Một bữa nào đó quỡn quỡn, tôi sẽ lại mời bạn về thăm quê tôi, về với miền biên giới nghèo nhất nhì chín tỉnh miền Đông, về với núi Bà Đen cao chín trăm mấy mét, với chùa Tòa Thánh, rồi sau đó dẫn bạn đi lòng vòng chợ Long Hoa, mua vài ký muối ớt, năm sáu ràng bánh tráng, ăn chơi trái xoài Tứ quý xanh lè vừa dòn vừa ngọt, cái thứ đặc sản mà nhiều người còn hổng biết nó bám rễ từ đây! Và cái nơi tôi tự hào nhắc nhiều đến với bạn, là Tây Ninh, quê tôi!
Những câu nói nhiều khi làm cho lòng con người ta đau đáu, mỗi bận quỡn quỡn, không có chuyện gì làm, lôi chữ ngày cũ ra đọc! Cái chợ khi ta lớn lên đã có, cái chợ sôi động những buổi đất trời vào xuân, cái chợ qua lời má kể rằng bà cố chân quen là vậy đấy mà có lần bị ma dắt đi hoài mà không thoát ra được cái bát quái trận đồ là chợ. Và tờ lịch rơi ra đặng bữa nay ta đi qua mà bất giác nhẩm tính, vậy là đã tám năm trời ròng, chợ vẫn còn dở dang, chợ... vẫn cứ còn là một đại công trường... hoe vắng!
Chợ Hoa từ lâu đã trở thành một biểu tượng của Ninh, của Thành, quê nhà! Chợ được xây từ lâu lắm rồi, khi lớn lên đã được má dẫn đi túc tắc qua tám cửa chợ, lớn tí nữa thì bắt đầu đạp xe đi chợ giúp má, rồi lớn lên biết chạy xe máy, mỗi bận nhà có giỗ quảy hay có chuyện gì cần chạy ra chợ mà không mua được ở quán, thì lại ù té để con, để con chạy đi chợ cho! Chợ nằm im trong một góc thẳm sâu của tiềm thức, quen và thân dữ dội lắm, kiểu như đi xa thì nhớ, kiểu như mỗi bận về Ninh nhà là phải chạy xe vòng qua tám cửa chợ, cho đỡ nhớ, như một thói quen, rồi thôi!
Năm học lớp tám, người ta bắt đầu công tác di dời chợ đặng xây lên thành cái trung tâm thương mại Hoa, bản vẽ hoành hoành tráng tráng, mà trong lòng một trời tiếc! Người đạo Đài mà, cái gì có dính líu tới đạo là cứ lúc ngúc mãi thôi! Chợ Hoa thẳng trục với chùa Thánh, làm thành một đường kiểu như trọng tâm của Thành! Chợ được thiết kế theo hình bát quái, nghe bảo là do Đức Hộ Pháp - người sáng lập ra đạo Đài Ninh đích thân ra bản vẽ! Chợ có kiến trúc đẹp, với tám cạnh hướng về tám con đường, người Ninh gọi là tám cửa chợ, đặng phân biệt với mười hai cửa chùa Thánh! Thú chơi ngày nhỏ là định vị mình bằng cách đố nhau tìm phương hướng qua tám cổng chợ. Kiểu như bà Hoa bị điên thì chuyên gia ở chỗ cửa hai, mua cá thì ghé bà dì tám ở cửa bốn, cửa bảy có mấy cửa hàng bán đồ sắt thép điện gia dụng xấu ơi là xấu, cửa ba có bà bán bánh mì gần mấy chục năm, cậu thứ mười một của mình thì bán ở cửa một, rồi mua dép thì qua cửa tám! Vậy đó, cái bản đồ chợ cứ gắn với những đồ vật, với những con người cụ thể, thương và thân dữ lắm!
Người ta đập lần lượt chợ đi, bỏ lại xơ xác những tiểu thương tản mác đi nơi này, nơi khác! Cái chợ mà mỗi bận tết đến xuân sang là người xe tấp nập, giờ thì cũng tấp nập đấy nhưng tự nhiên thấy mất tiêu không khí của những buổi chợ xuân người xe tràn hết lối, của những thềm cũ xênh sang giữa lòng chợ cũ! Một trong những điều nhớ tiếc nhất là kiến trúc cũ của chợ đã bị xóa đi, đặng xây lên một khối xi măng tám năm đã bị bào mòn mất tiêu những giá trị thiêng liêng của một hồn xưa cũ! Tôi thấy buồn trước sự chậm phát triển của quê hương mình. Và tôi thấy tiếc trước sự đánh mất mình, trước cả khi tìm ra được cái giá của sự phát triển Ninh nhà! Trong tâm tưởng, Ninh vẫn nghèo, nghèo từ góc độ kinh tế, đến nghèo cả các giá trị tạo nên hồn cốt của một Ninh, xưa và nay! Chẳng thà đổi lại một chợ Hoa xưa, xi măng với đá rêu phong, nhà lồng đen thui với những hàng cột dài to hai vòng ôm với hàng loạt những đại công trình nhà cao ốc thênh thang cao chín mười tầng của một đô thị loại ba đang oằn mình tìm đường phát triển! Tôi thấy buồn, phát triển bằng cách giẫm nát trên những hồn xưa tích cũ đắp bồi qua hơn ba trăm năm hình thành và phát triển của một tỉnh lỵ kế bên Sài, giáp ranh với Cam và tự hào với hai cửa khẩu kinh tế, hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam, và sừng sững kia là ngọn núi cao nhất cả vùng, bữa đi chùa, cũng lại thấy nước mắt muốn rơi khi người ta đang ngày ngày nổ bom phá núi! Im lặng để nghe tiếng lòng mình khóc tửng từng tưng mà không hay, không biết!
Cậu thứ mười một hơn hai chục năm vẫn ròng rã ngày ngày đến chợ, đi qua cái thuở chợ chưa bị đập ra xây trung tâm thương mại, từ buổi đầu ra đấu giá chân giữ xe lơ ngơ láo ngáo bị người ta đánh về nhà nằm rên ư ử, rồi qua buổi chợ tàn cậu trở thành một trong những người đầu mối măng tre của chợ Hoa. Đã hơn tám năm kể từ ngày mất đi liên lạc với bà cụ già bán sách báo cũ bên thềm chợ mé cửa sáu, và nhà bạn ta, lòng vòng quanh chợ giờ cũng đã xênh xang lên ba tấm mất tiêu rồi! Cái chợ vẫn còn là một đại công trường, với một bên, nửa hình bát quái, nham nhở dấu vết thời gian – dù chỉ mới tám năm, với một bên còn lại là đồng không quạnh vắng, xác xơ ô dù của những người bám chợ! Chiều nay ngồi trên xe chạy vòng xuống Sài ngang qua hiên chợ cũ, thấy buồn và thương quá xá!
Và nhiều khi ghét bản thân mình ghê ghớm, thương và nhớ đến thế, mà những chữ rơi ra, chỉ tải được những điều như thế này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét