Mình khoái đi làm, tơi bời hồi năm học phổ thông, bữa tối đi học thêm, có lần quởn quơ thả bom với bạn rằng mai mốt đậu đại học, năm ba năm tư, có công ty nào nhận, trả lương tháng chừng ba triệu thôi, nhưng có cơ hội thăng tiến, là tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả, chuyện học, chuyện chơi… đặng đi làm! Vào đại học rồi, cũng máu me làm việc lắm! Năm nhất tung hoành ngang dọc, quăng cái này bắt cái kia! Kết quả là thương tích tùm lum! Cái phẩy cuối năm trong bảng điểm tru tréo, cha má ở nhà thấy con trên bảy chấm cũng không la lối chi hết, nhưng cái thằng lý trí trong mình thì quằn quại, dòm xung quanh mình thì hàng xóm học hành thảnh thơi, phẩy cao, điểm tốt! Bực mình, bước qua năm hai làm lại từ đầu! Kể từ dạo đó, ráng gồng lên mà học, cho đặng điểm cao, cho sau này dễ kiếm việc làm!
Rồi thì cũng có được việc làm, khi vừa ngẩng đầu bước vào năm cuối đại học! Ngay từ đầu, cũng không hề xác định mình sẽ đi làm cho ngân hàng, mà dự định sẽ tham gia vào một thằng đa quốc gia chuyên về ngành hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, trang sức… gì đó! Thằng mình ngơ ngếch, thấy U, thấy P… hoành tráng nên mê, đâu biết rằng nơi đó, chỉ vừa khít với những người chí lớn, khoái làm ăn , khoái giành giựt và đạp đầu lên nhau mà sống! Quãng đó mình hay nhìn vào tên công ty để mà so sánh, mà ước ao, mà chờ đợi! Nhưng cơ hội đến không cho mình kịp biết mặt, đặt tên! Mình đi làm khi mình đang è dài cổ ra chờ đợi cho những cơ hội được làm việc cho những đại gia có máu mặt, có tên tuổi khác. Và ngân hàng Z là một cơ hội tốt, cho mình mở banh con mắt mình ra, cho mình biết rằng, ước mơ là một chuyện, và việc ước mơ có thành hiện thực hay không lại là chuyện khác!
Ngân hàng Z là một trong bốn ngân hàng lớn nhất ở quốc gia có cái món đặc sản trứ danh là Kanguru, bữa có hỏi chị làm cùng phòng, mài đũng quần ở chỗ đó tròm trèm bốn năm trời, rằng là thịt của cái con đó ăn như thế nào, chị bảo dở, mà cũng hổng ai thèm ăn. Dòm nó thấy thương lắm em ơi! Cái nước đó hồi nhỏ hay là niềm ao ước, vì bởi nghe giang hồ đồn đại rằng hệ thống chính trị, pháp luật, đặc biệt là giáo dục ở cái nơi ấy nó văn mình và tiên tiến lắm, và cho đến giờ vẫn còn là ước mơ của mình! Thôi thì tháng 12 này, gửi thương nhớ, khát khao, kỳ vọng cho bạn, bởi tháng 12 này bạn cũng sẽ bay, qua bên đó! Chưa hẹn ngày về!
Ngân hàng ít người biết! Hỏi dân trường Thương, nhiều người còn tí toáy, tui chỉ biết có mỗi thằng S, còn thằng Z là thằng nào? Mình cũng ơ hờ, hóa ra cái khâu branding của đối thủ tốt thiệt, ngân hàng nước ngoài am hiểu địa phương, châm ngôn slogan phải nói là glocal hết sức! Còn Z mình, thực ra ngân hàng không phải của mình, nó chỉ là nơi mình sắp sửa trải qua ba tháng thực tập, chỗ mình ba năm về trước đứng ngay chóc sảnh trước dòm lên mà mơ mộng rằng một ngày nào đó mình sẽ được làm việc trong một cái building lớn như thế này, vẫn chưa là gì trong trí nhớ của người dân đại chúng! Z xâm nhập vào Việt Nam, tính ra cũng kể từ hồi năm chín mươi mấy, một trong ba ngân hàng có yếu tố ngoại quốc bự nhất Việt Nam, số liệu thống kê nọ kia, nhưng gần gũi nhất là nó xếp hạng 93 trong cái top 1000 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất mà bữa qua mình có làm báo cáo.
Chỗ mình làm nằm ở lầu 10, mấy ngày đầu tiên đi làm cũng khoái, vì làm trong tòa nhà lớn, thang máy to đủ sức chứa đến 24 người, tốc độ nhanh, khiến cho người đi nhiều khi chưa kịp cảm nhận đã thấy cửa thang máy xộc ra, và người từ trong ấy, xộc ra, theo những guồng quay sôi động của một cuộc đời sôi động. Trụ sở chính của Z nằm ở Hà Nội, dễ hiểu vì sao ở Sài nhiều người ít biết đến Z nhá, vì S làm bá chủ ở Sài mà, còn ngoài Nội, xin lỗi nhá, đại ca thuộc về Z đấy! Tại Sài, Z có năm chi nhánh, với văn phòng chính hiện đặt tại tòa Kumho, góc đường Hai Bà Trưng với Duẩn! Mình thích cái góc chỗ này, vào quãng 12 giờ, lúc nào cũng có một hồi còi hụ dài chừng một phút. Mình thích chỗ ngồi ngay bếp dòm ra khoảng sân đầy nắng và lá điệp, mà mùa này, mùa mưa, lá rụng trơ trọi te he chỉ còn thân với cành khiu khẳng dòm y chang mùa thu thay lá! Mình chưa từng nói yêu nơi này, mình thích Z hoặc bày tỏ những tình cảm nọ kia về nơi đó. Xỉa xói một phát với một bạn khác, đi làm cho Tel, ngày đầu tiên viết cảm nghĩ nọ kia, rằng yêu, rằng thích, rằng tự hào lắm lắm. Đi làm vài ba tháng thì lại chán, hết thấy khoe này khoe nọ, lại hay le te đến hỏi mình công việc ra sao, làm ăn thế nào, coi mòi muốn từ bên núi này dòm qua núi nọ! Bữa thẳng thừng nhờ mình đem nộp hồ sơ vô Z giùm! Đã chuẩn bị trước, gì chứ mình thì không thích dạng người như thế, nên độp lại ngay: trời ơi tôi có là gì đâu, trainee trong ba tháng, nhãi nhép, không làm bên nhân sự, thân tôi lo chưa xong, vui lòng đừng nhờ vả. Từ bữa đó bặt vô âm tín, hết thấy bạn lảng vảng chung quanh chỗ mình, đỡ cực!
Nhiều người hỏi mình đi làm, thì làm những gì. Kể cũng khó nói, nhiều người không ưa, thế nào cũng nói sau lưng, cái thằng không biết làm nên trò trống gì, học hành làng nhàng mà đi làm cho công ty có mác ngoại quốc. Thế nào rồi thì người cũng cầu cho mau bị đuổi việc sớm! Đi học, chạm mặt nhau côm cốp, cười cười nói nói mà ai biết trong lòng ai nghĩ sao, yêu ghét ra sao. Nhiều người trơ trẽn, trước mặt mình thì ù ù cạc cạc, sau lưng mình thì đem mình ra nói xấu, tính y như đờn bà! Cái lớp mình học, thiệt tình, còn tệ hơn cái chỗ mình làm việc! Cái này nói thiệt, vì mấy chị, nghĩa là những người mình chơi thân, xấu dở thế nào họ cũng sẽ nói thẳng ra nhau, chứ không phải kiểu dân văn phòng trên phim, tụm năm tụm ba làm ba chuyện bậy bạ hại người, hại đời. Hầu hết họ đều đã từng sống hoặc có dính dáng nước ngoài!
Đến văn phòng thường mình sẽ check mail, từ mail đó sẽ có kế hoạch cho một ngày làm việc. Mình đang theo một dự án kéo dài trong một năm, bắt đầu từ tháng bảy. Theo đó thì việc theo dõi dự án ấy cũng tốn khá nhiều công sức! Sau đó, nếu rãnh thì mình sẽ chạy việc phụ mấy chị khác trong phòng, như photo, in, scan, chạy ký tên, đóng dấu, nhập những quà tặng khuyến mãi cho các chương trình sự kiện vô kho, kiểm hàng hóa, lấy hóa đơn, kiểm hợp đồng, số hóa các số liệu, hết một chương trình nằm trong dự án mình theo dõi thì phải gồng mình ra làm báo cáo cho sếp… Công việc khi nhiều khi ít, vui thì thiệt là vui mà buồn thì cũng thiệt là buồn. Giữa mình và sếp không có mối quan hệ thân thiết gần gũi cho lắm. Mình không khoái chuyện làm thân, nịnh hót nhảy đầm. Việc sếp giao thì cố gắng làm, sếp chửi, dù đúng dù sai cũng im luôn, không cãi lại. Mình không thuộc tuýp người là ai nói sai là quyết tâm cãi lại cho đúng, mình mệt vì cãi cho đã rồi cũng có được gì, mình cũng chỉ là một thằng lính nhãi nhép, nói như thế cho bạn nào không ưa mình có đọc được mà cười hê ha thỏa mãn. Vị trí của mình trong công ty là như vậy, không khác chân sai vặt và cũng không khác gì một thằng bốc vác khuân khiêng là mấy. Cả phòng có mình là đờn ông, thì phải chịu thôi!
Vì nhận thức được vị trí của mình, nên tính mình thường luôn khoái nghiêng về những vị trí thấp cổ bé họng. Mình bênh vực những bạn mới vô, ví như khi bị la thì mình sẽ phụ thanh minh, hướng dẫn tận tình, dù nhiều khi mình còn lớ quớ. Mình cũng thường lân la hỏi chuyện mấy chị lao công, thấy bực mình vô cớ khi người ta cứ ăn xong rồi để chén bát dơ đầy ra đó cho mấy chị dọn! Hôm bữa mình đi dọn kho, dư áo mưa mình để dành cho mấy chị, một hai cái không là gì hết mà câu nói của mấy chị tự nhiên làm cho mắt mình muốn rưng rưng. Cái này quý lắm, đang mùa mưa, bữa trước dọn rác thấy người ta dục một miếng áo rách tơi tác mà lụm đem về xài, có được cái này, quý lắm em ơi. Mình như vậy, không phải mình là người tốt, mình là người không thích những số phận, danh vọng cao sang mà thôi! Mình sẽ đứng về phía người nào đang ở thế yếu, nhưu Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Mỹ, như V.A trong trận cãi với cô T. năm mình học phổ thông (trận đó máu lửa quá đến giờ mà mình vẫn còn ê hề hối hận, vì hông biết mình làm như thế có đáng hay không?). Mình không là người tốt, nhưng mình đứng về phía người yếu, không se sua và nịnh đầm! Nên mình ghét những người nào nịnh đầm! (nói thế này thì lớp mình đầy đứa bị mình ghét! Muốn biết thì cứ hỏi trực tiếp, mình thẳng tính, sẽ nói ra hết!)
Đi làm, cảm nhận cá nhân là không được chị sếp thương! Nhưng cũng không đòi hỏi gì nhiều nhặn, cũng không nhất thiết phải so sánh, với cái chuyện rằng là cũng cùng là dân lính lác, nhưng các đồng chí chiến hữu khác được sếp cưng như trứng, hứng như hững bông! Tính tình nào giờ không khoái mấy chuyện nịnh nọt, làm thân, đắng đót mình này nọ để mà tiến! (nói chuyện này mới nhớ, trong công ty có một thằng, dòm cái mặt thấy hổng ưa, nhưng đáng tiếc, thằng đờn ông ấy lại còn thêm cái tật nịnh nọt, dòm thiệt chịu hông nổi!) Thêm việc sếp là đờn bà, và giữa đờn bà với đờn ông, dù là đờn ông trẻ, thì khó lòng mà thân thích đặng! Sếp thuộc dạng người khoái đùa giỡn, nhưng trước mặt mình vẫn thường nghiêm nghị, hay bày tỏ thái độ không hài lòng, tiếng thở dài thõng thượt, ánh mắt thất vọng chỏng chơ, cái chắt lưỡi óc ách… chỉ nhiêu thứ cũng khiến mình biết, mình không hợp với cái gu của sếp mất rồi, hoặc tệ hơn là mình tệ bét nhè. Cái gì cũng tệ, cái gì cũng tùm lum, quằn quại, tru tréo! Đi làm rồi mới biết, đi làm không phải là chuyện sướng!
Sắp sửa kết thúc ba tháng rồi, theo thông lệ mình sẽ xin gia hạn thêm ba tháng nữa. Cơ hội để cho mình ở lại làm nhân viên chính thức không phải là không có, nhưng phải chuyển qua chỗ khác, vị trí khác, phòng ban khác! Nhưng đã lỡ khoái bản chất của công việc mình làm rồi, dù thấy mình còn thiếu thốn vô vàn thứ, nên chắc nếu không được thì thôi, ở nhà, luyện công chờ ngày tái xuất.
Gần hết ba tháng, nên quỡn quỡn bày chuyện nghề ra đãi, bài số hai!
Entry nào cũng hay, chỉ có một cái làm khó chịu (chỉ có Đá mới thấy khó chịu thì phải) là cái cách viết một nửa tên. Thí dụ như đất Sài(gòn). Có thể đó là do cố tình tạo "bản sắc riêng", cũng có thể là do... thói quen. Nhưng đọc tới đó hông biết sao cứ phải... nhăn mặt.
Trả lờiXóaThông cảm cho người khó chịu nha.
Chị Đá: em mần cái vụ viết một nửa tên để làm bản sắc riêng đó chị ơi. Không khoái cách viết Sài thành như những người khác, nhưng làm đủ lễ bộ là Sài Gòn thì lại không hay, nên cụt hứng trại ra thành Sài, đúng kiểu viết của em, lưng lửng, giữa chừng. Nhiều khi ý tứ lung tung, quăng chỗ này, bắt chỗ kia. Viết là để thỏa mình mà chị!
Trả lờiXóa