Nói về Đất nước và lòng yêu nước, trong suốt dặm dài hơn bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thì có lẽ, mỗi người trong chúng ta đều không thể nào quên những Bạch Đằng giang chiến trận lẫy lừng, những bước chân thần chiến thần tốc của quân Tây Sơn nghĩa sĩ cờ đào áo vải, là một trận Điện Biên nên vành hoa đỏ, là chiến dịch Hồ Chí Minh tháng tư mùa xuân năm ấy – đã viết nên thiên anh hùng ca ngàn năm lịch sử. Trong âm hưởng của những chiến thắng huyền thoại, tôi không thể nào quên một bản anh hùng ca khác, đã vẽ nên hình hài đất nước tôi từ trong những gian lao, thử thách, từ ý chí quật cường, từ lòng dũng cảm và sự hy sinh quyết tử, để tổ quốc quyết sinh. Bản anh hùng ca ấy được viết nên từ chính những người anh hùng thầm lặng và sức sáng tạo phi thường của dân tộc. Đó là bản anh hùng ca thần thoại về: Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Lịch sử mở ra với đất nước Việt Nam vẫn còn đang dang dở với hai miền ruột thịt còn bị chia cắt. Hậu phương miền Bắc gởi thương, gởi nhớ về những người con phương Nam nắng gió với những trận càn, dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ. Và niềm thương, nỗi nhớ của hai miền Nam Bắc ấy, đã được nối liền tay bằng chuyến tàu đầu tiên, tải những tấn vũ khí đạn dược từ hậu phương lớn ra tiền tuyến. Đó là những chuyến hải trình đánh dấu sự ra đời của một con đường mà các thế hệ Việt Nam hôm qua, hôm nay và cả mai sau nữa, không thể nào quên: con đường vận tải vũ khí, khí tài và đạn dược từ Bắc vào Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Đế quốc Mỹ cứu nước.
Chắc có lẽ trên thế giới hiếm có dân tộc nào mà lại nảy sinh ra một hải trận như đất nước tôi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bởi lẽ trong hoàn cảnh hai miền bị chia cắt, thì chiến trường miền Nam đang cần sự chi viện trên mọi mặt trận từ hậu phương xa xôi, thì sự chi viện của miền Bắc – để đến được tay nhân dân miền Nam phải vượt qua trăm ngàn khăn khó của quân thù. Song song với hình ảnh những đoàn chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai, thì chuyển tải vũ khí trên biển, một ý tưởng sáng tạo đã được nghĩ ra từ chính những người dân nhỏ bé mà kiên cường, dũng cảm của đất nước tôi, và ý tưởng tưởng như không tưởng ấy đã được thực hiện thành công, ngay trong những ngày miền Nam đỏ lửa nhất, trong sự kiềm cặp và chống phá dữ dội của bom đạn kẻ thù. Sự thành công của chuyến hải lộ Hồ Chí Minh trên biển đã góp một phần rất lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời làm cho cả thế giới phải kinh ngạc về một sức mạnh, được gọi là, sức mạnh của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên biển, sức mạnh của sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, sức mạnh của tình đoàn kết quân dân.
Và trong những chiến công huyền thoại ấy, khi nhắc về đường Hồ Chí Minh trên biển, không thể nào kể hết được những khó khăn, gian lao, thử thách mà các chiến sĩ đã kinh qua. Đó không chỉ là sóng gió của những chuyến hải trình, mà còn là sự bắn phá dữ dội của giặc nhằm chặn đứng bước đường vận tải vũ khí của quân dân ta. Và cũng chính trong gian khó, trong thử thách thì lại càng hun đúc nên tinh thần và ý chí quật cường của những người con nước Việt. Những anh hùng thầm lặng rèn vàng, rèn vững chắc bằng bầu nhiết huyết sục sôi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” để rồi vùng lên mà thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Sóng gió biển khơi không đánh bật nổi những cơn bão của lòng yêu nước, của khát vọng ngàn đời ăn sâu vào da thịt của những người con nhỏ bé tay cày tay cuốc nhưng lúc nào cũng hướng về tự do, về hòa bình. Bão đạn mưa bom của giặc không sánh nổi với những vòng tay chở che, những bờ bãi tình thương mà người dân của miền đồng bằng sông Cửu Long dành cho các cán bộ chiến sĩ hải quân trên chuyến hải trình thần thánh, với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng quê nhà.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là một huyền thoại của dân tộc mà mỗi khi nhắc đến, mỗi người đều cảm thấy sôi sục trong lòng mình niềm tự hào khôn xiết trước trí tuệ Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Với tư tưởng ấy, tôi tìm hiểu về con đường Hồ Chí Minh trên biển mà cứ hoài ám ảnh về tinh thần bất khuất, chí kiên cường, lòng dũng cảm và sức sáng tạo phi thường của những người anh hùng, những người đã mất, những người còn sống, những người được lịch sử gọi tên, vinh danh và cả những người không tên không tuổi. Đó là người thuyền trưởng mà tên anh giờ đã được nhân dân và đất nước đặt tên cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Phan Vinh – anh Nguyễn Phan Vinh. Người chiến sĩ dũng cảm ấy đã làm nên một huyền thoại mà cho mãi đến sau này, người ta sẽ nhớ, phải nhớ đến anh như một huyền thoại bất tử của đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là những anh hùng như Bông Văn Dĩa – người anh hùng chân đất của vùng đất biển Cà Mau, Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ… Các anh đã được đất nước gọi tên, được lịch sử lưu vào sông núi. Và còn nhiều, nhiều nữa những người anh hùng thầm lặng khác, là các mẹ, các chị, các anh – những người luôn hết mình vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Họ cống hiến cho tổ quốc mà không cần gọi tên, không cần gọi tuổi, thầm lặng hy sinh cho đất nước nở hoa.
Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường mà ngay trong cái tên của nó, đã chứa đựng một huyền thoại, một tượng đài vĩ đại của cả dân tộc: chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ cũng đã từng lênh đênh trên biển để từ đó cập bến với lý tưởng của Mác Lê nin, tìm ra chân lý cho con đường đấu tranh giải phóng đất nước. Tiếp nối con đường của Bác, những người chiến sĩ Hải quân Đoàn Tàu không số cũng ra đi, hiên ngang dấn thân vào gian khổ, chẳng ngại hy sinh quên mình vì tổ quốc. Trên những chuyến hải trình ấy có người còn rất trẻ, có người đã lập gia đình, và khi tàu bắt đầu rời cảng, có nghĩa là, họ đã quyết định hy sinh. Tôi nhớ mãi hình ảnh của người chiến sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, “Mãi mãi tuổi hai mươi”, trong một đoạn phim tài liệu về Đoàn tàu không số, nụ cười của chị, mái tóc của chị tung bay trong gió biển. Và hình như, chị cũng như bao người anh hùng khác trên Đoàn tàu không số, đều sục sôi một thứ tình cảm thiêng liêng mà dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, người ta cũng đều gọi đó là anh hùng: hy sinh vì tự do, độc lập và hòa bình của tổ quốc mình.
Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày những chuyến tàu không số nhỏ bé mà kiên cường, bất khuất vượt muôn làn gió biển và bão đạn mưa bom, tải vũ khí từ hậu phương ra tiền tuyến nối dài tình cảm thiêng liêng giữa hai miền Nam Bắc, vậy mà những ký ức, những chiến công và con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vẫn còn vẹn nguyên trong lòng mỗi người. Tôi hôm nay được sống trong tự do ấm áp mà tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Biển đảo quê hương vẫn ngày đêm ầm ào sóng vỗ, có lúc biển dậy sống nhưng tình yêu nước vẫn luôn cuộn trào trong trái tim của một người trẻ. Các cô chú, các anh chị đã ngã xuống trên những chuyến hải trình năm ấy, để hình hài nên một đất nước tôi hôm nay. Con đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ mãi là một huyền thoại bất tử về sức sáng tạo của con người Việt Nam, về ý chí chiến đấu phi thường và tình quân dân đoàn kết, gắn bó. Biển đào quê nhà, độc lập tự do cho quê nhà, những khát vọng của các anh năm xưa, ngày nay chúng tôi sẽ tiếp bước, góp sức mình vào công cuộc xây dựng nước nhà. Và sóng biển vẫn rì rào, ngàn năm vọng mãi bản anh hùng ca về một con đường có tên gọi: đường Hồ Chí Minh trên biển.
Đêm 24/09/2011
(Bài viết của Đoàn viên Tồn Phan tham dự cuộc thi "Tìm hiểu huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển - Chi Đoàn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh (Vietcombank Tây Ninh))
... Sau khi viết xong thì mình biến thành con gấu trúc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét