Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Đi về, nhớ xứ Nhỏ, mà thương


Lúc móc cây viết mực nước ra vội ghi cho gia đình anh Thắng vài dòng cảm ơn vội vã, anh nghĩ trong bụng trời ơi nếu có một điều ước thì anh chỉ nhoi nhỏ mong mỏi rằng hôm nay là ngày thứ sáu, để mình vẫn còn đang rộn ràng với chuyến đi, ước rằng kết quả trận cầu đừng phũ phàng như thế, và những cuộc gặp mặt sẽ không chóng tàn. Anh nằm dài trên ghế ngồi chờ ở sân bay, sau những thẫn thờ cho ngày vui qua vội. Ngoài kia thì mưa đang bay. Lòng anh cũng thẩn thơ cho những nhớ thương dành cho những người bạn của xứ Nhỏ này. 

Anh Thắng hay kiểu rủ rê, qua đây chơi với gia đình nhà anh, ăn ngủ anh bao hết. Bữa đó, cũng ngày thứ sáu trước ngày anh đi chơi ở xứ Trùng dương, anh Thắng lại nhắn, biểu nước mình vô bán kết rồi, qua đây chơi coi đá banh đi. Anh nói khoan đi đại ca, cái gì cũng từ từ, phải có thời gian suy nghĩ chớ. Ông anh già tìm luôn cho vé máy bay, book một cái chát, đưa anh bạn nhỏ vào cái thế không thể nào từ chối được nữa. Thì đi, đi coi ủng hộ xứ quê nhà, sau lại đi thăm bạn bè. Bạn ở Xứ Nhỏ này nhiều vô thiên lủng, mà đi ít ỏi quá nên im re nào dám hú hí gì ai, vì sợ, thời gian lúc nào cũng là không đủ cho những tình cảm bạn bè. Anh thì bao giờ cũng ngại làm phiền người ta, kiểu như lỡ báo tin bữa nay qua Xứ Nhỏ chơi, nhín chút thời gian cho anh với nghen, mà lỡ đâu bạn bè có việc bận (dù bận thiệt, hay giỡn, ai biết được) rồi lại phải dành ra nửa ngày hay vài tiếng đồng hồ đặng dắt anh đi đây đi đó, ăn uống thăm hỏi. Sợ phiền người nên thì thôi chuyến lăn này anh câm như hến, xách đít lên đi, rồi về! 

Lúc cả gia đình hừng hực khí thế chuẩn bị áo nón cờ decal ra khu sport Hub ủng hộ đội nhà, anh nghĩ đây là nhà mình, chớ nào có phải nơi nào xa lạ đâu. Bọn anh chuẩn bị sẵn cờ, decal quốc kỳ, băng đô và áo thun nữa, dành tặng cho những cổ động viên nào mắt tẹt và da vàng, đi tình tang lang thang nếu có nhu cầu cần trang trí thêm chút đỉnh cho lòe loẹt cùng thiên hạ, thì gửi tặng họ. Những người xa lạ có thể là lần đầu gặp nhau, chưa nói chuyện được một câu, nhưng có hề chi, chỉ đơn giản là ới nhau Phải Việt Nam hôn? Vô đây? Thế là anh sẽ dán lên má họ một lá cờ, sẽ cột hộ lên đầu họ cái băng đô đỏ thắm, cờ tổ quốc và áo thun do không có nhiều nên ai cần thì mới được bưng ra. Anh chạy qua chạy lại ở trước cửa sân vận động, nhìn những gương mặt người, là người nhà mình, là tộc mình, là tất cả. Chưa bao giờ anh vơi tự hào vì mình là người Việt Nam mũi tẹt, mắt hí và da vàng. Trận cầu diễn ra lúc trưa, nắng và nóng vì dòng người đổ về dự khán. Khán giả Burma đông hơn mình nhiều lắm, vậy nên lại càng trân quý nhau nhiều hơn. Những du học sinh, những người lặn lội từ quê nhà, có người từ Malay đi qua, có người là chồng là vợ của những người mang quốc tịch Việt, những người lớn, những em bé, những người đã già, cậu thanh niên trẻ.... tất cả tạo nên một cái không khí cội nguồn vô cùng đặc biệt. Có bưng hết những ràng buộc những nghi ngại về cuộc sống ra phía sau lưng, mới cảm nhận hết cái luồng không khí ấy. Ở chỗ cửa soát vé, một anh bạn người Việt sang chưa kịp mua vé, hỏi bọn anh còn vé dư hay không? Bọn anh bảo không, nhưng chỉ sang những người bán vé dạo bên ngoài sân vận động. Chút nữa thì ông anh đấy cầm tấm vé vào cổng, anh hỏi mua vé được rồi à? Anh đó cười, nói được rồi nhưng hơi lo, vé này không biết vào cửa được không? Hỏi tại sao? Ảnh nói vé này do người Việt bán. Anh thấy mất cảm tình dễ sợ? Trời ơi cái vé có bao nhiêu tiền? Mười đô, hai mươi đô không lẽ người mình vời người mình lại đi đen đỏ với nhau, mà mần chi? Anh tự nhiên thấy mất hứng, nói không sao đâu, anh cứ vào đi, mình đều là người Việt mà! Thì bởi, mình đều là người Việt Nam mà! 


Anh Thắng tối nào cũng dắt anh ra quán cơm tấm Việt Nam ở Kitchenner Road, rồi sau đó sẽ ngồi cho đến khi trời gần sáng, mới chập choạng đi bộ về nhà. Ở quán cơm đó, có cô bé phục vụ, làm ca đêm, từ Việt Nam sang. Em người Bến Tre, da trắng tóc ngang lưng và nụ cười rạng rỡ. Hai đêm liền, đêm nào anh cũng cười muốn bể bụng vì những câu chuyện được chăng hay chớ của mấy gương mặt đồng hương của mình nơi Xứ Nhỏ này. Mấy anh em toàn gọi cơm trắng, thịt kho tiêu, canh nữa, và nước mắm. Món ăn thì để gọi là ngon là làm sao ngon bằng cơm má nấu được. Nhưng ăn uống có là gì khi ngồi chung mâm với mình là những gương mặt thân quen ruột rà, khi mình chấm miếng nước mắm là mình thêm vào câu chuyện kiểu như mùng năm tháng năm nhà em chôm chôm chín rộn lắm, mà em không về được, hổng biết ai trèo cây hái, thế là nước mắm chan cơm trắng cũng tự nhiên mắc ngon. Rồi cái kiểu ngồi một chút thì anh em chạy ra đường đốt thuốc, anh không có thói quen hút thuốc nhưng lâu lâu làm một điếu cũng được. Thấy cuộc đời cũng gọi là có thêm chút vị lạ. Như ở quán cơm Việt Nam này, khuya thiệt khuya có mấy chế người Việt đi vô ăn, nước hoa rẻ tiền sực nức, tóc vàng tóc đỏ môi bầm đỏ choe choét. Mấy anh em chỉ nhìn nhau cười, là chua chát là đeo lên những gương mặt sượng sượng trân trân vì, ờ vì tụi mình cũng đều là dân Việt Nam hết. Ủa, mà mắc gì phải sượng sùng, ai cũng có cuộc đời riêng, ai cũng phải sống. Mắc gì phải ngượng ngùng, giùm ai? Biết đâu, ở quê nhà có một me già, một bầy trẻ, cũng từ những chắt chiu nhọc nhằn đó, mà sống được! 

Cái cảm giác, cuối cùng khi còi vỡ trận vang lên. Mọi người, những người Việt đều ngồi lại, cú xụ ủ rũ vì thua trận nó bẽ bàng và buồn thê thảm. Anh nhìn ngược lại phía khán đài, chỗ anh ngồi tập trung rất đông cổ động viên mình, những gương mặt không thể che giấu nỗi buồn. Ai cũng không thể tin nổi rằng đội nhà đã thua, một trận cầu mà mình đá trên chân, đá nửa sân luôn mà cuối cùng, cái quan trọng nhất là bàn thắng, lại không có. Cuộc chơi nào, rồi cũng phải có kết thúc. Người thắng hân hoan, người thua thì bẽ bàng. Những gương mặt phờ đi vì mệt vì đã hết mình để cổ vũ. Khán đài đâu lặng tiếng rộn ràng, chỉ có những trái tim của mình thì tan nát hết rồi. Là lý do để anh đi sang đây, là lý do của chuyến đi này, thế mờ cuối cùng anh lại tận mắt chứng kiến trận thua này! Nhiều năm trước, và nhiều năm trước nữa, bao giờ đội nhà ra trận cũng đều khấp khởi hy vọng, có chê đó có dè bỉu đó, nhưng gót chân của đội nhà mình lúc nào cũng có đôi mắt anh dõi theo, hy vọng và đợi chờ. Lại thêm một lần thất bại, lại thêm một lần chiến thắng vụt qua kẽ tay. Lần này thì anh trực tiếp chứng kiến. Đau đớn nào hơn? Lúc tan trận rồi, mấy anh em lủi ra ngoài khu công viên trước Sport Hub, từ đó, phóng tầm nhìn ra vịnh Marina, mây vẫn bay, gió vẫn thổi, nắng nhạt nhòa. Chỉ có tim là tan nát mất rồi. Một anh công nhân đi qua, thấy bọn anh mặc áo đỏ thì lắc đầu đánh rơi một câu chuyện, buồn não nề. Anh đi từ Malay sang, thức lúc ba giờ sáng, xin nghỉ việc một ngày, bây giờ thì thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa! Nói thì nói thế thôi, cuộc sống vẫn tuần hoàn, vẫn nước chảy mây trôi hoa rơi nắng gió. Nhưng đâu có nghĩa là không được buồn? 


Sáng chúa nhựt, anh ngủ tới mười giờ rưỡi mới dậy, cả nhà đã đi vắng. Ngồi lại một mình, anh sắp sải lại mớ của nả hôm qua đi chơi về trễ rồi lúc về nhà, mệt quá cứ bày bừa ra đấy. Chiều nay thì anh phải trở về. Trưa có hẹn đi ăn với một người bạn. Từ nhà đi bộ ra Bugis chưa tới mười phút, xách theo quyển thơ mới, cầm ra MRT, vừa đứng đọc vừa ngóng bạn (Điện thoại đem cất, hôm trước vội quá nên đâu kịp xách theo cái sim xứ này, nên qua đây, ra khỏi nhà là coi như trở về với cuộc sống nguyên thủy, không có sóng điện thoại, không mặt sách, không insta, cũng may, vừa nhận được Mỏ neo nên có bạn đồng hành). Sáng hôm ấy trời mưa, trước khi đi anh Thắng nhắc có đi thì xách cây dù theo, khỏi sợ ướt. Lúc ở nhà, do dậy trễ nên anh vội vàng đi mà quên mất tiêu, cũng sợ, muốn quành lại mà sợ trễ nên đành nhắm mắt đi cho lẹ, có gì thì tìm chỗ nào đó, kín kín gió, đứng trú. Bạn anh cũng đang làm việc nơi xứ Nhỏ này. Nơi này, theo lời bạn, hiện đang thắt chặt tuyển dụng lại, mấy ngành văn phòng, ngân hàng, bảo hiểm hồi trước hút dân ngoại lắm, bây giờ khó nhằn hơn nhiều rồi. Bù lại mấy ngành khác, kỹ sư chẳng hạn, thì dễ thở hơn. Bạn anh qua đây làm cũng hơn một năm, chúa nhựt được nghỉ, bắt MRT lên Bugis dắt anh đi vòng vòng. Chưa bị kiến cắn bụng nên đi loanh quanh mấy khu mua sắm, tháng sáu, mùa giảm giá đậm đà nhứt năm của Xứ Nhỏ nên đi đâu cũng ken chật người hết trơn. Bạn bảo, cái xứ này là vậy, người đi ra đường, ngoài đi mua sắm, thì còn biết đi đâu. Anh nghĩ trong bụng, cũng đúng thiệt, xứ gì có chút béo, đi một vòng là hết. Đúng là đi một vòng, thì hết thiệt, là hết tiền thiệt. Mùa giảm giá, anh gặp cái gì cũng thấy mê, kiểu như định mua cái này, mua cái kia, đã tính trước từ hồi ở nhà rồi, nên qua đây, gặp cái gì, cũng muốn thử, thử rồi, lại muốn lấy. Hồi sau, móc thẻ tín dụng ra cà, méo hết cả mặt. Bạn đứng ngoài kia, lạnh quéo râu vì chờ, anh thấy cũng kỳ, nên thôi nói bạn ráng ráng, năm thì mười họa mới có dịp anh sang chơi, biết làm sao, ráng nghen! Trời ngoài kia thì cứ u u như bông mù u rụng trắng trời buồn não nề thúi ruột, thấy quờn quờn bụng thì lủ khủ xách đồ đi ăn ramen. Ăn ramen xong thì bạn dắt đi vô thư viện quốc gia của xứ này. A, xứ này thì nhỏ thiệt, nhưng cái thư viện thì bự vật vã, to đùng. Ngày chúa nhựt, lại ngay dịp có tuần lễ đọc sách gì đó, bọn trẻ con bu cũng đông. Anh giả vờ bay vô, lật lật sách, nhớ hồi đâu chừng chục năm trước, nhà xa, nhưng mê đọc sách, hổng có tiền mua, nên lúc rảnh là đạp xe lên thư viện tỉnh, mượn sách về đọc. Cái thư viện ba từng lầu, nằm giữa một con đường mới mở thuộc khu đất mới dời về, ở đó có những bữa trời mưa anh ngồi trên phòng đọc sách ở lầu ba, đọc miên man biết bao nhiêu là quyển thơ mới, có cả tiểu thuyết nữa. Hồi đó anh ôm nhiều mơ mộng. Hồi đó, thoắt cái cũng cả chục năm rồi. Rời thư viện thì rủ bạn đi vô Starbuck. bạn uống cái kiểu gì đó mà bị săc cà phê, muốn ói, hay ai biết nữa, chắc chán đi với anh rồi nên đòi về. Dòm đồng hồ, cũng đến giờ sửa soạn ra sân bay, tại đó, anh chia tay bạn rồi quay ngược về nhà. Đường về nhà, chưa đầy một cái sải tay! 

Nhưng kiểu gì cũng nhớ như in cái cảm giác lúc đội nhà mình đá vô một trái, hồi phút sáu mươi mấy. Cái cảm giác lâng lâng sung sướng tột đỉnh đó, chỉ chia sẻ được với tất cả những ai có mặt trên sân. Không phân biệt già trẻ, dù lớn dù bé, dù trai dù gái gì, cũng đều nhảy cẫng lên, rú rên la hét không còn biết dùng âm thanh gì để giải phóng cái sướng nữa cả. Sự hân hoan say men vì chiến thắng, là chất xúc tác mạnh nhất, giúp cho con người dễ dàng đến được với nhau. Nhắc lại mới nhớ, hồi đận năm 2008, đội nhà mình vô địch, anh cũng hòa chung vô dòng người đổ vô thành phố. Tối đó, chạy nhong nhong khùng điên đến ba giờ sáng, cái nồi trong nhà sáng ra thành cái dĩa, giọng nói thành một cái gì đó ché ché chớ nào phải tiếng nói mình đâu. Men chiến thắng chảy tràn thành một cơn bão giúp mình dễ dàng buông thả mọi thứ. Sau bàn thắng đó, tất cả đều chắc ăn rằng đội nhà sẽ vào chung kết. Anh thì chắc ăn tối nay về phải đổi lại vé máy bay, coi xong trận cuối rồi về. Nhưng chuyện đâu thể dễ dàng như thế. Nếu đã như thế, thì mọi chuyện đã khác rồi! 


Anh gọi một ly cà phê nóng. Máy bay chuyến chiều lạnh te tái. Ai cũng ngồi co ro trong ổ của mình. Anh cũng giở đến tận trang cuối cùng của Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời. Anh thích đọc thơ lắm, những câu thơ gợi nhiều hình ảnh, lời ít ý nhiều. Hồi xa xưa anh nghĩ nếu mình thất nghiệp mình sẽ đi làm thơ, ngày ngày thanh cảnh viết thơ thưởng hoa uống trà và lãnh nhuận bút, mà sống. Sau này, anh phát hiện ra thơ hổng bao giờ là dễ. Chắt chiu từng giọt cảm xúc để kết tinh trong từng câu từng chữ. Dạo đó, anh chuyển qua viết nhăng viết cuội, khùng điên mà lơ đễnh hết năm tháng trôi qua rồi. Và chuyến đi này anh đem Mỏ neo theo làm bạn, một quyển thơ, ngắn ngắn dễ thương mà ý nhị thâm trường. Những câu chữ cuối cùng. Lúc gấp sách lại, anh nhìn ra ngoài cửa máy bay, chả thấy gì ngoài cái cánh máy bay chớp tắt đèn hiệu. Lúc đó, anh biết rằng mình đã lại trở về nhà. Sau một chuyến đi ngắn ngủi có quá nhiều đợt cảm xúc. 



Và cũng như sóng, cảm xúc đôi khi thầm lặng, đôi khi cuộn trào làm anh ngắc ngoải không thôi!

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Lơ lửng xứ Tim




Nằm đọc mê muội Chờ em đến San Francisco của Thụy, kiến cắn bụng, định đi ngủ rồi nhưng đói quá, nên lóc cóc lôi từ trong tủ lạnh ra gói cốm mang về từ xứ Tim mấy ngày trước. Vừa nằm vừa nhóp nhép nhai vừa đọc sách, tự nhiên hứng lên lại nhớ về nơi này! Mưa nắng dãi dầu, một chuyến đi có quá nhiều thứ phải làm, quá nhiều người để thăm hỏi, có quá nhiều thứ để bắt tay chạm vô sờ, nắn, níu kéo. Đã qua rồi cái thời thương yêu được nhỏ ra từ những con chữ vô vị! Mới đầu, anh định là sẽ giữ nguyên những ký ức về xứ Tim ấy,trong lòng mình. Nhưng rồi biết đâu bỗng tự dưng ăn cốm làng Vòng, đọc sách diễm tình của Thụy (một người cũng đầy tự cao, tự tin, đi nhiều, học cao...) nên đâm ra quờn tay muốn viết một hai thứ gì đó! Cho xứ Tim này!

Anh thì đi có một mình. Theo đúng điệu hứng lên là đi! Đầu tháng năm anh đặt vé, giữa tháng năm anh xách đít lên và đi! Mưa tháng năm rớt hột vào cái ngày anh đặt vé ấy, một bữa trưa nắng Dầu Hạ xổ lồng, tối đó trời mưa. Ai biết có điềm chi không, nên thì thôi, đành nhắm mắt mà quất đại! Đôi khi ngẫm nghĩ, thấy sao mình có thể đủ dại khờ, để cho mất tiêu những lặt vặt nhũn nhặt đời thường, công việc đăng đăng đê đê, sếp thì bao giờ cũng áp chỉ tiêu, đồng nghiệp thấy trình đơn xin nghỉ phép thì nói thầm trong bụng thằng này lại đi nữa, đi mãi! Ngày cuối cùng trước bữa lên đường, bặm hơi trình cho sếp đơn xin nghỉ bằng một nụ cười chứa chan tỏa nắng. Sếp nói, đi đâu thế? Anh trả lời, nhẹ tơn, dạ không, nhà có việc bận. Hiền ngoan như chưa bao giờ lầm lỗi. Chiều đó, anh xách xe máy vượt trăm cây số xuống Sài, ở sân bay, kịp ăn một thứ gì đó người ta gọi là phở, có thịt bò, có ít rau và bánh. Trong cơn đói trệu trạo, anh thấy mình đang nhai nuốt và ngấu nghiến một thứ gì đó dở tệ. Chuyến bay đêm hạ cánh lúc mười giờ rưỡi tối, mưa cũng vừa tạnh ở Xứ này! 
Mưa. Chị gái nhắn tin nói mưa vừa dứt đó, em tới chưa? Ông anh trai quen cũng hỏi, mày tới đâu rồi? Liệu hồn kiếm đường về nhà đi, thiệt tình, toàn đi một mình, hổng biết vui vẻ kiểu gì. Mưa thì lạnh, lất phất liêu xiêu rớt vào lòng anh những mịt mùng. Nhờ có những lời hỏi thăm, chửi bới vu vơ đó, mà ấm lòng trở lại! Anh xách ba lô chạy lên xe bus, tan vào đêm để trở về nhà. Anh gọi xứ Tim này là nhà, vì đã từ lâu lắm rồi, có hẹn ước với nơi này! Ngồi trên xe, thói quen lại tót xuống băng ghế cuối! Mệt mỏi rã rời, anh trôi trong những lằn ranh chập chờn của cái chuyến bus đêm vào trong thành phố đó! Sáng hôm sau, anh dậy sớm, đi bộ giữa băm sáu phố phường Xứ Tim, ghé lại một quán cóc ven đường, ăn thật chậm món bún dọc mùng nổi tiếng, ăn thì ăn thôi chớ anh thuộc dạng dễ tính, ăn gì cũng được, no bụng là đủ rồi! Cái ý thức mở mắt ra thấy mình đang ở nơi khác, một nơi thiệt xa cái không gian mình đang ở, lúc nào cũng đem đến cảm giác sung sướng khó tả tuyệt vời. Cảm giác ấy, cho anh biết là anh đang sống, chớ nào phải trôi!





Tim tháng năm thì oi vô cùng. Đã từng được người ta dằn mặt trước, theo cái kiểu trong Nam nắng thì gắt vậy thôi chớ còn lâu mới bằng cái oi nồng của nắng xứ Tim này. Anh thì dại khờ mà, nên ai nói gì nghe nấy, ai biểu gì, tin nấy! Nhưng có thực tế trải qua rồi, mới biết là người ta nói thiệt, tin tưởng nhau đi, niềm tin - thời buổi này đúng là heo hút lắm, nhưng niềm tin mỏng manh dễ làm cho người ta đến với nhau hơn, trong công việc anh hay làm như vậy, tin vào lòng người. Và nắng xứ này không gắt gỏng chỏng chao như nắng xứ quê anh đâu, nhưng nóng thì vô cùng tận. Bữa đó, anh dang đầu trần chang bang đi xuống bến tàu, nắng nhảy múa trên gương mặt đen sạm của anh, nắng cười hỉ hả, nói vui quá ha, cười lên đi nào! Cười gì nổi giữa những bập bùng nắng nôi như thế. Nắng mùa này trở thành đặc sản, để nhiều khi nói về nơi ấy, nghĩ về nơi ấy, anh sẽ thè lè lưỡi ra mà than thở, nắng chi mà dữ dằn vậy nè trời!

Cũng không thể nào quên được một buổi tối mấy bạn già đèo nhau trên phố. Chạy lên cầu Long Biên, tìm một chỗ khuất ngay giữa cầu, kêu mấy ly trà chanh, một đĩa hạt hướng dương rồi kể chuyện ma cho nhau nghe! Mấy gương mặt mê mải chạy qua, đêm đó thì màu nhiệm quá. Anh nhớ như in lúc vịn tay trên thành cầu, lưng tựa vào lan can cây cầu sắt rỉ rả, đèn trên cao hắt bóng lẻ loi, mấy hột hướng dương kêu lách tách, những vòng khói thuốc chưa kịp tượng hình đã bị gió sông thổi bạt mất. Và tiếng những người ngồi cạnh bên rót vào tim biết bao nhiêu những ngọt ngào! Lúc chuông nhà thờ đổ báo hiệu ngày mới, muốn hét lên rằng đã qua một ngày mới nữa rồi, ngày xa Tim lại gần thêm nữa rồi. Chị bảo nơi này chưa xa đã nhớ, chưa về thì đã yêu! Anh hoàn toàn đồng ý như vậy!

Là một ngày đội nắng trên đầu, với một ly rượu vang được gia đình bác người Anh mời vì dạy họ vài câu tiếng Việt cơ bản ngay giữa Vịnh Hạ Long. Là một ngày rơm rạ với nước vối chè lam thơm thảo, giữa những nếp nhà đong đầy dấu thời gian, đi mà nhẹ nhàng vì sợ để rơi mất một khoảng khắc nào đó của làng cổ, âm thầm tiếng chuông của nhà thờ. Là những gương mặt bạn bè, những người đã chờ mình để dắt đi ăn một món ăn thiệt ngon mà nhiều năm trước đã từng buôg lời hứa hẹn. Là những trái mận chua chua được bạn nhờ người gửi cho, bạn thì ở xa, nói chắc còn lâu mới về lại Xứ Tim này, nên nhờ người nhà quẩy lên cho một đống mận, trĩu luôn cả vai vì một ân tình. Là mưa ở xứ này, cơn mưa trắng trời làm hơn nửa đêm mới trở về nhà. Và hơn tất cả, nơi này còn có quá nhiều thứ để khám phá, để yêu thương. Nên thôi thì cho những ngày ngắn ngủi, cho những yêu thương không vội, cho cái đêm nhiệm màu và điếu thuốc đầu tiên của cuộc đời, cho tất cả. Cho trái tim. Cho xứ Tim.


Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Mây gió trở trời, nói chuyện đâu đâu



Mười hai năm đi học, dù lười biếng cỡ nào, anh cũng cố gắng viết bằng bút mực hero. Màu mực tím theo anh lớn lên cùng năm tháng. Bữa có người khen viết chữ đẹp, anh nói cũng bình thường mà, mà trong bụng cười phớ lớ, nét chữ là nết người. Người chữ đẹp, đa phần thường tốt tánh, anh nghĩ vậy!

Má anh không nhiều chữ, nhưng nghiêm khắc. Hồi anh mới đi học, mới tập viết chữ thì phải viết bút chì đã đành, nhưng khi bắt đầu quen mặt chữ rồi, thì một hai bắt chuyển qua viết bằng bút ngòi. Hồi xa xưa đó, tập vở trang giấy đen thui, bìa vở có hình con nai, giấy kẻ ô xấu quắc. Tuổi thơ của anh lấm lem trong mấy cái mảng màu tím rịm của mực Thiên Long. Nhớ hoài mấy trận chiến của tụi con nít, ghét nhau giận nhau toàn lấy bút ngòi ra quẩy mực lên áo. Nhiều bữa đi học về má nhìn hổng ra vì mặt mày xanh tím thấy mà ghê. Mực thì ngày một ngày hai đã phai, chỉ có kỷ niệm nghịch ngợm hồi còn mầm đậu đó, bao giờ mới vơi mới cạn cho đặng?

Cấp một thì má bắt, cô giáo bắt viết bút mực, đặng rèn cho cứng tuồng chữ, để bàn tay con nít lóng ngóng lịu nghịu vỗ được nét chữ hòm hòm đi! Lên cấp hai không còn ai bắt phải viết bút hero nữa, nhưng ai biểu đi học ở trong chùa, trường trăm năm nên kỷ luật thép, bắt tụi trò nhỏ đi thi phải viết bằng bút mực thì mới được chấm bài! Mầm non mới nhú cũng chưa quen với việc lả lướt bút bi, nên mỗi bận đầu năm học lại lót tót ra nhà sách sắm cây bút ngòi mới, cái nắp bằng đồng sáng choang, nhìn đã con mắt gì đâu! Rồi cũng học đòi theo tụi con gái, giả bộ kỹ lưỡng được dăm ba bữa. Kỹ lưỡng theo cái kiểu nhờ má đan cho cái đồ đựng viết bằng len, bỏ cây bút mực vô để giữ cho cái nắp hổng có trầy, lâu ngày đem ra vẫn rực rỡ tàn bạo. Mấy lần làm thử thấy cũng hay hay, vui vui, lâu lâu bưng cái bao ra chùi cái vỏ viết, mà làm biếng giặt, nên cái bao len đựng viết lâu ngày hôi rình. Bữa đi học móc ra sợ quá, giờ ra chơi lén lén đem vứt vô thùng rác. Cái nắp viết trở lại với cái công việc thường ngày, để dành cho mầm đậu lúc quỡn tay thì lật lên lật xuống, kỹ thuật đầy mình. Cây bút mực, bị anh đè riết tà ngòi. Sao cũng được, nhưng ráng xài cho hết năm học, hổng thôi xin tiền mua viết mới, sợ má la!

Mực để viết cũng phải có xíu cái gọi là bí mật gia truyền, hòng làm cho màu mực tươi, chữ viết thêm đẹp. Mỗi năm mầm đậu lớn thêm một lớp, mua thêm một cây bút hero mới, lại thêm một bình Thiên Long mới. Mầm đậu thì trung thành, bao giờ và lúc nào cũng chọn bình mực Thiên Long loại chai sứ nhỏ nhỏ đựng trong hộp giấy, mùi thơm dịu mắc ngây mới chịu. Bình mực cũ của năm học trước, xài chưa hết được mầm đậu bưng ra sử dụng lại. Mầm đậu mà, chơi ăn gian, đi học hay giả bộ chưa bơm mực nên nhờ bạn cho xí mực xài ké, bình mực xài cả một năm ít khi hết. Hai bình mực đó được chan qua, một tí mực mới, một tí mực cũ thêm một chít nước, quao lại với nhau thành ra mực không quá đặc, chữ viết vì thế cũng tươi hơn, chạy ro ro trên mấy trang giấy trắng học trò. Mầm đậu cũng kỹ lưỡng, viết bài cũng rõ ràng, hay có cái kiểu nếu chép bài không kịp thì biên ra nháp, sau đó về nhà còng lưng chép bằng viết mực lại, đặng vở đẹp. Má nói bây viết chữ đẹp còn có hứng học bài. Mà cái thằng bây hồi đó cũng nghĩ y chang vậy, vở sạch đẹp, rõ ràng học bài mau thuộc hơn.

Bài nhiều khi chưa thuộc thiệt, nhưng ai viết bút ngòi nhiều, sẽ biết, ngón áp út bao giờ cũng bị phù lên, vì đè nhiều, da tưa lên, có bữa chép bài nhiều quá, da bị tróc, rướm máu, đau muốn chết. Lên cấp ba, đã hiểu chuyện, dòm qua dòm lại nguyên cái lớp của anh chỉ còn vài ba đứa viết bút mực. Anh lại càng trân trọng, ít là quý, phải giữ gìn, chữ cũng cứng cáp, nhưng viết bài vẫn bị chậm. Lúc đi thi, đau khổ hơn vì bạn bè viết bút bi, viết ro ro, mình ên mình ngồi rị mọ, lúc hết mực hoặc cây viết bị khùng, quẩy mực ra sàn lớp, chỗ anh ngồi, từ tường cho đến sàn nhà, đều đầy vết mực vẩy ra. Bữa có dịp về thăm trường cũ, giả bộ điệu điệu vớt qua chỗ ngồi hồi xưa, thấy bức tường hồi đó chỗ anh ngồi, vẫn còn lại vài vệt mực chưa kịp phai cùng năm tháng. Thấy bình yên trân quý quá đỗi.

Rồi tự dưng ngồi tự đặt ra câu hỏi, chớ hổng biết bầy trẻ bây giờ chúng có còn viết bút mực hay không? Tay bầy trẻ bây giờ, lướt điện thoại, máy tính bảng nhanh như sấm như gió, mình hồi xưa tay chẻ nan vót lát đan sọt viết chữ chấm mực rị mọ đi qua hết thời thơ dại học trò. Ngăn sách cũ vẫn còn trân trọng giữ lại mấy quyển vở hồi xa xưa đặng cho mấy đứa cháu nhỏ ở nhà biết thời mầm đậu anh đã từng đắn đót như thế nào? Mà ai biết được đâu? Dưng chi ông anh khó tánh lại ngồi dòm chữ đón nết người. Lại nhớ cái chuyện đâu đâu mây gió giở trời như thế này, chán thiệt!