Không sinh ra và lớn lên ở một chốn phồn hoa, người xe ê hề, tấp nập... Nên tôi biết được ruộng gần nhà mình thường trơ gốc rạ vào tháng ba, đất nức thành gót bàn chân mẹ cha dọc ngang tháng ngày nuôi tôi khôn lớn! Trẻ con sẽ rủ rê nhau đầu trần dang nắng đi chặt trúc, gì chứ trúc chỗ tôi nhiều vô kể, lớp theo ba ra đồng câu cá, lớp theo má ra chợ, đậu bơ quơ trên mớ rổ rá nang ong là những món quà quê nhựa sun sê đầu cuống bầu, bí, mướp, rau lang... Rồi thì trúc sẽ theo về nhà, đứng lô xô chung trong mớ giấy than học trò rứt từ những trang vở cũ, thêm nắm cơm nguội rồi sẽ thành ra những buổi chiều hung húc gió, trẻ con chạy ngang tàng trên đồng ruộng nứt nẻ chân chim, và phía trên cao, là những con diều thổi thơm cả quãng thơ tôi đầy gió!
Không sinh ra từ phố, mà sinh ra ngay chóc cái quãng giao thời, nên biết được hồi nhỏ nhà tôi phải đốt đèn dầu. Bữa cơm nào cũng phải có đầy đủ ba, má, anh, chị, em. Ăn cơm lần một, khỏi lằng nhàng, mắc công tốn dầu! Thêm vào cho cái quãng thơ càng đậm đà là buổi ông nhà nước chưa kịp mở mang đường xá, là những buổi trời mưa vừa xong là cả đám trẻ con vác theo dao, bọc mũ để đi lụm sắt! Vùng đất chừng chục năm trước đây còn oằn mình vì bom đạn, nên sau cơn mưa vết thương cũ lòi ra chi chít! Và những vết thương của đất, giờ là trọn vẹn những niềm vui tuổi thơ tôi!
Có quãng, do không phải dân nhà phố, nên biết được khi trước nhà có cái thằng xe lu bự chà bá, ngang dọc dọc ngang cày xới con đường lượn lờ ngoài ngõ, là rổn rảng cả những ngày sau đó! Thời buổi giao thời, người quê chưa biết đua tranh mồm mép, nên thấy xe mở đường là họp nhau ông phụ một tay, bà đỡ một chân! Sáng nào cũng đổ ra đường đắp đất, mồ hôi la liếm hết thảy gương mặt mọi người, để lại ơ hờ nào nụ những tiếng cười rôm rốp, thằng hy vọng chói chang, con nhỏ tình - thân - xóm - làng chan chứa... Bởi vậy mới nói, cái thời "hợp tác xã" nó như thế, thấy thương! Còn bây giờ, đi suốt cả con đường, nhà nào cũng rào chắn thênh thang, muốn ghé qua kể cho nghe câu chuyện, mà cũng ngại ngần một tay nắm cửa. Chị tôi có bầu, bữa qua ngồi dòm mưa, dòm cái hàng rào có cổng, hai bên thập thờ hai con chó đá, tự dưng thảng thốt: lâu quá hổng có ai ghé nhà mình chơi hết trơn! Có một cái gì đó thảng thốt đi qua tôi! Không phải dân phố mà!
Ừ thì không phải dân phố thiệt, nên rõ ràng là tôi biết được là ngày mồng năm tháng năm là ngày Tết giữa năm, nhắc mẹ từ hồi cuối tháng trước nhớ làm cho con cái bánh ít, đi bẻ lá tre, thứ tre mạnh tông lá bự ơi là bự, rồi tẻ nếp, ngâm với nước tro, rồi thì gói bánh! Chiều mùng bốn chắc ăn sẽ có bà này bà nọ réo nhau đi chợ. Mua bông, mua trái cây! Có năm má đi chợ về, dòm trong túi bàng thấy lô xô cây trái, là biết năm đó chôm chôm chắc hai, ba ngàn một ký, má mua cho nhà mình rồi còn đơm thêm cho mấy cái chò trái cây nhà ngoại! Còn mà trong giỏ bàng của má tòn ten ba bốn nải chuối, thêm trái bưởi, là biết trái cây năm nay được giá, mấy thằng hàng bông hả hê, còn bàn thờ bàn lạc nhà tôi bữa giữa năm sẽ bơ quơ, trống hơ trống hoác! Thói đời nó thế, đơn côi nhà mình là linh đình nhà hàng xóm! Ngày mùng năm chỗ tôi người ta hay rủ nhau đi vườn, mấy vườn trái cây chỗ Trường Hòa, Trường Huệ, Cung Trí Giác... Vui hết biết! Còn tụi tôi, nhỏ lớn hổng được đi, ngày tết giữa năm tập trung nhà ngoại, chơi đánh bài, ghẹo nhau chạy loi choi hết xóm! Ai hỏi tết có đi "dườn" hông là chu mõ có, có, tui đi "dường" bốn góc, được hông? Quãng đó thường trời mưa rả rích từ tối hôm trước tới cuối ngày hôm sau! Còn năm nay, ngày tết ở dưới phố, ôm bài học thi, lát sau có bà chủ nhà đi qua, cho một chén cơm rượu, dân thành phố nên làm cơm rượu bằng gạo lức, ăn y chang ăn cốm, với chùm vải thiều, ăn toàn thấy mùi thuốc muối! Tự nhiên mà mặn chát!
Tôi cũng hay tủi thân, mình có phải dân phố đâu! Nên thay vì người phố đi coi kịch, đi coi phim trong rạp xi nê, có chiếu phim 3D bằng chéo... còn tôi thì canh me ngày thứ năm cuối tháng bắt đài kinh chín coi Vầng trăng cổ nhạc, trước bữa cúng đình thì lội ruộng, lội đêm qua nhà Tổ đình coi người ta hát bội, vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ hay San hậu nọ kia! Ngày hôm sau thì thức dậy từ sớm, xỏ vội đôi dép đi với ba qua bên đình cúng kỳ yên. Ba thì cúng còn con thì lô xô chạy bàn phụ đãi đằng khách khứa, vui y chang đám cưới! Nét văn hóa Nam Bộ mình hình như gom trọn trong cái ngày cúng Kỳ yên ở Đình làng! Chỗ tôi xã nào cũng có một cái Đình thành hoàng bổn cảnh, rồi một ngày trong năm sẽ tổ chức cúng Kỳ yên, có bang bộ nhạc lễ, trống chầu hát bội múa lân. Ai coi mấy phim tài liệu của TFS làm về mấy đề tài Đình chùa miếu mạo miền Nam, hay giả đọc bác Sơn Nam, Trịnh Hoài Đức về mấy cái này, chắc ăn sẽ ừ à, ngay chóc mấy cái đó ở chỗ tôi đấy! Ngày cúng kỳ yên người nhà quê sẽ tụ tập về đình xóm mình, phụ nấu phụ nướng, trẻ con chạy bàn, vui cả mấy ngày! Lễ tan thì ai về nhà nấy, chỉ có ông giữ đình ngồi lại, le te lá bồ đề trước sân, Miếu Ông Hổ cũng trơ trọi vài cây nhang chưa cháy hết, hẹn ngày này năm tới!
Tôi là người nhà quê, thế nên tôi cố gắng níu kéo những cái gì thuộc về quê trớt ấy! Ví như: dân miền Nam phải biết ca vọng cổ, vậy là tôi tập ca võng cổ! Trưa hay tòn ten mắc cái võng rồi ê a xuống xề, hò sự sang sê cống! Thiệt tôi thèm một bữa được nghe bác Khê nói về mấy cái âm nhạc dân tộc ghê ghớm, nhưng mà vẫn chưa biết cách làm sao để tham dự đây! Ngoài ra tôi còn thèm được chạy lúp xúp bên anh chị tôi băng đồng đi bắt cá, được xuống ruộng bẻ bình bát, thèm một ngày hè cả đám tụ tập về rồi đi kiếm cò ke, chùm giấy, trái sơn... rồi đi chặt tầm vông, trúc... làm thành cái ống thụt, bỏ đạn vô rồi dí nhau bắn cho té khói! Ước gì được một lần, lần nữa thôi chơi lại trò chơi u táng, để dù thắng dù thua sẽ được u từ đầu đường tới cuối con xóm trong tiếng cười rôm rốp! Trò u táng bây giờ luật chơi tôi quên mất, mà con nít bây giờ cũng hổng đứa nào thèm chơi, chỉ còn mấy khúc tầm vông trơ trải, buồn hiu hắt!
Tôi là dân nhà quê nên tôi thèm nhiều lắm, y chang hồi nhỏ thèm được ăn kẹo vũ, theo kiểu quay cái vòng, trúng được thì ăn, mỗi lượt 200, 300 đồng. Thèm trời mưa để lột quần, lột áo ù té lội nước, thèm đám giỗ đám quẩy để lụm mấy cây chuối đã bị người lớn rọc lá làm cờ lau, chia phe, đánh trận giã! Thèm một buổi trưa đứng bóng kiếm chỗ khuất kể chuyện ma, có bà bán bành ú đi qua mà tưởng con ma hiện hình nhát thít! thèm một buổi tối kiếm cái lon chơi trò ma lon vui phải biết! Thèm được xách cặp đi học Mùa hè xanh, dòm mấy anh chị mê ơi là mê mà hổng biết nếu mình mà đi Mùa hè xanh có được con nít bu như thế hay không biết? Thèm lắm luôn một ngày mưa rả rích xách tô cơm nguội với bơ kho quẹt đựng trên cái rế tèm lem khói mà ngon còn hơn mấy cái Kentucky hay gà rán trong một không gian ấm cúng, sang trọng xa lơ lắc nào đó! Còn thèm nhiều thứ lắm, mà thứ nào cũng chân quê, mạc mộc, nặng trĩu mùi phèn hết trơn!
Rồi hổng biết có ai thèm như mình hông ta?
Mèn, cô Tư có bạn rồi. Viết hay lắm ...
Trả lờiXóaAnh Phú: cái này từ trong ruột rút ra đó anh! Nhưng mà đọc chị Tư, riết rồi viết cũng y chang chỉ luôn!
Trả lờiXóaÔi, ông bạn của tui, cái tuổi thơ của ông sao mà nó giàu, nó đẹp. Ông sướng hơn biết bao nhiêu đứa nhỏ thành phố cả ngày dán mắt vô game hay nhìn ra ngoài song sắt cổng. Ông có cả một miền bạt ngàn những kí ức với đầy ắp thiên nhiên và tình người. Tui thay mặt những đứa chưa từng được nếm trải những miên man đồng nội này nói một câu: ganh tị với ông quá đi!
Trả lờiXóa^^ Đã tìm thấy tuổi thơ của mình trong bài viết. Ký ức thì ko ăn được, ko ở được nhưng lâu lâu lôi ra ngắm nghía cũng đủ làm người ta hả hê ^^ Cảm ơn bài viết hay nghen...
Trả lờiXóaDiệu Linh: ừ, hồi nhỏ vui lắm bà! Chỗ tui gần thị trấn, nên tuổi thơ tui coi như đi qua cái quãng giao thời, bây giờ ngồi tiếc vì chỉ có sinh ra ở thời đó, mới có được những trải nghiệm đó!
Trả lờiXóaKiều: hình như tụi miền Nam mình, dù Đông hay Tây Nam Bộ, cũng có chung một miền ký ức như thế đấy! Kiều ơi!
À, mà cho hỏi ở đây có bạn nào biết trò u táng hông? Hồi nhỏ xíu tui hay chơi, nhưng do nhỏ quá nên chơi dở ẹt, lại không biết chặt mấy khúc tầm vông để làm u, táng nên qua mười mấy năm, bây giờ không còn nhớ cách chơi nữa rồi! Chỉ biết là trò này chơi hay phải biết luôn đấy!
Trả lờiXóatui có chơi nhưng mỗi vùng một luật, chắc khác chỗ ông. Tụi tụi hok có dùng gì hết, chỉ dùng miệng thôi. uuuu... chừng nào mà hết hơi mà chưa về được nhà thì bị bắt làm con tin, chờ người đến cứu, còn về được thì bên kia bị làm con tin. Còn cái của ông thì tui hok có biết...
Trả lờiXóacái đó là chơi u, chỗ tui gọi là dung!
Trả lờiXóaCòn trò u táng là người ta dùng một khúc tầm vông, dài cỡ một cánh tay, nhẹ (gọi là cây táng) với hai ba khúc tầm vông dài chừng một lóng tay! khi chơi chia làm hai phe, đào một cái lỗ nhỏ nhỏ dưới đất để có thể kê cái khúc tầm vông nhỏ (gọi là u?. Sau đó dùng cây táng, hất cây u lên cao để táng nó ra xa!
Tui hông nhớ kỹ luật chơi lắm, nhưng biết là nó vui cực kỳ! Chỉ nhớ được bấy nhiêu đó thôi! Còn về cách phạt thì đội thắng sẽ táng cây u xa bao nhiêu thì đội thua sẽ dung từ chỗ đó về tới đích trong một hơi!
Do hồi đó còn nhỏ, đâu có biết làm mấy cây u, táng gì đâu nên bây giờ chỉ còn nhớ mang máng! Hix, tiếc quá!
Cảm ơn Tồn! Cảm ơn bạn đã cho tôi một vé đi tìm lại ký ức ngày xưa. Không phải riêng miền quê của bạn có những hình ảnh đẹp đó mà tất cả những miền quê ở Nam bộ, ở cái miền sông nước miền Tây đều đầy ắp những hình ảnh chân chất và những trò chơi mộc mạc mà vui hết biết ấy. Và cũng không gì bằng cái mùi kho quẹt với tô cơm nguội mà bất cứ ai đã từng sinh ra và lớn lên ở quê thì không thể nào không nếm qua. Đó là những kỷ niệm mà mà ắc hẳn bất cứ ai đã từng sinh ra và lớn lên ở đồng ruộng đều khắc ghi.
Trả lờiXóa