Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Cập nhựt thông tin!

Sinh viên mà, phản ánh tình hình kinh tế, chánh trị, văn hóa và xã hội nhiều khi còn lẹ hơn các kênh thông tin khác gấp nhiều lần! Thêm vào đó là các đồng chí ấy còn chêm vô nào là tình cảm, giận hờn hỉ nộ ái ố tứ lung tung! Tối nghe xăng tăng giá, sáng ra phây phây dạo trên mấy bờ tường facebook, ý là cái kết nối bạn bè của mình chỉ có tùm hum bốn mươi người, mà cũng lụm được một lố thông tin! Cụ thể dưới đây nè:

1. Yến Trần - một người bạn cũ, cũ, cũ ...

khoảng cách từ nhà em tới công ty là 1 lít xăng. đi được nửa đường em phát hiện để quên bóp tiền, vì sợ đói chết + sĩ diện "ta không mượn tiền ai hết", em quay về nhà lấy tiền, bị kẹt xe hết 15 phút, tương đương 0,25 lít xăng. Hỏi:
a) khoảng cách ngày hôm nay em đi là bao nhiêu lít xăng, biết em không đi là cà quán xá như mọi hôm
b) số tiền ngu em đã bỏ ra vì quên bóp là bao nhiêu. biết xăng đã TĂNG GIÁ THÀNH 21.800Đ/lít từ 10g tối ngày hôm qua. (em xài xăng 95)


Đúng kiểu gái lớp toán luôn hĩ! Yến Trần học chung với mình ba năm cấp ba, lên đại học lại học chung cái Thương tiếp! Bạn này văn khẩu cuồng ngôn lắm, ngoài đời nhiều khi cũng ... bó tay chấm cơm lắm lắm luôn! Nhớ hồi mới xuống thành phố, nó cứ xách tay mình, biểu bảo vệ nó! Há há, giờ thì không biết nó có còn cần người bảo vệ hay không? Xăng tăng giá rùi mà! À quên, ai có lời giải cho bài toán trên, gởi còm lại heng! Liên hệ bạn Yến Trần đặng bạn ý phát thưởng. Giờ bạn ý đang làm cho L' - một công ty mỹ phẩm hạng nặng!

2. Tân Trần - Bạn chung đại học



Chịu không nổi quả ảnh này!

Bạn này cũng thuộc thể loại đặc sắc không kém! Cấp ba học chuyên Anh, trường Chánh ở Yên nè! Thuộc loại có máu ... lạnh, nghĩa là được nhiều người nhận xét là khó gần, dù bạn đang đảm đương chức vụ cao nhứt lớp đại học của mình! Nói vậy thui chớ bạn cũng vui tính và ... cũng con nít dữ dội lắm! Khoái đi chơi, khoái nhậu và khoái làm sếp! Hé hé! Lâu rồi không gặp!

3. Lộ Phú Toàn - một người bạn cũ, cũ, cũ

21.300đ/lít....có lý do để cúp học rùi,haha

Đây đây, đồng chí này cũng vui tính lắm! Bữa qua nhà của đồng chí ngủ ké, đồng chí khoe cái hình nền laptop mà mình té ngửa vì sặc! Nói nào ngay đồng chí này hồi xưa học chung mình cấp hai, trường Trọng. Lên cấp ba học chung lớp Toán, trường Kha. Lên đại học thì đồng chí học Bách khoa còn mình thì đi Thương, nhưng nói chung là cũng có liên lạc! Đồng chí không có máu ... hài cho lắm, nhưng với câu này thì đúng là ... có chất! He he, cũng may mình hết... học rùi, nên khỏi... nghỉ học!

4. Đoan Nguyễn - Cô gái miền Tây thiệt thà chất phác dịu dàng đằm thắm

Từ dạo 19.3k thì anh và e cứ xa xa thế nào ấy, anh bận rộn với công việc nhiều hơn...để rồi hôm nay tiếp tục leo thag k mệt mỏi, tiền đi dạy có đủ tiền xăng k anh. Kể từ giờ ý em đã quyết, anh ở nhà, em bắt bus sang thăm :)

Ha ha, cô gái này quê ở Long An, nhà phố bố làm to heng! Mới tân gia nhà mới ở Sài, mời mình qua chơi mà chưa có dịp sắp xếp bay qua coi cái nhà to như thế nào! Nói chung là cô ấy có một phong cách rất chi là ... thục nữ! Kiểu cô gái trong bài Chuyến xe Tây Ninh ấy, trèo đèo lội suối đi thăm người yêu! Nói vui vậy thôi, bạn này hiền, thường chỉ cười khi người ta kể chuyện mặn! Nhưng trên facebook thì cô ấy khác hẳn, lanh lợi và cũng rất chi là lãng mạn! Các thể loại status thường dính dáng đến tình yêu!

P/s: bạn mình khi xem facebook của mình, thường khen bạn Đoan Nguyễn này đẹp và dịu dàng quá! Ha ha, cô ấy nghe được chắc là vui lắm đây!

5. Đinh Tuyết Ngân - đồng chí, đồng đội, idols...

Gần 10 h đêm còn có người rủ mình đi... đổ xăng!!!

Cô gái này là một trong những thần tượng hiếm hoi của mình ở dưới Đại học nè: con gái, viết văn hay, cá tính mạnh, làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, thông minh, giỏi, và ... rất có thần! Khen hơi nhiều hĩ! Hồi xưa hoạt động chung trong Hội sinh viên của lớp, sau đó cổ lên chức ... cao hơn, mình trám chỗ của cổ. Thường mình và cô ấy có duyên ... trong mấy vụ apply cho các corparate, mình thì rớt, nhưng cô ấy, cũng hay rớt theo! Không hiểu sao, nhưng tóm lại là, cô này rất đáng ghườm! Giỏi mà sao vẫn cứ trầy trà trầy trật! Con gái Gia Lai, xưa học chung trường với Cường Đô la đó heng, chuyên Văn!

6. Ngố ngờ nghệch - Một người quen, vui!

GIÁ XĂNG LÊN 21.300 Đ/ LÍT .... MỆT QUÁ ... CHĂNG MUỐN CHỮI RŨA NỮA ...

Đồng chí này là một người ... trước hổng quen, giờ thì chắc quen quen, chủ yếu là do tính kết nối mạnh mẽ và rộng khắp của bạn facebook mà thôi! Đồng chí này mình hông nhớ tên, nhưng mỗi bận coi mấy clip đồng chí ấy tự biên tự diễn, đặt lời thoại, tự ghpes nhạc, tự lồng tiếng theo kiểu phim Hongkong mấy bộ phim như Cung tâm chế... là mình cười lộn ruột! Túm lại, hắn vui!



=> Sẵn giới thiệu mấy người bạn trên facebook của tui luôn đó heng! Các dòng chữ in nghiêng trích trực tiếp, chính xác từ các status trên các bờ tường của mấy đồng chí bạn tui! Chắc không đến nỗi mần tui, vụ bản quyền chứ hĩ!

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Bay!

Sáng bốn giờ dậy, bay từ Ninh ra Sài, ngất ngư ngất ngư!

Tình hình là còn nợ nhiều chầu cà phê với bạn quá, nên lần này xuống Sài cũng chả réo ai, hix, hix, hix!

Tình hình hơn là đã trễ hai ngày so với cái kế hoạch dành cho khóa luận cuối khóa! Phải treo lên bờ lau này đặng nhắc nhớ rằng là phải bớt lông bông đê! Còn có ba tuần nữa thôi!



Thói quen tốt là thường trước khi làm cái gì cũng set up một cái to do list hoành tráng, nhờ nó mà vượt qua được nhiều quãng đăng đăng đê đê công việc è đầu! Nhưng bí quyết thành công là cần phải tuân thủ theo những gì mình đã vẽ ra, làm ra, viết ra! Cái này nhiều khi mình ... bí, hí hí! Khóa luận đang lưng chừng chương hai, được 16 trang!

Ngồi ké wifi ở một không gian ầm ào, thiệt là khó chịu quá đi mà!

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Mắm đây!

Mấy năm nay má không đi Châu Đốc nữa, nên trong cái tủ gạc rê (chữ này dùng đúng không ta?) không còn đùm đề mấy hũ mắm: mắm thái, mắm cá lóc, mắm linh, mắm sặc bổi... để dành ăn từ xắp xải tháng giêng hai ra đến tận tháng ba.

Nhớ ngày xưa, má với mấy người hàng xóm, hễ vừa ra giêng xong, coi mòi là rấp rẻn rủ nhau đi Châu Đốc lạy Bà. Nhỏ lớn mình ít khi được đi đây đi đó nhiều, vì mình không quen đi xe, lên xe đò là ói ra mật xanh, ra mật vàng, thêm vào là đăng đăng đê đê chuyện học, nhỏ lớn ít khi nào mình chịu nghỉ học, hoặc má cũng không cho nghỉ, chỉ để đổi bằng mấy bữa đi chơi. Nhiều khi ở nhà đám giỗ, đám cưới, thèm trốn học gần chết, mà má cũng không chịu cho nghỉ học nữa là!

Mấy năm nay má không cùng sung đi nữa, nếu có đi, thì cũng chỉ quanh quẩn ở Ninh, bắt đầu từ miếu Bà Chúa Xứ bên Thanh Điền, rồi vòng qua Quan Lớn Trà Vong bên hông núi Bà Đen, tiếp thì đi lạy chùa Trung rồi vòng về. Dễ chừng năm năm trước, rằm giêng má còn chạy qua tuốt chùa Bà bên Bình Dương, rồi đi Núi Cậu, rồi đi Hà Tiên, nhiều nơi lắm. Và thường khi má đi lễ chùa về, sẽ đùm theo nào là xoài, trái nào trái nấy bự như cái tô, và không thể nào thiếu mắm! Nhà mình hảo mắm, đâm nhiều ớt, nhiều tỏi, đỏ lòm, rồi trộn mắm sống vô, ăn với cơm nguội, chảy nước mắt, mà hít hà khen ngon ngọt trớt! Cái mùi vị mắm, nhiều khi mình ở Sài, thèm đứt cả ruột, mà không có để ăn!

Nói quỡn quơ vậy thôi, chớ bữa qua, dì Mười đi Châu Đốc về, đem qua cho nửa ký mắm cá chốt! Minh le te chạy đi kiếm cái tô sành, kiểu hồi xưa, hình trẹt trẹt, đâm tỏi ớt rồi bỏ mắm vô, cho nó hợp với cái không gian thưởng thức mắm. Ăn chung với cơm nguội, mà ngon ngậm ngùi luôn!

Thế nên bày ra vài chữ, đãi khách món mắm, héng!

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Những nỗi lơ sợ (số hai)

1.

Năm 2000, nhiều người đồn là năm tận cùng của loài người. Dì tôi xắp xải mua sẵn mì gói, dầu hôi, để trong nhà, phòng lời đồn thành hiện thực. Tôi học lớp năm trường làng, chưa ý thức hết được những nỗi lo sợ mơ hồ về cái gọi là bất ổn thế kỷ. Những thùng mì của dì trở thành vật hữu dụng cho cả nhà mấy bữa thức đêm coi Euro. Năm ấy Pháp vô địch, hai năm trước đó, Pháp cũng vô địch cúp bóng đá thế giới! Sự sôi sục vì chiến thắng của Pháp, đè tan nát những mối lo về một ngày tàn, của trái đất!

2.

Một trong những lý do khiến cho tôi, có được một nền kiến thức kha khá về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đó là ngay từ những ngày còn học tiểu học, tôi đã làm quen nhiều với báo chí! Tôi đọc ké báo Kiến thức ngày nay và Thế giới mới của Út, dù nhiều khi không hiểu cho lắm những bài viết đại loại như là "nhà thổ, các bí mật gia truyền của vua đời nhà Đường, một trăm lẻ tám anh hùng Lương sơn bạc - chuyện chưa kể, hoặc các mục chuyện kể đêm khuya..." Nói điều đó, để thấy rằng, ngay từ lúc ăn chưa no, lo chưa tới, tôi đã từng đọc về điềm báo của người Maya, rằng năm 2012 sẽ là năm đại họa của trái đất! Đối với tôi, mười mấy năm về trước, lời dự báo ấy, chỉ là một thông tin, tầm thường và không đáng để nhớ!

3.

Dạo còn đi làm ở Ngân hàng Z, bữa mà trụ sở Z ở vòng quay Mê Linh, gần bến Đằng sụp xuống, làm bị thương năm nhân viên, vào giấc ba giờ mấy, bốn giờ chiều. Thì trước đó khoảng nửa tiếng, tôi dành cả buổi sáng chạy lăng quăng dọn của nả ở bên đó đem về kho bên Kumho. Tai nạn khiến tôi ngỡ ngàng, nếu chậm hơn một chút nữa, biết đâu đã có thể là mình!

4.

Tôi là kiểu người khoái thử thách, có máu liều và không sợ ma! Tôi đã từng ở trên sân thượng của một tòa nhà mà không ai dám ngủ một mình, tôi luôn tắt đèn đi ngủ và thiệt sự là mong có chuyện thần bí gì đó xảy ra, để kiểm chứng cái mà cả giới khoa học đều chưa tìm ra được lời giải đáp! Tôi không sợ!

5.

Khi Lybia chìm trong khói lửa của chinh chiến, tôi đồ rằng lại sắp có một chiến trường dai dẳng nữa sẽ bốc khói trên mảnh đất ấy, như Irag tám năm về trước! Khi liên tiếp là những thảm nạn tang thương xảy ra hầu khắp mọi nơi trên thế giới! Khi năm hai ngàn không trăm mười hai đang đến gần! Khi trước mặt tôi, một buổi khuya giấc bốn giờ rưỡi sáng là hình ảnh chiếc xe bồn chở dầu, do tài xế ngủ quên, mất lái đâm vào dãy phân cách, khiến cho cả quãng đường còn lại từ Ninh xuống Sài của tôi chập chờn trong vết loang của máu. Những nỗi lo sợ vây lấy tôi! Càng ngày càng nhiều thêm!

6.

Về Ninh trong những ngày mà đi đâu cũng nghe những chuyện đâu đâu: nữ sinh bị rạch đùi, trong đó có một người chị bà con xa, học trường Cơ điện Việt Xô, trên đường đi học bị bọn xấu xin tí máu. Và ở phía Đông Á, Nhật đang oằn mình chống chịu lại với động đất, sóng thần, và cả rò rỉ nhà máy điện hạt nhân! Hình ảnh thời sự trên tivi chiếu cảnh những kệ hàng trống trơn trong siêu thị cho tôi thấy quá chừng những nội sợ hãi! Tôi càng nghĩ đến việc, có hay không, thảm họa mang số 2012.

7.

Đọc lại cổ vật sông Tô Lịch, để lại lần nữa nghĩ về một bài viết bàn về Cụ rùa Hồ Gươm! Và trích dẫn lời của nhà sử học Dương Trung Quốc: Vào thời điểm này chúng ta không còn ở thời kỳ chủ nghĩa vô thần thô mộc nữa. Chúng ta tin rằng có đời sống tâm linh”.

Tôi sợ!

(chắc là lâu lâu, lại sợ tiếp...)

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Nhà bên sông (số 5 - và hết!)


Không hiểu sao trong tâm tưởng, tôi thường mơ về một khu xóm nhỏ, có con sông hiền hòa chảy qua, có những người dân thuyền chài chân chất, hiền như cục đất chia nhau những miếng đời!


Bạn viết những dòng trên vào một buổi chiều muộn, ngày đầu tiên bạn dời đến chỗ ở mới. Rơi rớt những dòng thơ tềnh tang như lục bình trên sông, quãng tháng mười hai nhiều gió, nắng hanh hao, hơn một năm về trước. Hai mươi mốt tuổi người ta vẫn còn thơ thẩn lắm. Qua bao bận dời nhà, người ta, trên chuyến hành trình của quãng sinh viên ngắn ngủi đo bằng thước dây của những vụn vặt buồn vui, thì cũng có lúc đẩy đưa mà dừng chân bên quãng sông này, chỗ Sài sông chia làm hai, chảy vào ôm ấp Đa làm thành bán đảo. Trong tâm tưởng, khoái chỗ nào có sông có suối, đặng tắm mát chảy trôi trong cái mong mỏi nhỏ bé là được chiều chiều ra ngắm gió, thả theo tiếng lớn ròng con nước là những khoảng tâm hồn được lặng, là sông, là sông!Vậy là đã gần hai năm rồi, kể từ ngày bạn túc tắc xắp xạn của nả, chuyển từ chỗ trọ cũ, ngay mé quán cà phê Ngọt, hẻm đường 5, đi vô để dời về mé sông! Giờ thì bạn đã gần lắm cho cái lần chuyển nhà cuối cùng của đời sinh viên đại học.



Bạn thích sống gần sông, thích chỗ nào tềnh tang nước chảy. Nhiều lần độc hành trên quãng từ Ninh ra phố hoặc từ Sài quành ngược lại Ninh, hổng biết bao nhiêu lần bạn dừng chân lại bên đường, chỗ có con kênh dẫn nước vô ruộng đặng thòng chân mình xuống nước, kiểu như muốn cho cá lìm kìm cắn chân như hồi nhỏ bạn hay chạy về ngoại của bé đặng được hưởng cái thú vui nho nhỏ đó. Nhà bên sông của bạn thì không có cá lìm kìm, chỉ có mấy con cá ghẻ chóc lùm chum, mà năm thì mười họa bạn mới dòm thấy được. Kể cũng lạ là chính trên con sông đó, có lần bạn thấy người ta kéo cá, bắt lên được mấy con cá da trơn bự hết hồn, làm bạn bữa đó bỏ dở cả bữa cơm đặng ra bờ sông coi người ta kéo cá! Bạn ngạc nhiên lắm, sông chốn này, mà cũng còn loại cá bự như vậy nữa sao?

Hơn một năm bạn sống bên bờ sông này, không có nhiều chuyện vui, cũng không nhiều quá nỗi buồn. Bạn chuyển nhà nhiều bận, va vấp giữa người trẻ trong không gian nhà trọ bạn cũng đã nếm trải quá chừng lần, ngôi nhà bên sông này phần nào chứng kiến bạn chững lại, lớn lên và trưởng thành hơn. Bạn chuyển vô khi vừa bắt đầu học kỳ hai của năm ba, và bạn ra đi khi học kỳ cuối cùng của thời đại học cũng gần kết thúc! Bạn sẽ nhớ nó lắm, vì từ chỗ đó, mà bạn ra đi, ở ngưỡng cửa cuộc đời!



Hơn một năm trời sống ở bờ sông, bạn đã quen dòm thấy cô bé con lai lớn lên, đạp chiếc xe đạp bốn bánh chạy tềnh tang từ đầu này bờ ké dọc dài đến cuối đầu kia. Con bé xinh, giống má và Tây cũng giống cha. Bạn cũng thiệt tình chưa từng một lần nào trò chuyện với bé, chỉ thấy cô bé mạnh mẽ lắm, không thèm chơi trò chơi với bạn bè con nít chung xóm, mà chỉ thường ra đạp xe ngoài bờ sông, gió lộng nhiều hôm muốn ôm tròn lấy bé mà hôn hít.

Chiều qua, lúc bạn đang lắc xắc dọn dẹp lại mớ đồ bổi, chuẩn bị dời đi vào ngày hôm sau, thì ngoài bờ kè người ta xấp xải, xôn xao vì lại thêm một vụ chết đuối trên sông. Nạn nhân là sinh viên năm ba (hoặc năm cuối), quê ở Nai, cũng dân xóm trọ như bạn. Chiều lộng gió mát rượi, bạn ra sông tắm, rồi bị cái thằng sông nuốt trọn vào lòng, ngúc ngắc!

Tối đó bạn không ngủ được, hai mươi mấy tuổi, người ta đâu có thể gọi là dửng dưng được nữa! Và cái chết, thường xuyên trở thành nỗi ám ảnh của người ta hơn!



Sông vẫn cứ im lìm, nhưng có chút gợn khiến cho bạn không còn muốn bước ra dòm sông lần cuối!

Kết thúc!


Nhà bên sông, số 1
Nhà bên sông, số 2
Nhà bên sông, số 3
Nhà bên sông, số 4

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011

Nhận được tin mừng, của bạn!

Bạn cũ của mình vừa đc học bổng đi Sỹ sáu tháng đặng làm luận văn, mình cũng không rành về học bổng cũng như chi tiết này nọ về học bổng của bạn, tuy nhiên, đây được coi là một tin mừng, bự chà bá!

Nhận được tin mừng của bạn, mừng giùm cho bạn!

Viết ngày 8/3 - Một bài viết cũ... của mình!

Tình hình là hôm nay ngày Phụ nữ khắp mọi nơi vùng lên heng. Trân trọng cho đồng chí Tồn Phan gởi đến tất cả chị em nhà mình lời chúc trân trọng nhất hĩ! Tớ có món quà nhỏ, mắc cười lắm, dành tặng cho chị em, lỡ bộ ghé qua bờ lau tớ chơi đây! Số là những năm học phổ thông, tớ làm thơ nhiều lắm, những kiểu thơ không chiêm nghiệm, không ú ớ, đọc một lần, rồi thôi! Bài thơ nsau được tớ viết cách đây bảy năm, y boong ngày này luôn! Đăng lên cho chị em mình cười chơi cho thoải mái! Hoàn cảnh sáng tác là dành tặng co các nữ lớp 9a5 trường Trọng, khóa 00 - 04.


VIẾT NGÀY 8/3

8/3
Tui sẽ là một tên trộm bất đắc dĩ
Đi trộm hoa tặng các nữ lớp mình
Tặng lớp trưởng - Ngọc Lam một đóa quỳnh
Mong lớp trưởng mãi tỏa hương thơm ngát

Tui sẽ chọn một hoa hồng màu nhạt
Tặng bạn Thùy cô thư ký yếu tim
Còn đây nữa 100 đóa hoa sim
Dành riêng cho cô nàng Thiên Lý

Hoa mắc cỡ để dành cho thủ quỹ
Đừng như hoa - mắc cỡ nhé Thanh Tuyền
Tui đã trộm mấy bông hoa đỗ quyên
Gởi đến sao đỏ Thảo, Trang của lớp

Còn đây nữa đóa hoa bách hợp
Tui để dành tặng cho bạn Diễm Thy
Và một bó hoa cẩm tý li ti
Thì tui để dành riêng cho Ngọc Xuyến

Tui đã trộm hoa san hô từ biển
Để được trao, tận tay bạn Kim Hồng
Thàng ba này, đỏ góc trời hoa vông
Xin thân ái tặng cho Thu Thủy

Trong vườn nhà tui trộm hoa thiên lý
Đóng gói đem tặng cho bạn Quỳnh Như
Ở Đà Lạt có nhiều hoa tu lip
Tui cất công trộm một đóa cho Thư

Năm lớp chín là chia tay nhau nhé
Forget me not thôi thì tặng Hương Lan
Điện Biên Phủ có nhiều lắm hoa ban
Tui trộm về tặng Tuyết Mai một bó

Còn đây nữa hoa lu li nho nhỏ
Tui để dành tặng cho bạn Phương Loan
Trộm cả buổi tui bị đánh héo hon
Ôi đau quá, nhưng cũng vì các nữ

Con trai ơi hãy một ngày đừng dữ
Vì một ngày có tên gọi 8/3.

07/03/2004

Hix, năm lớp chín, ngây ngô ghê hĩ! Qua lớp 10, tui chuyển từ đi trộm hoa sang đi bán hoa cho các bạn nữ lớp mình - Cho đến nay!

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Ngái ... ngày cũ!

Biết đâu, rồi thì một bữa tềnh tang đi tìm ký ức, từ những ngai ngái đồng rạ ngày cũ, bạn bất chợt nhận ra mình có bạn đồng hành!

Kiểu như bốn năm xuống Sài học đại học, những tháng cuối cùng, bạn trăn trở xếp gọn đồ đạc, của nả đem về nhà. Có cả đời để đi xa, để nhớ về ngôi nhà nhỏ ấy, nhưng chỉ có vài ba tháng, đặng sống trọn với má, với gia đình! Rồi những khoảng rôi rãi, bạn xách chiếc máy ảnh, lộc ngộc trên chiếc xe máy vạn dặm đường xa, lần hồi tìm về những ký ức xưa cũ, quãng bạn còn sáng sáng chiều chiều đạp xe tơi bời đến lớp. Nhà bạn cách trường xa, khiến cho con đường bạn đến lớp, giờ muốn đi thăm lại, cũng phải mất đến ba bốn bữa rôi rãi nữa kìa!

Bạn mừng muốn khóc khi gặp lại những nếp nhà mếu máu ngói âm dương, tường vôi cột gỗ nằm im lìm trong con hẻm nhỏ, chỗ mà ngày xưa bạn hay tềnh tang đạp xe đi về. Những ngày mà con đường quen bạn hay đi học đang được người ta cày xéo, sửa chữa, mở rộng ra thành đường lộ lớn. Những góc nhà im, lắng nghe tiếng bạn bước qua âm thầm mà ngỡ là mỗi tiếng ơ hờ mời gọi, bạn tôi kìa, bạn cũ của tôi kìa! Bạn thích quãng hẻm nhỏ ấy lắm, bởi con hẻm nhỏ, nên nếp nghĩ, nếp đời dường như vẫn còn thốc mái với những nhọc nhằn xưa cũ. Người ta chưa kịp vội đập đổ căn nhà mái ngói âm dương đi để xây lên những vòng tường quây trì kéo tình làng xóm, đặng tiếng gọi giữa ban trưa hàng xóm ơi ghé tôi chơi không bị bíu ríu bước tường xa, đặng chén chè, tô cháo mỗi bận nhà bên mần ăn chơi, có cớ mà rộn ràng đem qua cho hàng xóm mình ăn lấy thảo. Bạn khoái cái không gian ngang tàng, không cần vách, không cần những thước dây kẽm gai xa cách. Bạn níu kéo những nhọc nhằn xưa cũ bởi bạn đã lỡ lậm thương mất rồi cái không gian văn hóa thiêng liêng của mảnh đất Nam Bộ cỏ ấu đồng lau, của mái ngói liu xiu, thập thò bên hàng hiên lé đé tiếng gà kêu đâm tan nát ký ức tuổi thơ của bạn bằng bằng thương, bằng nhớ! Và căn hẻm nhỏ nơi bạn đi qua, may quá, vẫn còn kha khá những mái ngói. Bạn vui!

Bạn lần giở từng mẻ ký ức qua vòng quay bánh xe đưa bạn về lại những bước đường ngày cũ! Bạn bắt đầu ra huyện, học ngôi trường trong chùa có những gốc phượng già heo hắt đậm nét thời gian trong chính cái không gian trường còn ơ hờ nào kèo, nào cột, vách ngăn giữa các dãy lớp dựng bằng bồ, máy quạt kiểu nhà binh chạy ò e làm nền cho lớp học. Nơi đó chứng kiến bạn lớn lên, chứng kiện bạn ra đi, và mong ngóng bạn trở về. Đường bạn đến trường, được định vị bằng xóm cần xé, xóm chổi, xóm bánh tráng, xóm gò thùng, xóm rế, xóm nhà lầu, chợ và trường. Bữa bạn lượn một vòng, và ơ hờ rơi trong một trời nhớ! Xóm cần xé, tức là xóm nhà bạn, đón bạn vẫn với những vòng mê đương cần xé còn tươi phớn, tiếng đạp bồ chan chát, tiếng máy nổ giòn thay cho những bước thủ công chẻ nan tre những ngày chưa xa ngái. Bạn thích cái cảm giác trời chuyển dần về chiều và người ta tranh thủ đương cho hết đường vòng cái cần xé dở dang. Xóm nghèo, chỉ có mỗi nghề cần xé đặng câu cơm!

Xóm chổi ngày bạn còn đi học, đón bạn bằng những mùa nắng mới lên, hanh hao những mẻ cỏ đang được người ta phơi khô. Dân xóm chổi giờ giàu, đổi đời nhờ con đường bắt qua xóm được mở rộng, tiền đền bù đất khiến cho người ta dựng lên những nếp nhà mới, chuyển đổi nghề nghiệp canh tác sang mở quán cơm, mở tiệm nét, mở tiệm điện thoại di động. Chưa có xóm nào mà nhiều người con gái để tóc dài chấm lưng nhiều như xóm chổi, và ám ảnh ngày xưa đối với bạn về xóm chổi ngày ấy giờ đã bị đổi khác. Lứa xuân thì con gái tóc dài ngày xưa lớn lên, chồng con trĩu oằn đôi gánh, mái tóc bị cắt bỏ đi. Và lứa con gái bây giờ, xơ xác, tóc…

Bạn biết nhiều làng nghề trong quãng từ nhà bạn đến trường. Chứ mà thật ra là tại cái tính của bạn, khoái níu kéo, khoái cảm cho hết những phong vị ngái ngày xưa. Bạn chọn cho mình một quãng hành trình dài hơn, vô lý hơn để đi qua cho hết xóm làm cẩn xé, xóm chổi, xóm làm rế nhắc nồi cơm, xóm làm bàn ghế giường chõng nôi em bé bằng tre, xóm làm nhang hay bưng cả vạt đường đặng phơi lá gòn, xóm nhỏ còn xót lại có một ông bác già bụng phệ đe đập suốt ngày với bếp lò than đỏ lửa đặng rèn ra mấy vật dụng bằng sắt mà bạn đã tự phong luôn là xóm rèn – dù cả quãng ấy chỉ có mỗi một nhà còn sót lại lò lửa sắt nung mà thôi! Bạn thích, bạn thương, bạn khoái, bạn níu kéo, bạn vui, bạn buồn! Lò rèn bữa qua đi ngang vẫn còn đỏ lửa, ông bác bụng phệ nhưng coi mòi đã yếu hơn xưa, nhát đe bổ xuống đã bớt ngang tàng hơn, và rồi dăm bữa nữa đây, khi bạn đi qua không biết có còn nghe tiếng búa?

Rồi xóm cần xé nhà bạn, người ta sẽ còn giữ nghề nữa đấy! Nhưng rồi liệu nghề có đủ để nuôi người hay không? Khi mà người ta đã lâu rồi không còn quen dùng nữa những thứ vật liệu thiên nhiên làm nên từ đôi bàn tay của người thợ ân cần đổi ngày đổi tháng bằng những tre nứa nang ong hay không? Bạn nghi lắm, xăng điện các thứ đã lên giá hết trơn rồi!

Bạn thuộc tuýp người hoài cổ! Nên chắc là bạn sẽ khóc!

Ngái ... ngày cũ!

Biết đâu, rồi thì một bữa tềnh tang đi tìm ký ức, từ những ngai ngái đồng rạ ngày cũ, bạn bất chợt nhận ra mình có bạn đồng hành!

Kiểu như bốn năm xuống Sài học đại học, những tháng cuối cùng, bạn trăn trở xếp gọn đồ đạc, của nả đem về nhà. Có cả đời để đi xa, để nhớ về ngôi nhà nhỏ ấy, nhưng chỉ có vài ba tháng, đặng sống trọn với má, với gia đình! Rồi những khoảng rôi rãi, bạn xách chiếc máy ảnh, lộc ngộc trên chiếc xe máy vạn dặm đường xa, lần hồi tìm về những ký ức xưa cũ, quãng bạn còn sáng sáng chiều chiều đạp xe tơi bời đến lớp. Nhà bạn cách trường xa, khiến cho con đường bạn đến lớp, giờ muốn đi thăm lại, cũng phải mất đến ba bốn bữa rôi rãi nữa kìa!

Bạn mừng muốn khóc khi gặp lại những nếp nhà mếu máu ngói âm dương, tường vôi cột gỗ nằm im lìm trong con hẻm nhỏ, chỗ mà ngày xưa bạn hay tềnh tang đạp xe đi về. Những ngày mà con đường quen bạn hay đi học đang được người ta cày xéo, sửa chữa, mở rộng ra thành đường lộ lớn. Những góc nhà im, lắng nghe tiếng bạn bước qua âm thầm mà ngỡ là mỗi tiếng ơ hờ mời gọi, bạn tôi kìa, bạn cũ của tôi kìa! Bạn thích quãng hẻm nhỏ ấy lắm, bởi con hẻm nhỏ, nên nếp nghĩ, nếp đời dường như vẫn còn thốc mái với những nhọc nhằn xưa cũ. Người ta chưa kịp vội đập đổ căn nhà mái ngói âm dương đi để xây lên những vòng tường quây trì kéo tình làng xóm, đặng tiếng gọi giữa ban trưa hàng xóm ơi ghé tôi chơi không bị bíu ríu bước tường xa, đặng chén chè, tô cháo mỗi bận nhà bên mần ăn chơi, có cớ mà rộn ràng đem qua cho hàng xóm mình ăn lấy thảo. Bạn khoái cái không gian ngang tàng, không cần vách, không cần những thước dây kẽm gai xa cách. Bạn níu kéo những nhọc nhằn xưa cũ bởi bạn đã lỡ lậm thương mất rồi cái không gian văn hóa thiêng liêng của mảnh đất Nam Bộ cỏ ấu đồng lau, của mái ngói liu xiu, thập thò bên hàng hiên lé đé tiếng gà kêu đâm tan nát ký ức tuổi thơ của bạn bằng bằng thương, bằng nhớ! Và căn hẻm nhỏ nơi bạn đi qua, may quá, vẫn còn kha khá những mái ngói. Bạn vui!

Bạn lần giở từng mẻ ký ức qua vòng quay bánh xe đưa bạn về lại những bước đường ngày cũ! Bạn bắt đầu ra huyện, học ngôi trường trong chùa có những gốc phượng già heo hắt đậm nét thời gian trong chính cái không gian trường còn ơ hờ nào kèo, nào cột, vách ngăn giữa các dãy lớp dựng bằng bồ, máy quạt kiểu nhà binh chạy ò e làm nền cho lớp học. Nơi đó chứng kiến bạn lớn lên, chứng kiện bạn ra đi, và mong ngóng bạn trở về. Đường bạn đến trường, được định vị bằng xóm cần xé, xóm chổi, xóm bánh tráng, xóm gò thùng, xóm rế, xóm nhà lầu, chợ và trường. Bữa bạn lượn một vòng, và ơ hờ rơi trong một trời nhớ! Xóm cần xé, tức là xóm nhà bạn, đón bạn vẫn với những vòng mê đương cần xé còn tươi phớn, tiếng đạp bồ chan chát, tiếng máy nổ giòn thay cho những bước thủ công chẻ nan tre những ngày chưa xa ngái. Bạn thích cái cảm giác trời chuyển dần về chiều và người ta tranh thủ đương cho hết đường vòng cái cần xé dở dang. Xóm nghèo, chỉ có mỗi nghề cần xé đặng câu cơm!

Xóm chổi ngày bạn còn đi học, đón bạn bằng những mùa nắng mới lên, hanh hao những mẻ cỏ đang được người ta phơi khô. Dân xóm chổi giờ giàu, đổi đời nhờ con đường bắt qua xóm được mở rộng, tiền đền bù đất khiến cho người ta dựng lên những nếp nhà mới, chuyển đổi nghề nghiệp canh tác sang mở quán cơm, mở tiệm nét, mở tiệm điện thoại di động. Chưa có xóm nào mà nhiều người con gái để tóc dài chấm lưng nhiều như xóm chổi, và ám ảnh ngày xưa đối với bạn về xóm chổi ngày ấy giờ đã bị đổi khác. Lứa xuân thì con gái tóc dài ngày xưa lớn lên, chồng con trĩu oằn đôi gánh, mái tóc bị cắt bỏ đi. Và lứa con gái bây giờ, xơ xác, tóc…

Bạn biết nhiều làng nghề trong quãng từ nhà bạn đến trường. Chứ mà thật ra là tại cái tính của bạn, khoái níu kéo, khoái cảm cho hết những phong vị ngái ngày xưa. Bạn chọn cho mình một quãng hành trình dài hơn, vô lý hơn để đi qua cho hết xóm làm cẩn xé, xóm chổi, xóm làm rế nhắc nồi cơm, xóm làm bàn ghế giường chõng nôi em bé bằng tre, xóm làm nhang hay bưng cả vạt đường đặng phơi lá gòn, xóm nhỏ còn xót lại có một ông bác già bụng phệ đe đập suốt ngày với bếp lò than đỏ lửa đặng rèn ra mấy vật dụng bằng sắt mà bạn đã tự phong luôn là xóm rèn – dù cả quãng ấy chỉ có mỗi một nhà còn sót lại lò lửa sắt nung mà thôi! Bạn thích, bạn thương, bạn khoái, bạn níu kéo, bạn vui, bạn buồn! Lò rèn bữa qua đi ngang vẫn còn đỏ lửa, ông bác bụng phệ nhưng coi mòi đã yếu hơn xưa, nhát đe bổ xuống đã bớt ngang tàng hơn, và rồi dăm bữa nữa đây, khi bạn đi qua không biết có còn nghe tiếng búa?

Rồi xóm cần xé nhà bạn, người ta sẽ còn giữ nghề nữa đấy! Nhưng rồi liệu nghề có đủ để nuôi người hay không? Khi mà người ta đã lâu rồi không còn quen dùng nữa những thứ vật liệu thiên nhiên làm nên từ đôi bàn tay của người thợ ân cần đổi ngày đổi tháng bằng những tre nứa nang ong hay không? Bạn nghi lắm, xăng điện các thứ đã lên giá hết trơn rồi!

Bạn thuộc tuýp người hoài cổ! Nên chắc là bạn sẽ khóc!

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Dâm bụt đỏ - Hay cái gọi là thơ ... của tui!

Những hàng giậu phơi
Đỏ cả một trời dâm bụt
Má bảo ngày con mình khôn lớn
Hàng rào dâm bụt được thay đi,
Bằng hai con chó đá và cánh cổng sát, và hàng rào dây théo gai đâm tan nát trời chiều...

Má thõng thượt đánh rơi cái ước vọng đổi đời
Đổi hàng dâm bụt giậu thưa lấy đôi cánh cửa có con chó đá
Bằng một buổi con về
Xấp xa xấp xải
Hai bàn tay dính máu
Lầy lội
Chợ đời

Con mang con chữ đi về phía tối
Với hàng giậu dâm bụt quê mình
Đỏ trời
Đỏ đèn
Đỏ những đêm oằn mình trong tối
Tiếng má kêu rời rạc
Rơi tòm trong tiếng xập xình tình tang
Và con rơi

Cả đời lận đận
Cả đời lau đau
Nhận lại chỉ là một vết cong
Con lại trở về
Tăm tối

Hàng rào dâm bụt
Đỏ cả một vùng trời
Má lại thứ tha!
Vô vọng!