Lần đầu tiên gặp, tôi mừng húm, bảo dì ơi (chứ không phải cô ơi cô à, dân xứ tôi, thường kêu dì, với những ai xa lạ, trạc tuổi má mình, nghe gần và thân thương dữ lắm!) bán cho con mớ đậu đũa! Bà bán hàng bông dòm tôi lạ quắc, nhưng nhìn theo tay chỉ, biết tôi cần mua thức gì. Khi vòng tay đưa tôi, bà thòng theo, năm ngàn đậu bún! Vậy là từ đó, tôi biết được đậu đũa, xứ này, cách Ninh tôi ọt ẹt chừng trăm cây số, mà thành ra một cái tên lạ quắc, y chang ánh nhìn của người bán dành cho tôi, lạ quắc, giọng nói cũng lạ quắc, toàn hĩ, rứa, bèng bẹt lạ tai ghê.
Và tôi lại nhớ tới má. Má tôi dân miền Tây, quê gốc Tiền Giang, đâu quãng năm năm mươi mấy thời thế kỷ trước, ông bà ngoại ù té chống xuồng đèo cả nhà đi chạy giặc, nhưng nguyên nhân sâu xa là chạy cái nghèo, mé ông bà cố cắm sào là đất ngập mặn, đồng không mông quạnh muỗi nhiều mà chỉ thiếu mỗi hơi người, lại gặp thời chiến tranh ly loạn, đành vác cái cột nhà theo xuồng chống đẩy tới đất Ninh. Má tôi rồi lần lượt mấy cậu, dì lần lượt lớn lên và gắn mình với vùng đất Ninh mãi cho đến thế hệ tôi bây giờ. Thời đó, chỗ bây giờ là nhà ngoại, nằm trong khu nôm na là của giặc, nên coi mòi làm ăn cũng dễ dàng. Mà hồi xưa Ninh chia làm hai, một bên là rặc kháng chiến, đâu mé từ phía Châu Thành đổ lên Tân Biên, trên đó có cái chiến khu R, lừng lừng lẫy lẫy. Còn thì từ cái quãng cầu Quang đổ về, là khu của phe bên đấy! Rạch ròi, riêng biệt. Bữa má kể, hồi miền Nam mình giải phóng, má bồng theo dì út dòm ra đường, thấy bộ đội ở đâu đi từ đầu dốc xa dài đến cuối đầu mắt, người nào cũng ốm nhom. Rồi má còn bồi thêm, má tụi bây vậy chứ có công với cách mạng, hồi nhà ông ngoại túng, má là chị lớn nên phải băng rừng, đi buôn đồ lậu. Buôn đồ lậu thời của má không phải như bây giờ, theo kiểu ngồi xe bus từ Ninh lên phố, lâu lâu lại thấy mấy con rô bốt độn thuốc lá tròn căng lặt lè, mà buôn lậu tức là đi tiếp tế cho bộ đội, cho VC. mình trên rừng, trên núi! Má cũng từng ngồi tù, ra khám vì bị bên kia bắt, nhưng má khóc, nói con có biết gì đâu, con còn nhỏ, ở nhà còn má và một bầy em cần nuôi nên liều quá làm đại. Rồi cũng bị bắt vô tù, ngồi đâu dăm ngày thì thả, lúc đó là lúc má tôi chừng mười ba, mười bốn tuổi!
Sau này má còn đi nhiều bận nữa. Tôi hỏi má sao má không theo bộ đội, thì giờ này con má khỏe phải biết! Má nói hông hiểu sao lúc đó, nhất quyết không theo, dù bên này có rủ rê, có hứa cho má đi học làm y tá, nhưng má cứ lắc đầu từ chối, tắp lự một một hai hai bảo nhà tui còn có một đống em, cha má tui già cả, đi như vầy, ai lo. Tiếp tế lương thực thì má vẫn tiếp, đi để mà có gì đó cho cả nhà ngoại hơn chục miệng ăn có cái để lửa bếp được đơm. Thành ra chiến tranh, nhiều khi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân khi mà họ xem đó, thiệt ra, không bằng một góc của những nổi lo khác, như cơm áo, như tình thân ruột rà, như bữa cơm ăn hằng ngày.
Tôi thường tự hào về má mình, dù má không nhiều chữ, nhiều nghĩa! Dù má chỉ là một người buôn bán bình thường! Nhưng người phụ nữ quanh năm buôn gánh bán bưng ấy, đã dạy cho tôi thuộc lòng bản cửu chương trước khi tôi có thể nhẩm tính được những ma trận, xích ma, đạo hàm, mũ logarit... Tôi học chuyên toán cũng vì với má, con trai học toán là tốt nhất, dễ mần ăn (nhưng sau này học xong, tôi quên gần hết ráo, cũng chả thấy ba năm cấp ba, học chuyên toán chi mà giờ này tính delta quên mất tiêu công thức rồi!). Má tuyệt vời vì má, không như những người mẹ khác, đã ru tôi lớn lên bằng những câu hò, điệu ầu ơi cho tôi lớn khôn luôn nồng đượm một tình yêu quê hương đất nước. Má kể tôi nghe những câu ngày xủa ngày xưa, má dạy tôi lớn khôn không bằng những bánh trái ngọt ngon mà bằng những vết lằn roi mỗi khi tôi phạm lỗi. Má dữ đòn để ngày nay tôi nhận ra, mỗi lằn roi của má là vô vàn tình thương của má.
Thật ra khi viết bài này, tôi không dự định viết về má. Tôi định viết về buổi trưa nay, khi đi học về tôi ghé chợ, mua một bó đậu đũa, mà người bán hàng cứ gọi là đậu bún, về nhà, tranh thủ thời gian tôi lấy kéo cắt tẹt tẹt từng bó đậu đữa. Bất chợt nhớ má ngày xưa hay nói, người kiên nhẫn, bao giờ cũng sẽ thành công. Muốn tập kiên nhẫn thôi thì lấy đậu đũa ra lặt, từng cọng từng cọng cơ hồ khiến cho lòng con người ta chậm lại! Còn hơn nửa tiếng đến giờ lăn tiếp vào cuộc sống, tôi bất chợt bỏ kéo, chậm chậm lặt từng cọng đậu đũa, biết được nhiều chỗ bị sâu, loại ra. Và khi kiên nhẫn ngồi làm động tác ấy, bỗng dưng nhớ tới má!
Biết đâu giờ này, má cũng đang ngồi lặt đậu đũa, cho bữa cơm lúc trưa muộn, khi buổi chợ vừa tan!
Người mẹ bao giờ cũng mang đến cho những đứa con của mình nhiều bài học bổ ích.. Xa nhà thì phải nhớ mama thui(nhớ khi má hun mình, đánh mình, ôm mình,đá đít mình _ __"..).. nhưng nhờ nhớ má mà mới nhớ dc bài học của má (có thể).. bởi vậy càng phải trân trọng má hơn ^^. Nói chung, blog ông viết có gì đó khiến tui cảm thấy sợ ngày tui xa mama wá.. chắc lúc đó tốn tiền xe bus khủng lun ak ...=.="...
Trả lờiXóaha ha! Tội nghiệp em tui! Tuần này phải chăm vào blog anh đấy! Lên kế hoạch mỗi ngày một bài rùi, ít nhất là trong tuần này! (Bạn anh bảo anh làm như vậy đấy, cho nó khuây khỏa!)
Trả lờiXóaBạn viết hay và tình quá, càng lúc càng hay
Trả lờiXóaÔng ơi, nghe mà rặt cái mùi sông nước miền Tây. Tưởng tượng ra cái cảnh ông mấy chục năm nữa, mặc quần đùi, bắc võng, miệng ngậm tẩu thuốc gom mấy đứa trẻ trong xóm lại kể chuyện ngày xưa. Cái giọng văn chắc cũng thế này đấy ông ạ.
Trả lờiXóa