Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

NHÀ BÊN SÔNG

Không hiểu sao trong tâm tưởng, tôi thường mơ về một khu xóm nhỏ, có con sông hiền hòa chảy qua, có những người dân thuyền chài chân chất, hiền như cục đất chia nhau những miếng đời! Đó là một miền sông lý tưởng, nhưng thật lòng thì hơi sến, nghĩ sao lại mơ về một cái bến quê nào đó, như trong bài hát, để mỗi sớm đi học, bắt loa tay kêu đò ơi, rồi nhà ở bên kia sông, xa tắp lự, mỗi bận đi về, tốn thêm công thêm sức, rõ cũng chán! Nhưng đã mơ, thôi thì mơ cho trót, người làm nghệ thuật trước tiên phải thỏa mãn mình, và tôi thỏa mãn mình trong cái mong ước nhoi nhỏ hướng về phía sông, nhà bên sông!


Và giờ thì cần chi mơ ước, qua bao bận dời nhà, tôi tạm thời vất vưởng mình ở một cái bờ kè vừa làm xong ở khu bán đảo Thanh Đa. Ở cái nơi mà ra đường gặp rác, ra ngõ gặp cướp như thành phố này, kể như tôi cũng may, ra đường gặp sông, có hửi cũng hủi mùi bùn, coi như thỏa mãn!


Hôm đọc Tuổi trẻ chủ nhật, số ra ngày bao nhiêu quên mất, nhưng ấn tượng nhất là loạt hình về số phận những em bé ven sông Hồng. Thấy tội ghê mấy phận đời nhỏ xíu đó, em hổng biết nhiều về các quy tắc của cuộc sống, em cứ lớn lên như cây còi, cây dại, nghĩ sao mà trái xoài nhà ai ăn dở, em lụm lên ăn tiếp. Rồi ba má đi vắng, các em chơi một mình, chơi với sông, đôi lúc bị cái thằng sông hung dữ ăn hiếp, nuốt trọng vào bụng, em loi lẻ một mình, chới với! Tôi thấy thương sao những số phận ấy, những số phận gắn mình bên sông, những số phận nghèo!


Chỗ ở mới cảu tôi nhìn ra sông Sài Gòn, đoạn cầu kinh Thanh Đa, ngay chỗ lẩu đầu cá chạy xuống. Hôm đi coi nhà, tôi quên mất hỏi thằng nhỏ chung phòng là chỗ này ngày mưa có ngập không, đến chừng nhắn tin, bạn bảo cũng có ngập. Nhưng lỡ hứa hẹn rồi, đành nhắm mắt xuôi tay, biết đâu trong cái khổ có cái may, lội nước mà lụm được vàng vậy! Từ nhà tôi dòm qua bên kia là một dãy nhà hàng, nhà trọ, nhà khách đủ kiểu, khu Thanh Đa mà, phức tạp và ô hợp như những khu khác tôi đã từng lết qua: Văn Thánh, Bình Lợi, Ung Văn Khiêm… nhưng khác ở chỗ, chần dần trước mặt tôi là một con sông, êm đềm vắt vẻo giữa lòng thành phố!


Tôi nghiễm nhiên trở thành bạn của những người dân vùng bờ kè! Tôi chưa có dịp quan sát nhiều, nhưng hai buổi dọn nhà, cũng đủ để ý một chiếc thuyền, hổng phải xuồng ba lá như ở mấy con sông quê hay có, mà cũng hổng bự như thuyền buồm, thuyền sáo gì ráo, nhưng là một chiếc thuyền, đóng bằng ván ép, hổng kiên cố gì mấy. Tôi chưa thấy chủ nhân, nhưng chắc ăn là nghèo, vì cái thuyền cũng ốm tong teo, mỗi bận sóng lên là cái thuyền ọp ẹp ho sù sụ, y chang bà già, bị bệnh kinh niên! Và tôi hỏi bạn, cái này ngộ quá, sao hổng lấy thuyền này đi bắt cá hay gì đó, neo chỗ này làm chi, phí của! Bạn nhỏ của tôi cười, nói em cũng hổng biết, nhưng có thấy vài lần, chủ thuyền lên bờ, đi làm ăn gì đó, tối về chong đèn ngủ, có mình ên, tội nghiệp! Từ câu chuyện bạn kể, tôi mường tượng cảnh một người đàn ông, chắc dân miền nào đó trôi dạt về thành phố, không nhà không cửa nên chọn bờ sông này làm nơi cư trú, để đỡ tốn tiền nhà trọ, ngày ông đi làm bậy làm bạ kiếm hai bữa cơm, tối về đây ngủ, khỏe thì đi bắt con này con kia, về bán, dành dụm ít tiền, gởi về nhà cho bốn đứa con với bà vợ trắng nỏ, chơi đánh bài, thấy ghét! Cái này tôi tưởng tượng, nhưng biết đâu đúng, đời mà!


Đó là câu chuyện đầu tiên về một phận đời tôi gặp đầu tiên tại bến sông thành phố này! Cảm thấy chưa đủ nên tôi dòm tiếp, để ý coi có những cây còi cây dại nào nơi bờ kè này không, để chạm tay vào thực tế, để sẻ chia! Trên bước đường khám phá ấy, tôi lại gặp một phận đời khác, buồn tênh! Đó là một cô bé, dễ thương lắm, loi roi cỡ 4, 5 tuổi, tóc quăn tít tắp, da trắng, miệng đỏ, chiều nào cũng tíu tít chạy ra bờ sông chơi. Nhưng em là con lai, tôi chắc ăn về điều đó! Tôi gặp mẹ em, chạy theo bắt con nhỏ vô nhà, bắt ăn cơm! Mẹ em người Việt, nói giọng miền Tây, bình thường ở nhà cũng tô son, mỏ đỏ chét! Không nói cũng biết, cầu kinh Thanh Đa mà! Trong đầu tôi chạy ro ro bộ phim về một cô gái quê miền sông nước nào đó, xách cái giỏ bàng rời quê lên thành phố, sông nước đẩy đưa cô vào một cái quán mát xa mát gần nào đó, cô thay bộ bà ba quen thuộc bằng cái áo ống hổng có dây, cái quần đen xăn lên tới đầu gối cũng thay bằng cái quần đùi ngố khỏi xăn cũng trên đầu gối, tóc thề dài tới đít xoành xoạch thêm hai lai vàng chóe, uốn mì tôm mì ống lung tung beng! Và trong một lần đi khách, ông khách Tây, em lỡ dính bầu! Cũng tại lần đó cô lơ đễnh, bị thằng Tây đem hai tờ Đô Mỹ ra dụ, bảo khỏi áo mưa áo nắng gì hết anh mới thương, anh bo nhiều, chơi tới bến, chứ kinh nghiệm đường trường cô sức mấy… Rồi thì em nhỏ ra đời, đẹp như mẹ và cũng đẹp như Tây, nhưng đôi mắt buồn! Bà mẹ chiều chiều cho con ăn cơm sớm, tối đi đâu mất, con nhỏ buồn, nhiều lần chạy ra sông, tôi tưởng đâu nó tự tử, nhưng hổng phải, nó bập bẹ “chú ơi lục bình, lục bình”. Ờ, lục bình trôi, cũng như con người ta, trôi!


Nhà tôi dòm ra sông, đôi lúc cũng muốn như sông, êm đềm, tĩnh tại, nhưng ai biết đâu, dòm cái thằng sông hiền như vậy nhưng trong lòng dậy sóng, thế mới chết, chứ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét