Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

Hà Nội, Hà Nội.

Với tôi, Hà Nội là một niềm xôi xa và dẳng dài trong tiềm thức. Ở nơi đó, có trái tim của đất nước, có Hồ Gươm mà ngày nhỏ má hay kể về một vị thần đem gươm báu giúp nước, giúp vua. Và Hà Nội, còn có Bác Hồ, Người mà thuở lóc chóc loi choi, tôi hay ngêu ngao Đêm qua con mơ gặp Bác Hồ, và cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn không nguôi mong mỏi được một lần nhìn thấy Bác. Hà Nội, Hà Nội. Hôm nay Hà Nội đã qua tuổi ngàn năm...

Tôi là người miền Nam, sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Xóm tôi ở, quẩn quanh chỉ toàn bà con lối xóm, dòng họ có, nội ngoại có. Điểm chung là giọng nói, là lối sống, là nếp nghĩ, nếp nhà. Ngày nhỏ, tôi không biết giọng nói nào khác, ngoài giọng ngọt lịm của chị bán chổi trưa nào cũng chạy ngang qua nhà tôi, tóc dài trôi lưng chừng ký ức, kêu chổi đây, ai mua chổi không rải miên man một trưa hong hóng nắng? Giọng nhặn xị của người hàng xóm mỗi bận chửi nhau, lèo nhèo léo nhéo của cha tôi khi vô một xị, hai xị đế. Giọng má tôi hay thầm thì kể tôi nghe chuyện đời xưa có ông tiên hay hiện lên giúp cho người hiền đánh lại kẻ ác. Giọng của anh chị tôi, cũng như tôi, dễ nghe, dễ hiểu. Tôi chưa từng nghe một giọng nói nào khác, một phương ngữ khác. Khi nghĩ về Hà Nội, tôi nghĩ đến câu Bắc Kỳ lai mười hai lỗ đít, Bắc Kỳ ăn cá rô phi/ ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ. Cơ hồ ngày đó, tôi chẳng biết gì về Hà Nội, chỉ biết rằng à, nơi đó xa lắm, người nơi đó ghê ghớm lắm! (vì bởi họ có tới tận mười hai cái lỗ … lận mà!)

Hình như cả nhà tôi, hầu hết đều không thích giao lưu, nói chuyện, rề rà quan hệ với những người miền Bắc. Má tôi bảo, dân Bắc ở dơ. Bởi ngày xưa, hồi má đi bán đồ lậu mé cầu Quang trở ra, khúc Châu Thành, Biên… này nọ, mà phía ấy, từ quãng 54 đã lập thành làng, thành ấp, nơi có nhiều người theo đạo Chúa, khác với chúng tôi về ngôn ngữ, về tôn giáo, và cách thức làm ăn. Họ trồng rau, làm đậu hũ, nuôi heo… này nọ, và má bảo họ lấy phân người bón cho rau màu tươi tốt. Họ trồng bắp cải, mồng tơi, mướp, dền… mà không ăn, chỉ toàn đem xuống Hoa để bán. Má tận mắt thấy, và sau này, nhiều người cũng thấy! Nên má nói, dân Bắc không chơi được, vì họ ở dơ.

Với cha tôi, đơn giản chỉ vì họ không ca được bài bản vọng cổ, thứ âm nhạc mà nhỏ lớn cha đã mê, và giọng hát của cha cũng khối người mê chết. Đã bước qua phía bên kia con dốc, mà giọng cha vẫn còn bén lắm, ngạo nghễ lắm. Và cha không thích những người nào, mà khi cất giọng vọng cổ lên đã thấy ngay một trời kinh khiếp, câu vọng cổ vỡ tan, xuống xề mà nghe lốp bốp, muốn khóc. Cha không chịu, nếu mai này vợ tôi là người không biết ca vọng cổ. Cha nói thế! Cơ mà làm sao tôi tìm được cho cha một cô biết ca vọng cổ đây trời! Vả lại bây giờ, người ta chỉ toàn ca vọng cổ teen thôi cha ơi!

Các câu tôi cũng không thích người miền Bắc! Cậu út tôi hay nhái giọng Bắc, nói dòm thằng nào mà trên mặt có hai cọng rau muống, là biết ngay Bắc Kỳ. Người miền Bắc không biết có khoái ăn cái thứ rau ấy không, chứ cá nhân tôi, nhà tôi, thiệt tình ít khi ăn rau muống lắm. Đổi lại, nhà tôi khoái ăn rau lang, rau tập tàng, những thứ rau dân dã ngoài vườn, có khi đổi một buổi chiều tềnh tang bờ ao ruộng lúa lấy một rổ đầy um úp những sản vật đồng quê cho bữa cơm chiều thêm đầy! Và cậu tôi không thích người miền Bắc, dám lắm, bởi họ chỉ toàn ăn rau muống thôi!

Và người hàng xóm kế nhà tôi, cũng không ưa gì dân Bắc, bởi mỗi lần bật tivi lên, phim truyền hình, nghe giọng chanh chua, chửi có văn có vần là y như rằng họ chuyển sang kênh khác, rốp ra rốp rẻng mà nhanh gọn lẹ, chửi liền tay day liền mặt chứ không phải đội cả tổ tiên, ông bà cha mạ người ta ra! Tôi thì cũng bó tay, vì nào giờ có chửi lộn, có đánh lộn thì cùng lắm tới thế hệ thứ hai, tức cha hoặc má, không bao giờ lôi ra tới tám chục đời tám hoánh của người khác ra kể lể. Tội!

Nói như thế, không có nghĩa là người miền Bắc là những gì kinh khủng và đáng ghét. Bởi lẽ sự khác nhau trong cách cư xử, trong giọng nói, trong phong tục tập quán, nền tảng văn hóa mà nhiều khi làm cho con người ta không thể dung hòa được. Nhưng vượt lên trên tất cả, thì chính là mối dây đồng bào, đã và sẽ liên kết người giọng Nam với người phương Bắc lại với nhau. Khi Hà Nội đang tưng bừng cho những ngày đại lễ nghìn năm tuổi, dân phương Nam thử hỏi ai không ao ước, không háo hức được trở về, phải trở về, với chính thủ đô yêu quý của dân tộc mình. Ai cũng có một quê hương, và khi quẳng trên vai một túi vali, đi tìm phố ở một chân trời khác, rồi thì cũng cảm thấy mình thật tự hào là dân Việt. Cảm giác tự hào vô bờ bến khi giáo sư Châu lần đầu tiên đạt giải Fields khiến cho tôi thấy mình vô cùng tự hào, tự hào vì mình là người Việt Nam, là đồng hương của người nói giọng – miền - Bắc ấy! Và trong vô vàn những lần khác, như khi coi những thước phim tài liệu quý giá ngắn ngủi về những ngày Hà Nội ta đánh Mỹ, ngày giải phóng thủ đô… lại càng thêm yêu, thêm quý trái tim của đất nước. Phải, Hà Nội đã ở sẵn trong sâu thẳm trái tim mỗi người!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét