Biết đâu, rồi thì một bữa tềnh tang đi tìm ký ức, từ những ngai ngái đồng rạ ngày cũ, bạn bất chợt nhận ra mình có bạn đồng hành!
Kiểu như bốn năm xuống Sài học đại học, những tháng cuối cùng, bạn trăn trở xếp gọn đồ đạc, của nả đem về nhà. Có cả đời để đi xa, để nhớ về ngôi nhà nhỏ ấy, nhưng chỉ có vài ba tháng, đặng sống trọn với má, với gia đình! Rồi những khoảng rôi rãi, bạn xách chiếc máy ảnh, lộc ngộc trên chiếc xe máy vạn dặm đường xa, lần hồi tìm về những ký ức xưa cũ, quãng bạn còn sáng sáng chiều chiều đạp xe tơi bời đến lớp. Nhà bạn cách trường xa, khiến cho con đường bạn đến lớp, giờ muốn đi thăm lại, cũng phải mất đến ba bốn bữa rôi rãi nữa kìa!
Bạn mừng muốn khóc khi gặp lại những nếp nhà mếu máu ngói âm dương, tường vôi cột gỗ nằm im lìm trong con hẻm nhỏ, chỗ mà ngày xưa bạn hay tềnh tang đạp xe đi về. Những ngày mà con đường quen bạn hay đi học đang được người ta cày xéo, sửa chữa, mở rộng ra thành đường lộ lớn. Những góc nhà im, lắng nghe tiếng bạn bước qua âm thầm mà ngỡ là mỗi tiếng ơ hờ mời gọi, bạn tôi kìa, bạn cũ của tôi kìa! Bạn thích quãng hẻm nhỏ ấy lắm, bởi con hẻm nhỏ, nên nếp nghĩ, nếp đời dường như vẫn còn thốc mái với những nhọc nhằn xưa cũ. Người ta chưa kịp vội đập đổ căn nhà mái ngói âm dương đi để xây lên những vòng tường quây trì kéo tình làng xóm, đặng tiếng gọi giữa ban trưa hàng xóm ơi ghé tôi chơi không bị bíu ríu bước tường xa, đặng chén chè, tô cháo mỗi bận nhà bên mần ăn chơi, có cớ mà rộn ràng đem qua cho hàng xóm mình ăn lấy thảo. Bạn khoái cái không gian ngang tàng, không cần vách, không cần những thước dây kẽm gai xa cách. Bạn níu kéo những nhọc nhằn xưa cũ bởi bạn đã lỡ lậm thương mất rồi cái không gian văn hóa thiêng liêng của mảnh đất Nam Bộ cỏ ấu đồng lau, của mái ngói liu xiu, thập thò bên hàng hiên lé đé tiếng gà kêu đâm tan nát ký ức tuổi thơ của bạn bằng bằng thương, bằng nhớ! Và căn hẻm nhỏ nơi bạn đi qua, may quá, vẫn còn kha khá những mái ngói. Bạn vui!
Bạn lần giở từng mẻ ký ức qua vòng quay bánh xe đưa bạn về lại những bước đường ngày cũ! Bạn bắt đầu ra huyện, học ngôi trường trong chùa có những gốc phượng già heo hắt đậm nét thời gian trong chính cái không gian trường còn ơ hờ nào kèo, nào cột, vách ngăn giữa các dãy lớp dựng bằng bồ, máy quạt kiểu nhà binh chạy ò e làm nền cho lớp học. Nơi đó chứng kiến bạn lớn lên, chứng kiện bạn ra đi, và mong ngóng bạn trở về. Đường bạn đến trường, được định vị bằng xóm cần xé, xóm chổi, xóm bánh tráng, xóm gò thùng, xóm rế, xóm nhà lầu, chợ và trường. Bữa bạn lượn một vòng, và ơ hờ rơi trong một trời nhớ! Xóm cần xé, tức là xóm nhà bạn, đón bạn vẫn với những vòng mê đương cần xé còn tươi phớn, tiếng đạp bồ chan chát, tiếng máy nổ giòn thay cho những bước thủ công chẻ nan tre những ngày chưa xa ngái. Bạn thích cái cảm giác trời chuyển dần về chiều và người ta tranh thủ đương cho hết đường vòng cái cần xé dở dang. Xóm nghèo, chỉ có mỗi nghề cần xé đặng câu cơm!
Xóm chổi ngày bạn còn đi học, đón bạn bằng những mùa nắng mới lên, hanh hao những mẻ cỏ đang được người ta phơi khô. Dân xóm chổi giờ giàu, đổi đời nhờ con đường bắt qua xóm được mở rộng, tiền đền bù đất khiến cho người ta dựng lên những nếp nhà mới, chuyển đổi nghề nghiệp canh tác sang mở quán cơm, mở tiệm nét, mở tiệm điện thoại di động. Chưa có xóm nào mà nhiều người con gái để tóc dài chấm lưng nhiều như xóm chổi, và ám ảnh ngày xưa đối với bạn về xóm chổi ngày ấy giờ đã bị đổi khác. Lứa xuân thì con gái tóc dài ngày xưa lớn lên, chồng con trĩu oằn đôi gánh, mái tóc bị cắt bỏ đi. Và lứa con gái bây giờ, xơ xác, tóc…
Bạn biết nhiều làng nghề trong quãng từ nhà bạn đến trường. Chứ mà thật ra là tại cái tính của bạn, khoái níu kéo, khoái cảm cho hết những phong vị ngái ngày xưa. Bạn chọn cho mình một quãng hành trình dài hơn, vô lý hơn để đi qua cho hết xóm làm cẩn xé, xóm chổi, xóm làm rế nhắc nồi cơm, xóm làm bàn ghế giường chõng nôi em bé bằng tre, xóm làm nhang hay bưng cả vạt đường đặng phơi lá gòn, xóm nhỏ còn xót lại có một ông bác già bụng phệ đe đập suốt ngày với bếp lò than đỏ lửa đặng rèn ra mấy vật dụng bằng sắt mà bạn đã tự phong luôn là xóm rèn – dù cả quãng ấy chỉ có mỗi một nhà còn sót lại lò lửa sắt nung mà thôi! Bạn thích, bạn thương, bạn khoái, bạn níu kéo, bạn vui, bạn buồn! Lò rèn bữa qua đi ngang vẫn còn đỏ lửa, ông bác bụng phệ nhưng coi mòi đã yếu hơn xưa, nhát đe bổ xuống đã bớt ngang tàng hơn, và rồi dăm bữa nữa đây, khi bạn đi qua không biết có còn nghe tiếng búa?
Rồi xóm cần xé nhà bạn, người ta sẽ còn giữ nghề nữa đấy! Nhưng rồi liệu nghề có đủ để nuôi người hay không? Khi mà người ta đã lâu rồi không còn quen dùng nữa những thứ vật liệu thiên nhiên làm nên từ đôi bàn tay của người thợ ân cần đổi ngày đổi tháng bằng những tre nứa nang ong hay không? Bạn nghi lắm, xăng điện các thứ đã lên giá hết trơn rồi!
Bạn thuộc tuýp người hoài cổ! Nên chắc là bạn sẽ khóc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét