Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Phil của ngày bão nổi (7 và kết)

Ờ rồi thì chắc một bữa nào rôi rãi, lại xách ba lô lên và đi tiếp, thì chắc ăn tôi sẽ luôn mang theo bên mình những ký ức ngọt ngào về Manila, về Cebu sao đầy trời, Ormoc đổ nát hoang tàn với những miền khắc khoải giữa đôi bờ nhoi nhỏ của cuộc sống, về Hilongos một đêm trăng sáng, và về bạn, những người bạn tuyệt vời không thể nào quên!

7. Trở lại Manila, và kết

Buổi sáng ở Hilongos thật trong lành! Hôm nay là ngày thứ hai, ngày đầu tuần! Con đường nhựa, nhỏ nhỏ cong cong chạy ngang ngôi nhà Verge líu ríu những bước chân! Chúng tôi nhanh chóng dọn dẹp rồi tót lên xe, nhờ chú sốp phơ chở ra bến cảng! Cảnh quê thanh bình với những cánh đồng lúa, rợp bóng cây, các em nhỏ học tiểu học đi bộ đến trường. Sáng thứ hai nơi miền quê yên ả này để lại cho tôi biết bao nhiêu là thương nhớ. Chỉ cần nhìn bầy trẻ hồn nhiên trong sáng đeo cặp táp đi lé đé bên vệ đường là cũng đủ cho lòng mình thanh thản. Rời trường đại học cũng hơn hai năm rồi, với tôi dĩ nhiên hành trình với con chữ đã kết thúc, nói đến học là ớn dữ dằn lắm! Nhưng sao mỗi bận thấy học trò nhỏ áo mão xênh xang thì tâm hồn lại lao xao!

Chúng tôi ghé chợ ăn sáng. Chợ đấy, cũng hiếm dữ lắm mới tìm ược một cái chợ ở Phil này, vì phần lớn toàn là siêu thị và các khu mua sắm. Chợ quê, cũng bày biện ra những hàng thịt cá. Đặc sản biển thì có các loại mực cá tươi ngon vô cùng. Chợ nằm đối diện với toà nhà chính quyền Hilongos. Buổi sáng chợ đông, chúng tôi ghé vô tranh thủ ăn sáng cho nhanh rồi quành ra bến cảng. Ẩm thực Phil nhiều bạn đi về chê lên chê xuống, nhưng hổng hiểu sao tôi đi qua bển ăn cái gì cũng thấy được, nhiều cái còn thấy ngon và bây giờ, hơn một tháng trở về từ Phil rồi, mà vẫn còn mắc thèm. Ăn sáng, các bạn của tôi gọi món cơm nếp chan choco nóng, họ ăn nhìn ngon quá tời, nhưng tôi lại sợ ăn vô đau bụng nên thay vì một phần ăn gồm có 3 vắt nếp và một cốc choco nóng hổi thơm phức, tôi chỉ nhoi nhói quánh một vắt thôi, nếm thử cho lấy vị, mà cũng coi mòi ăn được. Tôi mời các bạn bữa ăn sáng, cũng chả bao nhiêu nhưng thấy lòng vui vui, người Nam Bộ rặt như này đi đâu cũng dễ bị viêm màng túi, bởi cứ ngại ngại vì ăn ở nhà người ta, nên hễ đi ăn đi xe đi taxi là toàn mình tự động móc túi ra trả. Nào giờ là vậy rồi, đã ăn vào sâu trong nếp sống, nếp nghĩ.

Do có nười quen nên chúng tôi không phải chờ mua vé tàu, mà cứ đi thẳng ra bến cảng rồi Verge xuống liên hệ lấy vé. Đợt này chúng tôi đi hạng economy, vé rẻ hơn, khoảng chừng 250.000 đồng. Vé bèo nên ngồi khoang bèo nhèo, toàn dân lao động, không có máy điều hoà nên nực muốn chết. Tàu đi cũng chậm nữa, mất gần 4 tiếng mới tới Cebu, quãng đường xe nên chúng tôi hết ngủ lại tỉnh dậy coi film, nhà tàu mở film Hàn Quốc, film Sắc đẹp ngàn cân coi cười muốn rụng rún. Mấy bạn của tôi cũng y chang tôi, coi film này hết ráo rồi nhưng mờ ở trên tàu có chuyện gì mần đâu, nên ráng coi cho hết bộ, cười cho nó đã. Hết Sắc đẹp ngàn cân rồi thì chiếu tới Pacific Rim, quất luôn hai bộ. vừa hết một phát là tàu cũng cập bến Cebu! Nắng đã lên rất dữ, nắng này đủ để cháy hết da người chớ chẳng phải chơi.

Nắng, thứ đặc sản của những quốc gia nhiệt đới như Việt Nam mình. Nắng ở nơi nào cũng khiến cho người ta chênh chao! Cái va ly của tôi giờ đã bị sút cán gãy gọng, vì bị lèn chặt và nặng quá các lon cá hộp. Vậy là chia tay chiếc va ly này! Lếch thếch đón taxi đi ăn trưa, chúng tôi đến một quán BBC gần cảng. Ở đó, tôi được ăn những thức ăn rất ngon, có BBC, canh thịt hầm, canh sò và uống nước trái cây được chế biến từ rất nhiều loại hoa quả. Chắc là do đói, sáng giờ trong bụng tôi chỉ có một phần ít ỏi cơm nếp trong bụng nên ăn cái gì cũng rất ngon. Tôi hỏi các bạn là thường thì người dân ở đây đi ăn ở ngoài, hay là tự nấu ở nhà. Bạn bảo rằng cũng tùy, Cebu cũng giống Sài Gòn vậy, cũng có nhiều dân nhập cư, nhiều sinh viên, nhiều người lao động và nhiều công nhân. Ai có nhà ở đây thì họ sẽ tự nấu nướng, ai bơ vơ lạc lõng sống có mình ên thì đi ăn tiệm cho nhanh gọn lẹ! Chúng tôi có một bữa trưa thân tình, nói chuyện vu vơ ơ hờ về những câu chuyện trong cuộc sống. Giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi rồi chúng tôi bắt taxi trở về nhà. Tôi đang cầm trong tay chìa khóa nhà của Junior, tin nổi không bạn host của tôi giao luôn chìa khóa nhà cho tôi giữ. Verge, Grace và Philip tạm biệt tôi ở Hobbit house và thui thủi một mình tôi trở về nhà. Trưa đứng bóng trên những lát gạch vỉa hè tôi lễnh thểnh bước qua! Cebu thành phố nữ hoàng, Cebu trong những ngày ngắn ngủi trôi qua vội vã. Nơi này là điểm đến, nơi này là trạm trung chuyển để đưa tôi vào tâm bão Haiyan, nơi này có những người bạn lạ xa mà thân ái nhiệt thành, nơi này có một tôi ngày tuổi trẻ không sợ đất, không sợ trời. Nơi này sẽ lâu lắm để bợt phai trong trái tim tôi! Verge và Grace hỏi tôi có muốn mua sắm gì không? Nhưng dòm đồng hồ thì tôi thấy hổng còn bao nhiêu thời gian nữa, đã đến giờ tôi dọn dẹp đồ đạc và trở về nhà. Chia tay, không giấu được sự bịn rịn! Dù gì cũng đã cùng nhau trên một hành trình ý nghĩa mờ!

Trở về Hobbit House, do không còn thời gian để đi đâu đó mua vài thứ làm quà cho bầy nhỏ ở quê, tôi nhanh chóng xếp lại đồ đạc. Tôi để lại chìa khóa trên bàn, chiếc bàn này mấy ngày trước trong một bữa tối náo nhiệt chúng tôi đã cùng nhau ăn tối, với món gà quay thơm nức mũi, lon coca tôi mua vẫn còn, tôi không đụng đến giọt nào vì bị viêm họng! Tôi lấy một tờ giấy tờ trong khay giấy in của Junior, viết vội cho bạn vài dòng. Tôi để lại name card của mình trên bàn! Dòm lại ngôi nhà lần cuối, tôi khép cửa. Ở chỗ Englic Corner tôi ngoái đầu dòm lại, lần cuối cùng cố gắng ghi lại những hình ảnh về mái nhà này! Xin chào!

Tôi bắt taxi ngay chỗ ngã ba! Ở đó, tôi giao hết số phận cho anh tài xế trẻ, tôi buồn ngủ lắm luôn rồi. Nắng nóng chiếu xiên xiên qua lần cửa kính, tôi nghĩ nghĩ trời ơi chỉ nói cái Mactan Cebu rồi ổng chở mình đi đâu mình cũng có biết đâu! Nhưng cơn buồn ngủ và mệt mỏi cứ dấp díu lại, không cưỡng lại được! Tôi chợp mắt trong một khoảng khắc, giấc ngủ nồng nàn hương vị món canh sò vướng vất đầu lưỡi. Quên mất tiêu là cái gối ngủ đã bỏ quên lại ở một chỗ nào đó trên đoạn đường mấy ngày vừa rồi. Taxi chạy khoảng gần 1 giờ đồng hồ mới tới sân bay! Cebupacific là chúa delay, tất cả những chuyến di chuyển của tôi với hãng bay này đều bị delay từ nửa tiếng đến ba giờ đồng hồ. Tôi làm thủ tục check in, sau đó đi lòng vòng mua vài thứ lặt vặt, như bóp nhỏ lưu niệm tặng cho các bạn gái, như cái áo Cố lên Tacloban - mặt hàng đang cực kỳ sốt ở khu vực này hổm rày, đưa bao nhiêu cũng bán hết. Điện thoại hết pin, đi kiếm hoài cũng hổng tìm ra cái lỗ cắm nào có hai chấu, đã được báo động trước nhưng lu bu quá nên từ lúc còn ở Việt Nam tôi hổng có mua cái đồ cắm điện ba chấu nào! Và trong những giây cuối cùng khi điện thoại còn pin, tôi lên facebook rải status báo bình an, chia tay bè bạn và nhận được tin nhắn của Junior rằng bạn cũng đang trở về, về Cebu, trên một chiếc trực thăng quân sự của Mỹ. Tôi chỉ kịp nhắn lại là quá đã, giữ gìn sức khỏe bạn nhé!

Chuyến bay từ Cebu về Manila đáng lẽ khởi hành lúc 5 giờ chiều nhưng bị delay lại đến 6h15 mới cất cánh được! Chuyến bay nội địa mặc dù cứ cách 1 giờ đồng hồ là có chuyến bay nhưng vẫn đông, rất đông luôn! Do bữa trước tôi đổi vé vào giờ chót nên chỗ ngồi lọt tọt ở tuốt luốt cuối máy bay! Chặng nội địa nên dân làng đi máy bay cũng tạp nham dữ dội, nhiều ông ba trợn ba trạo nói bậy tùm lum trên máy bay thấy ghét muốn chết. Không có chuyện gì làm nên tôi đâm ra hứng thú với cái game nhỏ trên máy bay, do hãng bay bày ra cho hành khách. Dạng hỏi câu hỏi liên quan đến Cebupacific rồi giơ tay trả lời và đúng thì được tặng cái ví nhỏ. Có ba câu hỏi thôi, nhưng nào giờ thì mấy cái này ít khi nào lọt khỏi tay tôi lắm, tôi túm được hai câu, nhận được hai cái ví cầm tay nhỏ nhỏ dòm cũng được (nhưng hơi oải vì có dây kéo màu hồng, trời ơi màu hồng, làm sao mà xài?). Chơi trò chơi xong thì cũng lục đục khua leng beng trong bụng, đói muốn xỉu. Máy bay đáp xuống Terminal 3 cũng hơn bảy giờ rồi, tranh thủ tôi kiếm cái gì đó nhét vô bụng! Manila này về đêm, không đủ thời gian để đi city tour by night nữa. Tôi lên khu foodcount, thấy cái gì cũng hổng hấp dẫn hết trơn, nên chui đại vô 7eleven, mua bánh mì xúc xích gặm cho qua ngày đoạn tháng.

Đi dạo mấy khu bán quà lưu niệm, quên mất tiêu chưa làm thủ tục thông quan! Vội chạy qua khu vực kiểm soát an ninh, đóng thêm 550 peso phí sân bay (trước tôi nghe bảo là 600peso, giờ còn 550 peso nên cũng không biết các bạn khác đi thì như thế nào). Xong xuôi thủ tục rồi thì bắt đầu đi kiếm quà lưu niệm, thấy cái gì cũng bình thường nên bưng thẻ tín dụng ra mua nước hoa, bên đó họ không chịu thẻ credit không có chữ ký phía sau của chủ thẻ, ghét, tôi móc tiền usd ra trả, dằn mặt cho các bạn hết khó dễ. Còn bao nhiêu tiền mặt peso, tôi đem lại quầy đổi tiền đổi ra usd hết. Ở đó tôi gặp một bác nhà báo Tuổi trẻ qua tác nghiệp, hai chú cháu gặp nhau mừng mửng tủi tủi, trao đổi thông tin và những tin tức về Tacloban, Ormoc, về tình hình của bà con người Việt mình! Bác trông thảm thiết lắm vì ở Tacloban thiếu thốn trăm bề. Chúng tôi nói chuyện cùng chờ đợi, Cebupacific lại delay nữa rồi, mà còn đổi boarding gate nữa. Đến là khổ sở với cái hãng bay giá rẻ này!

Đáng lẽ 11 giờ đêm chuyến bay xuất phát, dè đâu phải đến hơn 12 giờ rưỡi mới bắt đầu lên máy bay (này là giờ Phil nhé, giwof Phil đi trước giờ Việt Nam khoảng 1 tiếng). Chuyến bay trễ đáp xuống Tân Sơn Nhất lức 1 giờ rưỡi, mệt mỏi và mắt mở hổng lên nữa tôi lếch thếch trở về nhà - nhà ở Ninh! Tôi về nhà lúc ba giờ rưỡi sáng, mệt mỏi và rã rời không kịp làm gì nữa chỉ biết trùm mền đi ngủ. Đừng hỏi tôi cảm giác chạy chang bang một mình với ánh trăng sáng ở trên đầu, suốt dọc dài quãng hành trình từ Sài Gòn về tới Ninh, tôi cũng không biết nữa nhưng thực sự tôi không bao giờ muốn làm lại! Lạnh te tái, và cảm giác một mình đã làm cho tôi ớn tới cổ họng rồi! Ngủ, tôi đã có một giấc ngủ chập chờn le lói. Sáng hôm sau, lúc bảy giờ sáng tôi xuất hiện đen thui khét lẹt ở cơ quan! Một vòng quay mới lại bắt đầu, ý tôi muốn nói là công việc ngập đầu!

Nhưng bạn cũng đừng nên hỏi rằng tôi có mệt và muốn dừng lại hay không? Vì chắc ăn, tôi sẽ trả lại bạn một tiếng không gọn hơ, gọn lỏn. Vì đã ăn sâu vào máu, chảy rần rật trong tim một niềm đam mê không bao giờ tắt. Đi và được lan xả với cuộc đời.

8. Hết

Cũng hơn một tháng trở về từ nơi ấy, cảm xúc phai, tình cảm bợt, da bớt đen một tí, mặt mũi người ngợm cũng mướt trở lại đặng trở về là một cán bộ ngân hàng. Và sẽ còn nhiều cơ hội nữa để được đến những vùng đất mới, nhưng Cebu đã ôm tôi vào lòng trong một bữa trời nắng oi nòng, trăng Hilongos cũng chiếu sáng mắt tôi trong cái đêm quằn quại vì viêm họng, và những mái nhà, cây cối gãy đổ ở Ormoc cũng đưa tôi đi vào tâm bão của một ngày Phil bão nổi. Tôi sẽ cố gắng nhớ tất cả, để trước khi chạm được đến nỗi quên! Từ Việt Nam, tôi yêu cuộc sống này!

T.P

Phil của ngày bão nỗi (6)

Sẽ không có những lời nỉ non than thở buồn buồn đậm sầu thương với nhớ ở chương này đâu! Bởi vì những cái thuộc về an nhiên và thanh thản, lúc nào cũng lặng im hết ráo!

6. Đi tìm Vampire - Một đêm trăng ở làng ven biển (chắc ăn là không có điện, không đèn, không internet)

Chuyện kể lại rằng ở Phil có những lễ hội thần thánh, ở đó những người theo đạo Chúa sẽ làm những hành động thật dã man như xăm xỏ xâu xiên vào người để thể hiện sự tin tưởng hết mình, thể hiện tấm lòng của mình đến với Chúa. Phil là một nước kỳ lạ, ở đó hầu như mọi người đều có chung một niềm tin tôn giáo mãnh liệt vào Đấng Chúa trời. Ở nơi nào cũng dễ dàng tìm thấy một chóp nhọn nhà thờ, và những mặt Thánh giá in như là đồ vật lưu niệm người ta hay trao cho nhau! Đến Phil vào những ngày tháng mười một, gần đến Lễ Giáng sinh, tôi trước tiên dĩ nhiên là muốn tìm cho mình một chút gì đó không khí lễ hội tưng bừng, ở nơi mà hơn 80% dân số là theo đạo! Suốt cuộc hành trình ngắn ngủi 5 ngày đó, chắc có lẽ cái không khí giáng sinh ít ỏi mà tôi cảm nhận được, là lúc bon chen chạy đua ở khắp các siêu thị ở khu Cebu Downtown! Nhà bán lẻ đã tung ra nhiều mặt hàng trang trí cho Noel rồi, dây đèn màu lấp lánh và những hình ảnh đặc trưng của mùa Thánh an lành! Chỉ đơn giản vậy, rồi thôi!

Tôi nói với các bạn rằng trời ơi tao có thể đi khắp thế giới này, với cái kiểu ngồi xe như thế này, đã quá! Chúng tôi đi dọc theo con đường ven biển để tới Hilongos. Xe tải, chưa được đóng thùng là chiếc xe đã tải gạo đến cho chúng tôi vài giờ trước. Bây giờ chúng tôi quá giang xe về, chỉ có tôi, Verge, Grace, Philip và Paul trên chiếc xe ấy. Junior ở lại, Junior là host của tôi ở Cebu, trong căn nhà có cánh cửa màu xanh, sàn gỗ, bên ngoài dán biểu tượng CS, và bên trong là một thế giới của những người xách ba lô lên và đi từ khắp nơi trên thế giới, Junior là một người bạn đặc biệt, bạn ấy rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng đón chào những thành viên mới đến với Hobbit House của mình! Trở lại với cuộc hành trình, chúng tôi đã khá mệt mỏi rồi, cái cần nhất bây giờ là nước, và đói, mệt lả người đi vì ở Ormoc cái gì cũng thiếu thốn hết ráo!

Xe tải bị chết máy, những người dân tốt bụng phải đẩy chúng tôi ra khỏi con đường hẻm nhỏ để ra đường lớn. May mắn là cuối cùng chúng tôi cũng xuất phát lên đường. Trời ngả dần về chiều. Một cảm giác rất thoải mái khi chúng tôi cứ ngồi sau xe tải, không có ghế ngồi gì hết, chúng tôi bắc một cái thanh sắt ngang qua thùng xe, ai mệt thì ngồi lên đó, còn khỏe thì cứ đứng hóng gió. Gió rất nhiều, gió từ phía biển thổi về. Hoàng hôn dần buông trên những ngọn đồi, chúng tôi đang đi bắt hoàng hôn, nắng chiều xiên xỏ trên mỗi vòng bánh xe qua. Xe chạy nhanh lắm, chúng tôi phấn khích, mấy bạn kia còn hát nghêu ngao mấy bài Phil nữa, tôi thì câm họng, bởi tắt tiếng rồi còn hát hò được gì!

Con đường ven biển ấy đẹp lắm, nhưng dài theo đường chúng tôi đi, đâu đâu cũng là cảnh đổ nát, điêu tàn! Những mái nhà bị tốc mái, đổ rạp theo hướng gió. Những ngọn đồi trọc, dừa lả ngọn, chuối đổ rạp xuống hết. Có những lúc chúng tôi phải im lặng một lúc, coi như lắng lòng mình lại trước sự mất mát và đổ vỡ! Sau đó rồi thì con đường độc hành, rất ít xe chạy, chỉ có gió, biển và núi ẩn hiện sau ánh hoàng hôn dần khuất cuối chân đồi làm bạn với chúng tôi. Quãng đường xa, tôi có cảm giác hình như dài vô tận! Mất điện trên diện rộng nên từ từ chúng tôi không còn nhìn thấy mặt người. Tôi là một con sâu than thở, chuyên rên rỉ. Đói và khát và lạnh vì gió thổi ầm ầm khiến tôi bắt đầu điên loạn lên! Mấy người kia nói coi chừng đó, ở đây ngày rằm nhiều vampire lắm. Tôi dòm lên góc chân trời, mặt trăng đã ló dạng rồi, trăng tròn vành vạnh, khắp nơi yên tĩnh, chỉ có tiếng động cơ xe tải và tiếng gió rít gào.Tôi rên rỉ với các bạn đồng hành, lạnh quá chừng, đói quá chừng. Các bạn bưng ra hộp bánh mặn, trời ơi bánh mặn, tôi không hảo mấy cái thể loại đó, viêm họng nữa nên than thở là vậy thôi chớ họ đưa ra tôi cũng lắc đầu, ăn không nổi. Lạnh quá nên Philip quăng qua cho tôi một cái áo, thằng khỉ này cũng ác, áo nó hôi muốn chết mà bắt tôi tròng vô! Tôi cười cười, tính quăng lại nhưng mờ lạnh quá rồi, phải cắn răng bịt mũi tròng vô được phân nửa, rồi sợ quá, tuột ra chỉ tròng đỡ hai cánh tay! Gió biển thổi lên làm cho cả người rít rít rất khó chịu. Và quãng đường dài với ánh trăng sáng ngả nghiêng những mặt cười. Các đồng chí của tôi nói rất nhiều, họ kể tôi nghe về chuyện cuộc sống, về Phil, về tất cả những lặt vặt tủn mủn của những người trẻ! Chúng tôi cười vang trời, con đường như kéo dài, ước gì nó cứ dài mãi không cần bến dừng, bến đỗ!

Chúng tôi đi từ Ormoc, qua BayBay, vượt qua Inopacan, xuống Hindang và cuối cùng tới Hilongos (Sama). Hành trình dài 3 giờ đồng hồ để chúng tôi chạy theo ánh mặt trời. Hôm nay là ngày rằm, khái niệm ngày rằm đối với các bạn của tôi xa lạ lắm, họ theo đạo Chúa nên ngày sáng trăng đối với họ là ngày của các vampire, họ kể chuyện ma cho tôi nghe! Tôi thì chỉ cười phớ lớ suốt thôi, mà cũng hổng dám nói nhiều, hở họng ra nhiều vì sợ gió. Xe tải chạy không nhanh đâu, vì máy móc cũ kỹ vì đường xá cũng có nhiều chỗ bị cột điện ngã chắn mất đường, nhưng trời dần tối và cái cảm giác đói khát và lạnh triền miên làm cho sự nhận thức về tốc độ bị giảm hẳn đi, lúc nào cũng thấy vù vù, nhanh quá!

Hilongos là quê nhà của Verge, bạn trẻ này ngày xưa ốm nhom ốm nhách, đi làm cho Microsoft, xong rồi một bữa quỡn đời, nghe theo lời xúi giục của Grace, bản ấy xin nghỉ việc - một công việc cổ cồn trắng ngày làm tám tiếng, rồi hai cô cậu mở một công ty riêng, chuyên về online marketing, website, SEO các thể loại! Tôi thích lắm, tôi khoái nói chuyện với những bạn trẻ mang trong mình những ước mơ lớn, dám từ bỏ và vượt qua những rào cản đặng sống hết mình vì đam mê. Nói chung là tôi khoái các bạn trẻ đó rồi, họ nói nhiều, cười nhiều làm cho tôi đâm ra muốn nghỉ việc xách đồ qua bên đó ở luôn rồi! Chắc có lẽ do công việc của tôi nhiều gò bó và tù túng quá, nên thấy người ta tự do freelancer nên đâm ra ganh tị! Và trở lại với Hilongos, đây là một trấn nhỏ, cách Ormoc khá xa, cũng thuộc Leyte, ở đây cũng có bến cảng, một cảng nhỏ thôi đi Cebu. Hilongos cũng bị Haiyan quét qua nhưng không thiệt hại nhiều. Ở đây cũng bị cúp điện vì theo như lời bạn tôi nói, nhà đèn đặt ở Ormoc, ở Ormoc thì giờ tan tành rồi nên bị cúp điện dây chuyền. Nếu bưng Việt Nam ra làm hệ quy chiếu, Hilongos chắc mang âm hưởng giống giống với một vùng quê miền Tây nào đó, với những đồng lúa vàng, và những ngôi nhà gỗ, với bọn trẻ con sáng sớm đi bộ đến trường, và buổi tối cúp điện sáng trăng dân làng tập trung vào ngôi nhà cộng đồng đặng sinh hoạt tập thể, charge pin điện thoại, chơi trò chơi và ca hát. Verge sinh ra và học tiểu học, cấp hai, cấp ba ở đó. Nơi này gắn với tuổi thơ và thời niên thiếu của bạn! Lớn lên bạn ra Cebu học đại học, công nghệ thông tin, rồi đi làm, rồi cha bạn mất, rồi bạn bưng hết má với thằng em trai nhỏ ra Cebu ở. Hilongos giờ là quê cũ, là nhà cũ, là họ hàng và tất cả những ký ức ngọt ngào thuộc về quá khứ. Ở đó, lúc chập choạng bảy giờ tối chúng tôi mới tới nơi, bạn quen hết tất cả những người ở nơi này, họ chào bạn, họ hỏi thăm, những cụ già ôm choàng lấy cậu, và trong cơn đói khát rã rời, chúng tôi bước vô nhà. Đêm tối trời nhưng ánh trăng ngày rằm cho tôi ánh sáng lờ mở đủ để nhận thấy, trời ơi đây là một vùng quê cổ tích!

Chúng tôi đi tắm, lần lượt thay phiên nhau đi tắm. Không có điện nên phải thắp đèn cầy, trong nhà thì bật một cây đèn dầu thiệt là lớn, hổng có đèn măng xông, họ xài đèn dầu, cây đèn to dữ dằn lắm! Căn nhà một trệt, một lầu bên ngoài ốp gỗ, bên trong nội thất khá sang trọng! Bạn tôi bảo nhà này giờ do cô của bạn sống, cô bạn là giáo viên, ngăn nắp, nghiêm túc và rất hiếu khách. Cô giục chúng tôi đi tắm đặng còn đi ăn nữa, chắc mấy đứa bây đói bụng hết ráo rồi, dòm mặt đứa nào cũng thấy thương, thấy tội quá chừng. Và tôi rên lên vì sung sướng, nhà hổng có nước, hệ thống nước máy chắc chắn là không hoạt động được. Muốn đi vệ sinh, dòm qua bạn Verge thì bạn ấy chắc mẩm tôi đang cần đi gấp, gấp lắm! Chỉ thẳng ra nhà sau, đi tuốt ra vườn luôn, có cả một khách sạn ngàn sao đang chờ tôi ngoài đó. Trời ơi bạn biết là tôi thích lắm luôn đó. Tôi khoái những cái gì thuộc về quê quê cổ cổ, hổng có kiểu bặm môi trợn mắt trước những tình huống này đâu! Và thiệt sảng khoái nhưng cũng phải giả bộ nói vui vui kiểu như ngoài kia có vampire nào không, tao sợ lắm à? Bạn cũng cười, múc một thùng nước giếng vô đặng cho tôi tắm! Tôi hỏi thế tao tắm ở ngoài này luôn được không? Bạn nói muốn tắm ngoài này áh, cứ tự nhiên đi bưởi! Và cái giếng cổ, múc lên bằng cái guồng quay nước, chắc hình ảnh này giờ chỉ còn gặp ở những miền quê xa túc tắc ở Việt Nam mình. Tôi đang ở đâu đây trời? Phải là đi tìm lại những ngai ngái đồng rạ ngày cũ trong một khung cảnh làng quê Phil bình yên, an nhiên trong một đêm sáng trăng không đèn, không internet và nước. Biết thế nào là đủ cho sự thanh thản, nhưng chỉ cần dừng lại ở giây phút này, thì tôi đã mãn nguyên lắm luôn rồi!

Nước giếng rất mát, tôi phải bưng đèn cầy vô phòng tắm và tẩy cọ mình trong cái ngọt ngào và trong lành của nước giếng múc trực tiếp từ đất lên như thế này! Đèn cầy cũng bị tắt luôn rồi nên trong bóng tối tôi tự cảm thụ hết những cảm xúc ngọt ngào mà chắc lâu lắm rồi mình mới có thể trải nghiệm lại được! Chờ từng người tắm rửa xong xuôi thì cô của Verge bưng xe ra đèo cả bọn đi ăn tối. Cái tính hậu đậu của tôi lại một lần nữa trỗi dậy. Trong lúc chạy ra xe tôi bị trợt, bạn biết đấy, sân nhà Verge được trải bằng những thảm cỏ, mấy bữa trời mưa, rêu phủ lối đi, tôi chạy nhanh quá nên té cái ầm. Dơ hết trơn cả người. Lại làm phiền tới những người trẻ đang la thất thanh vì đói bụng. Chắc kiểu gì cũng là khách nên họ cũng treo lên những nụ cười, hỏi tôi có sao không? Lại quành ngược lại cái vòng quay đi xách nước, tắm, thay đồ. Cuối cùng thì cũng xuất phát, chúng tôi đi ra một khu ăn đêm. Chủ nhà còn bưng theo một thố cơm, chuyện này thì lạ, in như ở một đất nước mà triền miên năm nào cũng đón nhận ít nhất là hai chục cơn bão như ở đất nước này, thì gạo là hạt ngọc, quý giá và đắt đỏ lắm. Vậy nên chuyện đi ăn và đem theo cơm nhà là một chuyện bình thường, để tiết kiệm và để ăn cho no lẫy cái bụng!

Cô chở chúng tôi đến một khu vực bờ kè, cạnh bên là một cái cầu vượt biển. Cảnh đêm đẹp đến nao lòng. Bia Sanmiguel được bưng ra nhưng cả bọn ai cũng lắc đầu, thay bằng Coca, chai bự thiệt là bự. Chúng tôi ăn bốc, mỗi đứa được phát một cái bao nylon để bốc cho nó vệ sinh. Thức ăn rất ngon, dĩ nhiên bao gồm thịt nướng, cá nướng, mực nướng các loại! Đói quá nên tôi ăn ngon lành! Dù rằng ăn bốc không có quen, dù rằng mỗi bận bỏ đồ ăn vô trong miệng là phải kèm theo cái bao nylon rối nùi trong họng. Ghét quá thèm bứt cái bao đó đi nhưng ngại, kiểu gì cũng người Việt Nam văn minh hào hoa phong nhã mà, đâu thể nào ăn bốc bằng tay trần cho đặng. Ăn tràn họng và uống thả ga Coca xong thì lên xe quẫy trở về. Đem sáng trăng, trăng nằm vắt vẻo phía biển. Cảnh chi mà đẹp lạ lùng mà thanh thản. Ăn no, sạch sẽ, thơm phức rồi thì chỉ còn một cảm giác là buồn ngủ. Tôi hỏi các bạn trẻ tối nay có hoạt động gì không? Tụi kia dòm tôi mà há mồm? Khỏe quá hả? Khỏe gì đâu trời, tôi đang đi du lịch mà, tôi phải hưởng thụ chớ. Bọn nó cười, hè hè ở này là một cái hốc bà tó cậu trẻ ạ! Người ta đi ngủ hết rồi, lên giường thôi! Cô của Verge bưng xuống cho cả bọn nệm và gối, mền chiếu các thể loại! Trải ra sàn thế là chúng tôi ngủ. Những cơn ho kéo dài cũng hổng thể nào ngăn chặn nổi con sâu ngủ đang gặm mấy đứa nhỏ đến mục ruỗng. Sáng mai 8 giờ tàu xuất phát nhá các bố, ngủ sớm và nhớ chừa đường đặng dậy sửa soạn bãi giá hồi cung nghe chưa?

Buổi tối không đủ ánh sáng để tôi trầm trồ khoái trước một căn nhà gỗ như mơ như mộng của nhà Verge. Để rồi buổi sáng mắt nhắm mắt mở tôi chuồn ra vườn đi tè, tôi mới ngỡ ngàng trước khu vườn rậm lá buổi ngày mới lên nắng xỏ xiên qua những hàng giậu phơi. Ngôi nhà trong nắng sớm hiện ra với màu gỗ đẫm chất cổ tích, sương chưa vội tan trên những nếp lá, và tiếng líu ríu của tụi chim như đang chào đón người phương xa đến với những ngọt ngào, an nhiên nơi miền quê Leyte. Hilongos là đây, thiên đường là đây! Hổng lẽ đang đi tè bậy mà đứng hoài ở ngoài vườn nhà người ta mà ngắm cũng kỳ, thằng chủ nhà nó còn đang ngái ngủ, lỡ bác ấy dậy thấy cái thằng người Việt Nam trốn đâu mất tiêu quýnh quáng lên lại phiền phức nên đành thôi. Ngoi ngoi tôi lặng lẽ tót trở về! Nướng thêm tí nữa thì dọn dẹp đồ đặng ra bến cảng. Ngày mới chào đón bằng những tiếng chào! Và một đêm sáng trăng nơi miền quê thôn dã đã thực sự nằm lại! Kiểu gì cũng phải chia tay! Nhưng biết đâu đó, miền cổ tích ấy sẽ luôn sống động trong ký ức của một bạn trẻ người Việt trên bước đường lưu lạc! Hilongos, Hilongos với căn nhà gỗ mộc mạc ấm áp xin gửi lời chào!

Phil của ngày bão nổi (5)

Tôi từng có một bài luận, nói về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam một thuở anh hùng. Bài luận đó tôi có dẫn lại câu nói nổi tiếng của Pavel Korchagin trong Thép đã tôi thế đấy: Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí... Và trong những tháng ngày trẻ tuổi rong ruổi của mình, tôi đã rất nhiều lần tự hỏi mình rằng, liệu đây có thực là một cuộc sống đích thực mà mình mong muốn hay không?

5. Vào tâm bão

Dậy sớm, 5 giờ sáng ở Cebu, nghĩa là ở Việt Nam giờ này vẫn còn là 4 giờ. Đêm qua ho dữ, giọng nói vẫn cứ khều khào! Cái vali của tôi giờ đã lèn chặt bằng những lon cá hộp! Nặng chịch! Vali của các bạn khác cũng vậy, cái nào nhét được là nhét vô hết. Do sợ nếu không ngụy trang bằng kiểu này, người ta để ý rồi biết đâu bay vô xâu xé, thôi thì cứ cẩn thận là trên hết. Chúng tôi rồng rắn bắt taxi ra cảng. Cebu buổi sớm mù sương, phố vẫn còn ngái ngủ. Lâu không dậy sớm, cái cảm giác buổi sớm mai ngày chưa lên dù là ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này đều dễ đem lại cho con người ta sự thanh thản. Ngày chưa ầm ào, nắng chưa vội lên! Taxi chạy nhanh qua những quãng phố vắng. Cebu sương mờ, cảng cũng phủ sương mờ. Bến cảng chào đón chúng tôi bằng những nụ cười!

Một trong những điểm cần lưu ý khi đến Phil là thường các phí cầu đường, họ không bao gồm trong giá vé. Trả thêm 10 peso cho phí cầu cảng, không quá mắc nhưng cũng đủ để cho một bạn Việt Nam rặt thấy lạ lẫm, cái này in như ở quê tôi không có! Tập thể duc buổi sáng bằng việc bê vác những thùng hàng cứu trợ. Cũng đủ để mồ hôi túa ra, chưa ăn sáng nhưng in như khi người ta đi bụi, chuyện ăn uống không còn là vấn đề quan trọng nữa, tôi không thấy đói.

Hàng cứu trợ được chất lên một chiếc xe tải chở từ nhà ra đến cảng trước. Từ đây, chúng tôi mỗi người một tay bưng qua cho bộ phận kiểm hàng họ kiểm đếm và đưa vào khoang hàng. 7 giờ tàu bắt đầu chạy, mới nãy vừa đổ mồ hôi (một xí thôi vì thực ra mùa này bên Phil cũng không đến nỗi quá nóng bức) thì giờ cả bọn bắt đầu an vị trên khoang tourist của tàu express. Trước mỗi chuyến đi, lúc nào cũng sẽ có một khoảng thời gian ngắn trước khi xuất phát để nhà thuyền phát một đoạn video ngắn (khoang nào cũng có màn hình LCD) cầu Chúa phù hộ cho chuyến đi được bình an! Những người dân Phil mộ đạo, họ chăm chú và rất nhiệt tâm nhép theo lời kinh cầu phát ra từ màn hình LCD. Tiếng của cô gái phát thanh viên trầm ấm đủ để khách phương xa nao nao lòng. Rời bến, rời thuyền là số phận này chỉ gởi vào những niềm tin vô hình tượng hình bằng Chúa. Tôi sợ chớ, giữa biển khơi lỡ có chuyện gì xảy ra rồi sao?

Mất khoảng gần ba giờ di chuyển. Ngồi ở khoang tourist có khác, lạnh thấu tim! Nhà thuyền mở máy lạnh hết công suất. Đợt trước tôi có nghe nói rồi, bus liên tỉnh ở Phil thường họ mở máy điều hòa kinh khủng lắm! Hồi đi Malay tôi cũng trải nghiệm qua luôn rồi! Vậy nên chuẩn bị sẵn áo khoác tùm lum, trùm từ đầu cho đến chân, mà vẫn không thoát khỏi cái lạnh! Nghĩ lại thấy mình dở, các bạn Phil cũng y chang mình, mập hơn đen hơn nhưng họ vẫn khỏe re. Verge còn bận áo ba lỗ quần short nữa! Biển rất lặng, ở bến tàu Ormoc, nguyên khoang thuyền đều dòm ra ngoài, ở ngoài khơi có hai chiếc tàu sân bay Mỹ đang đậu. Từ đó trực thăng cất cánh chở những thùng hàng cứu trợ đến những vùng bị bão tàn phá nặng nề nhất! Ormoc chào đón chúng tôi bằng một cơn mưa nhẹ, trời xám xịt, cảnh buồn và thê lương vô cùng. Những dòng người ồ ạt đổ về bến tàu, người đi xuống thì ít nhưng những người muốn thoát khỏi nơi đây thì đông gấp mấy lần.

Sân bay Tacloban thì bị hư hỏng nặng rồi, nên bây giờ người ta dồn về Ormoc. Ormoc cách Tacloban khoảng 120km, ở đây có bến tàu, một cửa ngõ từ các tỉnh khác đến Leyte. Từ cầu cảng, nhìn ra xa, có thể nhìn thấy được sự tàn phá kinh hoàng của Typhoon Haiyan. Sương khói phủ mờ đường chân trời, những ngọn đồi với rặng dừa, chuối đổ rạp hoặc còi cọc mất tiêu ngọn! Không khí như bị vẫn đục đi bởi những đổ nát và nỗi bất an hiện lên trên khuôn mặt mỗi người. Cảng Ormoc dằn mặt chúng tôi bằng một cơn mưa nhẹ, không đủ để ướt áo! Bầu trời xám xịt càng tô đậm thêm bầu không khí buồn bã, tẻ nhạt đầy bất an của vùng đất này! Chúng tôi xuống thuyền trong một khung cảnh hỗn loạn! Có quá nhiều người đang xếp hàng chờ để được lên tàu thoát khoải Leyte. Chúng tôi phải chờ rất lâu mới nhận đủ được số hàng cứu trợ được bọc kín trong những valy, bao bì nguỵ trang cẩn thận. Bạn tôi đã liên hệ nhờ được một số thanh niên địa phương tin cậy ược hỗ trợ để di chuyển số hàng hoá về địa điểm tập kết. Mưa lúc này vẫn cứ lất phất, đường chân trời mịt mờ khói! Ormoc buổi đầu trưa xỏ xiên chút nắng mặt trời, và trong màn mưa mỏng, chúng tôi đứng trên một chiếc xe bán tải vào sâu trong những bản làng!

Tôi sinh ra và lớn lên ở Ninh! Quê tôi thuộc dạng cao ráo, có núi Đen cao nhất vùng Nam Bộ! Ở đó, những mùa mưa chúng tôi hay ngồi trong nhà và ước rằng quê mình có lũ hặc bão đặng được nghỉ học! Những niềm vui nhoi nhỏ và cười trên những nỗi đau của người khác nói ra thì thấy thật là nhẫn tâm quá xá, nhưng thiệt, người chưa từng sống trong cảnh màn trời chiếu đất nên thấy cái gì lạ lạ, dù là thiên tai, dù là dịch tật, cũng đều mang trong mình một nỗi háo hức khó kiềm chế được. Ormoc đây rồi? Tôi có thể nhìn ra ở đây trước có một ngôi chợ, và chỗ bến cảng có nhiều những ngôi nhà, khách sạn Ormoc ngay cửa ngõ giờ tiêu điều, những hàng dài những balcony vắng hoe, mái trên sân tượng bị tốc, màu nước sơn của toà khách sạn toát lên vẻ rệu rã, buồn như chưa từng có được sự hào nhoáng niềm nở tiếp đãi khách phương xa! Giờ tất cả đã tốc mái, chạy le te những lều chõng, và những gương mặt người không đo đếm được nỗi kinh hoàng oằn lên trong mắt. Đi qua những dãy nhà ven biển, tất cả đều bị tốc mái, nhiều nhà bị sập, cây đổ, cột điện đổ, đường xá ngổn ngang gạch vữa, rác. Rất đông người đổ ra đường, thì bây giờ họ cũng chẳng còn nhà để ở nữa rồi! Nơi chúng tôi đi qua là một thị trấn, đông người lắm. Chỗ nào tập trung đông ngời thì một là hiệu thuốc, những hàng dài người chờ mua thuốc, hoặc là nơi charge pin công cộng, ở Ormoc có rất nhiều chỗ cho charge pin miễn phí như thế - một cách để người dân vùng bão kết nối được với thế giới bên ngoài (in như wifi cũng chưa ược kết nối lại ở nơi này!).

Hàng cứu trợ chủ yếu do các bạn Phil của tôi tự quyên góp lấy! Họ là những người trẻ tràn đầy năng lượng sống, dư thừa nhiệt huyết với cuộc đời, với con người. Đây là chuyến đi thứ hai của họ đến với vùng Ormoc. Trên cover picture của bạn tôi đến giờ vẫn còn treo hình ảnh tang nát và một sát người nằm còng queo phình trương bên vệ đường - một thực tế kinh hoàng mà bạn tôi đã chụp lại khi lần đầu tiên đến với Leyte trong chuyến đi cứu trợ những ngày trước. Sự đau xót và nghĩa tình đồng bào thôi thúc họ tiếp tục kéo dài những gói hàng cứu trợ. Tôi cũng ủng hộ tấm lòng của họ một ít, chả thấm thía gì nhưng cũng đủ để cảm thấy thật ý nghĩa vì mình đã trao họ một nắm tay, và trong cơn hoạn nạn giúp nhau, chỉ một bàn tay bé chìa ra cũng đã đậm sâu lắm rồi. Hàng cứu trợ có mì gói, thức ăn đóng hộp, gạo, nhang muỗi, sữa, xà phòng, bánh mì và một ít bánh mặn! Không nhiều lắm nhưng với những bạn trẻ này, việc họ lăn xả vào vùng tâm bão bằng tất cả sự nhiệt tâm cũng đủ để tôi thấy việc mình đang làm có ý nghĩa như thế nào! Tôi muốn đi cùng họ trong chuyến đi này, chính là vì muốn có một chuyến đi thực sự ý nghĩa, chắc chắn nhiều năm sau này, tôi sẽ mãi nhớ về nó - một ấn tượng thật khó phai về năm tháng trẻ trai đầu non cuối bể!

Chúng tôi theo xe bán tải đi sâu vào Ormoc. Cũng đi dọc theo con đường ven biển ấy! Con đường được trải nhựa kéo dài ừ Tacloban sang Ormoc đến tận các town ở phía Nam của Leyte. Con đường ấy lúc bình thường thì đẹp lắm, một bên là núi và một bên là biển. Biển đão Phil có một màu xanh đẹp đến lạ lùng. Có thể lúc bão nổi thì biển dữ dội lắm, nhưng thời khắc tôi đến đây, sao lại lặng im và hiền hoà đến ngỡ ngàng. Nếu không có những dọc dài nhà cửa bị sập đổ và gãy nát, những dòng người đổ ra ngồi bệt bên vệ đường, những dòng chữ được viết trên tường Please help us, food and drink chắc tôi sẽ mãi muốn trôi mình hoài trên con đường ven biển hiền hoà và yên bình này! Xe chạy qua bệnh viện, cũng bị tốc mái và hư hỏng nặng nhưng may mắn là vẫn còn hoạt động được. Xe chạy qua những cửa hàng, hoạ hoằn lắm có chỗ còn trưng bày bán một số như yếu phẩm, và phần lớn đều đông nghẹt khách, với người chủ quán vác theo cây súng trên vai (họ sợ cướp, vâng, bần cùng sinh đạo tặc). Đường phố thỉnh thoảng đón chúng tôi bằng hình ảnh những người đàn ông trùm kín mặt, chạy xe Honda vác theo cây súng trên vai chạy ngang tàng trong ánh mặt ngỡ ngàng của ít nhất là tôi. Ở Phil chính phú không cấm người dân giữ súng, vì vậy, bạn tôi cười, ánh mắt đầy cảm thông trước một tôi - lần đầu tiên thấy người ta vác súng chạy nhong nhong ngoài đường như thế. Và xe cam nhông chở quân của chính phủ, có cả quân nhân Mỹ thỉnh thoảng chạy qua chúng tôi, một bầu không khí u ám và buồn bã bao trùm!

Mất khoảng 45 phút chúng tôi mới tới địa điểm tập kết. Nơi đây là nhà của một dì trung niên khá giả, nhà của dì nằm quay lưng ra biển, kiên cố và vững chải, ằng chứng là sau những cuộc oanh tạc của gió bão tuần trước, ngôi nhà vẫn nằm im, dù rằng đôi chỗ trên mái có bị sứt mẻ đôi chút. Chúng tôi bày hàng cứu trợ ra! Trời đã tạnh mưa, nắng xiên xéo cười trên những gương ặt người. Bụng sôi, sáng chưa ăn sáng nên dòm qua dòm lại mặt ai cũng méo, vì đói! Junoir cùng một vài thanh niên đi kiếm cái gì đó bưng về cho cả đoàn ăn vội! Chúng tôi kéo nhau sếp hàng ra theo từng loại! Nửa tiếng sau thì đồ ăn trưa về, thịt heo quay chấm nước tương ăn kèm với bánh ú! Gạo làm bánh ú chứ không phải nếp! Heo quay còn nóng hổi nhưng bị lột mất phần da, toàn thịt nên ăn ngậy! Nước tương ở Phil thì mang vị chua lè, chấm một miếng thì tôi té, chịu không thấu nên toàn gặm thịt! Ăn ba xừ bốn xựt cho qua bữa rồi dọn dẹp bắt tay vô phân loại hàng! Mỗi người một khâu nhanh chóng bỏ ừng phần hàng vào bao nylon! Đổ mồ hôi chớ hổng phải giỡn vì lượng hàng cũng tương đối và trời thì nắng cũng khá gắt. Một giờ chiều chúng tôi hoàn tất. Mệt lử, cả bọn kéo vào nhà nằm nghỉ một xí, hôi hám và dơ dáy! Cũng ít tiếng ười, cười gì nổi nữa trước cảnh đổ nát hoang tàn như thế này!

Vì Ormoc không còn gạo, nên chúng tôi phải đặt hàng từ tuốt tận Hilligos, một town cách Ormoc khoảng 120km, cũng thuộc Leyte, nhưng town này lại ít chịu ảnh hưởng của bão. Hiện giờ xe tải chở gạo chưa đến kịp nên chúng tôi tranh thủ đi vòng vòng khu vực lân cận! Rõ ràng là cảnh nơi đây bình yên và trong lành lắm, những thảm cỏ xanh mải miết, đường chân trời xa tít tắp, biển xanh và trong vô cùng. Nhưng rồi bão qua và nhà cửa tan theo từng trận gió. Gió dữ, nười dân ở đây bảo sức gió có khi lên đến 350km/h, đủ để cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi của nó! Đi bộ lên đồi, tôi thích những quả đồi, chắc lúc nhỏ xem film Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên nên tôi bị ám ảnh với những quả đồi như thế. Phóng tằm mắt ra xa, nơi này cách Việt Nam bao nhiêu hải lý, và nếu như không có nơi này, không phải là nơi nà, thì liệu Việt Nam mình có may mắn thoát khỏi Haiyan như thế không?

Đi bộ lanh quanh lại vòng trở về. Xe tải chở gạo cũng chưa về tới. Chúng tôi bắt xe tricycle đi vào thị trấn. Một vòng city tour coi như thăm thú Ormoc. Lại một lần nữa cảnh tượng hoang tàn và đổ nát xéo vào lòng chúng tôi! Trẻ con thì vô tư, chúng vẫn chơi trò chơi, vẫn tụ tập nô đùa bên những ngôi nhà tốc mái! Nhưng người lớn thì nặng trĩu những ánh mắt, mái nhà chông chênh kéo họ ra tận phía biển! Ormoc không lớn nhưng thiệt hại mà Haiyan gây ra không biết năm năm nữa họ có khôi phục lại ược hay không? Chúng tôi ra một làng chài, ở đó sự tạm bợ nép mình bên những con sóng vỗ. Nhà đã sập nát nên được chống sơ sài bằng những lều bạt, và đá ngổn ngang được khuân vác chất thành đống cơ hồ như sự bám víu cuối cùng trước sức mạnh của mẹ thiên nhiên! Nhà ai đốt khói bữa chiều rơi, mờ mờ ảo ảo chúng tôi trở về.

Gạo đã có, chúng tôi lại tiếp tục phân phát các gói hàng! Junior sẽ ở lại để trực tiếp phát những phần hàng đến tay người bị nạn! Tôi cùng Verge, Grace, Phillips và Paulo sẽ phải quay về Hilongos, ở đó chúng tôi sẽ bắt tàu về lại Cebu vào ngày mai! Ormoc hết vé tàu rồi, những dòng người liên tục đổ về khiến cho cảng Ormoc hoàn toàn tắc nghẽn! Lên xe, chiếc xe chở gạo từ Hilongos chớ chúng tôi vòng ngược xuống miền Nam Leyte. Hoàng hôn dần buông nhưng không kịp giấu những ngọn đồi trọc với những bãi chông là các cây dừa trụi ngọn và chuối thì đổ rạp hai bên đường, những tháp nhà thờ đổ nát, những dòng người kéo nhau ra đường thơ thẩn! Hoàng hôn tắt trên những gãy vụn và nức nở. Trong mệt mỏi và lạnh, tôi trở về!

Phil của ngày bão nổi (4)

Khi anh bác sĩ nói với tôi rằng cái chân bị gãy hai ngón, phải bó bột, hạn chế di chuyển trong ít nhất một tháng. Tôi dòm qua thằng bạn thân của tôi, nỗi kinh hoàng chắc là không thể che giấu được trong cặp mắt một mí lép kẹp! Điều đầu tiên tôi nghĩ đến, đó là chỉ còn ba tuần nữa là tôi phải đi Philippines. Chuyến đi nhiều khắc nghiệt, và nếu thiếu đôi chân này, tôi sẽ phải làm như thế nào! Chuyện của hơn một tháng về trước, giờ ngón chân út của tôi chắc có lẽ sẽ không bao giờ còn nhỏ gọn và hình dạng như cũ nữa, tôi chấp nhận điều đó, bắt đầu tập làm quen với nó! Bàn chân qua những thâm trầm, những vệt để lại, bên cạnh khói, còn có cả nước mắt. Niềm vui tách ra từ nỗi đau!

4. Chạy đua ở Cebu - Kế hoạch thay đổi

Một trong những chuyện tôi và bạn trao đổi trước khi đi ngủ, đó là bạn muốn dắt tôi đi một vòng Cebu lắm, nhưng quãng rày bạn bận quá, bạn đang tích cực vận động cho những chuyến đi cứu trợ đến vùng Ormoc, tỉnh Leyte, một trong những vùng bị Haiyan quét qua! Thế nên bạn hổng có dắt tôi đi đâu được, nếu tôi muốn, bạn có thể chỉ, và tôi sẽ đi một mình! Tôi trả lời bạn ngay tắp lự rằng tôi cũng muốn đi với bạn vào vùng bị bão, đó sẽ là một trải nghiệm không thể nào quên! Bạn nói tôi nên đi ra biển Cebu chơi đi, cách trung tâm khoảng 3 giờ ngồi xe là tới, ở chỗ đó, là thiên đường, nhiều người tới nơi này, cũng vì biển! Tôi cười, nói với bạn rằng nếu lần sau tôi có cơ hội quành ngược lại Cebu, nhất định bạn phải dắt tôi tới nơi đó, còn lần này, tôi sẽ đi chung với bạn, đi vào vùng bão lũ, vì chỉ lần này thôi, tôi có cơ hội được thực hiện một chuyến đi nhiều ý nghĩa như thế này! Nếu có lần sau, mà thực sự thì, tôi cũng hổng muốn đất nước này xảy ra chuyện như thế này một lần nào nữa. Thực sự là như vậy! Bạn dòm tôi cười, hỏi, dám không?

Tôi đi ngủ, trong cơn mộng mị dẹp hết tất cả mọi suy nghĩ mệt mỏi rã rời! Căn nhà của bạn rất đặc biệt, sàn gỗ. Ở đó, bạn chuẩn bị sẵn nệm ngủ cho rất nhiều người. Căn nhà của bạn đã từng host đến hơn 300 người, trên vách ường bạn dán dày đặc những kỷ niệm đến từ khắp nơi trên thế giới. Những tờ tiền đủ mệnh giá (nhỏ) của Việt Nam (quá trời Việt Nam đồng luôn), Trung Quốc, Nhật, Mỹ... Bản đồ Cebu, Phil. Ba cây súng nước (hình như quà của một thằng Mỹ nào đó), những thank you letters dán đầy tường... Bạn làm việc khuya, in như mãi tới hai giờ sáng bạn mới đi ngủ. Tôi rã rời nhiều khi giấc ngủ chịu chạo thả vào khuya những cơn ho, dòm thấy bạn vẫn còn đang lẩn mẩn bên bàn làm việc. Thì chắc chỉ có những người trẻ freelance như vầy mới đủ nhiệt thành và kiên nhẫn để đón bạn từ khắp mọi phương xa như thế này!

Sáng hôm sau, tôi thức dậy. Dĩ nhiên là dậy trễ. Bạn hỏi ngủ có ngon không? Tôi nói không? Ho dữ quá, tôi bệnh rồi! Tôi nói với bạn là tôi sẽ đổi lại vé máy bay, phải tranh thủ vì bên Cebupacific họ chỉ cho đổi vé trước 48 giờ trước giờ bay thôi! Coi như tôi dùng những giờ phút cuối cùng, không quan tâm tới giá vé nữa, dùng thẻ tín dụng nên không biết nó trừ tài khoản của mình hết bao nhiêu! Đổi một chiều về, check giá vé thì cũng bằng với mua lại một vé mới. Mà kiểu gì thì kiểu cũng đều mắc hơn giá vé khứ hồi tôi mua đợt trước. Đi phượt bụi, đi một mình nhiều khi vậy, kế hoạch thay đổi xoành xoạch, không theo một thứ tự nào! Cũng may tôi đem theo thẻ tín dụng nên đợt này thay đổi vé máy bay kịp (mất toi gần 2 triệu đồng, trong khi vé khứ hồi mua đợt trước khoảng hơn 1,5 triệu cho chặng Manila - Cebu).

Có rất nhiều thứ cần phải chuẩn bị cho chuyến đi cứu trợ ngày mai! Junior dắt tôi đi một vòng Cebu downtown, đặng mua vé tàu cho cả nhóm gồm 9 người. Ngoài ra, nhiệm vụ của chúng tôi còn bao gồm cả việc mua 10.000 gói mì tôm và mua những cái bao túi đặng bỏ hàng cứu trợ vô nhằm ngụy trang, sợ bưng hê ra tình hình bất ổn dân tình bay vô cướp thì nguy hiểm. Cần nhắc lại là một tháng trước đó, Cebu vừa mới trải qua một trận động đất, khu vực động đất nằm ngay khu trung tâm của khu downtown. Chúng tôi bắt jeepney vô thành phố, chỉ mất khoảng chừng mười phút. Ôi Jeepney, Jeepney, nhắc đến Philippines là nhắc đến Jeepney. Tôi không chắc rằng mình có yêu thích loại phương tiện giao thông này hay không, nhưng về mặt tình cảm, thật sự rằng Jeepney dễ làm cho con người ta xích lại gần nhau hơn tuk tuk, hơn cả xe bus, xe ôm của Việt Nam mình! Sẽ không có phụ lái, tài xế jeepney chỉ việc dừng xe lại theo trạm, đón khách và chạy. Không có việc đòi tiền, không có cảnh trốn vé. Người đi xe tự động trả tiền cho tài xế, có thể ngay lúc lên xe, có thể ở giữa cuộc hành trình, nhưng kiểu gì thì, tất cả đều tự giác. Tôi rất thích cảm giác chuyền tay nhau những đồng cắc lẻ để trả tiền phí, rất rẻ, khoảng chừng 8 peso cho mỗi lượt lên xuống, không có xé vé, những người ngồi sau xe nhờ người ngồi gần tài xế đưa giúp họ những đồng peso. Một sự tự giác và thân thiện đáng nể. Jeepney ngồi tù túng lắm, nhưng cái tình của những người ngồi Jeepney thì quả thiệt là không thể quên!

Jeepney dừng chúng tôi lại ở lưng chừng khu downtown, ở đó, chúng tôi đi bộ ra cảng. Cảng Cebu tính ra không lớn lắm, kiểu như cảng Sài Gòn, nhưng khác ở chỗ, từ Cebu có khá nhiều chuyến tàu đi các tỉnh ở miền Trung của Phil. Do là quốc gia có nhiều đảo, nên việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố, ngoài phương tiện là máy bay, thì tàu thuyền là phương tiện đi lại chính. Có rất đông người xếp hàng chờ mua vé! Tôi không rành về địa lý của Cebu cho lắm nên chắc do tâm trạng của mình là đang chuẩn bị đi vào vùng bão lũ Leyte, thành ra dòm mặt người nào cũng đều tâm trạng, đều nặng trĩu lo âu trước cơn đại biến của dân tộc mình! Ở đó, chúng tôi xếp hàng hơn một giờ đồng hồ mới mua được vé. Vé tàu đi từ Cebu đến Ormoc là 620 peso, do hết vé hạng economic rồi nên cả bọn đành ngậm ngùi mua vé hạng tourist 01, mắc chảy cả mỡ.

Chặng về, tôi và Junior đi rảo khắp các siêu thị ở khu trung tâm của Cebu, để mua mì gói. Không khí của ngày thứ sáu thật sự rất náo nhiệt! Tôi không hiểu sao nữa, nhưng đi đâu cũng thấy người, người túa ra từ các khu mua sắm, người qua đường rộn rã những bước chân. Người ta đi khắp các nẻo đường, người ta ôm những thùng hàng vội vã trở về nhà. Có những đứa trẻ ăn xin nằm cù bơ cù bất ở những ngã tư đường, và không thiếu những người vô gia cư nằm vạ vật bạ đâu ngủ đó trên những góc phố cũ kỹ rệu màu thời gian của Cebu. Tôi bị gãy chân, mới vừa hồi phục, nhưng đông người quá nên sợ bị lạc, lúc đi bộ thì trong khi Junior đi khoan thai từ tốn thì tôi toàn phải chạy, níu áo bạn bởi vì tốc độ đi của tôi chậm lắm, sợ không kịp!

Và cái cảm giác thật sự kinh hoàng khi mà bước chân vào khu thực phẩm ở các quầy hàng trong siêu thị, chúng tôi đi qua khoảng hơn một chục cái, nhưng khu nào cũng đông như kiến. Mì gói thì hết, có quầy hàng sạch bóng luôn! Có quầy còn lác đác một vài nhãn hiệu mì, phần lớn là mắc. Giá cả ở Cebu nói riêng và Phil nói chung tôi thấy cũng tàm tạm, không quá đắt đỏ, đủ xài, đủ để một người Việt thuộc hàng bình dân như tôi nếu có cơ hội qua đó sinh sống, chắc cũng tồn tại được. Mì gói giá bèo thì có giá khoảng 6.5 peso. Chúng tôi lùng suốt dọc dài những dãy phố. Ở đó, có rất nhiều khu trung tâm mua sắm và siêu thị! Siêu thị thì cũng y chang Việt Nam mình, cũng những quầy hàng, những counter thanh toán xếp dọc dài những người và người. Sáu giờ chiều có tiếng chuông điểm, và cả không gian cùng lặng im, tất cả mọi người dù đang làm gì, cũng đều dừng lại. Không cần phải hỏi bạn đồng hành, cũng biết rằng mọi người đang cầu nguyện! Đây là nghi thức mỗi ngày của đạo Chúa ở Cebu, diễn ra tại tất cả những nơi công cộng! Cảm giác xoay vần đủ để tôi bất ngờ và vỡ ra vì thích thú. Cần lắm chớ những giây phút cộng đồng như thế này, dù là ai, đang ở đâu và làm gì, sống chậm, theo một ý nghĩa tích cực nào đó cũng đều dễ dàng làm cho con người ta dừng lại và tạm quên đi những tất bật của đời thường.

Chạy đua ở Cebu. Tôi nghĩ rằng mình đang trong một cuộc chạy đua chớ không phải giỡn. Ở cuộc đua đó, có tôi và Junior phải lất bất xang bang lục hết hơn mười cái siêu thị đặng mua cho được 10.000 gói mì. Và khi mà mua được rồi phải bưng ra đi taxi trở về nhà. Lúc bình thường thì không nói, nhưng khi mà con người cảm thấy không an toàn, nhu cầu tích trữ lương thực thực phẩm bắt đầu ngọ ngoạy, và mình phải đua nhau để giành lấy những phần ít ỏi đó. Cảm giác đó thực sự rất khác. Trên đường về tôi có ghé qua port Sandiego, một khu tường thành kiêm công viên của Cebu, quảng trường nằm cạnh bên cảng, tôi thấy hơi lạc lõng giữa quảng trường rộng lớn này! Hỏi Junior rằng thế mạnh chính của Cebu là gì, bạn nói du lịch. Tôi thắc mắc ủa sao ít thấy dân Tây ba lô quá, mà trông đường phố quán xá ở Cebu cũng cũ kỹ nữa. Bạn nói ờ thì đi ra biển đi, ở đó sẽ có đông du khách hơn. Buổi chiều đi qua khu nhà thờ Lớn, nhà thờ vừa mới bị tàn phá do trận động đất vừa rồi. Rất đông những người già và trẻ nhỏ ùa ra đường bu lấy chúng tôi đặng bán nến. Giống y chang khu nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Tôi cười ha ha nói trời ơi tôi đang đi trên đường phố Sài Gòn phải không?

Trở về nhà thì trời cũng nhá nhem tối. Junior mua về hai con gà quay! Lại là thịt, tôi khoái thịt rồi. Tối đó có những người bạn sẽ đi cùng cả nhà đến Ormoc qua để chuẩn bị đóng gói đồ đạc. Chúng tôi có một buổi tối vui vẻ, ngồi bốc từng nắm cơm ăn mà cười hỉ hả trước những câu chuyện của các thành viên. Họ đều trẻ, toàn dân freelance và toàn là dân phượt chính hiệu. Một bữa tối thật vui! Tôi lại phải đi ngủ sớm, thói quen không thể nào bỏ được của một trai văn phòng ngân hàng nhà nước chính hiệu! Có tiếng chuông nhà thờ nào đó đổ giữa thinh không! Mà chắc là tôi nhầm lẫn rồi, đó là tiếng còi hụ của một chiếc xe cấp cứu nào đó. Ở Cebu, âm thanh mà tôi thường xuyên nghe nhất chính là tiếng còi xe cấp cứu. Không phải vì lý do gì, chỉ đơn giản là... Hobbit house gần một cái bệnh viên mà thôi! Ờ mà tôi nói các bạn nghe chưa, nhà của Junior có một cái tên rất dễ thương, Hobbit House.

Và một ngày nữa lại tàn!

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Phil của ngày bão nổi (3)

Riết rồi niềm tin là một thứ xa xỉ! Đi chợ lựa một trái cam cũng ngần ngại hổng biết có phải trái cam này được ủ chất bảo quản quá tay hay không? Đi đường xa về vắng sợ hành trình bị lỡ mất ở một quãng nào đó, vì người bây giờ bị phần con liếm láp đi mất, chớ hổng phải sợ bóng tối. Mần ở ngân hàng hơn ba năm rồi nên hiểu, lòng chỉ tin khi đời đừng xô đẩy bạc đen. Tôi lại tiếp tục xách ba lô lên và đi! CS - niềm tin được thắt lại nghẹn ứ trong tim này!

3. CS mỗi bước chân qua đều là nhà!

Tôi bắt đầu gửi thư xin ở trọ vào tháng chín. Đầu tiên là xin ở trọ ở Manila. Do đã từng CS rồi nên gần như ngay lập tức được chấp nhận vô ở ké. Bạn host của tôi đang làm bên mảng truyền thông và media, tôi cũng không rành nữa vì ... đó là cả một câu chuyện dài lượt thượt sau đó nữa. Dự định ban đầu thì chỉ là quanh quẩn ở thủ đô, đi Taal và đi Sagada! Bạn host thì bận vô cùng. Mỗi lần rải lời giả bộ hỏi thăm bạn ơi bạn có khoẻ không? Năm thì mười hoạ mới nhận được tin nhắn trả lời lại rằng ờ tao vẫn khoẻ, cảm ơn cảm ơn đã hỏi thăm! Tự nhiên tôi nhớ tới Kay, người bạn host của tôi ở Malay, một người bạn nhiệt tình nồng ấm, lúc nào cũng hỏi tôi có khoẻ hông, chuẩn bị đi tới đâu rồi! Nhưng kệ, này là mình nhờ vả người ta mà, đâu có lý do gì, để nói ra nói vô chê bai cho đặng!

Bước chân qua tháng mười, đùng một phát hứng lên muốn đi ra biển. Tôi lọ mọ lên mạng đặt vé, bay nội bộ đi Cebu. Chỉ đặt vé có hai ngày một đêm thôi, bưng chuyện đó đi nói với host, bạn bảo trời có nhiêu đó thời gian thế mày đi Cebu làm gì? Tôi trả lời ờ ờ kệ, chớ thiệt sự ra tôi cũng hổng có thích biển. Rồi thì lại tiếp tục kiếm host ở Cebu tiếp. Đợt này khó, tôi gửi thư xin ở trọ hoài mà hổng được. Lôi bạn host ở Manila ra than khổ, nhờ bạn giới thiệu giùm. Nói chơi, khóc lóc nỉ non chơi chơi mà dè đâu bạn giới thiệu thiệt. Nhiệt tình như chưa bao giờ nhiệt tình hơn nữa, kiểu tui bảo đảm cho người này, yên tâm host hắn đi! Tôi biết Junior cũng từ một dịp tình cờ như thế!

Thế giới này ngày càng phẳng, nhưng đâu có phải khơi khơi là gặp được nhau, quen biết nhau giữa bảy tỷ người. CS nối những chiếc cầu xuyên biên giới, bằng niềm tin, đơn giản vì chúng tôi tin tưởng lẫn nhau! Không phải lần đầu tiên tôi surf, nhưng in như nỗi lo lắng về người bạn host của mình đã trở thành đặc sản. Trước chuyến đi lo, chuẩn bị bay rồi vẫn lo! Hổng biết bạn host của mình ra sao? Mình sẽ như thế nào ở một đất nước xa lạ, và những khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ, liệu sẽ trở thành rào cản, để người gần hơn với người! Tôi sợ, những nỗi sợ trở thành đặc sản trước mỗi bận CS luôn rồi!

Trước bữa đi vài ngày, bạn host của tôi ở Manila báo tin là hôm tôi qua bạn bận đột xuất, chuyện cũng hổng mong muốn vì bạn có một event tổ chức ở một tỉnh khác. Bạn nói tôi có thể ở nhà của bạn, hông sao hết, bạn sẽ cố gắng về sớm, nếu còn thời gian thì đi uống cái gì đó! Tôi nói ờ ờ, hy vọng là như vậy! Nhưng miệng cười trong lòng lại thấy lo, trời ơi còn có mấy ngày nữa là đi, mà bạn host lại tiêu tùng như thế này rồi sao! Junior ở đầu cầu Cebu còn bận hơn nữa, không cho tôi biết địa chỉ, chỉ cho tôi số điện thoại, bạn nói khi nào tới Cebu thì cứ gọi, bạn sẽ chỉ đường. Lần đầu tiên tôi thấy mơ hồ, những mối dây liên hệ nó cứ hời hợt! Nghĩ trong bụng thôi kệ, có tiền trong túi mà, có gì qua đó được không được thì kiếm cái hostel nào đó chui vô! Đi bụi mà! Một chuyến đi bụi lý tưởng của tôi là đến một thị trấn nhỏ nào đó, không phải địa danh du lịch nổi tiếng nào, tận hưởng một cuộc sống đích thực của nơi ấy, ngồi ở một quán nhỏ nhìn ra đường, buồn thiu vì có một mình nhưng chắc ăn tôi sẽ khoái! Vì một mình, vì đơn độc nhiều khi làm oằn thành kỷ niệm, và nhớ nhung đều sẽ bắt đầu từ những khoảng khắc độc hành như thế này đây!

Những chuyến đi rồi sẽ nối dài, như những mối quan hệ, rày đây mai đó riết rồi sẽ dễ kết nối những người lạ xa! Đến Manila ngày đầu tiên tôi chưa liên hệ với Iosif, vì biết giờ này bạn đang rong ruổi ở một nơi nào đó, và cũng hổng biết bạn có nhớ đến tôi hay không nữa. Chia tay em gái người Việt Nam ở Malate, tôi cùng hai chị Hà Nội bắt taxi ra khu Intramorous - khu thành cổ của Philippines. Taxi chạy theo km, rất rẻ. Quãng đường chạy khoảng 15 phút tính ra hết 130 peso. Hãy cẩn thẩn, cánh taxi bên đó nhiều người rất láo, kiểu như họ vẫn tính km nhưng cộng thêm 50peso nữa! Intramorous hiện ra trong nắng sớm ngày mới thật tĩnh tại và yên bình! Những đoạn đường nhỏ lát gạch, đi lạch bạch dễ bị đau chân!

Chị gái nói, trời ơi một năm về trước, ở Malacca, cũng thành cổ như thế này, và nắng chiếu nghiêng nghiêng, và chị đi với bạn trai, bây giờ thì đi một mình. Tôi nói giỡn, chị cũng đang đi với trai này, nhưng khác, cảm giác hối tiếc! Thì mối quan hệ cũng chưa đủ thắm sâu đặng hỏi thêm về cuộc sống của chị! Intramorous một ngày thứ sáu vẫn đông đúc, có một nhóm thanh niên, đông đến cả trăm người, mặc chung áo đồng phục, chắc là dân bản địa, kiểu như đi thực tế (giống các bạn học sinh, sinh viên ở Việt Nam, đi bảo tàng, chẳng hạn). Họ rất sôi nổi, cười cười nói nói làm rộn hết cả khu thành cổ. Intramorous là một trấn cổ, được chính quyền gìn giữ khá tốt để mần du lịch! Khu Intramorous đi một vòng kiểu cưỡi ngựa xem hoa như chúng tôi chắc gần hai giờ đồng hồ là hết. Nhiều khi nghĩ lại tôi thấy tiếc, nếu có dịp trở lại, chắc chắn tôi sẽ khám phá Intramorous sâu và đơn độc một mình nhiều hơn thế này! Những bức tường thành đẫm màu thời gian, và nhà thờ, những con đường lát gạch gồ ghề, nhịp gõ móng ngựa âm thầm! Bỏ qua những ồn ào phố xá, trấn cổ vẫn giữ nguyên những nét đẹp không phai mờ! Bữa đó do tôi lại thay đổi quyết định, không theo các chị gái nữa mà sẽ tiếp tục cuộc hành trình đơn độc của mình đi Cebu, nên tôi bảo các chị ngôi xe xích lô, mất 100 peso cho một vòng Intramorous. Bạn nhỏ chạy xích lô mồm năm miệng mười, liến thoắng nói quá trời nói bằng một thứ tiếng Anh khó nghe cực kỳ! Kết tour tôi tip cho cậu nhỏ 50 peso, thế mà bạn ấy còn kèo nài kinh hồn bạt vía, thật sự ở đây dân tình nhiều khi ranh quá xá!

Tôi ớn Manila rồi! Bắt taxi trở về Terminal 3, sau khi rảo quanh Asean Garden gần sát bên khu Intramuros, tôi chia tay các chị! Hổng biết bao giờ có duyên gặp nữa! Ở sân bay, trong lúc chờ đến giờ check in, tôi lượn! Khu foodcount ở Terminal 3 loe hoe, nhiều hạng mục vẫn chưa xây xong, các cửa hàng không có nhiều lựa chọn! Tôi bị viêm họng nặng nên ớn ăn cơm, kiếm đại một chỗ nào đó bán mì hoặc món nước nào đó, nóng nóng húp cho qua ngày đoạn tháng nhưng hổng có! Cuối cùng phải bay vô một nhà hàng Nhật Bổn, ăn qua quýt món mì Udon dở chưa từng thấy (hết gần 350 peso). Cebu delay chuyến bay! Một trải nghiệm kinh hoàng, xe bus chở hành khách ra máy bay rồi, leo lên máy bay luôn rồi mà máy bay cất cánh hổng được! Cả đoàn cùng leo xuống, được bus sân bay chở lại vào trong. Mất thêm hai giờ nữa cho việc chờ đợi. Đáng lẽ máy bay sẽ cất cánh lúc 1 giờ trưa, nhưng mãi tới 4 giờ chiều mới bắt đầu! Và kết cục là tôi cho bạn host leo cây! Hoàng hôn Cebu đón tôi não nề, tắt tiếng hoàn toàn vì gió mái! Cảnh chiều buông đẹp mê hồn! Không nói được nên vừa xuống sân bay tôi dí cái điện thoại cho cô gái làm nhiệm vụ bắt khách taxi để cổ trò chuyện với Junior. Tôi cũng không biết nhà bạn ở đâu, tôi nói vói theo cô gái xa lạ rằng nếu tôi có chuyện gì, hãy nhớ tôi đến từ Việt Nam nhá!

Màn đêm buông xuống rất nhanh! Một mình trên chiếc taxi bắt đầu vào thành phố! Bạn host của tôi nhắn tin rằng bạn phải đi mua một vài thứ, tôi sẽ lại một mình! Một mình! Cảm giác đó đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh! Tôi không biết taxi sẽ chở mình đến đâu (Bạn chỉ nói cứ ừng ở chỗ Englic corner, tìm cái cổng nào màu xanh, bạn sẽ đón tôi ở đó!). Lần đầu tiên tôi đến Cebu mà, tôi có biết gì đâu! Taxi bỏ tôi lại ở Englic corner, đói, tôi rất đói! Tấp vào một quầy BBC lề đường, tôi nạp năng lượng! BBC rất ngon! Tôi thì rất thảm! Tôi ăn, xong rồi lại ngồi lên đứng xuống. Chờ đợi, cảm giác ấy rất kinh khủng. Lời đầu môi chót lưỡi tôi nhắn cho bạn ằng cứ yên tâm đi, tao đang tận hưởng Cebu by night đây, rất tuyệt. Chớ thiệt sự ra tôi đang oải, tại sao mình lại ở đây? Hơn 8 giờ tối rồi, cả ngày nay tôi chưa nghỉ ngơi ược một phút nào, hôi hám, dơ dáy chịu không nổi. Viêm họng mà lại ăn thêm đồ nướng, kết quả là tôi đau khổ chỉ biết ra dấu! Thấy tôi chờ lâu quá, chị chủ quán lại hỏi thăm! Tin được không, chị tưởng tôi là dân ở Tacloban đang chạy nạn qua đây? Nói vậy để thấy rằng tôi thảm thương đến cỡ nào! Và lần đầu tiên tôi biết được, chờ đợi - giờ dây thun đó là phong cách của dân Phil! Tôi chỉ biết cười, chắc cái số này tôi chờ đợi quen rồi! Đói, lại ăn thêm một vài xâu thịt nướng nữa!

9 giờ đêm! Gió cũng đã xổ lồng tan nát rồi. Cebu - thành phố nữ hoàng về đêm vẫn đầy xe cộ! Tôi đang ở downtown của thành phố biển này! Bạn nhắn tin, hỏi tôi đang ở đâu! Tôi nói tao đang đứng trước một cái cổng màu xanh, như lời mày ặn, kế bên là một tiệm massage! Bạn bắt đầu đi tìm tôi! Và ười lăm phút sau tôi cũng được về nhà! Nói chuyện với bạn đến nửa đêm rồi lăn ra ngủ! Tôi ngủ lúc nào cũng hổng hay! Ở trong căn nhà sàn gỗ đó, đã ừng tiếp đón hơn 300 người - đủ màu da, đủ sắc tộc! Phía ngoài cánh cổng màu xanh của căn nhà đó, có dán dòng chữ the hobbit house. Bắt đầu bằng sự chờ đợi, tôi kết thúc ngày bằng một giấc ngủ mệt mỏi không mộng mị! Chuyến đi vẫn còn dài! Đó là đêm đầu tiên của tôi, ở Cebu!

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Phil của ngày bão nổi (2)

Em mặc một miniskirt, mang giày cao gót khoảng chừng năm phân. Tóc em thả, tóc đen nhuộm loe hoe màu. Tay em hững hờ treo cái túi xách, buổi sáng Malate trong siêu thị 7eleven, tôi đang dò bản đồ tìm phụ các chị Hà Nội hostel ở khu Makati! Em quay qua, hỏi các anh chị cũng ở Việt Nam qua à! Cả bọn cùng cười, nụ cười nhiều khi hay lắm, không cần lời nói, cũng chỉ nụ cười thôi cũng đủ để người nhận ra nhau!

2. Gửi cho em một nụ cười - Gặp cô gái Việt Nam ở Malate

Máy bay đáp xuống Terminal 3 là hơn bốn giờ sáng. Quãng đường di chuyển dài hơn hai tiếng đủ để tôi chợp mắt được một xí, nhưng mà ho nhiều quá, lại sợ phiền người kế bên nên mắc ho cũng gắng mà kiềm lại thành thử ra, coi như cả một đêm dài không ngủ. Xuống sân bay rồi thì người cũng bơ phờ. Bình minh ló dạng thật rạng ngời ở phía đằng Đông. Chào Manila, chào một vùng đất mới!

Trong lúc chờ làm thủ tục thông quan, kịp để làm quen với hai chị gái người Hà Nội! Hai chị là đồng nghiệp của nhau, cũng dân ngân hàng. Một chị đang làm việc ở Tàu, một chị làm ở Nội! Hai chị ghép cặp với nhau, líu lo xíu xô. Gặp nhau cũng là cái duyên, chị hỏi tôi đi đâu, tôi nói chiều này em bay đi Cebu, sáng nay cũng chưa có kế hoạch gì, hổng biết khu Intramorous có đủ gần để làm một chuyến city tour thành cổ hay không? Chị nói trời ơi ngoài Cebu đang bão kinh khủng lắm, thôi em trai đừng mạo hiểm nữa, có muốn ghép chung với tụi chị hay không? CHị định đi núi lửa trekking và đi Sagada đấy. Nhưng chị có tới tận mười ngày lận, tôi chỉ có mỗi bốn ngày cho một hành trình bụi phủi. Ghép đoàn chung như thế này rồi liệu tôi sẽ đi được đến đâu? Ngày vui liệu có tày gang hay không?

Ngày mới đến bắt đầu bằng việc đón taxi vô khu Malate. Tôi cũng đã nhanh chóng thay đổi quyết định của mình rồi. Tôi sẽ ghép đoàn cũng hai chị gái! Thì không đi được đảo Cebu thì chuyển qua đi trekking, đi coi ruộng bậc thang cũng được. Kế hoạch thay đổi, thì cũng đã quyết định rồi nên tôi không lăn tăn nữa, lăn xả ra trước cửa vào sân bay hỏi taxi. Hỏi đường vô Malate các bác tài xế hét lên tới 800peso. Sợ quá, cả nhà cùng nhau leo lại lên lầu ba, ở đó tôi dội đạn trước một quang cảnh Manila "hổng có gì khác với Sài Gòn hết ráo". Cũng nhà cửa nhấp nhô, lô xô và lộn xộn. Một ngày mới bắt đầu với một chiếc taxi tải vào thành phố. Trả 250 peso cộng thêm 20peso phí cầu đường, khoảng 20 phút sau cả nhà đã đến được Malate.

Không phải mùa du lịch nhưng chả hểu sao đi vòng vòng khu Malate tất cả các hostel, khách sạn đều đã hết phòng, nếu còn thì toàn phòng deluxe với giá đội lên đến cả triệu. Mấy chị em tay xách nách mang đi tới đi lui, chân lại đau nhưng ẫn phải cố gắng. Malate kiểu như là một khu trung tâm cũ của Manila, ở Sài Gòn thì chắc giống khu Bình Thạnh, Phú Nhuận. Trung tâm mới giờ chủ yếu tập trung ở Makati, khu đó đẹp, sạch hơn. Ở Malate, đi dạo một vòng, vào buổi sáng sớm vẫn kịp để tôi thấy những gương mặt đen đen bẩn bẩn ngủ dưới trời lạnh lẽo, những đứa trẻ vô gia cư sau những mái hiên vừa tỉnh dậy, các cô gái ăn sương - chắc là vừa xong một ngày làm việc (Malate tập trung nhiều KTV, nhiều doll club, giống Pattaya ấy). Và Malate trong buổi sớm mai hiện lên vừa dơ vừa bẩn vì nhân viên vệ sinh chưa kịp đi dọn dẹp, rác vứt bừa ở những ngã ba, ngã tư! Jeepney chạy đầy đường không đủ để xua đi cảm giác lạc lõng của một tôi đang bắt đầu chán nản với Manila rồi!

Đi một vòng Malate mà cuối cùng vẫn chưa tìm được hostel, thế là vừa đói, vừa khát tấp vô một siêu thị 7-eleven để kiếm cái gì đó bỏ vô bụng. Thì cũng là hambuger với nem chả hai chị bưng theo từ Việt Nam sang (con gái đi bụi có khác, chuẩn bị các thứ chứ không như đực rựa này!). Líu ríu nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, dò bản đồ đặng tìm đường ra khu Makati, hy vọng ở đó sẽ tìm được hostel nào đó giá ngon hơn một xí!

Và ở đó chúng tôi đã gặp em, một cô gái Việt Nam, một cô gái miền Nam có giọng nói ngọt lịm! Em hỏi ủa các anh chị cũng ở Việt Nam sang hả? Qua đây đi du lịch hay sao ạ? Em ở Ninh, ở cửa 5 chợ Hoa. Em qua đây cũng hơn sáu tháng rồi, em qua đây đi mần, em làm ở sòng bài gần đây nè. Ở đây em buồn lắm, hổng có gặp dân Việt Nam nên gặp các anh chị em mừng. Rồi em nhiệt tình chỉ chúng tôi đi tìm khách sạn, em nhiệt tình quá nhiều khi khiến cho chúng tôi ngại! Bởi dân đi bụi mờ, nhiều khi thấy người ta nhiệt tình quá đâm ra chợn. Tôi hỏi thế tết này em có về quê không? Nhà em gần nhà tôi đó, tôi cũng dân Ninh mà! Em nói cũng hổng biết nữa, tết mờ, casino họ hổng cho nghỉ nhiều, ngày lễ tết dân đi đánh bài đông, mần sao mà nghỉ cho được!

Em làm ca đêm, đó là lúc em vừa tan ca. Giọng nói của em ngọt ngào quá! Em giúp chúng tôi cũng thiệt nhiệt tình! Nghe cái cách em nói, điệu em cười thấy ấm áp quá! Lâu lắm rồi em mới nghe trực tiếp giọng nói nười Việt Nam mình! Sao mà thương, mà yêu đến vậy! Malate nắng sáng cũng vừa lên! Cảm ơn em và gửi lại em một nụ cười. Chúng tôi bắt taxi đi vào Intramorous, chúc em may mắn và sớm được trở lại thăm nhà! Taxi đi rồi tôi mới chợt nhớ ra, quên hỏi tên của em mất tiêu rồi! 

Bạt
Phil 1 

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Phil của ngày bão nổi (1)


Để rồi bây giờ ngồi trong nhà cũng thấy sợ! Những nỗi sợ không thể đong đếm được bằng tên, bằng không gian, bằng thời gian (giống như má, sắp đến tết lại nhắc con cái đừng làm cái này đừng làm cái kia, bộ qua năm mới, con được khoẻ re liều hở má?). Ăn một trái nho cũng hổng biết có phải nho Trung Quốc hay không? Cầm bộ đồ chơi con nít lên sợ có chất chì làm ảnh hưởng đến cháu nhỏ! Coi ti vi nhiều quá thấy những chương trình này rồi làm thế nào mà tụi em nó phát triển được, toàn gào với rú với tụi trẻ trâu thấy thần tượng nói ngôn ngữ từ một quốc gia nào đó xa xôi ghé qua mà khóc còn hơn là mẹ cha sinh ra mình mất! Và còn nhiều thứ khác giống như vì một ánh nhìn thôi bạn sinh viên trưởng lớp bị đâm gục ngay trên ghế giảng đường đại học! Và con trẻ được đưa đến trường thì tưởng đâu là an toàn nhất cũng lại bị thầy cô cho ăn những bữa ăn thiếu chất, để được hưởng chiết khấu, để có tiền!

(Trích những nỗi lo sợ số 3, chữ của Tồn Phan)

1. Những nỗi lo sợ:

Nhà tôi ở Ninh, một thị trấn nhỏ nằm lờn tơn giữa đường quốc lộ nối với Sài và dọc dài qua biên giới nước bạn Cam. Ở đó có tôi mỗi ngày mài đũng quần trên ghế xoay của một ngân hàng nhà nước. Cuộc sống của một người trẻ nhiều khi thấy bức bối và quạnh hiu ghê ghớm khi phải đếm ngày bằng những gương mặt cười. Đi bụi một mình, tự nhiên trở thành một thói quen sủi tăm vào trong tâm khảm! Trước ngày lên đường một ngày, cuối cùng tôi cũng xin được phép! Giấu gia đình rằng con sẽ đi Sing, giấu cơ quan bằng một chuyến đi miền Tây sông nước nào đó. Chiều ngày 14 vừa làm việc xong, nhịn ăn tối để nháo nhào bưng đồ và chạy! Quãng dài từ Ninh lên Sài 120 cây số đo bằng từng trận ho như có con sâu nào đang phá nát cuống họng. 7 giờ có mặt tại sân bay để tiễn người chị đi Thái. Vẫn ho và vì đi bộ quá nhanh nên cái chân vừa gãy xong lại bắt đầu đau trở lại rồi! Gọi cho thằng bạn thân (đi nhiều, quen nhiều, gặp nhiều nhưng bạn thân thì nào giờ chỉ có một, đời nhiều khi với tôi nó đau vậy!). Nói mày ơi tao chuẩn bị ra sân bay, đi Phil, có gì mày mua giùm tao mấy phần thuốc, ho, viêm họng héng, tao bận quá nên không ghé tiệm thuốc tây mua được. Bạn ừ, cười hề hề nói mày kiếm cái gì đó nhét vô bụng đi! Lúc sau bạn vô, dòm thấy bạn thấy tội nghiệp, ốm nhom! Đưa cho bịch thuốc, nó nói mày đi đợt này mà có gì xảy ra tao cũng hổng có bất ngờ lắm, bên đó đang bất ổn thấy bà! Tôi cười, ờ, thì mày biết tính tao mà, ngang tàng đời trai sóng biển! Ngồi cà phê sân bay một chút rồi bạn về, mình ên tôi ở lại! Những lời khuyên huỷ chuyến đi xích lại, quyến luyến từng bước chân! Những nỗi lo sợ, khi chỉ còn có một mình ở sân bay lúc trời chuyển dần về sáng ôm ấp vỗ về. Đến giờ phút này rồi, hổng lẽ còn bối rối lợn cợn gì nữa giữa ở và đi! Đúng 12 giờ đêm, vẫn có một mình ên, tôi bay!

Trước khi đặt vé máy bay, thì sợ! Bởi đọc những tâm sự sẻ chia nỉ non của bạn bè mười tám phương chín mươi hướng trên khắp các mặt trận, diễn đàn. Rằng Phil không được an toàn cho lắm, cánh taxi, jeepney họ mần ăn mà còn lận theo dao lam (đặng cứa cổ khách hàng, khổ!). Rằng biển đảo Phil đẹp lắm, nhưng tôi hổng biết bơi, chuồn chuồn cắn rốn từ nhỏ tới lớn chòng ngòng như bây giờ cũng vẫn chưa biết đạp nước mà nổi lên với thiên hạ, nên thấy biển thì cũng ù ù cạc cạc, tựa như dòm một cô gái đẹp từ chân, mông, hông, má mà hổng chạm vô được nên cụt hứng. Và đi một mình, couchsurfing nên cũng sợ bởi niềm tin thời buổi giờ là thứ xa xỉ, đâu có ai cho không ai cái gì mà không cầu nhận lại được đâu (dù dĩ nhiên, đã surfing rồi và thiệt may là không gặp tổn thất gì hết ráo!).

Nhưng đặt vé máy bay xong rồi (đi tháng 11, đặt vé đâu quãng tháng tám, sau khi đi Malay hửi khói về là hứng lên múc tiếp!) thì cũng đâu có nghĩa là hết sợ! Thì cũng bởi do công ăn chuyện mần, mới đầu định đi tháng 12, có gì qua đó đón Noel giáng sinh tưng bừng khói lửa, ngặt nỗi đang mần trong ngân hàng, cuối năm lu bu kết toán kết sổ thu nợ người ta nên tôi hổng có ưng, lỡ chốt phép không đi được, biết tính mần sao. Đành đoạn đặt vé đi tháng 11, trong bụng lổm cổm tự động viên mình thì chắc lúc đó bão cũng đã tan rồi! Hai tháng sau đọc tin rằng Cebu bị động đất, chưa đầy một tháng tiếp theo, trước ngày đi có một tuần thì hung tin bay về làm rụng rời tan tành khói lửa, Phil bão to, thiệt hại nặng. Những nỗi lo sợ mong manh trước kia giờ tượng hình, rõ rành rành thành mấy cái chữ đi hay không đi đánh nhau bời bời trong đầu! Đi hay là không đi?

Tôi khổ lắm. Mần ở quê, người ta chỉ cần nghe nói tới đi nướcngoài là sướng rân trời, má ơi đâu ai hiểu rằng đi mọt mình theo cái kiểu nhà binh đi hành quân hết ba tháng quân trường. Một mình đi đồng nghĩa với việc rủi ro núp lấp ló đâu đó trong những bước chân qua! Bước chân lẻ loi thì không có tiếng nói, giẫm lên cát lỡ gió thổi qua thì lợt bớt phai đi mất. Đi một mình lỡ có chuyện gì thì biết đâu mà cầu cứu. Và bão nổi lên rồi nghĩa là niềm vui đi hưởng thụ không khí của một đất nước lạ xa bị thay thế bằng một niềm mất mát khó có thể giãi bày, hổng lẽ đất nước người ta đang oằn mình khắc phục những hậu quả để lại sau bão mà mình bay quá đó đặng khám phá cái này, cưởi hỉ hả chụp hình lưu niệm với cái kia! Con người mà, không cùng màu da, không cùng tiếng nói nhưng hổng có nghĩa là không biết đau và xót trước cảnh tang thương của đồng loại! Một lần nữa, đi hay không đi lại đá nhau trong đầu, lần này thì côm cốp, đau muốn chết!

Đợt trước có đọc những dòng du ký của cô gái trẻ đi qua mấy chục nước gì đó và bị dân làng ném đá không thương tiếc. Tôi cũng hiểu, trời ơi cái kiểu gì mà đi du lịch mà không biết sáng mai dậy mình sẽ đi đâu, mình sẽ làm gì. Đi bất chấp và đánh đổi niềm vui bằng sự liều mạng. Tôi phản đối vì tôi sợ, vì cha mẹ già giờ chỉ có mình ên tôi là chỗ dựa (cả vật chất, cả tinh thần), vì những dự định còn đang dang dở, những chữ chưa được viết, và cuộc sống tôi chỉ mới lật qua có 24 năm đời. Đi Phil vào những ngày bão nổi là một sự đánh đổi, liệu rằng nó có đáng giá hay không?

Có đáng để đánh đổi hay không? Câu hỏi này đặt ra khi đã đặt chân lên đất bạn rồi, đã dành nửa ngày để đi Intramorous rồi và chỉ còn ba giờ nữa thôi là đến giờ để lên máy bay phóng qua Cebu. Người ta khuyên thôi ở lại Manila đi, gộp chung vô đoàn của người ta đi núi lửa với chơi ở những vùng nào hổng có biển, chớ thiệt tình giờ qua Cebu nguy hiểm lắm, người ta đùng đùng muốn quay về đất liền còn tôi lại định đi ra đảo, ngay vùng bị bão nữa. Ngồi jeepney một vòng thành cổ, nắng sớm nghiêng nghiêng làm tự nhiên nhớ đến buổi chiều nào đó ở Malacca cũng thành cổ rêu phong những bức tường nằm im thời gian đếm nhịp nghe tim mình rộn rạo! Một vòng thành cổ im lìm quá thành thử tôi cũng muốn nổi loạn lên rồi. Chia tay hai chị gái Hà Nội vừa kết giao chung trong chuyến dạo chơi Intramorous, tôi bắt taxi về lại Terminal 3. Ở đó, tôi quyết định vẫn như kế hoạch ban đầu, bay đi Cebu. Mua sim Globe của Phil (trị giá thẻ cào là 300 peso, thêm 40 peso tiền sim). Từ sân bay lần đầu tiên nghe tiếng của bạn host, bạn cũng phiêu lưu không kém khi hổng cho tôi địa chỉ nhà gì ráo trọi, cứ tỉnh bơ khi nào mày xuống sân bay cứ đưa điện thoại cho thằng taxi tao nói chuyện với nó. Tôi ờ, hẹn gặp lại mày nghen! Máy bay trễ hai tiếng, thành thử ra thay vì đến Cebu lúc 4 gờ mà thành ra tới 6 giờ. Hoảng hôn trên sân bay đẹp đến nao lòng, cảnh buồn! Thì ngày tắt nắng lúc nào mà hổng làm cho con người ta bịn rịn bồi hồi những nỗi niềm riêng. Bước ra khỏi sân bay, tôi mặt ngầu a lô cho bạn! Ho dữ quá nên bây giờ tắt tiếng luôn rồi! Đưa máy cho cô gái điều phối taxi nghe điện thoại! Chốt địa chỉ xong rồi tôi hỏi giá, cô gái hét 500 peso, mất giọng nên tôi lại mặt ngầu nói cảm ơn chị nhưng em xài đồng hồ km, bao nhiêu tính tới đó. Từ sân bay vô tới nhà bạn (tôi cũng hổng biết nó nằm chỗ nào, nhưng quãng xa, chạy hơn một tiếng) hết 319 peso, giá châp nhận được!

Cebu có chào đón tôi hay không? Sao đã hai giờ đồng hồ chờ bạn host rồi, gáy người thì lạnh mà vẫn bặt vô âm tín. Đói bụng quá nên giữa ngã ba đường tấp đại vô một quầy BBC lề đường. Mua mấy xâu gà nướng, heo nướng, dồi nướng các loại rồi nhét vô họng. Đã bị tắt tiếng còn ăn đồ nướng dầu mỡ và đứng ngoài trời gió mái, cuối cùng là tôi hoàn toàn không nói được nữa. Chị chủ quán thương tình bắt ghế ra cho ngồi. Thấy ngồi chờ lâu quá sốt ruột chỉ bưng qua trò chuyện. Té ra lúc đầu còn tưởng tôi là dân ở Tacloban đang chạy nạn sang Cebu. Dù kiểu gì thì vẫn cứ ấm ức. Tại sao tôi lại phải chịu ựng cảnh này, ho sù sụ, tắt tiếng, mệt, đói và khát. Trong túi mình có tiền, mình hoàn toàn có thể kiếm cái nhà nghỉ nào đó chui vô tắm và đi ngủ! Nhưng sự kiêu hãnh bị dập tắt bằng khát khao trải nghiệm. Những nỗi lo sợ bị dìm hoàn toàn trước háo hức được gặp bạn host và thực sự sống những giây phút như người dân bản địa nơi đây! Tôi vẫn chờ, cuối cùng sau gần ba giờ mòn mỏi, bạn gọi! Bạn đón tôi trong tình cảnh tôi đưa điện thoại cho chị chủ BBC nói chuyện vì mình đã hoàn toàn tắt giọng rồi! Và trở về nhà sau một ngày dài, Cebu cuối cùng cũng đã ôm ấp tôi, vào lòng!

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Ngôi trường hai mươi

Đi qua ba cái ngã tư đèn xanh đỏ, chạy tới cái chợ, chợ nhỏ thôi, người ta gọi chợ chiều, chạy thêm xí nữa, vừa qua cái trường tiểu học, là đụng ngôi trường của mình! Trường nhỏ, hẹp rí hà, mà phía trong đong đầy những vui buồn hờn giận của một thời tuổi trẻ. Soi mình vào trong những năm tháng học trò ấy, khi ngoái đầu nhìn lại ngoài những bụm khói của thương và nhớ là một trời hoa mộng! Tuổi học trò, ngẫm lại thì dẫu có đi đâu, làm gì và ở phương trời nào, chắc cũng chẳng thể nào quên được những tháng ngày được học tập bên thầy cô, bè bạn ở mái trường này!

♫ . Thì mái trường ấy sắp kỷ niệm hai mươi năm thành lập, bữa chạy ngang qua thấy trường xưa yêu dấu mà nhớ thương bời bời tê tái! Trường tôi đó, trường cấp ba của tôi đó! Hai mươi năm trường đã âm thầm chuyển mình thay áo mới, hay vẫn là trường của tôi ngày cũ? Hai mươi năm chưa đủ lâu để ngói bợt, tường phai. Hai mươi năm chưa đủ dài để khoảng cách giữa các lớp học trò với nhau đo bằng những thế hệ này, với thế hệ khác, bằng thập kỷ này, thập kỷ khác. Nhưng hai mươi năm vừa đủ để bóng mát cây phượng trong sân trường xoè ô che tán, đủ để ngày tôi bỡ ngỡ bước chân vào trường thì cô bé nhỏ, con của chú bảo vệ hãy còn cụm nụm một bàn tay bé. Và buổi hôm nào có việc về thăm trường bất chợt em đã thành thiếu nữ mất rồi. Hai mươi năm đủ để một số thầy cô không còn giảng dạy tại trường, có thầy đã về hưu, có thầy chuyển sang nhận công tác mới. Ngôi trường hồi tôi bỡ ngỡ buổi đầu nhập học là ngôi trường mười năm, giờ bước chân về lại thì đang chuẩn bị bước sang chương khác nữa. Hai mươi năm thoáng qua thấy dài, mà nhiều khi cũng như một cái phẩy tay!

♫ . Cái phẩy tay đó nhẹ tênh nhưng trời ơi thiệt vui biết bao vì trong những dòng chảy mải miết dọc dài hai mươi năm ấy, có tôi và bè bạn đã chảy cùng với trường trong ba năm học, ngắn ngủi nhưng lúc nào cũng rôm rốp những kỷ niệm. Lớp mình là lớp toán mà nên đặc sản là quậy, là chịu chơi và chịu học. Tụi mình dành ba năm để đi qua đời nhau, tụi mình ghi dấu vào ký ức nhau những hình ảnh ngây ngô và trong sáng nhất của tuổi học trò! Và kỷ niệm thì đâu mua đâu bán được nên dẫu vui buồn gì, cũng nhớ!

♫ . Nỗi nhớ gợi lại bữa tôi bất chợt nghe người ta nói trường Kha chuẩn bị dời đi nơi khác rồi, lên khu quy hoạch mới, trường to và được đầu tư hoành tráng lắm! Cái chợ chiều giờ cũng đã được bứng đi, không còn cái cảnh học trò buổi chiều tan học hoà với buổi chợ tan ầm ào rốp rẻng. Ờ thì trường tôi nhỏ lắm nhưng ở nơi đó có những bữa trời mưa, không ra sân chơi được các bạn trẻ vẫn có thể lần mần theo những dãy hành lang ngắn tìm ra căn tin mua đồ ăn sáng. Có nhà thi đấu nằm lọt thỏm ở cuối sân trường, có trái bóng chuyền nào chợt hiện lên trong nắng, những cuộc thi đấu với tiếng cổ vũ bỏng tai đến giờ còn âm ỉ. Là những lần cắm trại, lửa của tuổi trẻ, của những đêm không ngủ, của tình bạn thân chuyền tay nhau ấm áp lạ lùng. Trường thì nhỏ nhưng học trò khóa nào, lớp nào cũng có những cô cậu học trò ôm chí lớn. Học trò xuất sắc làm danh tiếng trường đi xa, hai mươi năm đủ để bảng vàng khoa bảng của trường ghi tên mình với những thành tích trong công tác dạy, và học! Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nhớ những bữa học thể dục thường dòm lên trên tấm bảng ấy mà tự hào!

♫ . Và dù đã ra trường nhiều năm rồi nhưng lúc nào cũng tự hào vì mình dã từng xuất thân từ ngôi trường chuyên ấy! Lớn lên và đi xa, dẫu rằng năm thì mười hoạ mới có dịp đi qua trường cũ, dù quãng đường từ nhà đến trường không còn xa ngái như những ngày đạp xe lọc cọc mỗi sáng mỗi chiều. Bạn bè lớn lên mỗi bận gặp nhau, nhớ nhớ thương thương ôn lại chuyện cũ nhất định sẽ hỏi thăm nhau về thầy cô và những kỷ niệm. Ngôi trường như một cột mốc, một chứng nhân để từ đó mà kỷ niệm tìm về với nhau, hỏi thăm nhau tay bắt mặt mừng. Bất chợt gặp màu áo thể dục nào có in logo phù hiệu của trường chạy trên phố, sẽ mất vài giây để biết rằng đã từng có một thời tự hào khi khoác lên mình chiếc áo ấy, với bảng tên và áo sơ mi có cầu vai! Con người rồi sẽ lớn lên, sẽ già đi! Chỉ có ngôi trường là dường như đứng lại, vẫn vẹn nguyên trong ký ức của tuổi học trò. Mây trắng vẫn bay ngang trời, và ngôi trường luôn nằm lại mãi trong trái tim tôi!





(Bài viết hưởng ứng cuộc vận động viết bài kỷ niệm 20 năm thành lập trường THPT Chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh, in như là giải nhì!)


Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Philippines của ngày bão nổi (bạt)

Bạn host của tôi đang cực lực lên án chính quyền sở tại vì sự chậm trễ trong công tác ứng cứu và hỗ trợ người bị nạn! Những dòng tâm sự của bạn làm cho tôi cũng ngại vào chia sẻ và cũng không biết làm gì ngoài việc hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp lên hơn. Bạn sống ở Cebu, thành phố này là nơi siêu bão đi qua! Tôi vào trang web của hãng bay, ở đó tôi kiểm tra lại lần nữa về tình trạng của chuyến bay sắp tới. Khi chắc chắn rằng sẽ không có sự thay đổi nào trong chuyến hành trình đầy mạo hiểm này, tôi bắt đầu lôi laptop ra và gõ những dòng chữ này! Trang web vẫn nhấp nháp những top up nhiều sắc màu, Phil đang vẫy gọi, thiên đường của du lịch biển đảo, những ngọn núi lửa, những nhà thờ và thiên đường của jeepney, tricycle, kiến trúc cổ đậm màu Châu Âu, và có một Phil khác cũng đang oằn mình với những màu ảm đạm! Báo chí nước nhà rải những tin tức đầy ám ảnh, về cuộc sống, về con người (cả sống, hay đã chết) ở nơi này! Nếu đếm ngược lại thì chỉ còn ba ngày nữa là tôi sẽ xách ba lô lên, và đi!

Ngày thứ hai luôn là một thảm hoạ đối với những bạn trẻ đang đi làm nhưng máu xê dịch lúc nào cũng chảy rần rần! Tối qua tôi vừa vượt hơn trăm cây số đi và về từ Ninh tới Sài, chỉ để coi một show ca nhạc yêu thích! Sáng ra thì mắt cứ nhúm nhíu lại, vì mệt, và phần lớn vì sức khoẻ cũng chẳng còn sung mãn nữa (Nhắc lại để biết là tai nạn giao thông gây ra cho tôi những nỗi lo sợ, ở đó chỉ cần thấy xe lạng qua thôi cũng đủ để cái cảm giác chạm vào với mặt đường, ngón chân bị gãy và bất lực khi thấy tôi không di chuyển được mới kinh khủng như thế nào, thì cũng cái chân này là cái chân đi, đã quen đi rồi - nhưng đó lại là một câu chuyện khác, của hơn nửa tháng về trước).

Vẫn phải cố gắng tỉnh táo! Nhưng công việc bận rộn cứ cuốn trôi đi tất cả. Ngày tàn, ngày dài! Chợt tỉnh ra mới nhớ ra là trời ơi tôi vẫn chưa gửi đơn xin nghỉ phép! Nỗi ác mộng bắt đầu!

(Dĩ nhiên là đời đến đây vẫn còn lấp ló - Phil của những ngày bão nổi, chắc chắn mình sẽ hoàn tất những dòng hồi ức này. Còn 3 ngày nữa, sẽ đi!)

1. Những nỗi lo sợ
2. Gửi cho em một nụ cười - Gặp cô gái Việt Nam ở Malate
3. CS mỗi bước chân qua đều là nhà
4. Chạy đua ở Cebu - Kế hoạch thay đổi
5. Vào tâm bão
6. Đi tìm Vampire - Một đêm trăng ở làng ven biển (chắc ăn là không có điện, không đèn, không internet)
7. Trở lại Manila, và kết

Và cảm xúc thì không thể nào tìm lại được!

(Lời bạt nhỏ nhoi của một chuyến đi lớn, xin được bắt đầu! Salamat)




Cảnh đổ nát hoang tàn ở một làng chài ven biển Leyte!


Công viên Intramorous!



Hoàng hôn ở Mactan Cebu!

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Đi chơi sông nước Cần Thơ!

 Ăn bánh xèo, mắc kinh khủng, dĩa bánh khọt 40k, bánh xèo 40k/cái!
 Đọ dáng!
 Hai chị em phỡn nhất band!
 Nghỉ ngơi xí!
 Ăn hải sản! Nhăn nhó vì ngon!
 Trong khu du lịch!
 Trước cổng vào Mỹ Khánh
 Trước cổng vào Mỹ Khánh
 Chợ An Bình, bên sông!
 Xem đua chó, đua heo!
 Hàng dừa nghiên mình đong đưa, đường vào nhà em, vàng tia nắng thưa...
 Trước nhà cổ Nam Bộ, khu du lịch Mỹ Khánh
 Ở bến xe, trước khi đi!
Buổi tối tụ tập ở cà phê Bệt, ngày dù dài đến cỡ nào cũng qua mau!

Ngộ

Dạo này mình cuồng đọc các thể loại du ký! Lục lại quyển Nhật ký Châu Âu của Phan Việt, rồi cả Trả lại nụ hôn của Dương Thuỵ, quỡn lên thì lôi Xách ba lô lên và đi của cô Chip ra đọc! Và khi cần mớ từ vựng tiếng Việt cổ thì mình bưng Pháp du hành trình nhật ký của cụ Phạm Quỳnh ra ngâm! Nhưng thông thường thì khi vào mạng, mình sẽ lại vào trang Phượt, ở đó mình xúc động bồi hồi nổi hứng tang bồng, bừng bừng khí thế muốn đi đến cùng trời cuối bể trước những bài review nhật ký hành trình! Cảm hứng là một món quà vô giá, mà chỉ cần một chút xúc tác vô hình nào đó thôi, cũng đủ để mồi chài thành công những quyết định liều lĩnh! Và như vậy là trong một đêm tối trời, cách đây ba tháng, mình đặt vé bay đi Phil! Trước ngày đi nửa tháng, mình bị tai nạn, gãy hai ngón chân! Ôm cái chân bó nẹp mình đau xót nghĩ tới cái cảnh bỏ vé! Cebu vừa qua cơn động đất điêu tàn! Và cầu trời, mình sẽ kịp lành lại để có thể được đi!

Tuổi trẻ là những tháng ngày tự do! Tuổi trẻ ngắn ngủi chứa đầy niềm vui, đương nhiên chất chứa những nỗi buồn! Mình muốn đi Tân Cương, không phải một Tân Cương ngập tràn khói lửa của những trang báo nhuốm mùi chính trị! Một Tân Cương bình dị trong nắng sớm, trong cái lạnh mịt mùng của những ngày cận đông! Chắc là mình sẽ xuýt xoa trước những thảo nguyên lộng gió! Hoặc giả ôm bụng cười trước những cô gái có hai má hồng hồng được gọi là Kim Hoa - những cô gái càng to mập thì càng đẹp! Mình cũng muốn đến Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng với những con đường mây trắng lên đến tận trời! Mình đã lỡ để thương để nhớ mảnh đất huyền bí này mất tiêu rồi! Có mảnh hồn nào đã từng bị lơ lửng không thoát ra được khi cô bạn gửi cho đọc một chương của Những Lạt ma hoá thân! Và chưa cần đọc đến Phương Đông huyền bí cũng đủ để bị những huyền thoại về các Đạt Lai lạt ma hấp dẫn! Những con đường mây trắng bồng bềnh, và cảm giác chảy máu cam, và đau vì choáng độ cao âm ỉ! Muốn đi! Sức hãy còn dài thì hãy đi, nhưng câu hỏi đặt ra trong cơn cuồng bấn là, khi nào thì mới đi?

Thời gian, đâu có phải lúc nào muốn cầm nắm cưng nựng là có được! Nhiều khi mình thấy tiếc quá! Bữa rồi đi dự lễ tốt nghiệp của một vài người bạn, bạn cấp ba, quen biết nhau học chung với nhau chắc cũng đã là chuyện của tám năm về trước! Mình ra tường, đi làm hơn hai năm rồi mà mãi đến bây giờ các bạn mới tốt nghiệp! Cũng là sự lựa chọn, thời gian của mình dành cho việc học ngắn ngủi có bốn năm! Các bạn chọn học y, níu thêm ngày tháng được hai năm nữa. Nhìn bạn mình ngày ra trường vui mừng hớn hở. Dòm lại mình của ngày hôm nay sao mà thấy tiếc muốn đứt cả ruột! Ước gì mình được một lần nào nữa thôi trở lại với mái trường, trở lại với những gương mặt cũ, bàn ghế hãy cứ như vậy đi! Và giảng viên, là ai cũng ược nhưng ơn trời, hãy cứ là những giọng giảng bài quen thuộc, ru ngủ cũng ược, sôi nổi nhiệt huyết cũng ược nhưng hãy là những thầy cô giáo cũ! Tuổi trẻ của mình gắn với bốn năm đại học! Ra tường rồi đi làm mới thấy chả có quãng thời gian tuổi trẻ nào đẹp như quãng thời gian này!

Tình cảm là cơn gió, nên nhiều khi thổi qua thổi lại tan nát bời bời lòng người! Sáu tháng trước tụi mình chưa quen nhau! Rồi tay tìm tay nắm chung tay vi va vi vu ở một đất nước xa lạ. Chị bảo lỡ như hồi 75 nước mình không thống nhất, thì bây giờ tụi mình là dân hai nước khác nhau, như Bam Bắc Triều. Nhưng kiểu gì thì sau sáu tháng, tụi mình đã gặp lại, trong một chuyến đi bão táp! Vèo một cái là qua nhanh, vẫn còn âm ấm những cái bắt tay! Chuyến đi Cần Thơ thiệt ngắn ngủi nhưng chắc cũng đủ để cho anh chị em mình gặp lại! Trời ơi ai mà ngờ rằng tụi mình lại có cơ hội gặp lại nhau! Và tình cảm sẽ đủ dài, đủ sâu để mình còn gặp nhau trong nhiều nhiều những lần sau nữa. Gió sẽ đưa người ra xa nhau, nhưng gió cũng sẽ giúp nười gần lại! Lời của gió!

Lúc tông vào cô gái ấy, mình bực! Vì rõ ràng là mình đã xin lỗi, đã năn nỉ và bảo chị ơi chuyện xảy ra em cũng không có muốn, có gì chị đi sửa xe đi, em chờ và em sẽ trả chi phí! Nhưng cái miệng cô gái cứ luyên thuyên nói và nói! Mình mệt, cái chân mất cảm giác bắt đầu run không kiểm soát được! Chiếc giày mỏng manh không bảo vệ hết ược bàn chân bạn trẻ, rách tơi bời sau một cú tông xe với tốc độ cao và mạnh! Bàn chân chắc bị gãy ngón rồi, đau rỉ rả và máu chảy! Chị nhìn xuống chân mình và hốt hoảng, hết tinh thần để chửi và một mực bắt mình ngồi lên xe để chạy đi tới bệnh viện gần nhất! Chìa khoá xe và ví của mình giao hết cho chị gái đi cùng! Chị chở mình tới bệnh viện, cơn đau bắt đầu phá hoại mình! Bình tĩnh một cách kỳ lạ, mình nhớ đến từng khuôn ặt người, và người nào có thể hỗ trợ mình trong lúc này! Gọi cho bạn và biết chắc ằng bạn sẽ tới, an tâm! Nhiều khi rơi vào hoạn nạn mới nhận ra ai là người tực sự tốt với mình! Chỉ cần một lời hỏi thăm, nói vu vơ ráng khoẻ nghen cũng đủ để cho cái bụng ấm lên và mỉm cười! Và nhờ tời, cuối cùng chị gái nạn nhân của mình cũng vui vẻ, hết giận và gửi lại mình bằng cái câu nói đùa có duyên thấy mà ghê: Khi nào đền ược cái chân hỏng bị phỏng và trầy xước thì hãy đền, xe hư hả, chuyện nhỏ!

Nhiều chuyện xảy ra quá! Nhưng sáng nay nhận ược tin nhắn báo số dư trong tài khoản tăng lên, tăng ít thôi, nhưng dòng remark cũng đủ để ngày đi làm như bừng tỉnh! Cám ơn mọi người, và chắc mình cũng sẽ nhìn lại căn phòng này! Ở đây hai năm, có khi nào mình sẽ gọi đây là nhà, chớ không phải chỉ là nơi mà mình đang chết dần chết mòn nữa! Ngày đó chắc sẽ là một ngày không xa!