Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Bâng quơ vài chữ

Đi làm bữa đầu tiên, vỡ ra nhiều thứ! Cực nhưng vui thật, được làm chính xác những điều mình muốn, dù không đúng chuyên ngành học!

Dòm lại mấy cái quotation với Mar plan bên agent gửi qua, mới biết là bản action plan ABOB cả nhóm dành bao nhiêu tâm huyết thiệt là thảm hại! Phải chi vào ANZ sớm hơn một tuần, chắc chắn, nhóm đã tốt hơn như thế, rất nhiều!

Tình hình là có thể phải bỏ kế hoạch đi Long An ăn đám giỗ nhà bạn rồi, chủ nhật này phải chạy bên Thương xá Tax! Giữa công việc và tình bạn, tròm trèm bốn năm, biết chọn cái nào đây! Năm ngoái thất hứa rồi, đến bây giờ rãnh rỗi, bạn còn nhắc lại nữa, nói chi là năm nay!

Làm mệt thật đấy, nhưng có điều lạ là sao phòng Mar toàn con gái, chị nào cũng nhí nhảnh, dễ thương, hòa đồng, thân thiện! Con trai, nhiều khi ngồi giữa đám con gái, họ nói chuyện đàn bà, thiệt tình, hổng lẽ chui đầu xuống đất mà trốn! Quê gì đâu mà quê!

Nhắn tin hỏi bạn cái từ vay thế chấp, tín dụng ghi làm sao. Nhớ là Mortart gì đấy, nhưng chắc là sai, bạn nhắn lại cho đúng là Mortgage. Cám ơn bạn nhiều nhiều! Thiệt tình là bạn tốt vô cùng tốt, không biết làm gì để trả lại cho bạn đây! Lại nhớ những lời bạn nói về tình bạn, khi thấy bạn ê hề công việc, mình biết mình phải giúp bạn thôi! Lời của bạn đấy!

Không biết rồi có handle được không chuyện vừa học vừa đi làm, thấy trước mắt là mấy môn khó nhai hơn cả thịt bò nấu chín rồi đấy! Thêm nữa là thời gian ngày càng gấp rút, hay là buông cả hai tay cho đời đưa đẩy, đẩy tới đâu đưa tới đấy!

Bâng quơ vài chữ!

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Đi tìm đặc sản Ninh

Bạn nhờ sửa giùm cái bản kế hoạch đi chơi Ninh của nhóm tình nguyện hướng dẫn viên du lịch - nôm na là Saigon Hotspot - dòm trong cái lịch trình chi tiết, thấy có ghé chùa Tòa Thánh, ghé núi Đen, tối đi vòng vòng Xã, và đặc biệt, vô cùng bất ngờ, là trình ghé chợ Hoa mua đồ ăn chay, bạn còn mở ngoặc (đặc sản).

Ơ hờ, sống gần một phần ba đời người với mảnh đất này, ăn chay tính ra cũng chiếm một phần ba quãng đời hai mươi hai năm ấy! Thế mà bữa nay, tự nhiên có người cho rằng đặc sản Ninh ngoài bánh tráng, muối ớt, bánh canh Trảng... còn lòi ra thêm mấy cái món "đậu hũ, mì căn, nước tương..." mới thấy mình bơ quơ quá đỗi. Cả đời ở đây, sống với những vui buồn đổi thay của một chốn quê ghi trong khai sinh, thì dường như, tất cả những hay ho, đặc sản của quê mình đều thành những gì bình thường và quen thuộc hết. Chỉ với người từ phương xa, bổi hổi bồi hồi nghe tiếng về một thức gì đó hay ho lắm, độc đáo lắm, mà lặn lội tìm đến! Họ tự hào khi khoe với bạn bè rằng tôi đã qua tay món này rồi, ăn ngon bá cháy bồ chét! Còn người quê mình, dường như thân thuộc quá đỗi, lướt qua đặc sản quê mình mà yên lặng tuyệt đối, cũng bình thường thôi!

Vậy thì tôi mới nhớ ra, hôm đi chợ, chợ cầu Kinh Thanh Đa, ngày rằm, tôi tìm mỏi con mắt không thấy được một miếng tàu hũ ky để đem về chiên mặn. Bà hàng rau cười, ở đây người ta ít ăn chay lắm cậu ơi, mặc may còn mấy miếng đậu hũ, mua về kho đại vậy! Tôi rơi giữa lưng chừng nhớ! Cái chợ Long Hoa ngày rằm hay bất kể những ngày bình thường khác, đều có thể dễ dàng tìm mua một mớ đồ chay nào đó, dễ vô cùng dễ! Đồ ăn làm sẵn thì dễ chừng nhiều lắm, cắp nách thúng nia của những bà hàng rong chạy khắp cùng làng ngõ xóm vào mỗi sáng, lô xô trong những nồi, niêu, thau, chậu của một vạt quán ven đường, hoặc giả xênh xang trong một tiệm chỉ chuyên bán ẩm thực chay, nhiều vô số kể ở khắp nẻo đường Ninh! Thế nên mà bạn tôi, có bữa thốt lên, trời ơi ở Ninh đồ chay rẻ phải biết! Tôi bật cười, cái thứ nào quê quê, người bán nhiều hơn người mua nó vậy! Cũng phải rồi, đồ chay quê mình nhiều, cung nhiều thì dẫn đến giá hạ! Còn dưới Sài, mõi mắt tìm dễ chừng mới thấy được một chỗ bán chay, mà mắc ơi là mắc!

Hôm qua đọc báo, ngày Vu lan quán chay đắt khách! Tôi lại tiếp tục cười, ừ thiệt mà, báo nói đúng đấy! Đi qua chỗ bán đồ chay, thấy người ta chen nhau tìm một chỗ ngồi trong không gian ồn ào bộn bã của phố thị giấc mưa! Mới thấy quê mình, đồ chay, dám cũng phải được xếp hàng mỹ vị! Bởi lẽ đồ chay thành phố, thương hiệu hẳn hoi đấy, nhưng ăn một lần là ớn! Vậy chớ ba má tôi mấy chục năm ròng trường chay mà có bao giờ thấy ổng bả than thở gì đâu! Bởi vì món chay Ninh ngoài những mụ mị sân si, còn quây tròn trong đó là cái tâm, cái tình của người hướng thiện! Dân Ninh ăn chay, người bán đồ chay cũng ăn chay, thế nên hai cái thiện tâm ấy đụng nhau, rỗn rảng thiết tha hài hòa nhân ái! Người ta ăn chay không vì một ngày đặc biệt trong năm để tưởng nhớ, người Ninh ăn chay không vì tìm khẩu vị lạ hơn những ngày bình thường khác, người Ninh ăn chay không vì những lời khuyên của bác sĩ cá nhân rằng ăn chay có lợi cho sức khỏe nọ kia. Người Ninh ăn chay, đơn giản, bỏi vì từ lúc sinh ra, đã thấy bà bán đồ chay chạy ngang qua cửa mời gọi, lớn lên một chút sẽ tụ tập bạn bè đi kiếm quán chay cho ăn được nhiều mà rẻ, và khi biết yêu sẽ tìm nhau trong một quán canh đậu hũ nào đó, trong một tối khuya trời mưa rả rích tâm tình!

Ăn chay quê mình đã trở thành một nét văn hóa, một nếp nghĩ, một nếp đời! Chuyện kể rằng một năm có ba rằm lớn, thượng ngươn tháng giêng, trung ngươn tháng bảy và hạ ngươn tháng mười! Ai xui có con cái cưới ghả vào ba tháng này, cơ hồ phải chuẩn bị sẵn mấy mâm chay, vì người dự tiệc cơ hồ ăn chay nhiều lắm vào ba tháng ấy, đãi đồ mặn coi chừng bị ế!

Sống xa quê đã tròm trèm bốn năm, dẫu có đôi lúc yếu lòng trước một thức ngon, vị lạ của một quê khác! Cũng nhiều khi thấy bất tiện đủ thứ, bạn bè ăn mặn, còn mình thì lại bơ quơ chén bát ăn chay! Tuy nhiên, đã trở thành một nếp nghĩ, trước khi cầm đữa đưa vô miệng một món gì, hôm nay chay hay mặn vậy ta?

Học kinh doanh, khi nào có vốn, sẽ mở một chuỗi cửa hàng bán đặc sản Ninh, nhưng không phải bánh canh Hoàng Ty, muối Hải, hay bánh tráng me... Ở cái quán đó, đơn giản chỉ đề bốn chữ "Đồ chay Hòa Thành"!

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Quỡn quỡn nói chuyện nghề!

Hông biết sao chứ trường Thương tôi thấy làm việc hết sức quy củ, nghĩa là trình nghỉ tết gồm ba tuần. Thì dù ngày bắt đầu nghỉ là ngày thứ bảy, hay thứ hai, thứ ba, tư năm gì đó, thì cứ đúng ba tuần kể từ ngày ấy, mà đi học trở lại! Và nghỉ hè, trình dài năm tuần. Đúng ngày, đúng buổi, là sinh viên rủ nhau te tái chia tay mái ấm, chia tay một năm học đã thực sự trôi qua để trở lại trường. Xin chào năm học mới, và tôi, đã là một chàng sinh viên năm cuối, từ hơn nửa tháng trước, trong khi bạn cũ, bên Tế, Nha, Hàng, Khoa... vẫn còn mải mê ăn chơi tí toáy!

Nói như thế, không có nghĩa là, tôi ghét hoàn cảnh của tôi, ngay trong thời điểm này! Bởi vì bước vào năm học cuối, tôi đang rộng lòng chờ đợi biết bao cơ hội sẽ đến với mình! Và trong một chừng mực nào đó, việc học đối với tôi, mỗi ngày, lại càng trở thành một cái gì bơ quơ như cơn gió, nhẹ nhàng, tinh không, không quan trọng nhưng cũng khôn gphair là vô nghĩa. Bữa qua có việc ở lại trường, mắc cười trước cảnh thằng bạn cặm cụi ngồi giở bài ra học. Dĩ nhiên, tôi biết chăm học là một chuyện tốt, cực tốt, và thằng nào đứng ngoài, thấy người ta chăm chỉ mà trong lòng "hổng ưa" là những kẻ lười biếng, thậm chí, hổng ra gì. Cơ mà con người, nhất là vào thời điểm này, tôi cảm nhận được sự chán chường trong từng con chữ! Nói để biết, dù gì hồi xa xưa tôi cũng gọi là có số má, chăm chỉ học bài, làm bài. Nhưng bây giờ, thiệt tình, quải chè đậu!

Lý do mà tôi không còn thích học nữa thì cũng dễ hiểu thôi! Tình yêu thì chưa có, ăn chơi thì cũng không! Vậy thì chắc ăn là tôi khoái được đi làm, làm thật sự, chứ không phải chỉ là những công việc không cần nhiều não, hoặc cần nhiều não nhưng không được gọi là nghề! Tôi muốn được tham già vào một trình thực tập, của một thằng đa quốc gia nào đó, sáng chơi nguyên bộ đồ sơ dinh, chạy xe bon bon trên những con đường hoành tráng, và tấp vào một tòa building nào đó, sang trọng bậc nhất đất Sài Gòn. Tôi cũng đã tham gia nhiều, như trình thực tập của P., của Friesland Cam., của U., của Bayer... Nhưng hình như mỗi khi tôi giơ tay chào một cái, thì cơ hội lại chạy đi mất tiêu! Những công ty top thường tuyển chọn khó, tôi thường hay tự an ủi mình như thế! Nhưng cái cảm giác thất bại này nối tiếp thất bại kia, nhiều khi cũng làm con người ta nhói nhói, xốn xốn! Nhất là người luôn đề cao cái sự "nghỉ học đi làm" như tôi!

Cảm giác xốn xốn nhói nhói nhất là khi lác đác một vài nhân trong lớp đại học có chỗ trao thân gửi phận, có chuyện để tụi nó có thể ngoảnh mặt đầy tự hào: tui đang chạy cho công ty đa quốc gia kia... Thế đấy, bạn bè thì yên ấm, trong khi bản thân thì đang lắc lẻo giữa mịt mù xa khơi. Buồn thúi cả ruột, càng lao đầu vô kiếm chỗ thực tập, và gửi càng nhiều, thất bại lại càng thảm thương!

Năm nay học trình anh văn cuối cùng, cô giáo là cựu sinh viên trường Thương, xinh ơi là xinh! Ngay từ năm nhất đã có cảm tình, mãi đến bốn năm sau, cơ hồ gặp lại người cũ, cô giáo vẫn xinh như ngày trước. Và giờ tôi còn biết, cô tâm lý vô cùng! Bữa cô dành cả một tiết để tâm sự với đám sinh viên, già đầu rồi mà đến bây giờ vẫn chưa định hướng được cho mình con đường trước mặt! Cô nói rằng là tâm lý sinh viên Thương cho rằng là học xuất nhập khẩu, học thư tín, học ngôn ngữ hợp đồng cho nhiều, rồi thì ra trường có đụng tới được bao nhiêu đâu, học chi cho khổ! Nhưng thật tình, nghĩ mà coi, tiếng Anh giỏi sẽ là một nền tảng vững chắc! Ví như tôi, tiếng Anh hoa hòe hoa sói, nói tiếng Anh y chang tiếng bồi, thử hỏi lần phỏng vấn nào mà không rớt! Còn nhiều nhiều chuyện nữa, nhưng tóm lại, học trường Thương, bạn cứ yên tâm, rồi sẽ có ngày phất lên làm ông lớn! Có nhỏ bạn, đứng lên thưa cô, bố em giới thiệu cho em chỗ kia, làm cũng ngon, lương tháng tầm tầm chín triệu! Cả lớp xuýt xoa, trời ơi người ta trầy da tróc vẩy xin vô một công ty đa, mà hai năm đầu thử lửa nhiều khi lương mới nhỉnh hơn năm triệu một xí! Như thằng HS. nhân viên mới vô, năm tư, lương mỗi tháng hơn sáu chai, bà con mừng húm! KP., PW. hay EY... lương cũng có khá khẩm hơn đâu! Nghe bảo P. lương cũng hông hơn mười triệu, còn làm MT cho U. hay Friesland thì nhỉnh hơn cái nấc mười một chút! Bạn có sẵn mối quan hệ, vậy thì sướng quá đi rồi!

Nói nhiều về nghề nghiệp, thật ra đó là tôi muốn khoe. Rằng chiến tích vẻ vang của tôi là đều join vô hết những vòng phỏng vấn của mấy đa lớn. Nhưng ngay chỗ cửa chốt, tôi nghẹn ngào dừng lại, có thể vì cái mặt không được đẹp, có thể vì giọng nói không hay, có thể vì tính tình chưa fix với khu nhà đó, và còn ti tỉ lý do khác, khiến tôi quá nhiều lần bổi hổi bồi hổi, giá như, giá như...

Lần gần nhất tôi đi phỏng vấn, là cho vị trí gì đó tôi cũng hổng nhớ, cho AN. Ấn tượng đầu tiên là công ty vừa mới chuyển trụ sở về khu mới, nằm ngay quãng giữa đường Duẩn, xéo góc Đại sứ quán Mỹ, xa xa là Diamond, gần kế bên là PW.! Tòa nhà mới khai trương, đẹp mê ly! Giá giữ xe thì chỉ có thể nói là trên trời, năm ngàn ba tiếng, trên ba tiếng tính chẵn mười ngàn! Từ tầng hầm giữ xe, muốn lên trệt thì phải lết qua hai khu giữ xe khác, dành cho nhân viên bên trong building ấy, mới bắt được thang máy, xa tít mù khơi! Lên trệt rồi, lại phải vòng qua khu thương mại, bắt tiếp một thang máy khác lên khu hành chính văn phòng! AN. nằm cheo leo trên tầng 11, cảm giác văn phòng nhỏ tí, nhưng đỡ hơn P., vì P. vừa nhỏ, vừa thấp, y chang cái lỗ! Văn phòng dòm cũng hổng sang, vậy mà nghe giang hồ đồn AN. cũng số má dữ lắm, ngân hàng của Úc mà lại! Bước chân vô rồi mới biết, không lung linh hoành tráng như người ta tưởng! Vụ này thì chắc thua xa anh bạn Intel bên khu công nghệ cao quận 9 của bạn Th. rồi!

Và thứ ba tuần sau, tôi chính thức đi làm! Thỏa mãn ước ao được dấn thân vào một nghề thực sự! Đi làm trợ lý, lương intern, cao hơn 2 triệu, tính tiền đô, nhưng số nhỏ xíu! Bạn tôi nói rằng, tôi sẽ bị bóc lột. Thằng khác lại bảo, trời, bị mấy thằng đa bóc lột cũng chịu! Tôi thì không nói gì hết, im re, chứ hổng lẽ đứng lên, vỗ ngực nói tao không thèm học nữa nên bây giờ ai đưa việc gì, miễn có lương là tao mần hết! Như thế thì mất mặt quá!

Chưa đi làm thì chưa biết được nhiều chuyện, thôi thì ăn tạm vài món này vậy!

Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải Fields
Hôm nay là một ngày vô cùng đặc biệt!
Chúc mừng thầy!
Chúc mừng Việt Nam!
Yêu nước Việt Nam quá đi thôi!

Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Góp nhặt từ một tuần thênh thang trên facebook!

0.Khi mình chưa vô trường thì cái áo thể dục trường cấp 2 mình học giống y chang như trường chuyên, khi mình vô học rùi thì cái áo của mình bị sửa lại, hok có mấy cái đường viền xanh ở hai bên tay! Logo hình bông lúa và chữ C! Mình yêu cái áo ấy lắm cơ! Mà tới bây giờ mình vẫn mặc áo dài tới đầu gối! Hix!

1.Cuối năm lớp 9, vác cặp đi học luyện thi vào trường chuyên! Có được những trải nghiệm thật sự vô giá về cộng đồng học sinh nói riêng và HLK nói chung! Học toán cô C., có bữa nực quá, ngồi tuốt bàn chót kêu một bạn nào đó "ê, ê bật quạt giùm coi!" cô chỉ nghe từ ê, ê nên tưởng mình kêu cô, mà như thế thì vô lễ quá nên c...hửi mình tè le! Lúc đó mình tưởng cô C. khó lắm luôn! Vô học rồi mới biết, cô khó tính nhưng dễ gần!
Yêu HLK, yêu từ những bước chân bđầu ấy!

‎2.
Lớp 10/ sau cái ngày tập trung trước khai giảng vào cuối tháng 7 thì lòi ra cái khoản lao động đầu năm, mỗi tuần một bữa, liền tù tì trong ba tuần. Cảm giác háo hức khi mới vô trường đc thay bằng những buổi đi dọn cỏ. Cái giếng sau trường ngày đó đc đồn thổi là chứa đựng cả một truyền thuyết... về một cô gái thất tì...nh, tự tử! Mãi đến những năm sau này, mình vẫn nhớ hoài về cái giếng nằm trơ trọi ở một góc cuối sân trường! Dọn cỏ đầu năm, làm quen những gương mặt mới, ăm ắp những ký ức vui!

‎3. Nghe bảo nhà bạn Ch. có chuyện, buồn quá, nhưng hông về thăm đc!
Lớp 10, thi đầu vào CH. thủ khoa lớp Toán! Mình thì biết bạn cũng khá lâu, lúc vô học lại ngồi chung một bàn! Chuyện của Ch. không nhắc nhiều nhưng chỉ nhớ mãi cái hồi lao động đầu năm! Bạn áo sơ mi trắng, quần tây xanh, bỏ áo vô quần và xăn quần, cầm c...uốc cuốc cỏ thấy mắc cười gì đâu! Kỷ niệm về trường còn là những kỷ niệm về bè bạn! Nhận được một tag thông báo về Ch., hôm nay thứ sáu ngày 13, một thông tin không lấy gì làm vui! Thì thôi, dành một ngày cho những kỷ niệm về bạn vậy!

5. Cô N.L chủ nhiệm lớp mình năm lớp 10, nhớ cô là nhớ đến cái lần đi lao động đầu năm (vẫn còn đang lao động, hix!) Lúc đó mình ngồi ghế đá, ăn cà na ngâm với mía, chung với mấy bạn. Cô vô, ăn chưa hết nên cất vô cặp, chờ chút lao động xong ăn tiếp! Lúc lao động thì cả đám bỏ cặp vô một đống, khi ra về thì lại lấy, ch...o rảnh tay rảnh chân! Lúc về thì trời sắp chuyển mưa, mình ham về quá nên để quên cặp lại mất! Cô N.L thấy vậy nên đem lên để trong tủ cá nhân của cô! Và vấn đề là bịch cà na với mía vẫn còn trong đó! Tuần sau đi lao động lại thì hỡi ôi! Kinh khủng! Kiến bu đầy trong tủ của cô, còn mình thì bó tay! Kỷ niệm này y như trong phim!

‎6. Khi bước vào cấp ba, mình cứ nôn nao chờ đợi cái ngày được tập trung học quân sự! Có lẽ do mấy anh chị vẽ ra cái viễn cảnh về một môn học "chỉ học tập trung trong một tháng, khỏi trả bài, mặc đồ lính..." là đử để thấy môn này nó làm cho mình người lớn đến cỡ nào! Hơn thế nữa, HLK hồi đó đồn rằng học quân sự tuốt trê...n núi! Thông tin đó mình hổng biết có thiệt hay không, còn năm lớp 10, lúc vô học, thì bị bỏ quên mất học kỳ quân sự! Chỉ học vào cuối học kỳ một, cả khối tập trung trong nhà thi đấu, chen lấn và hông có gì gọi là ... đáng để ghi nhớ! Thôi thì cũng coi như một kỷ niệm, khi bữa qua nghe một em bên HLK bảo, em ấy đang chạy những bữa cuối của kỳ quân sự lớp 12!

‎7. Đã tròn một tuần, chỉ thấy một vài hưởng ứng từ mọi người! Thế nên sau cái status này, T. dừng lại! Chỉ biết rằng, ba năm - đếm hoài cũng hổng hết những niềm vui, nỗi buồn dưới HLK thân yêu!

Và đó, là một vài kỷ niệm, chỉ một vài thôi, từ năm lớp 10, thoáng qua, mà cứ như hương, như hoa...

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Cuộc chơi hung húc bóng đêm!

Nói chung là tôi có máu liều!

Bữa qua, tính là thức dậy vào lúc bốn giờ sáng đặng rọt rẹt cưỡi con trâu máy từ Ninh lên phố, chọn giấc nửa đêm, cho mát, ít xe, khói bụi ồn ào, đỡ mệt. Dè đâu nằm trằn trọc, nghĩ tới nghĩ lui, lôi Những bà nội kiểu Mỹ ra coi, sau đó lại lục tiếp Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi coi tiếp, mà cái thằng giấc ngủ nó vẫn le te ngúc ngoắc không thèm đậu lại trên mắt mình. Và tình hình cứ kéo dài cho đến khi bực bội quá gom đồ, giã từ ba má để dấn thân vào một hành trình mới, chưa từng có! Chạy 120 cây số lúc 3 giờ đêm, mà cả đêm trắng không phút giây nào ngời mắt! Lúc quẹo qua ngã ba Tân, tôi biết mình đang dấn thân, có thể giây phút này, và cả những giây phút nữa, tôi không còn cơ hội để đơm đầy lồng ngực những sinh thức của cuộc sống, không còn được gặp lại ba má mình, không còn và không còn nữa một mối dây liên kết nào với những người tôi quen, những mảnh đất tôi qua, những tiếng cười giọng nói. Trong đêm tối, tôi thấy mình đang bay, lơ lửng! Đồng hồ trên túi áo chỉ ba giờ sáng, đường vắng teo, heo hút một mình tôi!

Trên hành trình xuyên đêm tối ấy, tôi chợt nghĩ nếu chẳng may mình không đến được cái đích cuối, thì mình sẽ đi đâu, làm gì và mình sẽ như thế nào? Đường quốc lộ giấc khuya chạy ầm ào xe tải trọng lớn và những chiếc xe khách, có chiếc đề biển Tây Ninh - Hồng Ngự mà có lần quơ quào tôi bắt lộn tuyến, xe ngút ngát chạy tới lối bến xe miền Tây, tôi mở mắt ra bở rở chú ơi cho con xuống, con ngủ quên không nhớ đường! Mắt ông tài xế hấp háy cười, hiền như cha tôi những khi tôi phạm lỗi, không bắt phạt mà chỉ nhẹ nhàng chỉ bảo! Đi Gòn buổi sớm trời như thế, nhiều lần gặp phải những chuyện thật tình hay như phim hành động, có bắn súng ì chéo, máu me, giết người...

Nếu phải ngưng lại giữa đường! Tôi không biết mình sẽ đi đâu, về đâu! Vì chắc ăn cái đó ông tài bán vé chơi đểu, dụ con người ta mua vé lên đường, rồi lúc xe lăn bánh rồi, ổng lúc lắc đầu cười trơ trệt, làm gì có vé khứ hồi, lên đi một chuyến, là khỏi quay về, nhóc ạ! Thế nên tôi chưa dám dấn thân, chưa trải nghiệm chuyến hành trình một phía ấy! Tôn giáo cuộc đời dạy cho tôi rằng, ừ thì cố gắng sống thiện, lúc lên xe đi sẽ được người ta đưa tới một chốn bồng lai, có hoa thơm, có nước chảy, cảnh đẹp hiền hòa, con người nhân ái! Người ta khuyên tôi sống đẹp, sống thơm. Nhưng giữa những trang đời nhiều tinh toán, thiệt tình tôi có đôi lần va vấp giữa đôi bờ xấu đẹp. Và nếu giả những lần vượt rào ấy, bị người ta khép vô điều nọ, luật kia! Họ sẽ dẫn tôi đi đâu?

Nếu phải ngừng lại giữa đường, ba mươi giây đầu tiên, tiềm thức dặn tôi phải lật túi áo tìm chiếc điện thoại, rồi cầm tay cho người nào đó ngoắt ngoắt chỉ chỉ người ta hãy biết mà gọi lại cho một địa chỉ quen nào đó, báo tin! Việc làm đó có thể trong lúc tỉnh táo, tôi bày lên thành kịch bản cho mình, chuẩn bị trước cho mình! Nhưng tôi cũng ơ hờ, dễ gì mình còn đủ tỉnh táo để vương trên mặt đất một chút gì đó cho những người ở lại thêm xao xuyến! Ơ hờ!

Nếu phải ngừng lại giữa đường, giấc ba bốn giờ sáng,lúc đó chỉ toàn xe lớn chạy phăng phăng ầm ào trên quãng quốc lộ thôi! Bà già bán xôi mới ngấp ngáp lọ mọ nạo dừa, bắt nồi xôi. Ông xe thồ đang âm ỉ ngồi ở quán cà phê, nhấp ly trà buổi sáng chờ mối quen đi chợ sớm. Người ta chưa vội ra đường, công việc chưa đòi hỏi người ta ra đường! Và tôi biết mình sẽ như thế nào khi dòm thấy những lằn bánh xe tải in trên mặt đường buổi trời tối! Sáng bảnh mắt sẽ có một đám đông, quây chung quanh một mớ gì đó, không còn nhận ra hình! Không, như thế thì đau và thấy mất kết nối phải biết!

Trên hành trình dài thăm thẳm, tôi chưa được ngủ, và màn đêm là một hành trình dài đầy thách thức. Nó như bảo tôi, mày có ngon thì bước qua đi, bước qua đi rồi thấy! Và tôi, đã bước chân rồi thì không còn đường quay lại, đi và chỉ có tiến tới trước mà thôi! Trời đất cơi, cuộc chơi này sao mà nghiệt ngã thế! Nhưng chỉ có những sự lựa chọn, và càng nghiệt ngã con người càng mới trưởng thành!

Tôi thiệt tình muốn quay đầu dòm lại, quay đầu xe lại, nhưng phát hiện ra, ơ, vậy thì mình cũng vẫn phải chắc tay ga. Vậy thì quay đầu lại làm chi! Tiếp tục bước, dù cho có đớn đau, dù cho có thăm thẳm những màn đời, dù cho có những trang đời đang níu lòng quay lại... Tôi vẫn sẽ bước!

Và trên quãng dừng ngay Suối Sâu, tôi ngừng lại bên quán nước! Kêu một ly đen, thêm ấm trà nóng, tòn ten trên cánh võng, tôi bắt đầu chợp mắt! Bên ngoài xe lớn vẫn ầm ào, đêm vẫn đặc quánh màn đen, nhưng phía đằng đông đã lượn lờ chút teo ánh sáng, và lá đác vệ đường đã gấp rãi những tiếng người! Cuộc chơi khắc nghiệt với đi và không quay lại, nhưng tôi chọn cho mình một phút ngừng, đóng bộ não trong khoảng khắc! Sau đó lại tiếp tục bước đi, thênh thang!

Liều thì mới ăn nhiều, dù sớm dù chậm! Quan điểm của tôi là như thế!

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Cho mùa hạ cuối, cho tôi!

Và nhẹ như khói, cái thằng mùa hè cuối cùng cũng trôi qua tôi, đi tuốt luốt!

Tôi nhớ mùa hè đầu tiên của năm nhất đại học. Dĩ nhiên, xác định trước là sẽ dành trọn năm tuần ở nhà, nhưng giữa chừng ham hố, le te nộp cái đơn đi Tiếp sức mùa thi tại Bến xe miền Đông! Đi Tiếp sức để rồi mới biết sinh viên đúng là có quá thừa tình cảm, thơm thảo quá biết bao những tấm lòng, ai nhờ gì cũng giúp, ai kêu gì cũng hăng máu chạy muốn te khói luôn! Có tham gia những dịp tụ tập thanh niên đông đúc như thế, tôi mới tự mình trả lời được câu hỏi, mà ngày nhỏ, hay những lúc bâng quơ ơ hờ ngồi tự vẽ ra cho bản thân, rằng là nếu như nước mình mà lại tiếp tục xảy ra chiến tranh, thì lớp lớp thanh niên có hành động như lớp lớp cha anh đi trước, gác bút gác nghiêng để cầm chắc tay cây súng lên mà bảo vệ nước nhà hay không? Câu trả lời, đối với tôi, giờ phút ấy, cho đến bây giờ, chắc ăn là có! Tuổi trẻ không bao giờ thôi nhiệt huyết, không bao giờ thôi ý chí đấu tranh và luôn khát khao được cống hiến, cống hiến trọn vẹn cả tâm hồn và thể xác này. Bởi thế mà khi mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên và sống, mảnh đất mà mình thân thương gọi là nhà, là quê hương, cho dẫu nó có khỉ ho cò gáy, có đông vui tấp nập xe người, có còn đầy rẫy những bất công hay không, thì người trẻ ta vẫn hăng máu lên đường. Tôi tin là như thế!

Trở lại với mùa hè đầu tiên! Tôi đi tiếp sức được đâu cỡ ngót ngét chục bữa, chưa ăn cơm bến xe ngày nào mà bữa nhớ nhà ghê quá, đành sốc ba lô vác thân lôi thôi lếch thếch về nhà! Và mùa hè, lúc ấy mới chính thức bắt đầu! Mùa hè đầu tiên chạy o o qua những trưa rủ hai đứa em đi xuống ruộng gần nhà bắt cua. Cái ruộng mà có lần bơ quơ tôi có kể cho bạn ấy, cái ruộng có dòng kênh, nối Thành với thị xã, có mấy cây bình bát ngọt mát cả tuổi thơ tôi! Ba năm trước, mùa mưa ruộng đầy nước, cua cá cũng nhiều. Ba năm trước chưa mọc lên mấy quán cà phê, cơm tấm. Ba năm trước bình bát còn xanh mướt rập rờn! Và cách bữa tôi lại bước rình rang trên những đường quê lối cũ chân quê mộc mạc, cơ hầu đi tìm lại một giá trị thiêng liêng mà chỉ những kẻ tuổi thơ cơ cựcc gắn mình với đồng quê ruộng lúa mà lớn lên mới có! Ba năm trước, ơ mà chỉ ba năm trước sau giờ ruộng gần nhà mình khác quá, không còn đám bình bát bơ quơ, không còn dòng nước cuộn trôi cho người ta ngăn dòng tưới lúa. Ba năm, bữa kia trên một diễn đàn về môi trường của các bạn học sinh phổ thông tỉnh, phát động một ngày làm sách rác ven đường.



Hè năm nhất rọt rẹt trôi qua tôi lúc nào không hay biết! Để rồi mùa thứ hai chạm nóc lúc nào cũng hổng hay luôn!Hè năm hai tôi chạy sô tiếp ở Bến xe Miền Đông, ăn cơm tiếp sức tròm trèm hai chục bữa. Rồi thì lại tiếp tục khăn gói về nhà! Cũng thiệt tình muốn rủ mấy đứa em nhí nhố ra ruộng, bắt cá! Mà mùa hè năm trước em còn ham dữ lắm, năm nay thấy em lơ lơ, làm tôi cũng lơ lơ! Đành vậy, thời gian chỉ càng làm cho người ta lớn thêm lên, có người thì quên đi mất nhưng cũng có người trong lòng càng thêm thương, thêm nhớ! Dài thêm những nỗi nhớ, dài thêm những nỗi niềm!

Hầu như không có mùa hè nào tôi dành cho việc học, cơ mà cả trong khi đăng đăng đê đê bài vở bút viết, tôi cũng ít khi đắm mình vào bàn học. Nhiều người không tin khi tôi nói với họ là tôi không học nhiều, thậm chí còn cho rằng thằng này láo, ba xạo! Nhưng thiệt tình hè năm nào tôi cũng ôm một bị sách, về nhà để đó, cho yên tâm! Những hồi thi cử, thì cực chẳng đã tôi mới ngồi dậy, quáng quàng đêm học, ngày học! Cũng may lê lết tới năm tư, chưa bị nợ lại môn nào, coi như ơn trời!

Vậy mà hè năm nay, mùa hè cuối cùng của đời đại học, phải bù đầu với hai chục trang báo cáo! Phải liên tục online, cập nhật thông tin, viết đề cương, hoàn thành nội dung, chỉnh sửa trình bày, nộp bài hoàn chỉnh... Mùa hè trôi đi trong những cú click chuột bơ quơ! Không có thời gian để lần giở tiềm thức những nếp gấp cũ, nên đành lỗi hẹn với một mùa hè! Bữa giật mình, nghe tiếng ve kêu! Trời ơi, tháng tám mà ve vẫn còn kêu! Vì sao, vì sao? Hay tại thằng ve thấy thương, không muốn mất đi một người bạn luôn cháy hết mình, sống hết mình với mỗi mùa hè, nên mở lòng hát lên mấy khúc, gọi là an ủi! Ve hay kêu vào đầu tháng tư, điên đầu điếc óc vì mỗi bận một con cất tiếng là coi như cả bầy rền rĩ, hùa theo! Ve kêu tình tang suốt tháng năm, tháng sáu, qua tới tháng bảy ông tròi đổ mưa nên tụi ve lo đi trú, hông còn hứng hát! Thế nên giấc chừng tháng tám, mà nghe một tiếng ve kêu nỉ non nào đó, phải chăng là tiếng khóc, thăm thẳm từ những thuở nào!

Nghỉ hè hồi xưa trọn tình trọn nghĩa với chín mươi ngày mòn mỏi, mỗi đợt trường khai là ríu ran bạn cũ gặp nhau, chuyền nào cũng nóng hổi, cái bắt tay nào cũng nóng hổi! Nay chưa trọn một trăng đã gấp rãi lên đường! Và từ cái vẫy tay này, tôi không còn được vẫy tay thêm một lần nào nữa! Hết thật rồi, thôi chia tay thật rồi!

Và nhẹ như khói, cái thằng mùa hè cuối cùng cũng trôi qua tôi, đi tuốt luốt!

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Không phải là dân Phố....

Không sinh ra và lớn lên ở một chốn phồn hoa, người xe ê hề, tấp nập... Nên tôi biết được ruộng gần nhà mình thường trơ gốc rạ vào tháng ba, đất nức thành gót bàn chân mẹ cha dọc ngang tháng ngày nuôi tôi khôn lớn! Trẻ con sẽ rủ rê nhau đầu trần dang nắng đi chặt trúc, gì chứ trúc chỗ tôi nhiều vô kể, lớp theo ba ra đồng câu cá, lớp theo má ra chợ, đậu bơ quơ trên mớ rổ rá nang ong là những món quà quê nhựa sun sê đầu cuống bầu, bí, mướp, rau lang... Rồi thì trúc sẽ theo về nhà, đứng lô xô chung trong mớ giấy than học trò rứt từ những trang vở cũ, thêm nắm cơm nguội rồi sẽ thành ra những buổi chiều hung húc gió, trẻ con chạy ngang tàng trên đồng ruộng nứt nẻ chân chim, và phía trên cao, là những con diều thổi thơm cả quãng thơ tôi đầy gió!

Không sinh ra từ phố, mà sinh ra ngay chóc cái quãng giao thời, nên biết được hồi nhỏ nhà tôi phải đốt đèn dầu. Bữa cơm nào cũng phải có đầy đủ ba, má, anh, chị, em. Ăn cơm lần một, khỏi lằng nhàng, mắc công tốn dầu! Thêm vào cho cái quãng thơ càng đậm đà là buổi ông nhà nước chưa kịp mở mang đường xá, là những buổi trời mưa vừa xong là cả đám trẻ con vác theo dao, bọc mũ để đi lụm sắt! Vùng đất chừng chục năm trước đây còn oằn mình vì bom đạn, nên sau cơn mưa vết thương cũ lòi ra chi chít! Và những vết thương của đất, giờ là trọn vẹn những niềm vui tuổi thơ tôi!

Có quãng, do không phải dân nhà phố, nên biết được khi trước nhà có cái thằng xe lu bự chà bá, ngang dọc dọc ngang cày xới con đường lượn lờ ngoài ngõ, là rổn rảng cả những ngày sau đó! Thời buổi giao thời, người quê chưa biết đua tranh mồm mép, nên thấy xe mở đường là họp nhau ông phụ một tay, bà đỡ một chân! Sáng nào cũng đổ ra đường đắp đất, mồ hôi la liếm hết thảy gương mặt mọi người, để lại ơ hờ nào nụ những tiếng cười rôm rốp, thằng hy vọng chói chang, con nhỏ tình - thân - xóm - làng chan chứa... Bởi vậy mới nói, cái thời "hợp tác xã" nó như thế, thấy thương! Còn bây giờ, đi suốt cả con đường, nhà nào cũng rào chắn thênh thang, muốn ghé qua kể cho nghe câu chuyện, mà cũng ngại ngần một tay nắm cửa. Chị tôi có bầu, bữa qua ngồi dòm mưa, dòm cái hàng rào có cổng, hai bên thập thờ hai con chó đá, tự dưng thảng thốt: lâu quá hổng có ai ghé nhà mình chơi hết trơn! Có một cái gì đó thảng thốt đi qua tôi! Không phải dân phố mà!

Ừ thì không phải dân phố thiệt, nên rõ ràng là tôi biết được là ngày mồng năm tháng năm là ngày Tết giữa năm, nhắc mẹ từ hồi cuối tháng trước nhớ làm cho con cái bánh ít, đi bẻ lá tre, thứ tre mạnh tông lá bự ơi là bự, rồi tẻ nếp, ngâm với nước tro, rồi thì gói bánh! Chiều mùng bốn chắc ăn sẽ có bà này bà nọ réo nhau đi chợ. Mua bông, mua trái cây! Có năm má đi chợ về, dòm trong túi bàng thấy lô xô cây trái, là biết năm đó chôm chôm chắc hai, ba ngàn một ký, má mua cho nhà mình rồi còn đơm thêm cho mấy cái chò trái cây nhà ngoại! Còn mà trong giỏ bàng của má tòn ten ba bốn nải chuối, thêm trái bưởi, là biết trái cây năm nay được giá, mấy thằng hàng bông hả hê, còn bàn thờ bàn lạc nhà tôi bữa giữa năm sẽ bơ quơ, trống hơ trống hoác! Thói đời nó thế, đơn côi nhà mình là linh đình nhà hàng xóm! Ngày mùng năm chỗ tôi người ta hay rủ nhau đi vườn, mấy vườn trái cây chỗ Trường Hòa, Trường Huệ, Cung Trí Giác... Vui hết biết! Còn tụi tôi, nhỏ lớn hổng được đi, ngày tết giữa năm tập trung nhà ngoại, chơi đánh bài, ghẹo nhau chạy loi choi hết xóm! Ai hỏi tết có đi "dườn" hông là chu mõ có, có, tui đi "dường" bốn góc, được hông? Quãng đó thường trời mưa rả rích từ tối hôm trước tới cuối ngày hôm sau! Còn năm nay, ngày tết ở dưới phố, ôm bài học thi, lát sau có bà chủ nhà đi qua, cho một chén cơm rượu, dân thành phố nên làm cơm rượu bằng gạo lức, ăn y chang ăn cốm, với chùm vải thiều, ăn toàn thấy mùi thuốc muối! Tự nhiên mà mặn chát!

Tôi cũng hay tủi thân, mình có phải dân phố đâu! Nên thay vì người phố đi coi kịch, đi coi phim trong rạp xi nê, có chiếu phim 3D bằng chéo... còn tôi thì canh me ngày thứ năm cuối tháng bắt đài kinh chín coi Vầng trăng cổ nhạc, trước bữa cúng đình thì lội ruộng, lội đêm qua nhà Tổ đình coi người ta hát bội, vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ hay San hậu nọ kia! Ngày hôm sau thì thức dậy từ sớm, xỏ vội đôi dép đi với ba qua bên đình cúng kỳ yên. Ba thì cúng còn con thì lô xô chạy bàn phụ đãi đằng khách khứa, vui y chang đám cưới! Nét văn hóa Nam Bộ mình hình như gom trọn trong cái ngày cúng Kỳ yên ở Đình làng! Chỗ tôi xã nào cũng có một cái Đình thành hoàng bổn cảnh, rồi một ngày trong năm sẽ tổ chức cúng Kỳ yên, có bang bộ nhạc lễ, trống chầu hát bội múa lân. Ai coi mấy phim tài liệu của TFS làm về mấy đề tài Đình chùa miếu mạo miền Nam, hay giả đọc bác Sơn Nam, Trịnh Hoài Đức về mấy cái này, chắc ăn sẽ ừ à, ngay chóc mấy cái đó ở chỗ tôi đấy! Ngày cúng kỳ yên người nhà quê sẽ tụ tập về đình xóm mình, phụ nấu phụ nướng, trẻ con chạy bàn, vui cả mấy ngày! Lễ tan thì ai về nhà nấy, chỉ có ông giữ đình ngồi lại, le te lá bồ đề trước sân, Miếu Ông Hổ cũng trơ trọi vài cây nhang chưa cháy hết, hẹn ngày này năm tới!

Tôi là người nhà quê, thế nên tôi cố gắng níu kéo những cái gì thuộc về quê trớt ấy! Ví như: dân miền Nam phải biết ca vọng cổ, vậy là tôi tập ca võng cổ! Trưa hay tòn ten mắc cái võng rồi ê a xuống xề, hò sự sang sê cống! Thiệt tôi thèm một bữa được nghe bác Khê nói về mấy cái âm nhạc dân tộc ghê ghớm, nhưng mà vẫn chưa biết cách làm sao để tham dự đây! Ngoài ra tôi còn thèm được chạy lúp xúp bên anh chị tôi băng đồng đi bắt cá, được xuống ruộng bẻ bình bát, thèm một ngày hè cả đám tụ tập về rồi đi kiếm cò ke, chùm giấy, trái sơn... rồi đi chặt tầm vông, trúc... làm thành cái ống thụt, bỏ đạn vô rồi dí nhau bắn cho té khói! Ước gì được một lần, lần nữa thôi chơi lại trò chơi u táng, để dù thắng dù thua sẽ được u từ đầu đường tới cuối con xóm trong tiếng cười rôm rốp! Trò u táng bây giờ luật chơi tôi quên mất, mà con nít bây giờ cũng hổng đứa nào thèm chơi, chỉ còn mấy khúc tầm vông trơ trải, buồn hiu hắt!

Tôi là dân nhà quê nên tôi thèm nhiều lắm, y chang hồi nhỏ thèm được ăn kẹo vũ, theo kiểu quay cái vòng, trúng được thì ăn, mỗi lượt 200, 300 đồng. Thèm trời mưa để lột quần, lột áo ù té lội nước, thèm đám giỗ đám quẩy để lụm mấy cây chuối đã bị người lớn rọc lá làm cờ lau, chia phe, đánh trận giã! Thèm một buổi trưa đứng bóng kiếm chỗ khuất kể chuyện ma, có bà bán bành ú đi qua mà tưởng con ma hiện hình nhát thít! thèm một buổi tối kiếm cái lon chơi trò ma lon vui phải biết! Thèm được xách cặp đi học Mùa hè xanh, dòm mấy anh chị mê ơi là mê mà hổng biết nếu mình mà đi Mùa hè xanh có được con nít bu như thế hay không biết? Thèm lắm luôn một ngày mưa rả rích xách tô cơm nguội với bơ kho quẹt đựng trên cái rế tèm lem khói mà ngon còn hơn mấy cái Kentucky hay gà rán trong một không gian ấm cúng, sang trọng xa lơ lắc nào đó! Còn thèm nhiều thứ lắm, mà thứ nào cũng chân quê, mạc mộc, nặng trĩu mùi phèn hết trơn!

Rồi hổng biết có ai thèm như mình hông ta?