Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Thụt ống thụt!

Một trong những trò mà ngày còn nhỏ, lớp năm đổ xuống, mà tụi con nít chung xóm với tôi – cũng toàn anh, chị, em họ hàng hết thảy đều mê, là bắn ống thụt! Không có một mùa, hoặc bất cứ một giới hạn thời gian nào đặng báo hiệu cho chúng tôi biết rằng là đến mùa bắn ống thụt rồi đấy, kiểu như tháng hai, tháng ba lúc lúa đồng gặt xong còn trơ gốc rạ, là xắp xải rứt giấy trắng học trò, kiếm trúc, vót nan đặng làm diều để chiều chạy tềnh tang với gió! Bắn ống thụt, chỉ cần có hứng, là cả đám năm, mười, mười mấy đứa rủ nhau đi chặt tầm vong, bày biện thêm trúc, đặng làm ống thụt! Rồi thế nào chiều hôm đó cũng sẽ chia phe rượt nhau chạy té khói! Trò bắn ống thụt, là một trong vô số trò chơi ngày nhỏ, mà đến giờ, năm cuối đại học rồi, mà tôi vẫn cứ thường tha thiết mà nhớ, mà mong, mà thèm đến độ nhức hết cả đầu chân tóc cũng chỉ để được một lần được cùng những gương mặt anh, chị em, bạn bè cùng xóm ngày cũ chơi lại! Và thì rồi cũng sẽ rượt nhau chạy té khói mà thôi!

Ống thụt đơn giản nhất được làm từ tầm vông, thứ tầm vông vừa trở già, cái lỗ ở giữa thân vừa đủ lớn, không nhỏ quá, không lớn quá, để có thể đút vừa cây trỏ, vót từ một khúc tầm vông khác, đặng làm cái chồi đẩy đạn! Tầm vông chỗ tôi không thiếu, đã nhiều lần bảo rồi mà, xóm cần xé, thiếu nhà lầu, thiếu xe hơi, thiếu đường trải nhựa, bê tông chạy dài tít tắp chứ mấy thứ quê mùa, cục mịch giữ làng, giữ xóm, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín như tre, tầm vông, trúc thì nhiều vô số kể! Chỉ cần ra sau nhà, ghé lại bên bờ hiên nhà hàng xóm, xách theo con dao phay, chặt lấy một cây tầm vông, đem về chặt ra thành tám, chín khúc, là coi bộ cũng đủ cho ba, bốn đứa chụm chung lại làm thành một tụ!

Tầm vông chặt xong rồi, khỏi cần đem phơi hay xử lý chi ráo! Chỉ cần chặt lấy sao cho một khúc có hai mắc, rồi khúc đó chặt làm hai, khúc dưới làm cán, ngắn độ chừng nửa gang tay, đảm bảo phải có chứa khúc mắc tầm vông, vừa vặn sao cho cầm thụt thoải mái, hổng bị hụt tay, hay vướng víu! Khúc cán đó được lắp vô bằng một cây trỏ, trổ ra từ một khúc tầm vông khác, phải chịu lực được và cứng, đặng khi thụt ra thụt vô, không bị gãy, giữa chừng cuộc chiến mà cây trỏ gãy là cầm như cháy nhà, bị quân địch tấn công coi mòi banh cả cái mặt mà vẫn không có đường phản công lại, vũ khí đã bị hư hỏng mất tiêu rồi còn gì! Thường thì cái lỗ của khúc cán cầm ống thụt với cây trỏ không có khớp với nhau, cho nên mấy miếng mạt cưa, đẽo ra lúc vót cây trỏ sẽ được tôi gia cố vô trong gốc, lèn chặt đặng tránh trường hợp cây trỏ bị sút cán, trường hợp này cũng coi mòi đau thương không kém gì vũ khí bị gãy giữa chừng cuộc chiến! Đã xong cái cán ống thụt, thì quay qua mần tiếp tới phần bao ống thụt, tức là khúc tầm vong còn lại! Phần này dễ, chỉ cần vót sao cho cây trỏ ra vô vừa khít với cái lỗ của khúc tầm vong bao này là được! Khúc này cũng giữ vai trò quan trọng lắm, vì nếu như đạn dược mà không đút vừa ống thụt, khi đạn bự quá, hoặc khi đạn nhỏ quá, đút vô là trọt lót là cũng coi như thua trước khi rút súng! Vũ khí đến đây coi như xong, và loại ống thụt này, là theo kiểu đơn giản nhứt nhứt nhứt, mà tôi nghĩ, thằng nhỏ dở ẹt mấy cái trò làm ống thụt, làm cà kheo (hay sứt càng, gãy cán giữa chừng), làm diều giấy (chết bỏ, làm xong mà thả hoài hổng chịu lên, hoặc muốn lên phải bứt mấy nhánh cây, thắt vô cái đuôi cho nó đừng chinh thì diều mới bay được!) mà còn làm loại ống thụt này được, thì ắt hẳn là, ai cũng có thể làm được!

Tuy nhiên, đã bảo là ống thụt là một trò chơi vạn người khoái, thì việc gia cố, sản xuất ra những loại vũ khí hiện đại hơn, cao cấp hơn là một thực tế khách quan của tụi con nít xóm tôi, hoặc ở những bờ tre, gốc lúa khác, mà tôi không biết! Tụi nó hay lắm, không đơn giản như tôi chỉ xài mỗi loại ống thụt làm xong chỉ trong chừng ba, bốn phút! Tụi nó chặt thêm một lóng trúc, ống thục bằng tầm vông làm y chang như khúc tôi đã hướng dẫn phía trên! Rồi ở phần bao ống thục, tụi nó khoét một lỗ sao cho nhét cái lóng trúc vừa y thì được! Mục đích của cái lóng trúc này là kiểu như cái ống khói, để tiếp tế đạn dược! Nếu như loại ống thụt đơn giản, dễ làm phía trên không tiện vì mỗi bận chỉ bắn được một viên đạn mà thôi, tốn thêm thời gian bỏ đạn vô ngòi ống thục nữa, thì ống thục dạng súng máy này mỗi lần vô trận, chỉ cần bỏ vô lóng trúc một nắm đạn, là cứ bắn lai rai, tiếp tiếp tiếp, đạn lọt xuống khe, vô lỗ bắn, thế là vô tư! Chỗ tiếp đạn cũng dễ dàng nữa, không tốn nhiều thời gian nhét vô cái lỗ của ống thục! Tóm lại là loại này tôi cũng biết làm, nhưng không thích, vì bắn tàn ác dữ dội lắm, với lại, tôi thuộc loại làm đồ chơi dở, nếu làm, thì cũng không phát huy hết được tác dụng của ống thụt máy loại này, nên để cho ăn chắc mặc bền, tôi thường xài cái loại ống thục một ống kia!

Tiếp tới là vấn đề đạn dược! Tôi khoái vụ này lắm, vì phải đi xuống sông, xuống ruộng, lên rừng để kiếm, và đứa nào lanh, thì kiếm được nhiều đạn, trữ nhiều, thì phần thắng sẽ nhiều, thường thì tôi nằm trong tốp mấy đứa phá cây diệt loài dữ dội nhất! Kiếm được kho vũ khí nào là tôi tàn sát dã man luôn! Chơi ống thụt, vui vì được dí nhau chạy thoải mái, lại thêm trò núp núp, ló ló, kết hợp giống như chơi năm mười, lại có cả chơi thùng binh! Đặc biệt, kèm theo là tiếng súng nổ đì đùng từ những kiểu đạn dược chơi ống thụt! Thế nên, khi nói về trò chơi ống thụt, phải kể đến những tiếng kêu, phát ra từ những kiểu đạn!

Đạn của ống thụt cực kỳ đa dạng! Dở nhất là giấy! Cái này thuộc về trường hợp kiểu như ghiền chơi quá, mà các thể loại đạn dược khác (tôi sẽ kể sau) không còn nữa, hoặc đã bị chúng tôi sử dụng hết rồi, thì mới họa hoằn sử dụng đến! Giấy học trò, đem nhúng nước, rồi vo tròn lại sao cho nhét vừa lỗ ống thụt! Đạn bắn ra bét nhè, không đau bằng khi cũng dùng giấy, nhưng xếp lại nhỏ nhỏ rồi lấy thun bắn ra, có lẽ do lực của ống thụt không linh hoạt bằng sợi thun! Không hiểu tại sao lại là đem giấy đi nhúng nước, vì bây giờ tôi nghĩ là cứ lấy giấy khô vo tròn lại, bắn cũng được mà! Nhưng thời thế nó như vậy, hễ đạn bằng giấy, là y như rằng đám tụi tôi sẽ đem nhúng nước, vo tròn, rồi bắn! Dở ẹt!

Một thể loại đạn dược khác, thuộc loại phổ biến, dễ tìm nhứt mà cũng được tụi tôi hay xài nhứt, đó là trái chùm giấy! Thời buổi đó nhà chưa nhiều, chỗ đồng ruộng tôi ở loanh quanh có mấy chục chái nhà, đất rộng người thưa, chùm giấy mọc hoang dại nhiều vô số kể! Chùm giấy mọc thành bụi, không có gai, lá mềm, giống giống lá của cây bông giấy, trái mọc thành từng chùm, một bụi chùm giấy, nếu đã ra trái thì coi như dòm cây chỉ thấy toàn trái! Trái chín màu nâu đen, ăn được, nhưng ăn dở (thế mà hồi còn nhỏ, đói khát tụi này toàn tranh nhau đi bẻ chùm giấy nhét vô họng, đó là cả một thế giới đầy niềm vui của mấy đứa nhà quê đầu cháy nắng khét lẹt bên những thức quả quê mùa đầy thơm ngọt, lớn lên, đi qua, dòm lại thì bạc tình, thấy một miền khác hoàn toàn miền thơ ký ức, bèo bọt vậy đấy!). Làm đạn ống thụt thì trái chùm giấy phải còn xanh, cứ bay lên mấy trảng đất trống xung quanh nhà là tha hồ bứt cả mớ chùm giấy đem về chơi, ngặt nỗi do chùm giấy dễ hư, lặt về mà không chơi liền là trái queo quắt lại, bình thường nhỏ cỡ đầu ngón tay út, khi teo lại thì còn có chút béo, chỉ da với hột không thôi! Bởi thế mới nói trái chùm giấy dở, vì ăn thấy chỉ toàn là vỏ với hột không, mỗi việc nhả hột cũng đã thấy mệt mỏi rồi! Chùm giấy do có hột, nên khi bắn ra khá ác liệt, đau, rát, nhưng không sưng, dễ tìm, dễ bắn!
Một loại đạn dược khác, thuộc hàng khá hiếm, đó là trái cò ke non! Lâu lắm rồi tôi không gặp lại cây này, hay tại tôi không để ý tìm nên không gặp! Cò ke cũng là một loại cây rừng, nếu cho mọc thì nó cũng bự cỡ cây lồng mứt chứ hổng phải chơi! Trái cò ke ăn ngon, ngọt, nhưng ngặt nỗi hay bị xơ, hột nếu chịu lường thì dằm dằm trong miệng rồi nuốt lúc nào hổng hay! Trái cò ke vì thế nếu làm đạn, thì chỉ có thể sử dụng lúc còn non, trái xanh, mọc thành từng chùm, bắn vào thì bá phát, đau thấy cha, thấy má luôn! Tuy nhiên, do cây cò ke bự, nên đâu dễ để cho mấy đứa con nít kiếm nhiều được! Họa hoằn lắm mới kiếm đủ cò ke đặng chơi cho hết một cuộc chiến!

Trái bời lời đứng hàng số hai vì độ “khủng hoảng sát thương”. Bời lời cũng là cây dại, trái mọc thành từng chùm, màu vàng xanh! Cây bời lời cũng thuộc dạng không dễ cũng không khó kiếm, chỉ cần để ý là thể nào cũng thấy xung quanh nhà có một hai cây! Trái bời lời không ăn được, lại có mũ! Khi đem bắn ra, trúng thì coi như sưng cả da luôn! Mủ dính vào áo, giặt không ra! Thường thì bời lời được ưa chuộng nhất, vì đứa nào cũng ác, đã chơi thì phải chơi cho đối phương thân bại danh liệt, mà trái bời lời thì bắn đau thấu trời xanh, bắn xong đứa nào cũng tối tăm mặt mày, nhưng vẫn cứ khoái!

Đứng hàng số một la mã, đại sát thương là trái sơn, mọc dưới ruộng! Trái này không dễ kiếm, vì nghe bảo đứa nào có chuyện này, chuyện kia, người lớn đi ruộng nếu có chuyện này, chuyện kia, lỡ gặp nó, là thể nào cũng nổi đầy mình, đầy mẩy! Anh tư tôi có lần đi ruộng chơi, gặp cây sơn, về nhà nổi trái tùm lum, từ dạo đó tôi hết dám chơi cây này! Mà cái vụ chuyện này, chuyện nọ, chuyện kia, cụ thể là chuyện gì thì tôi cũng hổng biết! Hay là giống tôi, có máu phong, ăn cá ngừ, cá biển, thịt bò vô là mình mẩy nổi tùm lum hết trơn! Thế nên trái sơn tôi có được chơi một hai lần, trái xanh rặt màu xanh lá cây, tròn vo, rất vừa với ống thục! Trái cứng, bắn là coi như tét quần, tét áo, mủ dính đen thui, rách da là chuyện bình thường. Một mẹo nhỏ đặng làm cho trái sơn trở thành siêu vũ khí, đó là ngâm trái vào nước tiểu, má ơi, khỏi nói cũng biết là tét da tét thịt đến cỡ nào!

Hồi nhỏ nhà đứa nào cũng nghèo, bận toàn áo trắng, đi học năm trước ba năm sau áo trắng bỏ ra, mỏng te móng tét, nên toàn bận áo trắng để chơi ống thụt! Bắn dữ quá là coi như áo mặc xong đem giấu luôn, để khỏi bị ba má la! Tôi nhớ bạn cùng xóm tôi bận mỗi áo sơ mi mài trắng, mà giặt nhiều nước quá nó thành ra rách te tua, màu trắng biến thành màu ngà, dòm cười phải biết, gặp thằng đó mập, toàn lồi cả rún!

Chơi ống thụt chia làm hai phe, rượt nhau chạy, bắn, trốn, bắn. Tiếng thụt ống thụt nghe bựt bựt vui ơi là vui! Thường chiều chiều quờn đất là cả đám hú nhau chơi, trò này không chạy ra đường được vì làm gì có chỗ mà nấp, mà trốn nên toàn rủ nhau ra mấy chái hiên nhà sau! Mấy chỗ đó thường có chuồng heo, rồi này, rồi nọ, rồi kia! Chơi xong thể nào muỗi cũng mần cho mình mẩy nổi mẩn tùm lum thứ, nên nhiều khi tôi nói thêm nói bớt rằng tại đạn dược làm cho rách da! Phe nào cũng ham hố, hiếu chiến, quyết đánh cho tan nát phía bên kia nên trước khi chơi lúc nào cũng phải tranh nhau chuẩn bị vũ khí! Lý do đó càng làm cho cuộc chơi trở nên hấp dẫn hơn, thú vị hơn, kéo dài ra hơn vì cả đám phải cùng nhau lội rừng, lội ruộng kiếm mấy trái chùm giấy, bời lời, cò ke… mà tích trữ đạn dược. Mỗi chuyện cùng nhau đi chặt tầm vông vót ra làm ống thụt cũng đã đủ để cho câu chuyện xoay vần giữa đám con nít ăn chưa no lo chưa tới với nhau! (Một trong những chuyện hồi nhỏ vui nhứt mà tôi còn nhớ là cả đám thi nhau kể mấy từ bậy bạ, mà nghe hàng xóm chửi nhau học dần rồi thuộc, con nít mà, nói mấy cái đó, thấy vui lắm, mấy từ kiểu như … cái đó, cái đó, đó!)

Con gái, con trai, thằng lớn, thằng nhỏ, hết thế hệ này nối tiếp thế hệ khác lớn lên! Đến lứa tụi tôi, tự nhiên thấy cái xóm … hết con nít, hoặc có, mà tụi nó không thèm chơi, hoặc không biết chơi mấy trò này! Xóm cần xé tầm vông vẫn còn nhiều quá chừng, cò ke, bời lời, chùm giấy thì có bớt đi thiệt do nhà mới, người mới mọc lên nhiều! Nhưng tự nhiên chiều nay mà thấy thèm ghê tiếng ống thụt bắn nhau chí chóe, và tiếng của những nọ cười con trẻ kháo nhau cho một miền ký ức tuổi thơ túc tắc trở về! Nhớ ghê!


Vì nhớ, nên tiếp sau, sẽ chỉ dành cho một loạt những trò chơi ngày cũ! Với số 2, sẽ là: Năm mười của nhớ, và xa!

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Đi coi xử án lưu động!

Hôm nay tôi đi xem xét xử vụ án rùm beng, khiến cho dư luận chỗ tôi hoang mang trong suốt cả tháng trời về vụ nữ sinh bị rạch ... mông, rạch... đùi. Vụ án nói chung cũng khá là chấn động, nếu đặt trong bối cảnh là còn hơn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nọ kia. Đặt vụ chính trị, chính em qua một bên, thì cá nhân tôi cho rằng, vụ án này rõ ràng là đã tạt một gáo nước lạnh vào mặt bằng chung yên ả của tỉnh nhà! Nếu là người Ninh những ngày mà trọng điểm của các vụ rạch mông và đùi nữ sinh như thế, chắc chắn ai cũng cảm thấy cực kỳ hoang mang và bất an vô cùng vì sự an toàn của mình, của các em nữ sinh. Ninh nào giờ nói chung là khá trầm lắng, ít có những vụ scandal khiến cho dân tình phải ăn không ngon, ngủ không yên! Tuy nhiên, đây rõ ràng là một sự kiện chấn động, ít nhất là trong bốn năm gần đây, kể từ ngày tôi chuyển xuống Sài theo đuổi công ăn chuyện học của mình!

Đi coi xử án lưu động - đó là chuyện mà tôi muốn kể với mọi người!

Nhỏ đến lớn, tôi đi coi xử lưu động được hai lần! Lần đầu tiên kể cũng cách đây hơn mười năm, thuở còn học tiểu học, chưa hiểu và chưa quen cả cách gọi tên bị cáo, bị hại, bên nguyên, bên bị này nọ kia! Ngày đó, trường Kiệt vẫn còn nằm ở chỗ mà bây giờ mới mọc lên ủy ban nhân dân huyện! Trường cũ, tồi tàn nhưng nói chung là cũng khá là thoải mái ở chỗ diện tích! Và ngày đó, trường Kiệt hay được chọn làm nơi xử án lưu động đặng dân chúng đến coi mà rút kinh nghiệm nọ kia! Tôi nhớ, vụ án đó đại loại như đứa con giết người, trầm trọng, nguy hiểm nên bưng ra xét xử lưu động! Tôi còn nhỏ lắm, nhỏ xíu xiu! Lần đầu tiên nghe nói có vụ án giết người như vậy vậy đó, rồi người ta bưng nguyên cái tòa án ra cái trường cấp ba bự ơi là bự gần nhà ngoại mình đặng xử án, ai muốn đi coi thì đi nên khoái tí tởn! Tối nằm ngủ mà cứ chút chút thức dậy đặng mở cửa sổ dòm ra bên ngoài coi thử coi trời sáng chưa! Cái thời con nít, chưa rành vụ coi đồng hồ, chỉ toàn định vị thời gian bằng - trời có sáng chưa mà thôi!

Trời chưa mờ đất là đã trở dậy, xỏ dép rồi túc tắc mấ anh em, chị em tò te kéo nhau đi bộ lên trường Kiệt, ngồi xếp lớp trên đó mà coi! Ký ức nhạt nhòa nhắc tôi nhớ rằng bữa xử án đó tôi coi chắc độ chừng hai ba tiếng, nắng lên, nực nội, nghe không hiểu, là anh em rủ nhau lội bộ về nhà! Dù gì thì đối với con nít, mấy trò tạt lon, phóng bước, năm mười, thùng binh... rõ ràng là vui hơn, hấp dẫn hơn rất nhiều so với cái vụ là ngồi im re lắng nghe từ cái loa micro ù ù cạc cạc những điều mà mình chưa hiểu! Nhưng cảm giác về lần đầu tiên đi coi một phiên tòa lưu động xét xử theo kiểu thoải mái không soát vé cho dân làng coi, đối với tôi, dĩ nhiên là lúc nào cũng lắc cắc trong tiềm thức! Bởi đi coi cả làng, cả huyện như vậy, thì vui mà!

Trở lại buổi xét xử trong bối cảnh tôi đã 22 tuổi đầu, sinh viên năm cuối đại học!

Vẫn thức dậy từ đầu hôm, xắp xải lần này không phải trở dậy từ cái ván gỗ trên nhà ngoại mà từ cái giường hiu hắt dưới nhà mình! Đi coi xét xử một vụ trọng án, đã được xếp lịch từ trước, đánh dấu trong điện thoại di động, hơn chục năm trời, mới có cơ hội được tham dự một dịp giống như hồi thơ trẻ của nhiều năm về trước, vẫn vẹn nguyên nỗi háo hức như ngày nào!

Trường Kiệt dời về chỗ đối diện trường cũ, mà xa xưa là trường Cao Đẳng Sư phạm Ninh - chỗ mà cả tuổi thơ tôi là những bữa trèo tường bay vô bẻ ổi, câu cá - cái hầm cá tra bự chà bá, cá rô phi, cá mè... phải nói là nhiều vô số, rồi những bữa rủ nhau vô trường lượm phấn, lượm viết cũ, chọc cho ông bảo vệ trường rượt chạy té khói, mà vui! Trường Kiệt giờ cơ sở vật chất phải nói là không đứng nhứt thì cũng đứng thứ hai tỉnh về độ hoành tráng! Phiên tòa lưu động được bưng ra đây, âu thì cũng là một điều quá sức hợp lý!

Tôi đến chỗ xử sớm, đủ để giành cho mình một vị trí đẹp đặng theo dõi từ đầu buổi xét xử! Dòm thấy có xe cứu thương, có xe chữa cháy, xe công an giao thông chốt chặn hết mấy ngã ba, ngã tư giáp liền với chỗ xử án! Hoành tráng thiệt (lên cả truyền hình trực tiếp mà!). Và người thì đông, phải nói là kinh khủng khiếp! Ngồi kế bên tôi là hai ông bà già, bưng theo hai cái mũ bảo hiểm, cười móm mém mà tôi thấy sự nghiêm khắc ẩn sâu dưới làn da nhăn nheo của tuổi già níu kéo! Hai bác đi từ sớm, tuốt trong Xã Phan, nghe xét xử vụ án này bỏ đồng, bỏ rẫy chạy ra coi một bữa! Mấy đứa thanh niên này hư thân mất nết quá! Bác ông ngồi kế bên chia sẻ vậy!

Rồi thì dĩ nhiên có cả đống tiểu thương chợ Hoa, với những kiểu chuyền tai nhau nghe mà mắc cười ơi là mắc cười. Kiểu như Kiểm soát đọc bản cáo trạng, có tóm tắt tiểu sử của bị cáo Ngữ, có đoạn bị cáo này có tiền án 12 năm tù vì tội giết người. Nghe ba chớp ba nháng làm sao mà chút nghe mấy cô mấy dì kháo với nhau cái thằng này ghê ghớm quá, ở tù hết 20 năm mới vừa ra xộ! Trời đất cơi tôi ngồi nghe mà cười muốn điên luôn! Vậy đó, dân buôn bán, chập giựt lanh lẹ thành ra cái gì cũng dễ dãi cũng không có đầu không có đuôi hết ráo! Mà cũng vui!

Người đông, đâu từ mấy chỗ huyện xa, xã xa cũng theo ra tới thị trấn đặng coi cho được cái bản mặt của mấy thằng "giàu, có tiền, ở không đi phá làng, phá xóm". Họ ngồi nghe xử án, mỗi bận có câu trả lời nào ngô nghê, thì ồ lên! Rồi lúc nghe mấy người bị hại lên tiếng, thì tức giùm, thì rủa giùm! Vậy, dân mình vậy! Thấy cái ác, thì lên án, thì tự đứng lên cùng nhau, mà cùng bảo vệ nhau!

Đi coi xử án lưu động, có chụp được mớ hình! Nhưng về lục lại cái dây nối thì không thấy ở đâu! Đăng chữ lên trước vậy!

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Cũng chỉ là nhang khói!

Ninh xứ tôi là xứ đạo Đài, chỗ Thành, với chùa Tòa Thánh! Thế nên mà lớn lên, tôi đã nghe mùi nhang mỗi thời cha tôi đốt vào giấc trời hừng sáng, vào quãng chấp chẻng chiều! Nhà tôi thiếu đường, thiếu muối nọ kia nhưng ít khi thiếu bó nhang thắp bàn thờ, bàn lạc! Và biết đâu cũng chính vì cái mùi nhang, không phải nhang trầm, mà lơi tơi kéo tôi hoài về ngôi nhà của cha mẹ tôi như thế!

Nhang được làm từ gòn, thứ cây cho trái, trái khô cho những xớ bông trắng phau phía trong đặng người ta đem phơi khô, phồng lên, rồi đem độn gối! Gối gòn nhẹ, êm, nằm không cấn đầu, cấn cổ, dễ ngủ! Gỗ của cây gòn không chắc, không bền, không có đường vân đẹp! Trong giấc ngày nhỏ, tôi thắp sáng những buổi trưa rãnh bên hiên nhà bằng câu chuyện ma với dưới gốc gòn, loại cây tụ âm tụ dương nên ma hay về trú ngụ! Cây gòn dễ sống, chỉ cần cặm le te bên hàng rào là thế nào nó cũng sẽ đâm chồi trẩy lộc! Lá gòn thì chặt, đem phơi khô, xay ra, trộn bột màu, làm thành bột, quết thành nhang, đem đốt trên bàn thờ! Mũ gòn mát, uống chung với hột é, lười ươi (chữ đúng không ta?), rong biển mà thành ra một thứ nước giải khát những ngày hè Ninh oi nòng vì nắng! Hóa ra, cả cây gòn, dù không phải một loại kỳ nam dị gỗ, trân quý, mà gần gũi và hữu dụng tối đa!

Ngày tôi còn đi học, cấp hai. Đường đến trường của tôi, do trường nằm trong chùa, nên đi qua nhiều quãng người ta làm nhang! Đường đất đỏ, người ta đem phơi lá gòn tràn ra cả lối, và dường như, chính những vòng bánh xe qua nhừ nát cả một mảng lá gòn phơi nắng chính là chất xúc tác đặng cho bột làm nhang sau này dính chắc vào trong cây nhang! Nhiều nhà làm nhang lắm, cái quãng mà hình như nhang các thể loại bên Tàu, bên Thái chưa đưa qua, tòn ten từ nhà ra tới đầu xóm Chổi là đụng ngay những mái nhỏ có lợp ngói âm dương chuyên gia mần nhang. Rồi đi xích tới mé Hoa, phía gần nhà hát và Thất Đệ Tam, đường hẻm bên hông nhà thầy chủ nhiệm của tôi năm mười hai, thì hầu như mười nhà là có năm, sáu nhà làm nhang! Dài dài vào tới chùa thì khỏi nói, người ta làm nhang nhiều lắm, bán không hết thì để dành đốt, kiểu như nhà ai bàn thờ bàn lạc cũng ít nhất năm sáu cái mà!

Nhà tôi mấy năm trước có một cây gòn, bự dữ dội lắm! Rồi không nhớ bữa nào trời mưa, nguyên cây gòn bự chà bá té xuống, sập mất tiêu cái nắp nhà tắm! Cha bực, đem cưa ra chặt phăng một phát! Cây gòn là vậy, gỗ dở, chừng mấy năm, lão là chỉ cần mưa gió lực xực mấy cơn là coi như té ầm ầm, sập nhà như chơi! Được cái, chịu sống quằn quại luôn! Cỡ nào cũng sẽ mọc đọt, lên cây! Thế nên mà có quãng, mấy cái hàng rào xấp xải gần nhà tôi, người ta thôi rồi cặm toàn nhánh cây gòn, đặng bán lá, lấy mớ tiền, đỡ được vài bữa chợ! Quãng đó, thấy người ta hà rầm, đi lùng lá gòn, đặng hỏi mua! Như kỳ nhà máy của Vinamit mới được dựng lên ở chỗ ngã ba Tân, thấy trưa nào cũng có người rảo khắp trong cùng ngõ hẻm, đặng hỏi mua mít, dù chín, dù mở mắt, dù còn non lè, cũng mua! Lá gòn, vì vậy, mà sốt giá!

Nhưng rồi thì thời buổi nào nó cũng chỉ có được thời khắc vẻ vang của nó mà thôi! Giờ đi trên khắp chỗ đường từ nhà ra đến trường cũ, ít còn được chạy ngang qua mớ lá gòn được người ta đem ra phơi tràn cả lối! Ít còn được thấy mấy bó nhang được người ta xe cho tròn lủng lẳng rồi bưng ra phơi khi nắng Ninh nòng oi! Cũng không còn nhìn thấy cảnh chiều chiều là người ra sân gom mấy bó nhang, âm thầm cẩn thận bởi "chơi với nhang" là không có nên đâu nghen con! Thì làm sao mà cạnh tranh cho nổi với những dây chuyền sản xuất nhanh như chớp của mấy doanh nghiệp đại gia, của các lái thương Ba Tàu, làm gì cũng giỏi - vừa nhanh, vừa rẻ! Thì cũng phải thôi, chớ làm sao mà cứ ôm khư khư hoài mấy bó nhang hương mùi cỏ rạ, đâu có chống lại mấy mùi hương trầm, đốt lên một phát là tỏa khắp cả không gian từ nhà trước ra nhà sau! Cái mùi hương, thế mà hỗn! Hổng có âm thầm, len lén như thứ hương nhang được làm từ bàn tay cần mẫn se của người công thợ quê mình! Thì cũng bởi vì nhiều nguyên nhân quá, nên cây nhang cũng dần dần ít được người ta thắp lên, hoặc thắp lên, với không còn những ngưỡng vọng, thành kính kiểu "không được giỡn với nhang" nghen con! Bữa thấy em tôi, mới học lớp sáu, em họ, bận cái quần lên tới háng, đỏ chói, mà sáu giờ chiều lên nhà trên gõ chuông bon bon đốt nhang thời Dậu, thiệt muốn kêu em xuống mà bảo "không được giỡn với nhang nghên cưng mà cũng không dám, con người ta mà! Và thì rồi cũng sẽ còn nhiều chuyện trái tai gai mắt nữa, nhưng cứ giữ khư khư cái ý nghĩ, thì đâu phải chuyện của mình, mà thành ra tôi cứ ôm trong lòng hoài, một nỗi niềm chua xót!

Nhang vẫn cứ thơm và tỏa khói bảng lảng ngày hai bữa trên mấy bàn thờ nhà tôi! Vậy đó!

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Bặt tăm rồi mất!

Không biết sao nữa mà tự dưng thấy chỉ cần không gặp mặt nhau chừng hai tuần, một tháng, hai tháng là thành ra nói chuyện, gặp mặt lại là thấy lạt lẽo!

Bạn bè hồi cấp một, giờ không còn quen với ai, ra đường có đụng đầu nhau côm cốp chắc cũng không biết! Ai biểu bỏ quê ra huyện làm chi đặng con đường đất chung làng thì vẫn đi chung đó, mà người thì hướng này tẻ về phía xa xa phố nữa! Còn người thì vẫn ở lại, bíu ríu bởi bước chân trẻ con, chưa già mà thấy chân mình lấn bấn bởi tiếng khóc đòi con nít! Nên mới nói, đâu có điểm nào chung đâu mà làm thành tròn vo câu chuyện, không lẽ gặp bạn rồi ngồi nói mấy chuyện kiểu con tui nay thế này, thế nọ, thế kia! Bạn thì còn con nít trân, đâu có biết mấy chuyện kiểu đó đâu mà nói!

Bạn cấp hai bữa đi uống cà phê, ngồi chung nhau một bàn mà dòm nhau tơi bời, giữa hồi mới nhận ra được mặt nhau, ly trà đá phải vơi đi phân nữa, và câu chuyện xoay tròn, kể từ hồi nào tà? Không đến đổi xen vào câu chuyện là những nhục nhằn của tiếng bi bô con nít hay chuyện tủn mủn giá xăng, giá điện nọ kia! Nhưng bạn cấp hai dòm lên thì thấy ngại ngùng tới lới, toàn một cũng vậy hả, trời ơi, giỏi ghê rồi đem cất đi cái ấm ớ, tị ganh của những người trẻ cùng trang lứa, cùng xuất phát điểm mà bày ra ánh nhìn ngưỡng mộ, lời khen! Mà có gì đâu, có khác gì đâu! Bởi vậy mà thành ra câu chuyện cũng nhạt ngắc, bởi người ta tự đem khác biệt ra đặng làm mồi cho lời chuyện nói mà!

Bạn bè cấp ba thì đỡ hơn, nghĩa là tết cũng gặp mặt nhau đó, quỡn quỡn cũng hú hí rủ nhau cà phê cà pháo đó! Nhưng rồi bấm đốt ngón tay dễ chừng cũng chắc còn liên lạc được với chưa đầy năm, mười người. Thế mà hồi chưa tốt nghiệp phổ thông, bạn hay tự tin ủng hộ mình rằng là ừ thì dễ gì mà có được những gương mặt bạn bè cấp ba như thế này! Mà như thế này nghĩa là đôi ba tháng mới gặp nhau, tin tức lắt tắt rơi ra từ những dòng status của facebook, mà đó là mạng ảo mà! Đem cái ảo để dỗ dành cái thiệt, mắc cười quá!

Đau nhứt là bạn đại học nè! Chưa gặp nhau non hai tháng, mà hơn ba năm trời ngồi chung giảng đường cũng trôi qua tớt lớt lum xum bum luôn!

Bởi vậy bạn mới nói là, bặt tin rồi biến mất! Dù bạn không muốn, không hề muốn! Nhưng biết làm sao đây trời? Phải chi hồi đó chịu làm cái tạp san sinh viên, thì bây giờ lỡ có quỡn quá thì bạn còn có cái đặng lấy ra mà ôn lại kỷ niệm! Thiệt tình!

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Toàn những tình huống bất ngờ, liên quan đến "công ăn chuyện mần":

1.

Vừa xuất hành vào ngày mùng sáu tết, nhận được điện thoại, người quen ở Z cũ gọi bảo có việc làm chưa? Muốn đi làm không, giới thiệu cho?

Ước mộng của một fresh đòi hỏi phải làm ở một big corp. làm cho thằng nhỏ từ chối cái một, xạo xự một lý do củ chuối kiểu ... em đang bận làm khóa luận tốt nghiệp đặng anh thông cảm! Cơ hội làm ở một agency bay qua cái vèo! Ngày đầu năm nắng xuân tươi phơi phới!

2.

Chạy ngoài đường, quốc lộ 22 chiều hung húc gió! Cảnh đẹp quá, điện thoại đổ chuông! Má ơi, gọi phỏng vấn! Vừa Anh vừa Việt, tiếng xe lớn chạy xé tung cái màn nhĩ, vừa cố gắng lắng nghe vừa cố gắng la làng vào cái loa điện thoại! Nhiều tình huống mắc cười ghê, giữa đồng không mông quạnh, nói tiếng Anh, và phải soạn cho mình một bộ mặt khác!

3.

Nhận được mail, sau ba tháng không có tin tức gì về bước tiếp theo của quy trình tuyển dụng! Trả lời lại là hiện vẫn available, tuy nhiên, trả lời mà cứ nghĩ thầm trong bụng là, nói thì nói vậy thui, chớ đợi đến lúc contact lại tui chắc râu dài tới rún luôn rồi! Ngân hàng nước ngoài mà như vậy à?

4.

Vẫn đang chờ nhiều cơ hội khác! Và cứ tiếp tục tự động viên mình là, cơ hội sau, sẽ còn hoành tráng hơn cơ hội trước!

5.

Bữa nào phải làm một entry viết về các thể loại phỏng vấn của mình mới được, hình như nó đã đầy óc ách rồi!

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Bên hiên nhà ai có trái... (số 2)

Tôi đọc chữ của cô Lý Lan tính ra đã hơn mười ba năm trời, quãng còn là một chú bé lớp ba le te đói chữ hơn đói cơm, bưng tô cơm là y chang rằng phải cầm trên tay quyển sách, nuốt trệu trạo mà như đang ăn chữ vô bụng! Tôi đọc chữ của chị Tư khi tôi đã là sinh viên năm nhứt đại học, bữa chiều tan giảng đường năm nhứt, bước vô tiệm sách đầu đường D2 thấy trên quầy te he còn mỗi quyển Cánh đồng ấy, bưng về, đọc, thấy bạn Cải ơi mà chảy nước mắt. Rồi đọc Một trái tim khô cũng tớt lớt buồn tênh luôn! Rồi rưng rức cái tình không của những người bên trong căn nhà cổ ở Nhân Phủ. Rồi Chiều vắng buồn hiu hắt, rồi này rồi nọ rồi kia, rồi hóa ra tôi lại không thích cái Cánh đồng, khi so với những chữ còn lại! Cơ mà, nói tênh hênh vậy thôi, chứ điều tôi muốn nhắn gởi đến bạn ở đây! Là ai thường đọc chữ cô Lý Lan với chữ chị Tư, chắc thể nào cũng đã đôi lần bắt gặp họ viết về những cây trái cỏ dại bên hiên nhà, lé đé vườn sau, mọc tềnh tang bên bờ giậu, chạy lực bực trong tiềm thức. Âu thì đó cũng là lẽ thường, quê nhà nỗi nhớ cục cựa bén răng từ những điều nhiều khi đơn giản đến như thế! Cỏ cây hoa trái cũng có tình, để người đi xa, lâu gặp gặp lại mừng húm!

Chỉ cây cỏ bên hiên nhà thôi heng!


Là bụi xả mọc ơ hờ bên vẹt đường đất hẻm! Không cần phải trước cửa nhà ai, cứ mọc tềnh tang bên vẹt đất trống, làm cho bữa ăn người quê thêm đậm thêm thắm! Người đi qua tiện tay bứt mấy mớ đem về kho xả ớt, hoặc ra sau nhà bứt mấy đọt lá vông, lá củ mì, rau lang đem vô luộc ăn trệu trạo với muối xả, mà ngon trời thần đất lở! Chiều xuống quờn quờn là có bóng phụ nữ nào đem chổi ra quét sân, gom lại đống ung rồi chiêm vô mớ sả khô đốt chung quyện thành thứ mùi thương, mùi nhớ! Lựng cả một khoảng chiều, gió!


Là một gốc mãng cầu già, chắc lần khân bữa nào nhà ăn đem ra hiên sau rải hột, rồi bữa mưa xuống đất tơi nó đội đất đứng lên! Rồi tháng lại ngày qua, nhà đem chặt đi, lão quá, trái teo tóp lại còn chút béo, ăn toàn hột! Sắp sải mưa đầu mùa, gần đến quãng mùng năm tháng năm, tự dưng cây lòi ra tươi tốt!



Và đã le lói trái, non! Lá mãng cầu thì hôi kinh khủng, má nhà quê, bữa con ăn phải chướng, đem vò lá mãng cầu, bắt ăn cho hết! Vậy là ói ra hết, hết chướng!





Thuốc nam cũng mọc len xen đám cỏ gà tuốt luốt! Dây chùm bao, phơi khô đem uống trị mấy chứng … (thiếu kinh nghiệm, nào giờ chưa uống thuốc nam, nhưng biết, dây chùm bao để dành chữa bệnh!)! Với lớp trẻ như mình, thì trái chùm bao là niềm vui, chỉ canh me khi nào trái hường hường, là quất, trong có hột, vị thơm thơm, đặc trưng lắm!



Bàn tay cầm nhánh cỏ gà, mà mất tiêu bạn ngày xưa, ngồi trên bậc tam cấp trên thềm nhà ngoại, ca cải lương bản Bao công vô lò gạch xong thì trở qua kiếm cỏ gà chơi đá gà, chặt nhau bựt bựt, đầu gà đứa nào rơi trước, là thua! Bạn giờ đã có gia đình, bíu ríu bước chân bởi tiếng trẻ bi bô, bởi những nỗi cơm áo. Mình thì trói vào những chuyến đi giữa Ninh với phố, lâu lâu về gởi thương, gởi nhớ qua vạt cỏ bên hiên, có đám cỏ gà, giờ queo quắt, có chút béo, mà nhớ!



Là thứ cỏ mình chưa kịp biết tên! Mà cũng cần chi biết tên, bởi ngày xưa, rủ nhau vô rừng cao su, cắt cỏ này về cho bò ăn! Thuở nhà nước vừa mới có chính sách, cho dân vay tiền gầy dựng đàn bò, đàn heo. Nhà ai cũng sắm về con heo nái, con bò cái đặng chờ tới ngày phá bầy mà có đồng ra đồng vào! Tổ chức sản xuất còn ở giai đoạn sơ khai, ruộng thì chỉ để trồng lúa nên phải tận dụng tất cả các loại cỏ, chứ không như bây giờ, có những vùng chuyên canh trồng cỏ cho bò! Và ngày nào đám trẻ trong xóm, mà hầu như toàn bà con râu mê rễ má với nhau, đều í ới rủ nhau vô rừng cao su cắt cỏ cho bò ăn! Chính loại cỏ này mà bữa bạn mình bị liềm cứa vô tay, máu chảy đầm đề mà cả đám chỉ bu lại nhai đụm cỏ hôi, đắp vô là chút nữa nó cầm máu!




Cỏ hôi nè! Chỉ cần mở mắt ra, thấy bông cỏ hôi nở trắng trời trắng đất là biết đã chạp rồi, là biết sắp xải chuẩn bị tết! Con nít không giống như người lớn, không đong đậy thời gian bằng những cơm áo lo toán, bằng mùa tết này thóc lúa tài chánh không bằng cái tết kia, bằng thay áo của cha bằng tấm áo mới con thênh thang ngày mùng một với bạn bè hàng họ! Con nít lãng mạn chỉ biết đếm ngày, đếm tháng bằng cây cỏ hôi trổ bông, đại loại như vậy!



Thì bởi quê hương là chùm khế ngọt mà! Nên phía bờ rào má trồng lên cây khế! Cơ mà khế bây giờ cũng coi mòi khác rặt khế ngày xưa, trái nhỏ, mọc đùm đùm rụng lềnh gốc ráng! Vậy mà nhiêu đó cũng đủ cho mấy bữa trốn ngủ trưa chạy ra sau nhà làm một rổ, một chén muối ớt hột đâm với ớt cay, là thành ra ngon tới lới! Ngồi dưới gốc cây mà nhớ về chuyện hai anh em, ăn quả khế trả cục vàng! Má ngày xưa sao hay thiệt, không nhiều chữ không nhiều nghĩa mà sao thổi tuổi thơ con đơm đầy chuyện cổ tích: Cây khế, Tích Chu, Nàng Cóc, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện… Còn thằng nhỏ con giờ lớn lên, tối nằm trở trăn hổng biết mai mốt đây thằng nhỏ có con rồi, liệu nó có còn truyền nối lại cho con mình những giấc mơ đầy bà tiên, ông bụt, kẻ lành gặp thiện như má nó hồi xưa nữa hay không? Truyện Tích Chu, ngày xưa nó khoái, mà giờ, đã vơi đi mất quá chừng chi tiết!


Cây ớt lão giờ đã nối tiếp vòng đời bằng cây ớt con này đây! Đã nói rồi mà, chỉ cần mưa xuống, là sẽ đội đất đứng lên! Để bữa cơm người thêm mặn mòi vị cay của đất, của những tháng ngày kham khổ!




Là cây trứng cá, sao tự nhiên có thể mọc được ở đây hè! Định chụp miểng sàng, nứt ra từ cái lu đựng nước nhà mình! Vậy mà dính luôn hai thứ, thành ra cũng hay! Nhà mình giờ vẫn xài lu, nhớ lại cái quãng thay cái tay xách giếng bằng máy bơm nước, thằng nhỏ con mình cứ hay lói chói với tay lên cái thành lu cao và bự ơi là bự ở nhà! Và mình lớn lên đo bằng chiều cao của cái lu ấy, tới thành lu, tới vành lu, cao hơn lu, lu đứng tới vai, và giờ là lưng chừng ngang ngực. Cái lu đó bự, thiệt!



Có một mớ rau mồng tơi mọc len xen trên đá nè! Nhớ hồi xưa, thằng nhỏ hay lãng mạn kiểu mực tím học trò, lấy trái mồng tơi chín đen đem quậy với nước, màu tím lịm, rồi lấy que tre chấm vô lá chuối, viết nhăng viết cuội! Quãng đó thằng nhỏ chưa biết chữ, thế mà đã lỡ thậm thương màu mực tím rồi! Bởi vậy mà mười hai năm trời, toàn viết mực tím, loại bút hero - có muốn viết tuồng, viết ẩu cũng không được! Lại là một cách để làm cho tính tình con người ta chậm rãi từ tốn lần lần, cũng má mình ngày xưa hay dạy vậy!


Và còn nhiều thứ khác, muốn gặp lại, muốn chụp hình để giới thiệu với bạn xa, bạn quen, bạn không quen, để bạn biết, rằng là tôi lớn lên trong gian khó, không xênh xang cửa rộng nhà cao! Tôi lớn lên từ quê đồng cỏ rạ, và tôi yêu mất tiêu mấy cái củ mẻo quê mùa! Và biết đâu chừng, năm mười năm nữa thôi, đường quê bị người ta dẹp mất, tráng nhựa, thì còn đâu chỗ đặng cho chiều mát mát tôi thả bộ từ đầu xóm đến cuối xóm, kiếm vài thứ cây cỏ quê mùa, mà thương!



Mận Ấn Độ của nhà hàng xóm, chồm từ bức tường cao thòng xuống khoảng sân nhỏ nhà mình! Dòm mấy chùm mận này mà nhớ ngày xưa, nhà chồng của dì mình – thì cũng chung một xóm, một con đường đất đỏ, giờ thành lộ lớn, nhà mới cất lên, người cũ bỏ đi, người lạ chuyển về, thành ra quen, mà lạ - có mấy cây mận lão, trái đỏ chét, chưa chín đã thúi, nhỏ xíu, mọc chùm chùm, dòm đã con mắt! Nhưng mà mê, cứ canh me trưa là bay vô ăn cắp! Vậy đó, xin thì cũng được, thứ cây dại quê mùa này, ai mà ăn cho hết, nhưng vẫn cứ muốn rình ăn cắp, đặng vui!

Và cây mận Ấn Độ, trái nhiều, vậy chớ mấy đời mình thèm ăn cắp đâu!


Bên hiên nhà ai có trái, số 1

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Ăn cá!

Coi như là một vụ ăn cá kinh kinh khủng khủng nhất từ nào đến giờ của mình! Mắc cười đến lộn ruột mất thôi! He he!

Muốn biết thêm thông tin, click vô đây!

Khuyến mãi tấm hình tỷ phú chụp chung với Tồn Phan "thuở hàn vi"!



Mới vừa nhắc đến bà Đoan Nguyễn ở cái entry trước thì ngay lập tức bả trả nợ tag liền! Lần này khiến cho mình cười đến lộn cả ruột!