Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Một bài viết cũ ... hổng phải của mình!

Hì, tự nhiên nhớ tới cậu, một bài viết hồi xưa lơ xưa lắc, năm năm òi! BÀi này của ông Đỗ Trung Quân, ghét ông này lắm, vì cái hồi ổng làm giám khảo cho một cuộc thi gì đó, ổng chê con người ta tùm lum! Nhưng bài này thì hay, đăng trên báo Tuổi trẻ xuân hồi năm 2006, tính đến tết 2010 thì coi như năm năm!
Một chút gì bảng lảng, một chút thương thương! Và lâu lâu thấy nhớ!





















MẤY MƯƠI NĂM VẪN MỘT CHIỀU RẤT CŨ...
Ngẫm lại, thấy cái sự không chuyển dịch gần như cả đời ra khỏi nơi đã sinh ra, lớn lên và sống như mình cũng không phải dở. Bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu cái tết ở Sài Gòn, là bấy nhiêu cái chiều 30 tưởng như giống nhau mà không giống nhau bao giờ, nó vừa cũ vừa mới, mỗi năm vui buồn cũng chẳng giống nhau.

Có những chiều 30 vắng vẻ, bạn bè, người quen đã về quê hết cả. Chuyện nhà cửa, cúng kiếng đón ông bà đã xong, chậu cúc, cành mai đã bày, chưng trong sân, chẳng biết làm gì ngoài việc kéo ghế ra ngồi nhìn nắng, cái thứ nắng chiều 30 như không có giờ, như đã xóa mất ý niệm thời gian, thứ nắng gió hiu hiu đủ làm bâng khuâng, gợi nhớ vu vơ người xưa, chuyện cũ...

Bao nhiêu năm thường tự thở than mình là kẻ không có quê để về, chẳng bao giờ biết cái nôn nao cảm động trên những chuyến xe cuối cùng trước đêm giao thừa. Chỉ toàn đọc trong sách, chỉ yên lặng quan sát những chiều 30 trên bến xe, sân ga rồi lặng lẽ trở về nhà, kéo ghế ra thềm nhìn nắng thở than: “Ta quê hương lại thiếu một quê nhà... Chiều cuối năm nhìn những chuyến xe qua... Mấy mươi năm vẫn một chiều rất cũ... Vắng tự trong lòng vắng thổi ra...”.

Nhưng giờ đã khác, bỗng thấy mình có lỗi với những con đường đi lại hằng ngày, những góc phố, quán xá chỗ ngồi quen thuộc hằng ngày của Sài Gòn. Ở đây mà nhớ chỗ nào mơ hồ lắm, vu vơ lắm. Cả đời ở đây, sống với vui buồn, biến động, đổi thay của một thành phố ghi trong khai sinh thì đấy là quê mình còn đâu xa nữa? Vậy thì yêu nó đi, yêu những con đường vắng rụng ngập lá me chiều 30, những ngõ ngách như ô bàn cờ chật chội nhưng vẫn tươm tất chiều cuối năm sắp tết, những sân nhà yên lặng với cội mai già vàng rực, sáng cả một khoảng sân.

Đêm 30 có bóng áo dài thành kính trước bàn thiên thơm mùi hương trầm rất giống mẹ mình sinh thời... Vậy thì yêu lấy cái ồn ào của dòng chảy chẳng bao giờ ngưng nghỉ của một thành phố hào hiệp, ai chọn làm quê cũng tiếp, cũng đón chào để giọng nói Sài Gòn nghĩa là đủ thứ giọng nói...


Cũng tại mẹ ta thôi, thuở sinh thời cứ đăm đăm về một chốn nào đã phải ra đi, chỗ “chân trời mây trắng đùn lên” mà thương nhớ đến nỗi lây cả nỗi niềm cho thằng con sinh ra ngay ở nơi này, đến nỗi chạm tay vào cành đào phai lần đầu tiên nó bỗng rùng mình thổn thức suốt con đường từ sân bay mang cành hoa Hà Nội về nhà.

Dẫu gì cũng cảm ơn người đã tặng hoa đào ngày ấy kịp cho mẹ ta nhìn thấy thời con gái xa xôi của mình lần cuối cuộc đời. Và, cảm ơn một buổi cơm chiều 30 mới vừa năm ngoái, ta làm khách mời trong bàn ăn ấm cúng, căn phòng đèn vàng có mai, có đào, có rượu, có những món ăn như thuở nào mẹ ta vẫn nấu...

Chiều 30 nắng nhạt rưng rưng một góc sân. Kẻ nhìn cành mai nhớ cha, kẻ nhìn bát bóng nhớ mẹ. Già đầu hết rồi mà bỗng dưng rơi lệ cả hai người, mắt mũi đỏ hoe, ràn rụa mà miệng thì cười ngượng ngùng gãi đầu gãi tai như phân bua cho những hạt lệ đàn ông. Anh D. - đấy sẽ là một chiều 30 tết không thể quên được trong đời tôi đấy. Anh về quê nhé, quê nhà tôi ở đây rồi.

Mà bây giờ... nắng cũng đã rất tết, gió cũng đã rất tết ngoài kia rồi. Tôi lại nghe văng vẳng từ sâu thẳm lòng mình một câu hát quen, rất tết: “Chiều cuối năm bên hiên nhà em một cành hoa âm thầm...”.

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

Má ơi con bị chó cắn!


Chuyện ở lớp cũng bình thường, đang nghĩ tới ngày cuối tuần để về quê thăm má, mà giờ sao thấy xa tít tắp! Má, con mới bị chó cắn, về nhà con giở quần lên cho má coi! Hì chân con thì hơi nhiều cái lông, nhưng ít thẹo, con nhớ hồi xưa má hay dòm chân con nói số thằng này khổ, bàn chân xấu quá! Mà chắc má sẽ xót, vì con có bao giờ bị chó cắn đâu.
Thế nên hôm bữa, khi con quyết định đi ăn hủ tiếu, con thấy kỳ kỳ. Hồi chiều con lên trường, con ăn cóc, ổi me xoài rồi, thế mà về nhà, con lại đói nữa. Vậy là con mặc áo, le te đi ăn hủ tiếu! Gì chứ con khoái ăn hủ tiêu lắm má, dù má có hù con là hủ tiếu có chuột, có trùn chỉ. Con ăn cũng ghớm, nhưng đói thì con ăn, con còn thấy ngon! Mà má ơi, bây giờ cái gì hổng dơ, hổng ghớm hả má!
Và con thấy ông chủ con chó, xăm đầy mình má ạ! COn sợ quá, con đi luôn. Con đi ăn hủ tiếu, ăn mà thấy đau quá! Phần vì con xin ông bán hủ tiếu cho con trái ớt, để con xát vào vết cắn, cho nó khử trùng! Chứ thật ra là lòng con nó đau. Ở quê mình thì nếu bị chó cắn, chủ người ta lo sốt vó, ,te tái chạy theo hỏi mình có bị sao không, rồi biểu đi chích thuốc, tiền thì chủ phụ cho. Chứ ông thành phố này kỳ quá, ổng la con chó ổng, ổng nhốt nó lại, còn con thì ổng làm ngơ! Nên con buồn, con đi ăn hủ tiếu, con ăn luôn hai tô luôn má ơi!
Trước khi con bị con chó cắn thì thằng cùng phòng đang tắm, thằng khác thì đi chơi Noel! Con cũng tính đi Noel má, nhưng năm nay già rồi, thấy hổng có hứng! Đường phố thì đông, người đông, xe đông! Thôi con ờ nhà cho rồi! Con nhớ mấy năm còn ở nhà, hay đi chơi lắm, về trễ, má không có la con, DÙ năm nào mùa Noel cũng là mùa con thi túi bụi!
Tối lại con sợ! COn gọi điện cho má, muốn khóc ghê lắm nhưng chỉ dám nói nhỏ nhỏ, sợ má sợ này nọ! Mà má sợ thiệt, mà con cũng sợ luôn! Lần đầu con bị chó cắn mà, sợ đất khách quê người,nửa đêm bị điên tùm bậy tùm bạ thì bỏ má, con chịu sao nổi! Má thòng theo câu mày mà chết là tao chết theo mày! COn hoảng quá, cúp máy luôn!
Và con bị chó cắn! Đầu tiên con la lên, rồi im, rồi lết tới chỗ kia, vạch đùi ra, coi thì thấy có mau! Cũng đau má, chó cắn mà!Con chó nhỏ nhỏ, răng nanh tua tủa, nước miếng nhễu nhại thì không đến nổi nhưng dòm cũng ghê! COn sợ lắm má!
Hôm sau con đi chích ngừa, thấy cuối năm sao con hay xui bậy xui bạ quá má! Năm ngoái thì con bị bắt xe, năm nay thì chó cắn! Hix, xui ghê!
Con bị chó cắn, con báo với má!
Thương gởi má ở quê!

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

TỰ VẤN




Tình hình là năm học này T. lên chức heng?

Hix có gì đâu chời. Tại sư tỉ N. lên cấp, bỏ bê em út, rồi tùm lum chuyện. Cuối cùng trên đao dưới búa, bắt buộc phải “lên chức” thui!
Trời đất, lên chức mà làm như cái gì ghê ghớm lắm. Chứ mấy huynh đệ khác đâu?
Dòm cái mặt là biết không nắm tin tức gì hết, bà con mình bỏ đi ráo trọi rồi. Như con Tr., đang làm ông này bà nọ, đùng đùng bỏ xuống làm thường dân, hỏi tại sao, bả nói: năm nay bận quá! Chậc, chứ tui thấy có năm nào mà bả rãnh đâu! Còn hai em kia, em bận bên đội S gì đó, em thì nghỉ ngang không lý do. Thiệt tình, tui rầu hết sức!
Ủa, chứ hổm rày T. làm có một mình hả?
Nói thì nói, than thì than chứ bộ sậu tui năm nay coi bộ cũng được. Có con bé kia, cũng vui, tròn tròn nhỏ nhỏ mà nhiệt tình lắm, tối ngày cho bả đi tuyên truyền giùm, làm tốt lắm. Bạn khác, lớp cũng khác, mới nói chuyện hôm văn nghệ Ftu, thấy hăng, rủ vô, dè đâu bả làm hay. Khoái chí! Còn hai bạn nữa, cũng khác lớp luôn, chưa quen biết nhiều, cũng sợ, do chưa có giao nhiệm vụ gì hết! Bây giờ thì như thế này, hok biết qua học kỳ sau thế nào. Lo ghê! Không như cái ông V. kia, gầy dựng được một lô nhân sự toàn nhiệt tình và năng lực đầy mình, thấy mà thèm! (Nói nhỏ, dù gì tui cũng là lính ổng mà!)
Thôi, cứ cố gắng lên, còn có bao lâu nữa đâu.
Thì tui cũng biết. Nhưng do dạo này bận rộn quá!
Bận chuyện gì?
Thì ba cái mớ bòng bong chuẩn bị cho 20/11. Nói tới mới nhớ, có con nhỏ này hay lắm! Tên Đ., quê ở L.A , tốt bụng hay không thì tui hok biết, chơi cũng thân, chữ đẹp, người sang, hát nhạc sến cũng hay, học thì khỏi phải nói. Bả ngồi trên tui chứ đâu, thường ngày tui xin nước bả uống hoài. Tội nghiệp, con người ta tối ngày bị tui năn nỉ ỉ ôi, hết làm cái này tới làm cái khác. Như cái vụ thiệp thùng đồ nè, nhờ bả, bả chịu, chi tiền, thiếu tiền, bả đắp vô, hỏi thiếu bao nhiêu, bả nói có bao nhiêu đâu, tui hỏi tiếp thiếu nhiều không, bả nói trời đất ơi nhà bả giàu có như thế hok lẽ có bi nhiêu bả đắp vô không được. Hix, người ta như vậy thì thui, ép uổng gì nữa. Chậc, còn chuyện này, cái vụ vẽ vời biểu trưng, huy hiệu gì gì đó, tui không mê, passer qua bả, cái này là liều thôi, hên xui, dè đâu bả nhận làm lun. Mừng trối chết! Khen bả đẹp này đẹp nọ tùm lum, chắc bả hok tin đâu, nhưng thôi kệ, hễ ở đời ai mà hok khóai được khen, nhất lại là con gái. Đ. Há?
Ê, T. nói với tui hay nói với con Đ. Nào đó vậy hả?
Thì tui nói cả hai, có gì mà bức xúc thế.
Có chuyện gì khác không?
Có chứ. Cũng vụ làm thiệp này nè, nhóm kia, rủ một lô 6 đứa, cũng vui, thấy cũng công phu. Nhóm nữa 3,4 người gì đó, làm thiệp thấy rầu hết sức. Buồn như con chuồn chuồn hok có cánh, gì đâu làm cho lớp mà lại đi nói câu tính công này công nọ. Thôi, lần sau có tính công thì đi xung phong làm cho người khác, T. tui hok dám. Mà cũng kỳ, sao tui hok có cảm tình cho lắm!
Nói gì thẳng quá, có sợ người ta giận không?

Giận thì giận, sợ cóc gì. Tui khoái ba mặt một lời lắm!
Ê, bình tĩnh cha nội, bộ tính làm lớn chuyện hả?
Oái, nói tầm bậy quá! Chuyện này có gì đâu, bạn bè cùng lớp không mà. Coi như một kinh nghiệm, vậy!
Chuyển qua chuyện khác được chưa?
Khoan, nói cái này một tí, coi như bảng chấm công, hay khen này khen nọ, hay cái gì đại loại như thế. Số là tính làm một cái hồ sơ, trong có ghi tên mấy bạn có đóng góp cho lớp hồi 20/11 này. Đặc biệt là con Đ. ( tui nói về bả rồi, yên tâm, hok nói lại nữa!), sau nữa là bạn K. , dễ thương ơi là dễ thương, làm thiệp xong còn vẽ cho tui thêm hai bức biểu trưng nữa. Hai người này yên tâm, có công thì có thưởng, nhưng thưởng cái gì thì ai mà bít, cứ chờ đó. Sẵn nói thì nói luôn, cảm ơn bạn Q.(A13), bạn T.(A13), bạn gì đó chung nhóm với bạn Q.(A13), bạn D.(A12), bạn H. (A12)… Chắc khoảng 13 bạn, yên tâm, tui có ghi lại hết, hồi sau có gì kiện tui, không thì thiệt thòi ráng chịu!
Chuyển qua chuyện tình cảm một chút. Có bồ chưa?
Chưa. Hỏi gì mà thô ghớm!
Thiệt hok?
Thiệt! Tui vẫn còn zin, tình cảm vu vơ thì đầy, nhưng hok có gì sâu sắc lắm.
Vậy nói thử coi đang tăm tia đối tượng nào?
Chậc, thằng này dai như đỉa, hỏi mấy câu nhảm nhí! Đã nói rồi, chưa có bồ, mai mốt chắc kiếm em nào cùng quê, đám cưới dễ mời, khỏi mắc công mướn xe đi rước dâu, xa lơ xa lắc, mệt lắm! Tóc thì chắc dài, không cần đẹp, dễ thương thôi, nghề nghiệp đàng hoàng, biết cư xử một chút. Còn nhiều lắm, chắc kể hok hết!
Điều kiện này nọ, cầu cho ế tới lẫn .
Thằng này nói bậy, đá thấy mẹ bây giờ! Nãy giờ nói nhiều, uống nước cái! Bữa nào quỡn nói típ! Gì chứ ba cái vụ tự vấn này, tui làm miết! Vậy heng!
(Lâu lâu còn típ!)

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Kiếm hoài mới tìm lại được bài viết này... mà hổng phải của mình!

Tui khoái đọc văn của bà Tư, một ngày đẹp trời đọc báo Tuổi trẻ, có một bài tâm đắc lắm, chép lại, rồi quẳng đi đâu mất.
Hổm rày cái bụng ương ương, quyết tìm cho ra, lên blog của chủ nhân tìm, cũng hổng thấy, quay qua trang tuoitre, cuối cùng cũng lục ra!
Hehe! Thấy cũng hay!



Bệnh bạc người

TT - Dạo này thấy mình không giống người lắm. Thấy mình bạc đi.

Ngồi canh nồi thuốc bắc, bỗng khao khát sống như người.

Sống như người thì không hỏi cô, lúc này dượng khỏe không, cô ngó mình, nói ổng chuyển viện Sài Gòn cả tuần nay.

Sống như người thì không chưng hửng: "Ủa chế H. có bầu hồi nào ?". Chế ấy sắp sinh rồi. Người mà ngày còn nhỏ mình vẫn hay ngủ cùng, hay gội đầu, bắt chí cho mình, hay lụm mình lên từ dưới sàn lúc nửa đêm.

Sống như người thì chiều chiều rủ thằng Bạn Nhỏ đi công viên chơi. Lắng nghe và trả lời tất cả những câu hỏi của nó một cách dịu dàng.

Sống như người thì tối tối về nhà ba má nằm đong đưa trên võng nghe ba má rỉ rả "méc" nhau.

Sống như người thì sẽ ăn cơm với Bạn Lớn ngày hai bữa.

Sống như người thì nhắn tin cho đứa cháu gái đi học xa mỗi ngày một lần.

Sống như người thì không bao giờ gọi điện thoại hỏi ba, ba ơi ba sinh năm nào vậy ?

Sống như người thì sẽ nói câu chuyện vui vẻ nào đó với người chị gái sống cùng nhà.

Sống như người sẽ biết một mùa trăng qua.

Sống như người thì sẽ biết mình đang đi, đang ăn, đang thở. Chứ không phải đang trôi.

Sống như người sẽ nhớ trên đời này mình còn có bạn, nhiều bạn.

Sống như người thì tôi sẽ cười. Lâu quá không cười vì lòng vui, chỉ cười vì không muốn nói.

Cầm chén thuốc bắc uống bỗng trợn trừng nước mắt không phải vì đắng vì hôi mà vì buồn, dường như không có thứ thuốc nào chữa được bệnh bạc người.

NGUYỄN NGỌC TƯ

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Tôi đi tìm mình trong những mùa trăng cũ!!!

Tôi đi tìm mình trong những mùa trăng cũ. Cái thuở nhà nghèo, ba má không đủ tiền chạy ăn, lấy đâu ra cho bốn anh em cái bánh hay cái lồng đèn cho những nỗi niềm con trẻ. Tôi nhớ anh em tôi mỗi bận tháng 8 về hay đi kiếm vải cũ, chặt tre, xin mấy lon gô dầu lửa. Và những tối rước đèn thay bằng rước đuốc. cũng rộn rã nói cười, cũng đi khắp xóm cùng thôn. Trong non nớt tuổi thơ, thấy trăng ngày rằm tháng 8 là ngày trăng đẹp nhất!

Tôi ngày nhỏ là một đứa ngốc nghếch! Con út trong nhà nên cái gì cũng hay đòi hỏi. Nhà không khá giả nhưng tôi-ngốc-nghếch lúc nào cũng muốn bằng bạn, bằng bè. Và anh chị tôi là những cái tôi khác , cái tôi-thương-em vô bờ vô bến. Trung thu năm nào ấy, tôi cũng không còn nhớ nữa. Chỉ day dứt nhớ mãi rằng các anh chị tôi đã nhịn tiền mua cho tôi một chiếc lồng đèn con gà thay cho những bó đuốc như các mùa trăng trước. Tôi ngốc nghếch sung sướng với món quà ấy mà có biết đâu, anh chị tôi đã dành trọn cho tôi cả mùa trăng. Vì tiền để các anh chị mua dầu đốt đuốc đã thay bằng một chiếc lồng đèn cho em. Mùa trăng của các anh chị tôi đã khuyết đi mất để cho trăng tôi tròn đầy niềm vui sướng. Và đi đến ngày hôm nay, tôi hay vẩn vơ nghĩ rằng ngoài mùa trăng năm ấy, các anh chị tôi còn hy sinh cho một tôi-hôm-nay vẫn hoài ngốc nghếch bao mùa trăng khác. Chị tôi đã dừng chân trước ngưỡng cửa đại học cho tôi rộng đường vào đời. Anh tôi đã ngậm ngùi chia tay chút tình cảm đầu đời để bôn ba kiếm tiền phụ ba má nuôi tôi ăn học. Biết làm thế nào để bù lại cho anh chị tôi những mùa trăng khuyết, ngày ấy, bây giờ và cả những ngày sau nữa?

Tôi đi tìm mình trong những mùa trăng cũ. Để thấy một tôi đang mải miết chảy xuôi giữa chập chờn ánh nến ngày thơ, với các anh chị tôi ấm áp chở che bằng ánh đuốc đỏ rực soi đường. Tôi đi tìm mình trong những mùa trăng cũ để thấy một tôi khác đang cố gắng chải bươn giữa một Sài thành nhộn nhịp, đôi lúc vỡ tan một khao khát được trở về bên vòng tay của ba má, của các anh chị tôi, những người thân yêu đã, đang và mải chở che cho tôi trên suốt hành trình. Tôi đi tìm mình trong những mùa trăng cũ, để thấy một tôi khác nữa đang trở về, về với ngày trăng sum họp, về với ngày trăng đẹp nhất. Ngày ấy là một ngày không xa!