Mấy bữa nay về vườn, quỡn quá không làm gì hết, đi dạo quanh mấy bờ lau nhà bạn, đã thấy Tết về gần lắm rồi! Bạn hay bày bánh mứt, hoa trái tùm lum ra khoe, tết hườm hườm tết chập chẻng tết phai phai gì cũng đủ đầy trên mấy bờ lau nhà bạn hết! Có một mình ên, nơi Ninh nhà, tôi đi kiếm Tết qua một tối đi kêu lô tô hội chợ, mới biết rằng, trời đất cơi, chính cái hội chợ này mà tết năm nào cũng trở nên hồng, nên thắm! Vậy mà đi qua hơn hai chục cái tết rồi, mà chưa bao giờ tôi thèm ghé lại dừng chân nơi một hội chợ lô tô lần nào!
Hội chợ thường về xã, ấp trong mấy bận kiểu như tháng tận năm tàn, khi mà lòng người ta phây phây, khi mà gánh nặng áo cơm được dẹp qua một bên đặng xấp xải người ta rủ nhau đi giải khuây, đi thơ giản! Thế nên từ giáp rốt tháng chạp cho tới ngoài tháng ba, tháng tư thì đi khắp làng xóm, xã nào cũng có một đám hội chợ, để cho trời vừa quờn quờn đất là người ta rủ nhau áo sống, xách đèn pin đi coi hội chợ, đi kêu lô tô, rôm rốp tiếng nói, rốp rẻng tiếng cười! Có bữa một đêm sáng bảnh mắt ra đa thấy khoảng đất trống chỗ Trung, công viên ngay Thành, sân vận động gốc cuối Hồ cắm rạp cắm cờ cắm băng rôn treo mấy gương mặt nghệ sĩ với những quầy sạp ném banh, ném phi tiêu, câu cá, đuổi bọ… um sùm, là thể nào từ ngày đó trở lại sau một tháng, hai tháng là chiều nào cũng dập dìu người xe rủ nhau đi hội chợ! Vụ treo băng rôn hình nghệ sĩ, thiệt tình nhiều bữa tôi cười muốn lộn ruột, kiểu như năm kia nghệ sĩ Minh Phụng vừa mới chết, đám hội chợ cũng vừa về, không biết là có cập nhật tin tức hay chưa mà vẫn tềnh tang treo bức hình ông Minh Phụng mặt trát phấn cười te tét! Chỉ tội mấy bà già, khoái coi văn nghệ văn gừng, tối nào cũng ngóng cổ cò chờ được gặp mặt Minh Phụng, mà hội đã tan mà cũng vân chưa gặp được nghệ sĩ thế hệ vàng!
Với tôi, hội chợ là nơi hội hè, tụ hợp của những người ăn không ơ rỗi, khoái cờ bạc, chỉ chờ có hội chợ về là rần rần! Má tôi, cha tôi và cả nhà tôi, hầu như ai cũng thế, hội chợ chỉ như là một thứ gia vị, đặng nửa đêm tự nhiên nghe tiếng loa kêu lô tô từ xa vọng lại biết là trời đang chuyển dần về sáng, đặng bữa qua dòm thấy đoàn hội lô tô về là biết chắc là tết nhứt sắp tới, đặng chắc lưỡi gì đâu mà mau quá, chớp mắt một cái đã thấy tết, mau quá, lẹ quá, già thêm một tuổi nữa rồi, mà vẫn chưa giàu, khổ!
Chính cái tâm tưởng ngại hội hè đó, mà nhỏ lớn số lần tôi đi hội chợ, kêu lô tô, cộng lại hợp lại chưa đủ năm ngón tay! Tôi không biết người ta kêu lô tô ra sao, có giống như mấy tuồng hài hồi xưa tôi hay coi, kiểu như Bảo Quốc hiệp với Kiều Oanh, Bảo Chung hiệp với Lê Giang, vừa móc con số vừa rỉ rả hát mấy bài vô duyên kinh khủng khiếp! Tôi cũng không rành chuyện làm sao thảy cho trái banh đốn ngã ba cái lon để được tặng bịch bột ngọt, rồi chơi con bọ thì mua tờ vé rồi chờ coi con bọ nó chạy vô ô số nào, có trúng với mấy cái số trên tờ giấy tôi mua hay không! Tôi không rành, mà bản chất là tôi không thích!
Thế nên bữa qua, chắc cũng đã bảy tám năm kể từ hồi học phổ thông đến giờ, tôi tự dưng nổi hứng lên, đi hội chợ! Để thấy rằng, trời đất cơi, chắc có lẽ mình ở Sài lâu, nên thấy đất quê nhà buồn quá, trời về tối bảy giờ là ngoài đường vắng tanh, cha má đi ngủ sớm, để cho mấy chương trình truyền hình trực tiếp, mới có chín giờ đã buồn thiu mà tự thanh tự động, để thấy rằng trăng quê nhà mình sáng quá, thiếu mất tiêu tiếng ầm ào của một thành phố sôi động, đêm cũng như ngày ngày cũng như đêm, quê nhà mà! Và cái thói quen sống giữa những không gian sôi động, sống giữa những ầm ào náo nhiệt níu tôi, kéo tôi, rủ tôi đến với buổi hội chợ, khi mà hơn tám giờ người ta mới ầm ào kéo nhau tới ngồi, rồi mấy ông cố pê đê lên múa may quay cuồng, hát mấy bài não tình mà cái miệng cười te tét, tô tô trét trét phấn son dòm mắc cười đến bể bụng!
Rồi thì kêu lô tô, y chang như mấy tuồng hài tôi đã từng coi, thiệt lần đầu tiên tôi nghe kêu lô tô đấy, theo kiểu “nhịp cầu đã gãy, con số bảy”. Để tối nay vô tình, tôi biết được rằng, lâu lâu mới có đám hội, mới có được dịp để cho con người quê xứ mình có lý do để mà thức qua mười một giờ đêm, và chơi lô tô, nhiều khi gặp hên đem về bảy bịch bột ngọt, một thùng bia đặng lúc vô ba ngày tết có thứ lai rai… Trong đám người đi chơi hội, có những bà già đầu quấn khăn, áo bà ba ngồi trải chiếu chờ từ lúc tờ mờ tối đặng chỉ để coi mặt cô nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng, có thể bà sẽ ngồi chờ tới lúc ngặt nghẽo buồn ngủ thì cô nghệ sĩ đó mới tới, hát bằng cách nhép thiệt là khéo cái bài hát vang bóng vang tiếng của cô, rồi bà già mãn nguyện cười móm méo của một góc khuya mà xiêu vẹo trở về trên con đường đất chập chờn trong tiếng chó sủa, bóng tối và những niềm vui của một buổi hội tàn! Hay đến với mỗi vòng quay số lô tô, là có cả những bà tóc tai quần áo bóng lộn, sơn móng tay đỏ chét, ngồi kêu ly pepsi, dĩa hột vịt lộn, bịch đậu phộng luộc, rồi thơ thải ngồi dò số, thanh thản, vẻ vui cho qua ngày đoạn tháng. Sáng mai họ lại đi gom hụi, họ lại đi cho vay, và tối thì đi giải khuây, vui như vậy đấy! Và tôi còn để ý, đám hội chợ về, mấy nhà gần gần rổn rảng đi chăng dây, kẻ chữ, treo cái bảng giữ xe hội chợ lên, thâu mỗi bận xe là một ngàn, hai ngàn, nhưng coi bộ mần ăn khá! Có ông già giữ xe cười móm mém, phải chi ngày nào cũng có hội chợ, đỡ khổ phải biết! Có cả những người đàn bà, đàn ông cả ngày rong ruổi trên những quãng xa đặng trút bớt xe bánh mì, xe hủ tiếu, xe cá viên chiên, thúng đậu phộng, quầy bánh tráng me, bánh tráng trộn! Rồi hội chợ về người ta đơm thêm cho các thúng đậu phộng nhiều hơn một tí, nhận thêm chục hai chục bánh mì đặng để dành bán buổi tối, ai cũng hân hoan, niềm vui của người khác trở thành niềm vui riêng lẻ khi buổi ngày tan người ta chắt mót thêm được một tí, vui cả những niềm riêng khổ cực khác!
Tôi thì không thích hội chợ, đi để cho biết, rồi thôi! Nhưng mà người ta thì khác, người ta có vẻ khoái hội chợ! Thì đó, là rõ ràng quá rồi còn gì!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét