Ninh xứ tôi là xứ đạo Đài, chỗ Thành, với chùa Tòa Thánh! Thế nên mà lớn lên, tôi đã nghe mùi nhang mỗi thời cha tôi đốt vào giấc trời hừng sáng, vào quãng chấp chẻng chiều! Nhà tôi thiếu đường, thiếu muối nọ kia nhưng ít khi thiếu bó nhang thắp bàn thờ, bàn lạc! Và biết đâu cũng chính vì cái mùi nhang, không phải nhang trầm, mà lơi tơi kéo tôi hoài về ngôi nhà của cha mẹ tôi như thế!
Nhang được làm từ gòn, thứ cây cho trái, trái khô cho những xớ bông trắng phau phía trong đặng người ta đem phơi khô, phồng lên, rồi đem độn gối! Gối gòn nhẹ, êm, nằm không cấn đầu, cấn cổ, dễ ngủ! Gỗ của cây gòn không chắc, không bền, không có đường vân đẹp! Trong giấc ngày nhỏ, tôi thắp sáng những buổi trưa rãnh bên hiên nhà bằng câu chuyện ma với dưới gốc gòn, loại cây tụ âm tụ dương nên ma hay về trú ngụ! Cây gòn dễ sống, chỉ cần cặm le te bên hàng rào là thế nào nó cũng sẽ đâm chồi trẩy lộc! Lá gòn thì chặt, đem phơi khô, xay ra, trộn bột màu, làm thành bột, quết thành nhang, đem đốt trên bàn thờ! Mũ gòn mát, uống chung với hột é, lười ươi (chữ đúng không ta?), rong biển mà thành ra một thứ nước giải khát những ngày hè Ninh oi nòng vì nắng! Hóa ra, cả cây gòn, dù không phải một loại kỳ nam dị gỗ, trân quý, mà gần gũi và hữu dụng tối đa!
Ngày tôi còn đi học, cấp hai. Đường đến trường của tôi, do trường nằm trong chùa, nên đi qua nhiều quãng người ta làm nhang! Đường đất đỏ, người ta đem phơi lá gòn tràn ra cả lối, và dường như, chính những vòng bánh xe qua nhừ nát cả một mảng lá gòn phơi nắng chính là chất xúc tác đặng cho bột làm nhang sau này dính chắc vào trong cây nhang! Nhiều nhà làm nhang lắm, cái quãng mà hình như nhang các thể loại bên Tàu, bên Thái chưa đưa qua, tòn ten từ nhà ra tới đầu xóm Chổi là đụng ngay những mái nhỏ có lợp ngói âm dương chuyên gia mần nhang. Rồi đi xích tới mé Hoa, phía gần nhà hát và Thất Đệ Tam, đường hẻm bên hông nhà thầy chủ nhiệm của tôi năm mười hai, thì hầu như mười nhà là có năm, sáu nhà làm nhang! Dài dài vào tới chùa thì khỏi nói, người ta làm nhang nhiều lắm, bán không hết thì để dành đốt, kiểu như nhà ai bàn thờ bàn lạc cũng ít nhất năm sáu cái mà!
Nhà tôi mấy năm trước có một cây gòn, bự dữ dội lắm! Rồi không nhớ bữa nào trời mưa, nguyên cây gòn bự chà bá té xuống, sập mất tiêu cái nắp nhà tắm! Cha bực, đem cưa ra chặt phăng một phát! Cây gòn là vậy, gỗ dở, chừng mấy năm, lão là chỉ cần mưa gió lực xực mấy cơn là coi như té ầm ầm, sập nhà như chơi! Được cái, chịu sống quằn quại luôn! Cỡ nào cũng sẽ mọc đọt, lên cây! Thế nên mà có quãng, mấy cái hàng rào xấp xải gần nhà tôi, người ta thôi rồi cặm toàn nhánh cây gòn, đặng bán lá, lấy mớ tiền, đỡ được vài bữa chợ! Quãng đó, thấy người ta hà rầm, đi lùng lá gòn, đặng hỏi mua! Như kỳ nhà máy của Vinamit mới được dựng lên ở chỗ ngã ba Tân, thấy trưa nào cũng có người rảo khắp trong cùng ngõ hẻm, đặng hỏi mua mít, dù chín, dù mở mắt, dù còn non lè, cũng mua! Lá gòn, vì vậy, mà sốt giá!
Nhưng rồi thì thời buổi nào nó cũng chỉ có được thời khắc vẻ vang của nó mà thôi! Giờ đi trên khắp chỗ đường từ nhà ra đến trường cũ, ít còn được chạy ngang qua mớ lá gòn được người ta đem ra phơi tràn cả lối! Ít còn được thấy mấy bó nhang được người ta xe cho tròn lủng lẳng rồi bưng ra phơi khi nắng Ninh nòng oi! Cũng không còn nhìn thấy cảnh chiều chiều là người ra sân gom mấy bó nhang, âm thầm cẩn thận bởi "chơi với nhang" là không có nên đâu nghen con! Thì làm sao mà cạnh tranh cho nổi với những dây chuyền sản xuất nhanh như chớp của mấy doanh nghiệp đại gia, của các lái thương Ba Tàu, làm gì cũng giỏi - vừa nhanh, vừa rẻ! Thì cũng phải thôi, chớ làm sao mà cứ ôm khư khư hoài mấy bó nhang hương mùi cỏ rạ, đâu có chống lại mấy mùi hương trầm, đốt lên một phát là tỏa khắp cả không gian từ nhà trước ra nhà sau! Cái mùi hương, thế mà hỗn! Hổng có âm thầm, len lén như thứ hương nhang được làm từ bàn tay cần mẫn se của người công thợ quê mình! Thì cũng bởi vì nhiều nguyên nhân quá, nên cây nhang cũng dần dần ít được người ta thắp lên, hoặc thắp lên, với không còn những ngưỡng vọng, thành kính kiểu "không được giỡn với nhang" nghen con! Bữa thấy em tôi, mới học lớp sáu, em họ, bận cái quần lên tới háng, đỏ chói, mà sáu giờ chiều lên nhà trên gõ chuông bon bon đốt nhang thời Dậu, thiệt muốn kêu em xuống mà bảo "không được giỡn với nhang nghên cưng mà cũng không dám, con người ta mà! Và thì rồi cũng sẽ còn nhiều chuyện trái tai gai mắt nữa, nhưng cứ giữ khư khư cái ý nghĩ, thì đâu phải chuyện của mình, mà thành ra tôi cứ ôm trong lòng hoài, một nỗi niềm chua xót!
Nhang vẫn cứ thơm và tỏa khói bảng lảng ngày hai bữa trên mấy bàn thờ nhà tôi! Vậy đó!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét