Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Suy nghĩ tích cực!

Tết này tôi 22 tuổi! Vẫn không thay đổi gì nhiều nhặng, kể từ hồi mới nứt mắt đến lúc dậy thì, đến khi vào đại học! Vẫn ngang bướng, nói nhiều, nhiệt tình, yêu ghét cực kỳ phân minh... và luôn là đầy tớ!

Trong mười hai năm học phổ thông, tôi chưa từng làm lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng, hình như hồi cấp hai có làm trật tự, lên cấp ba có làm sao đỏ, toàn những chức vụ dễ khiến người ta ghét! Gặp tính tôi cũng hơi bị điên, bình thường thì dễ trời ơi, lúc nóng mặt lên là chết bỏ gì cũng tính toán! Đường quan lộ coi như bê bết! Tôi nhiều lần nghĩ rằng mình không có cơ làm ông này ông nọ! Nên ai hỏi tôi muốn làm gì, tôi bảo tôi làm nhân viên, bình thưởng, khỏi mất công sóng to gió to! Tính tôi như thế, không phải tôi không muốn đứng chỉ tay năm ngón, mà chỉ muốn đứng phia sau hậu trường, làm hậu cần! Ai nhờ gì cũng nhiệt tình giúp, mà nhiều khi để cái thứ tự ưu tiên của người ta lên trước của mình! Nên qua tết này tôi thay đổi! 22 tuổi đầu, sẽ tập dần bản tính, mình là cái rốn của vũ trụ, không còn là cái giếng đặng thu lấy thu để cho người ta múc đi cái nhiệt tình của mình mà bỏ đi!

Tết khiến cho tôi buồn, nhiều hơn vui! Nghĩ sao mà nhận được cuộc điện thoại của bạn từ phương xa lại vui hơn những cươi cười nói nói của những gương mặt thân quen hồi cấp ba phổ thông xưa cũ! Từ nào đến giờ tôi luôn nghĩ rằng sẽ khó có người bạn nào làm tôi thay đổi quan điểm rằng bạn đại học hoặc bạn đi làm sẽ có thể thay thế được những người bạn thân thiết tự cấp ba của mình! Và bữa tôi đau đớn thấy rằng mình đã lầm! Thời gian khiến con người ta thay đổi, cười cười nói nói khiến con người ta thay đổi! Tôi ngồi đó, cười muốn té ghế mà tự nhiên bên trong, sâu thẳm nó bay đi đâu! Nhắn tin cho người bạn đại học khác, và nhớ!

Sẽ thay đổi, tiêu cực hơn! Bởi tích cực quá, chỉ khiến cho mình khổ, mà thôi!

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Vui!

Đang ngồi ơ hờ ăn củ sắn, má cho! Thì nhận được cuộc gọi của bạn, người Hải Phòng! Bạn cùng cả nhà đi chơi Nha Trang! Buồn tình hay sao đó, gọi cho mình! Tự nhiên mà vui quá xá!

Bởi đơn giản, mình biết đó là mối dây tình bạn thiệt lòng! Không ơ hờ nhắn tin, trực tiếp gọi điện!

Mình trân trọng điều đó! Cảm ơn đồng chí mình nghen!

Đơm đầy mùa xuân!

Tôi hay gọi là trái khóm, chớ hông gọi là thơm! Cả nhà tôi cũng thế, đã thành truyền thống, đã thành thói quen!

Tôi khoái ăn khóm, bắt đầu từ lúc nào cũng không biết! Nhưng tay nghề gọt khóm cũng hay, khía mắt cùng tài! Ngày xưa trưa quỡn thường móc ngàn rưỡi, hai ngàn chạy ra quán, treo tòn ten lủng lẳng mấy trái khóm, mua về nhà, gọt chấm muối ớt, ngon suốt cả một miền thơ! Tuy nhiên, ăn khóm hay bị cào ruột, đau bao tử ăn vô là hắn quậy cho mà tan nát của ruột gan! Ăn khóm uống nước vô duyên vô cùng tận! Ăn khóm mà nấu canh chua, thiệt y chang như ăn vỏ khóm!

Có lần tôi có chia sẻ, gốc nhà tôi ở Tiền. Cha cũng ở Tiền, má cũng ở Tiền, duyên trời định, cả nhà nội ngoại đều chạy giặc mà xuôi dạt về Ninh! Chỗ Tiền xứ của tôi, trồng bạt ngàn là khóm! Mỗi bận má về xứ ăn đám cưới, đám giỗ… thường khi về, cũng quảy theo một bao khóm, lớp để ăn tươi, lớp đặng mần mứt, ăn dần dần, nhưng thường là chưa tới một tuần, là bị cả nhà xử lý hết! Nhà tôi vậy, ai cũng khoái khóm!

Nhưng thiệt sự ra, nhiều người bảo cái trái mà tôi đang gọi là khóm, không phải khóm đâu, nó là thơm! Trời đất cơi, ai mà không biết điều đó! Khóm là thứ trái mắt nhỏ, trái nhỏ, cái đầu râu của nó cũng xụi lơ, không có tua tủa như thơm, trái bự hơn, mắt to hơn! Tôi nghe đồn, còn có trái tho nữa, là loại thơm cỡ bự, vỏ chín rồi vẫn có màu xanh, râu lá to, và ăn ngon hơn hẳn! Cái đó tôi nghe nói, tôi tin và lúc nào ăn trái nào bự bự, vỏ xanh thì gọi là ăn trái tho, nhỏ hơn xí thì là thơm, và bây giờ thì chắc chỉ còn dưới Sài, mấy bận mua khóm mười ngàn ba trái mà mấy người bán xe đẩy hay rao khắp trong cùng nhỏ hẻm, thì mới đích thực là khóm! Tôi cũng không biết nữa, và thực tế là, tất tần tật, tôi chỉ đều gọi là khóm, mà thôi!

Năm trước, dì tôi đi về xứ, có xách về một mớ râu khóm, đem trồng ngoài hiên nhà! Tết nhứt, dì làm trái, mùa đầu, mà ra đâu được hơn năm chục trái, phấn khởi và vô cùng khả quan! Năm đó dì đem chia cho mỗi nhà ba, bốn trái, chưng lấy hên, lấy thảo! Kể sơ sơ thì người dân Ninh theo đạo Đài, ít thì bàn thờ bàn tự có khoảng ba cái, còn đủ là phải có năm bàn thờ: khánh thầy, bàn thờ cửu huyền / hoặc ông cố/ bà cố, bàn thờ ông bà nội / ngoại, ông địa / ông thần tài và cuối cùng là ông táo. Đạo Đài thường không có bàn Thiêng, xây chóc ngóc ngoài sân, có bình bông, lư hương và dĩa trái cây, giống như đạo Phật! Nói như thế, để dẫn chiếu vào năm nay, dì tôi làm trái hơi sớm, mới có hai hai, mà khóm đã trổ mòi, vàng khè chín tới ráo trọi!

Đăng hình lên, cho bạn đến chơi nhà có cái mà thòm thèm! Cây nhà lá vườn, không sợ thuốc đâu ha!



Mở hàng bằng đồng chí này, dòm hoành hoành tráng tráng chưa, quá chời nách lá mọc ra!


Có đồng chí này, một thân mà tới hai nhánh, nghe chị bảo, còn có một đồng chí nào đó, một thân mà có tới ba nhánh luôn! Ghê chưa? Khóm nhà trồng mà cũng quằn quại dữ đa!



Rất nhiều trái đã chín vàng! Liệu có còn vàng đẹp rực rỡ thế này chờ xuân không ta?


Tội nghiệp, không biết sao trong cả bầy, lại có đồng chí này, bị lật cù queo, bị mấy con rầy ăn dòm thấy thương, trái nhỏ xíu, hix!


Mấy góc khóm, đều có trái, dòm ghiền ghê tơi!


Trái này đẹp nhất đám, khi dòm bề ngoài thì như thế, nhưng lên hình thì hông hiểu sao, y chang mấy trái kia! Mắt to, thân tròn, chưng mâm lộc là hết sẩy!




Và dĩ nhiên, đã hai mươi ba rồi, mà giờ này vẫn còn khóm mới nhú, chắc tới rằm tháng 2, mới có trái đem chưng!

Cả một vườn khóm, đơm đầy cả một trời xuân!

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Một người bạn cũ, đặc biệt!

Tôi có nhiều duyên nợ với sách! Ví như quyển sách đầu tiên tôi có là cuốn Nhị thập tứ hiếu được cha mua cho hồi năm sáu tuổi. Đó là quyển luân lý giáo khoa thơ đầu đời, chỉ cho tôi được làm người thì phải lấy hiếu nghĩa làm đầu, cuốn sách ân tình, thời mà cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, mà cha tôi vẫn luôn khuyến tôi đọc sách! Ví như ngày tôi đi làm cuối cùng ở ngân hàng Z, không tiếc nhớ gì hết, mà chỉ khắc khoải chịu ơn một buổi trưa chạy long nhong trên phố Sài cùng người chị gái, người đồng nghiệp mà ngày thường cười cười nói nói, đến giây phút cuối cùng chia tay, chị hoãn lại cái hẹn ăn trưa với bạn, rồi dẫn tôi đi ăn trưa ở Seoul House với món kim chi tùm lum thứ, với cơm trộn cá nướng và kết thúc bằng một quyển sách chị đề nghị tôi nên đọc! Quyển đó là Suối nguồn, tôi cũng đã dự định mua hồi lâu rồi, kể từ quãng đọc bài điểm sách của Fa nhân hội sách năm năm về trước! Tôi dẹp lại một quãng nho nhỏ đánh dấu việc làm chính thức đầu đời của mình bằng nụ cười động viên thân tình trong một quyển sách mở ra cho cuộc đời mình! In như lần đầu tiên tôi gặp chị tại công ty, điều đầu tiên chị nói, cũng là về sách!

Tôi đang muốn nói đến bộ Harry Potter, mà bữa qua, lúc dọn lại tủ sách, tôi lần giở lại những lát cắt của hơn mười năm trời! Tôi gọi bộ sách ấy là bạn, mà có lẽ chắc không biết đến bao giờ, tôi có thể gặp được người bạn như thế! Bạn vong niên, bạn tình thâm, bạn cõi còm dòm tôi lớn lên ở cái quãng mà đời tôi đẹp nhất! Mỗi năm tôi thường dành ít nhất là hai lần để trò chuyện lại với bạn, dịp hè rỗi rãi và tết đến xuân sang! Không phải ngẫu nhiên!

Dĩ nhiên là không phải ngẫu nhiên! Bởi lần đầu tiên tôi đọc H.P là vào năm tôi học lớp sáu, năm 2000. Quãng ấy tôi đọc báo Đỏ, một ngày báo trích đăng theo kiểu quảng bá một hiện tượng của thế kỷ với hai kỳ H.P, ở tập một, H.P và viên đá, chương hai, khúc H.P đi vô sở thú chơi với dì dượng và thằng em trai, rồi phát hiện ra trong lúc nói chuyện với con rắn Brazin đã làm cho nó xổng chuồng! Báo Đỏ lúc đó đăng chập chờn, giữa chừng, ông nội tôi đọc cũng không hiểu! Huống hồ gì, học sinh lớp sáu mới vỡ lòng tiếng Anh, đọc không thông không thạo, thì làm gì mà thèm để ý đến người bạn lớn ấy!

Lần đọc báo đó, chỉ cho tôi một khái niệm mù mờ rằng, à ở dưới Sài, con nít đang rần rần về một bộ truyện về phù thủy, hay lắm, đã bỏ bùa hầu khắp thế giới, rồi thôi! Dâu bể làm sao, tôi có một thằng bạn, lúc nhỏ thì thân lắm, bây giờ thì bặt thông tin, đó là Nh., con của bác Đ.T. ngày xưa chuyên gia dịch mấy bộ phim hoạt họa chiếu trên kênh HTV7 vào lúc bảy giờ tối các ngày trong tuần! May mắn, trong hơn hai mươi năm qua tôi có được những người bạn tuyệt vời, mà nhiều khi ngẫm nghĩ lại, không hiểu sao, một thằng tôi bình thường như thế, lại có được những bạn bè thân tình quá đỗi! Nói như thế, để các bạn biết rằng, nhờ có Nh. Mà tôi đã được tiếp cận với H.P, theo kịp thời đại, và cũng như thời đại, tôi bị H.P bỏ bùa ngay từ khi đọc những tập đầu!

Nói cho rõ, ngày xưa, H.P ra sạp báo không phải là một quyển tổng hợp bự chà bá như những tập truyền bây giờ, mà nhà xuất bản sách chia một tập trong tổng cộng bảy tập H.P ra thành nhiều quyển nhỏ, giống như Conan, rồi xuất bản cuốn chiếu, mỗi tuần một cuốn! Kiểu xuất bản ấy ra được đến tập sách thứ năm, H.P và hoàng tử lai, thì kết thúc, chuyển sang xuất bản cùng một thiết kế bìa sách với thế giới, chậm hơn khoảng hai tháng dành cho cô L.L chuyển ngữ! Trong tủ sách của tôi hiện giờ, năm tập đầu hoàn toàn là những quyển sách nhỏ, tổng cộng gồm sáu mươi mốt tập, chia thành năm phần chính của trọn bộ H.P, hai phần còn lại, sáu và bảy là quyển bự!

Tôi phải cám ơn Nh, người bạn cũ mà bây giờ bặt luôn tin tức, tôi không biết bạn ở đâu, bạn làm gì, học trường nào hay những thông tin cơ bản khác! Tiếc quá chừng! Nhưng tích cực, thì bạn đã bắc một cây cầu, từ cây cầu đó mà tôi lớn lên, cùng với một bạn ký ức khác, đó là H.P! Cũng nói thẳng ra luôn, đi qua hơn hai mươi năm cuộc đời, nhiều khi chính H.P lại nối cầu cho tôi với những người bạn đời thường thực tế nữa. Như bạn M.Tr khi xuống đại học, cũng khoái H.P giống tôi, cũng lớn lên cùng với H.P như tôi! Tôi nghĩ rằng, rải rác trên khắp cả nước này, không nói ra thì thôi, chớ ai sàn sàn tuổi tôi, có đọc H.P, thì chắc ăn luôn là khi nói ra, phải mất nhiều giờ, nhiều ngày đặng giải bày cho hết tâm sự của mình! Kiểu như đọc từ nhỏ đến lớn, đọc hoài mà không biết chán! Đọc tập một mà cứ bị ám ảnh, vô lớp học của mình mà cứ gọi là nhà, rồi trong lớp làm chức tổ trưởng, sao đỏ nọ kia thì cứ trừ năm điểm, mười điểm! Tập một, tôi bị ám ảnh sâu sắc bởi sự độc lập và cạnh tranh cộng / trừ điểm ấy của bạn H.P!

Bởi cũng đơn giản vì đọc H.P từ hồi chưa nhổ giò biết lớn, giọng chưa vỡ, mặt còn láng, chưa mụn nổi đầy mặt! Rồi đọc H.P qua cái buổi ồm ồm giọng nói, qua cái quãng học hành hết ga mùa thi, đọc H.P lúc năm tư sắp sửa ra trường, và chắc ăn là sẽ còn, đọc H.P cho đến những ngày sau này nữa! Bởi H.P là người bạn đặc biệt, của tôi mờ!

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Đã thấy Tết về...

Hổm nay quyết tâm không lê la nữa, ở nhà, phụ chị giặt mùng mền, phụ cha đắp lại cái bờ rào, ngồi lặt vỏ me đặng má làm mứt, hỏi má năm nay mần mứt dừa nghen má! Má cười te tét nói mấy năm trước sao mày hổng kêu làm mứt, năm nay đường lên, dừa lên, dầu cũng lên lại kêu mần mứt là sao! Vậy là im re, phụ má lột vỏ me tiếp! Giở tờ lịch ra đã là hai mươi, chạy như ba bữa nữa đưa ông táo! Bữa qua má đi chợ mua về một mớ nhang đèn, giấy tiền vàng mã tùm lum đặng tới hai lăm đi tảo mộ, đặng đốt bữa cúng tất... Đã thấy tết về kìa!

Đã thấy tết về trên từng nụ mai nhỏ xíu, bé chút cheo mà hồi năm rồi bữa ba mươi chạy ra ngoài cầu Quang mót về một chậu! Cây mai ba bốn bận tưởng đã chết, vậy mà ngắt ngẻo lại qua cuối cùng cũng cựa mình cho ra hơn một chục cái nụ! Phải rồi, ai biết được rằng năm 2009 GM đổ nợ, ai cũng biết được rằng năm 2010 lại chứng kiến GM tung ra đợt cổ phiếu đầu tiên! Đời là vậy, ai mà biết, ai mà ngờ!

Đã thấy tết về qua cây chổi má mới mua, để dành ngày mùng một đem ra quét rác trở vô nhà! Cây chổi mới, mua ở xóm chổi gần nhà, hổm nay rục rịch tăng ca làm ngày làm đêm đặng kịp hàng cho những ngày năm tàn tháng tận! Cây chổi mới nằm im ra trong gốc nhà, má rải tiếng thở dài lắc lẻo trong từng cánh võng! Hồi xưa mua cây chổi có đâu năm sáu ngàn, bây giờ cũng cây chổi đó mà phải bỏ ra đến hai mươi tám đồng! Tiền mất giá, cái gì cũng lên giá, tuổi má cũng lên cao! Chỉ có đồng tiền trôi vô là cũng như thế, ít hơn!

Đã thấy tết về qua những chậu mai người ta chở đầy ngoài ngõ! Bữa qua lên mạng, vào bờ lau của bạn đồng hương, nhà báo, báo Ninh. Anh giăng trên bờ lau nhà mình thông tin về việc chợ hoa Ninh chuyển từ chỗ cầu Quang lên khu mới, để cho cái bờ kinh buồn hiu trong những ngày xuân đầy nắng! Chỗ bến chợ tàu thuyền đó năm nào cũng nhộn nhịp, là nơi tụ hội của khách thương hồ chở bông về bán! Và tết đã về rồi mà sao năm nay đoạn đường hoa cũ trở nên thênh thang! Đọc báo Trẻ thấy mừng vì dưới Sài người ta quy hoạch ba bốn bến sông thành nơi họp chợ hoa tết, mà sao nơi Ninh mình lại bưng cái xôn xao háo hức của đoạn đường hoa xuân nơi vị trí đắc địa chỗ cầu Quang đi! Xao xác thầy buồn!

Đã thấy tết về, đã thấy tết về rồi! Mà sao chiều nay có bóng ai đi qua bên bờ giậu, phơi lại tấm áo cũ mỗi năm bận có một lần! Ninh nghèo, biết bao giờ mới có được một mùa tết xênh xang?

Nghe bảo chỗ bắn pháo hoa cũng đã dời đi!

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Gia vị của Tết

Mấy bữa nay về vườn, quỡn quá không làm gì hết, đi dạo quanh mấy bờ lau nhà bạn, đã thấy Tết về gần lắm rồi! Bạn hay bày bánh mứt, hoa trái tùm lum ra khoe, tết hườm hườm tết chập chẻng tết phai phai gì cũng đủ đầy trên mấy bờ lau nhà bạn hết! Có một mình ên, nơi Ninh nhà, tôi đi kiếm Tết qua một tối đi kêu lô tô hội chợ, mới biết rằng, trời đất cơi, chính cái hội chợ này mà tết năm nào cũng trở nên hồng, nên thắm! Vậy mà đi qua hơn hai chục cái tết rồi, mà chưa bao giờ tôi thèm ghé lại dừng chân nơi một hội chợ lô tô lần nào!

Hội chợ thường về xã, ấp trong mấy bận kiểu như tháng tận năm tàn, khi mà lòng người ta phây phây, khi mà gánh nặng áo cơm được dẹp qua một bên đặng xấp xải người ta rủ nhau đi giải khuây, đi thơ giản! Thế nên từ giáp rốt tháng chạp cho tới ngoài tháng ba, tháng tư thì đi khắp làng xóm, xã nào cũng có một đám hội chợ, để cho trời vừa quờn quờn đất là người ta rủ nhau áo sống, xách đèn pin đi coi hội chợ, đi kêu lô tô, rôm rốp tiếng nói, rốp rẻng tiếng cười! Có bữa một đêm sáng bảnh mắt ra đa thấy khoảng đất trống chỗ Trung, công viên ngay Thành, sân vận động gốc cuối Hồ cắm rạp cắm cờ cắm băng rôn treo mấy gương mặt nghệ sĩ với những quầy sạp ném banh, ném phi tiêu, câu cá, đuổi bọ… um sùm, là thể nào từ ngày đó trở lại sau một tháng, hai tháng là chiều nào cũng dập dìu người xe rủ nhau đi hội chợ! Vụ treo băng rôn hình nghệ sĩ, thiệt tình nhiều bữa tôi cười muốn lộn ruột, kiểu như năm kia nghệ sĩ Minh Phụng vừa mới chết, đám hội chợ cũng vừa về, không biết là có cập nhật tin tức hay chưa mà vẫn tềnh tang treo bức hình ông Minh Phụng mặt trát phấn cười te tét! Chỉ tội mấy bà già, khoái coi văn nghệ văn gừng, tối nào cũng ngóng cổ cò chờ được gặp mặt Minh Phụng, mà hội đã tan mà cũng vân chưa gặp được nghệ sĩ thế hệ vàng!

Với tôi, hội chợ là nơi hội hè, tụ hợp của những người ăn không ơ rỗi, khoái cờ bạc, chỉ chờ có hội chợ về là rần rần! Má tôi, cha tôi và cả nhà tôi, hầu như ai cũng thế, hội chợ chỉ như là một thứ gia vị, đặng nửa đêm tự nhiên nghe tiếng loa kêu lô tô từ xa vọng lại biết là trời đang chuyển dần về sáng, đặng bữa qua dòm thấy đoàn hội lô tô về là biết chắc là tết nhứt sắp tới, đặng chắc lưỡi gì đâu mà mau quá, chớp mắt một cái đã thấy tết, mau quá, lẹ quá, già thêm một tuổi nữa rồi, mà vẫn chưa giàu, khổ!

Chính cái tâm tưởng ngại hội hè đó, mà nhỏ lớn số lần tôi đi hội chợ, kêu lô tô, cộng lại hợp lại chưa đủ năm ngón tay! Tôi không biết người ta kêu lô tô ra sao, có giống như mấy tuồng hài hồi xưa tôi hay coi, kiểu như Bảo Quốc hiệp với Kiều Oanh, Bảo Chung hiệp với Lê Giang, vừa móc con số vừa rỉ rả hát mấy bài vô duyên kinh khủng khiếp! Tôi cũng không rành chuyện làm sao thảy cho trái banh đốn ngã ba cái lon để được tặng bịch bột ngọt, rồi chơi con bọ thì mua tờ vé rồi chờ coi con bọ nó chạy vô ô số nào, có trúng với mấy cái số trên tờ giấy tôi mua hay không! Tôi không rành, mà bản chất là tôi không thích!

Thế nên bữa qua, chắc cũng đã bảy tám năm kể từ hồi học phổ thông đến giờ, tôi tự dưng nổi hứng lên, đi hội chợ! Để thấy rằng, trời đất cơi, chắc có lẽ mình ở Sài lâu, nên thấy đất quê nhà buồn quá, trời về tối bảy giờ là ngoài đường vắng tanh, cha má đi ngủ sớm, để cho mấy chương trình truyền hình trực tiếp, mới có chín giờ đã buồn thiu mà tự thanh tự động, để thấy rằng trăng quê nhà mình sáng quá, thiếu mất tiêu tiếng ầm ào của một thành phố sôi động, đêm cũng như ngày ngày cũng như đêm, quê nhà mà! Và cái thói quen sống giữa những không gian sôi động, sống giữa những ầm ào náo nhiệt níu tôi, kéo tôi, rủ tôi đến với buổi hội chợ, khi mà hơn tám giờ người ta mới ầm ào kéo nhau tới ngồi, rồi mấy ông cố pê đê lên múa may quay cuồng, hát mấy bài não tình mà cái miệng cười te tét, tô tô trét trét phấn son dòm mắc cười đến bể bụng!

Rồi thì kêu lô tô, y chang như mấy tuồng hài tôi đã từng coi, thiệt lần đầu tiên tôi nghe kêu lô tô đấy, theo kiểu “nhịp cầu đã gãy, con số bảy”. Để tối nay vô tình, tôi biết được rằng, lâu lâu mới có đám hội, mới có được dịp để cho con người quê xứ mình có lý do để mà thức qua mười một giờ đêm, và chơi lô tô, nhiều khi gặp hên đem về bảy bịch bột ngọt, một thùng bia đặng lúc vô ba ngày tết có thứ lai rai… Trong đám người đi chơi hội, có những bà già đầu quấn khăn, áo bà ba ngồi trải chiếu chờ từ lúc tờ mờ tối đặng chỉ để coi mặt cô nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng, có thể bà sẽ ngồi chờ tới lúc ngặt nghẽo buồn ngủ thì cô nghệ sĩ đó mới tới, hát bằng cách nhép thiệt là khéo cái bài hát vang bóng vang tiếng của cô, rồi bà già mãn nguyện cười móm méo của một góc khuya mà xiêu vẹo trở về trên con đường đất chập chờn trong tiếng chó sủa, bóng tối và những niềm vui của một buổi hội tàn! Hay đến với mỗi vòng quay số lô tô, là có cả những bà tóc tai quần áo bóng lộn, sơn móng tay đỏ chét, ngồi kêu ly pepsi, dĩa hột vịt lộn, bịch đậu phộng luộc, rồi thơ thải ngồi dò số, thanh thản, vẻ vui cho qua ngày đoạn tháng. Sáng mai họ lại đi gom hụi, họ lại đi cho vay, và tối thì đi giải khuây, vui như vậy đấy! Và tôi còn để ý, đám hội chợ về, mấy nhà gần gần rổn rảng đi chăng dây, kẻ chữ, treo cái bảng giữ xe hội chợ lên, thâu mỗi bận xe là một ngàn, hai ngàn, nhưng coi bộ mần ăn khá! Có ông già giữ xe cười móm mém, phải chi ngày nào cũng có hội chợ, đỡ khổ phải biết! Có cả những người đàn bà, đàn ông cả ngày rong ruổi trên những quãng xa đặng trút bớt xe bánh mì, xe hủ tiếu, xe cá viên chiên, thúng đậu phộng, quầy bánh tráng me, bánh tráng trộn! Rồi hội chợ về người ta đơm thêm cho các thúng đậu phộng nhiều hơn một tí, nhận thêm chục hai chục bánh mì đặng để dành bán buổi tối, ai cũng hân hoan, niềm vui của người khác trở thành niềm vui riêng lẻ khi buổi ngày tan người ta chắt mót thêm được một tí, vui cả những niềm riêng khổ cực khác!

Tôi thì không thích hội chợ, đi để cho biết, rồi thôi! Nhưng mà người ta thì khác, người ta có vẻ khoái hội chợ! Thì đó, là rõ ràng quá rồi còn gì!

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

Đăng lên rồi dẹp!

Tình hình là bên facebook không đăng được hình, tớ cũng làm biếng chỉnh chỉnh sửa sửa, nên treo đại mấy tấm hình hôm trước các đồng chí ghé Ninh tớ chơi nhá! Sau vài ngày tớ lại gỡ xuống, nên các đồng chí liệu mà tải về máy gấp heng!


Chỗ cây cầu, làm bằng xi măng, có cây sung bự chà bá, đứng giữa!


Cả đoàn nè! Hé hé, có tớ!



Bạn C. Nh với cái khăn, mà tớ thì cứ một hai cho rằng giống y chang cái võng nhà tớ!




D. kheo cặp nè!


Đường cong D. đó nha!


Đồng chí Tr. làm thợ chụp hình!


Trông các đồng chí này ngầu chưa?


Đoạn đường gian nan, nhưng có hề chi, tự sướng thì cứ tự sướng thui!


Gần tới chàu Bà rồi, còn đỉnh dốc này nữa thôi! Hình này tớ hông biết zoom nên nó mới kinh thế đấy!


Lên tới Điện Bà rồi, nghỉ mệt tí thôi!



Đồng chí ấy bảo chụp lại khoảng khắc đồng chí đang chạy lên núi, theo kiểu tự nhiên, nhưng thế này thì chẳng khác nào là đang .... nhễ!


N. và D., hai bạn này hồi xưa học chung trường Hiền, dưới Sài nè!



N. và Nh., Nh. khen mắt của đồng chí N. đẹp, nhưng N. bảo là mắt nó đẹp nhưng vô hồn, á à, vãi!


Bốn người cùng đẹp!


Hai chị nữ, chụp trước rùa đội bia!



Đồng chí Tr., đường xuống ngôi nhà nhỏ! Vấn đề là tóc tai non nước như thế, mà lần nào tớ cũng bảo đi hớt tóc đi, tóc dài rồi!


Này là bạn D., một trong những bạn nữ chịu đi của lớp tớ! Phía sau là ngan ngát cảnh trời mây nước Ninh!


Bạn D. nè! Nhớ bạn lúc rủ bạn chơi đánh bài, lần nào cũng thua xiểng liểng, nhưng vẫn chơi! Bây giờ thì bạn nghỉ chơi luôn rồi!


Hình này bạn D. chụp, bạn bảo mang tính nhân đạo sâu sắc, giữa bãi rác mọc lên duy nhất một cây đu đủ đầy trái, giống như phim hoạt họa Wall - E!


Cây cóc rừng, mọc trên núi, nên xao xác không có một cái lá, chỉ toàn trái, và trái mà thôi!


Ba chàng ngự lâm pháo thủ, hớ hênh bên ba bồn vệ sinh!


Nhà khách, ở lưng chừng hai trăm mét, nơi khách phương xa có thể ngừng chân, uống miếng nước, ăn miếng cơm!


Trong lúc chờ các đồng chí khác đi ngôi nhà nhỏ, Th. làm một giấc ngủ trưa bên thềm cái đã!



Ăn cơm chùa, ai cũng khen nức nở cái món giống bánh chuối chiên! Một món là gỏi hầm bà lằng, thấy trong đó có đọt bông huệ hương, có lục bình, có bầu bí lung tung, món nữa là củ sắn kho! Lâu lâu ăn cũng thấy ngon!



Ăn xong rồi thì tự sướng thôi!


C.N và một bác trong chùa Bà, bác cười hiền khô, y chang như mấy ông Đạo dừa!


Tin vui là đồng chí Th. vừa bước vô kỳ thực tập (internship) của KPMG, một trong bốn Big4 về kế toán, kiểm toán. Tớ cũng khoái KP lắm, nhưng bị rớt, hix! Còn đồng chí D. cũng chuẩn bị đi làm rồi!


Bạn D., bên giàn bông giấy, ở độ cao lưng chừng hai trăm mấy chục mét, chỗ tượng Phật nằm!




Khối trưởng, lúc chuẩn bị thưởng thức đặc sản Ninh! Quán bánh canh ngay cuối đường Gia Long, năm lớp 12, được cô B.D dẫn đi ăn, nhớ tới giờ luôn nè!

Có máy, mà không biết bấm, nên hình chụp xấu quắc!





Hai đồng chí này bày đặt giữ khoảng cách nè!

Còn một số hình, nhưng tớ mệt rồi, nếu cần thì đưa USB tớ chép cho nhé! Nhưng trên tinh thần, thì những tấm đẹp đã được treo trên đây hết rồi đấy!

Ninh tôi nghèo, nhưng vẫn đẹp



Thường tôi thờ ơ hổng thèm mời bè bạn về thăm quê mình, bởi vì cù lần, trong tâm tưởng Ninh nhà nghèo xơ xác, bốc khói từng mẻ nắng chân chim, nhà mình không giàu nên cứ mặc nhiên định vị rằng quê mình không có thứ gì để níu gọi chân khách! Bởi thế cho nên mỗi bận bạn rủ hí hoáy biểu lên Ninh chơi, tôi thường bàn ra bàn vào, kiểu trời ơi Ninh có cái gì đâu mà chơi, có cái núi – bự chà bá, mà leo núi mệt lắm, có cái chùa, với đạo Đài, mà chùa thì cũng tập trung vô một chỗ, rồi thôi! Bạn bè nghe khen về một nơi chốn nào đó, thì mới có hứng đi, ai dè gặp ngay đứa vô tình, quê nhà mình mà tối ngày chê ỏng chê ẽo, nên bao bận lại thôi, không thèm đề xuất thăm quan Ninh nhà tôi nữa! Bữa năm tàn tháng tận, chia tay năm cuối thời sinh, bạn đột xuất kéo cò lên Ninh chơi, không báo trước! Sáng bảnh mắt thấy bạn nhắn tin vu vơ, biểu đang trên đường tới bến xe Sương rồi nè! Tôi lật đật tơi bời, sắp sải chạy ra chợ Hoa mua vài món cây trái đem về đãi bạn! Lúc lụi đụi đâm chén muối ớt, muối hột đựng trong cái thố sành hồi xưa ngoại để lại, ớt hột xanh bẻ ngơ ngắc ngoài hiên nhà, mà đâm ra ngao ngán, nắng Ninh này rồi non nước này, liệu có làm thỏa mãn khách phương xa hay không?

Đón bạn ở ngay sát chân núi, rồi vòng vo dắt bạn chạy theo con đường đất đỏ, mà trong bụng cứ sợ rằng khách phương xa dòm thế núi này đâm ra chán mất! Dù gì khi vừa đụng mặt chủ, khách đã e hèm núi như thế này cũng đâu gọi là ghê ghớm gì cho lắm! Sợ con đường quanh co, chỗ trồi chỗ lõm, sợ cảnh vật hai bên đường chỉ toàn là rẫy ruộng, trơ nắng giêng hai sẽ làm mỏi lòng mấy cô cậu phương xa chỉ quen với cái nắng gió miền biển, chỉ quen với nhà lầu cao tầng, xe cộ xấp xô lô nhô như mắc cưởi, mà trùng trình đụng phải Ninh nhà loe hoe có vài ba chớp mái, và lâu lơ lắc mới phải liếc mắt dòm sang thấy người chạy ngược lại phía bên kia thì đâm ra chán cảnh, chán cả sang người mất tiêu rồi!
Đầu năm bạn rủ nhau đi núi để kiếm tí hên, lên chùa Bà thắp ba cây nhang cầu xin chuyện tương lai, tình tự! Bạn đi với tâm thế của những người lần đầu đến viếng cảnh, nên hình như mỗi góc sân, cây cảnh đều đem đến cho bạn quá chừng đùm thích thú, cái nào cũng vui, cái nào cũng hay, cái nào cũng đẹp! Nghe tiếng bạn khen cái cầu này đẹp ghê ta rồi bu lại chụp hình quãng vừa bước chân lên đầu con dốc, chỗ có gốc cây sung bự chà bá chắn ngang đường, mà lòng tôi bởi hởi bời hời mừng thầm trong bụng! Cha, cái cầu này làm bằng xi măng mà có gì mà người ta khen dữ dội vậy ta? Chắc có lẽ năm nào cũng đi, có năm đi ba bận nên làm cho đôi tròng mắt dòm quen hết thấy lạ, và vẻ đẹp vì thế cũng hững hờ trôi qua, thưởng mà không thức, ngủ mất tiêu rồi!

Và trên suốt dặm dài của cuộc hành trình viếng cảnh ngắn ngủi, tôi chạy từ bất ngờ này sang bất ngờ khác! Chỗ tôi dự trù thôi đừng có ghé qua, mất công tốn thời gian, tốn công sức thì bạn lại khen nức khen nở sao mà đẹp quá đi, sao mà hay quá đi, sao mà lạ quá đi! Ninh tôi qua những lời khen của bạn tưởng như một vùng miền nào đó kha khác lắm, chớ hông phải chỉ quẩn quanh là cái xóm chòi gần ruộng mần cần xé, mần chổi xề, mần bánh tráng như trong tâm thức tôi mà thôi! Trời đất cơi nếu biết trước bạn bè tôi khoái Ninh đến thế, chắc tôi phải còn tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch dài dài, dù gì chớ bạn bè, hoặc những gương mặt người, từ những vùng miền khác, tôi quen nhiều nhiều lắm! Âm thầm mà tôi khoái chí!

Khách phương xa vượt hơn một trăm hai mươi cây số để đến nInh trong một ngày nắng, leo lên núi rồi thong thả trở về! Bạn nằng nặc đòi nếm thử đặc sản của vùng đất này, tôi nhẩm ra, thế đặc sản Ninh là gì? Hông lẽ để con người ta đi ăn đồ chay hay sao? Mà mùa này hông biết kiếm thằn lằn núi đâu ra? Suy đi nghĩ lại rồi cuối cùng dẫn bạn chạy qua vùng đất Ninh cựu, chỗ cầu Quang đường Long mời bạn ăn thử món bánh tráng Trảng đặc sản nổi danh, kèm với bánh canh. Bạn ăn xong rồi buông thõng giống y chang dưới Hoàng Ty, chỉ có điều rẻ hơn thôi! Tôi thờ ơ ơ hờ cười muốn nấc! Khác chớ bạn, khác nhiều lắm chớ, chỗ Hoàng Ty bạn ăn là ở một không gian khác, có máy lạnh, có điều hòa có tiếp viên phục vụ mặc đồng phục chạy bời hời bởi hởi, đi khắp thành phố được có năm sáu quán, theo kiểu chắc gia đình đầm ấm, hoặc franchise nhượng quyền nọ kia tôi không biết! Còn ở Ninh, kiếm một quán bán bánh canh dễ như trở bàn tay, người phục vụ không bận đồng phục, không trẻ đẹp, không son phấn, không thế này thế nọ thế kia! Họ là người Ninh, họ sống ở Ninh, và bao đời đã gắn bó với vùng đất này! Tôi chỉ cho bạn sự khác biệt giữa tô bánh canh Ninh với tô bánh canh – cũng – đặc – sản – Ninh dưới Sài, là ở chỗ cái hương vị đó bạn! Bởi chỉ ở chỗ đất này, tôi thấy tô bánh canh mình ngon nhất!

Tiễn bạn về trên con đường quốc lộ xập xòe trong cánh gió lúc chiều tà muộn! Chợt tự nhiên nhớ câu bạn khen lúc chạy trên quãng 30 / 4, khúc Mũi tàu! Bạn nói đường xá ở Ninh coi bộ đẹp, rộng và thoáng quá ta! Bạn quăng theo câu nói một cục ngơ ngác to tổ bố làm mém tí nữa là tôi ngán ội! Đường Ninh xe không nhiều, người không nhiều nên mới thoáng đãng rộng rãi như thế đó bạn ơi! Và thực tế là Ninh vẫn còn nghèo! Bạn chia tay trong một buổi chiều chưa dứt nắng, tự nhiên thấy xao xác cả lòng người Ninh cũ!

Ninh tôi nghèo, nhưng vẫn đẹp!

Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Tin nhắn!

Mới làm farewell lớp xong, nên chắc phải quăng cái bờ lau nhà mình sang một bên đặng rải bớt thằng cảm xúc cho vơi bớt!

Bà con ghé nhà, có gì tìm lại bài viết cũ, nhấm nháp chơi vậy!

Gieo giéo những nỗi niềm! Không ngờ lại bị chiếu tia la de kinh khủng đến vậy!

Khuyến mãi thêm cái hình hôm đi chia tay lớp, biết tôi là ai trong xấp xải những khuôn mặt người này hay không?

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Nước mắt nào chảy xuôi!

Đến với buổi chia tay lớp đại học, tôi thơ thẩn ở một chỗ nào đó, xa xôi lắm. Có ngày thứ sáu này tôi lại quầy quả bay hơn một trăm hai mươi cây số về nhà, có bài thi môn thuế sáng nay tôi vừa làm bài không được, có cái giật mình vì sợ mấy bộ đồ đang phơi ngoài bờ hiên bị kẻ trộm nào lấy mất, tháng giáp hạt và cũng đã quá gần cho một năm cũ sang trang! Tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ khóc, hay những cảm xúc sến rện tương tự như thế! Nhưng ngay quãng dòm giọt nước mắt T.L rơi ra, và cái ôm chầm của bạn với mình, những bàn tay siết chặt, trong cái khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình thật sự đang đắm vào không gian của buổi chia tay này, rất tự nhiên, nước mắt của tôi cũng muốn tuôn ra, nhưng tôi kìm lại, đứng trước đông người và bạn nữ trước mặt tôi cũng cần một bờ vai, tôi vững chãi kìm lại, nhẹ nhàng, tự nhiên! Để trên đường trở về nhà, tôi ước gì tôi đã khóc, để cảm xúc mình giờ đừng xốc nải quá chừng miền gió, xao xác, xao xác cả ngày tôi!

Tôi đã ngu ngơ định vị mình khi tham gia vào buổi farewell của lớp, đơn giản là để đánh dấu lại một chặng đường hơn ba năm, tôi đấy, với tập thể lớp này đấy, rồi thôi! Không nhiều cảm xúc, tôi làm vì chẳng gì mình cũng là một trong ba đồng chí cán bộ cao nhất lớp, tôi làm vì nghĩa vụ, không hơn không kém! Và rồi thõng thượt tôi rơi trong một cảm xúc không thể nào tả nổi trước tình cảm mà bạn bè dành cho mình!

T.L mắt ngấn nước nhắc tôi nhớ rằng cân, đo, đong, đếm lại, thì bạn cũng chiếm một mớ tình cảm kha khá trong lòng mình! Năm đầu đại học, tôi nhớ bạn khi buổi học triết đầu tiên, tôi bực bội bỏ mình rơi ra khỏi không gian lớp, bay xuống bàn cuối đơn độc có mình ên. Lúc dòm qua thì đã có một cô bạn nhỏ nhắn ngồi kế bên từ lúc nào! Bạn dòm mình, rồi cười, nụ cười như đã quen biết từ lâu! Tôi hỏi tên, rồi bạn bảo đã làm quen rồi! Từ lúc đó, tôi biết rằng sẽ khó khăn lắm, để mình quên được bạn! Và ngày chia tay lớp, trong nghẹn ngào những cảm xúc, tôi thấy mình bạc đi, đã quá lâu rồi, nay bỗng dưng như hồi sinh lại! Khẽ khàng lắm nhưng thật sự là tôi đã khóc, bản lĩnh đàn ông khiến cho tôi quay mặt đi giấu vội! Chỉ muốn thời gian ngừng lại đi, chỉ muốn những khuôn mặt thân thương của bạn bè tôi sẽ mãi còn đây, đừng ai đi đâu hết, đừng bay đi đâu hết!

Tôi có ba tấm thiệp, tấm đầu tiên tôi gởi cho Y.L, tấm thứ hai tôi gởi cho T.Đ, tấm thư ba tôi ấp ủ gởi lại cho mình, dù rằng tôi đã viết hết trơn lời chúc, viết cả tên người gởi, nhưng khoảng trống ở chỗ người nhận khắc khoải xoáy vào lòng tôi ơ hờ một trời nuối tiếc! Tôi không dám nói, mà nói, thì cũng có được gì đâu, nên thôi, tôi cất lại! Tôi không bỏ đi, tôi đem ngâm giấm, lâu lâu tôi sẽ nhớ, nhưng chắc ăn là không đau! Kỷ niệm, nhiều khi khơi gợi lại, chắc chỉ như một vết sót, và năm tháng qua sẽ khiến cho nó chai sạm đi, như người!

Kiệt sức tôi trở về nhà! Trong bóng tối tôi bỏ lại sau lưng quá chừng những ký ức, và thương! Thôi thì đành dứt sợi dây câu, chia tay thật rồi! Tôi khóc!

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Bên hiên nhà ai có trái...




Dây bí rợ, mọc lót đót bên bờ giậu nhà! Má bảo dây bí rợ, chớ trên Sài, người ta gọi là bí đỏ thôi! Ở quê mình, nghe cái tên "rợ" thiệt tình nghe thương đứt ruột! Kinh nghiệm nông dân, cho biết rằng dây bí nhà quê, không chăm sóc chi ráo, lớn thêm một chút là chết yểu, vì không phân, không chăm bón! Nhưng lâu lâu bước ra mé hiên nhà, cũng mừng vì tự nhiên thấy mọc lên một dây bầu, dây bí, hay mớ mồng tơi đang đội đất chun lên! Mừng ghê lắm, vì quê mà, vì có nghĩa là, còn nhiều đất và còn hơi người mà!



Và cây ớt, đúng hơn là lùm, là bụi ớt, loại ớt dại, hột bay tứ tung rồi rũ đất mà đứng lên! Bụi ớt này, tính ra cũng đã đơm cho bữa cơm nhà thêm đậm đà quá trời bữa, chăm sóc hơn mấy ngàn bữa ăn của gia đình mình! Vị ớt cay xé, cắn vô một phát thấy thơm cả vòm miệng, nhưng cái cay tan nhanh, cay xong rồi hết! Ớt trái nhỏ, cắn một phát là gần hết trái! Chỉ một cây thôi, là có trái ăn quanh năm, trái nhiều bẻ không xuể, chín rụng đầy góc. Má không quét, để đó, tới mùa mưa, đám hột giống nảy lên, làm thành một bụi mới! Cứ thế, mà sáng cả một khoảng sân quê nhà!





Chuối già mùa này cũng đã trổ buồng, hai buồng treo lủng lẳng dòm thèm phải biết! Bên cạnh gốc chuối già đó, có thêm mấy bụi chuối si - mon nữa! Nhưng chuối si mon, giờ lớn hổng ai thèm ăn! Nhà không có con nít, nên cứ để bầy chuối trổ buồng, ra quầy, chín rồi lụi, cứ hết cả vòng đời, âm thầm, chớ còn biết làm sao đây?

Lá chuối già, không xài được để gói bánh giỗ quảy! Nên dù năm nào cũng phải mần bốn, năm cái đám, nhưng lá chuối già cứ xụi lơ, buồn thiu! Chuối già quê, ăn ngon, vỏ mỏng, chớ không giống đám chuối dưới Sài, bự chà bá, vỏ dày cui, dòm ngon, mà ăn chỉ sợ thuốc muối, có ngày ung thư mà ngủm củ tỏi!






Đu đủ nè! Nhà mua ăn, rồi lược lấy hột, đem rải ngoài hiên sau! Mùng năm tháng năm, mùa mưa, hột nảy mầm, lên loi choi còn một cây này đấy! Hồi nhỏ, khoái lấy mấy cái lá đu đủ, cái cây đấy, bỏ lá, đem quánh lộn! Vui tưng bừng khói lửa!

Ngày giỗ quảy, thì lấy tàu chuối, đã được má rọc lấy lá, chơi đánh trận giả! Còn ngày thường, thú vui dân dã được thay bằng lá đu đủ! Cũng rộn ràng không kém! Đu đủ chỉ cần hường hường, là đã được đem ra xử lý hết rồi!




Và khóm! Lấy từ giống khóm ở miết xứ Tiền Giang, hồi về quê, năm trước nữa! Dì Mười đem về trồng! Đã qua mùa tết năm ngoái, mâm ngũ quả được đầy trái "thơm" nhà này! Trồng chơi, mà ăn thiệt! Trái bự, ngọt ngay! Lần quần xới đất chắc cũng được một mẫu! Gần đến tết, nên Mười đã sắp sạn làm trái từ độ tháng mười rồi, bây giờ đã lác đác khóm ra trái, dòm đã đèn! Coi như tết năm nay, cả nhà khỏi sợ không có khóm túc tắc trên bàn thờ trong ba ngày tết!




Khuyến mãi thêm hình của bạn "khóm" dòm cận cảnh nè! Bạn này bự nhất đám, dòm khoái quá đê! Gì chớ khóm chấm muối ớt là ngon vô cùng vô tận! Nhưng ăn nhiều thì uống nước vô vô duyên dữ lắm, lại xót ruột kinh khủng!

Cơ mà cũng vì chính những hình ảnh này, những rau trái thực vật bên hiên nhà này, mà quấn quýt bàn chân người, đi xa là nhớ, và phải quay về, đó nghen!

Trường của ngày cuối năm (Hay lớp tôi là ... số 2)

Trường Thương có kiểu thi lạ lắm, thi trắc nghiệm trên máy, sinh viên chia theo ca, theo lớp, theo ngày! Vô ngồi bấm kịch kịch, xong thì nộp bài, kết quả ra cái rẹt, nhanh, gọn, lẹ vô cùng! Ngày thi trắc nghiệm cuối cùng, môn Thương mại Điện tử, không nhiều cảm xúc lắm! Đang luống cuống chạy cho xong buổi farewell chia tay lớp, điểm cũng mông lung trên trời dưới bể! Ngày cuối năm, cho những giây phút cuối cùng của đời sinh viên, chậm chậm, vỡ tan trong ánh chiều tà!

















Chỉ còn chỏng chơ bình nước uống, tài liệu bài thi cũng xác xơ, trơ ra với không gian chỉ còn trơ trọi nhớ! Chỗ ngồi này, mùa thi nào cũng đầy ắp sinh viên, buổi trường tan chỉ còn nghe trong tiếng gió, có những tiếng khóc! Khẽ đưa, khẽ đưa!

















Bút viết là đây, tài liệu là đây, mà người thì đã ngoảnh mặt quay lưng đi đâu mất rồi! Độc hành!

























Và trong góc tối, những trang giấy hốc hác, chung chiêng cho những đồng vọng khát khao con chữ! Đã qua sử dụng rồi, trang giấy trắng trở thành kẻ vứt đi, ngày thi cuối, giấy cũng không hơn là một công cụ, cho người biết qua, đi qua! Và trang giấy sẫm màu!



















Những bước chân đi qua, trả về phía tối những góc phòng lặng im… cuộc đời là những buổi tiệc, và đã đến lúc tàn thôi những buổi tiệc cuộc đời! Đôi lúc gió nằm yên, cho góc phòng than thở, bao bàn chân qua, và nhớ!
























Dù có gắn bảng chú ý, nhưng những bàn chân quen, rộn ràng trong từng nhịp bước, ngày lại ngày, rộn ràng! Đi qua ngày, qua tháng, bộn bã ngày cuối năm, biết đâu bỗng những bàn chân mình nhẹ nhàng như cố níu!






















Những cánh cửa mở ra, những cánh cửa khép lại! Đôi bờ tiếc nhớ, tôi đứng khẽ khọt bên song, thấy khoảng khắc mình, trôi trong vô vàn tiếc nhớ! Cửa đã khép lại rồi, đã thực sự chia tay rồi, trường Thương ơi!


























Sân trường mấy buổi đi về, giờ hiu quạnh những dấu chân chiêng! Ở một góc xa thẳm thăm nào đó, ở sân trường ấy có một tôi bên đời hiu quạnh, xa Ninh nhà tìm về phía phố, và ngơ ngắc những ánh mắt đầu tiên, cảm xúc đầu tiên đặt chân trên hàng sân gạch này! Sân trường mình, chiều cuối năm, sao mà buồn hiu đến lạ! Bàn chân đi rất khẽ, ngỡ đâu tình đã quên mình!


























Nấp trong hốc lá, thấy bạn bè mình rồi thì cũng sẽ chia chác mỗi đứa một phương! Bàn chân quên không mỏi mệt, chỉ mong rằng, sẽ nhớ về những khoảng nào, rôm rốp tiếng nói, rôm rốp tiếng cười nào! Trong ảnh là ba người bạn, chơi chung trong một nhóm, từ hồi năm nhất, khẽ khặt từng bước chân xa!





















Bốn năm trước, mình cũng từng có một ngày hội như thế này! Ngày hội sinh viên năm nhất, ngày ấy mà tôi lớn thêm lên, mỗi ngày!


























Giây phút ngập ngừng, bàn tay chưa vội chia xa! Bạn níu kéo cho những điều tưởng như nhỏ nhặt lắm, giảng đường này, những gương mặt, nụ cười, tiếng nói này!






















Nấp trong khe lá, những phút giây cuối cùng mình còn ngồi lại, bẩn thẩn cả một buổi chiều chỉ để cho giây phút này đừng trôi xa! Bốn năm trời, mới phát hiện ra rằng trong cái khoảng sân nhỏ xíu của trường Thương ấy, có một gốc lộc vừng, nhỏ thôi, đã âm thầm trổ bông, rụng hồng cả một góc! Tôi gọi, cây lộc vừng, hay những cây cỏ nhỏ dại khác, là những chứng nhân, cho rất nhiều những cuộc chia ly, đến hẹn lại lên, cũng chính ở khoảng sân trường nhỏ bé này!






















Cây bằng lăng, tháng giêng hai mà vẫn chưa thay hết lá để nhú mình chồi non! Phía trên kia là trường tôi, là khoảng trời ấp ủ bốn năm của tôi! Trên kia nữa, là quá trời những ký ức! Chấp chới cánh chuồn, chở hoài mà chẳng hết những buồn, vui, ngày sắp sửa chia xa!




























Trường tôi đấy, Thương, cơ sở số 2, tại Sài! Và ngay chóc chỗ này, tôi sẽ bay vào đời, bằng đôi cánh của ký ức, bốc khói về bạn tôi, lớp tôi, trường tôi!


+ Hình do bạn Tồn Phan, chụp!