Thời gian trôi qua, những ký ức vụn vặt trôi mờ dưới những dòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ của cuộc sống. Hai tháng trôi qua rồi, bây giờ mà ngồi đặt tay gõ trên bàn phím những dòng chữ đại loại như du xuân sao thấy xa xôi và mơ hồ quá. Lúa đông xuân người nông dân đã gặt xong, ruộng tháng tư chờ bàn tay người gieo mùa vụ mới. Những trảng thuốc lá đã sấy xong, nằm khô ngói trong những vạt sân nắng chiếu nghiêng nghiêng nụ cười. Mùa hè cũng rộn rã về theo cái nắng xứ quê mùa Ninh như đổ lửa, quẩy đảo trên những đoạn đường xa thật xa chỉ có một mình ên tôi với nắng, những gương mặt người cũng cong theo những giấc trưa khét lẹt. Và chuyến đi du xuân đầu năm được tôi cố gắng lôi về trong một bữa trời Ninh hằm hè, trưa ở nhà một mình muốn kiếm chuyện gì đó để mần, thì thôi lôi kỷ niệm ra day dứt lại, để đó, mơi mốt sợ quên!
6. Sg trở về
Tôi tới Times Square rất sớm, chuyến xe mãi đến 8 giờ sáng mới khởi hành. Nhưng vì là ngày thứ hai, ngày đầu tuần, bạn tôi nói coi chừng đó, giao thông ở KL những buổi sáng kinh khủng lắm. Tôi nghĩ tới những bữa sáng lựng trong mùi của khói, của tiếng xe cộ gầm ghừ, của những gương mặt người cau có, ngái ngỏ, quạo quọ, cáu kỉnh... những bận loay hoay ở một ngã tư tắc lự người giờ cao điểm của Sài Gòn. Oải, nên sáng sớm hôm đó tôi trở mình dậy sớm, chào tạm biệt người bạn lớn tốt bụng, tôi đẩy va li ra trạm xe bus bắt xe đi KL Central. Từ KL Central, tôi hỏi đường tới trạm monorail để đi tới khu Bukis. Do bên đấy họ đang xây dựng MRT (KL mới có sky train thôi, họ đang bắt tay xây dựng line MRT đầu tiên, đi qua khu Bukit Bintan nổi tiếng). Lối vào mono rail station bị che khuất bởi những hàng rào công trường MRT đang xây dựng. Tôi dậy sớm, vào tới trung tâm cũng vẫn còn sớm. Ngày thứ hai mang đến cái không khí uể oải, y chang như những buổi sáng thứ hai với một tôi lúc nào cũng méo mó vì ... đơn giản đó là buổi sáng thứ hai đầu tuần.
Tới 9 giờ trung tâm mua sắm mới mở cửa. Check in xong thì tôi đi lượn một vòng trong khu mua sắm vắng hoe, với mỗi Starbuck mở cửa phục vụ buổi sáng cho những khách hàng đi làm sớm. Lần quần mãi mệt mỏi cuối cùng cũng đến giờ khởi hành. Ôi những người Muslim, sau khi đọc xong du ký Con đường Hồi giáo của NPM, đến giờ tôi mới thấy vỡ ra được nhiều thứ. Trước kia theo cái kiểu mình cứ mù mờ, nhìn ai đen đen, tóc sậm màu, mi mắt sậm màu, quấn khăn... này nọ cũng đều có cảm giác e sợ. Dĩ nhiên là phải nhận thức được con người mà, ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Xã hội nào dù văn minh hay đang phát triển hay đang chìm trong khói lửa loạn lạc, cũng sẽ có kẻ nghèo và người giàu, có người lành, kẻ dữ. Nhưng y như cái nhận thức đã ăn sâu và bám rễ, lúc nào cũng có một khoảng cách ngăn giữa tôi người Việt Nam da vàng mũi tẹt với những người Hồi giáo xa lạ. Chuyến xe với hơn phân nửa là người Hồi băng qua địa phận của Malaysia, qua JB, Check point và cuối cùng cũng về lại Singapore. Nhìn đồng hồ, đã hơn hai giờ chiều rồi!
Rõ ràng là khờ dại! Bởi ai đâu mà lại đi theo cái kiểu tới Sing trước, rồi đi bus từ Sing qua Malay rồi từ Malay quành ngược lại cái thẻo đất nhỏ xíu ngoi ra biển mà phát triển bậc nhất khu vực Asean như thế này! Tôi biết chớ, bên cạnh sự bất tiện về đi lại, chi phí cũng cao hơn, thời gian vô bổ ngồi trên xe cũng khiến tôi như dại đi vì mệt mỏi. Nhưng hơn tất cả là cảm giác mình được đi, mình cứ thế mà di chuyển. Khi cô đơn và mệt mỏi quá, thì thay thế bằng cái trống trải một mình trên những chuyến xe cũng đủ xoa dịu được rồi. Tôi hay nói như vậy để biện minh cho sự rảnh rỗi và hăm hở của mình trước những chuyến đi, mà nhiều khi đi không phải để khám phá, vì yêu thích, hay đam mê mà chỉ đơn giản là vì tôi buồn. Đi như cách để khây khoả, để thoát mình ra. Không vĩ đại không hăm hở không trần trụi hay tràn trề nhiệt huyết khám phá, tôi đi đơn giản vì tôi muốn giải toả nỗi buồn. Một thằng trai hai mươi lăm tuổi, đời nhiều khi chưa trải hết, mà nỗi buồn hổng biết thấm thía vô đâu. Nói ra cũng không biết giải thích làm sao, đành kệ vây!
Singapore những ngày giữa tháng hai nắng cũng chói chang lắm. Tôi đi lại những cung đường quen thuộc, lại bắt MRT trở về hostel trên Serangoon, check in vào phòng cũ. Vẫn là hai anh bạn India đã ăn dầm nằm dề ở hostel này gần nửa năm rồi. Họ sống cũng chập cheng lắm, chiều sáu giờ bắt đầu tụng kinh, tối họ đi chơi tới khuya, có bữa sáng chin mười giờ mới về. Phòng có them một bạn mới, người Australia, sinh viên, qua đây thực tập. Bữa đầu tiên bạn tới cũng là ngày cuối cùng tôi ở lại Singapore. Buổi tối đó, tôi phải bắt bus qua nhà cô em gái để lấy lại valy đồ! Trước khi tôi đi, bạn nhỏ Ausie có rủ rê tối đó đi lên khu Clacke Quay ăn chơi đàn đúm, nhưng do còn việc nên tôi từ chối, cũng muốn đi lắm nhưng theo cái kiểu nghe nhạc sến hát cải lương giống như tôi thì việc bước chân vô một quán bar vẫn còn là một chặng đường dài. Và nói rồi mà, đâu có phải tôi đi vì đam mê hay vì yêu thích khám phá nọ kia, chỉ đơn giản là đi bụi, đi cho bớt buồn thôi mờ. Và trong cái suy nghĩ cổ chai của tôi thì chắc có lẽ cái không gian quán bar không đủ để tôi vượt qua được nỗi buồn!
Em gái đưa tôi cái địa chỉ, hôm trước tôi có đến một lần rồi, nhưng đi theo ngã khác. Lúc lên bus thế là tôi phải tranh thủ, hỏi bạn kế bên coi cái bus stop nào là đúng. Khổ cái là cô em của tôi cổ cũng hổng có rành đường, cổ chỉ lộn từ đường Serangoon qua trạm Serangoon, nên quái, tôi cứ phải quay vòng vòng, nhắn tin cho ông anh nhờ ổng tra giùm tôi cái phương hướng. Cha nội này sống lâu bên đây rồi, hỏi gì chả cũng biết, cũng rành! Nên thành thử ra cuối cùng tôi phải lọ mọ hỏi những người lạ ngồi chung chuyến xe bus. Những trạm dừng xe bus bên đấy cũng ác lắm, không có ghi tên trạm, hoặc nếu có thì mãi đến khi bạn đã chạy qua cái bus stop rồi mới thấy được tên trạm gắn ở đâu đó! Quãng đường đi xa, tôi không thể nào đếm hết được các trạm theo chỉ dẫn trên bản đồ, vả lại, đâu phải bus stop nào cũng có người xuống. Giờ cao điểm người lại đông, hổng lẽ ăn tôi cứ hỏi người kế bên tao tới chỗ chưa, chỗ của tao tới chưa? Nên ôm trong bụng một đống thắc mắc sợ lỡ bus stop muốn chết, mà cuối cùng cũng vui là tôi xuống nhầm chỗ rồi. Nhưng vui vì nhờ xuống nhầm mà không bị lộn đường. Hoá ra, cái chỉ dẫn của ông anh chỉ tôi xuống xa quá, tôi đi hố một stop nữa nhưng như vậy lại gần block chỗ ở của em tôi hơn.
Trời tối, mò mẫm đi kiếm cái phòng trọ nhỏ tí hi chả nhớ nó nằm đâu trong nguyên một dãy chung cư y chang nhau! Lại phải hỏi đường, cũng vui vì dân tình ở khu em tôi ở rất thân thiện, cô gái cuối cùng tôi hỏi còn dắt tôi lên đến tận cầu thang dẫn lên phòng của cô em gái mới yên tâm mà quay về. Một người con gái Hồi giáo nhiệt tâm và vui vẻ và … không sợ đi chung với người đàn ông xa lạ (không phải là chồng và cha mình). Do không có nhiều thời gian và sợ hết xe bus, tôi tranh thủ lấy va ly rồi đi về. Em gái tiễn tôi ra đến tận trạm xe bus. Trời ơi tôi cứ nắng nặc được rồi, anh ổn mà, em khỏi cần đi tiễn đi. Nhưng cô gái vẫn cứ cà nhắc khăng khăng đưa tôi về. Cảm ơn em rất nhiều! Bạn bè đồng hương đâu xa, chỉ cần những lúc như thế này cũng đủ để cám ơn em hoài hoài!
Tôi trở về hostel. Ngủ hết đêm nay là mai lại trở về. Một chuyến đi đầu năm coi như cũng suôn sẻ. Singapore lần đầu tiên đến. Singapore lần thứ hai trở về. Singapore của Merlion ngày đêm phun nước chào đón hang triệu du khách đến chụp hình mỗi năm. Singapore của Sentosa hoành tráng và náo nhiệt, Marina Bay về đêm lộng lẫy. Singapore của tôi là những phút giây di chuyển một mình ở những trạm MRT, là cái bản đồ bị vò nát vì lần đầu tiên không rành đường, của một ngày Valentine có một mình ên giữa những cặp đôi tình tứ trong USS, biển của Singapore vắng vẻ nắng chat chúa, hay là tôi của những dặm dài đi để nỗi buồn vợi bớt theo những bước chân qua.
7. Bao giờ cho đến … Kết
Chắc là một ngày nào đó tôi sẽ lại quành ngược tới Singapore, vì nơi đó đơn giản là có rất nhiều bạn bè tôi đang sinh sống và học tập và làm việc ở đó. Đi thăm bạn cũng là một cái cớ để xua bớt nỗi cô đơn đến thèm đi của tôi mà! Tôi lên máy bay lúc mười một giờ. Duyên phận thế nào tôi lại ngồi cạnh hai mẹ con cô gái người Việt Nam. Đứa nhỏ hiền ngoan nằm yên trong long mẹ. Chị ở JB, chị bắt bus qua Sing rồi từ đó bay về Việt Nam thăm gia đình. Chị bảo, đưa đứa nhỏ về cho ông bà ngoại chăm sóc, bên này chị đi làm, hổng có thời gian chăm sóc cháu! Trở về, trở về. Nhiều người Việt Nam sống xa quê hương cũng có sự lựa chọn giống như chị, gửi con cái ở nhà để yên tâm đi mần ăn xa.
Và dù cho có ở đâu thì lúc nào trong họ cũng đau đáu một mong mỏi được trở về. Câu hỏi đặt ra là Bao giờ cho đến…
Ngay khi đáp máy bay tới Tân Sơn Nhất, tôi chuyển chế độ điện thoại về bình thường, gọi cho mẹ, chỉ đơn giản là nói mẹ ơi con về rồi!
Sau đó hai tuần, MH370 trở thành nỗi ám ảnh và là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hang không thế giới. May mắn, tôi đã trở về.
Cuối cùng cũng xong một review, cám ơn những ai đã âm thầm theo dõi những dòng viết của mình! Entry sau chắc mình sẽ treo lên vài tấm ảnh cho rôm rả nhỉ!
Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014
Du xuân 6 và 7 (Hết)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét