Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Một bài viết lúc nửa đêm...

Nói về Đất nước và lòng yêu nước, trong suốt dặm dài hơn bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thì có lẽ, mỗi người trong chúng ta đều không thể nào quên những Bạch Đằng giang chiến trận lẫy lừng, những bước chân thần chiến thần tốc của quân Tây Sơn nghĩa sĩ cờ đào áo vải, là một trận Điện Biên nên vành hoa đỏ, là chiến dịch Hồ Chí Minh tháng tư mùa xuân năm ấy – đã viết nên thiên anh hùng ca ngàn năm lịch sử. Trong âm hưởng của những chiến thắng huyền thoại, tôi không thể nào quên một bản anh hùng ca khác, đã vẽ nên hình hài đất nước tôi từ trong những gian lao, thử thách, từ ý chí quật cường, từ lòng dũng cảm và sự hy sinh quyết tử, để tổ quốc quyết sinh. Bản anh hùng ca ấy được viết nên từ chính những người anh hùng thầm lặng và sức sáng tạo phi thường của dân tộc. Đó là bản anh hùng ca thần thoại về: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Lịch sử mở ra với đất nước Việt Nam vẫn còn đang dang dở với hai miền ruột thịt còn bị chia cắt. Hậu phương miền Bắc gởi thương, gởi nhớ về những người con phương Nam nắng gió với những trận càn, dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ. Và niềm thương, nỗi nhớ của hai miền Nam Bắc ấy, đã được nối liền tay bằng chuyến tàu đầu tiên, tải những tấn vũ khí đạn dược từ hậu phương lớn ra tiền tuyến. Đó là những chuyến hải trình đánh dấu sự ra đời của một con đường mà các thế hệ Việt Nam hôm qua, hôm nay và cả mai sau nữa, không thể nào quên: con đường vận tải vũ khí, khí tài và đạn dược từ Bắc vào Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Đế quốc Mỹ cứu nước.

Chắc có lẽ trên thế giới hiếm có dân tộc nào mà lại nảy sinh ra một hải trận như đất nước tôi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bởi lẽ trong hoàn cảnh hai miền bị chia cắt, thì chiến trường miền Nam đang cần sự chi viện trên mọi mặt trận từ hậu phương xa xôi, thì sự chi viện của miền Bắc – để đến được tay nhân dân miền Nam phải vượt qua trăm ngàn khăn khó của quân thù. Song song với hình ảnh những đoàn chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai, thì chuyển tải vũ khí trên biển, một ý tưởng sáng tạo đã được nghĩ ra từ chính những người dân nhỏ bé mà kiên cường, dũng cảm của đất nước tôi, và ý tưởng tưởng như không tưởng ấy đã được thực hiện thành công, ngay trong những ngày miền Nam đỏ lửa nhất, trong sự kiềm cặp và chống phá dữ dội của bom đạn kẻ thù. Sự thành công của chuyến hải lộ Hồ Chí Minh trên biển đã góp một phần rất lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời làm cho cả thế giới phải kinh ngạc về một sức mạnh, được gọi là, sức mạnh của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên biển, sức mạnh của sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, sức mạnh của tình đoàn kết quân dân.

Và trong những chiến công huyền thoại ấy, khi nhắc về đường Hồ Chí Minh trên biển, không thể nào kể hết được những khó khăn, gian lao, thử thách mà các chiến sĩ đã kinh qua. Đó không chỉ là sóng gió của những chuyến hải trình, mà còn là sự bắn phá dữ dội của giặc nhằm chặn đứng bước đường vận tải vũ khí của quân dân ta. Và cũng chính trong gian khó, trong thử thách thì lại càng hun đúc nên tinh thần và ý chí quật cường của những người con nước Việt. Những anh hùng thầm lặng rèn vàng, rèn vững chắc bằng bầu nhiết huyết sục sôi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” để rồi vùng lên mà thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Sóng gió biển khơi không đánh bật nổi những cơn bão của lòng yêu nước, của khát vọng ngàn đời ăn sâu vào da thịt của những người con nhỏ bé tay cày tay cuốc nhưng lúc nào cũng hướng về tự do, về hòa bình. Bão đạn mưa bom của giặc không sánh nổi với những vòng tay chở che, những bờ bãi tình thương mà người dân của miền đồng bằng sông Cửu Long dành cho các cán bộ chiến sĩ hải quân trên chuyến hải trình thần thánh, với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng quê nhà.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một huyền thoại của dân tộc mà mỗi khi nhắc đến, mỗi người đều cảm thấy sôi sục trong lòng mình niềm tự hào khôn xiết trước trí tuệ Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Với tư tưởng ấy, tôi tìm hiểu về con đường Hồ Chí Minh trên biển mà cứ hoài ám ảnh về tinh thần bất khuất, chí kiên cường, lòng dũng cảm và sức sáng tạo phi thường của những người anh hùng, những người đã mất, những người còn sống, những người được lịch sử gọi tên, vinh danh và cả những người không tên không tuổi. Đó là người thuyền trưởng mà tên anh giờ đã được nhân dân và đất nước đặt tên cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Phan Vinh – anh Nguyễn Phan Vinh. Người chiến sĩ dũng cảm ấy đã làm nên một huyền thoại mà cho mãi đến sau này, người ta sẽ nhớ, phải nhớ đến anh như một huyền thoại bất tử của đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là những anh hùng như Bông Văn Dĩa – người anh hùng chân đất của vùng đất biển Cà Mau, Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ… Các anh đã được đất nước gọi tên, được lịch sử lưu vào sông núi. Và còn nhiều, nhiều nữa những người anh hùng thầm lặng khác, là các mẹ, các chị, các anh – những người luôn hết mình vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Họ cống hiến cho tổ quốc mà không cần gọi tên, không cần gọi tuổi, thầm lặng hy sinh cho đất nước nở hoa.

Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường mà ngay trong cái tên của nó, đã chứa đựng một huyền thoại, một tượng đài vĩ đại của cả dân tộc: chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ cũng đã từng lênh đênh trên biển để từ đó cập bến với lý tưởng của Mác Lê nin, tìm ra chân lý cho con đường đấu tranh giải phóng đất nước. Tiếp nối con đường của Bác, những người chiến sĩ Hải quân Đoàn Tàu không số cũng ra đi, hiên ngang dấn thân vào gian khổ, chẳng ngại hy sinh quên mình vì tổ quốc. Trên những chuyến hải trình ấy có người còn rất trẻ, có người đã lập gia đình, và khi tàu bắt đầu rời cảng, có nghĩa là, họ đã quyết định hy sinh. Tôi nhớ mãi hình ảnh của người chiến sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, “Mãi mãi tuổi hai mươi”, trong một đoạn phim tài liệu về Đoàn tàu không số, nụ cười của chị, mái tóc của chị tung bay trong gió biển. Và hình như, chị cũng như bao người anh hùng khác trên Đoàn tàu không số, đều sục sôi một thứ tình cảm thiêng liêng mà dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, người ta cũng đều gọi đó là anh hùng: hy sinh vì tự do, độc lập và hòa bình của tổ quốc mình.

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày những chuyến tàu không số nhỏ bé mà kiên cường, bất khuất vượt muôn làn gió biển và bão đạn mưa bom, tải vũ khí từ hậu phương ra tiền tuyến nối dài tình cảm thiêng liêng giữa hai miền Nam Bắc, vậy mà những ký ức, những chiến công và con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vẫn còn vẹn nguyên trong lòng mỗi người. Tôi hôm nay được sống trong tự do ấm áp mà tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Biển đảo quê hương vẫn ngày đêm ầm ào sóng vỗ, có lúc biển dậy sống nhưng tình yêu nước vẫn luôn cuộn trào trong trái tim của một người trẻ. Các cô chú, các anh chị đã ngã xuống trên những chuyến hải trình năm ấy, để hình hài nên một đất nước tôi hôm nay. Con đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ mãi là một huyền thoại bất tử về sức sáng tạo của con người Việt Nam, về ý chí chiến đấu phi thường và tình quân dân đoàn kết, gắn bó. Biển đào quê nhà, độc lập tự do cho quê nhà, những khát vọng của các anh năm xưa, ngày nay chúng tôi sẽ tiếp bước, góp sức mình vào công cuộc xây dựng nước nhà. Và sóng biển vẫn rì rào, ngàn năm vọng mãi bản anh hùng ca về một con đường có tên gọi: đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đêm 24/09/2011
(Bài viết của Đoàn viên Tồn Phan tham dự cuộc thi "Tìm hiểu huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển - Chi Đoàn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh (Vietcombank Tây Ninh))

... Sau khi viết xong thì mình biến thành con gấu trúc!

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Lạ!

Tôi từng nói với bạn tôi rằng, nếu mình không giỏi, hoặc không nổi bật hơn người ta, thì cách tốt nhất, là hãy làm cho mình lạ!

Kiểu như trong rất rất nhiều những bạn trẻ xung quanh mình, chỉ có mình ên tôi là khoái nghe và ca được vọng cổ - một thứ đặc sản mà hầu như giờ nói ra, nhiều người dòm tôi mà cười mà nghĩ chắc thằng này không được bình thường. Kệ, nhỏ đến lớn cả nhà tôi ôm cái ra-dô nghe Lệ Thủy, Minh Vương, Bạch Tuyết, Mỹ Châu... hát ra rả mà lớn lên, là những tối thứ bảy chong đèn thức coi tuồng cổ trên đài Sông Bé - mà giờ tỉnh lớn tách thành tỉnh bé, Bình Dương Bình Phước, với tiết mục Sân khấu mặt khóc, mặt cười. Mê lắm!

Lớn lên cũng vẫn thủy chung nghe mỗi những thể loại nhạc ấy! Thứ năm hàng tháng đều nhắc nhau canh kênh chín đặng coi Vầng trăng cổ nhạc, rồi sáng thứ bảy, sáng thứ ba, chiều thứ sáu đều đều đặn ghé qua kênh bảy, kênh chín nghe chương trình ca cổ. Có thể nói là ghiền!

Bạn trẻ bây giờ hiếm ai ngồi kiên nhẫn nghe hết được trọn câu vọng cổ, in như vừa nghe cất lên giọng ngân là chuyển kênh cái két, câu vọng cổ xốn lốn đứt lặt lè giữa chừng nghe trộn trạo. Thì bởi cuộc sống ồn ã đầy ra những ca khúc dễ ca, dễ nhớ, dễ thuộc nên ai đâu dành thời gian mà nghiền ngẫm một bài ca cổ dài xới lới vừa khó thuộc, vừa khó ca, vừa khó nhớ như sáu câu vọng cổ kia đây!

Thấm sâu vào trong máu nên hễ nghe ai ca được vọng cổ là tôi mừng lắm. Như chị Kim Xoàn, lâu ơi là lâu không còn liên lạc với chị nữa, chỉ cũng ca vọng cổ được, hay nữa là đằng khác.

Nhưng tôi nâng niu câu vọng cổ, không ngoài ra ý đồ nữa đấy! Tôi phải lạ! Kiểu như ai cũng chơi nhạc trẻ, nhạc nước ngoài thì tôi trị nhạc sến, nhạc cải lương. Ấy vậy mà đi làm các sếp khoái lắm! Hồi ở ANZ đi karaoke mấy anh, mấy chị cứ rủ rỉ kêu ca hoài, giờ đến Vietcombank rồi, chị trưởng phòng nhơn sự còn bắt đi học đờn ca đi, đặng có dịp bưng ra thi thố, giao luu! Ghi dấu ấn!

Hay là tôi đi học ca cải lương cho nó bài bản ta?

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Vài dòng!

Mình đã làm việc được đúng hai tuần rồi đấy!

Mình đi nhiều vì đơn giản đó là đòi hỏi của công việc. Mình làm tín dụng mà. Chưa bao giờ mà mình lại đi các ngõ ngách của đất Ninh nhiều đến thế. Hầu như ngày nào mình cũng đi, chủ yếu để ngắm, để quan sát các anh chị đi trước. Và với một dân mới hoàn toàn như mình, thì công việc tín dụng nói chung khó. Khó vì đây không phải chuyên ngành chính của mình, khó vì một môi trường hoàn toàn khác và khó ... vì đây chưa từng là hướng đi mà mình nghĩ đến. Mình cứ tự cố gắng động viên bản thân, như bao lần, rằng là cứ cố gắng đi, một tháng nữa sẽ quen, hai tháng nữa sẽ quen! Và cứ thế mà mình cố gắng!

Chung đợt vào ngân hàng với mình có tổng cộng sáu bạn. Ba người làm kế toán, và ba người làm tín dụng, trong đó, có mình. Trong ba người tín dụng, in như chỉ có mỗi mình là yếu về nghiệp vụ nhất. Một chị gái đã từng có kinh nghiệm làm về tín dụng ở một ngân hàng khác rồi, một bạn nữa cũng bằng tuổi mình, mới - nhưng bù lại bản ấy chuyên ngành tín dụng, coi như vững ở phần cứng. Mình cũng đã từng đi làm ở ngân hàng, tuy nhiên, phòng Marketing và PR, môi trường quốc tế, công việc khác hoàn toàn. Thế nên, lợi thế so sánh của mình, bưng vô chỗ làm hiện tại, hóa ra là vô dụng. Họa chăng, lâu lâu bưng mấy cái POSM ngày xa xưa mình làm ở ANZ ra khoe với mọi người, rồi thôi!

Hai đồng chí kia, có vẻ như rất chịu lăn xả, chịu di chuyển, chịu được sai. Mình thì khác, tính mình nông nổi và lanh lắm, nhưng khi gặp người khác lanh hơn, lăn xả hơn, là mình buông. Thế nên có cảm giác, hai bạn kia đang dần dần bỏ xa mình, chỉ có mình là đứng một chỗ. Ôi ôi, nhắc nhở bản thân là, mình đang làm cho cơ quan nhà nước đấy, mình mà cứ giữ cái tôi to tổ chảng và theo cái kiểu "tự tin, năng động, sáng tạo" là coi chừng sau hai tháng thử việc mình được cấp một vé về nằm nhà tiếp đấy!

Tâm trạng quá nhỉ. Cũng phải thôi, thằng nhỏ mới đi làm cơ mà, có nhiều việc thằng nhỏ chưa quen, chưa kịp tiếp thu và cũng chưa có dịp đặng xả ra cho hết. Mình cũng muốn lắm, nhưng xung quanh ràng buộc nhiều quá. Phải đi nhẹ nói khẽ, phải giữ ý giữ tứ, phải này, phải nọ, phải kia. Mình dần đi vào quy cũ, gọi điện cho bạn thân cũng không được nói bậy nói bạ, và nói chung là, hiền!

Đi nhậu nhiều. Mình phải tập uống nhiều nước, đặng cho bao tử giãn ra, đặng đô mình tăng lên. Mình uống ít, và nào giờ cũng ít uống. Vào cơ quan rồi, thì phải tập thôi, tập từ từ, dù má mình cứ hay phàn nàn, chưa có gia đình mà đã lầy như thế, sau này còn ra sao. Ôi thiệt là nhức đầu!

Các anh chị trong phòng cũng vui lắm! Cũng có chỗ để mình tâm sự, mình rên rỉ, mình hỏi han! Và cảm giác là, anh chị cũng thương mình lắm cơ! Làm động lực để cố gắng!

Và như thế, hôm nay mình làm vài dòng! Không có thời gian nhiều, như những ngày xa xưa nữa!

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Khen các đồng chí công an giao thông!

Hổm rày có theo dõi mấy vụ công an xin đểu ở mé các tỉnh miền Trung trên báo Tuổi trẻ, tự nhiên thấy cần phải khen các đồng chí chiến sĩ cảnh sát giao thông tỉnh mình, quê mình. Bởi vì dân chỗ mình ở, ai nhắc đến các chú giao thông đều le lưỡi, sợ đến chạy dài. Kiểu như ai ra đường quên đội mũ bảo hiểm, ai uống rượu say xỉn và nhứt là chạy quá tốc độ, bước vào địa phận Hòa Thành chỗ mình là coi chừng đi bộ hoặc đi xe ôm về. Vì một lẽ rằng các chú giao thông làm việc minh bạch và nghiêm khắc lắm, không có vụ ăn chia nhượng bộ và giơ cao đánh khẽ đâu!

Gì chứ hồi mình vừa mới xuống thành phố. Đợt đó chạy ngược chiều khúc Pasteur (cũng vì nghe lời bạn đi dòm coi cái Oriflame Kinh doanh đa cấp nó là cái gì!). Dè đâu văn phòng của Oriflame nó ra sao chưa kịp dòm, thì bị công an hú. Thế là bu vô năn nỉ, cuối cùng móc năm chục ngàn ra, cho đi luôn! Nói chung như thế thì tiện cho mình thiệt, vì ai mà khoái cái chuyện lăn tăn lằn nhằn đi đóng phạt rồi bị bu bởi một đội ngũ cò giấy phạt xe tấp nập um tùm. Thế là móc, và đã cho, thì người ta nhận, lợi cả đôi đường!

Hồi tám tháng ba năm trước, mình chạy xe máy đi bán bông hồng (ở đây), bị hai chú giao thông túm lại, vì cái tội chạy ban đêm mà xe không sáng đèn. Nguyên nhân thì do tánh mình xốc nổi, lanh lẹ thành ra nhanh nhảu đoản. Cứ lung tung mà chạy đua với thời gian mà quên mất bật công tắc đèn xe lên, thành ra bị dính. Mình cứ như thế mà năn nỉ ỉ ôi, khóc lóc thở than với hai chú ấy. Nhưng câu trả lời không vẫn cứ hoàn không. Mình cũng có ý định là móc tiền ra để các chú cho qua phà, nhưng mà sợ. Kiểu như nếu mình đưa ra người ta không nhận, mà đau hơn là người ta còn khép mình vô cái tội là đưa hối lộ và chống người thi hành công vụ nữa là chết chắc. Từ chính thái độ kiên quyết, cùng với sự tự tôn hay "nỗi sợ của bản thân" mà thành ra kết quả là mấy ngày sau đó cha chở mình lên chốt công an đóng phạt, rùi đến bãi giữ xe dắt xe tềnh tang đi đổ xăng, đổ cả mồ hôi hột nhưng không phải rơi vào trường hợp chung chi. Từ lần sau đó mình cố gắng giảm tránh và nói chung là tởn tới già!

Giao thông tỉnh mình cực khổ lắm, bị thiên hạ, bị chúng chửi còn hơn là mấy đứa lông nhông tóc tai đỏ xăng quần xăn tới gối áo cao tới nách. Vì bởi các chú không chịu ăn chung chi, các chú nguyên nguyên tắc tắc và lúc nào cũng canh me người ta vi phạm luật giao thông đặng mà rút giấy phạt. Thì bởi vì tỉnh mình cũng nhỏ, người ta dân trí cũng chưa cao, hoặc giả người ta khi nghe tới các cơ quan cửa quyền là tự nhiên đâm ra sợ, nên không có đủ dũng cảm đặng mà móc tiền ra chung cho các đồng chí ấy, hoặc tệ hơn, là do người ta nghèo, người ta không có tiền nhiều trong túi, không có sẵn vài tờ cò xanh trong túi đặng lúc bị người ta kia thổi lại, nhanh nhanh chóng chóng móc ra cho qua truôn. Thiệt tình là khổ.

Nhưng bù lại giao thông tỉnh mình không bị lên mặt báo, không bị ê hề, không bị mang tiếng là "phục vụ dân bằng với... hút máu dân". Nhưng mình nghĩ rằng, khi mà người ta vẫn còn mang cái tư tưởng rằng là có tiền thì cái gì cũng qua, có tiền thì cái gì cũng đầu xuôi đuôi trót lót, và đút, và cứ đút. Thì dại gì các đồng chí kia không nhắm mắt mở hom hem một con mắt mà thuận lòng, đẹp cả đôi bên nhỉ?

Vậy thì về lâu dài, phải mần sao cho tự mỗi con người phải biết sợ, và cao hơn, là phải biết nhục, trước cái kịch bản mà khi bị thổi còi, cái quãng móc tiền ra và hồi hộp hổng biết người kia có nhận hay mình đang phạm pháp hay không, trở thành tiềm thức của mỗi người. Để cho chính bản thân chúng ta phải tự biết rằng, vi phạm là bị phạt - đó là viễn cảnh, chắc của thêm mười năm sau nữa, hy vọng thế!

Nhưng trước mắt, hy vọng các đồng chí giao thông hãy tự biết "nhục" với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Nghĩa là, hãy nghiêm túc và thẳng thắn nói không với những đồng tiền không từ những tờ giấy phạt vi phạm giao thông. Mà chắc khó, chứ nếu không, công chức như các đồng chí kia, biết lấy gì trang trải đây ta?

Và nói ra thì mới thấy, không phải cơ quan cửa quyền nào cũng cần phải có chèo có chống, có cò xanh có quan hệ thì dân đen mới mò vào được. Mình là một ví dụ nè! Cập nhật để các bạn xa gần có quan tâm được biết, mình vừa mới bắt đầu vào làm việc ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Ninh! Cũng trần ai lắm, nhưng mình làm, bằng tất cả những gì trong sáng nhất mà mình đã trải qua!

Cuối cùng, hãy khen các đồng chí công an giao thông của huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh của mình đi!