Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Quỡn quỡn nói chuyện nghề!

Hông biết sao chứ trường Thương tôi thấy làm việc hết sức quy củ, nghĩa là trình nghỉ tết gồm ba tuần. Thì dù ngày bắt đầu nghỉ là ngày thứ bảy, hay thứ hai, thứ ba, tư năm gì đó, thì cứ đúng ba tuần kể từ ngày ấy, mà đi học trở lại! Và nghỉ hè, trình dài năm tuần. Đúng ngày, đúng buổi, là sinh viên rủ nhau te tái chia tay mái ấm, chia tay một năm học đã thực sự trôi qua để trở lại trường. Xin chào năm học mới, và tôi, đã là một chàng sinh viên năm cuối, từ hơn nửa tháng trước, trong khi bạn cũ, bên Tế, Nha, Hàng, Khoa... vẫn còn mải mê ăn chơi tí toáy!

Nói như thế, không có nghĩa là, tôi ghét hoàn cảnh của tôi, ngay trong thời điểm này! Bởi vì bước vào năm học cuối, tôi đang rộng lòng chờ đợi biết bao cơ hội sẽ đến với mình! Và trong một chừng mực nào đó, việc học đối với tôi, mỗi ngày, lại càng trở thành một cái gì bơ quơ như cơn gió, nhẹ nhàng, tinh không, không quan trọng nhưng cũng khôn gphair là vô nghĩa. Bữa qua có việc ở lại trường, mắc cười trước cảnh thằng bạn cặm cụi ngồi giở bài ra học. Dĩ nhiên, tôi biết chăm học là một chuyện tốt, cực tốt, và thằng nào đứng ngoài, thấy người ta chăm chỉ mà trong lòng "hổng ưa" là những kẻ lười biếng, thậm chí, hổng ra gì. Cơ mà con người, nhất là vào thời điểm này, tôi cảm nhận được sự chán chường trong từng con chữ! Nói để biết, dù gì hồi xa xưa tôi cũng gọi là có số má, chăm chỉ học bài, làm bài. Nhưng bây giờ, thiệt tình, quải chè đậu!

Lý do mà tôi không còn thích học nữa thì cũng dễ hiểu thôi! Tình yêu thì chưa có, ăn chơi thì cũng không! Vậy thì chắc ăn là tôi khoái được đi làm, làm thật sự, chứ không phải chỉ là những công việc không cần nhiều não, hoặc cần nhiều não nhưng không được gọi là nghề! Tôi muốn được tham già vào một trình thực tập, của một thằng đa quốc gia nào đó, sáng chơi nguyên bộ đồ sơ dinh, chạy xe bon bon trên những con đường hoành tráng, và tấp vào một tòa building nào đó, sang trọng bậc nhất đất Sài Gòn. Tôi cũng đã tham gia nhiều, như trình thực tập của P., của Friesland Cam., của U., của Bayer... Nhưng hình như mỗi khi tôi giơ tay chào một cái, thì cơ hội lại chạy đi mất tiêu! Những công ty top thường tuyển chọn khó, tôi thường hay tự an ủi mình như thế! Nhưng cái cảm giác thất bại này nối tiếp thất bại kia, nhiều khi cũng làm con người ta nhói nhói, xốn xốn! Nhất là người luôn đề cao cái sự "nghỉ học đi làm" như tôi!

Cảm giác xốn xốn nhói nhói nhất là khi lác đác một vài nhân trong lớp đại học có chỗ trao thân gửi phận, có chuyện để tụi nó có thể ngoảnh mặt đầy tự hào: tui đang chạy cho công ty đa quốc gia kia... Thế đấy, bạn bè thì yên ấm, trong khi bản thân thì đang lắc lẻo giữa mịt mù xa khơi. Buồn thúi cả ruột, càng lao đầu vô kiếm chỗ thực tập, và gửi càng nhiều, thất bại lại càng thảm thương!

Năm nay học trình anh văn cuối cùng, cô giáo là cựu sinh viên trường Thương, xinh ơi là xinh! Ngay từ năm nhất đã có cảm tình, mãi đến bốn năm sau, cơ hồ gặp lại người cũ, cô giáo vẫn xinh như ngày trước. Và giờ tôi còn biết, cô tâm lý vô cùng! Bữa cô dành cả một tiết để tâm sự với đám sinh viên, già đầu rồi mà đến bây giờ vẫn chưa định hướng được cho mình con đường trước mặt! Cô nói rằng là tâm lý sinh viên Thương cho rằng là học xuất nhập khẩu, học thư tín, học ngôn ngữ hợp đồng cho nhiều, rồi thì ra trường có đụng tới được bao nhiêu đâu, học chi cho khổ! Nhưng thật tình, nghĩ mà coi, tiếng Anh giỏi sẽ là một nền tảng vững chắc! Ví như tôi, tiếng Anh hoa hòe hoa sói, nói tiếng Anh y chang tiếng bồi, thử hỏi lần phỏng vấn nào mà không rớt! Còn nhiều nhiều chuyện nữa, nhưng tóm lại, học trường Thương, bạn cứ yên tâm, rồi sẽ có ngày phất lên làm ông lớn! Có nhỏ bạn, đứng lên thưa cô, bố em giới thiệu cho em chỗ kia, làm cũng ngon, lương tháng tầm tầm chín triệu! Cả lớp xuýt xoa, trời ơi người ta trầy da tróc vẩy xin vô một công ty đa, mà hai năm đầu thử lửa nhiều khi lương mới nhỉnh hơn năm triệu một xí! Như thằng HS. nhân viên mới vô, năm tư, lương mỗi tháng hơn sáu chai, bà con mừng húm! KP., PW. hay EY... lương cũng có khá khẩm hơn đâu! Nghe bảo P. lương cũng hông hơn mười triệu, còn làm MT cho U. hay Friesland thì nhỉnh hơn cái nấc mười một chút! Bạn có sẵn mối quan hệ, vậy thì sướng quá đi rồi!

Nói nhiều về nghề nghiệp, thật ra đó là tôi muốn khoe. Rằng chiến tích vẻ vang của tôi là đều join vô hết những vòng phỏng vấn của mấy đa lớn. Nhưng ngay chỗ cửa chốt, tôi nghẹn ngào dừng lại, có thể vì cái mặt không được đẹp, có thể vì giọng nói không hay, có thể vì tính tình chưa fix với khu nhà đó, và còn ti tỉ lý do khác, khiến tôi quá nhiều lần bổi hổi bồi hổi, giá như, giá như...

Lần gần nhất tôi đi phỏng vấn, là cho vị trí gì đó tôi cũng hổng nhớ, cho AN. Ấn tượng đầu tiên là công ty vừa mới chuyển trụ sở về khu mới, nằm ngay quãng giữa đường Duẩn, xéo góc Đại sứ quán Mỹ, xa xa là Diamond, gần kế bên là PW.! Tòa nhà mới khai trương, đẹp mê ly! Giá giữ xe thì chỉ có thể nói là trên trời, năm ngàn ba tiếng, trên ba tiếng tính chẵn mười ngàn! Từ tầng hầm giữ xe, muốn lên trệt thì phải lết qua hai khu giữ xe khác, dành cho nhân viên bên trong building ấy, mới bắt được thang máy, xa tít mù khơi! Lên trệt rồi, lại phải vòng qua khu thương mại, bắt tiếp một thang máy khác lên khu hành chính văn phòng! AN. nằm cheo leo trên tầng 11, cảm giác văn phòng nhỏ tí, nhưng đỡ hơn P., vì P. vừa nhỏ, vừa thấp, y chang cái lỗ! Văn phòng dòm cũng hổng sang, vậy mà nghe giang hồ đồn AN. cũng số má dữ lắm, ngân hàng của Úc mà lại! Bước chân vô rồi mới biết, không lung linh hoành tráng như người ta tưởng! Vụ này thì chắc thua xa anh bạn Intel bên khu công nghệ cao quận 9 của bạn Th. rồi!

Và thứ ba tuần sau, tôi chính thức đi làm! Thỏa mãn ước ao được dấn thân vào một nghề thực sự! Đi làm trợ lý, lương intern, cao hơn 2 triệu, tính tiền đô, nhưng số nhỏ xíu! Bạn tôi nói rằng, tôi sẽ bị bóc lột. Thằng khác lại bảo, trời, bị mấy thằng đa bóc lột cũng chịu! Tôi thì không nói gì hết, im re, chứ hổng lẽ đứng lên, vỗ ngực nói tao không thèm học nữa nên bây giờ ai đưa việc gì, miễn có lương là tao mần hết! Như thế thì mất mặt quá!

Chưa đi làm thì chưa biết được nhiều chuyện, thôi thì ăn tạm vài món này vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét