Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Tháng năm không ở lại!

Tháng năm không ở lại

Vô tình thấy bờ tường nhà bạn mình những dòng lưu bút của một tiểu cô nương ở xa tít tắp ngoài miền Bắc, vô tình lại đúng ngay chóc tâm trạng của mình: những ngày cuối cùng còn lại của 16 - năm mặt đỏ tai hồng được thung dung tự tại làm học sinh, làm sinh viên, được vô tư, được tự cho mình cái quyền vô tư, được thoải mái, được nhí nha nhí nhố và cũng tự cho mình được nhí nha nhí nhố! Há há, thế mà chỉ còn đúng chín ngày nữa thôi là coi như kết thúc cái ành, ngày 9/6/2011 này mình bảo vệ khóa luận! Tháng năm không ở lại, nhưng cả đời chỉ biết đến ăn học, thì đọng lại mãi mãi của cuộc đời nhoi nhỏ này, thì chắc chỉ có mỗi những sách, vở và những chuyện học trò là mải miết song hành cùng mình thôi! Tháng năm không ở lại, chỉ có ký ức là mãi mãi thôi!

Đời đi học kể qua kể lại kể tới kể lui ôi thôi kể hoài kể hổng hết! Đọc chữ của tiểu cô nương phía trên, cũng thấy cả một góc trời đi học của mình trong đó. Dù rằng mình chả có một thời vẻ vang, đình đám đi thi học sinh giỏi, đi thi vẽ tranh, đi thi đấu hội khỏe Phù Đổng gì ráo! Ối ối, nhưng mình có nhiều bạn! Và mỗi cấp học lại có một đống bạn khác, họ đi qua, ít người ở lại, nhưng đều tốt, đều vui, đều cho mình rất nhiều chỗ dựa! Ha ha, nghĩ lại, đi học mà mình chả bao giờ luyến tiếc cái gì, thầy cô ngoài miệng thì kính kính trọng trọng nhưng chả bao giờ thèm về thăm, chỉ có bạn bè, là thiệt tình thương, mà thôi!

Mà sao chả có hứng viết nữa, thấy mệt! Bực bội, thiệt tình! Đời học sinh cái quái gì, qua mẹ cho nó lành!

Lựa ra cái hình, đốt nến chúc mừng qua hết đời học sinh!

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Ám ảnh!

1.

Ngày nhỏ, chương trình truyền hình tôi thích coi nhất là: Phim hoạt họa, chiếu vào các khung giờ mười hai giờ trưa trên kênh chín (HTV9), và bảy giờ tối trên kênh HTV7! Ngoài ra, sáng chủ nhật nào tôi cũng canh me trên kênh bảy đặng chờ coi phim của chương trình Tạp chí văn nghệ. Một loạt phim thiếu nhi mà mãi cho đến những ngày sau này, khi ngồi mường tượng lại về quãng ngọt ngào con nít của mình, tôi vẫn cứ nhớ mải miết, có thể tạm kể ra là: Chú bé rắc rối (có Phùng Ngọc - thằng Cò trong Đất Phương Nam đóng vai chính), chùm Cổ tích Việt Nam của hãng Phương Nam Phim (Sự tích trái dưa hấu, Sự tích con khỉ, Ăn khế trả vàng...)... Một trong những phim chiếu trên Tạp chí văn nghệ mà tôi thích nhất, là Tuổi thơ dữ dội! Tôi coi đó như một nỗi ám ảnh, phim trắng đen, diễn viên chỉ có mỗi Lê Công Tuấn Anh là tiếng tăm lừng lẫy, các diễn viên nhí đều rất lạ!

Đến năm nhất đại học, tôi mới có cơ hội đọc bản gốc của Tuổi thơ dữ dội! Ám ảnh khi đọc không dừng đến suốt cả đêm! Và rơi nước mắt cả ba lần trước sự hy sinh anh dũng của các bạn! Lần đó, ám ảnh tôi cả mấy ngày sau!

2.

Hồi năm tôi mười tuổi, gần nhà tôi có thằng nhỏ bị té giếng, chết! Thằng nhỏ nhỏ hơn tôi ba tuổi, nhà nó trên đầu dốc, nhà tôi ở cuối dốc, trong hẻm! Nó là em ruột của thằng bạn học chung lớp với tôi! Nhà nó bán trái cây ngoài chợ, cha má ly dị - hay là cha nó bỏ cả nhà đi mất tăm! Nhà có bốn anh em, ba thằng con trai và một đứa em gái út! Bạn tôi là anh ba, trước đó có thằng anh hai - hơn tôi hai tuổi, tới nó, rồi tới con em út!

Nhà ấy nằm um tùm lụp xụp trong một rừng điều, trước nhà có mấy gốc sa bô chê mà tôi nhiều lần lẻn vô ăn cắp! Bên hông nhà, là rừng điều và có một cái giếng, có tay quây! Mấy anh em nhà đấy hay trèo cây hái điều lắm! Chả hiểu thế nào, chứ con nít hồi ấy, khoái leo trèo dữ dội! Một bữa trưa, thì nghe cả xóm ầm ầm đi coi thằng nhỏ té giếng! Thằng nhỏ trèo cây, té, xui làm sao, té luôn xuống giếng!

Tôi có đi coi, nhớ mãi cảnh bà mẹ khóc lên khóc xuống, đầu tóc rũ rượi, mồ hôi bết vào trán, má, cổ. Cái nón lá bay vất vưởng giữa quá chừng những bàn tay níu kéo! Thằng bạn tôi cũng khóc, nhưng chắc con nít nên cũng chả đau đớn gì nhiều!

Tôi ám ảnh mãi hình ảnh gương mặt thằng nhỏ, trầy trụa và xám xịt! Nó nằm còng queo! Trong giấc mớ của tôi, chuyện gặp ma nhiều khi còn không kinh sợ bằng hình ảnh gương mặt đấy của nó!

3.

Tôi không thích xem phim ma và các thể loại kinh dị! Ngày nhỏ, dù rất khoái coi phim Tây Du Ký, nhưng mỗi lần tới khúc yêu quái ám hại Đường Tăng hay uốn éo hiện nguyên hình, là tôi nhắm mắt, quay mặt đi chỗ khác, không dám coi! Những phim ma Tàu, phổ biến hồi mười mấy năm trước kiểu như Cương Thi và bùa ngãi này nọ, tôi cũng không dám coi! Bây giờ coi lại thì thấy mắc cười, chứ không sợ như hồi xưa nữa! Nhưng đại khái, tôi không thích coi phim ma cho lắm, vì tôi sợ bị ám ảnh, và sợ là nửa đêm đương ngủ chợt tỉnh giấc, ngủ một mình nên chân lạnh cóng, sợ cảm giác có ánh mắt vô hình nào đó dõi theo, sợ bàn tay nào từ dưới chân lay lay mình dây, và sợ tiếng khóc!

Má tôi hay nói, tại hồi lúc mang bầu mày tao coi phim ma - Ma Cà rồng, mà lúc đó coi, sợ thiệt, ám ảnh, nên giờ mày mới sợ ma như vậy! Má cũng hay lôi mấy cái tại bị, kiểu như hồi mang bầu tao đọc sách tối ngày - ôm trọn bộ của Kim Dung, của Hồ Biểu Chánh, của Cổ Long... nên giờ mày mới khoái đọc như vậy! Tôi chỉ cười, ai biểu má coi phim ma làm chi, để giờ con hay vơ vẩn sợ, và ám ảnh như vậy, hở má!

Ủa, mà tôi không phải sợ ma đâu, chỉ là không thích sự ám ảnh, mang lại từ những thước phim mô tả sự sợ hãi, thôi!

4.

Tôi dễ bị ám ảnh - đọc một bài báo cảm động, một cuốn truyện sâu sắc, một bộ phim tranh cãi, một bài thơ hay, một tấm hình nhức nhối... đều có thể làm cho tôi phải suy nghĩ nhiều ngày, khó thoát ra được!

Cô giáo ở đại học, có bận bảo với tôi là tính em sau này sẽ khổ, kiểu như cái gì cũng hết mình, cũng lo lắng vì những chuyện không đâu!

Tôi thấy cũng đúng, có khi vì những chuyện không đâu mà cũng làm cho tôi phải khổ sở, ám ảnh từ giấc ngủ cho đến bữa ăn!

5.

Hôm qua, tôi bỏ bữa ăn tối, sáng dậy cũng không ăn được, cả ngày cũng chỉ ăn một chén cơm và nửa tô bánh canh, nửa ổ bánh mì! CHuyện lạ, cả năm tháng nay mỗi bận tôi đều ăn được, nhưng bữa nay bụng cứ bình bình! Tôi lại bị ám ảnh nữa rồi!

Vô tình đọc một quyển sách nói về cuộc đời chánh trị của Chủ tịch Hồ, bên xứ Tàu! Vô tình đi tìm hiểu sâu hơn về một sự kiện tháng năm, ngay quãng thời gian chào đời! Và những tấm hình, thước phim thuộc về lịch sử, công cụ tìm kiếm đưa đường dẫn lối đến những trang web của những người - mấy - chục - năm - rồi - mà - vẫn - thao - thức - nhắc, những giọng điệu đó (dù đã nghe, đã thấy, dù gì cũng thường ghé bờ lau Cô gái Đồ Long mà!), nhưng vẫn cứ làm ám ảnh! Ôi ôi lình xình cả cái bụng rồi!

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Nhảm tí!

Ôi ôi lại sắp sửa bay xuống Sài nữa rồi! Chắc đây sẽ là lần bay gần cuối cuối, thêm một chuyến nữa là coi như xong xuôi hết đời sinh viên!

Nhiều khi tự bảo với bản thân là ... mắc gì cứ viết về mấy cái xưa cũ, than khó, than khổ, than nghèo với cả thương cái khó, thương cái khổ, thương hoài cái nghèo... mần chi!

Đời sinh viên còn nhiều điều, rất nhiều điều đặng nói hoài hoài mà hông hết, thế mà đếm trên đầu ngón tay chẳng thấy được bao nhiêu chữ bày ra đặng đãi khách ghé thăm!

Đang dở dang cái note viết về vụ văn nghệ văn gừng sinh viên! Ha ha, vui vui! CHắc sắp rài mình chuyển sang hồi tưởng về thời sinh viên mới được!

Còn hai tuần nữa là bảo vệ khóa luận ... và nếu xui xẻo ... thì lại làm sinh viên thêm sáu tháng tiếp! Chẳng bao giờ mơ chuyện như thế!

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Đi bầu cử. Đi thi và Đi chơi!

1.

Đi bầu cử!

Mình sinh vào tháng năm, nôm na là đẻ ra vào mùa hạ và đây là lần thứ hai mình đi bầu cử. Lần thứ nhất, là năm 2007, vừa đập kẻng mừng qua truông mười tám tuổi, sắp sải học thi tốt nghiệp cấp ba, học thi đại học là nhận phieus cử tri, đi bầu cử lần đầu tiên trong cuộc đời. Lần đó, mình háo hức, tự hào, hy vọng ghê ghớm. Mới bảnh mắt bảy giờ sáng đã xách xe chạy ra xã đặng bầu cử. Lần này cũng có chút háo hức, cũng có chút tự hào. Đi bầu cử về rồi, kẹp tờ phiếu cử tri lại, xí xáo bảo với má, con sẽ giữ phiếu cử tri của mình lại! Năm mươi năm sau, con lên tivi, và cái phiếu này trở thành đồ cổ. Mình nghĩ tới cái viễn cảnh tuyên truyền của năm mươi năm tới, nhà đài lùng những nhơn vật đặng on air trên sóng, sẽ kiếm gặp mình và hỏi tới tấp về kỷ niệm của những kỳ bầu cử của những năm bình an sau giải phóng cả nửa thế kỷ. Lúc đó chắc sẽ vui lắm! ủa, mà chẳng biết có qua nổi con trăng hạn 2012 năm sau hay không đây?

Thời sinh viên chưa xa, mình sống chung với nhiều thể loại bạn! Dùng từ thể loại nghe có vẻ xuất khẩu cuồng ngôn quá, nhưng ở khía cạnh nào đó, cũng đúng đấy! Kiểu như có bận mình thức đến ba giờ sáng, đặng chỉ để cãi nhau cái chuyện chánh trị, chánh em với ba đồng chí cùng phòng trọ! Thanh niên mà, máu lửa dữ dội lắm, sống chết với lý tưởng của mình! Mà những chuyện như vậy, nói thiệt ra, chỉ có nói thôi cũng có ăn thua cái gì đâu! Chẳng qua, chỉ là cách để biết rằng, ừ thì mình cũng có quan tâm, mình nghĩ về chuyện đó như thế nào, rồi thôi! Chớ làm sao mà giải quyết cho đặng!

Mình đi bầu cử, dù cho nhiều bạn mình - người trẻ - đều cảm thấy ơ hờ với việc này, theo kiểu, đi làm chi mắc công, trốn được thì trốn! Mỗi người mỗi quan điểm, thì làm sao mà phê phán hoặc tác động gì đến quan điểm của bạn đây! Nhưng cá nhân mình, thì rõ ràng ngay từ đầu, đi bầu cử bản chất là để nêu cao tinh thần dân chủ mà. Mình không đi, hoặc đi mà không để tâm đến chuyện tìm hiểu lý lịch của các ứng cử viên, và đi bầu với tâm lý, cho xong, thì hiển nhiên, dù cho có đến năm mươi năm sau, vẫn cứ còn trong xã hội này, những lời châm biếm và xuyên tạc rằng, bầu cử như rứa thì làm sao mà dân chủ cho đặng!

Mình đi bầu, chỉ có mình mình đứng chơ hơ đọc bản lý lịch của ứng viên để bầu cử cho đúng, những bà con dân trí thấp, thì làm gì có ý tưởng là tìm hiểu những tấm áp phích nêu lý lịch hoạt động này nọ, gạch lấy gạch để, rồi về. Kết quả bầu cử từ những phiếu bầu đại để như thế, nếu được chọn, thì thà là nội bộ tự bầu bán lẫn nhau còn hơn! Mình tự hào vì mình làm được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình! Và khi mà không làm gì được cho người khác, thì mình sẽ không lên án hoặc phê phán chế độ này nọ! Mình coi đó là cách tốt nhất, hoàn thành nghĩa vụ công dân!

2.

Đi thi!

Trước ngày bầu cử, mình phải lặn lội bay xuống Sài đặng thi tốt nghiệp các môn điều kiện, như mình đã đề cập ở bài trước! Nói chung thì tâm lý đi thi lần nào cũng y chang lần nào: run, hồi hộp, nghĩ đến viễn cảnh lỡ đề phát ra làm không được hết thì sao! Khủng khiếp hơn, lần thi này, không lấy điểm gì ráo, chỉ một sấp một ngửa, đậu thì được tốt nghiệp, rớt thì chờ sáu tháng sau thi lại, lỡ dỡ bốn năm học hành, bà con đồng môn xách tấm bằng ra rồi, mình còn ngồi lại, nếu rớt! Nói chung, tính chất mặc dù không liên quan đến điểm số, nhưng lại cực kỳ quan trọng với sinh viên Thương!

Mình không học hành gì nhiều, trước ngày thi mà vẫn chưa học xong, chỉ toàn đọc lếu tếu! Mà cách học của mình cũng lạ, không học thì thôi, chứ nếu học thì học cho đàng hoàng, học thuộc lòng, không bỏ sót chữ nào hết! Vậy đó, nên lần này, học làng nhàng làng nhàng, nên mình chả thấy chút xíu nào an tâm hết trơn! Sáng bữa thi, mới ba giờ, đã lặn lội xách đèn pin lên xe đò ngồi chong đèn học bài! Mà làm gì có chuyện học vô cho nổi, giờ giấc đó, lên xe là gà gật, đọc được chừng vài chục chữ, mắt đã lấp láy ngủ, đầu óc ong ong!

Vậy thì thôi! Mình thuộc loại giang hồ hảo hớn, học không được thì xoay qua cách khác. Nói chung dù học trường chuyên lớp chọn, nhưng chuyện quay bài, hỏi bài mình vô tư. Chả thấy có chuyện gì lăn tăn! Tức tốc chép phao, ha ha, do lúc đầu mình cũng chả có ý định ấy nên chẳng chuẩn bị gì cả! Đến lúc lên trường rồi thì mới bắt đầu run, và làm ra vài cái phao, đặng có cái mà bơi. Lúc vào phòng thi, má ơi, quy chế không cho đem theo giấy nháp, rồi xong, bỏ phao ở ngoài, tự bơi! Đau đớn nhỉ!

Cũng có cái để tự hào, khả năng viết lách thế này, rồi thêm đầu óc cũng mau mắn, nên mình bơi được, dù chả có phao phách gì ráo! Làm bài tốt, vui ghê! ha ha, khả năng con người là vậy, càng dồn đến bước đường cùng càng bộc lộ khả năng vượt bậc! Là vậy đó!

3.

Đi chơi

Đời sinh viên, nói nào ngay mình chơi với tá lả nhóm! Bữa sinh nhựt mình, hổng có ai hỏi thăm gì hết trơn. Thì thôi, tính mình nào giờ đâu có tẩn mẩn mấy vụ này, ngại thấy mồ, con trai mà! Tối, coi thời sự, mới nhớ ra hôm nay sinh nhựt mình. Lúc đi ngủ, tin nhắn reo, ha ha, dè ra có đồng chí bạn cũ, vẫn còn nhớ hôm nay là ngày sinh, nhắn tin chúc mừng. Ngọt ngào ghê!

Vậy đó, nói chung thì ngày sinh của một ai đó, thì cũng chỉ là một dịp đặng người khác bu lại chúc tụng nọ kia mà thôi! Nhưng chủ yếu vẫn là tấm lòng. Thi xong rồi, bạn rủ đi chơi, thực ra là ngáy trước bữa thi, đã có nhắn tin hú trước rồi. Nghĩa là có chuẩn bị đâu cả đấy! He he, thì đi, dù gì thi cử cũng tốt đẹp cả!

Mừng sinh nhưt! Chu cha vui gì mà vui phải biết! Bạn vẫn nhớ cả đấy, nhưng kiểu như giả bộ không nhắc đến thử coi sao!

Cắt cái bánh, nhắc cho mình nhớ là, bạn bè vẫn ở đâu đây thôi, chỉ cần đưa tay ra, là có khối bàn tay nắm lại. Vấn đề chỉ là, có thèm đưa tay ra hay không!

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Sắp thi đến nơi rồi!

Thứ bảy (tức ngày mốt) là thi tốt nghiệp các môn điều kiện! Mình chọn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam kết hợp với Chủ nghĩa xã hội khoa học làm học phần để thi! Hai học phần còn lại là: Triết học Mác Lê + Tư tưởng Hồ Chí Minh vô một tụ, tụ còn lại là Kinh tế chính trị!

Đa phần sinh viên chọn học phần thứ hai (tức Triết + Tư tưởng), một số khác thích học tập trung một môn nên chọn Kinh tế chính trị cho nhất quán! Số còn lại, một nhúm có chít béo - có mình - thì chọn học phần Sử + Chủ nghĩa vì cái tư tưởng là:

1. Sử học từ nhỏ đến lớn - nếu vô phòng thi trật tủ thì vẫn có được kiến thức căn bản để phang!

2. Chủ nghĩa xã hội khoa học - môn Mác Lê nói chung môn nào cũng mệt mỏi, phần do hồi năm nhứt, năm hai mê chơi nên đến năm tư bắt buộc phải thi, nên kiến thức chắc ăn là trên trời dưới bể giờ moi lại thấy khó khăn quá! Tuy nhiên, do Chủ nghĩa xã hội khoa học, cái tên nghe đỡ vất vả hơn là Triết (mình chỉ nhớ mỗi phạm trù thôi!) với lại Kinh tế chính trị (ôi ôi, giờ chắc chỉ còn nhớ mỗi Lý thuyết Bàn tay vô hình, mà quên mất tiêu tác giả - Adam Smith hay David Ricardo nhỉ?).

3. Hai môn này chỉ cần học thuộc, khỏi suy nghĩ!

4. Cả ba nhóm mình chơi chung, hết thảy đều đồng lòng chọn học phần này nên dĩ nhiên, bu theo chung vô phòng thi có bạn có bè dù gì cũng thấy yên tâm!

Mấy ngày nay cũng chả mần ăn được gì, ngày xưa mình là một cây học bài (sử tốt nghiệp thi được đến 9,5đ - nhưng mình vẫn còn bực vì nỗi là mình viết không sót một chữ, và làm bài cực kỳ tốt!)! Bây giờ thì lung tung beng quá! Sắp thi đến nơi rồi còn gì!

Chỉ cầu trời là khuya thứ bảy băng đồng lội ruộng từ Ninh ra phố cho được bằng an, đừng gặp chuyện gì bất trắc mất công bốn năm trời đem đổ sông đổ bể là khổ!

Cầu trời!

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Cho những sến, buồn và cổ hũ!

Mười hai năm trời đi học, bàn tay chỉ quen với mỗi cây bút mực, mỗi bận sắp sạn của nả đến trường, là thế nào cũng phải loay hoay bơm mực vào bút. Ngón tay áp út lúc nào cũng hằn vết mực tím, thêm áp lực đè lên từ những lần gò chữ, làm cho da lúc nào cũng phập phều! Vậy mà vẫn cứ thích cái cảm giác chậm chậm từ từ lẩn mẩn từng chữ, những nét tròn trịa, thanh thanh đậm đậm dòm mà thương dữ lắm! Và cả chồng vở của mười hai năm sách đèn, giờ mở ra là thấy ngập tràn màu tím, đẹp quá chừng quá xá!


Khi bước vào cấp ba, bạn bận lòng dữ lắm vì lên cấp ba rồi, tâm lý đã lớn ngồng rồi, chữ cũng đã cứng, viết bút bi không sợ bị hư tay - như ngày xưa má với chị hù! Và bạn rối bời giữa néo kéo cây bút mực cũ, với bình mực Thiên Long xài có khi hai năm trời mới hết, với lố cây bút bi thông thường, viết chữ lẹ như bay như bướm, mà dòm lại, thấy vô hồn vô đối! Rồi cuối cùng bạn cũng chọn bút mực, cố gắng viết đến hết ba năm phổ thông, đặng mai mốt có nhìn con cháu trong nhà, mà có bằng có cớ đặng khuyên tụi nhỏ viết bút mực giống bạn, đặng mỗi khi nghĩ về thời phổ thông của mình, bạn cũng thầm tự hào rằng đó, dù gì tôi cũng giữ trọn mười hai năm mực tím!

Mỗi bận khai giảng, má thường dẫn bạn đi mua tập sách cặp táp các thứ, thể nào má cũng sẽ mua cho một cây bút hero mới cong, cái nắp mạ đồng sáng choang, dòm thiệt là hoành tráng. Ngay hồi còn nhỏ, má đã bắt phải viết bút mực, đặng rèn chữ, rèn người! Má bảo con nít đừng viết viết bíc, hư tay, viết bút mực đi, chậm chậm mà thành ra nết kiên nhẫn. Tánh bạn thiệt tình phóng khoáng, làm nhanh, ăn nhanh, đọc cũng nhanh, nhưng chỉ mỗi khoản viết chữ, là bạn viết chậm, nhưng bù lại chữ bạn có thể gọi là đẹp! Ngoài khoản chữ đẹp ra (ha ha, cơ mà cái này đẹp là theo chủ quan của bạn, chứ nhỏ lớn gò hoài, giữ sạch tập vở mà có bao giờ cô chủ nhiệm cho đi thi vở sạch chữ đẹp lần nào đâu!), thì bạn dở toàn tập ở những mục lục khéo tay hay làm khác: vẽ thì xấu thôi rồi (đoạn, bạn dòm lại, giờ mà kêu bạn vẽ những hình thù đơn giản, dám, bạn cũng không biết vẽ ra làm sao!), nấu ăn thì được mỗi tốc độ như quay, nhưng chất lượng thì thuộc hàng ... bạn nấu thì bạn ăn luôn cho nó lành, cắt khâu may vá bạn đều làm tệ hết! Bạn thấy vui vì nét chữ là nết người, và bạn càng vui hơn vì biết đâu nhờ những quy định của má, phải viết bút mực nghen con, mà thành ra bạn giữ được nếp chữ!

Mà thực ra bên cạnh má, cũng có công của luật trường quy mà vô tình làm cho bạn gắn bó với màu mực tím, với hũ mực, với cây bút hero mỗi bận đến trường là phải bơm mực đầy ống, với ngón tay lúc nào cũng thâm đen vì mực dây ra tay, với miếng giẻ lau mực để lâu trong cặp bốc mùi thúi quắc, và cái nền sàn lớp học thì chảy dài những vệt mực mình vung ra mỗi bận bạn bực mình vì cây bút sửa hoài không chịu ra mực. Hồi học tiểu học thì khỏi nói, viết bút mực đã là quy định bất thành văn rồi! Hồi xa xưa, chưa có các thể loại bút mực nước như mấy bé bây giờ hay xài, thì con nít đi học chỉ xài mỗi bút hero mà thôi! Con nít hồi đấy vui lắm, đánh lộn đánh lạo nhiều khi lấy bút mực ra mà quăng mực vô nhau! Cái mặt, cái áo, tay chân lúc sáng đến trường còn sáng láng, thẳng thớm, sạch sẽ, xong trận chiến rồi thì y như bệnh đau bang với quá trời lốm đốm trên mặt mũi chân tay, và cái áo trắng, thì lăn tăn quá chừng vệt mực tím! Được cái mực dính áo rồi thì giặt chừng năm nước sẽ ra, tay chân mặt mũi thì sáng ngủ tỉnh dậy đã phai tét lét, nên chuyện chiến tranh mực, cứ thế mà thòng theo cả năm năm tiểu học, như là vô số những trò chời vui khác!

Lên cấp hai, do bạn học trường Trọng, ngôi trường trong chùa mà lịch sử hình thành cũng đã xấp xải trăm năm. Trường ngày xưa thuộc sở hữu của đạo Đài, dành dạy cho con cháu các chức sắc, chức việc và đồng đạo làm công quả trong chùa. Trường lấy đạo đức làm đầu, khi đi học thì ngày thứ hai phải bận áo dài, đạo phục, rồi đọc kinh khi đi học (bạn nhớ hai câu đầu, vì hồi xưa má bắt bạn phải thuộc bài kinh này tiên nhứt, nhưng giờ lớn lẹ quá, bạn không còn đọc lại bài kinh ấy nữa!). Trường lấy tên là Đạo đức học đường, qua bao dâu bể của thời cuộc, năm 1978 trường được trao về cho chính quyền Cách mạng mới, và sau đó, đổi tên thành người anh hùng Lý Tự Trọng, phát triển cho đến bây giờ. Những nền nếp xưa cũ của ngôi trường ngót ngét trăm năm ấy, thuở bạn theo học bốn năm cấp hai vẫn còn rất sâu đậm, kiểu như phía sau bảng tên trường, là một những chữ Đạo đức học đường hồi xa xưa, xây theo kiểu ghép chữ phổ biến của những năm trước giải phóng. Là những lớp học thấp tè, phía trên được ngăn bằng bồ và máy quạt chạy ò e kiểu nhà binh, là lối giáo dục lấy cây roi mây làm đầu, là những giờ sinh hoạt chủ nhiệm thì thôi rồi xếp hàng lên cho giáo viên chủ nhiệm quánh. Và đặc biệt nhất là chủ trương chỉ chấm điểm bài thi học kỳ khi học trò viết bằng bút mực hero mà thôi!

Đó là điều mà bạn nhớ nhất, mỗi bận chạy ngang qua cổng trường cũ! Nhớ những mùa thi mà bên cạnh việc học hành chăm chỉ, còn là việc cười thôi rồi những trò quậy phải sắp sải kiếm cho được bút hero để làm bài thi! Trong lớp học bốn mươi mấy đứa thì chắc cả thảy ba chục trò đã xài bút mực hero rồi, nên nói nào ngay nhiều khi bạn đi học, lười bơm mực quá cũng không sao, cứ vô lớp, lỡ hụt mực thì nhờ bạn kế bên cho xin tí, không sao hết, mà lại vui! Có lần bạn chút đầu ngòi bút của đứa bạn - con gái, kỹ tính vô cùng, tăm hơ tăm hớt thế nào mà làm rớt chỏng gọng cây bút của bạn xuống đất luôn, mà bút hero khổ cái là chống chỉ định chuyện cắm ngòi bút xuống nền đất. Vụ đó bạn phải đền một cây bút mới cho bạn, đau đớn khổ sở ghê! Nhưng vui, bữa nào làm biếng là lại cứ không thèm bơm mực mà cứ thẳng đến trường, rồi nhờ bạn! Vui vẻ cả làng, thế thôi!

Lên cấp ba, thì đấy, cũng đấu tranh tâm lý dữ lắm bạn mới tiếp tục xài mực tím cũ! Và bạn giữ trót lót cho đến ngày thi tốt nghiệp cấp ba luôn! Trên tủ sách nhà mình, bạn giữ lại tất thảy những chồng vở cũ, chia theo lớp, bắt từ lớp bảy trở lên lớp mười hai, và tất thảy đều tím lịm màu một mực tím, đẹp ngút ngát!

Nói chung, lý do bạn không đọc báo Tím nữa cũng là bởi báo đổi từ màu mực tím sang nền đen, làm cho bạn hụt hẫng, vậy thì còn gì là Tím nữa trời! Rồi nói thì bạn nói vậy thôi chứ chắc tìm mỏi mắt bạn mới tìm được đồng chí nào có cùng tâm lý với bạn, bởi giờ đã có thứ bút mực nước cũng đẹp lung linh như bút hero rồi, bởi con nít bây giờ đâu còn như con nít ngày xưa mà có thể chịu khí đi học xách theo bình mực đặng bơm khi lỡ giữa chừng bài học mực bị hết, hoặc giả nếu có thì liệu có bậc cha mạ phụ huynh nào chịu cho con mình lem luốc bởi thứ mục học trò - mà ngay từ ngày chưa đi học bạn đã khoái tỉ lấy trái mồng tơi chín bươi ra làm thành màu mực viết lung tung trên lá chuối làm bài học vỡ lòng. Thì cuộc sống đã ngày càng phát triển mà, mà màu tím thì lúc nào cũng thuộc thành phần sến, buồn và cổ hũ!

Thì bạn sến, buồn và cổ hũ mà!

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Đi phỏng vấn cho U và Tàu Khựa!

Hôm rồi mình đi phỏng vấn cho U, mình apply vô phòng Marketing, second priority thì mình chọn CD (tức customer development = sales). Khi phỏng vấn viên hỏi mình là: tại sao em lại chọn cái này. Mình trả lời blah blah blah, tùm lum, đại khái nói sales với marketing có mối quan hệ rất mật thiết, rồi nếu có cơ hội thì mình cũng muốn thử trải nghiệm cảm giác làm salesman như thế nào, rồi bày biện ra là trong một corperate nếu như sales là bộ phận đem tiền về cho công ty thì marketing là bộ phận đem tiền công ty đi xài. Nói xà quần xà quần hồi mình rút lại, nói thì nói vậy thui, chứ nếu được offer làm bên Sales thì chưa chắc em đã làm, em yêu marketing mà!

Vừa kết lại câu đó là mình thấy ngu liền. Mới tối hôm trước bạn có dặn là, nếu ai hỏi muốn thử sức ở phòng ban khác, có muốn không thì phải nói là muốn, vì đây là chương trình MT, họ focus vô khả năng lãnh đạo chớ không phải là đam mê về một lĩnh vực chuyên sâu nào đó. Vậy mà, thiệt tình à!

Cái ngu thứ hai! Nói chung do tính mình cũng khá là chuyên nghiệp, lúc nào cũng đến hẹn rất sớm, cực ghét chuyện xài giờ dây thun! Bữa đó người ta hẹn phỏng vấn lúc 11 giờ, dặn đến sớm 20 phút đặng check in này nọ! Thì mình đến sớm luôn 30 phút, đặng có thời gian đi lòng vòng, nói nào ngay nào giờ chưa vô campus của U Việt Nam, nên cũng muốn khám phá nó một tí! Rồi đấy, mình chờ mất nửa tiếng, lúc đó là đã thấy trong bụng lèn kèn rồi! Phỏng vấn giờ đói bụng là nghe không hứng thú gì rồi mà! Vậy mà chờ đã đời, gọi mấy bạn cộng tác viên hỏi nhắc chừng hoài, đi qua đi lại chụp hình lung tung bị security bắt dẹp máy chụp hình đi, đi toilet ba lần luôn, lại chỗ set finger food uống nước lấy khăn giấy cả bốn năm lần, mệt mỏi thêm nửa tiếng nửa, hết chịu đựng nổi đứng lên hỏi luôn là đã đến lượt mình phỏng vấn chưa? Thế là cực chẳng đã đồng chí cộng tác viên dắt mình tới trước cửa phòng phỏng vấn, ngồi chờ thêm khoảng 5 phút nữa, rồi bắt đầu vô trận!

Khi phỏng vấn thì nói chung do mình đã dự nhiều cuộc phỏng vấn rồi nên không có gì hay ho, hấp dẫn hết! Đến lúc kết thúc, tự nhiên mình nói chờ em xí, đoạn móc cái di động ra bảo let's me check the watch just for how long we got the interview! Ặc ặc, nói xong hai chị phỏng vấn đơ như cây cơ và mình còn bồi thêm just because it took a really long time for me to wait (hình như nói sai lỗi ngữ pháp nữa!). Hai chị phán một câu xanh rờn, it's not matter that we got enough information about you, đoạn goodbye. Mình te te đi ra luôn!

Chưa bao giờ thấy mình bất lịch sự đến như vậy! Hix!

Phỏng vấn xong nói chung theo thói quen của mình thì mình không thèm chia sẻ gì đâu, nhưng do cuộc phỏng vấn này nói chung là 90% mình nghĩ là mình sẽ rớt nên trong thời gian chưa biết kết quả mình bay lên đây chia sẻ với mọi người vậy!

Thêm nữa là kết thúc buổi phỏng vấn buổi sáng, buổi chiều lại đi phỏng vấn tiếp, cho một ngân hàng của Tàu Khựa, mình thì không thích rồi, lúc lên phỏng vấn chỉ toàn nói tiếng Việt càng nản hơn! Cũng lại bắt mình chờ cả tiếng đồng hồ mới bắt đầu! Nói chung toàn tầm xàm bá láp!

Thôi đành tiếp tục chờ đợi đặng kiếm cơ hội làm bên Tân Bình vậy! Lỡ thích cái campus của anh bạn ý rôi còn gì!

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Thầm thì kể chuyện nhà!

Dưới mỗi chái nhà, thì thầm kể những câu chuyện, chỉ riêng nhà mình biết, mà thôi!

Ông nội ngày xưa, lúc còn sống, làm đạo, chức trưởng thập nhị gia! Không phải Thông sự, Phó sự, Chánh sự như các chức vụ bây giờ. Ngày xưa mỗi họ đạo dậm dài dậm dặc, xa lơ lắc mới có một vài nóc nhà tranh, thì lấy đủ đâu ra mà lập thành một hương đạo như bây giờ. Ông làm chức trưởng thập nhị gia, kiểu như lo chuyện đạo sự cho trong vòng mười hai nóc nhà đó! Bây giờ chức này không còn, bởi lẽ đầy nhóc nhà hết trơn, chuyện đạo sự trả về cho ông Chánh, ông Phó, ông Thông, nên nghe cụm "trưởng thập nhị gia", nhiều người đạo Đài, chắc cơ hồ còn thấy lạ!

Ông còn làm nghề, nôm na là thầy phán, thầy bói, coi chuyện cất nhà, coi đường hướng, lập đàn, cho thuốc đặng trừ tà ma! Ngày còn nhỏ, nhớ có lần dòm thấy ông cầm cái mu rùa, bỏ mấy đồng cắc, thảy lên cái dĩa! Ký ức về nghề của ông, nói chung là rấm rứt và te he như cột nhà bị cháy, còn trơ lại cái cột! Chuyện kể về ông, có bận đi Kỳ Siêng thăm người thân, về gần tới gốc cây gòn đầu hẻm nhà bà Tám - má chồng của Dì Mười, thì bị ma nắm rịt cái yên sau xe đòn dông mà kéo lại, không cho đi! Ông bắt ấn, rồi dõng dạc hô: Bây có thả tao ra không? Rồi tỉnh bơ đạp xe đi, như không hề hấn gì! Chuyện nghe kể, tới giờ vẫn chưa biết hư thực, nhưng đầu hẻm gốc cây gòn ấy, giờ người ta mở lộ lớn, nhưng người ở lâu, quỡn quỡn ngồi nhổ tóc sâu, lại thì thầm kể lại nhau nghe chuyện về gốc cây gòn linh thiêng đầy hồn ma bóng quế!

Ngày ông mất, thằng nhỏ mới có năm tuổi! Nên ký ức nhiều khi nhạt nhòa, chỉ nhớ mỗi cái dáng cao cao, nhớ chòm râu lơ thơ, nhớ đôi mắt hoảnh sâu, cái đầu bạc trắng theo kiểu tiên ông đạo cốt, cái nón kiểu thầy cò ngày xưa, rồi cái xe đạp đòn dông mà hồi quãng đó hổng biết bao giờ mới ngồi lên yên được! Còn nhỏ quá nên ký ức thương yêu này nọ không nói được thành câu, nói ra thành ra sến! Năm tuổi, thiệt tình là cái đám ma con cào cào bị thằng nhỏ chun đít đào cái hốc tí teo rồi khóc tí tửng tò te nhiều khi còn vui hơn là đám tang của ông! Ngày ông mất, trời mưa!

Lúc còn sống, ông có nói là khi nào ông chết, ông sẽ cố gắng canh ngay cái ngày bà nội mất đặng cho con cháu mơi mốt có làm đám giỗ khỏi cực, khỏi phải mỗi năm hai bận gói bánh, cúng quẫy này nọ kia! Rồi y chang, chiều hôm qua thiên thường, đăng đăng đê đê chạy le te quanh nồi bánh ít đang lăn tăn chín, thì ông nội trở mình, nửa đêm thì mất! Mấy năm sau đó, cứ đám giỗ bà, là ngay chóc đám giỗ của ông! Đời nhiều khi bất ngờ thiệt!

Rồi thì con cháu cũng phải lo nghĩ chớ! Bởi người ngoài thì không biết thì thôi, chớ trong nhà có ai theo nghề thầy pháp, là coi như mãn đời, phải có con, cháu chính dòng tiếp tục theo nghề đó, sống chết cũng phải theo nghề! Không thì coi như con cháu muốt kiếp làm ăn không lên, bệnh tật lai rai, nôm na theo kiểu, bị nghề vật! Thì đó, cả nhà bên nội cũng đã đủ chuyện đặng khỏi cần thêm tí màu sắc huyền bí, thì cũng đã đủ để nổi hết cả da gà! Cô Út sống được thời con gái, bữa trở mình, bị người ta nhập vô, rồi té giếng, rồi mất, trước cả ngày thằng nhỏ ra đời, trước cả ngày ông nội mất!

Chú Bảy, em của cha, thì dĩ nhiên, con út, sống chết gì cũng sẽ được ở căn nhà tổ! Chú sẽ nối nghiệp ông, mà theo nghề thầy phán! Chú cũng làm đạo, cha cũng làm đạo! Nhưng nói chung, em của ông nội, ông thứ sáu - nội thứ năm, lại bẻ quặt lại thế cờ! Ông sáu tiếp tục làm thay nội cái nghề coi ngày đám cưới, coi hướng đặt ông táo, cho cái phép đặng mần ăn phát tới... Mấy năm ông nội mới mất, ông Sáu thường đạp xe một mình, tuốt trên Kỳ Siêng về, sáng đạp tới hửng nắng, là tới, chiều tà tà đạp về, cái dáng liêu xiêu dòm y chang ông nội! Cái nghiệp phải nối tiếp tiếp bên nhà coi nhà rẽ ngang qua mé bên kia, con cháu bên đây cũng bớt phải lo sợ!

Rồi thì mấy dạo gần đây, ông Sáu yếu, không đạp xe nổi nữa! Rồi nghe bảo phép của ông cũng bớt hay! Rồi thì cũng có đứa cháu lên thay, cũng lại đi coi ngày, coi tháng. Nhưng nói chung, nghề bây giờ, cũng quá chừng điều tiếng!

Năm 1994 ông nội mất, đến nay đã xấp xải gần hai chục năm, cũng bằng đó năm thằng nhỏ lớn lên, và kể lại chuyện của nhà mình, bằng chỉ có được nhiêu thôi hè!

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Những sự kiện báo chí tôi quan tâm!

1.

Đám cưới thế kỷ của Hoàng gia Anh!


Ưu tiên số một của mình khi mấy ngày vừa qua, trước đó nữa chứ, đều theo dõi sát sao tình hình diễn biến của đám cưới giữa Hoàng tử William và Katie. Nói chung do hồi nhỏ, đọc báo, thích Công nương Diana nên năm công nương mất, báo Tím có làm một bài, chụp hình hoàng tử! Thấy thương vì mẹ mất. Sau đó cũng thường xuyên theo dõi các diễn biến cuộc đời của Will., càng thích hơn vì xuất thân hoàng tộc nhưng không sa ngã, chăm chỉ, đẹp trai (chỉ mỗi bị hói đầu, ha ha!). Mối tình lâu năm với Katie xinh đẹp, hiền dịu cuối cùng cũng đơm bông kết trái! Chúc mừng đám cười hoàng tộc cái coi nào!

2.

Bin Laden bị Mỹ ám sát - Chấm dứt một thập kỷ ám ảnh bởi sự kiện 11/09!

Năm 2001, trưa, mình ngồi học thêm tại nhà cô giáo lâu năm. Bản tin trên đài Radio phát tin nóng về việc nước Mỹ bị khủng bố! Nói chung, con nít ăn chưa no lo chưa tới, sinh sau đẻ muộn khi tiếng súng đã lặng yên, thì tin tức chiến tranh khủng bố, dù nổ ra tại một đất nước cách chỗ mình ở cả nửa vòng trái đất cũng đủ làm cho mình sợ hãi. Không hiểu chuyện, nên sợ! Ngày đó, đến trường hay gọi những đứa nào quậy quọ, phá phách là Osama Binladen, kiểu giống như đặt biệt danh Năm Cam, sáu Quýt cho mấy đứa lục lăng cha cá này nọ!

Và đến hôm nay thì đồng chí này đã chết, chấm dứt một thập kỷ lẩn trốn trong sự sợ hãi, trong nỗi ám ảnh về ngày mà nước Mỹ đổ quá nhiều máu của mười năm về trước!

3.

Nói chung hổm nay đang văn ôn võ luyện, chuẩn bị cho mấy cuộc phỏng vấn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời nên không theo dõi báo chí nhiều! Bờ lau bỏ hoang đi vậy!