Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Cho những khi nửa đêm về sáng

Cho những khi nửa đêm về sáng

Những con đường quê vắng vẻ, trở mình lúc nửa đêm về sáng. Anh sợ cái cảm giác phải giật mình trở dậy như thế này, sẽ là quờ quạng tìm đường xuống phòng của má, không có là gì đâu, chỉ để nghe tiếng của má trở mình, ngáy cũng được hoặc khò khè thở cũng được, kể từ ngày má bệnh, và cha không có nhà, nhà chỉ còn anh với má nên đó trở thành một thói quen, thuộc về những đêm trở mình bất tử.

Bất tử, có ai mà bất tử được đâu nờ. Cái cây sen cạn anh xin của nhà hàng xóm, thấy nó hay hay, củ to, bông nở lâu quá trời mà vẫn còn đỏ ối. Xin đem về nhà trồng, trời thì nắng, hổng có hột mưa mà bữa Dầu Hạ về thấy nó thúi củ, lá xệ và cây chết, bữa đó anh mém buồn đến bỏ ăn.
Con chó nhà anh, lâu rồi, nó cũng hổng có bỏ ăn bữa nào hết. Nhưng sáng đó, nó ói, nó vật vã rồi mươi mười phút sau nó chết. Trời cũng hầm hầm như thế này, con chó chết, nằm ngay đơ, lông vàng mịn, nó nằm đó mà thương. Con chó thì khôn, anh đi học về nó đều quấn lấy chân anh như đứa trẻ muốn được anh dỗ dành, chỉ cần anh đưa tay ngoắc là nó sẽ sà ngay vào lòng. Người ta nói nuôi chó mà lỡ may nó chết, phải đem cho phải ăn thịt phải này phải kia chớ mặc nhiên không được đem chôn. Lần đó anh dành cả buổi sáng xách cuốc ra sau nhà, thật xa, đào một cái hố rộng, Vàng được nép mình dưới những bụi chuối nay may sẽ rụi, có gốc vú sữa già mà nhiều bữa anh sẽ tòn ten treo trên đó, vú sữa dây, trái nhỏ, nhưng nhiều. Bây giờ thì nhà anh không còn nuôi được chó nữa, con thì chết, lại chết, con thì bị chúng bắt. Cây vú sữa cũng hổng còn, đã bị đốn đi từ cái đận sửa lại nhà. Và nỗi buồn thương về một người bạn nhỏ lúc nào cũng quẩn quanh chân tự nhiên trở lại lúc nửa đêm về sáng!

Những lúc như thế này, anh lại nhớ đến C. Chắc có lẽ đi đông đi tây mà mãi anh vẫn chưa về thăm C lần nào. Bốn năm rồi, bốn năm, viết những dòng này cũng coi như một lời nhắc nhở. C yên tâm, anh sẽ phải đến nơi đó, chắc cũng hổng cần thiết đâu nhưng phải đến, vì tụi mình là bạn bè mà. Những tối trở mình thức dậy, một mình trong căn phòng vắng, khuya ở quê thì yên tĩnh, tiếng chó sủa ma thả vào đêm những mịt mùng. Anh vẫn nhớ giọng khu bốn của C, và cái dáng lấc ca lấc cấc của bạn ôm chồng báo Sinh viên những ngày tháng cũ. Nỗi nhớ, nhiều khi lại là bất tử.

Sáng mai đi làm, chắc ăn anh lại mệt mỏi và dễ nổi quạu, vì những lúc giật mình lúc nửa đêm về sáng như thế này. Ghét quá đi thôi cái chuyện thao thức tìm giấc ngủ lại. Lúc nào cũng lúc nhúc những được chăng hay chớ thì bao giờ mới có thể lên tiên?

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Tập yêu thương

Một lần nào đó, giữa buổi trưa Dầu Hạ khô ngói, anh thấy tim mình bị ai đó vò nát. Khách hàng nói mai mốt anh đừng nặng nhẹ đừng xài xể nữa, con người mà, có trái tim, nghĩa là biết đau! Ai biểu lời nặng nhẹ nói ra mần chi, để cho khói bay lên trời và mưa ngược về đất, và còn mình ên vía anh lần khân bên những tệp hồ sơ khách hàng vay. Sự vô tình đôi khi làm con người ta hỉ hả, sự vô tình đạp đổ những thứ hoa mỹ mà ngày xưa anh cho là đúng. Tình người dễ vỡ mỏng manh bị sự vô tình kiềm hãm trong lớp vỏ của sự bàng quan, không biết sẻ chia và quan tâm. Cũng may mà mầm yêu thương được nhói lên từ những lần anh va chạm với khách hàng như thế.
 
Anh làm tín dụng, tín dụng ở quê nên đa phần khách của anh cũng toàn dân đồng bưng gốc rạ. Nhiều người thiệt tình, mỗi bận thấy anh chạy ngang qua xóm, cũng đều ất ơ rủ anh vô ngồi, nhiều khi chỉ để nói chơi chơi lúa vụ ba mà cũng trúng dữ lắm nghen, bà vợ tui bả bỏ tui luôn rồi, bả nói tui có mèo, thuốc vụ này nghe mệt, chắc phải bán mấy công đất, bù! Lời khách nhẹ tênh tênh mà lòng anh thì bời bời rối. Lúa hổng trúng là anh thấy tháng này lãi hổng biết cách chi mà thu cho đúng hạn. Thuốc lá mà chỉ cần qua tháng giêng mà lò sấy ra mẻ nào cũng chê là thôi, đêm về anh gác tay lên trán nghĩ tới mấy món nợ chập chờn nhảy nhóm hai là coi như mất ngủ nguyên đêm, tiếng bồ hóng kêu cũng rặt ròi nghe như tiếng khóc. Bữa khách nói mắc gì mặt chú buồn thiu, tui thất mấy mùa liên tiếp bị người ta dằn công bị người ta ép giá đủ thứ đây nhưng có biết chữ buồn nó viết ra mần sao. Khách nông dân nên mần quen với chữ may và rủi, được chăng hay chớ cũng do bởi ông trời, và ông trời mà, của chung nên có gì cứ tìm tới ổng mà méc mà đay nghiên. Mà nói nào ngay đời ông cha đã khổ trần thân cỡ nào mà còn nuôi khách lớn lên và sống được, thì mắc cái gì thời đại này mà khách không sống được dưới gầm trời này. Chỉ có anh là thấy buồn, chấp chíu là những dấu hiệu nhảy nhóm nợ mỗi đận đến kỳ thu gốc, thu lãi. Và đời thì về cơ bản là buồn!



Mấy lần đi vô nhà khách, đoạn đường thì xa và vắng, nắng lại len theo từng kẽ ngón tay mơn trớn trên da. Anh nổi cơn bực, bâng quơ ngang qua mà dai dẳng. Chỉ cần khách chỉ đường trật lất, kiểu như đi qua hai cái ngã tư, đụng con đường đất, có gốc me, quẹo trái đi thêm hai trăm thước, dòm tay phải, thấy con lộ nhỏ, cỡ chừng bốn thước, quẹo vô đó, hỏi nhà út Mân, người ta chỉ cho, là anh cũng đâm bực ngang hông. Anh sẽ rải lời nỉ non, tại sao không chạy ra rước tui vô, tui có phải dân xóm Mân đâu, có phải dạng rành đâu, mà quẹo này quẹo kia tá lả. Mấy lần như vậy, thấy mặt anh người ta sợ, anh nhủ trong lòng, đi cho đã mà cuối cùng vô gặp cái chòi tranh vách đất, là anh bỏ đi về liền. Anh cũng mấy lần làm như vậy rồi, ngoảnh mặt quay lưng trả giấy đất, trả hồ sơ cái rột. Một cái rột, hổng biết những gương mặt hình người phía sau vẽ lên hình gì? Nếu mưa ngược về trời, chắc sẽ mang hình của những bụm khói, những bụm khói buồn làm nước mắt cứ chực trào ra thôi!
 
Nước mắt cũng hổng cứu được những số phận. Anh chưa va chạm với cuộc đời nhiều, nhưng anh đứng bên rìa những trang giấy đời ấy, dòm thôi, chớ có can thiệp bằng những chấm phá thăng gián gì đâu. Khách gặp sự cố, anh ôm đất, chả nhẽ trưa nắng đứng khóc ròng, rồi đau đớn rồi thiệt thòi, đong đếm nào được với những nỗi đau nào. Bữa đó hai Rẫy về sớm, thấy nhà tối om, thấy vợ mình ngồi im trong một góc, có gương mặt anh ở đó, lạc lõng và vô tình. Anh để lại cái biên bản nợ đến hạn, vô tình như chưa từng có một nụ cười nào vẽ lên trên ấy, coi không được thì bán đất đi, ngoan cố mần chi để sau này rồi miếng đất cắm dùi cũng hổng có mà ăn! Và cuối ngày, mệt mỏi rã rời. Thấy như mình đang rơi trên một quãng đường đầy đá dăm, hai bên không có bóng cây, phía trước vô định, phía sau cũng vô định. Trưa thì nắng, vía anh bảo chỉ cần yên lặng, bỏ chạy về phía xa. Vía nói đường trong tim, mình chỉ cần chạy, không lo sợ không nghĩ ngợi. Anh lẩm nhẩm mấy câu kệ lúc đi đường. Nhưng rồi vía anh thấy mình mệt nhoài, sóng xoài ngã trên những nhấp nhô mặc niệm. Đâu có phải cho vay là muốn lấy đất, mà ăn!
 
Sống giữa những con số, chen vào là những phận người. Anh làm tín dụng, anh nghĩ rằng cái nghề của mình nó thiêng liêng lắm. Anh thân thuộc với những vụ mùa, ở cái gầm trời nhoi nhỏ này, nói đến vụ mùa, là nói đến những phận đời và phận người! Việc sinh quan, cao cả quá anh không muốn bàn tới. Nhưng người ta cầm bằng khoán đến gặp anh, là họ cần, cần thiệt chớ hổng có giỡn. Anh không được học hành bài bản ở cái bộ môn cho vay này, nên để điều chỉnh mình cho phù hợp với bản chất công việc ấy, là cả một vấn đề, lớn chớ hổng nhỏ được. Anh lại thuộc dạng hay nghĩ ngợi vẩn vơ, thấy cơn mưa sợ nước sông dâng sợ triều cường tới, nhìn sương nghĩ tới khói, sợ thuốc lá bị uốn lá, nhìn người sợ mặt cười tươi mà trong lòng lạnh tanh, phát sợ. Vậy mà cuộc cho vay nào cũng như một bài bản thiêng liêng, anh phải qua bước thứ nhất, bước thứ hai, chốt và cuối cùng. Dần dà rồi anh bị cuốn theo những nhập nhằng và phù phiếm đó. Nhưng vía anh thì nào đâu chịu, vía nói được không được thì nghỉ, có chi đâu, đời còn dài và rộng mà. Đó là lúc anh bén lẻm với sự vô tình, và lời xàng xê nặng nề được anh bôi đãi mỗi bận đến kỳ thu nợ lãi với gốc, mà người ta chưa kịp lên với anh! Lâu dần thành quen, trước sợ giờ anh đã nuốt trọn từng lời từng chữ, vô tình!
 
Nhưng mà như anh nói, mầm yêu thương bén rễ từ những điều thiệt là nhỏ nhắn, thiệt nhỏ nhưng sâu đầm. Anh cũng tập lại yêu thương, lần nữa, từ đầu!

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Là quê, hay là phố, đều là nhà



Tối chủ nhật đi ăn đêm với anh bạn, ăn lẩu xong bụng cũng lổn ngổn no lặc lè chạy xe về. Đường tối mình ên lạnh thấu tim! Ninh giờ lên thành phố rồi mà sao từng ngõ ngách vẫn đăng đăng đê đê nhiều nỗi đời quá. Mới chín giờ hơn mà đường phố đã vắng tanh teo, chông chênh từng vòng bánh xe quay, sợ thì không sợ nhưng trống trải quá tự nhiên thấy sao quê nhà mình khoác lên làm chi cái áo hơi rộng! Kiể...u như mùa mía này chú hai, cô tư vẫn rầu vì mía hổng được giá mà lạng quạng chưa đến ngày công ty hợp đồng đi chặt mía mà sáng bảnh mắt ra thấy mía cháy, lửa bén phừng đuôi mắt mà chỉ thấy nước mắt rớt lộp độp theo từng thốn mía. Và cao su cũng đã qua rồi cái thời ngủ qua một đêm là tiền chảy ọt ọt vào túi áo. Giờ cao su không còn cao giá nữa rồi, cái thời hoàng kim của Việt kiều không bằng Việt cao cũng từ từ lui về dĩ vãng rồi! Nhưng mà ai biết đâu được, Ninh lên phố, chắc sẽ vui!

Như cái kiểu người chị bạn mới mua miếng đất, ở phường bốn. Mua xong, chồng tiền, qua đống thuế, vừa sang tên cái cụp là có quyết định Ninh lên đô thị loại III, bảng giá đất Ủy ban đưa ra dĩ nhiên cũng phải nhỉnh nhỉnh giá một xí, dù gì cũng thành phố mà. Bữa rôi rãi bà chị ngồi cười, nói em thấy chưa chị nhìn xa trông rộng, giờ đất lên một cái vèo, ngồi không mà cũng thấy có lời. Chỉ cười hỉ hả! Bạn làm tín dụng xa, nghĩ nghĩ nói trời ơi rồi bất động sản ở mấy chỗ khác người ta đóng băng, treo bảng bán hoài hổng được. Nhưng mờ biết đâu, người thì đẻ ra càng ngày càng nhiều chớ đất đai có một khúm, đâu có đẻ ra thêm được, giờ biết thân biết phận, thủ mua đất trước, ít nhứt mai mốt cũng có một thước tám sâu năm tấc mà dùng.

Cái đường Rốp chỗ anh bạn ngồi ăn lẩu, hồi xưa là đường đỏ, nhỏ xíu, ổ gà bự chần dần, mùa mưa chạy nhiều khi lụt trong những mớ xà bần của lầy lội! Giờ lên thành phố rồi, được ông chánh quyền mở rộng, trải nhựa, nhà mới mọc lên thênh thang, mà nhà to, kiểu biệt thự. Quán xá cũng mọc lên nhiều, tối nào dân kẹo kéo cũng xáp lên đây, hát tềnh tang mấy bài con bướm xinh, con bướm đa tình ầm đùng từ chập choạng tối cho đến nửa đêm về sáng. Con nít của xóm này giờ cũng quen với sự đổi mới, quen với những tiếng nẹt pô lúc người ta ngà ngà say, quán karaoke dập dìu đèn chớp tắt, nhiều cô gái mang dép đốc tờ mặc mini skirt tóc highlight nhuộm vàng, xanh đỏ tối tối đèo nhau trên mấy chiếc xe tay ga đắt tiền. Thì thành phố mờ, phải có những dịch vụ ăn chơi về đêm mới đúng điệu! Và con nít dòm riết rồi thì cũng sẽ quen!

Chợ dần tan khi người ta mở ra cái siêu thị! Ở đó, có những lúc trời nắng quá chạy vô hóng tí máy lạnh rồi chạy về, mát mẻ xí nên cái giá cao hơn ngoài chợ một tí cũng có thành vấn đề gì đâu! Tội là tội những bà già lỡ trót sống ở đô thị loại ba, sỡ chọn nghề buôn gánh bán bưng ở chợ phường làm kế sinh nhai nên mấy thứ rau cỏ trồng tại vườn nhà héo queo héo quắt buổi chợ tan tầm mà không ai thèm dòm ngó, đồ siêu thị trưng trổ đẹp mã quá mà. Nhưng mà nói vậy thôi chớ chợ quê cũng có ảnh hưởng gì đâu, người ta ở quê mà, nên siêu thị là một cái gì đó xa xôi cách trở lắm, chỉ khi nào rảnh rỗi trúng vé số dắt díu vợ con vô siêu thị ngắm nghía xí rồi về. Chế quen hay chép miệng nói như vậy, mấy bận dỗ con khóc ngằn ngặt vì nhớ cha đi mần xa, lâu lắm chưa thấy về!

Thành phố mà. Bữa bị người quen bắt bẻ, nói kiểu như cuối tuần này tui hổng có rảnh, tui bận đi thành phố rồi. Người quen nói thành phố là thành phố nào? Nay Sài Gòn thì nói cho rõ là Sài Gòn, hổng có bậy bạ được, Tây Ninh cũng đã lên thành phố rồi! Ừ thì cũng là thành phố, đô thị loại ba trực thuộc tỉnh chớ bộ! Tết lấy xe chạy một vòng thành phố, nhỏ tí hin mà thấy trang hoàng như cải lương. Chiếc áo rộng hay chật, là cũng tùy mỗi người, tùy hoàn cảnh! Như chiếc áo có cọng chỉ lòng thòng, lỡ tay cầm kéo cắt đứt cái phựt đứt luôn một tí vải, bạn không thèm đụng đến nữa. Cuối năm, má dọn dẹp thấy áo còn mới tinh mà không bận nên đem đi cho! Người được nhận mừng rơi nước mắt, nhằm nhò gì cái vết đứt kia, áo có chật chật xí cũng được, miễn có áo mới bận với người là cũng đủ thơm thảo rồi. Như đợt đi Phil thấy dân người ta bên đó ăn cơm gạo bở rạc, dở ẹt mà người ta vẫn ăn ngon lành. Về nhà cơm mẹ nấu hơi hơi nhão một xí cũng chê xuống chê lên bỏ bữa, đi kiếm cơm bụi cơm bờ ăn, lạc thếch mà khen ngon! Thì nói vậy để hiểu, nhiều khi chiếc áo không làm nên giá trị của một con người. Thành phố hay thị xã, đô thị loại nào thì miễn là dân ở nơi đó cảm thấy vui, sống đủ đầy, thỏa mãn với những gì mình đang có, thì cái mác thành phố hay không đâu có nghĩa lý gì.

Bạn chạy một mình trên con đường xa thăm thẳm, đường về nhà. Dù là phố, dù là quê, thì đây cũng vẫn là nhà. Của những yêu thương xa ngái dịu vợi!

-------------- Nhơn những ngày rực rỡ Ninh lên thành phố ------------------
10/02/2014  
 
 
Photo: Chau Huynh