Nhà ông chủ vừa mới mua một con gà, ban ngày ổng cột dây cho nó đi rông, vòng vòng lẩn quẩn ở một góc nhỏ, tối đến lấy cái lồng, ụp một phát, im re. Thế mà sáng nay, lúc quãng đâu trời tờ mờ sáng, giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng gà! Ơ hờ một trời tiếc nhớ, ngày xưa ở quê, má thường dậy sớm, chạng vạng ba giờ đã lục đục khua nồi nước, và trong vô vàn những giấc chập chờn, nhiều khi tỉnh dậy thấy má, trong xao xác tiếng gà kêu ran mà thương vô cùng tận!
Nhà cũng nuôi gà, chủ yếu để mùng năm tháng năm có thêm nồi cháo gỏi, hoặc giả ra giêng mần con gà trống cúng tất. Gà nhiều thì rình rang đem bán, để mùng năm tháng chín con cái có thêm cái cặp mới, cái áo mới, đôi dép mới tỉnh tò với bạn bè. Rồi đợt cúm gà, đâu quãng năm hai ngàn lẻ mấy, tự nhiên tiếng gà nghe xao xác, rồi lớt đớt mãi đến tận những ngày sau này, ít còn nghe tiếng gà gáy nữa. Má vẫn dậy sớm, chạng vạng ba giờ, nhưng trống lẳng những tiếng gọi ngày!
Tiếng gà ngày cũ khiến cho lòng người thêm đượm! Ông già bà cả nghe tiếng gà xấp xải dậy châm bình trà, bắc ghế đẩu bên cái bàn ngoài hàng hiên mà chiêu ngày, chiêu tháng! Cha cũng đợi tiếng gà, xấp xải xỏ quần dài đi đốt nhang trên bàn thờ. Học trò cũng đợi tiếng gà mà canh giờ đi học! Học buổi sáng, nhiều buổi trời rong mây mù giăng kín ngõ, không thấy mặt người mà chỉ nghe xao xác tiếng gà gọi nhau, tìm nhau! Đài truyền thanh xã in như cũng đợi tiếng gà, là tò te tí te bật cái radio "Đây là tiếng nói Việt Nam...". Hình như in đậm sâu trong tâm trí chính là những câu nói muôn đời, muôn thuở ấy. Thương ghê lắm những buổi âm ỉ nằm trên giường, trùm mền nghe đài phát thanh phát qua cái loa ì ò rọt rẹt. Tình yêu quê hương cũng khởi nguồn từ chính những bài cải lương được phát ra từ cái loa phóng thanh ấy, từ những tiếng gà gọi ngày, gọi tháng ấy!
Độ rày chị Ba bắt đầu gầy lại đàn gà, để em trai mỗi bận về quê có chút đỉnh thức đem ra đãi! Trưa buồn buồn nhiều khi nghe tiếng gà cục tác, cục tác sắp đẻ mà cơ hồ nhớ ngày xưa, mỗi lúc trưa, điên tiết làm sao khi nghe cái âm thanh vồn vã ấy! Nhưng bây giờ, thiệt tình có tìm hoài, tìm mãi cũng có còn đâu những âm thanh đã trở thành đặc sản của những đồng vọng xa xăm. Gà người ta tập trung thành trang trại, đất cũng không còn nhiều để trước mẹ sau con, cả bầy gà cùng xăm xới đất. Gà ta ăn mỗi ngày là gà đông lạnh, bao giờ cũng có, bao nhiêu cũng có. Riết rồi muốn nghe một tiếng gà gáy cũng phải thảng hoặc, đôi khi, chứ không cần đợi đến giấc hai, ba giờ sáng, gà rổn rảng kêu cho người ta rọt rẹt mở cửa đón ngày.
Con gà nhà ông chủ hóa mới mua về được hai ba bữa, vỗ béo, hôm nay nhà có giỗ, vậy là bị đem đi mần thịt mất rồi!
Tiếng gà không xa lạ như ông nghĩ đâu.. chỉ đơn giản là ông ở TP, nên ít khi nghe được giọng "gà hát" thui.. chứ ở gần nhà tui, cứ 5h sáng là cả "xóm gà" tưng bừng như lễ hội ak.. Nhưng mấy tháng nay tui cũng ít nghe.. đơn giản là vì cứ mỗi tối 11, 12h mới đi ngủ, có đủ giấc đâu mà ság dậy nghe tiếng gà hót nữa... hơi tiếc.. nhưng ngủ dc nhiêu hay bấy nhiêu mà =.="...Còn ông, nếu mún nghe tiếng gà, cứ việc xin ông chủ cho nuôi là okie thui mà ^^.. tới gfiỗ khỏi phải đi mua ^^... Nói vậy chứ, không có tiếng gà thì Việt Nam hk còn là VN nữa đâu.. bởi vs tui thì tiếng gà cũng là một biểu tượg của VN mất rùi ^^..Và nhất là những lúc trưa hè, nằm đung đưa trên võng mà nghe tiếng gà thì cảm thấy mệt mỏi tan biến, thoải mái biết bao...^^:)
Trả lờiXóa