Yêu đám bình bát mọc lé đé cầu cá dồ mé ruộng. Cả tuổi thơ gắn liền với thứ trái dân dã, mộc mạc này! Bình bát thì nhiều, mà trẻ con quê nghèo còn nhiều hơn. Thế nên mỗi bận phải canh me, chờ trưa trời trưa trật mới lén phén đi bẻ bình bát, giành giật từng trái với lũ xóm ruộng, xóm chổi, xóm cần xé... Rôm rốp những niềm vui với cái thứ trái thuộc họ mãng cầu, ăn có vị ngọt ngọt, thanh thanh, sạch ruột, mà có điều hột nhiều quá, hồi nhỏ khùng hết sức toàn ăn nhả hết hột ra, ăn một trái bằng người ta ăn tám trái! Thế nên bữa hè năm trước, lúc chạy ngang qua cầu ao ngày cũ, rơi rớt một mớ nỗi buồn khi xơ xác đám bình bát tuổi thơ. Quãng đó người ta đổ đất, cất lên mấy căn nhà, trẻ con chạy loanh quoanh mấy gốc cây còn trơ trọi bên cái sân ngày xưa là cái bờ ao cá dồ. Bình bát về đâu, tuổi thơ cùng trôi miên miết về đâu!
Yêu đám ruộng gần nhà, mọc lên nào là rau đắng, lúa, rau răm, ngò gai, dấp cá... Có những chiều mấy anh em rủ rê xuống ruộng kiếm cua, thấy cái lỗ nào lấp ló bờ ruộng là nghĩ ngay có cua trong đó, nhưng hông đứa nào dám thọc tay vào, lỡ có con rắn, nó cắn một phát là te tua cả bàn tay! RUộng gần nhà nong đầy những bữa thả diều, diều no gió còn tuổi thơ no cả những niềm vui! Lớn lên từ tuộng nên biết con cá bảy trầu đá cũng dữ lắm, con nhà nghèo hổng có tiền mua cá lia thia nên tạm thỏa mãn bằng thứ cá dân điền này cũng được. Dân gần ruộng nên biết được là để làm nên hạt lúa người ta phải trải những mưa nắng, nhọc nhằn! Mồ hôi người ta rơi cho bữa cơm trắng thơm hạt gạo! Nhưng hổm rày tự dưng buồn, vì đọc báo thấy tội ông nông dân hết sức, cơ cực là thế mà bữa lúa làm ra, đem rao bán thì bị tụi dân buôn nó ép giá! Nông dân nên có biết thông tin bất đối xứng là gì đâu, bị tụi đầu cơ hùa nhau làm giá này nọ! Rồi thì người ta hả hê đem mồ hôi của người khác đem đổi ra ngoại tệ. Lúa gạo Việt Nam ngày càng tìm được mối xộp, nhưng dòm qua dòm lại chỉ thấy dân mình khổ! Thế nên bữa kia đi qua ruộng gần nhà, thấy mọc lên quán cơm tấm! Ông chủ bỏ cày, bỏ ruộng đi bán cơm. Ổng tí toáy, tui bỏ nghề, bán mấy miếng ruộng rồi mở tiệm bán coi mòi đỡ cực mà cũng có đồng vô đồng ra! Mừng cho ông nông dân bỏ ruộng mà tự nhiên te tái cả một vùng trời lộng gió ngày nào! Đám ruộng gần nhà giờ cũng tấp nập mấy quán cà phê, nước mía đội lên thớ đất trũng nước! Ơ hờ cả một tuổi thơ!
Yêu bờ kinh hồi nào hay thọc chân quậy nước! Nhiều khi còn bị cá lòng tong rỉa chân! Bờ kinh nối Hòa Thành với thị xã, quãng dốc Ao Hồ chạy lên! Ngày xưa nước trong và nhiêu cá lắm! Trưa hay đội nắng vác cần câu lên bờ kinh, quãng mọc um tùm mấy cội sung lơ thơ trái, mát ơi là mát quẳng cần kiếm cá! Dọc bờ kinh là con đường đất, cỏ rỉa hổng thấy đường đi! Chạy theo con đường ấy là ngút ngàn ruộng lúa, có quãng cò về đậu rợp cả một khúc kinh! Hồi đó thấy cò sợ nó bay tới mổ cho lòi mắt, nên thấy cái mỏ con cò là né! Coi cải lương nên biết được chỗ nào cò ỉa nhiều là có nhiều cá, vừa có cò vừa có nhiều cá, đó là dòng kinh trong trẻo gần nhà! Nhưng lại tiếp tục lừng khừng, bữa chạy qua bờ kinh lấy tay che mặt, che mũi! Trời ơi sao mà dạo này hổng tắm hay sao mà cả một mùi khủng khiếp! Nước kinh đen thui mà cứ tưởng đâu nước mắt mình đang chảy. Nghe đâu phía thượng nguồn mấy thằng nhà máy mới mọc lên mấy năm, thấy con nhỏ kinh hiền nên đè đầu ăn hiếp khiến con nhỏ te tua tàn tạ! Môi trường sống báo động mà ngày qua ngày người ta cứ vô tư đổ lên đầu nhỏ kinh bao nhiêu là nước thải, xác chó chết, băng vệ sinh... Thế nên, con nhỏ kinh bây giờ hết còn dòm ra, chưa già mà mặt con nhỏ nhăn nheo, da thì sần sủi nổi mụn quá đỗi! Con nhỏ không thèm nuôi cá nữa, thằng cá hết chỗ chơi nên rủ nhau ngủm củ tỏi! Hối tiếc!
Hết thèm yêu vì hình như yêu cái gì là cái đó bị người ta hè nhau đàn áp! Thôi thì đổi qua yêu cái thằng đô thị hóa, con nhỏ ô nhiểm môi trường, bà bầu vi khuẩn, ông cố nội bội bạc tình người... để cho tụi này bị đàn áp! Đấy, ai nói cuộc đời này đẹp lắm! Gì đâu mà toàn lấy đi những gì người ta yêu, người ta quý! Là sao? Là sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét