Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

NHÀ BÊN SÔNG 2!

Tôi hay ra quãng sông để đôi khi chỉ đơn giản là dòm lục bình trôi, vào giấc chiều, lỡ cỡ mé ba rưỡi bốn giờ, là lúc sông nhộn nhịp, lớp thuyền to thuyền nhỏ lũ lượt chở lá dừa nước, chở cát, chở dừa, chuối… lũ lượt trôi trên sông. Trên đó, dĩ nhiên, óc ách chở cả những phận người!

Có chị gái đôi mươi tóc dài chấm lưng, giọng líu lo chân chất miệt vườn! Chị theo đò từ miệt Bến Tre về đây để bỏ mối dừa. Từ những quầy dừa qua bàn tay thoăn thoắt chuyển từ ghe sang bàn tay những người đàn ông lực lưỡng của chị, tôi thấy có sự te tái nào lưng chừng rơi trên bến sông một chiều ngun ngút nắng. Chị theo ghe đi miên miết, tóc dài đã lé đé thắt lưng mà bàn tay chai chưa vòng đeo nhẫn. Cuộc đời người con gái thương hồ là những sáng dậy nhỏm người ra mép ghe dòm sông thấy gương mặt đứa tóc dài nào đen nhẻm ngúc ngoắc đàu dòm lại, chiều múc nước sông hồ tắm gội, giặt giũ ngay giữa lòng sông. Có đôi lần giữa khoảng dừng, chị cười túc tắc tâm sự nhỏ to với bạn hàng rằng là ba má dưới quê già muốn rụng rún, bỏ ổng bả đi cũng tội nhưng nhỏ lớn theo thuyền, giờ bỏ thuyền biết lấy gì mà ăn! Trái dừa từ bàn tay chị chuyền đi qua khắp trong cùng thành phố!

Ghe đến, ghe đi với những giọng nói, những con người đôi khi làm tôi ngỡ mình đang chảy xuôi giữa quãng sông của một vùng quê miền Tây sông nước nào đó, bởi giữa giấc trưa có câu vọng cổ nào vang lên mướt rượt, không phải những bài theo kiểu “người yêu ơi anh có cùng em…” của cô gái chân dài, tóc uốn lọn bận quần đùi chơi bài vọng cổ mà câu xề xuống nghe thiệt tình quạo đau quạo đớn! Tôi yêu biết mấy bác nông dân cũng bận quần đùi, lưng trần đen thút thít trải bao mưa nắng, giữa khoảng nghỉ chân trong những quẩn quanh của cuộc mưu sinh, bên cây sào chống đẩy ngoài sông hát lên câu vọng! Giọng đục khàn mà thấm ướt cả hồn tôi một tình yêu cuộc sống, sự lạc quan và cả một chút tình của người hoài cổ! Chút dư vị của cuộc sống, có đôi khi chỉ là một tiếng ca nhỏ nhoi cũng bất chợt xao động lòng người!

Tôi hay ơ hờ về những đứa nhỏ theo thuyền, theo ghe bỏ làng, bỏ xóm! Em theo ghe đi biền biệt thế này rồi thời gian nào em dành cho giấy bút, cho tri thức chữ đèn! Và trên quãng sông chỗ tôi, cứ chiều chiều ra dòm lục bình, thấy thuyền đi ngang là sẽ dòm thấy biết bao em gái, em trai tuổi còn lún phún trẻ thơ ra nép mạn thuyền man mác nhìn về hướng đất! Chắc là do tôi tưởng tượng chứ em có biết gì đâu, cha mẹ cũng cả đời lênh đênh sông nước, cuộc sống thương hồ không cho phép những đời thường nơi phía đất bon chen! Và em, bắt buộc phải theo mẹ theo cha chứ không lẽ bơ vơ tìm đèn, tìm chữ nơi đất một mình! Giao thông đường thủy là một thành phần kinh tế nền quan trọng, nếu không có những thuyền ghe xuôi ngược đó, chắc ăn hầu bao kinh tế sẽ nghiêm trọng thất thu! Vậy nên tôi chiều chiều lại ra dòm sông, nhìn thấy em đấy, nhưng rồi tôi cũng khẽ khàng nghĩ về hướng khác, ở một nơi mà tôi thấy em cắp sách đến trường, và mỗi độ hè sang em lại theo thuyền đi cùng trời cuối bãi, góc cuối ghe lấp ló những sách vở chữ đèn!

Không sinh ra và lớn lên ở một vùng đất phù sa nồng hậu, tôi ao ước được một lần theo ghe xuôi về những cồn bãi hào sảng ấy. Để nghe tiếng vịt chạy đồng mỗi bận hè sang, để lụm bỏ túi trái bần rơi rụng giữa một khoảng sông, để được nghe tiếng con bìm bịp kêu giữa chiều hung gió, để thổn thức đôi bờ trước cây cầu khỉ lắc lẻo khềnh khang! Để giữa trưa tòn ten cánh võng nghe câu xề nức nở. Tôi ơ hờ, ơ hờ! Bởi lẽ khoảng sông chỗ nhà thiếu chút nữa đã thành một bờ sông Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ nào đó, nếu không có những cặp đôi chiều chiều gió mát rủ nhau tìm bãi đáp, có nhà cao thiệt là cao ở tít tắp bờ kia, có wifi chạy ầm ào để tôi online chiều chiều sáng sáng, có rác trôi đầy sông để trẻ con đôi khi tắm lên mà cả ngày sau ngứa ngáy! Tôi thiếu chút nữa bần thần khi lâu lâu chợt dòm thấy con cá rô nhỏ xíu, ghẻ chóc đầy mình lượn lờ bờ sông, bởi mặc nhiên tôi nghĩ rằng sông này mà cũng còn có cá để thành sông nữa à!

Sống chỗ này mà mơ về chỗ khác, thiệt tình đúng là mơ mộng hão quá đáng! Tuy nhiên, cuộc đời là phải biết bay lên, như bộ phim hoạt họa tôi mới được coi! Phải chi, đời như hoạt họa, hay phải biết!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét