Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Nơi cất giữ ký ức tuổi thơ tôi!

Tôi có ba điều tự hào về bản thân mình: thứ nhất, tôi có được một người mẹ tuyệt vời, ủng hộ tôi hết mình, trong mọi chuyện, nhưng cũng cực kỳ nghiêm khắc, sẵn sàng cho tôi ăn bộp tai, cho đến thời điểm bây giờ, tôi 22 tuổi! Thứ hai: tôi sở hữu một bộ Harry Potter hoành tráng, nghĩa là đầy kỷ niệm ấy, từ hồi tôi còn là một đứa nhóc học lớp sáu ngơ ngáo, chữ xấu hoắc, đến tận bây giờ, nét chữ cứng cỏi, nhiều người khen đẹp, và cũng đầy nhóc người chê xấu, một người bạn cũ, đặc biệt! Thứ ba: tôi tiếp xúc với báo chí khá sớm, và điều ấy khiến tôi tự hào, so với các bạn cùng trang lứa với mình!


Tôi đọc báo rất sớm, sớm lắm! Đọc báo Đỏ từ lúc học lớp 2, mỗi tuần một số báo, ra vào ngày thứ tư, đơn giá còn nhớ mang máng lúc bấy giờ là một ngàn năm trăm đồng một số! Năm lớp ba, bắt đầu đọc song hành báo Đỏ và báo Tím, đọc ké với chị Ba tôi, học lớp mười! Có một điều kỳ lạ là, dù gia đình tôi không ai theo nghiệp bút viết hoặc làm ông này bà nọ, cha má tôi chỉ buôn bán bình thường, anh chị cũng không đeo theo nghiệp học vấn! Nhưng cả nhà ai cũng có máu đọc sách, đọc báo, coi thời sự, coi cải lương chớ không thích mấy chương trình theo kiểu phim thần tượng, song ca cùng thần tượng...! Đó là điều tôi tự hào về gia đình bình dân của mình!

Tôi đang muốn nói đến báo Tím (báo Đỏ để dịp khác, gì chớ cũng phải để dành đất, đặng có chuyện mà đem ra đãi khách đến bờ lau này nữa chớ!).

Chị tôi là một trong số rất ít học trò trường xã ngày xưa chịu bỏ tiền ra mua báo, với giá của một cuốn báo thời điểm năm 1998 là hai ngàn đồng một số, ra hàng tuần, in như vào ngày thứ sáu, không nhớ rõ! Và tôi vẫn còn nhớ số báo đầu tiên tôi đọc, là vào lưng chừng hè, mùa nước nổi, ảnh bìa là hình hai cô gái, mặc áo bà ba, bấp bênh trên cây cầu khỉ, giữa một đồng nước mênh mông, hai bên là hai hàng bạch đàn chạy xuyên suốt, cảnh y chang trong phim Cánh đồng bất tận của chị Tư, khúc cô Mỹ Duyên bỏ nhà theo ghe ông Võ, cặp nách cái giỏ bàng với đôi dép chạy le te trên khúc kinh ngày nước lên! Hình ảnh mộc mạc, đơn giản ấy, đi vào trong trí nhớ của tôi, đến tự bây giờ! Không biết trong những đứa trẻ lớn lên giai đoạn của tôi, có đồng chí nào tiếp xúc với báo Tím, từ những ngày còn nhỏ xíu như thế?

Có một thực tế là thời điểm tôi đọc báo Tím, vẫn chưa có báo Trò xuất hiện trên các sạp báo như bây giờ đâu! Và cá nhân tôi, ở thời điểm đó, cho đến bây giờ, thì báo Trò là một phong cách hoàn toàn khác, theo kiểu Bắc Kỳ, mà tôi hoàn toàn không thể nào chấp nhận nổi. Báo Tím thời kỳ mới ra đời, đặc sệt chất giọng văn chương mơ mộng của lứa tuổi học trò, màu tím bâng khuâng, giấy không mịn không sáng không sang như bây giờ, nhưng chất lượng đúng là số một!

Tôi đọc báo Tím đúng ngay thời điểm đắc địa nhất của bạn. Suy nghĩ đi, cả miền Nam, chỉ có một đầu báo đúng chất tím dành cho tuổi học trò, tập hợp rất nhiều những cây bút tài năng thời bấy giờ, mà mãi đến sau này, còn ghi đậm dấu ấn trong lòng tôi. Nói đến báo Tím, là phải nói đến bút nhóm Vòm me xanh, một bút nhóm văn chương thần tượng của tôi cho đến tận bây giờ! Những trái me, đến giờ tôi vẫn còn nhớ tên như Me Mít Lê Đỗ Quỳnh Hương (chị Q.H dẫn chương trình Thay lời muốn nói, có lần tôi chia sẻ ấy, vì thích chị, mà tôi đâm ra thích luôn chương trình chị dẫn!), Me Địa Gia Bảo (hình như sau này chị chuyển qua làm công tác quản lý, ít thấy chị công tác bên mảng văn chương!), Vàng Anh (con của nhà thơ Chế Lan Viên), Lý Lan, Lưu Thị Lương... Đó là những cây bút tên tuổi, thuộc thế hệ từ bảy lăm đến sau đổi mới. Lớp kế thừa sau đó cũng cực kỳ tài năng với những Bích Khoa, Chu Nguyễn Nhật Quỳnh, Nguyễn Thiên Ngân, Minh Nhựt, Tú Trinh... Đó là những cái tên quen thuộc, mà mỗi bận có tác phẩm của họ đăng trên báo, là những lần tôi lâng lâng ôm tờ báo đọc hoài, đọc hoài. Bạn có tin được rằng mỗi năm tôi đều dành ra những khoảng thời gian nhất định đặng nằm đọc lại hết tất cả những truyền ngắn đăng trên các số báo không? Thực tế đó nói lên rằng, thời điểm đó báo Tím ảnh hưởng đến tôi một cách kỳ lạ, bởi báo hay, và đậm chất Tím!

Ngày xưa báo Tím có rất nhiều đất dành cho mảng văn chương! Có những truyện ngắn lâu lắm rồi mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ! Như Bậc thang của Tú Trinh, truyện ba kỳ Thám tử sân trường của cô Lưu Thị Lương, các truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Thiên Ngân như Trả thù, thằng Khờ nhà thờ con Gà, Như một chuyện tình... Một số bài thơ vui đậm chất học trò như Chuyện công chúa (Em là công chúa vừa ngộ độc / Bởi ăn xí muội của gã khờ / Về nhà sẽ tâu lên hoàng hậu / Để bắt gã đền một bài thơ...). Những mục như truyện rất ngắn cũng hấp dẫn tôi lắm, vẫn còn nhớ truyện xúc động về một tập thể lớp, chia tay nhau sau khi ra trường, nhưng mỗi năm vẫn dành cho nhau một ngày đặng họp mặt lại, tấm khăn trải mặt bàn giáo viên ngày cuối năm được cắt ra mỗi đứa giữ một miếng! Rồi lớp trưởng đi du học, ba năm sau lớp trưởng gặp tai nạn, mất đi! Trong hành lý của bạn, người ta tìm thấy có một mảnh khăn trải bàn! Lớp vẫn họp mặt hằng năm, và vẫn có đầy đủ những gương mặt ấy, với lớp trưởng là mảnh khăn trải bàn làm đại diện! Khi tóm tắt lại nội dung của mẩu truyện này, tôi vẫn còn xao xác rùng mình, xúc động và khiến tôi nhớ mãi! Dễ chừng câu chuyện này đã được đăng trên báo Tím cách đây mười năm!

Những mục khác, mà tôi cũng rất thích! Như Thở cùng cỏ hoa, nghĩa là người viết sẽ viết về những kỷ niệm về một loài hoa mình yêu thích! Tôi biết tên nhiều loại hoa, cũng từ tiểu mục này! Ví như các cuộc thi chụp ảnh vào những năm 1998 cho đến 2000, sau này không còn nữa! Tôi để ý có bạn Lâm Viên, số nào cũng có ảnh đoạt giải! Nội dung của các cuộc thi ảnh thưởng xoay quanh những vấn đề rất thơ, như cảnh đồng áng, rồi cảnh lao động làm việc! Tôi vẫn còn nhớ tấm ảnh về một đám cưới trên đường quê, đi qua một mảng sân nhà ai đang phơi nhang, những mẻ nhang to, đỏ chói, vàng khè sáng cả một góc ảnh, đẹp và ấn tượng vô cùng! Ví như tiểu mục Nhí nhố, chuyên gia đăng những bức ảnh rất học trò, phía dưới là những lời chua rất vui của anh phụ trách! Và dĩ nhiên, tôi nhớ hoài cái hình của một đồng chí sinh viên, ở ký túc xá, trường Kinh tế (chắc ở đường nguyễn Chí Thanh), lâu lắm rồi, đang ngồi giặt đồ, ở trần, xà bông đầy cả thau, dòm rất vui! Còn nhiều tiểu mục khác nữa, mà mỗi lần ngồi nhớ lại, viết ra, lại thấy mình như đang sống lại cả một vùng trời ký ức!

Đặc biệt nhất là theo định kỳ sẽ có một số báo chỉ dành riêng cho các thành viên Bút nhóm Vòm me xanh, đăng các bài viết của các thành viên! Số báo ấy nhất định hay! Tôi thần tượng các anh chị trong bút nhóm lắm! Vẫn còn nhớ số báo có đăng hình tường thuật về chuyến đi chơi, sáng tác của lứa đầu tiên của bút nhóm, ở khu Một thoáng Việt Nam, ở Củ Chi, lối năm 2000. Đăng chung với loạt bài đó là một cuộc thi nho nhỏ, dành cho bạn đọc, là đoán tên các anh chị Me thông qua các bức hình cực kỳ nhí nhố! Tôi vẫn còn nhớ, phải, bởi vì chính từ số báo đó mà tôi đã cố gắng thực hiện mong muốn của mình là đi chơi ở khu Một thoáng Việt Nam. Năm 2000, tôi đã đến Một thoáng Việt Nam, vào những ngày đầu tiên khu du lịch này mới hình thành!

Tôi yêu báo Tím của những ngày báo còn giữ đậm chất Tím của mình! Có bữa rảnh, lên mạng tôi tìm từ khóa Bút nhóm Vòm me xanh, dẫn đến đường link bờ lau nhà anh Hạ, Hanhfuclangthang, anh cũng có một bài viết riêng cho chị Quỳnh Hương, nhưng dính nhiều đến báo Tím và bút nhóm Vòm me! Cảm giác của tôi lúc đó, thiệt tình y chang như gặp được bạn cố niên, một cảm giác hân hoan, vui lắm, sướng lắm! Bởi tìm kiếm cuối cùng cũng gặp được người có cùng chung quan điểm với mình, cùng chung những kỷ niệm rất riêng với mình, về một tờ báo Tím, thời của khó khăn, thời của đói chữ cũng y chang như đói cơm, thời mà ký ức còn mộc mạc, và không có xì tin như bây giờ!

Tôi không còn đọc báo Tím nữa kể từ khi tôi học lớp mười một, thời điểm mà bạn tôi đã có quá chừng đứa bắt đầu ghiền báo Tím, thời điểm mà trên quầy báo đã có thêm Trò làm bạn đồng hành! Nhiều người hỏi tôi vì sao không đọc báo nữa, tôi chỉ im lặng và gật đầu! Bởi vì cũng đủ quá rồi cho một chặng đường từ lớp ba cho đến lớp 11, đi từ những trang viết chân chất học trò đến những trang viết toàn những thứ rác rưởi tuổi teen! Với tôi như vậy là quá đủ, báo Tím đã quá hay rồi!

Trong tủ sách của mình, tôi vẫn còn trân trọng giữ gìn năm chồng báo Tím, cao ngất! Nơi đó có cả một ký ức tuổi thơ tôi!

1 nhận xét:

  1. @ Anh Phạm Quốc Duy: không biết anh dừng đọc báo Tím vào giai đoạn nào, chứ hồi em đọc, thì thường là đều đặn vài tháng sẽ có một số chuyên đăng các tác phẩm của các thành viên bút nhóm Vòm me thôi, những số đó thường đậm chất văn học, giở tờ báo từ đầu đến cuối toàn thơ văn không áh! Còn về hoạt động của Vòm, thì em thấy lúc đầu còn sôi nổi, về sau này hình như ... mất dạng luôn!

    Trả lờiXóa