Tôi từng nói với bạn tôi rằng, nếu mình không giỏi, hoặc không nổi bật hơn người ta, thì cách tốt nhất, là hãy làm cho mình lạ!
Kiểu như trong rất rất nhiều những bạn trẻ xung quanh mình, chỉ có mình ên tôi là khoái nghe và ca được vọng cổ - một thứ đặc sản mà hầu như giờ nói ra, nhiều người dòm tôi mà cười mà nghĩ chắc thằng này không được bình thường. Kệ, nhỏ đến lớn cả nhà tôi ôm cái ra-dô nghe Lệ Thủy, Minh Vương, Bạch Tuyết, Mỹ Châu... hát ra rả mà lớn lên, là những tối thứ bảy chong đèn thức coi tuồng cổ trên đài Sông Bé - mà giờ tỉnh lớn tách thành tỉnh bé, Bình Dương Bình Phước, với tiết mục Sân khấu mặt khóc, mặt cười. Mê lắm!
Lớn lên cũng vẫn thủy chung nghe mỗi những thể loại nhạc ấy! Thứ năm hàng tháng đều nhắc nhau canh kênh chín đặng coi Vầng trăng cổ nhạc, rồi sáng thứ bảy, sáng thứ ba, chiều thứ sáu đều đều đặn ghé qua kênh bảy, kênh chín nghe chương trình ca cổ. Có thể nói là ghiền!
Bạn trẻ bây giờ hiếm ai ngồi kiên nhẫn nghe hết được trọn câu vọng cổ, in như vừa nghe cất lên giọng ngân là chuyển kênh cái két, câu vọng cổ xốn lốn đứt lặt lè giữa chừng nghe trộn trạo. Thì bởi cuộc sống ồn ã đầy ra những ca khúc dễ ca, dễ nhớ, dễ thuộc nên ai đâu dành thời gian mà nghiền ngẫm một bài ca cổ dài xới lới vừa khó thuộc, vừa khó ca, vừa khó nhớ như sáu câu vọng cổ kia đây!
Thấm sâu vào trong máu nên hễ nghe ai ca được vọng cổ là tôi mừng lắm. Như chị Kim Xoàn, lâu ơi là lâu không còn liên lạc với chị nữa, chỉ cũng ca vọng cổ được, hay nữa là đằng khác.
Nhưng tôi nâng niu câu vọng cổ, không ngoài ra ý đồ nữa đấy! Tôi phải lạ! Kiểu như ai cũng chơi nhạc trẻ, nhạc nước ngoài thì tôi trị nhạc sến, nhạc cải lương. Ấy vậy mà đi làm các sếp khoái lắm! Hồi ở ANZ đi karaoke mấy anh, mấy chị cứ rủ rỉ kêu ca hoài, giờ đến Vietcombank rồi, chị trưởng phòng nhơn sự còn bắt đi học đờn ca đi, đặng có dịp bưng ra thi thố, giao luu! Ghi dấu ấn!
Hay là tôi đi học ca cải lương cho nó bài bản ta?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét