Nhà ngoại tôi, nằm ở lưng chừng dốc Hồ. Ngược đầu về phía Xã, đụng đầu dốc cao chót vót, ngày xưa đi bộ mỏi hết cả lưng trần. Còn nếu quay đầu về phía Thành, cũng lấp lửng một con dốc nhỏ, nhỏ thôi, nhưng cũng đủ cho ngày thơ tôi tập tành xe đạp, phơ phởi cả đầu ngọn tóc.
Trước cửa ngà ngoại, hồi nhà nước chưa mở đường, mở xá, tròng trành chảy một con mương nhỏ, mùa khô nước chảy tềnh tang, mùa mưa nước đổ như suối, cá chạy o e, tôi nhổ giờ lớn lên cũng từ hai bờ mương ấy, nhảy qua nhảy lại, lớn hồi nào mà tôi cũng hổng hay! Rồi năm hai ngàn lẻ mấy, người ta vẽ vẽ đo đo, trả cho dì út tôi một mớ tiền bù cho phần đất đem ra công dựng, sửa sang, mở mang đường huyết mạch nối Thành với Xã. Cây xoài ăn trái được mùa Tết đầu, mấy cái hột chưa kịp rủ đất đứng lên, bàn thờ ngoại chưa kịp xênh xang với cây xoài ngoại trồng nay đã có trái, chưng tết, thì bị người ta bứng đi. Cây mãng cầu tôi hay rình bẻ trái chín, cây lão, nên trái nhỏ xíu, mãng cầu bở, hột không! Dàn phát tài, loại chỉ vàng cuống lá, rồi dàn bông trinh nữ hoàng cung, cái bờ giậu bằng kẽm tây cũ… tất cả bị lôi về phía dĩ vãng. Trước nhà mọc lên một công trình, rồi đường ra Xã từ nay thênh thang, bốn làng đường thoải mái. Nhưng với tôi, mãi cho đến tận sau này, không hiểu sao vẫn cứ hoài nhớ về một hình ảnh quen thuộc trước cửa nhà ngoại, mà không gì có thể so sánh được
Đối diện nhà ngoại, có một phần đất trống, người ta đồn đất thầy pháp, làm ăn không lên, nên hổng ai thèm để ý mua, dù đất nằm mặt tiền, thuận bề mần ăn sinh kế. Trên mảnh đất trống ấy, mọc lên một bầy chuối, không phải chuối già, chuối sứ, chuối sim… bán ngoài chợ, mà là loại chuối si mon, trái nhỏ, ăn có vị chua chua, mau ngán. Người ta không hảo loại chuối si mon này, bởi nó thuộc về một loại chuối rừng, theo kiểu không cần ai chăm sóc, tự lớn, tự nuôi thân, trái nhỏ, mà thân cây thì bự tổ bố. Mấy nhà nuôi heo khoái mấy thân chuối si mon lắm, vì bự, đốn đem về cắt khoanh nhỏ cho heo ăn, đỡ phần nào tiền cám. Mà tôi cũng đồ rằng, cũng vì là chuối si mon, nên anh chị em tôi mới có được những tuổi thơ không thiếu chuối, vì hổng em thèm để ý đến mấy thứ chuối rừng dại kia.
Bên cạnh đám chuối si mon ấy, mọc lên một cây ổi sẻ, cũng là một loại cây rừng khác, không cần ai chăm bón, tự lớn, tự nuôi cây. Ổi sẻ không to, nhỏ cỡ ngón tay cái, hoặc bự hơn một chút (bởi vậy mới có tên là ổi sẻ, nho nhỏ, se sẻ như con chim se sẻ), hột nhiều, vỏ mỏng, thịt hổng thấy đâu hết trơn. Nhưng ổi sẻ ngon, thơm và ngọt vô cùng. Cây ổi sẻ cũng không to, trái thì mọc thành từng chùm, dòm thèm phải biết! Ổi trái nhiều, nhưng con nít chung xóm thì còn nhiều hơn. Đầy o những lần mà trái ổi chưa kịp chát, đã có đứa mân mê bấm bấm mấy cái móng tay đặng coi hàng. Rồi thì cả chùm ổi đều bị thử hết ráo, đến lúc trái chín thì dòm hết ra, nghẹt dấu bàn tay, của những trẻ nít thèm thuồng!
Không dư dả nên món quà thơ trẻ nhiều khi chỉ là một trái ổi chín, một chùm nhãn lồng, thứ trái nhỏ xíu, màu vàng, mọc thành từng chùm, trên rừng, trên rẫy, hoặc một con cào cào bự chà bá, thiệt khác so với những con nhỏ xíu, nhảy lóc tóc trên những đám cỏ trước bờ nhà. Nhà ngoại tôi, hồi chưa đập ra xây lại vào năm chín mươi mấy, thì trước nhà có bậc tam cấp, ở chỗ đó có những vở cải lương, kiểu Bao công vô lò gạch, được anh chị em tôi chia vai ra diễn, cũng có hát ư ử cải lương, hoặc giả là chúng tôi cho là cải lương, cũng có xử án, đập mấy cục gạch kêu chảng chảng! Rồi bên hiên nhà có cái giếng, trên có cái ống cống, chiều nào con nít cũng le te xách cài gầu ra tắm, tắm tập thể, tắm lộ thiên. Quần áo treo tòn teng trên hàng rào dây gai kẽm, bay ngang tàng giữa những tiếng cười khúc khắc! Nhà ngoại tôi lúc đó không dư dả, nhưng lúc nào cũng rộn tiếng cười con trẻ. Ngoại có cả thảy mười người con lận mà!
Không hiểu sao tôi có cảm giác nhà ngoại như nhà mình. Chắc bởi vì ngày nhỏ hay lọc tọc chạy về ngoại, khoái chơi với mấy anh chị em bên nhà ngoại, khoái cái tủ sách báo của út, khoái cái không gian thờ tự cổ xưa trong ngôi nhà đã nhiều mai một, khoái tiếng đồng hồ rị mọ tình tang khiến mình sợ ma gần chết mỗi khi ngủ trên bộ ván gõ trước ba bộ bàn thờ, khoái luôn rồi cảm giác sáng dậy sớm nghe tiếng nổ động cơ biết rằng trời đang chuyển dần về sáng, âm thanh ấy bây giờ không còn cảm thấy nữa, chắc bởi con người ta ngày xưa chạy trong tiếng máy nổ mà âm thầm lặng lẽ đối mặt với cuộc đời, không như bây giờ người ta hối hả lăn xả quằn quại để đối chọi lại với cuộc mưu sinh!
Nhà ngoại bây giờ nhiều đổi khác, khu đất trống đối diện nhà, đất thầy pháp nhưng giờ thành khu đất vàng, người ta đốn hạ cây đi, trồng lên đó một nhà cho thuê, sáng bán cơm, chiều quán nhậu, khách đông nghẹt! Chắc ở một góc xa thẳm nào, cây chuối si mon và cây ổi sẻ đang khóc, vì người ta đã không còn thòm thèm đến những thức đơn giản và rừng này nữa rồi! Và biết đâu đấy, tôi cũng khóc, vì tìm hoài mà không biết tiếng khóc kia xuất phát từ đâu. Ai biết làm ơn chỉ tôi coi!
Về kiếm nhà Đá đi, nơi đó có một bà trụ trì, họ chỉ cho!
Trả lờiXóa