Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Đến Cambodia cuối năm!

Phải viết lại thôi, dù rằng tôi đã thực hiện chuyến phượt đầu tiên ra khỏi Việt Nam cũng đã hơn một tháng rưỡi rồi. Ở chuyến phượt ấy, tôi đã đến với đất bạn Cambodia, đi với một bạn đồng hành nữa, bạn đại học, và chuyến đi ngắn ngủi, tạm bợ và ngẫu hứng, hứng lên là đi, va về! Thấy thiệt đã, vì tuổi trẻ của mình, khi này tôi già rồi, nhớ lại, chắc ăn là rất khoái!

Tôi không định đi Cambodia trong năm nay, đại khái trong lịch trình của mình thì tôi vẽ ra là sẽ dành ngày phép cho một chuyến đi Tây Bắc, dòm những vạt tam giác mạch nở tưng bừng, hoặc là đi Sapa, những ngày lạnh, hửi sương tuyết xứ Bắc, ăn món thắng cố, chụp hình với các cô thiếu nữ dân tộc rực rỡ sắc màu! Nhưng công việc cứ cuốn đi, cuối năm không thể xin nghỉ phép được dù rằng, ngày phép còn tới tận 9 ngày.

Và đi, chỉ cần một tuần để quyết định! Trước đó, có lỡ hẹn với bạn đồng hành một lần rồi, vì cả hai đều đã đi làm, nên để sắp xếp được lịch ổn thoả cho cả hai người là việc không dễ dàng gì. Tôi thì làm ở quê, ngày thứ bảy vẫn làm buổi sáng, bạn tôi làm ở Sài Gòn, xin nghỉ thì dễ hơn đấy, nhưng công việc cuối năm, đâu có phải cứ muốn đi du lịch là đi được đâu!

Bạn tôi đặt vé của Sapaco, vé xe bus, khứ hồi, đi và vế tốn hết 460.000 đồng. Sáng thứ bảy tôi giả bộ với sếp xin nghỉ, lý do viện ra là đi ăn cưới bạn! Vừa xin nghỉ xong thì sếp phán một câu, từ đây đến cuối năm không giải quyết phép cho ai nữa, trừ trường hợp bất khả kháng (Khổ, nói chung ở cơ quan tôi, tôi là người chịu nghỉ nhiều nhất, 4/12 ngày phép, chủ yếu là do đợt rồi tôi bị bệnh nổi rạ, chớ không chắc cũng chả nghỉ nhiều đến như vậy!). Kệ, bỏ hết công việc lại, tôi bắt chuyến xe từ ngay bùng binh Dầu Hạ, một mình, lên xe thì họp mặt với bạn đồng hành. Hai đứa đều lần đầu xuất ngoại, đi du lịch. Nhiều người nghe nói đến chuyện tự đi phượt một mình, đều lè lưỡi, trời, gan dữ bây! Tôi cười, ủa, trẻ mà, có sao đâu! Chắc tại quãng đó, tôi đang bị "Xách ba lô lên và đi" của cô bạn Huyền Chip ám ảnh, nên đâm liều!

Chúng tôi có hai người, cùng thống nhất tiêu chí của chuyến đi là đi phượt bụi, lăn lê bò lết. Chỉ chuẩn bị mỗi việc là đặt vé xe bus của nhà Sapaco, còn lại, từ thức ăn, nhà nghỉ... đều là tới nơi rồi mới tính. Cũng vui ở chỗ tối hôm trước khi đi, gần 10 giờ đêm rồi, đang ngủ, bỗng tự nhiên tôi nhớ ra, mình quên mang theo passport. Số là nhà tôi ở Hoà Thành, nhưng tôi hiện đang sống và làm việc ở Dầu Hạ, cách nhà khoảng 25 cây số. Trong đêm tối đột nhiên nhớ ra chuyện quan trọng ấy, kinh khủng. Nhưng cứ ngủ trước vậy, sáng ra dậy sớm gọi cho cha tôi, nhờ cha chạy xuống Dầu Hạ đưa giúp cái hộ chiếu. Cũng khổ cái là tôi đi Cambodia và không hề báo với gia đình, cứ bảo với cha là con có việc cần nên nhờ ba chịu cực đem xuống hộ! Trốn cơ quan, trốn nhà đi! Mắc cười, buổi sáng đó tôi lét tét dậy sớm, lôi ba lô đi bộ ra bùng binh Dầu Hạ, lấy khẩu trang che mặt lại vì sợ gặp người quen. Đi du lịch mà còn hơn đi đánh du kích. Lý do: tôi làm tín dụng ngân hang, nhiều người biết mặt biết tên, sáng hôm tôi đi ngân hàng vẫn làm việc, người quen gặp họ hỏi ủa đi đâu đây hay vào giao dịch xì ra kiểu như hôm qua hôm kia sáng nay có gặp T. xách ba lô đi đâu đó là chết. Tôi xin phép nghỉ đi đám cười mờ!

Trước ngày đi tôi có dạo quanh các trang web phượt để tìm thông tin du lịch. Nhưng đại khái cũng chả tìm được gì nhiều. Tôi có một cô bạn, người Indonesia, gốc Hoa, nhưng hiện đang sống và làm việc ở Cambodia. Gọi điện thoại cho cô - cô này có một số điện thoại, chả hiểu sao tôi gọi hú hoạ cho cô thì lại kết nối được, ở Cambodia số Viettel xài được chăng? Định nhờ cô giúp đỡ với cả định ghé qua thăm cô, vì cô có một quán cà phê ở bên đấy! Hỏi ra thì té ra cô này ở Siemriep, trong khi tôi chỉ có thời gian để đi Phnompenh mà thôi. Vậy là đành hẹn cô lại một dịp khác, quỡn đãi hơn, sẽ đi thăm cô ta!

Lên xe bus, đoạn đường nói chung cũng ổn. Dân Việt mình qua Cam cũng nhiều, trên chuyến xe 50% là dân Việt da vàng, còn lại là Tây ba lô các thể loại! Quãng đường xe chạy đâu chừng 3 giờ đồng hồ là đến thủ đô của Cam. Cảm giác về đất nước này bỏ lại trong tôi là... nhiều sen quá! Đoạn đường dài chạy qua những vùng nông thôn nơi nào cũng có sen, một loại sen nhỏ, lá nhỏ, hoa cũng nhỏ. Giao thông ở miền quê khá phức tạp, xe chở ba, chở bốn chạy lung tung. Dân mặc đồ thì xấu - chắc do thẩm mỹ của mình chứ biết đâu với người ta là đẹp. Và những em bé miền quê tôi đi qua đa phần nhìn khắc khổ, đi học đi bộ trên những đôi chân trần, nắng hanh hao chung chiêng hết cả những mái đầu trẻ nhỏ tẹt lét cháy nắng!

Thủ đô Phnompenh đón chúng tôi vào lúc 12 giờ rưỡi trưa. Đó là chúng tôi đón chuyến xuất hành sớm nhất ấy, xuất phát lúc sáu giờ sáng tại Sài Gòn, đến Phnompenh lúc 12 giờ rưỡi trưa nhé. Từ bến xe của Sapaco, chúng tôi bắt tuk tuk về khu nhà nghỉ. Thiệt ra cả hai đều chả biết nhà nghỉ nằm chỗ nào đâu. Đầu tiên là xin cái bản đồ thủ đô, sau đó xác định những địa điểm nào mình sẽ đi thăm, từ đây mới lần ra được một khu mình nên nghỉ lại! Sau đó thì các bác tuk tuk cứ quấn lấy chúng tôi, bằng một thứ tiếng anh bồi ghép từ y chang dân Việt Nam mình ở khu quận nhất Sài Gòn, họ bắt được chúng tôi và đưa đến khu giống như phố Tây ấy, bên bờ sông. Mất 2 đô cho việc di chuyển, kinh nghiệm là phải trả giá nhé. Cỡ nào cũng trả giá, và đi càng đông người thì càng rẻ.

Chúng tôi lội bộ qua vài cung đường, tìm nhà trọ. Ở đây không nhiều nhà trọ như tôi nghĩ, và do đi vào ngày cuối tuần nên các nhà nghỉ đều đã hết phòng. Rất may, cuối cùng thì tìm được một guest house giá rẻ rề và bà chủ thì vui tính, với cả một bác người Mỹ hàng xóm phòng kế bên rất vui! Giá nhà nghỉ là 12 usd cho một đêm. Tôi thấy chấp nhận được. Phòng máy điều hoà, có nhà tắm và có tivi cáp. Đại khái nhà nghỉ ổn.

Cũng cần nói thêm là không phải dễ dàng mà chúng tôi lần ra được cái nhà nghỉ ấy đâu, cũng phải vào ít nhất là 5 cái hostel, hỏi giá và xem phòng. Sau đó đi bộ qua những ngã đường, lấy cái ý nghĩ ngây thơ của người Việt Nam là cứ đi đến gần các trường đại học ấy, rồi có gì hỏi các bạn sinh viên, biết đâu họ sẽ chỉ. Nhưng thực tế thì, các bạn sinh viên Cam cũng không giỏi tiếng anh, và chúng tôi chả nhờ vả họ được gì. Có lẽ do tôi đi vào khu vực trường Đại học kiến trúc hoàng gia Cam. nên các bạn không rành về ngôn ngữ cho lắm. Và dùng một bữa trưa rẻ rề chỉ 1 usd cho món mì ăn y chang ở Việt Nam.

Sau khi ổn định nhà nghỉ, bắt đầu đi thăm Hoàng cung. Nhà nghỉ của tôi nằm ngay khu vực trung tâm du lịch, rất gần các địa điểm du lịch nổi tiếng của thủ đô. So sánh nôm na thì chắc tôi thuê nhà trọ ở đường Mạc Đĩnh Chi và đi qua chợ Bến Thành với các địa danh như Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà... ở Sài Gòn ấy, rất gần, chủ yếu là đi bộ!

Tháng 12, nước bạn vẫn đang tổ chức tang cho vua Sihanook nên các khu vực vui chơi cũng ít rình rang, Hoàng cung thì đóng cửa vào buổi chiều, chỉ mở cửa chùa Bạc vào buối sáng nên sau đó chúng tôi tìm một chiếc tuk tuk làm một tour vòng quanh thủ đô. Cũng vui, vì ở đất nước này, chưa có xe bus, lại chưa có taxi, phương tiện di chuyển phổ biến nhất là xe tuk tuk, xe ôm. Ngoài ra với lưu lượng xe trên đường thì cảm giác là không kinh dị như ở Sài Gòn nhé, rất trật tự, không nhiều xe ô tô lắm, xe máy thì nhiều chiếc đã lâu lắm rồi tôi không còn gặp nữa như chiếc Dream lùn, xe chaly chẳng hạn... Đường phố thủ đo khá sạch đẹp, nhưng ở các ngã tư vẫn thấy nhan nhản những em bé Cam. đầu quăn cháy nắng đen thui thủi bận những bộ đồ dơ hết biết đứng nằm ngồi lăn lốc để xin tiền. Có vẻ đây là một nét đặc trưng của quốc gia này.

Anh tuk tuk chở chúng tôi một vòng thủ đô trong khoảng thời gian một tiếng rưỡi với giá là 8 usd. Tôi nghĩ như thế là khá mắc vì chúng tôi còn có thể trả giá nữa (mới đầu bác ấy hét giá là 20 usd đấy) nhưng vì sự thông minh, dí dỏm của anh nên tôi đồng ý. Xe tuk tuk đi rất mát, và thuận tiện cho việc quan sát trực tiếp phố phường. Và một vòng thủ đô chỉ đơn giản là đi đến những địa danh như chùa chiền, các quảng trường. Đi tự túc nên chúng tôi không thể nào biết hết được ý nghĩa của những nơi này. Và anh tuk tuk thì lại có vốn ngoại ngữ ít ỏi quá nên chỉ có thể nịnh đầm tôi bằng những câu như you are vert handsome làm tôi cười tít mắt! Ấn tượng là đạo Phật thịnh hành ở đất nước bạn quá! Những ngôi chùa hoành tráng dễ khiến con người ta ngẩn ngơ và nhớ về đất nước này. Nhưng thực tế thì, do tôi và bạn tôi còn trẻ, lại không phải người trong đạo nên... không thích những địa điểm này thôi. Ngoài ra, việc trải nghiệm một vòng thủ đô bằng xe tuk tuk cũng rất đáng đồng tiền bát gạo đấy!

Dành hết cả buổi chiều đầu tiên trên một mảnh đất không phải quê nhà. Ngôn ngữ chủ yếu vẫn phải sử dụng là tiếng anh, cảm giác rã rời. Dân Cam. ngay tại thủ đô nhiều người không sử dụng được tiếng anh. Tôi đi vào các chùa nhưng rất ít sư có thể giao tiếp được. Vào các cửa hàng thì thay vì dùng tiếng anh họ ra dấu hoặc nói tiếng Việt! Có thể do tôi đi cũng không nhiều và không hết được nên chủ quan là như vậy! Nhiều người bạn của tôi đi Cam về bảo người bên ấy dùng tiếng anh cũng ổn lắm, nhưng tôi không thấy như thế. Với lại cũng ít gặp người có thể nói tiếng Việt, dù có một điều chắc chắn là... bộ phần Việt kiều bên ấy đông đảo lắm! Nhưng nói chung, về ngôn ngữ thì tôi và bạn tôi có thể sống sót được với lần đầu đi nước ngoài trên tất cả các mặt trận, coi như cũng là một niềm vui nho nhỏ rồi!

(Đang viết thì cúp điện, laptop sắp hết pin, hẹn lại vào tối nay các bằng hữu à! Nhá hàng trước hình ảnh dạo phố đêm ở thủ đô nha)

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Buồn riêng ta giữ mình ta thôi!

1. Mình không bất mãn chế độ này, dù mỗi bận lên mạng, vô tình (hay thói quen?) lại vào một số trang bờ lau nôm na thuộc lề trái, đọc đó, suy ngẫm đó, rồi thôi! Bởi lẽ mình đã lỡ thậm thương mất tiêu cái hàng giậu phơi, bờ rào dâm bụt quê nhà, thương buổi trưa đứng bóng có tiếng gà mái ục ục đẻ trứng, sợi dây câu buông lững lơ những ngày trời rong, tiếng đờn kìm đêm tịch mịch mình cha với chiến hữu và chai rượu. Tiếng nước nhà thanh bình thân thuộc. Báo lề trái, báo lề phải rãnh rãnh đọc chơi thôi! Không quan tâm, không hề quan tâm!

2. Hôm nay, một ngày rã rời! Chuyện đi làm vẫn bình thường, những mối quan hệ bình thường, nhàn nhạt nhàn nhạt! Về nhà với mẹ, định là không về đâu, mới qua một kỳ nghỉ dài, xuống Dầu Hạ chưa nóng chỗ, đã lại về. Và về nhà, đồng nghĩa với việc thả nỗi buồn rơi lỏng tỏng vào lòng, của mình, của cha, của má! Thấy sự lặng im bây giờ sao mà chông chệnh quá! Ngày mai, trưa mai, chắc ăn là sẽ có sự thay đổi! Biết vui, hay biết buồn đây! Cái báo cáo 25 xã điểm, vừa may, mình đã hoàn thành xong trước khi rụng rơi trong nỗi buồn!

3. Hơn một năm với Dầu Hạ rồi, dẫu hữu ý, dẫu vô tình, cũng sẽ có tình cảm, với đất, với người. Không giống Sài, đi xa sẽ nhớ, rảnh sẽ ghé về thăm! Không giống với Thành, đi xa rồi sẽ về, Thành - là nhà! Dầu Hạ gieo mầm vào mình bằng những bữa xách xe chạy tềnh tang khắp trấn nhỏ, mà Dầu Hạ nhỏ thiệt, y như cái bàn tay, chạy một vòng, là hết. Dầu Hạ nhúc nhích trong lòng mình bằng những khách hàng quen, chắc là đi xa, họ sẽ nhớ. Dầu Hạ âm thầm đến với mình bằng chiếc ghế ngồi quen thuộc ở sở làm, bằng những món ăn no nứt bồ diều, bằng cuộc nhậu dở dang vì... mình nhậu dở quá thành ra phải... trốn về trước, bằng cái nắng gay gắt, bằng những gương mặt người. Khi buông tay rồi, mình và Dầu Hạ, chắc cũng nhẹ tênh thôi!

4. Đi nằm, nghe ba má cãi nhhau. Quanh đi quẩn lại cũng là chuyện của mình thôi! Thương cha quá, thương mạ quá! 24 tuổi rồi, vẫn còn hoài nông nổi! Cha mạ lớn tuổi rồi, mà con trai nhỏ cứ thế này hoài, mần sao mà yên tâm đây? Mạ ăn chay trường, cha cũng ăn chay trường, cầu phước an cho con cái! Và đấy, giờ thì nhà lại có chuyện rồi, toàn là dính tới mình. Thà là mình hãy cứ vô tư đi, bình an đi, gió cứ thổi, nắng cứ đốt cháy đi, nhưng mình không làm được. Mình buồn, mình viết nhăng viết cuội vậy thôi chớ mình không thể che giấu được, mình buồn!

5. Bạn bè thì nhiều mà để tâm sự được và hiểu được chắc chỉ có một, hai người thôi!

6. Khổ tâm! Bắt nguồn từ những cái như thế này đây: chế độ, về nhà, Dầu Hạ, mạ cha và bạn bè!

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Những nỗi lo sợ (số 3)

1. Cuộc sống, nhiều khi với người này thì dài thậm thà thậm thượt, kiểu đắp đổi sống cho qua ngày, mai tới đâu cứ tới, đời xô ta đẩy ta, cứ mặc kệ thôi! Đối với người khác, thì lại thành ra ngắn ngui ngủi, sống được ngày hôm nay, vui cho trọn ngày hôm nay!

2. Ngẫu nhiên sáng tới giờ toàn đọc phải những thứ hầm bà lằng! Sáng sớm uể oải bò dậy đón ngày mới bằng hình ảnh về vụ nổ mìn tự chế túc tắc ngoài Bắc Ninh xa ngái! Dòm những bức hình bên nhà otofun mà oải chè đậu trưa nhịn đói, ớn nhợn thịt heo luôn! Hôm trước vụ giết người chặt xác bỏ bao tải cũng như vậy! Lượn nhà webtretho nghe các mẹ mỗi bận có vụ án nào cũng đều vô than thở. Cuộc sống, quả là mỗi ngày một khó khăn, con người ta giờ vô tình. Chỉ xích mích nhỏ, thành ra mâu thuẫn! Chỉ xích mích, nhỏ thôi, đều có thể là mầm mống đặng con người ta sẵn sàng đâm giết nhau, bằng những cách vô cùng man rợ!

3. Những ngày giáp tết! Bây giờ lớn rồi má không còn phải căn dặn con trai đừng trèo cây, đừng ra đường lớn, đừng giỡn hớt, đừng thế này, đừng cái kia! Ngày xưa người ta sợ những điều bất ngờ đến từ những lý do vụn vặt kiểu như trèo cây té gãy tay (như lần mình trèo cây điều, té ngu ngơ, má phải cho uống nước tiểu của thằng con nít chung xóm, tát cho mấy cái, giựt tóc non, xức dầu, chườm khăn lạnh... quá trời mới tỉnh dậy được!). Kiểu như bận còn nhỏ chạy xe tàn lan xóm sợ xe lớn chạy qua sởn mất (như bận chạy xe đạp xuống dốc, con bò nhà ai thả rông, dây dắt bò vắt ngang lộ, mình cắm đầu cắm cẳng phóng qua luôn, vấp, té một phát, nín thở!). Đại khái sợ vu vơ, sợ những rủi ro không lường trước được như vậy! Những nỗi sợ hồi xưa, giờ nhắc lại thấy thiệt là... hiền như ngói!

4. Để rồi bây giờ ngồi trong nhà cũng thấy sợ! Những nỗi sợ không thể đong đếm được bằng tên, bằng không gian, bằng thời gian (giống như má, sắp đến tết lại nhắc con cái đừng làm cái này đừng làm cái kia, bộ qua năm mới, con được khoẻ re liều hở má?). Ăn một trái nho cũng hổng biết có phải nho Trung Quốc hay không? Cầm bộ đồ chơi con nít lên sợ có chất chì làm ảnh hưởng đến cháu nhỏ nít! Coi ti vi nhiều quá thấy những chương trình này rồi làm thế nào mà tụi em nó phát triển được, toàn gào với rú với tụi trẻ trâu thấy thần tượng nói ngôn ngữ từ một quốc gia nào đó xa xôi ghé qua mà khóc còn hơn là mẹ cha sinh ra mình mất! Và còn nhiều thứ khác giống như vì một ánh nhìn thôi bạn sinh viên trưởng lớp bị đâm gục ngay trên ghế giảng đường đại học! Và con trẻ được đưa đến trường thì tưởng đâu là an toàn nhất cũng lại bị thầy cô cho ăn những bữa ăn thiếu chất, để được hưởng chiết khấu, để có tiền!

5. Thôi thì sợ quá đi rồi! Những nỗi lo sợ về cuộc sống này dần dần len lỏi. Người đổ thừa cho sự phát triển phải đi đôi với sự đánh đổi! Người bàng quan nói trỏng không trời đất cơi tui có thấy gì đâu! Kẻ bất mãn chép chép miệng đấy thì cái chế độ thế này thế kia đấy! Và sợ rồi thì cũng có làm gì được đâu, heng!


Những nỗi lo sợ (số 1) 
Những nỗi lo sợ (số 2)