng trai, cỡ tuổi tôi, mặt mày sáng láng – và cũng mặt mày lạnh tanh, ngoảnh mặt quay đi, cái ánh nhìn hờ hững, thái độ sống hờ hững. Cô gái trầm mình xuống sông, nước mắt hòa vào sông. Tôi nghĩ rằng cô không muốn chết, cô chỉ muốn níu kéo một cuộc tình, tuyệt vọng! Chạy xe đi qua mà thiệt tình hết muốn nói đến chuyện yêu! Thằng con trai kia vẫn cứ vô tình, khoảng khắc cô gái chạm vào mặt nước, ủ mình trong nước, là khoảng khắc bình thảng hắn quay đi, lên xe, và vồ ga đi mất. Người ta chửi trong đau xót một cuộc đời, người ta quáng quàng tìm cách cứu một tâm hồn thua thiệt trong chuyện yêu, người ta dửng dưng chạy xe qua lại trên khúc sông, và trong những người ta ấy, tôi nhìn thấy hình ảnh của một cô gái, đến khi nhắm mắt mới chợt thấy mình vụng dại! Còn cha má ở nhà, tối nay có còn chờ con bên hàng rào cổng hay không?
Một buổi sáng, báo đăng trên quãng sông gần nhà mình, tìm thấy xác một cụ già, tai tóc bạc phơ, trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Không quê quán, không giấy tờ tùy thân, bà ra đi trong cái im lặng tột cùng, và đen tối tột cùng của một đời già cô quạnh! Có thể bà trượt chân té ngã, có thể mắt mờ chân run, bà không kìm lòng được trước những sản vật trôi trên sông, có khi là một nải chuối, một tờ hai chục, một đôi dép ai đánh rơi trên sông… Tôi cũng không loại trừ khả năng bà sắp xếp một cái chết, ngẫu hứng, khi chiều nay, bà không muốn bước chân trở về nhà, cái mà bà gọi là nhà thực chất chỉ là một manh chiếu con, co ro trên bờ thềm một nhà ai đó, nhà của bà, góc riêng của bà thực chất cũng chỉ là tạm bợ. Bà tìm một lối thoát, âm thầm, bà bước ra bờ sông, nhìn về khoảng xa đầy gió, tự nhớ ra tiếng bìm bịp kêu con nước ròng nước lớn, tự tưởng tượng ra một chái nhà yêu thương, rộn tiếng con trẻ và cả ấm áp của những vòng tay người. Khi con nước lên, bà nhẹ nhàng thanh thản, sông ôm ấp chở che cho những hình ảnh cuối đời. Bà thấy mình theo sông, trở về nhà của mình!
Sài hào hiệp quá nên ai chọn làm quê cũng nhiệt tình đón nhận. Có những cái chết bờ, chết bụi, chết trôi sông mà nhiều khi nhà quản lý cũng không biết gì về cái chết ấy, giấy báo tử, ở quê như một giấy tờ tùy thân cho người đã mất, còn ở cái chốn này, hình như đó, cũng là một thứ xa xỉ. Người nhiều, nên không có đất để chôn, người nghèo nhiều, nên sông cũng có thể là một nơi chôn thân lý tưởng. Xa xót lắm chứ khi cũng chính dòng nước ấy, mình ngâm chân mỗi bận chiều về, trẻ con gần nhà cũng hay trầm mình xuống sông cho quãng thơ thêm ngọt mát. Nhưng dòng sông ấy cũng chở biết bao nhiêu phận người, linh hồn người!
Tôi tin những chuyện gọi là kỳ bí. Như bữa trước, giấc chạng vạng giờ dậu, nhà có mỗi mình tôi! Đang ơ hờ ngồi nhìn sông, chợt thấy thằng nhỏ lạ quắc, sống ở bên sông tròm trèm cũng gần nửa năm rồi, nhưng lần đầu tiên tôi thấy bạn nhỏ. Bạn cứ vô tư đùa nghịch bên sông, chạy đến bên chiếc xuồng ba lá cắm sào gần chỗ tôi, cơ hồ muốn đem chiếc xuồng ấy lên bờ. Tôi lạ lùng, bạn nhỏ này ở đâu, giấc chạng vạng mặt người sao còn lởn quởn quanh đây! Sợ bạn trượt chân, nhiều khi ngã xuống thì có ai đâu mà cứu, quãng đó cũng hổng có ai xung quanh ráo trơn! Tôi ngoắc bạn lại, biểu đi lên, về nhà ăn cơm, giờ này còn chơi bời chi nữa. Bạn nói em đi chơi, em không về nhà được. Tôi nói đi về, con nít gì mà đi chơi dữ thần vầy nè. Em đi chơi, em không về, em đói. Nhà có mỗi mình tôi, chiều không nấu cơm, cũng thấy thương, muốn cho bạn món gì đó, nhìn mặt bạn tội quá chừng. Nhưng em không ăn cơm, cho em xin ba loại trái cây. Sao lại là ba loại trái cây? Phải, em chỉ xin ba loại trái cây? Tôi giật mình, trời đất cơi, sao không xin gì lại xin thứ kỳ quắc quá! Lát sau tôi đi vô, dặn em đi về nhà đi, đừng chơi nữa, cái xuồng đó thấy vậy mà người ta có neo lại đấy, em không ra ngoài đó được đâu, coi chừng té chết đó! Khi đèn ven sông đã lên, tôi quay trở ra, không thấy em đâu nữa, cũng yên tĩnh và không có tiếng động nào khi em xuất hiện!
Bữa sau, nhà có đủ người, tự nhiên anh cùng phòng kể tôi nghe câu chuyện, đợt hè lúc em về, quãng bờ sông gần nhà mình, có đứa bé, cỡ chừng sáu bảy tuổi, bắt cá, rồi nước lên, trượt chân, té chết luôn, ba ngày sau mới tìm thấy xác. Tôi ớn lạnh cả mình….
Nhà bên sông số 5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét