Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Đợi tới tết nửa năm!


Hôm nay đã là ngày 23 tháng tư rồi, tháng tư nhuận, không thì đã cuối tháng năm, loay quay là tới tết, lại hết một năm, thời gian gì mà nhanh quá! Mà như vậy là sắp tới tết nửa năm rồi, mùng năm tháng năm, tết Đoan ngọ!

Bốn năm đi học dưới Sài in như làm cho con người ta gấp rãi, bốn năm trước, năm đầu tiên còn háo háo hức hức rủ bạn đi chơi ngày mùng năm! Năm thứ hai nằm nhà, gọi điện về cho má bảo tết nửa năm con hổng có về, năm thứ ba được bác chủ nhà đem cơm rượu nấu bằng gạo lức qua cho ăn, năm thứ tư đăng đăng đê đê khóa luận tốt nghiệp nên quay qua quay lại hóa ra cái mùng năm tháng năm nó trôi đi đâu mất tiêu! Thành thử ra đã lâu lắm rồi mới lại có cảm giác trông chờ tới ngày tết nửa năm như những ngày còn nhỏ nít đã xa quá chừng xa!

Ngày nhỏ, mong chờ tới mùng năm tháng năm lắm! Bởi con nít mà, chỉ cần nghe chữ tết, là thấy khoái! Tết giữa năm rơi vào tháng hè, không phải đi học, được cha má chở về nhà nội, ngoại, được ăn mấy món ngon hơn ngày bình thường, sáng theo má ra chợ thấy chợ quê đông ơi là đông, vui ơi là vui, là đã thấy nôn nao dữ lắm rồi!

Thông thường thì quãng này miền Nam ngày nào cũng sáng nắng chiều mưa, khổ lắm, sáng mới bưng đồ ra phơi một giàn đầy nhóc quần áo, trưa hanh hao một xí là chiều trời đổ mưa ầm ào, khí hậu đặc biệt làm thành ra những con người đặc biệt, và cả các thể loại cây trái miệt vườn cũng đặc biệt luôn! Thôi thì tết giữa năm cây trái nhiều vô kể, chôm chôm, nhãn chỉ cần ra chợ đã thấy rực đỏ, rực vàng (cơ mà bây giờ nhà vườn nghỉ chơi trái nhãn rồi, không còn bán nhãn dày đặc như những ngày xưa nữa!). Sầu riêng cả năm chỉ có mùa này mới có trái (bây chừ thì mùa nào cũng có, khi nào cũng có!). Măng cụt, bòn bon (những trái này coi bộ cũng hiếm, dân quê nghèo ít khi được ăn lắm!). Và quả vải – miền Nam không có quả này, nhưng hồi nhỏ có coi tuồng cải lương Dương Quý Phi – nghệ sỹ Phượng Mai đóng đào chính, Vũ Linh đóng kép chính và Kim Tử Long vai An Lộc Sơn, có cảnh An Lộc Sơn bưng trái lệ chi cho Dương Quý Phi thưởng thức, thấy ngộ quá ngon quá a! Vậy mới nói, tết giữa năm con nít khoái lắm, vì đây là mùa của các thể loại cây trái mà!

Đạo Cao Đài ngày mùng năm tháng năm là ngày lễ lớn – tôi nhớ không nhầm là ngày kỷ niệm Thần Thánh Tiên Phật và ngày kỷ niệm Đức Phạm Hộ Pháp. Nhà tôi đạo Cao Đài, mỗi năm đến ngày này thể nào cũng đi chợ mua trái cây, bông hoa về cúng, xôn xao từ trước đó ba bốn ngày. Mình thì thế nào cũng được nhưng đồ cúng ông bà phải tươm tất, phải đơm cái chò trái cây cho rôm rả tí, phải chưng bông cho tươi cho đẹp! Nhiều khi thấy cha mẹ già ở nhà thấy tội, ăn chay trường tiền có bao nhiêu là ngày chay ra chợ mua bông hoa về cúng, về dĩa trái cây trên bàn thờ nhà tôi bao giờ cũng có nải chuối, ngày rằm mồng một có thêm vài loại trái cây khác bổ sung thêm!
Chả hiểu sao khoảng hơn chục năm về trước, tết Đoan ngọ năm nào cả xóm tôi cũng đều xào hủ tiếu! Món này coi như thành truyền thống luôn đấy! Mấy bà bán giá, hẹ, hủ tiếu ngày này là coi như đắt khách nhất chợ! Ai lu bu công chuyện nắng lên đầu ngọn sào mới quầy quả chạy ra chợ mua miếng hủ tiếu vài cọng giá về sào mâm cơm cúng ông bà là coi chừng hết! Món này đơn giản mà dễ làm, ăn ngán thấy mồ luôn nhưng thiệt tình không hiểu vì sao cả nhà năm nào cũng bị má bắt ăn!

Rồi khi con cái lớn lên, như tôi đi Sài học đại học, tết nửa năm không về, in như cha má ở nhà cũng chỉ làm dăm ba món gọi là cúng cơm ông bà! Ngày tết nửa năm đáng lẽ ra là ngày gia đình tụ họp, ăn miếng bánh, uống miếng thành vui mà thành ra lại trôi qua tan tác! Đau nhất là có bận tôi hỏi bạn ở Sài có biết ngày tết nửa năm không, bạn quay qua cười toe toét, ủa ủa có ngày đó nữa hả!

Năm nay đi làm rồi, đi làm gần nhà nên chắc ăn phải về ăn bữa cơm với má! Chắc má không còn làm món hủ tiếu xào nữa, má sẽ mần gà, mần vịt, má không ăn đâu nhưng dòm tụi con má quây quần mà má sẽ biết là món má mần ra ngon lắm! Thì ngon hay không cũng do lòng người mà!

Cùng đợi ngày vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét