Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Một cánh chuồn sa

Một buổi tối, tôi nhặt được trên nền gạch một cánh chuồn đã ráo, đuôi đứt và nằm lỏng lẻo ở nơi mà ai không để ý, có thể dễ dàng giẫm lên. Vậy là một cánh chuồn đã sa. Không thể nào như thằn lằn, đuôi cụt rồi, vẫn sống. Nhưng tôi nhớ, cái cảm giác run như đuôi thăn lằn đứt, khi nhìn người ta lấy dao đâm bén ngót vào một thân thể khác. Cái thân thể đó vùng vẫy thoát ra chạy được dăm ba bước, rồi lịm tắt. Phố vẫn đông người, Dầu Hạ, khuyết mất một người.

 Nhưng nào có xá chi. Tôi buộc mình phải quen với cái run tay như đuôi thằn lằn đứt đó. Vì những nỗi lo sợ, làm mình chùn chân. Xã hội đảo điên. Nào ai ngó ngàng chi, đến những đau đáu đời thường.

 Tôi đặt cánh chuồn ráo nước ở bệ cửa sổ. Từ đó, tôi hy vọng rằng, nó sẽ được cất cánh lên, thêm một lần nữa, của cuộc đời

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Những cố sự vô thường.

Tôi nhớ, rất nhiều năm về trước, tôi lần đầu xuống Dầu Hạ, ngày đầu tiên đi thẩm định, tôi bị té ruộng vì không quen đi trên những con đê nhỏ sụt sùi mỗi bước chân người. Sau này, tôi vẫn bị té ruộng hoài, bên cạnh đó còn thêm té lầu, vấp cầu thang, vấp bậc tam cấp, trẹo chân té ịch đụi miết. Phần do mắt kém, phần do cũng tại hớt hải. Ủa mà đang nói cái beap gì vậy trời?

Chỉ là, tối chủ nhật bao giờ cũng là lúc chất chứa nhiều tiếc nuối nhất. Mai thứ hai, lại phải đi làm, mai thứ hai, lại là những chảy ngược xuôi đưa đẩy mới. Có lần bạn tôi hỏi, vậy chủ nhật - là đầu hay là cuối, của một tuần? Tôi ngớ ra, là cuối - hay là đầu?
 



Ảnh này tôi chụp cũng nhiều năm về trước. Lần đó đi qua rạch Dầu Hạ, mùa nước lên, tháng mười. Chiều trên rạch Dầu Hạ, buồn thê thảm. Rất nhiều năm sau đó, tôi hay nghĩ về hình ảnh nước lênh láng hắt ánh mặt trời giữa mênh mông những khuôn mặt người. Và nắng tắt, và một đời người lại ra đi. Vô thường đến độ tôi thấy lại cái hình ảnh vía mình lơ lửng giữa câu hỏi chủ nhật là mở đầu, hay là kết thúc của một tuần.

Vía còn nhiều lần lơ lửng nữa. Vì hay sướt mướt với những vô thường nhiều đến độ đếm không nổi nữa của cuộc đời này.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Tuổi mới

















Và như thế lại thêm một tuổi
Bàn tay chai, non nửa phần người
Qua dâu bể cuộc đời dài rộng
Chỉ mong mình - chỉ là mình thôi


Và như thế lại thêm một tuổi
Đặt bàn chân ướm lấy ngọt ngào
Cơn chếnh choáng nửa vơi nửa cạn
Gió cuốn rồi, nuốt trọn xôn xao

Và như thế lại thêm một tuổi
Những yêu thương vân vít dại khờ
Chào hai lăm nhẹ như cơn gió
Hai sáu mình, chỉ nhạc và thơ!


Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Giọt buồn lơ lửng (Đến bao giờ?)



Mùa mưa đến. Khuya chưa kịp sâu, tiếng chó sủa ma lần theo từng góc xóm nhỏ, chưa kịp thấy ánh đèn đã thả vào đêm những mịt mùng, nhà trong quê nên một giờ đêm ra ngoài đường thì chỉ có một mình anh, tưởng như bị màn đêm hút trọn. Khuya ấy anh xách ba lô bay ra Đà Nẵng, ở Đà Nẵng được một đêm, chưa sâu chưa đằm chưa say nổi nắng và biển của xứ này, đã lọc cọc đeo ba lô nhảy xe cóc ra Huế. Đến Huế lúc chiều muộn, mưa đinh ninh! Anh kiếm một nhà trọ nhỏ, nằm gần trung tâm cho tiện đường đi loanh quanh. Có đôi lúc anh nghĩ, sao mình không kiếm một công việc gì đó, tự do thoải mái hơn, để tha hồ được rày đây mai đó và muốn mần gì thì mần. Cái ý nghĩ ấy bén rễ và cào sâu vô tâm trí của anh mỗi bận anh bứt hết số má sổ sách công việc để đi chơi. Hay chắc tại con người ta hay có cái kiểu đứng bên này sông dòm qua bên kia tưởng nước con suối trong hơn, nên cái ý nghĩ nó cứ sủi tăm theo từng bước chân anh cuối đất cùng trời. Và cái bận anh đi ra Huế, cũng đã là chuyện của những ngày trước.


Anh hỏi bạn thử ở Huế có chỗ nào chơi hay không? Bạn hiện giờ thì không ở Huế, nhưng bạn nói vui lắm, tính anh âm trầm như này, ra Huế chắc hợp. Anh hỏi sao vậy? Bạn trả lời gọn bâng bởi Huế buồn, thê thảm luôn. Anh gõ lóc cóc mấy tin nhắn, nói nghĩ sao vậy trời, tui mà âm trầm cái gì, hồi xưa đi học tui là cây hài và là đầu tàu cho mấy cái cuộc ăn chơi nhảy múa của lớp đó. Tin nhắn gửi lại, bạn bảo thấy người cười cười vậy thôi, chớ chàng sống âm trầm thầm lặng lắm, nên đi Huế, nếu được, hãy về với Huế. Thì đi, anh cũng không biết làm gì vào những ngày tháng bảy và mưa bít bùng như thế này! Hai thiếp mời đám cưới im lặng trong hộc bàn, anh kệ, cũng đã lâu lắm rồi kể từ ngày anh quyết định sẽ quen với cái việc quên đi những bữa tiệc tùng, hẹn hò và chờ đợi. Cuộc sống quanh quẩn một mình, riết rồi cũng đã lăn thành những vòng quen. Xe chạy qua hầm Hải Vân rồi bước vào địa phận Huế, nhìn ra ngoài với những núi non điệp trùng và sương khói ban chiều bãng lãng quá sức buồn, anh nghĩ trong bụng, khi nào đến Huế rồi, phải kiếm món nào thiệt cay, ăn cho bốc lửa, ăn cho đỏ phồng miệng lưỡi, một cách để quên đi miệng đời, và những mỉa mai đầy rẫy của con người. Huế, chắc là không thiếu món cay!

Bảy giờ hơn thì vào đến trung tâm Huế, ngay chỗ ngã ba anh quyết tâm gạt hết, bơ hết những lời mời gọi đi xe ôm, đi taxi, đi xích lô về nhà nghỉ. Thui thủi có một mình, anh quyết định cuốc bộ một quãng đường. Móc trong túi ra cái điện thoại cũ kỹ, anh nhắn cho bạn nói chàng trai năm ấy đã đến với Huế mộng, Huế mơ rồi này, mưa cũng đang rơi đầy, buồn thiu! Bạn nói ờ kiếm chỗ nào đó nóng nóng ấm ấm ấp ủ đi, tui đi ăn lẩu cay đây nha! Anh cười như mếu, lại là đồ cay. Thiệt bốc lửa. Bước vội qua một vũng nước, dấu chân nhòe nhoẹt, anh xách túi hành lý ghé một nhà nghỉ phía trước có giàn thiên lý thiệt hiền, cái nhà nghỉ tối thui, đèn lom lom nằm trong một con phố thưa người. Anh ở chỉ một đêm thôi, đêm đã quạnh vắng, và không cần một chỗ sang trọng, chỉ đơn giản có chỗ để ghé lưng, đặt túi hành lý xuống, thưa người càng tốt. Cô gái có gương mặt cũ kỹ, tóc mái bằng, nói giọng Huế rặt, ngồi thưa rỉnh thưa rảng ở quầy lễ tân, buồn hiu kiểu như cho dù nhà nghỉ này có đông hơn hay vắng khách hơn nữa, cô cũng buồn. Anh không có thói quen vẫy tay chào hỏi hay làm thân với người lạ, thói quen đó anh cất trong hộc tủ lâu lắm rồi, chắc có lẽ từ hồi anh qua tuổi hai mươi, hoặc là trễ hơn xí, khi anh biết nhìn cuộc đời bớt đi chút màu hồng, thêm đôi phần ảm đạm. Và đêm nay thì Huế cũng thiệt buồn, như cô em ở quầy lễ tân này. Anh đơn giản check in, hỏi cô gần đây có chỗ nào bán đồ cay Huế hay không? Và tối thế này rồi, còn chỗ nào để anh lông bông được. Cô gái nhả nhẽ trả lời mấy câu hỏi, không quá nhiệt tình không quá lãnh đạm, đủ thông tin, gọn gàng tẩn bẩn rồi lại quay lại với gương mặt buồn. Huế, mưa buồn, cô gái trước mặt cũng buồn!


Mưa không hết. Anh mượn đỡ cây dù, bước ra hàng ba, mùi bông thiên lý thiệt dịu, quyện vào với đất. Anh nhớ xưa lắm, có người cũng từng rủ anh hôm nào chủ nhật lên nhà người ta bẻ bông thiên lý, giàn thiên lý nhà người ta rũ lắm rồi, bông đầy, mùi thơm gay gắt, ngửi một lần nhớ mãi. Dạo đó anh đâm ra mê bài hát ở cuối lưng đồi, có giàn thiên lý và biết đâu đó, có người anh thương. Nhưng rồi tháng tư nắng gắt, tháng năm nắng nồng, tháng sáu mưa, tháng bảy mưa nặng hạt hơn nữa, thì giàn thiên lý bắt đầu rệu, mùi hương tản mác, cũng như người, không còn đến nữa. Anh không còn nghe bài ca thiên lý, cũng nhặt khoan hết vòng người. Chuyện dang dở anh cất sâu trong túi áo, bữa nay giữa đêm mưa buồn xứ thần kinh, đợt nhiên ngóc lên làm anh hổng biết làm sao, hổng lẽ khóc. Mưa nhễu qua vành dù, len vào tóc, anh dứt khoát bước khỏi hàng ba, đi qua giàn thiên lý, bước ra mặt đường. Đêm chưa sâu đã thấy mòi cô lẻ. Bóng anh hắt vào đêm những dấu hỏi? Tại sao? Và tại sao?


Định là sẽ đi ăn cơm hến. Khổ thiệt, anh ít khi đọc cái này hỏi cái kia, lặng im và lầm lũi. Đến lúc muốn thỏa mãn một nhu cầu nào đó, thì lại im re, không biết phải làm sao? Người ta nói mưa quá, ông chủ bán cơm hến không bán, đóng cửa chắc là đi úm ba la với nhân tình rồi. Lại thêm một người có đôi. Anh chán, nghĩ trong bụng thôi kệ, ăn đồ cay lại hành hạ bao tử, anh hành hạ mình cũng đủ rồi. Tìm đại một quán nào đó ở ven đường, ở Huế, lại đi ăn mì Quảng, lãng nhách. Đường về nhà nghỉ cũng tối thui, anh rẻo bước ngược lên dốc, xa xa là cầu Trường Tiền, đèn sáng, và màn mưa lất phất. Sông Hương tối thui, trời mưa nên không có nhiều thuyền bè trôi trên sông. Và dĩ nhiên là không có một cô em xứ Huế nào mơ mộng, tóc dài thả hồn trên những dòng chảy âm thầm sầu muộn vào buổi đêm mịt mùng heo hút như thế này cả. Anh đi bộ về nhà. Nghĩ rồi thôi mai mình sẽ dậy sớm, đi bộ vào Thành nội, rồi trước khi mặt trời đứng bóng, anh sẽ đi về. Huế buồn, nhưng chắc anh ép mình buồn hơn Huế, nên thôi, đôi lẻ không sánh cùng nhau. Tự nhiên, anh đâm ra ghét cái xứ này ghê!


Sáng ra, anh trả phòng, về nhà sớm. Nhắn cho bạn, nói cô ấy đã lầm, anh trai đây không thích Huế, không thích một chút nào? Bạn chưa tỉnh ngủ, anh đã đi, cô gái có gương mặt buồn trời sầu đất lở tối qua chắc đã tan ca, dòm hoài từ sau ra trước, cũng không thấy. Tin nhắn từ bạn gửi lại, lúc anh gật gù xe cóc đâu đó ở giữa Huế và Đà Nẵng, bạn nói vậy hả, ờ, chắc tại không có tâm trạng, thôi ráng lên đi, tao yêu mày! Anh cất điện thoại, không trả lời lại, bạn sẽ biết là anh đang nóng nảy cái gì đó, không sao, mỗi lúc gặp nhau, dù chỉ im lặng thôi, bạn cũng sẽ hiểu và anh cũng sẽ hiểu, đôi khi, im lặng không phải là không cần được nói, im lặng, chỉ là một cái cớ, để che giấu nỗi buồn. Xe ngừng lại ở chân đèo Hải Vân, cho khách đi vệ sinh. Trời mây và lộng gió, tối qua mưa, hôm nay sương mù dày đặc. Anh moi cái áo khoác dưới túi ra, tròng qua đầu rồi bước chân ra lé đé bờ vực, nghĩ trong bụng nếu như bây giờ mình không tiếp tục về lại nhà nữa, mình cứ thế biến mất vào trong biển mây này, chắc cũng sẽ thú vị lắm. Sáng thứ hai sẽ không có những có điện thoại, biểu coi thử coi tiền lãi bao nhiêu? Chiều sẽ không còn ai chạy nhong ngoài đường, bưng về mấy thứ lặt vặt làm trò tiêu khiển. Nụ cười thương mại vạn người mê sẽ biến mất. Những cuộc cãi vã và những con số nhập nhoạng không còn nữa. Đêm sẽ bình yên, ngày cũng bình yên luôn như không còn gì để gợi nhớ về một gương mặt người. Ý nghĩ thoáng chốc mọc lên rồi lặn đi mất tăm. Bị trì néo bởi những thứ khác. Chưa đành lòng dứt áo ra đi!

Nơi nào đó cách Huế gần một ngàn cây số. Có tiếng người khóc, vừa có một trận mưa to đêm qua, và một vì sao tắt lịm giữa trời. Những viên thuốc ngủ rơi vãi, một kiếp người. Một nhân sinh. Anh lần khân đứng mãi ở đèo Hải Vân, không gì lung lay được. Như một sợi khói, mỏng tang, nhưng bảng lảng day mãi không rời. Câu hỏi được đặt ra là, vì sao anh lại ở nơi này? 

(Phóng, từ một bữa lơ lửng giữa buồn!) 








Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Lại nói chia tay, một gương mặt người


Chiều nay cô đi. Đúng ra là hôm qua cô đi rồi, chớ nào có phải bữa nay đâu. Nhưng việc còn nhiều quá nên xin sếp cho phép được trù trừ thêm một bữa đặng cố giải quyết cho hết mớ chứng từ sổ sách còn đang đọng vũng chưa bơi đi được. Bữa cô nhận quyết định, bất ngờ thì là có, phải có, nhưng biết làm sao, rồi cũng phải có một hướng nào đó, chớ đâu thể lửng lơ ơ hờ tòn ten và lủng lẳng ở giữa như thế này! Chiều nay thì Dầu Hạ mưa, mưa thì buồn, hổng biết lòng cô có buồn hay không? Lúc chia tay với những gương mặt quen, dầu dãi gì thì cũng đã bốn năm quen mặt đặt tên ở cái xứ này, thấy cũng bịn rịn. Chia tay, kèm theo chút tình bịn rịn cho đúng kiểu buồn thương đa sầu và đa cảm. Chiều nay thì cô sẽ đi thiệt rồi!

Anh với cô được cho là thân nhau nhất ở cái xứ này. Anh học chung với cô từ hồi nhỏ, nhà lại là hàng xóm của nhau (sau này cô chuyển đi, đời dâu bể nên đâu ai hôm nay còn gặp mặt, ngày sau lại xa cách nghìn vạn trùng). Rồi lúc đi phỏng vấn, đụng mặt cô ngay tại cái chỗ này. Làm chung với nhau, nhận quyết định đi Dầu Hạ cùng nhau, anh với cô, coi như là duyên đẩy đưa từ thời thơ bé dài theo cho đến lúc mở mắt ra với đời. Anh đối xử với cô, nhiều khi không chỉ là đồng nghiệp, mà còn là bạn, nên đối đãi nhiều thêm chút phóng khoáng, thêm chút khó khăn vì ... ai biểu cô là bạn của anh mần chi. 

Làm chung với nhau, ở chung với nhau (ở nhà tập thể) nên hiểu nhau đến từng cử chỉ, từng ý tứ. Nhớ hồi mới đi Dầu Hạ, tối tối anh với cô còn chăm chỉ đi tới nhà khách hàng đặng tư vấn đặng cố gắng huy động vốn. Anh chở cô đi tặng quà cho khách hàng, cô mặc váy nên đi đứng cũng khó khăn, anh ghé vai giành chút phần cực cho mình. Nhớ chở cô đi về nhà, đường từ Dầu Hạ về xa ngái, cô thả bên tai anh những điều như tui với ông có duyên quá trời ha, đi đâu cũng gặp. Nhớ lúc cô ngồi bên này tư vấn cho khách hàng mà anh bên kia cười rỉ rả vì hiểu nhau, vì biết là đang dụ lòng khách đó. Nhớ lúc lục trong tủ lạnh thấy trái bom Tàu má cô thòng theo mà cứ chọc cô miết vì thời đại nào rồi mà còn ăn cái thứ này. Nhớ cả những tối hai đứa ngồi làm việc, phòng về hết trơn chỉ có hai gương mặt già cỗi này lọc cọc gõ chữ với nhau, thấy mình thân hơn, hiểu nhau hơn từ những buổi làm việc đêm như thế. Nhớ cả những lần anh say, hú cô xuống mở cửa giùm, đường vô nhà vệ sinh phải ngang qua phòng cô, anh mượn cơn say giả vờ gõ cửa giả vờ kêu này kêu nọ đặng chọc cô mất ngủ. Và nhớ cả những lần anh xách xe chở cô về vì cô đi tiếp khách xa, uống đến mức không thấy đường về nhà. Nhớ luôn cả lần cô nhờ anh đi mua thuốc, cô bệnh mặt mày xanh lét anh nhìn sợ quá nên le te xách tờ giấy cô viết chạy ra nhà thuốc tây, mãi sau này anh mới biết đó là thuốc phụ nữ (anh chịu, chớ biết sao giờ vì mình là đồng nghiệp và bạn bè mà). Và cũng nhớ cả cuộc cãi vả gần đây nhất đẩy anh và cô đi về hai hướng không thể nào gần lại nhau được. Rồi thì cuối cùng thì ngày mai cô cũng sẽ đi, khỏi nơi này! 

Biết còn ai để anh giày vò mỗi bận bực bội nóng nảy trong người? Biết còn ai lâu lâu làm bánh, mấy cái bánh cô làm càng ngày càng lên tay, để bắt anh ăn rồi bắt anh phải khen? 

Biết còn ai mang theo quýt, để tối anh mần đêm có cái nhét vô họng? 

Biết còn ai nữa, để mỗi lần nhắc lại những ngày đầu tiên ở Dầu Hạ, có cô với anh là thuộc dạng "già cỗi nhứt vũ trụ này?". Bây giờ, anh thủ thỉ những câu chuyện một mình. 

Biết ai còn có thể chưa nói đã hiểu anh định làm gì? Và ai đó nữa, có thể hiểu cô định làm chi, khi chỉ cần cô chưa kịp nói. 

Biết còn ai đâu cho những nhắc nhở trong công việc, lúc nào cũng hối làm đi, làm chưa, méc sếp nghen! 

Và còn biết ai còn ai nữa cho những đoạn đường còn dài phía trước? 

Chia tay, lại phải chia tay một gương mặt người!

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Bởi yêu thương, là không chờ đợi!

Đang rúc đầu trong phòng thì cha gõ cửa, thằng con trai nhỏ bực mình nói con chuẩn bị đi ngủ rồi, cha có gì không? Cha nói xe con bánh sau mòn vỏ rồi, có gì đi thay đi để bữa nào đi trong xóm, nằm đường thì đẩy bộ chết! Bữa nay anh đổi xe với cha, tại đi mần mà chạy xe ga mau xuống xe quá nên anh nói với cha đổi xe ít bữa, đi coi thử ra sao! Lúc chiều về cha nói thôi đổi xe lại cho cha, bữa nay cha chạy thấy dằn quá, đau lưng. Lúc đó tự nhiên thấy cha mình già xọm đi mất, và tự nhiên muốn nói điều gì đó, với cha mình. Nhưng cánh cửa phòng cha đóng lại mất tiêu rồi, không quên với tay tắt công tắc đèn. Ở nhà dưới má đang bật Cô dâu 8 tuổi, cha chong đèn chắc lại đang ngồi viết cái gì đó. Chỉ có anh là đóng cửa trong phòng, theo đuổi những giấc mơ phù phiếm, kiểu như ngủ qua một giấc, thấy mình đang ở những nơi thật oách, chẳng hạn!

Lúc nhỏ, anh không thích cha lắm. Bởi cha đụng tới là xách cây đánh anh đến đi không nổi! Cha lại thương anh tư hơn, vì anh tư là con cầu tự, anh coi như thuộc dạng bể kế hoạch, cha với má định ngừng lại ở ba đứa con vừa đủ tẻ vừa đủ nếp rồi mà tự nhiên một bữa bụng má lồm lồm, rồi chín tháng và mười ngày cái anh chui ra, gọn bâng hai ký tám. Cha ít khi nào biểu anh lại, cho anh cái này hay cái khác. Cha được cái dữ đòn, đánh anh hoài đánh anh miết riết anh đâm ra sợ, so với má thì cũng dữ đòn nhưng má đánh xong thì sẽ dỗ anh bằng mấy cái bánh bò dừa hay cái hôn chụt chụt vô mặt. Anh lớn lên trong nỗi sợ mơ hồ chực chờ vì mỗi khi anh phạm lỗi, nhỏ hay lớn gì cha cũng sẽ phụt roi ra trước, rồi mới tính toán đúng sai thiệt hơn sau. Anh sợ cha, đâm ra xa cha từ hồi nảo hồi nào!

Và con trai thường thân với mẹ, có gì cũng dễ tâm sự, dễ nói chuyện, dễ sẻ chia. Những chuyện cỏn con cho đến những điều to lớn khác của cuộc đời, thường được đứa con trai rỉ rả dễ dàng với má. Nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng, anh khó tiếp cận với cha của mình hơn, trong cuộc sống, trong những lúc khó khăn, khi vui cười, khi trắc trở. Với cha, bao giờ cũng có một vách ngăn vô hình luôn ngáng giữa đường mỗi bận con trai định hỏi cha định làm thân với cha bằng một cách gì đó. Năm dài và tháng rộng, bất chợt một bữa trời mưa thấy cha mình ngồi lau cái xe để anh đi làm nhìn được con mắt một xí, biết đâu bỗng thấy cơn mưa kia như tắm mát hồn anh dịu dàng. Hay bằng một cách nào đó anh thấy được rằng cha của mình đã già, tóc cha đã bạc hết trơn, những đường gân hằn trên tay, những vết thời gian trên lưng, nếp nhăn dưới đuôi mắt, cái ho cũng không khẽ khàng mà ì đùng gõ vào tim anh đau nhói. Chiều đó mưa to, đêm nằm ngủ cũng thoải mái. Giữa đêm, lại giật mình tỉnh dậy. Thấy bao la cả một vùng trời, thấy cảm ơn cuộc đời vì dù qua bao mây ngàn gió biển bão táp phong ba, những ngọt ngào, những cay đắng, anh vẫn còn có má, và cha đi cùng. Những tháng ngày hạnh phúc!

Ai cũng nói cái mặt của anh, với cha nhìn y chang nhau, khỏi cần giới thiệu, dòm một phát, là biết. Cái dòng máu mủ ruột rà, là núm ruột của mẹ của cha sanh ra, nên tánh tình, cũng y chang nhau. Tánh anh cũng ngang bướng, thuộc dạng miệng ngon ngọt nhưng trong bụng khó chịu vàng trời. Cha cũng vậy, cha còn khó tánh hơn anh nữa. Cha ăn chay, nhưng không như má, cha ăn uống bày bản. Nếu nói cha gia trưởng, thì cũng đúng. Cha lại còn tự ái, ai nói động tới gì, là giận là hờn mác là năm ngày không thèm dòm mặt. Càng có tuổi cha lại càng khó, đến nỗi anh đâm ra mệt. Bao giờ có chuyện gì cần nói, nếu được, thì anh toàn nói với má. Bữa đó đi chơi, đi nước ngoài đàng hoàng, trốn việc, nên hụt trước quên sau, chạy xe đâu chừng tới Củ Chi, vía nhắc cái bực rằng có đem theo hộ chiếu chưa đó thằng quỷ? Thẳng quỷ nhỏ giựt mình, xóc ba lô đổ ra coi, đường quốc lộ buổi chiều hoang hoải, có một thằng anh lòng rối bời bời, bỏ quên hộ chiếu ở nhà mất tiêu rồi. Đành phải gọi cho cha, nói cha ơi cha đem xuống giùm con, không quên nhắc cha chạy cho cẩn thận, nhanh nhanh xí nhưng cẩn thận. Lúc tối mịt thì cha tới, hớt hơ hớt hải còn hơn anh, câu đầu tiên không phải chửi rủa hay cầm cây roi mà quất, chỉ đơn giản hỏi anh còn kịp hay không? Đi cho lẹ đi! Chắc là cha chưa kịp ăn cơm chiều đâu? Và chắc là đường về nhà bữa đó của cha sẽ càng thêm xa ngái, bởi thằng con lớn đầu rồi mà vẫn cứ hoài tâm hơ tâm hớt, đầu óc để ở đâu đâu. Vì sợ trễ nên anh lật đật cắm đầu chạy cho lẹ, quên mất tiêu một cái ngoái lai nhìn cha của mình. Con cái lớn lên chỉ biết có đi xa, đi mải miết. Đứa nào biết chuyện thì năm thì mười họa tạt ngang nhà rồi cũng đi biền biệt. Chỉ có cha với má là hoài đứng yên đó, dòm theo dõi theo con mình cho đến suốt cả cuộc đời. Những chuyện nhỏ nhặt nhưng đôi khi nhắc lại, thấy thương ông cha già khó tánh nhưng khi cần vẫn dành cho con mình yêu thương và hy sinh vô bờ bến. Những hy sinh ấy đâu cần chi tính toán thiệt, hay hơn!

Anh nhớ lúc nhỏ, quyển sách đầu tiên anh có, là do cha mua về, truyện tranh thôi, quyển Nhị thập tứ hiếu. Anh mê muốn chết, chưa biết chữ nhưng dòm tranh thôi cũng đủ khoái. Cái thời non trẻ thiếu thốn đủ bề, cuốn sách nhỏ mỗi ngày được bưng ra cả trăm lần, dòm hình, rồi hỏi người lớn nhờ người lớn đọc cho nghe, kể cho nghe đến mức thuộc luôn lúc nào không hay. Rồi những đêm tắt đèn dầu đi ngủ sớm, cha sẽ kể = những câu chuyện như Quan Âm Diệu thiện, Bồ tát phổ độ chúng sinh... Anh mê nghe lắm, cứ đòi cha kể miết. Cha lại hát hay, lên câu vọng cổ ngọt như mía lùi. Anh lớn lên cũng từ những bữa buồn buồn cha mở ra-dô hoặc ôm đờn tỉnh tình tang xề u liêu cống như thế. Bữa nay cha ca hết nổi nữa, câu vọng cổ xuống xề nổi hột. Thấy mây bay qua thềm, và cha, rồi cũng đã già!

Từ đận cha đi ngồi tộc, năm thì mười họa cha mới trở về nhà. Mới đầu lúc cha quyết định đi, anh cũng cản, kiểu như nhà đã không có ai, mà đi mần chi, không biết? Nhưng má lại khác, má nói cha bây già rồi, muốn mần gì làm gì thì cứ mần đi, cản mà làm chi, cứ để ổng vui, là được. Má hồi trẻ nóng tánh một cây, nhưng càng về già má lại đâm ra dễ. Cha thì ngược lại, hồi trẻ dễ, sau này rốt cuộc lại thay thế má, làm ông thần giữ cửa của cái nhà nhỏ này. Anh thì lấy gì để cản cha mình đi mần việc thiên hạ, đi làm đạo. Thì thôi, coi như cha đi mần phước, cái hậu sau này, cũng con cái, cũng là anh hưởng, chớ ai vô đây. Anh không cản cha nữa, chỉ âm thầm dõi theo những bước cha đi. Miễn cha thấy vui, là đủ rồi! Lời hoa mỹ, với cha thì có bao giờ anh nói được, nhưng trong thâm tâm, cha mình, kiểu gì vẫn là chỗ dựa vững chãi nhất không bao giờ dời đổi. Cái đèn trong nhà tắm bị hư, lafone lâu ngày bị dột, xe cần thay nhớt, bàn thờ phải đánh vẹc ni.... mấy cái chuyện nhỏ nhặt đó, vẫn phải là bàn tay của cha rớ vô, mới xong. Anh thấy mình dở tệ, dở vô cùng vì đáng lẽ ra, mình phải là người thay cha mần những chuyện như thế. Nhưng ai mà biết được đâu, cái đứa này nếu thay cây viết bằng những thứ khác, còi cọc mạnh mẽ hơn, thì thôi, nói chung khó quá, cứ tự tiện bỏ qua, cho rồi!

Nhưng đến lúc anh thấy cha mình già, và mình cần phải lớn, là bữa đám giỗ. Nhà làm đám giỗ chay, thì bởi ông bà cha má ăn chay trường hết trơn nên đâu làm mấy món mặn cho đặng. Bữa đó là ngày đàn, cha lo việc cúng kiếng bên Thất, không về. Me già thì lụm cụm, bệnh vừa xong nên chuyện nhỏ chuyện lớn anh đứng ra lo. Mấy chị có chồng lo chuyện bếp núc, làm chay nên cũng hổng có mần gì nhiều nhặng. Lúc bưng lên bàn thờ, lúc sắp sạn cúng ông bà và đất đai nhơn trạch, tự nhiên anh đâm ra lúng túng như gà mắc tóc. Cầm cây nhang mà không biết vái ra làm sao? Cúng đất đai phải năm chén cơm đốt ba cây hương, bàn thờ ông bà phải để bốn cái chén, rồi tuần trà tuần rượu tuần nước trắng phải canh châm như thế nào. Lễ nghi nhiều vô thiên lủng. Cha thì đang cúng đàn nên đâu điện gọi hỏi được nên thì thôi nghĩ gì vái nấy, sơ sót thì cũng mong ông bà đất đai khuất mặt khuất mài bỏ quá cho. Nói thầm trong bụng khi nào cha về thì phải nhờ cha chỉ lại mới được.  Lúc này đây mới thấy cha mình là một kho kiến thức vô tận, những chuyện không phải vĩ mô, nào có phải trời cao đất dày, cần học hành bài bản mới thấm được, chỉ là những chuyện lặt vặt nhỏ xíu nhưng khi chánh thức bắt tay vô mần rồi mới biết, khó vô cùng. Con trai vẫn cần phải học ở cha, nhiều!

Như những lúc giận hờn những bãi bồi triều cường lên và xuống. Anh với cha đôi lúc hậm hực với nhau vì những chuyện đâu đâu! Nhưng ai mà biết được còn có bao lâu nữa. Chỉ cần thấy cha mạnh giỏi là đã vui vẻ rồi. Thứ gì đâu mà đối xử bất công, sẵn sàng nói lời yêu thương tha thiết nhớ với má, nhưng nào giờ chớ hề nghe nhắc đến cha mình bao giờ. Phũ phàng đến nỗi một bữa nóng ngu người có đứa rắn mắt hỏi bộ cha của anh mất (quở miệng) hay nhà anh ba má ly dị hay sao mà chả bao giờ nghe anh nhắc đến cha. Anh nghĩ trong bụng mà tức cành hông nhưng biết sao cho được. Và như vậy đó thì những câu chuyện tủn mủn lặt vặt của gia đình ra đời. Công nhận là cũng khó thiệt để rớt ra những chữ như thế này, bởi đã qua rồi cái thời yêu thương được nhỏ ra từ trang giấy. Điều quan trọng hơn, anh nghĩ rằng nếu yêu thương thì phải trân trọng, cụ thể bằng hành động. Đơn giản như chiều nay chạy về nhà, mưa nhưng nghĩ để ghé mua cho cha mình cái áo mưa mới, hổm nay chần chờ vì nghe đâu cơ quan phát áo mưa nên dù thấy cái áo mưa cha mặc cũng đã rách teng beng rồi vẫn chưa mua được cho cha cái áo mới bận đi xóm mấy bữa trời nhễu hột. Chắc bà bán hàng áo mưa cũng vui, tự nhiên thằng kia mặc cái áo mưa đen thui bự chảng ghé vô hỏi mua thêm một cái áo nữa, loại tốt tốt xí để xài cho bền. Những cái đó gọi là không chờ đợi. Yêu thương mờ, dù bằng lời hay bằng hành động, cũng không nên chờ đợi. 

Bởi biết đâu, gió lại cuốn đi hết trơn, chả để lại vết tích gì đâu, nghen!

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Đi về, nhớ xứ Nhỏ, mà thương


Lúc móc cây viết mực nước ra vội ghi cho gia đình anh Thắng vài dòng cảm ơn vội vã, anh nghĩ trong bụng trời ơi nếu có một điều ước thì anh chỉ nhoi nhỏ mong mỏi rằng hôm nay là ngày thứ sáu, để mình vẫn còn đang rộn ràng với chuyến đi, ước rằng kết quả trận cầu đừng phũ phàng như thế, và những cuộc gặp mặt sẽ không chóng tàn. Anh nằm dài trên ghế ngồi chờ ở sân bay, sau những thẫn thờ cho ngày vui qua vội. Ngoài kia thì mưa đang bay. Lòng anh cũng thẩn thơ cho những nhớ thương dành cho những người bạn của xứ Nhỏ này. 

Anh Thắng hay kiểu rủ rê, qua đây chơi với gia đình nhà anh, ăn ngủ anh bao hết. Bữa đó, cũng ngày thứ sáu trước ngày anh đi chơi ở xứ Trùng dương, anh Thắng lại nhắn, biểu nước mình vô bán kết rồi, qua đây chơi coi đá banh đi. Anh nói khoan đi đại ca, cái gì cũng từ từ, phải có thời gian suy nghĩ chớ. Ông anh già tìm luôn cho vé máy bay, book một cái chát, đưa anh bạn nhỏ vào cái thế không thể nào từ chối được nữa. Thì đi, đi coi ủng hộ xứ quê nhà, sau lại đi thăm bạn bè. Bạn ở Xứ Nhỏ này nhiều vô thiên lủng, mà đi ít ỏi quá nên im re nào dám hú hí gì ai, vì sợ, thời gian lúc nào cũng là không đủ cho những tình cảm bạn bè. Anh thì bao giờ cũng ngại làm phiền người ta, kiểu như lỡ báo tin bữa nay qua Xứ Nhỏ chơi, nhín chút thời gian cho anh với nghen, mà lỡ đâu bạn bè có việc bận (dù bận thiệt, hay giỡn, ai biết được) rồi lại phải dành ra nửa ngày hay vài tiếng đồng hồ đặng dắt anh đi đây đi đó, ăn uống thăm hỏi. Sợ phiền người nên thì thôi chuyến lăn này anh câm như hến, xách đít lên đi, rồi về! 

Lúc cả gia đình hừng hực khí thế chuẩn bị áo nón cờ decal ra khu sport Hub ủng hộ đội nhà, anh nghĩ đây là nhà mình, chớ nào có phải nơi nào xa lạ đâu. Bọn anh chuẩn bị sẵn cờ, decal quốc kỳ, băng đô và áo thun nữa, dành tặng cho những cổ động viên nào mắt tẹt và da vàng, đi tình tang lang thang nếu có nhu cầu cần trang trí thêm chút đỉnh cho lòe loẹt cùng thiên hạ, thì gửi tặng họ. Những người xa lạ có thể là lần đầu gặp nhau, chưa nói chuyện được một câu, nhưng có hề chi, chỉ đơn giản là ới nhau Phải Việt Nam hôn? Vô đây? Thế là anh sẽ dán lên má họ một lá cờ, sẽ cột hộ lên đầu họ cái băng đô đỏ thắm, cờ tổ quốc và áo thun do không có nhiều nên ai cần thì mới được bưng ra. Anh chạy qua chạy lại ở trước cửa sân vận động, nhìn những gương mặt người, là người nhà mình, là tộc mình, là tất cả. Chưa bao giờ anh vơi tự hào vì mình là người Việt Nam mũi tẹt, mắt hí và da vàng. Trận cầu diễn ra lúc trưa, nắng và nóng vì dòng người đổ về dự khán. Khán giả Burma đông hơn mình nhiều lắm, vậy nên lại càng trân quý nhau nhiều hơn. Những du học sinh, những người lặn lội từ quê nhà, có người từ Malay đi qua, có người là chồng là vợ của những người mang quốc tịch Việt, những người lớn, những em bé, những người đã già, cậu thanh niên trẻ.... tất cả tạo nên một cái không khí cội nguồn vô cùng đặc biệt. Có bưng hết những ràng buộc những nghi ngại về cuộc sống ra phía sau lưng, mới cảm nhận hết cái luồng không khí ấy. Ở chỗ cửa soát vé, một anh bạn người Việt sang chưa kịp mua vé, hỏi bọn anh còn vé dư hay không? Bọn anh bảo không, nhưng chỉ sang những người bán vé dạo bên ngoài sân vận động. Chút nữa thì ông anh đấy cầm tấm vé vào cổng, anh hỏi mua vé được rồi à? Anh đó cười, nói được rồi nhưng hơi lo, vé này không biết vào cửa được không? Hỏi tại sao? Ảnh nói vé này do người Việt bán. Anh thấy mất cảm tình dễ sợ? Trời ơi cái vé có bao nhiêu tiền? Mười đô, hai mươi đô không lẽ người mình vời người mình lại đi đen đỏ với nhau, mà mần chi? Anh tự nhiên thấy mất hứng, nói không sao đâu, anh cứ vào đi, mình đều là người Việt mà! Thì bởi, mình đều là người Việt Nam mà! 


Anh Thắng tối nào cũng dắt anh ra quán cơm tấm Việt Nam ở Kitchenner Road, rồi sau đó sẽ ngồi cho đến khi trời gần sáng, mới chập choạng đi bộ về nhà. Ở quán cơm đó, có cô bé phục vụ, làm ca đêm, từ Việt Nam sang. Em người Bến Tre, da trắng tóc ngang lưng và nụ cười rạng rỡ. Hai đêm liền, đêm nào anh cũng cười muốn bể bụng vì những câu chuyện được chăng hay chớ của mấy gương mặt đồng hương của mình nơi Xứ Nhỏ này. Mấy anh em toàn gọi cơm trắng, thịt kho tiêu, canh nữa, và nước mắm. Món ăn thì để gọi là ngon là làm sao ngon bằng cơm má nấu được. Nhưng ăn uống có là gì khi ngồi chung mâm với mình là những gương mặt thân quen ruột rà, khi mình chấm miếng nước mắm là mình thêm vào câu chuyện kiểu như mùng năm tháng năm nhà em chôm chôm chín rộn lắm, mà em không về được, hổng biết ai trèo cây hái, thế là nước mắm chan cơm trắng cũng tự nhiên mắc ngon. Rồi cái kiểu ngồi một chút thì anh em chạy ra đường đốt thuốc, anh không có thói quen hút thuốc nhưng lâu lâu làm một điếu cũng được. Thấy cuộc đời cũng gọi là có thêm chút vị lạ. Như ở quán cơm Việt Nam này, khuya thiệt khuya có mấy chế người Việt đi vô ăn, nước hoa rẻ tiền sực nức, tóc vàng tóc đỏ môi bầm đỏ choe choét. Mấy anh em chỉ nhìn nhau cười, là chua chát là đeo lên những gương mặt sượng sượng trân trân vì, ờ vì tụi mình cũng đều là dân Việt Nam hết. Ủa, mà mắc gì phải sượng sùng, ai cũng có cuộc đời riêng, ai cũng phải sống. Mắc gì phải ngượng ngùng, giùm ai? Biết đâu, ở quê nhà có một me già, một bầy trẻ, cũng từ những chắt chiu nhọc nhằn đó, mà sống được! 

Cái cảm giác, cuối cùng khi còi vỡ trận vang lên. Mọi người, những người Việt đều ngồi lại, cú xụ ủ rũ vì thua trận nó bẽ bàng và buồn thê thảm. Anh nhìn ngược lại phía khán đài, chỗ anh ngồi tập trung rất đông cổ động viên mình, những gương mặt không thể che giấu nỗi buồn. Ai cũng không thể tin nổi rằng đội nhà đã thua, một trận cầu mà mình đá trên chân, đá nửa sân luôn mà cuối cùng, cái quan trọng nhất là bàn thắng, lại không có. Cuộc chơi nào, rồi cũng phải có kết thúc. Người thắng hân hoan, người thua thì bẽ bàng. Những gương mặt phờ đi vì mệt vì đã hết mình để cổ vũ. Khán đài đâu lặng tiếng rộn ràng, chỉ có những trái tim của mình thì tan nát hết rồi. Là lý do để anh đi sang đây, là lý do của chuyến đi này, thế mờ cuối cùng anh lại tận mắt chứng kiến trận thua này! Nhiều năm trước, và nhiều năm trước nữa, bao giờ đội nhà ra trận cũng đều khấp khởi hy vọng, có chê đó có dè bỉu đó, nhưng gót chân của đội nhà mình lúc nào cũng có đôi mắt anh dõi theo, hy vọng và đợi chờ. Lại thêm một lần thất bại, lại thêm một lần chiến thắng vụt qua kẽ tay. Lần này thì anh trực tiếp chứng kiến. Đau đớn nào hơn? Lúc tan trận rồi, mấy anh em lủi ra ngoài khu công viên trước Sport Hub, từ đó, phóng tầm nhìn ra vịnh Marina, mây vẫn bay, gió vẫn thổi, nắng nhạt nhòa. Chỉ có tim là tan nát mất rồi. Một anh công nhân đi qua, thấy bọn anh mặc áo đỏ thì lắc đầu đánh rơi một câu chuyện, buồn não nề. Anh đi từ Malay sang, thức lúc ba giờ sáng, xin nghỉ việc một ngày, bây giờ thì thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa! Nói thì nói thế thôi, cuộc sống vẫn tuần hoàn, vẫn nước chảy mây trôi hoa rơi nắng gió. Nhưng đâu có nghĩa là không được buồn? 


Sáng chúa nhựt, anh ngủ tới mười giờ rưỡi mới dậy, cả nhà đã đi vắng. Ngồi lại một mình, anh sắp sải lại mớ của nả hôm qua đi chơi về trễ rồi lúc về nhà, mệt quá cứ bày bừa ra đấy. Chiều nay thì anh phải trở về. Trưa có hẹn đi ăn với một người bạn. Từ nhà đi bộ ra Bugis chưa tới mười phút, xách theo quyển thơ mới, cầm ra MRT, vừa đứng đọc vừa ngóng bạn (Điện thoại đem cất, hôm trước vội quá nên đâu kịp xách theo cái sim xứ này, nên qua đây, ra khỏi nhà là coi như trở về với cuộc sống nguyên thủy, không có sóng điện thoại, không mặt sách, không insta, cũng may, vừa nhận được Mỏ neo nên có bạn đồng hành). Sáng hôm ấy trời mưa, trước khi đi anh Thắng nhắc có đi thì xách cây dù theo, khỏi sợ ướt. Lúc ở nhà, do dậy trễ nên anh vội vàng đi mà quên mất tiêu, cũng sợ, muốn quành lại mà sợ trễ nên đành nhắm mắt đi cho lẹ, có gì thì tìm chỗ nào đó, kín kín gió, đứng trú. Bạn anh cũng đang làm việc nơi xứ Nhỏ này. Nơi này, theo lời bạn, hiện đang thắt chặt tuyển dụng lại, mấy ngành văn phòng, ngân hàng, bảo hiểm hồi trước hút dân ngoại lắm, bây giờ khó nhằn hơn nhiều rồi. Bù lại mấy ngành khác, kỹ sư chẳng hạn, thì dễ thở hơn. Bạn anh qua đây làm cũng hơn một năm, chúa nhựt được nghỉ, bắt MRT lên Bugis dắt anh đi vòng vòng. Chưa bị kiến cắn bụng nên đi loanh quanh mấy khu mua sắm, tháng sáu, mùa giảm giá đậm đà nhứt năm của Xứ Nhỏ nên đi đâu cũng ken chật người hết trơn. Bạn bảo, cái xứ này là vậy, người đi ra đường, ngoài đi mua sắm, thì còn biết đi đâu. Anh nghĩ trong bụng, cũng đúng thiệt, xứ gì có chút béo, đi một vòng là hết. Đúng là đi một vòng, thì hết thiệt, là hết tiền thiệt. Mùa giảm giá, anh gặp cái gì cũng thấy mê, kiểu như định mua cái này, mua cái kia, đã tính trước từ hồi ở nhà rồi, nên qua đây, gặp cái gì, cũng muốn thử, thử rồi, lại muốn lấy. Hồi sau, móc thẻ tín dụng ra cà, méo hết cả mặt. Bạn đứng ngoài kia, lạnh quéo râu vì chờ, anh thấy cũng kỳ, nên thôi nói bạn ráng ráng, năm thì mười họa mới có dịp anh sang chơi, biết làm sao, ráng nghen! Trời ngoài kia thì cứ u u như bông mù u rụng trắng trời buồn não nề thúi ruột, thấy quờn quờn bụng thì lủ khủ xách đồ đi ăn ramen. Ăn ramen xong thì bạn dắt đi vô thư viện quốc gia của xứ này. A, xứ này thì nhỏ thiệt, nhưng cái thư viện thì bự vật vã, to đùng. Ngày chúa nhựt, lại ngay dịp có tuần lễ đọc sách gì đó, bọn trẻ con bu cũng đông. Anh giả vờ bay vô, lật lật sách, nhớ hồi đâu chừng chục năm trước, nhà xa, nhưng mê đọc sách, hổng có tiền mua, nên lúc rảnh là đạp xe lên thư viện tỉnh, mượn sách về đọc. Cái thư viện ba từng lầu, nằm giữa một con đường mới mở thuộc khu đất mới dời về, ở đó có những bữa trời mưa anh ngồi trên phòng đọc sách ở lầu ba, đọc miên man biết bao nhiêu là quyển thơ mới, có cả tiểu thuyết nữa. Hồi đó anh ôm nhiều mơ mộng. Hồi đó, thoắt cái cũng cả chục năm rồi. Rời thư viện thì rủ bạn đi vô Starbuck. bạn uống cái kiểu gì đó mà bị săc cà phê, muốn ói, hay ai biết nữa, chắc chán đi với anh rồi nên đòi về. Dòm đồng hồ, cũng đến giờ sửa soạn ra sân bay, tại đó, anh chia tay bạn rồi quay ngược về nhà. Đường về nhà, chưa đầy một cái sải tay! 

Nhưng kiểu gì cũng nhớ như in cái cảm giác lúc đội nhà mình đá vô một trái, hồi phút sáu mươi mấy. Cái cảm giác lâng lâng sung sướng tột đỉnh đó, chỉ chia sẻ được với tất cả những ai có mặt trên sân. Không phân biệt già trẻ, dù lớn dù bé, dù trai dù gái gì, cũng đều nhảy cẫng lên, rú rên la hét không còn biết dùng âm thanh gì để giải phóng cái sướng nữa cả. Sự hân hoan say men vì chiến thắng, là chất xúc tác mạnh nhất, giúp cho con người dễ dàng đến được với nhau. Nhắc lại mới nhớ, hồi đận năm 2008, đội nhà mình vô địch, anh cũng hòa chung vô dòng người đổ vô thành phố. Tối đó, chạy nhong nhong khùng điên đến ba giờ sáng, cái nồi trong nhà sáng ra thành cái dĩa, giọng nói thành một cái gì đó ché ché chớ nào phải tiếng nói mình đâu. Men chiến thắng chảy tràn thành một cơn bão giúp mình dễ dàng buông thả mọi thứ. Sau bàn thắng đó, tất cả đều chắc ăn rằng đội nhà sẽ vào chung kết. Anh thì chắc ăn tối nay về phải đổi lại vé máy bay, coi xong trận cuối rồi về. Nhưng chuyện đâu thể dễ dàng như thế. Nếu đã như thế, thì mọi chuyện đã khác rồi! 


Anh gọi một ly cà phê nóng. Máy bay chuyến chiều lạnh te tái. Ai cũng ngồi co ro trong ổ của mình. Anh cũng giở đến tận trang cuối cùng của Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời. Anh thích đọc thơ lắm, những câu thơ gợi nhiều hình ảnh, lời ít ý nhiều. Hồi xa xưa anh nghĩ nếu mình thất nghiệp mình sẽ đi làm thơ, ngày ngày thanh cảnh viết thơ thưởng hoa uống trà và lãnh nhuận bút, mà sống. Sau này, anh phát hiện ra thơ hổng bao giờ là dễ. Chắt chiu từng giọt cảm xúc để kết tinh trong từng câu từng chữ. Dạo đó, anh chuyển qua viết nhăng viết cuội, khùng điên mà lơ đễnh hết năm tháng trôi qua rồi. Và chuyến đi này anh đem Mỏ neo theo làm bạn, một quyển thơ, ngắn ngắn dễ thương mà ý nhị thâm trường. Những câu chữ cuối cùng. Lúc gấp sách lại, anh nhìn ra ngoài cửa máy bay, chả thấy gì ngoài cái cánh máy bay chớp tắt đèn hiệu. Lúc đó, anh biết rằng mình đã lại trở về nhà. Sau một chuyến đi ngắn ngủi có quá nhiều đợt cảm xúc. 



Và cũng như sóng, cảm xúc đôi khi thầm lặng, đôi khi cuộn trào làm anh ngắc ngoải không thôi!

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Lơ lửng xứ Tim




Nằm đọc mê muội Chờ em đến San Francisco của Thụy, kiến cắn bụng, định đi ngủ rồi nhưng đói quá, nên lóc cóc lôi từ trong tủ lạnh ra gói cốm mang về từ xứ Tim mấy ngày trước. Vừa nằm vừa nhóp nhép nhai vừa đọc sách, tự nhiên hứng lên lại nhớ về nơi này! Mưa nắng dãi dầu, một chuyến đi có quá nhiều thứ phải làm, quá nhiều người để thăm hỏi, có quá nhiều thứ để bắt tay chạm vô sờ, nắn, níu kéo. Đã qua rồi cái thời thương yêu được nhỏ ra từ những con chữ vô vị! Mới đầu, anh định là sẽ giữ nguyên những ký ức về xứ Tim ấy,trong lòng mình. Nhưng rồi biết đâu bỗng tự dưng ăn cốm làng Vòng, đọc sách diễm tình của Thụy (một người cũng đầy tự cao, tự tin, đi nhiều, học cao...) nên đâm ra quờn tay muốn viết một hai thứ gì đó! Cho xứ Tim này!

Anh thì đi có một mình. Theo đúng điệu hứng lên là đi! Đầu tháng năm anh đặt vé, giữa tháng năm anh xách đít lên và đi! Mưa tháng năm rớt hột vào cái ngày anh đặt vé ấy, một bữa trưa nắng Dầu Hạ xổ lồng, tối đó trời mưa. Ai biết có điềm chi không, nên thì thôi, đành nhắm mắt mà quất đại! Đôi khi ngẫm nghĩ, thấy sao mình có thể đủ dại khờ, để cho mất tiêu những lặt vặt nhũn nhặt đời thường, công việc đăng đăng đê đê, sếp thì bao giờ cũng áp chỉ tiêu, đồng nghiệp thấy trình đơn xin nghỉ phép thì nói thầm trong bụng thằng này lại đi nữa, đi mãi! Ngày cuối cùng trước bữa lên đường, bặm hơi trình cho sếp đơn xin nghỉ bằng một nụ cười chứa chan tỏa nắng. Sếp nói, đi đâu thế? Anh trả lời, nhẹ tơn, dạ không, nhà có việc bận. Hiền ngoan như chưa bao giờ lầm lỗi. Chiều đó, anh xách xe máy vượt trăm cây số xuống Sài, ở sân bay, kịp ăn một thứ gì đó người ta gọi là phở, có thịt bò, có ít rau và bánh. Trong cơn đói trệu trạo, anh thấy mình đang nhai nuốt và ngấu nghiến một thứ gì đó dở tệ. Chuyến bay đêm hạ cánh lúc mười giờ rưỡi tối, mưa cũng vừa tạnh ở Xứ này! 
Mưa. Chị gái nhắn tin nói mưa vừa dứt đó, em tới chưa? Ông anh trai quen cũng hỏi, mày tới đâu rồi? Liệu hồn kiếm đường về nhà đi, thiệt tình, toàn đi một mình, hổng biết vui vẻ kiểu gì. Mưa thì lạnh, lất phất liêu xiêu rớt vào lòng anh những mịt mùng. Nhờ có những lời hỏi thăm, chửi bới vu vơ đó, mà ấm lòng trở lại! Anh xách ba lô chạy lên xe bus, tan vào đêm để trở về nhà. Anh gọi xứ Tim này là nhà, vì đã từ lâu lắm rồi, có hẹn ước với nơi này! Ngồi trên xe, thói quen lại tót xuống băng ghế cuối! Mệt mỏi rã rời, anh trôi trong những lằn ranh chập chờn của cái chuyến bus đêm vào trong thành phố đó! Sáng hôm sau, anh dậy sớm, đi bộ giữa băm sáu phố phường Xứ Tim, ghé lại một quán cóc ven đường, ăn thật chậm món bún dọc mùng nổi tiếng, ăn thì ăn thôi chớ anh thuộc dạng dễ tính, ăn gì cũng được, no bụng là đủ rồi! Cái ý thức mở mắt ra thấy mình đang ở nơi khác, một nơi thiệt xa cái không gian mình đang ở, lúc nào cũng đem đến cảm giác sung sướng khó tả tuyệt vời. Cảm giác ấy, cho anh biết là anh đang sống, chớ nào phải trôi!





Tim tháng năm thì oi vô cùng. Đã từng được người ta dằn mặt trước, theo cái kiểu trong Nam nắng thì gắt vậy thôi chớ còn lâu mới bằng cái oi nồng của nắng xứ Tim này. Anh thì dại khờ mà, nên ai nói gì nghe nấy, ai biểu gì, tin nấy! Nhưng có thực tế trải qua rồi, mới biết là người ta nói thiệt, tin tưởng nhau đi, niềm tin - thời buổi này đúng là heo hút lắm, nhưng niềm tin mỏng manh dễ làm cho người ta đến với nhau hơn, trong công việc anh hay làm như vậy, tin vào lòng người. Và nắng xứ này không gắt gỏng chỏng chao như nắng xứ quê anh đâu, nhưng nóng thì vô cùng tận. Bữa đó, anh dang đầu trần chang bang đi xuống bến tàu, nắng nhảy múa trên gương mặt đen sạm của anh, nắng cười hỉ hả, nói vui quá ha, cười lên đi nào! Cười gì nổi giữa những bập bùng nắng nôi như thế. Nắng mùa này trở thành đặc sản, để nhiều khi nói về nơi ấy, nghĩ về nơi ấy, anh sẽ thè lè lưỡi ra mà than thở, nắng chi mà dữ dằn vậy nè trời!

Cũng không thể nào quên được một buổi tối mấy bạn già đèo nhau trên phố. Chạy lên cầu Long Biên, tìm một chỗ khuất ngay giữa cầu, kêu mấy ly trà chanh, một đĩa hạt hướng dương rồi kể chuyện ma cho nhau nghe! Mấy gương mặt mê mải chạy qua, đêm đó thì màu nhiệm quá. Anh nhớ như in lúc vịn tay trên thành cầu, lưng tựa vào lan can cây cầu sắt rỉ rả, đèn trên cao hắt bóng lẻ loi, mấy hột hướng dương kêu lách tách, những vòng khói thuốc chưa kịp tượng hình đã bị gió sông thổi bạt mất. Và tiếng những người ngồi cạnh bên rót vào tim biết bao nhiêu những ngọt ngào! Lúc chuông nhà thờ đổ báo hiệu ngày mới, muốn hét lên rằng đã qua một ngày mới nữa rồi, ngày xa Tim lại gần thêm nữa rồi. Chị bảo nơi này chưa xa đã nhớ, chưa về thì đã yêu! Anh hoàn toàn đồng ý như vậy!

Là một ngày đội nắng trên đầu, với một ly rượu vang được gia đình bác người Anh mời vì dạy họ vài câu tiếng Việt cơ bản ngay giữa Vịnh Hạ Long. Là một ngày rơm rạ với nước vối chè lam thơm thảo, giữa những nếp nhà đong đầy dấu thời gian, đi mà nhẹ nhàng vì sợ để rơi mất một khoảng khắc nào đó của làng cổ, âm thầm tiếng chuông của nhà thờ. Là những gương mặt bạn bè, những người đã chờ mình để dắt đi ăn một món ăn thiệt ngon mà nhiều năm trước đã từng buôg lời hứa hẹn. Là những trái mận chua chua được bạn nhờ người gửi cho, bạn thì ở xa, nói chắc còn lâu mới về lại Xứ Tim này, nên nhờ người nhà quẩy lên cho một đống mận, trĩu luôn cả vai vì một ân tình. Là mưa ở xứ này, cơn mưa trắng trời làm hơn nửa đêm mới trở về nhà. Và hơn tất cả, nơi này còn có quá nhiều thứ để khám phá, để yêu thương. Nên thôi thì cho những ngày ngắn ngủi, cho những yêu thương không vội, cho cái đêm nhiệm màu và điếu thuốc đầu tiên của cuộc đời, cho tất cả. Cho trái tim. Cho xứ Tim.


Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

Mây gió trở trời, nói chuyện đâu đâu



Mười hai năm đi học, dù lười biếng cỡ nào, anh cũng cố gắng viết bằng bút mực hero. Màu mực tím theo anh lớn lên cùng năm tháng. Bữa có người khen viết chữ đẹp, anh nói cũng bình thường mà, mà trong bụng cười phớ lớ, nét chữ là nết người. Người chữ đẹp, đa phần thường tốt tánh, anh nghĩ vậy!

Má anh không nhiều chữ, nhưng nghiêm khắc. Hồi anh mới đi học, mới tập viết chữ thì phải viết bút chì đã đành, nhưng khi bắt đầu quen mặt chữ rồi, thì một hai bắt chuyển qua viết bằng bút ngòi. Hồi xa xưa đó, tập vở trang giấy đen thui, bìa vở có hình con nai, giấy kẻ ô xấu quắc. Tuổi thơ của anh lấm lem trong mấy cái mảng màu tím rịm của mực Thiên Long. Nhớ hoài mấy trận chiến của tụi con nít, ghét nhau giận nhau toàn lấy bút ngòi ra quẩy mực lên áo. Nhiều bữa đi học về má nhìn hổng ra vì mặt mày xanh tím thấy mà ghê. Mực thì ngày một ngày hai đã phai, chỉ có kỷ niệm nghịch ngợm hồi còn mầm đậu đó, bao giờ mới vơi mới cạn cho đặng?

Cấp một thì má bắt, cô giáo bắt viết bút mực, đặng rèn cho cứng tuồng chữ, để bàn tay con nít lóng ngóng lịu nghịu vỗ được nét chữ hòm hòm đi! Lên cấp hai không còn ai bắt phải viết bút hero nữa, nhưng ai biểu đi học ở trong chùa, trường trăm năm nên kỷ luật thép, bắt tụi trò nhỏ đi thi phải viết bằng bút mực thì mới được chấm bài! Mầm non mới nhú cũng chưa quen với việc lả lướt bút bi, nên mỗi bận đầu năm học lại lót tót ra nhà sách sắm cây bút ngòi mới, cái nắp bằng đồng sáng choang, nhìn đã con mắt gì đâu! Rồi cũng học đòi theo tụi con gái, giả bộ kỹ lưỡng được dăm ba bữa. Kỹ lưỡng theo cái kiểu nhờ má đan cho cái đồ đựng viết bằng len, bỏ cây bút mực vô để giữ cho cái nắp hổng có trầy, lâu ngày đem ra vẫn rực rỡ tàn bạo. Mấy lần làm thử thấy cũng hay hay, vui vui, lâu lâu bưng cái bao ra chùi cái vỏ viết, mà làm biếng giặt, nên cái bao len đựng viết lâu ngày hôi rình. Bữa đi học móc ra sợ quá, giờ ra chơi lén lén đem vứt vô thùng rác. Cái nắp viết trở lại với cái công việc thường ngày, để dành cho mầm đậu lúc quỡn tay thì lật lên lật xuống, kỹ thuật đầy mình. Cây bút mực, bị anh đè riết tà ngòi. Sao cũng được, nhưng ráng xài cho hết năm học, hổng thôi xin tiền mua viết mới, sợ má la!

Mực để viết cũng phải có xíu cái gọi là bí mật gia truyền, hòng làm cho màu mực tươi, chữ viết thêm đẹp. Mỗi năm mầm đậu lớn thêm một lớp, mua thêm một cây bút hero mới, lại thêm một bình Thiên Long mới. Mầm đậu thì trung thành, bao giờ và lúc nào cũng chọn bình mực Thiên Long loại chai sứ nhỏ nhỏ đựng trong hộp giấy, mùi thơm dịu mắc ngây mới chịu. Bình mực cũ của năm học trước, xài chưa hết được mầm đậu bưng ra sử dụng lại. Mầm đậu mà, chơi ăn gian, đi học hay giả bộ chưa bơm mực nên nhờ bạn cho xí mực xài ké, bình mực xài cả một năm ít khi hết. Hai bình mực đó được chan qua, một tí mực mới, một tí mực cũ thêm một chít nước, quao lại với nhau thành ra mực không quá đặc, chữ viết vì thế cũng tươi hơn, chạy ro ro trên mấy trang giấy trắng học trò. Mầm đậu cũng kỹ lưỡng, viết bài cũng rõ ràng, hay có cái kiểu nếu chép bài không kịp thì biên ra nháp, sau đó về nhà còng lưng chép bằng viết mực lại, đặng vở đẹp. Má nói bây viết chữ đẹp còn có hứng học bài. Mà cái thằng bây hồi đó cũng nghĩ y chang vậy, vở sạch đẹp, rõ ràng học bài mau thuộc hơn.

Bài nhiều khi chưa thuộc thiệt, nhưng ai viết bút ngòi nhiều, sẽ biết, ngón áp út bao giờ cũng bị phù lên, vì đè nhiều, da tưa lên, có bữa chép bài nhiều quá, da bị tróc, rướm máu, đau muốn chết. Lên cấp ba, đã hiểu chuyện, dòm qua dòm lại nguyên cái lớp của anh chỉ còn vài ba đứa viết bút mực. Anh lại càng trân trọng, ít là quý, phải giữ gìn, chữ cũng cứng cáp, nhưng viết bài vẫn bị chậm. Lúc đi thi, đau khổ hơn vì bạn bè viết bút bi, viết ro ro, mình ên mình ngồi rị mọ, lúc hết mực hoặc cây viết bị khùng, quẩy mực ra sàn lớp, chỗ anh ngồi, từ tường cho đến sàn nhà, đều đầy vết mực vẩy ra. Bữa có dịp về thăm trường cũ, giả bộ điệu điệu vớt qua chỗ ngồi hồi xưa, thấy bức tường hồi đó chỗ anh ngồi, vẫn còn lại vài vệt mực chưa kịp phai cùng năm tháng. Thấy bình yên trân quý quá đỗi.

Rồi tự dưng ngồi tự đặt ra câu hỏi, chớ hổng biết bầy trẻ bây giờ chúng có còn viết bút mực hay không? Tay bầy trẻ bây giờ, lướt điện thoại, máy tính bảng nhanh như sấm như gió, mình hồi xưa tay chẻ nan vót lát đan sọt viết chữ chấm mực rị mọ đi qua hết thời thơ dại học trò. Ngăn sách cũ vẫn còn trân trọng giữ lại mấy quyển vở hồi xa xưa đặng cho mấy đứa cháu nhỏ ở nhà biết thời mầm đậu anh đã từng đắn đót như thế nào? Mà ai biết được đâu? Dưng chi ông anh khó tánh lại ngồi dòm chữ đón nết người. Lại nhớ cái chuyện đâu đâu mây gió giở trời như thế này, chán thiệt!



Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Viết cho mẹ, cho mình!

1. Sáng mẹ bảo, có gì đi trường về thì ghé qua nhà ngoại, mẹ mua bông về chưng mồng một, nhiều lắm, mẹ chở về hổng hết. Anh dạ ran, nói có gì con đi tranh thủ về, sẽ ghé. Mẹ anh là vậy, nhịn đói cũng được, nghèo khổ gì cũng được, nhưng bàn thờ nhà không bao giờ thiếu bông. Nhiều năm rồi, bao giờ mẹ cũng sắp sải ngược xuôi mua bông đơm cho mấy cái bình trên bàn thờ được sung túc, mẹ nói, tiền ăn bao nhiêu cũng hết, cúng ông cúng bà, được cái hậu! Anh đi tổng kết ở trường về, ghé qua nhà ngoại, ôm mấy chục bông cúc với lại mấy chục bông huệ mẹ mua, trưa nắng sang sảng nhưng biết tính mẹ nên phải nâng niu kỹ lưỡng, mẹ nói, bông mờ, yếu đuối mỏng mong nên phải trân trọng, nhất là bông cúng, càng phải nâng niu chiều chuộng hơn nữa, vậy là vừa chạy xe, vừa níu vừa giữa cả một vườn bông mệt đuối muốn chết. Cái thứ nắng xứ này, thiệt tình hổng bao giờ ngưng dai dẳng và bốc lửa. Về tới nhà dựng xe cái chách, bông chưa kịp đưa đi rộng nước đã bò vô giường nằm ngủ. Quãng rày anh hay bị tỉnh dậy lúc nửa đêm về sáng, y chang như mẹ, nhưng mẹ thì nhiều năm rồi. Mẹ thì già, gần sáu mươi chớ có ít ỏi gì. Anh thì mới hai mươi sáu, chắc cũng cập rập tuổi thanh xuân sắp chia tay mười hai bến nước, nên đâm ra bần thần bẫn thẫn đêm nằm thao thức, dậy sớm cút côi!

2.Lúc mang thai anh, mẹ nói mẹ hay đọc sách, từ chuyện diễm tình Quỳnh Dao, đến truyện Nam Kỳ Hồ Biểu Chánh, truyện Chu tiên, Tây Du Ký, từ Tây đến Tàu, chuyện gì mẹ cũng đọc. Lúc đó thì nhà anh cũng khá, mần trại đũa, đũa tre, thứ đồ hổng thể nào thiếu bên mâm cơm của người trên cái thẻo đất này! Rồi anh sanh ra xong thì cảnh nhà rơi vào khó khăn, biết đâu chừng, vì vậy mà anh khó có thể nào hòa hợp với cha anh được, trộm vía thì anh nghĩ, hay do mình ra đời, nên nhà mình mới bị như vậy, kiểu như bữa đó công nhân đang chạy máy làm đũa, bị máy tứa đứt bàn tay, rồi chạy chữa rồi thuốc thang rồi kia rồi nọ rồi đến nỗi nhà anh không bao giờ còn được như những ngày anh chưa có mặt trên cái cõi đời này. Nhưng mẹ thì khác, mẹ vẫn thương anh nhất, mẹ không nhiều chữ nhiều nghĩa, tháng năm còn trẻ, mẹ giỏi giang tần tảo đi bán chợ nọ, chợ kia. Một mình mà chèo chống. Mẹ truyền cho anh tình yêu không bao giờ dứt với sách. Lúc nhỏ, hổng có nhiều tiền nhưng anh đều làm mọi cách để đọc chữ, mượn hàng xóm, mượn anh chị, cô dì. Cái cảm giác đói chữ của những ngày thơ chả biết đến bao giờ anh mới quên đi được. Mẹ cũng dạy anh cái tánh không sợ trời không sợ đất. Hồi anh nhỏ xíu mẹ đã phải bươn bả chợ xa, ngày tạt qua nhà dăm bận, mùi của mẹ được thay bằng cái khăn mẹ quấn trên đầu, tanh rình mồ hôi mà lúc nào anh cũng ôm lấy cho thỏa nỗi nhớ xa mẹ. Ở nhà một mình nên anh cũng tự chơi, tự lớn lên và sống. Như cây còi, cây dại, anh lấy mấy cuốn sách làm bạn! Và giờ thì đã lớn, đi chỗ này, đi chỗ kia. Chỉ có những tháng ngày thơ bé xa xôi là không bao giờ tìm lại được. Anh mua cho mẹ cặp mắt kính, nói mẹ đọc sách nghen, tủ sách của con giờ bộn sách rồi, mẹ tha hồ đọc. Mẹ nói, cám ơn, mẹ già rồi, nhìn không thấy mặt chữ, cầm bổn đọc kinh thì cũng ba trệu ba trạo, đọc nhiều lại nhức đầu! Hay để con đọc, cho mẹ nghe, đến suốt cuộc đời, mẹ nghen!

3. Anh sinh vào tháng năm, đầu tháng năm. Những hồi còn nhỏ, hay thắc mắc tại sao cha mẹ lại đặt cho mình cái tên lạ lùng quá đỗi. Lạ đến nỗi đi vô trường thầy cô đều phải hỏi lại, bây giờ đi làm, chỗ anh kiếm được người nhớ được chính xác tên anh chắc đếm trên đầu ngón tay! Lúc nhỏ thì mặc cảm, sao không đặt cho tền Xoài, Cóc, Ổi, Cu tí, cu Bầu, Minh Minh, Dương Dương, Tuấn Tuấn gì đó cho hay ho, lại là cái tên này, lạ lùng buồn hết sức. Rồi năm dài tháng rộng, rồi lớn lên rồi đi xa, tự nhiên thấy trân quý và thương gì đâu cái tên nhỏ cút côi của mình. Là tên mình, tên do ông ngoại đặt, do chính mẹ viết ra trên tờ giấy khai sanh một ngày tháng năm của hai mươi sáu năm về trước. Đi đâu cũng hổng gặp ai trùng tên, đến chỗ nào cũng phải lặp lại dăm ba lần cái tên ngộ ngộ này. Nhưng đó là tất cả những yêu thương và kỳ vọng mà cha mẹ đặt vô đó, thằng con trai của cha mẹ giờ đã lớn, đã biết trân quý tất cả những gì mà cha mẹ đã cho anh. Hồi lâu lâu thì biết được ngày của mẹ, ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm. Ngày này, theo một cách vô tình hay hữu ý gì đó, lại thường trùng với ngày anh sanh ra đời. Tánh anh thì một mình quen rồi, nên đôi khi sợ đến ngày này lắm, sợ những tin nhắn chúc mừng này nọ, sợ những gương mặt người cười nói, sợ cảm giác người ta đang dòm mình đang nghĩ tới mình vì hôm này, chỉ hôm nay thôi, là ngày của mình. Thay vì vậy, anh lại cũng không thích ngày của mẹ, thấy nó hình thức và xa lạ quá. Mỗi ngày, đúng và như vậy, cũng sẽ đều là ngày của mẹ! Nghĩ thì nghĩ thế thôi, chớ đôi khi, tránh làm sao chuyện làm cho mẹ buồn!

4. Đi làm về, mệt nên đâm ra gắt gỏng. Anh nói mẹ khỏi nấu cơm, con mệt rồi, con đi ngủ. Mẹ sẽ khê nệ mần cơm, nếu ngày mặn thì sẽ chỉ toàn món thịt kho, thịt rim, thịt chấy, thịt nướng vì mẹ biết nếu có mần món khác, anh cũng không thèm ăn. Rồi xới một tô cơm, bưng vô cho anh! Anh thì lại hay càm ràm, mệt mà, con có ăn đâu, cơm gì mà nhiều vậy ăn sao cho hết, con không ăn, con đi ngủ. Nhưng lúc nào anh cũng sẽ rón rén lén bưng cơm nuốt trọn, kiểu như lời nói gió bay, chỉ được cái càm ràm quen miệng. Tối anh ngủ hay quên tắt quạt, sáng tỉnh mắt ra lại thấy quạt tắt mất tiêu tự lúc nào! Mẹ hay gọi điện, hỏi con đang ở đâu, chỉ hỏi vậy thôi, chớ cũng chả để làm chi! Mẹ thì lớn tuổi, hay quên trước quên sau, sáng ra thấy lược chải đầu dính đầy tóc, anh vội quá sợ trễ giờ làm nên nói sao mẹ không chịu lấy tóc bỏ đi, tóc gì rụng quá trời nhắc hoài mà hổng chịu nhớ. Nói ra mới thấy sao tóc mẹ càng ngày càng rụng nhiều! Nhưng lời nói vô tình thì không gì múc lại được. Mẹ sẽ bảo, nếu mẹ mất đi, chỉ mong một giấc ngủ rồi nhẹ nhàng, đừng bị bệnh tật hành hạ, đừng để con cái phải thăm nom, phải chăm sóc nhiều, một ngày hai ngày thì hổng nói, năm qua tháng qua mà trường kỳ thì thế nào con cái cũng sẽ phiền, nói thì không nói ra đâu nhưng trong bụng nó sẽ nghĩ. Rồi lỡ mệt mỏi rã rời vì chăm sóc mẹ mình, con cái lỡ nặng nhẹ lỡ buông lời mai mỉa, thì mẹ buồn cũng không phải vấn đề, chỉ sợ con mình mang tội, lời mà, gió bay đi mất tiêu! Mẹ suy nghĩ sâu sa, hay nhìn này sợ nọ lo trước cái kia! Anh chắc cũng giống tính mẹ, nên cũng sợ. Mỗi ngày trôi qua, được ở với mẹ đã là hạnh phúc nhất trên đời!

5. Không ai nghĩ được, đoán được có ngày anh cặm sào và bén rễ ở nơi quê nhà. Nhưng từ ngày tốt nghiệp đại học, cầm bằng về thì anh ở yên với má, lúc đầu cũng buồn, nghĩ một ngày nào đó, anh phải trở lại Sài Gòn, nơi phồn hoa đô hội, để làm chi: chắc chỉ để vui. Nhưng năm đi qua tháng đi qua, anh dần tụt đi khí thế ban đầu, bây giờ nghĩ lại, thì thôi bằng lòng với những gì mình có. Ở nhà, nghĩa là sẽ ở gần cha mẹ! Ở gần cha mẹ, đơn giản là những ngày vui không bao giờ dứt. Thế thôi!

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

NHỮNG NGÀY Ở XANH

Là những ngày thảnh thơi nhất anh từng có, qua rất nhiều những bận xách của nả lên mà rong chơi phiêu lãng cuối trời. Xanh hiền hòa, thiệt là đúng với cái ý của anh khi đặt vé đến đây. Xanh thì cũng thuộc dạng nổi tiếng, nhưng ưa thích thì anh không biết có ai ưa thích nơi này hay không? Vì Xanh thì buồn, chủ yếu là đền đài, cây cỏ nhiều, đồng ruộng cũng nhiều, chả khác gì cái nơi anh sinh ra, lớn lên và sống. Mà ai biết được, dám chừng anh thích Xanh cũng do bởi những đồng rơm gốc rạ đó. Xanh thiệt hiền và buồn, giá cả lại rẻ, người Xanh cũng không bon chen, họ sống chan hòa với cộng đồng, những nét văn hóa truyền thống hòa vào sự đa dạng từ những luồng văn hóa khác, với những điều giản dị hòa chung với không khí của dân du lịch từ khắp muôn nơi. Xanh len l
én rót vô bụng anh những niềm thương nỗi nhớ rất nhẹ nhàng và bãng lãng. Xa Xanh rồi, mà vẫn cựa hoài nhiều niềm nhớ.

Là những món ăn địa phương - ăn hoài suốt mấy bữa nên đâm ra ngán. Món ăn ở Xanh cũng đầy màu sắc, anh ăn từ trong nhà hàng cho đến mấy quán dọc lề đường, kiểu nào cũng có cái hay riêng. Nhiều khi người ta đi đến đây, ngắm mây trời, ngắm những gương mặt người, lắng nghe tiếng gió hát, tiếng biển cười, là đã đủ. Anh thuộc dạng dễ chịu, nhất là trong mấy khoản ăn uống với ngủ nghỉ, nên cái nào anh cũng thích. Không e ngại, không chần chừ. Mấy bữa anh ở Xanh, có khi ăn sáng bằng tô mì giấy, có khi tự đãi mình bằng một bữa tối ở bãi biển có ánh nến và trăng hôm rằm, với tiếng đàn hát rộn ràng, có bữa lại đói khờ râu vì tô hủ tiếu bò viên dở lỏng đạn không đủ can đảm nuốt cho hết, hay nhìn ra ngoài ruộng, với mấy món ăn địa phương vào một chiều muộn, không gian thì ngập trong tiếng côn trùng kêu và tiếng người nông dân hối hả thu hoạch cho xong lúa đông xuân. Hay biết đâu đó, là mấy trái ớt đâm muối xẩn, thêm trái ổi trộm ngoài vườn - chỗ anh ở như một cái rừng, có cây cối và hoa lá, có chim kêu và ông bà chủ thiệt hiền, giữa mênh mông ta bà vừa ăn vừa cười.

Là mưa, có cơn mưa nặng hạt, theo chân anh suốt từ nơi này qua nơi khác mà chưa chịu dứt. Cũng có mưa bóng mây, mưa luồng và gió biển, mới lé đé nhiễu giọt qua vành tai, lại bay đi mất tiêu nhường chỗ cho nắng, nắng lên sau cơn mưa cũng dịu dàng, anh thì khoái những cái gì dịu dàng và nhẹ nhàng. Và cầu vồng sau cơn mưa cũng đẹp, rạng rỡ về trên những nếp nhà nhỏ nằm bên vệ đường, những ngôi nhà có mái lợp ngói cũ, với vườn cây ăn trái bao chung quanh. Con đường quê nhỏ nhỏ, chạy cong cong qua mấy mảnh vườn, xe chạy qua rồi mà vía anh còn đứng hoài ở nơi đó, quấn mãi không chịu đi. Đong sao cho đầy những yêu thương về trên những cơn mưa cuối mùa ở xứ Xanh này. Người Xanh bảo thời tiết càng ngày càng khó chịu, mùa mưa nơi này tháng ba đã khô véo rồi, còn bây giờ thì cuối tháng tư, đầu tháng năm, mà mưa vẫn rớt hột, hổng hiểu nổi. Chỉ có anh là khoái. Anh có coi thử thời tiết mấy bữa ở Xanh như thế nào. Bữa nào cũng có mưa, từ nhẹ đến rải rác, riêng bữa cuối cùng trước khi chia tay Xanh thì nắng, nắng ấm và ít mây. Vậy mà mưa suốt, từ lúc trưa cho đến chiều. Trước lúc về, anh cởi giày, chạy ra ngoài lộ, mưa phợt thẳng vô mặt, vô quần áo tay chân, lạnh nhưng vui. Là những phút thấy mình y chang con nít, vui lắm luôn ấy, Xanh ạ.

Là những gương mặt người. Lâu lắm rồi anh không tha thiết gì chuyện tìm bạn cho những chuyến ruổi rong. Anh thì sống ở quê, không quen bù khú, không ưa chuyện gặp mặt và diễn những nụ cười. Nhưng rồi phút cuối cùng, trước lúc đến Xanh, anh rải lời nhoi nhỏ tìm bạn, rồi gặp duyên thì thắm lại. Qua đến Xanh, anh ráp vô với những gương mặt người, những người trẻ, những người không còn trẻ, họ vô tư và thân thiện, họ cũng chịu đi chơi nhưng cũng giữ lại cho mình những khoảng khắc riêng. Anh thấy vui vì biết đâu đó khi mình mở lòng mình ra, là sẽ tiếp cận với một Xanh khác, không phải một mình. Cái cảm giác không phải một mình lâu rồi anh mới có lại. Chỉ đơn giản là để sáng sớm sẽ có người ơi ới gọi nhau dậy đi, ăn trưa cũng sẽ bàn nhau bữa nay ăn cái gì, tối thì mướn xe máy chạy vòng vòng vô chợ, không biết làm gì thì kéo vô một quán cà phê nào đó, nói chuyện ta bà, đưa tay nhau ra coi đường tình duyên vì sao mà trắc trở, để đến giờ này còn độc thân vui tính mà thắm lại một đám thế này với nhau. Tiếng người nói cũng sẽ làm cho lòng ấm lại, đừng nói chi đến những bàn tay và những nụ cười. Gặp gỡ ở Xanh rồi, là duyên!
 
 
 
 
Những ngày ở Xanh, với anh thiệt bình thường và giản dị. Không vui quá, không buồn quá. Cứ vậy mà Xanh hết cả chuyến đi. Chắc anh không viết nhiều, thay vào đó anh sẽ chụp ảnh. Viết buồn quá, mất hay, mất vui!

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Một câu chuyện khác, về Nê



Thêm một lần nữa hả? Anh nói với bạn khi bạn báo tin về, lại kẹt ở đồi cọ, trên đường đi Nê. Bạn nói bên đó vừa mới có động đất, gầm trời nhoi nhỏ xứ mồ côi sụt sùi, những rạn vỡ mở ra những vệt chia ly nức nẻ, cảnh đau thương tàn tạ và thảm thiết lắm. Lúc đó, anh đang ngồi họp ở văn phòng Đoàn của cơ quan, cho mấy cái hoạt động văn nghệ văn gừng m...àu mè hoa lá hẹ. Chưa kịp đọc tin nhưng anh cố gắng động viên bạn mình, thì thôi là duyên hết, không đi được lần này, thì vẫn còn lần khác, năm dài và tháng rộng chỉ sợ mình hổng muốn đi thôi chớ đã phải duyên nhau thì sẽ thắm lại, mấy hồi.

Rồi lúc anh bưng mấy cái sổ sách kịch bản đem về nhà, họp hội chỉ làm cho con người ta thêm mệt mỏi và hoài chán. Anh sợ mấy gương mặt lúc nào cũng gồng lên, buồn ngủ bỏ mẹ mà cứ phải ngồi đó nghe những điều xa lơ xa lắc. Chán nản nên anh lật qua mấy trang mạng, cảnh xứ Nê tang thương và tàn khốc. Chạy rẹt rẹt qua đầu anh là ý nghĩ, bà nội cha nó mình đã từng định đi chỗ này, giơ bị như vầy, còn đâu nữa mà đi. Tiếc nuối bời bời định bụng quăng lên mạng những điều vô nghĩa và lời sâu ý cạn. Nhưng có ngờ đâu thằng người thức tỉnh kịp thời, giữ vía anh ở những nước mắt và gương mặt người, đau đớn quăn quại trước thiên tai, mất mát. Đong đếm nào được bởi cảm giác nhoi nhỏ trước sự phẫn nộ của mẹ thiên nhiên. Xứ Nê đã không được xênh xang như những miền khác, người xứ đó chỉ được cái là hiền, mà nay thì rung chuyển hết rồi. Mấy lời anh định nhỏ ra tự nhiên bay đi đâu mất, nhắn tin cho bạn nói thôi coi hổng được thì kiếm chỗ khác mà đi, xứ người ta đang có chuyện tùm lum, vui vẻ gì cho những bước chân thưởng ngoạn vô vị. Bạn nhắn tin lại, buồn thiệt buồn nhưng đơn giản là ừ. Có vui vẻ gì.

Những tin tức từ Nê rồi cũng theo đường chim bay mà rủ nhau về. Anh đọc nhựt trình buổi sáng, thấy con số thương vong chỉ hàng trăm, trưa chưa kịp ngủ giở lại tờ báo thì con số nhảy lên hàng ngàn, đồng thời chưa hề có dấu hiệu nào bảo đảm cho sự chững lại. Anh sợ, nếu cuộc sống vô thường như thế này, càng ngày càng vô thường thì liệu rằng một ngày nào đó, những bước chân của anh nơi miền xa xứ lạ có bị hụt lại hay không. Tính anh thì đa sự, lại hay mê mải dấn chân vào những vùng hay có mưa bay và gió bụi, Nê là một chỗ như thế. Bạn anh có bận quỡn lên, nói bộ hết chỗ nào rồi hay sao mà lại đi cái xứ này. Anh chỉ có thể cười, trái tim nó biểu anh như vậy, anh mần sao mà làm trái lời được. Trái tim ấy, lại còn mong manh chưa trói buộc bởi một ai và bất cứ hình ảnh nào.

Rồi Nê cũng sẽ phải vượt qua, phải đứng lên, bằng cách này hay cách khác. Có người nói, nếu chưa từng đứt tay, làm sao biết cách cầm máu. Đã nhiều năm rồi Nê không rơi vào cái cảnh vỡ nát như thế này, nhựt trình bảo là tám mươi năm, anh biết vậy. Thời gian phủ lên những kiến trúc công trình xứ mồ côi những mảng màu đậm tính huyền thoại, và buồn. Nay thì chỉ trong một khoảng khắc động đậy, hơi mạnh, mà cả mảng màu ấy biến thành sự tối tăm, văng vẳng là tiếng khóc than, nước mắt đây chỉ khóc cho mình, cho người. Anh cứ tần ngần hoài trước hình ảnh chia lìa đau đáu đó. Nhưng cuộc sống sẽ hồi sinh, đứa bé từ mặt đất được sinh ra, là tất cả niềm hạnh phúc. Có gian khổ có đắng cay cơ cực đoạ đày, nhưng niềm tin và hy vọng, không một ai và điều chi, có thể dập tắt được. Đọc nhựt trình mà xúc động muốn rơi cả nước mắt.

Nhưng nước mắt không dành cho những bức ảnh, là những gương mặt mũi tẹt và da vàng hăm hở với cái gọi là tự sướng trước những công trình đổ nát, trên ngực áo, là dấu cộng màu đỏ, thứ màu sắc rực rỡ mà cũng quá đỗi vô tình. Anh là người ngoài, cũng chỉ nhóng cổ về xứ mồ côi như một kẻ lạ xa, đã từng có duyên với xứ ấy nên thấy bạn gặp chuyện không may, không giúp gì được nên cũng thôi xin đành là nhỏ lời ra trên giấy, những chữ nhoi nhỏ kiểu như là thông cảm, tội quá đi, xứ Nê be strong, cho nó đúng điệu, đại loại vậy. Nhưng gạch đá vô tình làm tổn thương nhưng con người khác. Một đoàn cán bộ qua xứ mồ côi tập huấn, họ bỏ về ngay lúc xứ này đang run rẩy và tuyệt vọng. Anh thấy cũng không có gì đáng trách lắm. Nếu họ ở lại, biết đâu ngày mai nhựt trình ra, họ sẽ là anh hùng, với những câu chuyện đại loại như tôi đã ở đây, có mặt ở xứ này, bôn ba tìm kiếm người bị hại, có ai biết tin tức của những người Việt hiện ở Nê sao không, tôi sẽ cập nhật hết, tình hình cứu nạn ra sao, ăn uống như thế nào, chụp ảnh, viết note, gửi thông cáo báo chí. Và biết đâu họ thành nổi tiếng, sau một quãng dài nơi xứ mồ côi đầy đổ vỡ. Nhưng họ chọn cách trở về, bình thường như những người bình thường nhất, sợ chết, là điều mà một trái tim bình thường với đầy đủ tâm nhĩ và tâm thất, phải có. Chuyện chắc cũng không ầm ĩ và lớn lao nếu người ta không phát hiện ra những bức ảnh họ cười hỉ hả bên những ngôi nhà vỡ nát, cách họ trả lời về cái sự bình thường như bao người của mình. Anh thấy họ đáng thương, nhưng có không? Có đáng hay có thương?

Mà chả biết sao anh lại đa sự nói này và nói nọ. Anh có là gì đâu mà vờ nguy hiểm. Chắc tại anh say rồi, say vì cái vị máy bay ngầy ngật của một chuyến đi ngắn ngủi về Xanh. Nên thôi, anh phải ngừng lại, để những hồi ức về Xanh cứ mãi nằm im không lỏng bỏng chảy. Và Xanh, đó lại là một câu chuyện khác rồi!

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Cho những khi nửa đêm về sáng

Cho những khi nửa đêm về sáng

Những con đường quê vắng vẻ, trở mình lúc nửa đêm về sáng. Anh sợ cái cảm giác phải giật mình trở dậy như thế này, sẽ là quờ quạng tìm đường xuống phòng của má, không có là gì đâu, chỉ để nghe tiếng của má trở mình, ngáy cũng được hoặc khò khè thở cũng được, kể từ ngày má bệnh, và cha không có nhà, nhà chỉ còn anh với má nên đó trở thành một thói quen, thuộc về những đêm trở mình bất tử.

Bất tử, có ai mà bất tử được đâu nờ. Cái cây sen cạn anh xin của nhà hàng xóm, thấy nó hay hay, củ to, bông nở lâu quá trời mà vẫn còn đỏ ối. Xin đem về nhà trồng, trời thì nắng, hổng có hột mưa mà bữa Dầu Hạ về thấy nó thúi củ, lá xệ và cây chết, bữa đó anh mém buồn đến bỏ ăn.
Con chó nhà anh, lâu rồi, nó cũng hổng có bỏ ăn bữa nào hết. Nhưng sáng đó, nó ói, nó vật vã rồi mươi mười phút sau nó chết. Trời cũng hầm hầm như thế này, con chó chết, nằm ngay đơ, lông vàng mịn, nó nằm đó mà thương. Con chó thì khôn, anh đi học về nó đều quấn lấy chân anh như đứa trẻ muốn được anh dỗ dành, chỉ cần anh đưa tay ngoắc là nó sẽ sà ngay vào lòng. Người ta nói nuôi chó mà lỡ may nó chết, phải đem cho phải ăn thịt phải này phải kia chớ mặc nhiên không được đem chôn. Lần đó anh dành cả buổi sáng xách cuốc ra sau nhà, thật xa, đào một cái hố rộng, Vàng được nép mình dưới những bụi chuối nay may sẽ rụi, có gốc vú sữa già mà nhiều bữa anh sẽ tòn ten treo trên đó, vú sữa dây, trái nhỏ, nhưng nhiều. Bây giờ thì nhà anh không còn nuôi được chó nữa, con thì chết, lại chết, con thì bị chúng bắt. Cây vú sữa cũng hổng còn, đã bị đốn đi từ cái đận sửa lại nhà. Và nỗi buồn thương về một người bạn nhỏ lúc nào cũng quẩn quanh chân tự nhiên trở lại lúc nửa đêm về sáng!

Những lúc như thế này, anh lại nhớ đến C. Chắc có lẽ đi đông đi tây mà mãi anh vẫn chưa về thăm C lần nào. Bốn năm rồi, bốn năm, viết những dòng này cũng coi như một lời nhắc nhở. C yên tâm, anh sẽ phải đến nơi đó, chắc cũng hổng cần thiết đâu nhưng phải đến, vì tụi mình là bạn bè mà. Những tối trở mình thức dậy, một mình trong căn phòng vắng, khuya ở quê thì yên tĩnh, tiếng chó sủa ma thả vào đêm những mịt mùng. Anh vẫn nhớ giọng khu bốn của C, và cái dáng lấc ca lấc cấc của bạn ôm chồng báo Sinh viên những ngày tháng cũ. Nỗi nhớ, nhiều khi lại là bất tử.

Sáng mai đi làm, chắc ăn anh lại mệt mỏi và dễ nổi quạu, vì những lúc giật mình lúc nửa đêm về sáng như thế này. Ghét quá đi thôi cái chuyện thao thức tìm giấc ngủ lại. Lúc nào cũng lúc nhúc những được chăng hay chớ thì bao giờ mới có thể lên tiên?

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Tập yêu thương

Một lần nào đó, giữa buổi trưa Dầu Hạ khô ngói, anh thấy tim mình bị ai đó vò nát. Khách hàng nói mai mốt anh đừng nặng nhẹ đừng xài xể nữa, con người mà, có trái tim, nghĩa là biết đau! Ai biểu lời nặng nhẹ nói ra mần chi, để cho khói bay lên trời và mưa ngược về đất, và còn mình ên vía anh lần khân bên những tệp hồ sơ khách hàng vay. Sự vô tình đôi khi làm con người ta hỉ hả, sự vô tình đạp đổ những thứ hoa mỹ mà ngày xưa anh cho là đúng. Tình người dễ vỡ mỏng manh bị sự vô tình kiềm hãm trong lớp vỏ của sự bàng quan, không biết sẻ chia và quan tâm. Cũng may mà mầm yêu thương được nhói lên từ những lần anh va chạm với khách hàng như thế.
 
Anh làm tín dụng, tín dụng ở quê nên đa phần khách của anh cũng toàn dân đồng bưng gốc rạ. Nhiều người thiệt tình, mỗi bận thấy anh chạy ngang qua xóm, cũng đều ất ơ rủ anh vô ngồi, nhiều khi chỉ để nói chơi chơi lúa vụ ba mà cũng trúng dữ lắm nghen, bà vợ tui bả bỏ tui luôn rồi, bả nói tui có mèo, thuốc vụ này nghe mệt, chắc phải bán mấy công đất, bù! Lời khách nhẹ tênh tênh mà lòng anh thì bời bời rối. Lúa hổng trúng là anh thấy tháng này lãi hổng biết cách chi mà thu cho đúng hạn. Thuốc lá mà chỉ cần qua tháng giêng mà lò sấy ra mẻ nào cũng chê là thôi, đêm về anh gác tay lên trán nghĩ tới mấy món nợ chập chờn nhảy nhóm hai là coi như mất ngủ nguyên đêm, tiếng bồ hóng kêu cũng rặt ròi nghe như tiếng khóc. Bữa khách nói mắc gì mặt chú buồn thiu, tui thất mấy mùa liên tiếp bị người ta dằn công bị người ta ép giá đủ thứ đây nhưng có biết chữ buồn nó viết ra mần sao. Khách nông dân nên mần quen với chữ may và rủi, được chăng hay chớ cũng do bởi ông trời, và ông trời mà, của chung nên có gì cứ tìm tới ổng mà méc mà đay nghiên. Mà nói nào ngay đời ông cha đã khổ trần thân cỡ nào mà còn nuôi khách lớn lên và sống được, thì mắc cái gì thời đại này mà khách không sống được dưới gầm trời này. Chỉ có anh là thấy buồn, chấp chíu là những dấu hiệu nhảy nhóm nợ mỗi đận đến kỳ thu gốc, thu lãi. Và đời thì về cơ bản là buồn!



Mấy lần đi vô nhà khách, đoạn đường thì xa và vắng, nắng lại len theo từng kẽ ngón tay mơn trớn trên da. Anh nổi cơn bực, bâng quơ ngang qua mà dai dẳng. Chỉ cần khách chỉ đường trật lất, kiểu như đi qua hai cái ngã tư, đụng con đường đất, có gốc me, quẹo trái đi thêm hai trăm thước, dòm tay phải, thấy con lộ nhỏ, cỡ chừng bốn thước, quẹo vô đó, hỏi nhà út Mân, người ta chỉ cho, là anh cũng đâm bực ngang hông. Anh sẽ rải lời nỉ non, tại sao không chạy ra rước tui vô, tui có phải dân xóm Mân đâu, có phải dạng rành đâu, mà quẹo này quẹo kia tá lả. Mấy lần như vậy, thấy mặt anh người ta sợ, anh nhủ trong lòng, đi cho đã mà cuối cùng vô gặp cái chòi tranh vách đất, là anh bỏ đi về liền. Anh cũng mấy lần làm như vậy rồi, ngoảnh mặt quay lưng trả giấy đất, trả hồ sơ cái rột. Một cái rột, hổng biết những gương mặt hình người phía sau vẽ lên hình gì? Nếu mưa ngược về trời, chắc sẽ mang hình của những bụm khói, những bụm khói buồn làm nước mắt cứ chực trào ra thôi!
 
Nước mắt cũng hổng cứu được những số phận. Anh chưa va chạm với cuộc đời nhiều, nhưng anh đứng bên rìa những trang giấy đời ấy, dòm thôi, chớ có can thiệp bằng những chấm phá thăng gián gì đâu. Khách gặp sự cố, anh ôm đất, chả nhẽ trưa nắng đứng khóc ròng, rồi đau đớn rồi thiệt thòi, đong đếm nào được với những nỗi đau nào. Bữa đó hai Rẫy về sớm, thấy nhà tối om, thấy vợ mình ngồi im trong một góc, có gương mặt anh ở đó, lạc lõng và vô tình. Anh để lại cái biên bản nợ đến hạn, vô tình như chưa từng có một nụ cười nào vẽ lên trên ấy, coi không được thì bán đất đi, ngoan cố mần chi để sau này rồi miếng đất cắm dùi cũng hổng có mà ăn! Và cuối ngày, mệt mỏi rã rời. Thấy như mình đang rơi trên một quãng đường đầy đá dăm, hai bên không có bóng cây, phía trước vô định, phía sau cũng vô định. Trưa thì nắng, vía anh bảo chỉ cần yên lặng, bỏ chạy về phía xa. Vía nói đường trong tim, mình chỉ cần chạy, không lo sợ không nghĩ ngợi. Anh lẩm nhẩm mấy câu kệ lúc đi đường. Nhưng rồi vía anh thấy mình mệt nhoài, sóng xoài ngã trên những nhấp nhô mặc niệm. Đâu có phải cho vay là muốn lấy đất, mà ăn!
 
Sống giữa những con số, chen vào là những phận người. Anh làm tín dụng, anh nghĩ rằng cái nghề của mình nó thiêng liêng lắm. Anh thân thuộc với những vụ mùa, ở cái gầm trời nhoi nhỏ này, nói đến vụ mùa, là nói đến những phận đời và phận người! Việc sinh quan, cao cả quá anh không muốn bàn tới. Nhưng người ta cầm bằng khoán đến gặp anh, là họ cần, cần thiệt chớ hổng có giỡn. Anh không được học hành bài bản ở cái bộ môn cho vay này, nên để điều chỉnh mình cho phù hợp với bản chất công việc ấy, là cả một vấn đề, lớn chớ hổng nhỏ được. Anh lại thuộc dạng hay nghĩ ngợi vẩn vơ, thấy cơn mưa sợ nước sông dâng sợ triều cường tới, nhìn sương nghĩ tới khói, sợ thuốc lá bị uốn lá, nhìn người sợ mặt cười tươi mà trong lòng lạnh tanh, phát sợ. Vậy mà cuộc cho vay nào cũng như một bài bản thiêng liêng, anh phải qua bước thứ nhất, bước thứ hai, chốt và cuối cùng. Dần dà rồi anh bị cuốn theo những nhập nhằng và phù phiếm đó. Nhưng vía anh thì nào đâu chịu, vía nói được không được thì nghỉ, có chi đâu, đời còn dài và rộng mà. Đó là lúc anh bén lẻm với sự vô tình, và lời xàng xê nặng nề được anh bôi đãi mỗi bận đến kỳ thu nợ lãi với gốc, mà người ta chưa kịp lên với anh! Lâu dần thành quen, trước sợ giờ anh đã nuốt trọn từng lời từng chữ, vô tình!
 
Nhưng mà như anh nói, mầm yêu thương bén rễ từ những điều thiệt là nhỏ nhắn, thiệt nhỏ nhưng sâu đầm. Anh cũng tập lại yêu thương, lần nữa, từ đầu!

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Là quê, hay là phố, đều là nhà



Tối chủ nhật đi ăn đêm với anh bạn, ăn lẩu xong bụng cũng lổn ngổn no lặc lè chạy xe về. Đường tối mình ên lạnh thấu tim! Ninh giờ lên thành phố rồi mà sao từng ngõ ngách vẫn đăng đăng đê đê nhiều nỗi đời quá. Mới chín giờ hơn mà đường phố đã vắng tanh teo, chông chênh từng vòng bánh xe quay, sợ thì không sợ nhưng trống trải quá tự nhiên thấy sao quê nhà mình khoác lên làm chi cái áo hơi rộng! Kiể...u như mùa mía này chú hai, cô tư vẫn rầu vì mía hổng được giá mà lạng quạng chưa đến ngày công ty hợp đồng đi chặt mía mà sáng bảnh mắt ra thấy mía cháy, lửa bén phừng đuôi mắt mà chỉ thấy nước mắt rớt lộp độp theo từng thốn mía. Và cao su cũng đã qua rồi cái thời ngủ qua một đêm là tiền chảy ọt ọt vào túi áo. Giờ cao su không còn cao giá nữa rồi, cái thời hoàng kim của Việt kiều không bằng Việt cao cũng từ từ lui về dĩ vãng rồi! Nhưng mà ai biết đâu được, Ninh lên phố, chắc sẽ vui!

Như cái kiểu người chị bạn mới mua miếng đất, ở phường bốn. Mua xong, chồng tiền, qua đống thuế, vừa sang tên cái cụp là có quyết định Ninh lên đô thị loại III, bảng giá đất Ủy ban đưa ra dĩ nhiên cũng phải nhỉnh nhỉnh giá một xí, dù gì cũng thành phố mà. Bữa rôi rãi bà chị ngồi cười, nói em thấy chưa chị nhìn xa trông rộng, giờ đất lên một cái vèo, ngồi không mà cũng thấy có lời. Chỉ cười hỉ hả! Bạn làm tín dụng xa, nghĩ nghĩ nói trời ơi rồi bất động sản ở mấy chỗ khác người ta đóng băng, treo bảng bán hoài hổng được. Nhưng mờ biết đâu, người thì đẻ ra càng ngày càng nhiều chớ đất đai có một khúm, đâu có đẻ ra thêm được, giờ biết thân biết phận, thủ mua đất trước, ít nhứt mai mốt cũng có một thước tám sâu năm tấc mà dùng.

Cái đường Rốp chỗ anh bạn ngồi ăn lẩu, hồi xưa là đường đỏ, nhỏ xíu, ổ gà bự chần dần, mùa mưa chạy nhiều khi lụt trong những mớ xà bần của lầy lội! Giờ lên thành phố rồi, được ông chánh quyền mở rộng, trải nhựa, nhà mới mọc lên thênh thang, mà nhà to, kiểu biệt thự. Quán xá cũng mọc lên nhiều, tối nào dân kẹo kéo cũng xáp lên đây, hát tềnh tang mấy bài con bướm xinh, con bướm đa tình ầm đùng từ chập choạng tối cho đến nửa đêm về sáng. Con nít của xóm này giờ cũng quen với sự đổi mới, quen với những tiếng nẹt pô lúc người ta ngà ngà say, quán karaoke dập dìu đèn chớp tắt, nhiều cô gái mang dép đốc tờ mặc mini skirt tóc highlight nhuộm vàng, xanh đỏ tối tối đèo nhau trên mấy chiếc xe tay ga đắt tiền. Thì thành phố mờ, phải có những dịch vụ ăn chơi về đêm mới đúng điệu! Và con nít dòm riết rồi thì cũng sẽ quen!

Chợ dần tan khi người ta mở ra cái siêu thị! Ở đó, có những lúc trời nắng quá chạy vô hóng tí máy lạnh rồi chạy về, mát mẻ xí nên cái giá cao hơn ngoài chợ một tí cũng có thành vấn đề gì đâu! Tội là tội những bà già lỡ trót sống ở đô thị loại ba, sỡ chọn nghề buôn gánh bán bưng ở chợ phường làm kế sinh nhai nên mấy thứ rau cỏ trồng tại vườn nhà héo queo héo quắt buổi chợ tan tầm mà không ai thèm dòm ngó, đồ siêu thị trưng trổ đẹp mã quá mà. Nhưng mà nói vậy thôi chớ chợ quê cũng có ảnh hưởng gì đâu, người ta ở quê mà, nên siêu thị là một cái gì đó xa xôi cách trở lắm, chỉ khi nào rảnh rỗi trúng vé số dắt díu vợ con vô siêu thị ngắm nghía xí rồi về. Chế quen hay chép miệng nói như vậy, mấy bận dỗ con khóc ngằn ngặt vì nhớ cha đi mần xa, lâu lắm chưa thấy về!

Thành phố mà. Bữa bị người quen bắt bẻ, nói kiểu như cuối tuần này tui hổng có rảnh, tui bận đi thành phố rồi. Người quen nói thành phố là thành phố nào? Nay Sài Gòn thì nói cho rõ là Sài Gòn, hổng có bậy bạ được, Tây Ninh cũng đã lên thành phố rồi! Ừ thì cũng là thành phố, đô thị loại ba trực thuộc tỉnh chớ bộ! Tết lấy xe chạy một vòng thành phố, nhỏ tí hin mà thấy trang hoàng như cải lương. Chiếc áo rộng hay chật, là cũng tùy mỗi người, tùy hoàn cảnh! Như chiếc áo có cọng chỉ lòng thòng, lỡ tay cầm kéo cắt đứt cái phựt đứt luôn một tí vải, bạn không thèm đụng đến nữa. Cuối năm, má dọn dẹp thấy áo còn mới tinh mà không bận nên đem đi cho! Người được nhận mừng rơi nước mắt, nhằm nhò gì cái vết đứt kia, áo có chật chật xí cũng được, miễn có áo mới bận với người là cũng đủ thơm thảo rồi. Như đợt đi Phil thấy dân người ta bên đó ăn cơm gạo bở rạc, dở ẹt mà người ta vẫn ăn ngon lành. Về nhà cơm mẹ nấu hơi hơi nhão một xí cũng chê xuống chê lên bỏ bữa, đi kiếm cơm bụi cơm bờ ăn, lạc thếch mà khen ngon! Thì nói vậy để hiểu, nhiều khi chiếc áo không làm nên giá trị của một con người. Thành phố hay thị xã, đô thị loại nào thì miễn là dân ở nơi đó cảm thấy vui, sống đủ đầy, thỏa mãn với những gì mình đang có, thì cái mác thành phố hay không đâu có nghĩa lý gì.

Bạn chạy một mình trên con đường xa thăm thẳm, đường về nhà. Dù là phố, dù là quê, thì đây cũng vẫn là nhà. Của những yêu thương xa ngái dịu vợi!

-------------- Nhơn những ngày rực rỡ Ninh lên thành phố ------------------
10/02/2014  
 
 
Photo: Chau Huynh

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Một giấc mơ Nê

Là Nê, biết đâu đó của một ngày không xa, sẽ trở lại!

Bữa đó, trước lúc lên đường Út hỏi chị là có liều lĩnh và phí quá hay không cho chuyến đi lần này? Chị nói, thằng bây không chịu để dành tiền có vợ, hoặc tiền đó bây đưa chị, mua sữa cho con còn có lý hơn. Tóc chị ba dài, tóc đứa cháu nhỏ cũng dài, hai má con ngồi chải tóc cho nhau trong ánh chiều chập chợn mặt người. tiếng đứa cháu hòa theo tiếng muỗi kêu, tiếng của đồng quê gốc rạ nghe mắc cưng dễ sợ: Cậu út đi chơi nhớ mua quà cho con với nghen nghen! (Có bận anh đi, lúc về giả bộ lấy cho nó cái khăn giấy ướt, thứ mùi thơm thơm rẻ tiền mắc ngấy mà mấy cái xe tốc hành chất lượng cao chạy ba trầy ba trật hay phát, vậy mà nó mê quên trời quên đất, giữ khư khư. Con nít là vậy, suy nghĩ giản đơn, dễ giận dễ hờn nhưng dễ dụ. Vẫn là con nít là sướng nhất!)

Bụng của út thì nói, út còn trẻ mờ. Út phải đi thôi, đã đặt vé rồi thì kiểu gì út cũng phải đi cho tới bến. Tính út nào giờ là như thế, nên cha má cũng không cản được. Chị ba thân nhất trong nhà, cunggx không cản. Kiểu như bây còn trẻ, bây tự làm và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình. Dễ dàng quá bây không chịu, khó khăn quá thì bây thở than. Tuổi trẻ của bây đâu thể cột hoài, ràng ghịt hoài với mấy cái bờ mương mỗi năm dăm ba bận nạo đất đắp bờ, với cây me gốc khế sau nhà cho đặng. Nói chớ cha má lớn tuổi thì hay chép miệng, kiểu sao thằng mày đi hoài, lỡ có chuyện gì, ông bà già sống sao cho nổi. Út đi từ lúc bụi bông trang cha bứng về trồng trước hàng hiên còn lấp xấp tới bắp vế cho tới bây giờ bụi bông trang cao lút ngọn sào, bữa chạp ngứa mắt ngứa tay cha xách rựa ra đốn giờ trơ cái gốc đen xập xì dòm phát tội. Thế mà út vẫn chưa có chịu về.

Bận này thì út đi dãy Nê. Dãy này thì xa, xa cái thẻo đất miệt vườn nhà út tới tận năm ba mùa phóng lúa, xa đâu tận mấy mươi cao ớt trúng giá được mùa, bằng dăm bảy cao thuốc lá lá người ta trồng mà không bị cuốn lá, xoăn hình bắp cải… Út đi gọn hơ, nói đi là sắp xải của nả đi cái rột. Dãy Nê là nơi phát tích của đạo Phật mà. Út nói chớ đận này mình đi về với Phật, duyên tới là út đi, đi và sẽ trở về. Út tin vào cái duyên lắm, như cái duyên giúp mình sinh ra và lớn lên ở đây, cái duyên đưa út đi tới những vùng đất khác, duyên gặp gỡ và tao ngộ những con người kỳ lạ. Út gom hết tiền cắc ca
cắc củm từ bấy hổm rày, dồn vô mua vé đi Nê vào một ngày cuối năm con Ngựa.

Tháng tận năm tàn và đông qua và xuân tới. Út cắm sào bứt cái mặt mình ra khỏi bờ giậu giêng hai vào một buổi sang mùa xuân gió thổi chớm chớm má. Bữa đó út bưng theo có vài tấm hình, chụp kiểu ảnh bốn sáu, đặng qua Nê làm giấy thông hành. Út nhớ, cái bữa đi chụp ảnh, ở cái hiệu ảnh xưa lơ xưa lắc nằm ở đường Tám, hiệu này lâu lắm rồi, mần ăn cũng được nên song lâu, thì đời mà, ăn xổi ở thì mần ăn chụp giựt lâu ngày dài tháng cũng rung cuốn. Chỉ có uy tín chat lượng cao thì được người ta tin tưởng, xài hoài, mua hoài. Út xớ rớ xỏ vô cái áo sơ mi, dưới là cái quần đùi dòm mắc cười muốn xỉu. Chụp choẹt một hai phát xong rồi ra bang ghế ngồi chờ, vói đầu vô trong nói cha nội kỹ thuật viên có chỉnh sửa thì đừng có làm lố quá nghen, xóa mụn căng da chỉnh sang tối nọ kia chớ đừng xóa mục ruồi, đừng them này them nọ chút ra đẹp rực rỡ mà hổng giống tui cái chỗ nào hết là tui hổng trả tiền à! Nói chuyện kiểu đâm bang, cà rỡn cà giựt thì út giỏi lắm. Hình chụp xong rồi út điếc ngơ điếc ngắc, ủa ủa cũng lâu lắm thiệt lâu rồi không còn dòm thấy được cái khuôn mặt nghiêm nghị này. Chắc tại hay cười hay giỡn riết đâm ra quên mất gương mặt người. Những gương cười giả tạo và phù phiếm, cứ xoay xoay!

Đi Nê thì phải mần cái giấy thông hành. Út thấy nhiều người chê này chê nọ kiểu như cầm cái tờ giấy nhân thân ở cái xứ thiên đường này đi đâu cũng hổng được, nhiều người đâm bất mãn, biểu chớ xứ chi đâu mà đi cái hốc bà tó nào cũng bị người ta dòm lom lom, mắc ngượng. Út thì khác, mình sinh ra và song ở nơi này, mỗi ngọn cây, cọng cỏ, mùi dầu cù là cho tới bợn giấm chua bỏ vô hũ năm bảy bữa sau chua lè chua lét... đều thân quen và gần gũi cả. Mình phải biết trân quý những thứ mình đang có. Đứng nơi này mà cứ ngó nơi kia, dòm khói mà tưởng tượng nồi cơm bên phía bờ giậu bên kia ăn chắc ngon, tới cỏ cây bông lá bờ giậu bên kia cũng bự xự hơn, mướt rượt hơn là hổng có được. Cả đời cha má út sống ở đây, nơi này là nhà, là thương là nhớ nên đi đâu cũng hổng bứt rời ra được. Ai biểu ba má chôn cái cuống rốn lúc út còn đỏ hỏn ở dưới gốc cau, bụi chuối nào ở cái xứ thẻo cà tha này rồi mà.

Bỏ qua hết cái nọ tới cái kia. Út chạy băng băng trên những ngọn gió và chín tầng mây, dòm qua cánh cửa hẹp thấy trời cao đất rộng gió thổi mát rượi. Định cái bụng mở cửa ra cho gió thổi mát mát tóc bay bay, tưởng tượng chắc nụi chỉ cái bụng là hổng dám. Có bận nghe người ta nói dân ở cái xứ gì cũng mũi tẹt và da vàng mà dân thì xấu tính, đi chơi xa cưỡi gió đáp mây mà tẹt nước mũi vô mặt người khác vì... ngứa. Út cười, hay bây giờ người ta bớt tôn trọng những cái thuộc về văn hóa ứng xử đi vì những cơn gió như thế này. Giống như út, thấy gió mát quá muốn bứt bỏ hết những buộc ràng, những lề thói cũ. Hay những chuyện như người ta giành nhau quả phết cầu may bữa hội làng, người ta tranh nhau quết tiền vô máu con heo vừa được phân thây tứ mã chém ngay đơ thẳng đuộc giữa sân làng rồi tha hồ mừng rỡ vì ... lộc, người ta có thể dễ dàng dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn lặt vặt kiểu như dòm hổng ưng con mắt thì hốt nhau thôi. Chắc tại gió, mát quá đã quá nên dễ quên trời quên đất, giống út, bữa sáng đi Nê.

Máy bay ngừng lại lưng chừng đồi cọ. Út có biết gì đâu, người ta chở qua tới đồi cọ, ngưng lại ở đó, nói chờ dãy Nê mở cửa trở lại, mới làm giấy thông hành đi tiếp được. Lân la hỏi hỏi kiểu như ủa sao kỳ vậy? Tui có tội tình chi đâu mà tự nhiên lại đóng cửa dãy Nê làm ảnh hưởng đến tui? Trời ơi quê tui còn nghèo nghèo lắm, tui phải chắt mót mấy vụ lúa, mấy sào thuốc lá, dăm bảy mươi cao ớt trúng mùa mới đủ tiền cỡi mây và đạp gió tới đây được. Việc ở nhà đâu phải nói bỏ xuống là bỏ được đâu, đi được đã khó, lại đi có dăm bảy ngày (vì sợ, lúc bận về lỡ ông thời tiết hổng thương đổ trận mưa rào, làm cho lúa nhảy xổ đồng, làm thuốc lá co vòi xoắn bắp cải, ớt rụng cuống đỏ oặt cả đồng thì chắc út trắng phơi. Mà ngộ, đó rày ông thời tiết cứ hổng thương hoài, xoay qua đổi lại chóng hết cả mặt, không đoán trước được nên người dân xứ của Út, đã nghèo lại càng nghèo hơn!). Nên bữa đầu tiên ngưng lại ở đồi cọ, Út mới đầu còn sợ sợ, sau rồi hớn hở, ý da đi tới đất Nê chớ bộ giỡn, biết đâu trúc trắc nho nhỏ này làm cho mình nhớ hoài, hổng có quên được rồi sao. Nguyên bữa đó út đi cà vòng cà vòng. Thấy chỗ này đẹp chỗ kia vui vui chộ nọ hay hay thì ghé, móc cái điện thoài cùi ra chụp lấy chụp để. Lâu lâu mới có dịp được đi ra khỏi lũy tre làng chứ bộ!

Rồi tối đó cũng lục đục nhiều chuyện. Người bị kẹt lại đông, cả ngàn người chớ ít ỏi gì (có người kẹt lại đã ba bữa, không tắm rửa, không chỗ nghỉ chân, toàn lựa chỗ nào có cây cọ to to, chụm lưng lại, ngáp xong lại ngủ, ròng rã mệt mỏi suốt ba ngày trường!). Đồi cọ thì lúc quỡn đãi dòm cũng rộng rãi, nhưng lúc có chuyện rồi thì co vòi lại còn có chút ét, nhỏ xíu hổng đủ chỗ nhét kẽ răng, cạp một phát hết trơn. Dân xứ Nê sao toàn là đàn ông thanh niên, những gương mặt người có râu, mắt sâu hoắm như chứa cả một đời người trong đó, tóc xoăn, da ngăm và nặng mùi. Họ tụ tập dưới những gốc cọ, khổ sở và bơ phờ chờ đợi tin tức khi nào thì họ tiếp tục cuộc hành trình. Út thì khác, út hổng có quen với cái không khí cọ dầu này, thế giới nhỏ bé của út thì đậm mùi bùn, là những mái nhà trước cau sau chuối, có bầy vịt lỏm đỏm lội nước, có tiếng con gà trống giữa trưa đạp mái kêu ỏm tỏi, có con chó sủa ma váng cả những giấc đêm... Vậy nên tối đó út đi lân la ra khỏi đồi, tìm một chỗ nghỉ lưng đắt ngang ngửa nửa vụ lúa (cũng may, có quế nhân phù trợ, út hổng phải trả tiền, nửa vụ lúa, còn ở lại với út!). Ngủ một giấc, tỉnh dậy thấy thần thanh và khí sảng. Tâm trạng tốt hơn, đi kiếm thịt gà ăn sáng. Ở cái đồi cọ này, người ta không ăn thịt heo, người ta cũng hổng ăn thịt bò, thịt gà thì được, cá cũng tạm được. Út thì không ăn cá, nhưng ăn thịt gà hoài cũng ớn chớ bộ. Thứ gà công nghiệp thịt bở rẹt, ăn thì cứ ăn thôi, cho qua ngày đoạn tháng. Nhớ thớ thịt gà ở quê mình, gà tơ, không đẻ được nữa thì má nhốt vô sọt, rồi cắt tiết nấu nước sôi, vặt lông, nấu cháo, thịt xé phay, bóp gỏi, thịt ăn dai, nhưng cái ngọt của gà ta thì sâu đậm nhức hết cả răng. Út cứ bần thần, nhớ mấy món nhà quê thơm thảo mà làm động lực chống đẩy hết những thức ăn ở đồi cọ này! Rồi thì cũng qua, người ta nói ăn để sống, chớ sống để ăn thì nghĩa lý gì!

Chuyện kể rằng có một vụ trật đường băng ở dãy Nê. Không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về mặt xã hội thì chắc hổng đong đếm được, hơn ba mươi ngàn người (có út trong đám nhấp nhô đó) và hàng trăm chuyến bay bị hủy, hoãn. Điều bất ngờ là, phải mất tận hơn năm ngày mà ông chính quyền xứ Nê vẫn chưa giải quyết được vụ khủng hoảng. Nê là miền đất của Phật, có cội bồ đề tương truyền là nơi đất Phật sinh ra, có dãy Hy hùng vĩ hoành tráng và là nóc nhà của thế giới. Phái có duyên và phải thực tâm muốn đến nơi này, thì mới nhấc chân lên mà đi được. Nhiều khi, có tâm như út cũng hổng đến được nữa kìa. Đó là điều mà mãi cho đến khi đặt túi bàng xuống trước hàng hiên, mệt mỏi rã rời sau một quãng hành trình lưng lửng, út đau đớn buồn khổ nhận ra được. Và đó, là chuyện của một ngày sau đó.

Đồi cọ lại tiếp tục nở ra, không phải về diện tích bởi nó có chút chíu à, mà vì người. Ngày mới đến đón nhận thêm nhiều những gương mặt người khác nữa, út dòm thấy họ như thấy mình của ngày hôm trước .Hớn hở khí thế chờ dừng chân rồi làm tiếp nửa sau của cuộc hành trình đến Nê, để rồi thất vọng não nề, thả nỗi buồn rơi khắp đồi cọ. Đồi cọ thì không có lỗi, chỉ là điểm dừng chân. Nhưng biết làm sao được, người ta chỉ đổ lỗi cho những gì rành rành trước mắt chớ ai đâu tỉ mẩn bóc tách những thứ xa xôi hoặc đã là dĩ vãng quá khứ làm chi (như ở quê út, ông trưởng xóm có tội tình gì, chết là hết, từ chức trưởng làng là hết, nhưng khổ cái, ổng có biết từ chức viết ra mần sao đâu?). Nê còn quê hơn ở quê của út, nên ở đó có mỗi một chỗ cất và hạ cánh, đườngbaăng bị trục trặc rồi nên đóng luôn cửa ra vào, nội bất xuất và ngoại bất nhập. Út ở lại đồi cọ ngóng tin đến ngày thứ hai, bước qua ngày thứ ba, út quyết định mua vé trở về. Trong mệt mỏi và thất vọng, út trở về.

Hãy tưởng tượng mình đến nơi trễ, phải mua lại vé mới, sau đó mình đi tới đồi cọ, trạm dừng chân thôi, để chờ đi tiếp đến Nê, thì nhận tin Nê đóng cửa giải quyết sự cố, mình chờ ở đồi cọ một ngày, hai ngày rồi đến ngày thứ ba, mọi nhiệt tình đều bốc hơi đi mất. Mình thì chỉ có bảy ngày, mất hết ba ngày ngồi ở đồi cọ ngắm nước chảy hoa trôi, mùi người thì nóng, mặt người thì quạu, thử hỏi bao nhiêu chờ đợi trôi đi hết. Mình mất trắng ba vụ lúa, mấy mươi cao ớt, dăm ba sào thuốc lá lá vụ xuân. Muốn gỡ gạc thì mình phải bỏ tiền ra đặng mua vé trở về nhà, rồi đâm đơn đi đòi lại một vụ lúa. Là út, là tình huống của út bữa đó. Chỉ nhớ út lang thang ở đồi cọ, tay buông thõng, vai buông thõng, túi bàng nặng thênh thang, cõi lòng tan nát. Chờ đến sáng, út mua vé trở về nhà. Nếu có thể khóc, chắc đã có một phen đồi cọ được tuưới nước rồi. Nhưng ông trời đã định sẵn, út không được khóc, chỉ có thể gượng cười. Ông trời đã định vậy, nước mắt chỉ dành cho kẻ thua cuộc và yếu đuối mà thôi!
Ngày mồng tám tháng ba, ngườit a mua hoa hồng và bánh tặng cho một nửa của cuộc đời. Ngày mồng tám tháng ba có những lời gợi nhắc và hình ảnh về một cuộc đạp mây cưỡi gió từ đồi cọ đi mãi vẫn chưa trở về. Ngày mồng tám tháng ba, có út lôi thôi ôm giỏ trở về lại nhà, ôm trong bụng một rổ lổn nhổn những hối tiếc. Tiếc vì bao công sức bỏ ra đã không đi được đến hết hành trình, tiếc vì mỗi lần dứt bờ lau gốc rạ ra là mỗi lần cực nhưng cuối cùng lại không đi được. Lổn nhổn tiếc kèm theo mệt mỏi vì ba ngày hai đêm kẹt lại ở đồi cọ. Chuyến về út ngủ, gió có mát nắng có rực rỡ dường nào cũng không quan tâm. Phật thì vẫn còn ở đó, trong tâm tưởng, chỉ có một khoảng trống trong lòng chả biết bao giờ mớidđeền vô được. Thì thôi cũng đành là hẹn. Chả biết đến bao giờ.

Như những cơn mộng mị, có thể đánh tỉnh út bất cứ lúc nào, ngay lúc mình đang say nhất. Bữa đó, cũng là lúc mình đang say,thấy đang dậm chân trên nóc nhà thế giới, thấy đang đi những vòng kora quanh cội bồ đề. Cái rồi vía giật mình tỉnh dậy. Tỉnh cơn mê, hụt hẫng cho mãi đến tận bây giờ