Dưới mỗi chái nhà, thì thầm kể những câu chuyện, chỉ riêng nhà mình biết, mà thôi!
Ông nội ngày xưa, lúc còn sống, làm đạo, chức trưởng thập nhị gia! Không phải Thông sự, Phó sự, Chánh sự như các chức vụ bây giờ. Ngày xưa mỗi họ đạo dậm dài dậm dặc, xa lơ lắc mới có một vài nóc nhà tranh, thì lấy đủ đâu ra mà lập thành một hương đạo như bây giờ. Ông làm chức trưởng thập nhị gia, kiểu như lo chuyện đạo sự cho trong vòng mười hai nóc nhà đó! Bây giờ chức này không còn, bởi lẽ đầy nhóc nhà hết trơn, chuyện đạo sự trả về cho ông Chánh, ông Phó, ông Thông, nên nghe cụm "trưởng thập nhị gia", nhiều người đạo Đài, chắc cơ hồ còn thấy lạ!
Ông còn làm nghề, nôm na là thầy phán, thầy bói, coi chuyện cất nhà, coi đường hướng, lập đàn, cho thuốc đặng trừ tà ma! Ngày còn nhỏ, nhớ có lần dòm thấy ông cầm cái mu rùa, bỏ mấy đồng cắc, thảy lên cái dĩa! Ký ức về nghề của ông, nói chung là rấm rứt và te he như cột nhà bị cháy, còn trơ lại cái cột! Chuyện kể về ông, có bận đi Kỳ Siêng thăm người thân, về gần tới gốc cây gòn đầu hẻm nhà bà Tám - má chồng của Dì Mười, thì bị ma nắm rịt cái yên sau xe đòn dông mà kéo lại, không cho đi! Ông bắt ấn, rồi dõng dạc hô: Bây có thả tao ra không? Rồi tỉnh bơ đạp xe đi, như không hề hấn gì! Chuyện nghe kể, tới giờ vẫn chưa biết hư thực, nhưng đầu hẻm gốc cây gòn ấy, giờ người ta mở lộ lớn, nhưng người ở lâu, quỡn quỡn ngồi nhổ tóc sâu, lại thì thầm kể lại nhau nghe chuyện về gốc cây gòn linh thiêng đầy hồn ma bóng quế!
Ngày ông mất, thằng nhỏ mới có năm tuổi! Nên ký ức nhiều khi nhạt nhòa, chỉ nhớ mỗi cái dáng cao cao, nhớ chòm râu lơ thơ, nhớ đôi mắt hoảnh sâu, cái đầu bạc trắng theo kiểu tiên ông đạo cốt, cái nón kiểu thầy cò ngày xưa, rồi cái xe đạp đòn dông mà hồi quãng đó hổng biết bao giờ mới ngồi lên yên được! Còn nhỏ quá nên ký ức thương yêu này nọ không nói được thành câu, nói ra thành ra sến! Năm tuổi, thiệt tình là cái đám ma con cào cào bị thằng nhỏ chun đít đào cái hốc tí teo rồi khóc tí tửng tò te nhiều khi còn vui hơn là đám tang của ông! Ngày ông mất, trời mưa!
Lúc còn sống, ông có nói là khi nào ông chết, ông sẽ cố gắng canh ngay cái ngày bà nội mất đặng cho con cháu mơi mốt có làm đám giỗ khỏi cực, khỏi phải mỗi năm hai bận gói bánh, cúng quẫy này nọ kia! Rồi y chang, chiều hôm qua thiên thường, đăng đăng đê đê chạy le te quanh nồi bánh ít đang lăn tăn chín, thì ông nội trở mình, nửa đêm thì mất! Mấy năm sau đó, cứ đám giỗ bà, là ngay chóc đám giỗ của ông! Đời nhiều khi bất ngờ thiệt!
Rồi thì con cháu cũng phải lo nghĩ chớ! Bởi người ngoài thì không biết thì thôi, chớ trong nhà có ai theo nghề thầy pháp, là coi như mãn đời, phải có con, cháu chính dòng tiếp tục theo nghề đó, sống chết cũng phải theo nghề! Không thì coi như con cháu muốt kiếp làm ăn không lên, bệnh tật lai rai, nôm na theo kiểu, bị nghề vật! Thì đó, cả nhà bên nội cũng đã đủ chuyện đặng khỏi cần thêm tí màu sắc huyền bí, thì cũng đã đủ để nổi hết cả da gà! Cô Út sống được thời con gái, bữa trở mình, bị người ta nhập vô, rồi té giếng, rồi mất, trước cả ngày thằng nhỏ ra đời, trước cả ngày ông nội mất!
Chú Bảy, em của cha, thì dĩ nhiên, con út, sống chết gì cũng sẽ được ở căn nhà tổ! Chú sẽ nối nghiệp ông, mà theo nghề thầy phán! Chú cũng làm đạo, cha cũng làm đạo! Nhưng nói chung, em của ông nội, ông thứ sáu - nội thứ năm, lại bẻ quặt lại thế cờ! Ông sáu tiếp tục làm thay nội cái nghề coi ngày đám cưới, coi hướng đặt ông táo, cho cái phép đặng mần ăn phát tới... Mấy năm ông nội mới mất, ông Sáu thường đạp xe một mình, tuốt trên Kỳ Siêng về, sáng đạp tới hửng nắng, là tới, chiều tà tà đạp về, cái dáng liêu xiêu dòm y chang ông nội! Cái nghiệp phải nối tiếp tiếp bên nhà coi nhà rẽ ngang qua mé bên kia, con cháu bên đây cũng bớt phải lo sợ!
Rồi thì mấy dạo gần đây, ông Sáu yếu, không đạp xe nổi nữa! Rồi nghe bảo phép của ông cũng bớt hay! Rồi thì cũng có đứa cháu lên thay, cũng lại đi coi ngày, coi tháng. Nhưng nói chung, nghề bây giờ, cũng quá chừng điều tiếng!
Năm 1994 ông nội mất, đến nay đã xấp xải gần hai chục năm, cũng bằng đó năm thằng nhỏ lớn lên, và kể lại chuyện của nhà mình, bằng chỉ có được nhiêu thôi hè!
Nè nhỏ em,
Trả lờiXóaĐọc bài của em, xong cho chị Đá góp ý nha:
Thứ nhất, cái chức của ông nội nhỏ em, xưa gọi là Liên gia trưởng. Trước ngày giải phóg, lúc đó mi còn tí teo, hông biết ra đời chưa, có lệ cúng liên gia. Chiều nào mỗi nhà cũng cắt cử một người đi cúng thời Dậu ở nhà khác, luân phiên cho hết 12 nhà. Một Hương đạo có 25 liên gia, tức khoảng 300 nóc gia, có bàn tri sự quản lý cái hương đạo đó, gồm hai Chánh sự nam nữ, hai phó sự, hai thông sự (chớ không phải đợi tới bây giờ nghe chưa?) Một họ đạo có 15 hương đạo như vậy, cúng kính chung một thánh thất/điện thờ phật mẫu được xây dựng tại địa phương.
Thứ hai, cái nơi ông Sáu ở, đó là Cầy xiêng chớ hông phải Kỳ xiêng đâu nha. Sửa lại đi rồi cất luôn cái comment này của chị Đá.
Thân mến,