Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Thềm chuyện vãn!

Chiều cuối năm cơ quan còn lại chong ngóc ba đồng chí, một người là bạn, nhà sát bên hiên, học chung từ thời nhỏ đến lớn, giờ vô làm chung ngân hàng, ngồi sát bên ghế - có duyên ghê nơi. Một người khác, đồng nghiệp, tối anh em ngủ chung phòng, hú hí, gió chiều man man, lòng người phây phây!

Vậy là một năm nữa lại sắp qua đi, để rồi coi, năm năm nữa, mười năm nữa dòm lại, thể nào cũng sẽ nói, sao mà thời gian qua nhanh quá, trong khi bây giờ ngồi đây thấy cái quãng năm năm, mười năm nó dài thậm thượt! Y chang như cái hồi chưa đi mẫu giáo, cứ sợ sệt đến hồi đi học rồi, khóc, để rồi giật mình dòm lại, má ơi, đã qua mất tiêu cái thuở giấy bút học trò. Y chang như những hồi ngồi không, thấy sao cuộc đời mình nó hẩm hiu, nó buồn quá xá, nó cơ đơn quá xa, mà bây giờ dòm lại, thì một phát đi làm cũng tròm trèm bốn tháng mấy rồi. Y chang như... như rất nhiều lần khác, ngồi chỗ này ngó chỗ kia, đếm thời gian qua những lần trời ơi sao mà nhanh quá, sao mà lẹ quá!

Thói quen trong những ngày cuối năm thể nào cũng sẽ lôi những tờ báo xuân năm cũ ra coi, Tuổi trẻ này, Thanh niên này, Mực tím, Khăn quàng đỏ này! Mua báo xuân, giai phẩm xuân từ lâu lớ lắc đã trở thành một thú vui trong những ngày năm hết tết đến. Không hiểu sao cái cảm giác cầm trên tay một tờ báo năm mới, cảm giác - khác với mọi người, tôi như được dòm lại mình trong một năm cũ. À, thì ra là mình đã trôi qua rồi một năm tưởng như dài thậm thượt, tưởng như không biết bao giờ mới tới tết, mà giờ ngoảnh mặt ra - thì đã sang xuân.

Năm qua rồi, xuân mới tới. Chiều nay giao dịch với một bạn khách hàng nước ngoài, dân Hàn Quốc - mừng lắm vì ở nơi tỉnh lẻ như Ninh mình mà gặp một bạn nước ngoài, giao tiếp tiếng Anh nên bởi hởi. Hỏi chuyện vãn bạn bao giờ trở về nước mừng năm mới, bạn cười ngỏn ngẻn, sắp về rồi, thì ra ngân hàng đặng mua vé máy bay đây! Ánh mắt của người chuẩn bị về nhà lúc nào cũng dễ khiến người khác ganh tị, kiểu như mình! Ngày này năm trước, và của ba năm về trước nữa, cũng háo hức, nôn nao, cũng một kiểu ánh nhìn này, cũng những mối quan tâm như thế này: Bao giờ về nhà đặng kịp thềm năm mới. Quãng đó, mình vẫn còn trôi giữa Sài Gòn!

Mắc cười lắm, tự nhiên bữa hổm, ngồi một mình, nghĩ thơ thơ thẩn thẩn, đại khái là dạo này mình hạn chế viết blog quá, bạn hỏi sao không viết đều đặn lên đi! Rồi mình ngồi suy nghĩ, trời đất cơi sao ngày xưa đi học, có rất nhiều đề tài đặng viết, đặng bày ra, mà sao giờ đi làm rồi, thì ý tưởng tắc nghẽn, hay tại môi trường văn phòng, đã bưng đi hết những mơ mơ mộng mộng của thằng tôi? Xong, quyết định sang năm mới, phải chuyển sang một Tồn Phan khác, kiểu như ... không còn ngái ngày cũ nữa mà... thêm chút sex, thêm chút đời, không còn buồn, không còn nuối tiếc này nọ kia nữa!

Nghĩ tới mắc cười, cười một cái, chuyện rỗi một cái những ngày chuẩn bị bước qua thềm năm con Rồng, má bảo, năm rồng cuộn mình, khổ tới nữa rồi con ơi!

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Dọc đường đi!

Đi học xa nghĩa là mỗi cuối tuần lại lần giở từng giọt cảm xúc nôn nao mong ngóng trên những vòng quay từ phố về nhà. Và đi học xa cũng có nghĩa là những buổi trời chưa trong, nhìn chưa rõ từng khuôn mặt người đã được má tất tả dựng dậy, rồi được cha chở ra đặt im re bên quán cà phê sáng, bên tô bánh canh tròn nóng hôi hổi, ăn... đặng chờ những chuyến xe ngược từ quê ra phố!



Tô bánh canh lợn ơn váng mỡ, thịt ba chỉ chấm nước mắm trong, tiếng gọi xe tiếng mời xe tiếng gọi ngày kêu nhau ơi ới. Những chuyến xe nửa đêm về sáng, tô bánh canh chui tọt mất tiêu trong lớp ngớp những ngái ngủ nhọc nhằn của những ngày còn là sinh viên xa nhà đi học.



Vẫn chưa thấy rõ mặt người! Đường còn ngái ngủ, ngày còn ngái ngủ!



Bữa trưa đứng bóng, ngồi tòn ten trên xe bus đường về nhà! Cái chợ còng queo nằm im bên đầu hẻm. Con lộ đất đỏ buồn tênh, hổng biết năm mười năm sau có còn cái cảnh này không? Dăm ba nóc, vài sạp quán mà thành ra một nét quê hồn hậu mà thân thương vô cùng tận!





Vòng xe dọc đường đi nhắc mình chạy ngang qua những nhịp cầu dòm thờ ơ, còm cõi mà buồn dễ sợ. Cái cầu gỗ ghập ghềnh khó đi, rồi người ta sẽ bê tông hóa, dân qua cầu đỡ cực! Mà chỉ sợ, rồi thì đô thị hóa đổ lên, làm cống, làm hạ tầng nọ kia rồi thì những chiếc cầu xớ rớ bị bưng đi, chỉ còn nhập nhòa trong ký ức, mà thôi!



Y chang như cái quán Tình si này, ai si ai mà giờ này còn đặt tên bảng hiệu nghe buồn thúi ruột vậy? Mà nội đường vô quán cũng nghe trúc trắc, hổng biết cô chủ quán giờ có còn tình si ai nữa hay không? Mà sao tui nghe mòi của cô Tư thườn thượt vầy nè trời?




Chỉ cần như thế này là cũng thấy thỏa mãn, mái nhà tranh có cây cầu bắc qua lúc lỉu núp trong ơ hờ quá trời cây lá! Bình yên tôi thấy thời gian trôi qua trên nét thời gian của ngôi nhà xưa cũ này!




Đã lên bê tông hóa, từng chiếc, từng chiếc cầu một! Đã bảo rồi mà!




Và bạn rồi thì cũng sẽ trở thành ký ức, như ngôi nhà ngói ba gian, như cái lu hứng nước mưa có gáo dừa bắt ngang đặt ngang tàng bên hiên nhà đặng người qua có cái giải khát, như gốc ổi sẻ sai trái bị người chặt đi thay bằng gốc xoài tứ quý hai năm ba tháng là trái sai trĩu quả, là cái tết xênh xang thay bằng những gấp rãi mùng một qua rồi là coi như hết tết! Và còn nhiều thứ khác, rồi cũng sẽ được gọi chung là ... hoài niệm!



Đường về tới Dầu, kế bên cái quán Tình si trên kia cũng là một si khác - Cây si, quán cà phê này coi mòi khá khẩm hơn cô chủ quán hàng xóm, nội cây cầu bắc vô quán cũng thấy mời gọi và dễ băng đồng thăm bạn hơn cô gái bên kia. Chắc vậy mà thấy cô kia càng ngày càng buồn!

Quán cà phê có kiến trúc khá ngon, bên trong thủy tạ, có hồ sen, có rừng tràm nước, đẹp!



Một văn phòng khu phố nội ô mà dòm buồn hiu hắt! Chắc là còn sót lại từ thuở chín năm!


+ Dọc đường đi!

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Này, để kể cho nghe!

Quãng bạn còn học dưới Sài, bạn khoái nhất là được cùng bạn bè đi đàn đúm. Thiệt ra hổng phải đập phá dữ dội gì đâu, chỉ là đi cà phê bệt, đi ăn bún bò huế, đi ăn hủ tiếu gõ, đi coi ca nhạc sinh viên, quá lắm là đi karaoke - mà toàn canh giờ vàng giảm giá cho sinh viên thôi! Nói chung quãng đó thiệt là vui, nên bây giờ đi làm rồi, không còn là sinh viên nữa rồi, nhiều khi nghĩ lại bạn tiếc muốn đứt ruột. Bây giờ muốn gọi điện rủ bạn ơi bạn à đi với tui ra chỗ này nha mà cũng khó. Xa xôi cách trở quá trời quá đất! Nên thế mới tiếc!

Thời sinh viên đại học, bạn sung lắm! Thì khỏi phải nói, dòm những chữ mà bạn viết thời điểm một năm trở về trước, thể nào cũng sẽ rơi ra một đùm toàn là những nhiệt huyết này nọ. Bạn hoạt động đoàn, hội - chỉ là đoàn, hội ở lớp thôi, bạn không thích những vị trí cao hơn ở bên trường - cơ hội thăng tiến sau này có, nhưng sao thấy xa cách với bạn bè mình đôm đốp gặp nhau hằng ngày ở giảng đường quá, nên thôi!

Ban nhớ hồi ứng cử vô ban chấp hành hội của lớp, và cả đoàn nữa, số phiếu bầu của bạn in như lần nào cũng đứng đầu về số lượng! Bạn vui, vì uy tín của bản thân, vì mình được mọi người thương, mọi người thích! Mà thiệt ra bạn cũng ba gai lắm, đem hết số phiếu mà mọi người trong lớp đã giấy trắng mực đen viết ra tên ứng viên, bưng hết về nhà, kiểm lại coi đồng chí nào không bầu chọn cho mình! Má ơi, lôi ra được cũng một mớ không có cảm tình với mình. Hè hè, vậy là từ đó mình đâm chợn, đối diện với những đồng chí ấy nhiều khi hiện ra một khuôn mặt khác, kiểu như: tôi là tôi không thích bạn đâu! Chuyện này đến bây giờ bạn mới kể, chắc là các đồng chí học chung giảng đường sẽ bất ngờ lắm! Số phiếu bầu ấy đến giờ bạn vẫn còn giữ, nhưng lại đem gởi ở nhà một đồng chí khác, trong một cái thùng, đựng hầm bà lằng toàn những kỷ niệm của một thời đại học, hôm nào phải hẹn bạn ra lấy mới được!

Có lần bạn tổ chức một chuyến đi hai ngày một đêm cho lớp, nói chung tính bạn được cái rất là ... chịu khó tiết kiệm! Lần ấy bạn lên kế hoạch đi từ Sài đến Hồ Cóc mà chỉ hai trăm ngàn, một con số khá là sinh viên! Và bạn đem theo đồ nấu nướng luôn, nhưng ... dòm đi dòm lại toàn ... mì gói với rau! Nước đóng chai đem theo bị thiếu, mì cả đống nhưng không có gas để nấu! Ít ai biết để bảo toàn sinh mệnh của hơn bốn chục người, trời vừa sáng bạn phải mặt dày đi năn nỉ bác bảo vệ ở một chỗ lạ huơ lạ hoắc đặng hỏi mượn xe máy, rồi chạy túc tắc cả chục cây số để tìm chỗ đổi bình gas và kêu nước. Má ơi, sáng sơm cả quãng đường chỉ có mình ên bạn chạy, và xung quanh thì một bên là đồi cát và một bên là biển. Cũng may trong cả đoàn có cô bạn gái, dễ thương lắm, tình nguyện đi chung với mình, thật là xúc động!

Chuyện thời đại học còn có cái lần trường cắm trại, nói nào ngay bạn được cái là có khả năng lôi kéo nhiều người vô các hoạt động của lớp. Lần đó bạn rủ rê mọi người tham gia, dù gì cũng năm cuối rồi, cố gắng cắm trại với lớp đi! Rủ rê cho đã, cuối cùng, bạn xì ra là bạn không đi. Má ơi, lần đó chắc bạn bị chửi sau lưng cũng không ít! Mà nghĩ lại, lần đó bạn cũng mặt dày ghê ghớm!

Và hồi làm cái buổi farewell, bạn xúc động lắm, vì mùa thi đến, mà bạn bè vẫn chung tay mần một buổi chia tay thời đại học thiệt là hoành tráng và ngập tràn cảm xúc. Yêu ghê luôn! Tiếc cái bạn là con trai, chứ không thôi là thể nào bạn cũng sẽ chảy nước mắt, nhất là khi bạn nhận được khá nhiều thank you card từ các bạn khác, và cả những cái ôm từ phía những người bạn khác phái! Ai bảo bạn không có duyên, chắc là nên nghĩ lại! Và những tấm thiệp, cho đến giờ vẫn nằm im một chỗ trang trọng trong góc kỷ niệm đẹp của thời bạn là sinh viên!

Kể lăng quăng lăng quăng vậy thôi, chớ ý đồ của bạn quanh đi quẩn lại cũng chỉ là: trời ơi đi làm rồi thì mới biết, thà đi học sướng hơn!

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Chưng hình lên!

Nhà bạn đã đi làm được hơn ba tháng rồi đấy!

Nhớ ngày nào bạn không biết thắt cravat ra sao? Giờ thì bạn đã biết thắt đại thắt đùa đặng cho sếp lớn khỏi phải nhìn mắt to, mắt nhỏ!

Cravat của bạn nói chung là cái nút thắt dòm thảm phải biết!






Ra dáng viên chức nhà nước chưa? Ghê ghê, hổ nhất là mái tóc, dựng dựng dựng, nói chung khi nào sếp gọi lên phòng là thể nào tóc của bạn sẽ dựng lên như thế này!





Sắp tới giáng sinh rồi! Chúc cả nhà mình an lành nhé!

Độ rày bạn không còn hứng mời khách đến nhà nữa, ôi ôi, đi làm! Bạn muốn đi học trở lại!

Hix!

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Rận trong chăn!

Tết sắp đến đánh thức cái cần cổ nhạy cảm của bạn bằng những trận ho ào ào, lúc nào cũng thấy khan cổ họng, uống nước đá hoặc uống sữa đậu phộng, đậu xanh nóng, cà phê đen... vô là thế nào cũng sẽ đau như có gai trong cổ. Đêm nào cũng phải quay qua quay lại trở trăn vì cứ mắc ho! Thì là gió bấc và cái tết đã ngấp nghé phía bên kia cổng rào, chỉ chờ một cái ù là giáp chạp!

Bạn chuyển đến chỗ làm mới vào cái tháng chuyển mùa. Thế nên cơ thể nhạy cảm chưa thích ứng được, làm chưa đầy một tuần là bạn bệnh, không nặng nề gì mà chỉ là ho vặt với sổ mũi vớ vẩn thôi! Nhưng ngặt nỗi mỗi lúc bạn bệnh, là tâm tình không được tốt, cái mặt một đống, và ai đụng vào là chắc ăn mang họa, cất những rôm rốp tiếng cười vô và thay bằng những cái nhìn khô khốc, chán ghê tơi!

Mà chắc cũng vì chuyển chỗ mới, bạn cố gắng cỡ nào cũng không theo kịp nữa. Bụng bảo dạ rằng là cứ cố gắng lên, sến sến lên, nhưng lòng mình mình biết, tâm tư mình mình biết! Cực quá, khổ quá, mới quá! Thì chỉ có mình ên mình lo thôi, chứ có ai lo đâu! Vậy là tâm tình bạn dần đổi khác, bạn ít khi cười, dễ nổi giận và nhiều khi ngồi ngu ngơ, khù khờ và nghiêm trọng đặc biệt là không có tâm trạng để làm! Nguy hiểm lắm, vì sống mà không cố gắng, làm việc mà không tập trung, không còn cảm giác muốn bon chen... là có ngày bạn bị đào thải, bị cho ra rìa, và như thế là hoàn toàn không tốt!

Ngày bạn nhận quyết định đi, bạn không nghĩ nhiều thế đâu! Bạn vẫn còn màu hồng cuộc đời lắm! Nhưng rồi thọc một tay vào mới biết, đời nhiều khi còn trăm đường lắt léo hơn bạn tưởng! Bạn gần lắm khúc quanh của một đầu là dừng lại, rẽ nganh và một đầu là đi tiếp. Nhưng đi là đi tới nơi nào đó, bạn chưa biết! Bạn chỉ muốn ngừng lại, và trên mặt bạn, trong cử chỉ hành vi, trong tác phong, nó hiển hiện ra chần dần những dòng chữ: tôi muốn bỏ cuộc lắm rồi!

Bạn của bạn, ai nghe cũng đều hỏi tại sao? mần chỗ đó cũng được lắm mà!

Thì bởi, người trong cuộc mới là những người nắm rõ nhất, trong chăn có bao nhiêu con rận!

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Quê nhà ngắm sao!

Nhà ở lưng chừng quê với lại thị tứ, nằm trong hẻm nhỏ với lằn ngang kẻ dọc là những cây dừa, bụi tầm vông, đám rau càng cua mọc tênh hênh mép tường đất. Nhà trong xóm chưa có đường dây truyền hình cáp, đêm cột ăng – ten ti vi chẻ dọc bầu trời, và đêm không trăng, ít mây, sao nhiều đếm không xuể! Tôi thích vô cùng cảm giác giữa đêm chuyển dần về sáng mắt nhắm mắt mở rọt rẹt bước ra thấy sao đầy ăm ắp tràn vào mặt, sao nhiều và đêm trở yên bình đến lạ lùng!

Nhà theo kiểu nhà quê nên nhà vệ sinh đặt ở ngoài sau xa tuốt luốt, đêm có muốn đi khách sạn ngàn sao theo kiểu của chục năm về trước cũng rất ô – kê. Mà nhiều khi người hướng quê, cổ lổ sỉ như tôi lại khoái, bởi được dịp ngắm sao mà! Nhớ những ngày xa xưa, nhà chưa có điện, mà cả xóm cũng chỉ lót đót vài chục nóc nhà, và hầu như chưa có nhà nào đường dây điện kéo vô. Đốt đèn dầu, trời hườn đất là tranh thủ cơm nước xong xuôi, bấc dầu cháy xém lém là cả nhà thổi tắt, rồi trải đệm ra nhà trước, trăng thanh gió mát ngắm sao trời lồng lộng. Không có điện, con người ta nhiều khi cơ hồ lại bình yên và không hay “đu dây điện” như cái kiểu của thời mà dây điện chăng mắc ngập trời như bây giờ!

Trăng quê mình hay trăng nơi khác thì kiểu nào cũng một ánh sáng ấy, một vầng trăng ấy! Chỉ có sao là khác, kiểu như ở quê nhà sao rủ theo đom đóm, lập lòe lập lòe mà thắp ngọn nến trong đêm. Sao ở quê cũng nhiều và sáng rực không thua gì trăng cả! Không có chuyên ngành và cũng không nghiên cứu sâu về các thể loại hành tinh, sao trăng chi ráo, nhưng dòm sao từ nhỏ đến lớn riết rồi tôi cũng nhớ ba cái chấm thẳng hàng mà chỉ cần dòm lên trời đêm có sao quay hướng nào cũng sẽ thấy! Và theo triết lý nhà Phật thì mỗi người đều có một vì sao chiếu mệnh, hay ngôi sao của riêng mình! Tôi tìm hoài trên khắp bầu trời sao quê tôi mà đến hơn hai mươi năm cuộc đời, vẫn chưa tìm ra được, ngôi sao nào thuộc về mình!

Được về nhà, được sống với những quê mùa cục mịch của những thứ thuộc về quê, yêu lắm những đêm không trăng và thỏa thuê dòm trăng từ một góc tĩnh lặng của đêm. Vọng nghe tiếng côn trùng kêu cộng hưởng với thứ âm thanh đặc trưng của đêm quê nhà, bình yên quá! Ai chọn gì thì chọn nhé, tôi chọn cho mình một đêm đầy sao ngóc đầu mắt nhắm mắt mở ngồi tìm sao cho cuộc đời mình! Chỉ cần có nhiêu đó thôi!

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Từ nơi này, tới nơi kia!

Tôi nhận quyết định đi Dầu vào ngày ký hợp đồng chính thức, cả chiều chạy lăng quăng ngoài đường, vào công ty lúc chiều chuyển muộn, và nhận được tờ quyết định. Làm nhà nước là như thế, phải qua họp, phải có biên bản, phải có thủ tục này nọ kia, và dàn ở trên, thông tin thì biết trớt lớt, có mình ên tôi - là lúc có quyết đính, là mới thực sự cầm chắc trong tay, cái ý nghĩ là - mình sẽ phải rời đi!

Thực ra đã biết được phong phanh thông tin mình sẽ về huyện từ trước, bữa anh bạn đồng nghiệp - gọi nôm na là thân thân thiết thiết trong khoảng thời gian hai tháng ngắn ngủi - rủ đi ăn bún riêu chay, rồi khi tôi vừa ngồi xuống ghế, kéo khăn giấy, lau đôi đũa tre, anh bảo tôi sẽ đi Dầu, ngập ngừng, không thể nào tin nổi, lau tiếp thêm hai cái muỗng canh nữa, đặt xuống, và bắt đầu ngơ ngác, làm sao anh biết?

Thì đã bảo rồi mà, dàn trên thông tin bao giờ mà chả nhanh nhạy, chỉ có mình ên mình, không ô dù, không quan hệ thân thiết ruột rà, lại cà lơ phất phơ, lúc nào cũng chăm mẵm mình ên, không thèm mần thân với ai, koong thèm lời đưa tiếng đẩy. Ngày ra quyết định cũng ơ hờ như ngày mình nộp đơn xin việc, tờ đơn xin việc viết tay vội vã, không có giấy trắng tinh tươm đành lục tung trong cái mớ giấy má ngày cũ đi học coi còn tờ nào quấy quá, cũng may ngày xưa bạn Minh Yến có cho mình một cọc giấy khổ A3 có kẻ lằn ngang để dành làm bài kiểm tra. Rồi thì lôi cái đơn xin việc tiếng Anh lưu sẵn trên máy ra, ngồi dịch tốc sang tiếng Việt, rồi thì bưng đi nộp! Bữa quỡn quải sếp lôi chuyện ngày cũ ra bảo, sao hồi xưa viết thư xin việc chữ của em xấu quá! Cười tớt lớt, dạ, rồi thôi!

Đi đến chỗ mới nghĩa là phải làm quen với môi trường mới, mà mảng bên mình cũng chỉ có một mình ên mình làm cán bộ nghiệp vụ! Mắc cười ở chỗ là lo lắng thì không hề lo lắng, chỉ thấy mệt mỏi, nhớ hôm nào đi với đồng nghiệp, đồng cảm rồi ngồi ăn hủ tiếu gõ nhớ Sài mà thốt lên rằng, bao giờ chịu hết xiết, thì buông tay. Bao giờ mình sẽ buông tay?

Cũng ngại viết lên lắm, mần nhà nước mà! Ngày đầu đi làm đã bị nhắc nhở tác phong, lời ăn tiếng nói... Viết lên đây rồi lỡ có người nào đọc, rồi lại thế này, thế nọ, thế kia! Ôi nhức đầu quá xá!

Và chỉ còn có hai ngày nữa là bắt đầu cho một hành trình mới, tư tưởng cũng đã thông, farewell vội vã cũng đã xong! Chuẩn bị fighting thôi nào!

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Biết đâu bỗng nhớ Sài Gòn!

Nhớ Sài Gòn - khi mà chiều qua chạy ngang qua chỗ đường Cách mạng tháng Tám, thị xã nhỏ xíu để cho mùi hương hoa sữa hút trọn hết cả những nồng nàn ngày mưa lớt đớt! Dàn hoa sữa trên đoạn đường D5 chỗ trường mình học, chắc hổm rày cũng đã nồng nàn lắm rồi!

Biết đâu bỗng thấy nhớ... Sài Gòn! Bởi bạn nhắn tin hú rủ đi uống cà phê, cà phê bệt có lần tối thui tối hoắc, bạn với mình dựng xe ngồi ăn bánh tráng trộn dai nhách với mấy trái xoài chua té khói mà sụt sùi hổng biết tương lai năm dài tháng rộng rồi tụi mình ra sao ta?

Thì biết đâu đấy, tự nhiên nhớ Sài Gòn. Hồi nảo hồi nào chưa từng nghĩ rằng sẽ nhớ về nơi ấy, bởi quê mình là ở chỗ này, bởi quê mình không có nhiều xe cộ, không nhiều khu vui chơi, mua sắm! Rồi thì ở quê nhà lâu rồi, lại thấy nhớ cái không gian ơ hờ chật hẹp, bon chen đó! Nhớ chao ơi là nhớ!

Ai bảo cả bốn năm trời học hành ở nơi chốn đấy, nên biết đâu bỗng... lại thấy nhớ Sài Gòn! Ngôi trường ta học, nhỏ xíu nằm xép re trong con hẻm hổng nhỏ, hổng bự có quá trời quán cà phê - có cả đèn mờ! Và khu đấy ngập nước dữ thần lắm đấy! Hồi nào vô trường coi tổng duyệt văn nghệ, coi mải mê đến quên cả thời gian, tối xuống, mưa rơi, nước lên ngập lênh láng! Bị kẹt cục bộ cả khu vực, nguyên đám sinh viên từ năm nhất đến năm tư không có chỗ thoát, tập trung chỗ này, chỗ nọ, chỗ kia, hát hò ỏm tỏi! Sức trẻ, vui và đầy nhiệt huyết! Có một thời ta đã như thế!

Thích ăn bún bò Huế lắm! Hồi xưa ở gần chỗ trọ có hàng bún bò, rẻ và ngon vô cùng! Dù rằng thịt bò, in như không phải, là thịt trâu, hơi đen một xí! Sinh viên mà, chỉ cần no bụng! Nhưng khoái ăn bún bò, không biết tự thuở nào! Ninh quê nhà ít chỗ bán bùn bò lắm, mà có bán, thì lại làm nước lèo lấy từ nước phở, không tìm ra được đúng cái gout của bún bò Huế - cơ mà chính xác phải là - bún bò Huế Sài Gòn mới phải!

Và có cả một chủ nhật nào đó, gác hết mọi thơ thải của cuộc sống thường nhựt, xách ba lô cùng với đám bạn bè lên bus đặng đi về một nơi nào đó - khác. Cảm giác của những chuyến đi rôm rốp tiếng cười. Cảm giác của niềm vui bên bè bạn, của những vùng đất mới cấn hoài những ngày chủ nhật có mình ên nơi quê nhà! Biết đâu bỗng, mà thèm quá trời cái cảm giác đó!

Mỗi chiều cuối tuần cũng không còn rộn ràng ... tuần này về quê hông ta? Và những vòng xe từ quê ra phố, từ phố về nhà cũng ít khi còn lăn theo nhịp chảy của dòng sống hiện giờ ta nữa. Nhớ, nhớ hết!

Ở thì hắt hủi, mà đi thì lại thương! Cái nào cũng vậy thôi!

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Của xa và nhớ!

Bưởi bên nhà non còn xanh nhựa cuống
Em lặt ngang đặng làm banh đuổi chơi
Cả buồng cau chín vội
Rớt mo cau đặng em kéo cả tuổi thơ mình

Trưa trùng trình
Em trốn ngủ trưa tềnh tang tập đạp xe, thả tơi bời con dốc đất đỏ
Những vòng quay nhỏ,
Thành rôm rốp tiếng cười

Đêm trăng sáng thắp đèn cầy đi tòn ten khắp xóm
Nửa chừng hết cầy, hột quẹt hết gas, lửa cầy vụt tắt
Sợ con ma bắt
Té chạy về nhà, chân cao chân thấp
Mà vui!

Của miền xa,
Của tuổi thơ,
Của xấp xải mười năm về trước
Em cất giữ làm quà,
Đặng năm bảy bữa giở ra
Tiếng thơ ngây trôi đi đâu mất
Chỉ còn lại độc hành
Ngơ ngác ngái nơi nao!
Chao!

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Một bài viết lúc nửa đêm...

Nói về Đất nước và lòng yêu nước, trong suốt dặm dài hơn bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” thì có lẽ, mỗi người trong chúng ta đều không thể nào quên những Bạch Đằng giang chiến trận lẫy lừng, những bước chân thần chiến thần tốc của quân Tây Sơn nghĩa sĩ cờ đào áo vải, là một trận Điện Biên nên vành hoa đỏ, là chiến dịch Hồ Chí Minh tháng tư mùa xuân năm ấy – đã viết nên thiên anh hùng ca ngàn năm lịch sử. Trong âm hưởng của những chiến thắng huyền thoại, tôi không thể nào quên một bản anh hùng ca khác, đã vẽ nên hình hài đất nước tôi từ trong những gian lao, thử thách, từ ý chí quật cường, từ lòng dũng cảm và sự hy sinh quyết tử, để tổ quốc quyết sinh. Bản anh hùng ca ấy được viết nên từ chính những người anh hùng thầm lặng và sức sáng tạo phi thường của dân tộc. Đó là bản anh hùng ca thần thoại về: Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Lịch sử mở ra với đất nước Việt Nam vẫn còn đang dang dở với hai miền ruột thịt còn bị chia cắt. Hậu phương miền Bắc gởi thương, gởi nhớ về những người con phương Nam nắng gió với những trận càn, dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ. Và niềm thương, nỗi nhớ của hai miền Nam Bắc ấy, đã được nối liền tay bằng chuyến tàu đầu tiên, tải những tấn vũ khí đạn dược từ hậu phương lớn ra tiền tuyến. Đó là những chuyến hải trình đánh dấu sự ra đời của một con đường mà các thế hệ Việt Nam hôm qua, hôm nay và cả mai sau nữa, không thể nào quên: con đường vận tải vũ khí, khí tài và đạn dược từ Bắc vào Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Đế quốc Mỹ cứu nước.

Chắc có lẽ trên thế giới hiếm có dân tộc nào mà lại nảy sinh ra một hải trận như đất nước tôi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bởi lẽ trong hoàn cảnh hai miền bị chia cắt, thì chiến trường miền Nam đang cần sự chi viện trên mọi mặt trận từ hậu phương xa xôi, thì sự chi viện của miền Bắc – để đến được tay nhân dân miền Nam phải vượt qua trăm ngàn khăn khó của quân thù. Song song với hình ảnh những đoàn chiến sĩ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai, thì chuyển tải vũ khí trên biển, một ý tưởng sáng tạo đã được nghĩ ra từ chính những người dân nhỏ bé mà kiên cường, dũng cảm của đất nước tôi, và ý tưởng tưởng như không tưởng ấy đã được thực hiện thành công, ngay trong những ngày miền Nam đỏ lửa nhất, trong sự kiềm cặp và chống phá dữ dội của bom đạn kẻ thù. Sự thành công của chuyến hải lộ Hồ Chí Minh trên biển đã góp một phần rất lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời làm cho cả thế giới phải kinh ngạc về một sức mạnh, được gọi là, sức mạnh của nghệ thuật chiến tranh nhân dân trên biển, sức mạnh của sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, sức mạnh của tình đoàn kết quân dân.

Và trong những chiến công huyền thoại ấy, khi nhắc về đường Hồ Chí Minh trên biển, không thể nào kể hết được những khó khăn, gian lao, thử thách mà các chiến sĩ đã kinh qua. Đó không chỉ là sóng gió của những chuyến hải trình, mà còn là sự bắn phá dữ dội của giặc nhằm chặn đứng bước đường vận tải vũ khí của quân dân ta. Và cũng chính trong gian khó, trong thử thách thì lại càng hun đúc nên tinh thần và ý chí quật cường của những người con nước Việt. Những anh hùng thầm lặng rèn vàng, rèn vững chắc bằng bầu nhiết huyết sục sôi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” để rồi vùng lên mà thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Sóng gió biển khơi không đánh bật nổi những cơn bão của lòng yêu nước, của khát vọng ngàn đời ăn sâu vào da thịt của những người con nhỏ bé tay cày tay cuốc nhưng lúc nào cũng hướng về tự do, về hòa bình. Bão đạn mưa bom của giặc không sánh nổi với những vòng tay chở che, những bờ bãi tình thương mà người dân của miền đồng bằng sông Cửu Long dành cho các cán bộ chiến sĩ hải quân trên chuyến hải trình thần thánh, với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng quê nhà.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là một huyền thoại của dân tộc mà mỗi khi nhắc đến, mỗi người đều cảm thấy sôi sục trong lòng mình niềm tự hào khôn xiết trước trí tuệ Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Với tư tưởng ấy, tôi tìm hiểu về con đường Hồ Chí Minh trên biển mà cứ hoài ám ảnh về tinh thần bất khuất, chí kiên cường, lòng dũng cảm và sức sáng tạo phi thường của những người anh hùng, những người đã mất, những người còn sống, những người được lịch sử gọi tên, vinh danh và cả những người không tên không tuổi. Đó là người thuyền trưởng mà tên anh giờ đã được nhân dân và đất nước đặt tên cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Phan Vinh – anh Nguyễn Phan Vinh. Người chiến sĩ dũng cảm ấy đã làm nên một huyền thoại mà cho mãi đến sau này, người ta sẽ nhớ, phải nhớ đến anh như một huyền thoại bất tử của đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là những anh hùng như Bông Văn Dĩa – người anh hùng chân đất của vùng đất biển Cà Mau, Đặng Văn Thanh, Hồ Đức Thắng, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ… Các anh đã được đất nước gọi tên, được lịch sử lưu vào sông núi. Và còn nhiều, nhiều nữa những người anh hùng thầm lặng khác, là các mẹ, các chị, các anh – những người luôn hết mình vì sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Họ cống hiến cho tổ quốc mà không cần gọi tên, không cần gọi tuổi, thầm lặng hy sinh cho đất nước nở hoa.

Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường mà ngay trong cái tên của nó, đã chứa đựng một huyền thoại, một tượng đài vĩ đại của cả dân tộc: chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ cũng đã từng lênh đênh trên biển để từ đó cập bến với lý tưởng của Mác Lê nin, tìm ra chân lý cho con đường đấu tranh giải phóng đất nước. Tiếp nối con đường của Bác, những người chiến sĩ Hải quân Đoàn Tàu không số cũng ra đi, hiên ngang dấn thân vào gian khổ, chẳng ngại hy sinh quên mình vì tổ quốc. Trên những chuyến hải trình ấy có người còn rất trẻ, có người đã lập gia đình, và khi tàu bắt đầu rời cảng, có nghĩa là, họ đã quyết định hy sinh. Tôi nhớ mãi hình ảnh của người chiến sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, “Mãi mãi tuổi hai mươi”, trong một đoạn phim tài liệu về Đoàn tàu không số, nụ cười của chị, mái tóc của chị tung bay trong gió biển. Và hình như, chị cũng như bao người anh hùng khác trên Đoàn tàu không số, đều sục sôi một thứ tình cảm thiêng liêng mà dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, người ta cũng đều gọi đó là anh hùng: hy sinh vì tự do, độc lập và hòa bình của tổ quốc mình.

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày những chuyến tàu không số nhỏ bé mà kiên cường, bất khuất vượt muôn làn gió biển và bão đạn mưa bom, tải vũ khí từ hậu phương ra tiền tuyến nối dài tình cảm thiêng liêng giữa hai miền Nam Bắc, vậy mà những ký ức, những chiến công và con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vẫn còn vẹn nguyên trong lòng mỗi người. Tôi hôm nay được sống trong tự do ấm áp mà tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc. Biển đảo quê hương vẫn ngày đêm ầm ào sóng vỗ, có lúc biển dậy sống nhưng tình yêu nước vẫn luôn cuộn trào trong trái tim của một người trẻ. Các cô chú, các anh chị đã ngã xuống trên những chuyến hải trình năm ấy, để hình hài nên một đất nước tôi hôm nay. Con đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ mãi là một huyền thoại bất tử về sức sáng tạo của con người Việt Nam, về ý chí chiến đấu phi thường và tình quân dân đoàn kết, gắn bó. Biển đào quê nhà, độc lập tự do cho quê nhà, những khát vọng của các anh năm xưa, ngày nay chúng tôi sẽ tiếp bước, góp sức mình vào công cuộc xây dựng nước nhà. Và sóng biển vẫn rì rào, ngàn năm vọng mãi bản anh hùng ca về một con đường có tên gọi: đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đêm 24/09/2011
(Bài viết của Đoàn viên Tồn Phan tham dự cuộc thi "Tìm hiểu huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển - Chi Đoàn Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Ninh (Vietcombank Tây Ninh))

... Sau khi viết xong thì mình biến thành con gấu trúc!

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Lạ!

Tôi từng nói với bạn tôi rằng, nếu mình không giỏi, hoặc không nổi bật hơn người ta, thì cách tốt nhất, là hãy làm cho mình lạ!

Kiểu như trong rất rất nhiều những bạn trẻ xung quanh mình, chỉ có mình ên tôi là khoái nghe và ca được vọng cổ - một thứ đặc sản mà hầu như giờ nói ra, nhiều người dòm tôi mà cười mà nghĩ chắc thằng này không được bình thường. Kệ, nhỏ đến lớn cả nhà tôi ôm cái ra-dô nghe Lệ Thủy, Minh Vương, Bạch Tuyết, Mỹ Châu... hát ra rả mà lớn lên, là những tối thứ bảy chong đèn thức coi tuồng cổ trên đài Sông Bé - mà giờ tỉnh lớn tách thành tỉnh bé, Bình Dương Bình Phước, với tiết mục Sân khấu mặt khóc, mặt cười. Mê lắm!

Lớn lên cũng vẫn thủy chung nghe mỗi những thể loại nhạc ấy! Thứ năm hàng tháng đều nhắc nhau canh kênh chín đặng coi Vầng trăng cổ nhạc, rồi sáng thứ bảy, sáng thứ ba, chiều thứ sáu đều đều đặn ghé qua kênh bảy, kênh chín nghe chương trình ca cổ. Có thể nói là ghiền!

Bạn trẻ bây giờ hiếm ai ngồi kiên nhẫn nghe hết được trọn câu vọng cổ, in như vừa nghe cất lên giọng ngân là chuyển kênh cái két, câu vọng cổ xốn lốn đứt lặt lè giữa chừng nghe trộn trạo. Thì bởi cuộc sống ồn ã đầy ra những ca khúc dễ ca, dễ nhớ, dễ thuộc nên ai đâu dành thời gian mà nghiền ngẫm một bài ca cổ dài xới lới vừa khó thuộc, vừa khó ca, vừa khó nhớ như sáu câu vọng cổ kia đây!

Thấm sâu vào trong máu nên hễ nghe ai ca được vọng cổ là tôi mừng lắm. Như chị Kim Xoàn, lâu ơi là lâu không còn liên lạc với chị nữa, chỉ cũng ca vọng cổ được, hay nữa là đằng khác.

Nhưng tôi nâng niu câu vọng cổ, không ngoài ra ý đồ nữa đấy! Tôi phải lạ! Kiểu như ai cũng chơi nhạc trẻ, nhạc nước ngoài thì tôi trị nhạc sến, nhạc cải lương. Ấy vậy mà đi làm các sếp khoái lắm! Hồi ở ANZ đi karaoke mấy anh, mấy chị cứ rủ rỉ kêu ca hoài, giờ đến Vietcombank rồi, chị trưởng phòng nhơn sự còn bắt đi học đờn ca đi, đặng có dịp bưng ra thi thố, giao luu! Ghi dấu ấn!

Hay là tôi đi học ca cải lương cho nó bài bản ta?

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Vài dòng!

Mình đã làm việc được đúng hai tuần rồi đấy!

Mình đi nhiều vì đơn giản đó là đòi hỏi của công việc. Mình làm tín dụng mà. Chưa bao giờ mà mình lại đi các ngõ ngách của đất Ninh nhiều đến thế. Hầu như ngày nào mình cũng đi, chủ yếu để ngắm, để quan sát các anh chị đi trước. Và với một dân mới hoàn toàn như mình, thì công việc tín dụng nói chung khó. Khó vì đây không phải chuyên ngành chính của mình, khó vì một môi trường hoàn toàn khác và khó ... vì đây chưa từng là hướng đi mà mình nghĩ đến. Mình cứ tự cố gắng động viên bản thân, như bao lần, rằng là cứ cố gắng đi, một tháng nữa sẽ quen, hai tháng nữa sẽ quen! Và cứ thế mà mình cố gắng!

Chung đợt vào ngân hàng với mình có tổng cộng sáu bạn. Ba người làm kế toán, và ba người làm tín dụng, trong đó, có mình. Trong ba người tín dụng, in như chỉ có mỗi mình là yếu về nghiệp vụ nhất. Một chị gái đã từng có kinh nghiệm làm về tín dụng ở một ngân hàng khác rồi, một bạn nữa cũng bằng tuổi mình, mới - nhưng bù lại bản ấy chuyên ngành tín dụng, coi như vững ở phần cứng. Mình cũng đã từng đi làm ở ngân hàng, tuy nhiên, phòng Marketing và PR, môi trường quốc tế, công việc khác hoàn toàn. Thế nên, lợi thế so sánh của mình, bưng vô chỗ làm hiện tại, hóa ra là vô dụng. Họa chăng, lâu lâu bưng mấy cái POSM ngày xa xưa mình làm ở ANZ ra khoe với mọi người, rồi thôi!

Hai đồng chí kia, có vẻ như rất chịu lăn xả, chịu di chuyển, chịu được sai. Mình thì khác, tính mình nông nổi và lanh lắm, nhưng khi gặp người khác lanh hơn, lăn xả hơn, là mình buông. Thế nên có cảm giác, hai bạn kia đang dần dần bỏ xa mình, chỉ có mình là đứng một chỗ. Ôi ôi, nhắc nhở bản thân là, mình đang làm cho cơ quan nhà nước đấy, mình mà cứ giữ cái tôi to tổ chảng và theo cái kiểu "tự tin, năng động, sáng tạo" là coi chừng sau hai tháng thử việc mình được cấp một vé về nằm nhà tiếp đấy!

Tâm trạng quá nhỉ. Cũng phải thôi, thằng nhỏ mới đi làm cơ mà, có nhiều việc thằng nhỏ chưa quen, chưa kịp tiếp thu và cũng chưa có dịp đặng xả ra cho hết. Mình cũng muốn lắm, nhưng xung quanh ràng buộc nhiều quá. Phải đi nhẹ nói khẽ, phải giữ ý giữ tứ, phải này, phải nọ, phải kia. Mình dần đi vào quy cũ, gọi điện cho bạn thân cũng không được nói bậy nói bạ, và nói chung là, hiền!

Đi nhậu nhiều. Mình phải tập uống nhiều nước, đặng cho bao tử giãn ra, đặng đô mình tăng lên. Mình uống ít, và nào giờ cũng ít uống. Vào cơ quan rồi, thì phải tập thôi, tập từ từ, dù má mình cứ hay phàn nàn, chưa có gia đình mà đã lầy như thế, sau này còn ra sao. Ôi thiệt là nhức đầu!

Các anh chị trong phòng cũng vui lắm! Cũng có chỗ để mình tâm sự, mình rên rỉ, mình hỏi han! Và cảm giác là, anh chị cũng thương mình lắm cơ! Làm động lực để cố gắng!

Và như thế, hôm nay mình làm vài dòng! Không có thời gian nhiều, như những ngày xa xưa nữa!

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Khen các đồng chí công an giao thông!

Hổm rày có theo dõi mấy vụ công an xin đểu ở mé các tỉnh miền Trung trên báo Tuổi trẻ, tự nhiên thấy cần phải khen các đồng chí chiến sĩ cảnh sát giao thông tỉnh mình, quê mình. Bởi vì dân chỗ mình ở, ai nhắc đến các chú giao thông đều le lưỡi, sợ đến chạy dài. Kiểu như ai ra đường quên đội mũ bảo hiểm, ai uống rượu say xỉn và nhứt là chạy quá tốc độ, bước vào địa phận Hòa Thành chỗ mình là coi chừng đi bộ hoặc đi xe ôm về. Vì một lẽ rằng các chú giao thông làm việc minh bạch và nghiêm khắc lắm, không có vụ ăn chia nhượng bộ và giơ cao đánh khẽ đâu!

Gì chứ hồi mình vừa mới xuống thành phố. Đợt đó chạy ngược chiều khúc Pasteur (cũng vì nghe lời bạn đi dòm coi cái Oriflame Kinh doanh đa cấp nó là cái gì!). Dè đâu văn phòng của Oriflame nó ra sao chưa kịp dòm, thì bị công an hú. Thế là bu vô năn nỉ, cuối cùng móc năm chục ngàn ra, cho đi luôn! Nói chung như thế thì tiện cho mình thiệt, vì ai mà khoái cái chuyện lăn tăn lằn nhằn đi đóng phạt rồi bị bu bởi một đội ngũ cò giấy phạt xe tấp nập um tùm. Thế là móc, và đã cho, thì người ta nhận, lợi cả đôi đường!

Hồi tám tháng ba năm trước, mình chạy xe máy đi bán bông hồng (ở đây), bị hai chú giao thông túm lại, vì cái tội chạy ban đêm mà xe không sáng đèn. Nguyên nhân thì do tánh mình xốc nổi, lanh lẹ thành ra nhanh nhảu đoản. Cứ lung tung mà chạy đua với thời gian mà quên mất bật công tắc đèn xe lên, thành ra bị dính. Mình cứ như thế mà năn nỉ ỉ ôi, khóc lóc thở than với hai chú ấy. Nhưng câu trả lời không vẫn cứ hoàn không. Mình cũng có ý định là móc tiền ra để các chú cho qua phà, nhưng mà sợ. Kiểu như nếu mình đưa ra người ta không nhận, mà đau hơn là người ta còn khép mình vô cái tội là đưa hối lộ và chống người thi hành công vụ nữa là chết chắc. Từ chính thái độ kiên quyết, cùng với sự tự tôn hay "nỗi sợ của bản thân" mà thành ra kết quả là mấy ngày sau đó cha chở mình lên chốt công an đóng phạt, rùi đến bãi giữ xe dắt xe tềnh tang đi đổ xăng, đổ cả mồ hôi hột nhưng không phải rơi vào trường hợp chung chi. Từ lần sau đó mình cố gắng giảm tránh và nói chung là tởn tới già!

Giao thông tỉnh mình cực khổ lắm, bị thiên hạ, bị chúng chửi còn hơn là mấy đứa lông nhông tóc tai đỏ xăng quần xăn tới gối áo cao tới nách. Vì bởi các chú không chịu ăn chung chi, các chú nguyên nguyên tắc tắc và lúc nào cũng canh me người ta vi phạm luật giao thông đặng mà rút giấy phạt. Thì bởi vì tỉnh mình cũng nhỏ, người ta dân trí cũng chưa cao, hoặc giả người ta khi nghe tới các cơ quan cửa quyền là tự nhiên đâm ra sợ, nên không có đủ dũng cảm đặng mà móc tiền ra chung cho các đồng chí ấy, hoặc tệ hơn, là do người ta nghèo, người ta không có tiền nhiều trong túi, không có sẵn vài tờ cò xanh trong túi đặng lúc bị người ta kia thổi lại, nhanh nhanh chóng chóng móc ra cho qua truôn. Thiệt tình là khổ.

Nhưng bù lại giao thông tỉnh mình không bị lên mặt báo, không bị ê hề, không bị mang tiếng là "phục vụ dân bằng với... hút máu dân". Nhưng mình nghĩ rằng, khi mà người ta vẫn còn mang cái tư tưởng rằng là có tiền thì cái gì cũng qua, có tiền thì cái gì cũng đầu xuôi đuôi trót lót, và đút, và cứ đút. Thì dại gì các đồng chí kia không nhắm mắt mở hom hem một con mắt mà thuận lòng, đẹp cả đôi bên nhỉ?

Vậy thì về lâu dài, phải mần sao cho tự mỗi con người phải biết sợ, và cao hơn, là phải biết nhục, trước cái kịch bản mà khi bị thổi còi, cái quãng móc tiền ra và hồi hộp hổng biết người kia có nhận hay mình đang phạm pháp hay không, trở thành tiềm thức của mỗi người. Để cho chính bản thân chúng ta phải tự biết rằng, vi phạm là bị phạt - đó là viễn cảnh, chắc của thêm mười năm sau nữa, hy vọng thế!

Nhưng trước mắt, hy vọng các đồng chí giao thông hãy tự biết "nhục" với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Nghĩa là, hãy nghiêm túc và thẳng thắn nói không với những đồng tiền không từ những tờ giấy phạt vi phạm giao thông. Mà chắc khó, chứ nếu không, công chức như các đồng chí kia, biết lấy gì trang trải đây ta?

Và nói ra thì mới thấy, không phải cơ quan cửa quyền nào cũng cần phải có chèo có chống, có cò xanh có quan hệ thì dân đen mới mò vào được. Mình là một ví dụ nè! Cập nhật để các bạn xa gần có quan tâm được biết, mình vừa mới bắt đầu vào làm việc ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Ninh! Cũng trần ai lắm, nhưng mình làm, bằng tất cả những gì trong sáng nhất mà mình đã trải qua!

Cuối cùng, hãy khen các đồng chí công an giao thông của huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh của mình đi!

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Vườn nhà cô Hai!

Nhà cô hai tôi ở ấp Chợ Cũ 2, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi. Ngôi nhà ấy nấp dưới miên man nào là rừng điều và mấy rặng tre gai kêu cò ke cót két. Nhà cổ, thuộc loại nhà từ đường do bên phía nhà chồng, dượng hai cũng thứ hai. Nhà ngói ba gian, phía trước có mảnh sân gạch tàu, xung quanh là vườn điều, phía trước có hàng cau, phía sau là vườn tiêu, trong cái vườn rộng bạt ngàn đó là cây chùm quân, là cái giếng có tay quay hồi xưa lơ xưa lắc - đặng múc nước tưới tiêu, có dây sương sâm (viết đúng không ta?), có mấy cây mít ướt... Hồi những năm trước, hè tôi hay được ba má cho về nhà cô hai ở chơi tuần hai buổi. Giờ không còn được nữa nhưng ký ức về khu vườn rựng mát đó, cứ âm ỉ hoài trong tiềm thức!

Hồi trước giải phóng, dượng hai đi bộ đội - phía bên kia đấy, lên tới đất Tây Ninh, đụng cô Hai tôi, rồi gặp nhau, rồi thương nhau, rồi cưới. Cô hai theo chồng về đất thép thành đồng, nơi mà chỉ cần sủi đất lên là thấy sắt làm dâu! Nhà cô hai do dượng hai là con trưởng nên được hưởng nhà thờ tự, ngôi nhà ngói ba gian rộng ơi là rộng, có mấy cây cột láng bóng giống như mấy phim thuở xa xưa của Hồ Biểu Chánh này nọ, và đặc biệt là khu vườn, một khu vườn mà đủ để cho tôi ngái ngày cũ dù đến hết đời này vẫn cứ nằm mơ mà thao thức!

Đất nhà cô Hai rộng lắm, trên mảnh đất đó có ngôi nhà cổ, rồi có dư đất cho ba người con của cô cắm sào dựng nhà và trẩy những tổ ấm cho riêng mình. Vườn tược rộng thênh thang, thêm tính dượng Hai khoái mần, khoái dọn dẹp, canh tác nọ kia, nên lúc nào cũng xanh um!

Thời điểm chuyển tiếp sang thế kỷ mới, tức mười năm về trước, nhà nhà đều chuyển đổi canh tác đốn ngã tiêu, điều đặng trồng những loại cây khác, nhà cô Hai tôi lại khác, đất vườn ông bà để lại, đến chết cũng không đổi thay. Trước nhà cô trồng điều, đâu khoảng ba, bốn chục gốc, cây nào cũng bự một vòng tay ôm, nhà khỏi phải mua củi vì trưa hè đứng gió mấy đứa con nít hè nhau ra gom vài mớ cành, nhánh điều khô bưng vô là chụm được cả tuần, năm, sáu buổi. Tôi thích cây điều lắm! Trái điều màu vàng, màu đỏ, có mùi thơm thơm, gay gay mũi. Lấy cây thọc trái điều bay xuống đất, lớp vỏ mỏng manh dễ bị đất, cát làm cho trầy xước, mất đẹp, mất ngon. Tôi khoái nhất những trái điều mọc là xà dưới đất, được cái là cây điều cành nhánh nhiều, mọc gần mặt đất. Bẻ một phát trái điều thơm phức, cắn một ngụm hoặc chấm muối ớt, muối trắng cũng được luôn. Cái vị bình dân thanh lãnh khó nhớ nhưng cũng chả lẫn vào đâu! Ăn điều sống cẩn thận kẻo mũ điều dính vào áo, giặt không ra. Dòng cái thứ mũ điều, là trằn ăn khó giặt!

Không thì đem trái điều đi chiên xào nấu nướng, cũng ngon! Điều đem đi làm thức ăn thường chọn trái còn sống nhăn, ăn mới có vị, chớ mà điều trở mình hường hường rồi thì khi nấu lên nó mềm mụp, nhão nhẹt, dở lắm! Điều đem vắt cho ráo nước rồi kho với xả, hoặc đem nấu canh chua, đều ngon! Chỉ có điều, ngày xa xưa lúc thiên hạ đổ xô nhau đi chặt điều, lúc nào tôi cũng có điều để ăn. Mà giờ đây điều được giá, ra chợ có còn bao giờ thấy điều nằm tênh hênh chờ người đến mua nữa đâu! Hay là giờ đây người ta đã quên mất tiêu thứ cây trái tưởng như vô dụng mà thành ra một trời thương nhớ của ngày xưa nữa. Tìm, mà không thấy!

Và điều đáng giá nhứt là hột. Hột điều đem lùi than nghe cái mùi dầu hăng hắc, cầm cục gạch đập bùm bụp vỡ ra cái tim bên trong bùi bùi ngọt ngọt, quẹt cái mặt tèm lem khói, tèm lem than mà mót từng miếng, từng miếng ăn ngon thấu trời. Hột điều thì giờ cũng được liệt vô hàng xa xỉ, xuất khẩu đi khắp các nơi. Chỉ nhớ mấy lần cùng mấy đứa cháu nội ngoại của cô Hai canh me rừng điều nhà người ta xả giàn vô mót từng hột đem về nướng, nhớ lắm!

Vườn nhà cô Hai phía sau có cái giếng, có tay quay! Cái giếng đó nhà ít xài, chủ yếu để dượng hai tưới tiêu sau trước! Bên hông cái giếng là cây chùm quân (hay bồ quân). Trái này trước khi ăn phải bóp cho nó mềm ăn mới ngọt. Và xung quanh đó là mấy chục gốc tiêu, tiêu đen (hồ tiêu) cũng có mà tiêu lá lớp (oái, tôi quên mất tên loại tiêu này rồi!) cũng có. Giờ thu nhập chính của cô dượng là mây chục gốc tiêu này! Hồi trước cô có trồng trầu nữa, nhưng giờ dẹp mất, có điều mấy hàng cau vẫn còn, quầy cau kẽo kẹt, tàu cau rụng xuống cho tụi nhỏ làm phu kéo mo cau!

Nhà người ta thì lên phố, lên tấm, hai tấm nhưng nhà cô Hai là nhà thờ, mái ngói ba gian cơ hồ như thời gian qua đi năm dày tháng dày vẫn cứ như thế. Phần vì nhà rộng, phần vì đất rộng cấp cho mấy người con đất đai ra riêng đủ đầy hết nên không có chuyện tranh giành quyền sử dụng đất. Dượng hai cũng rảnh, thì ngày xưa đi chế độ cũ giờ giải phóng rồi có thể mần được chuyện gì đâu, nên lấy chuyện chăm mảnh vườn rộng mát quanh nhà làm vui!

Thế nên mỗi năm ghé nhà cô chơi là thấy có cây này, trái này bưng lên làm quà cho con cháu! Khi thì trái bưởi bự như cái thúng - giống bưởi này dượng phải lặn lội tuốt ở Đồng Nai xin về trồng, giờ nhân giống trồng khắp cả xóm! Rồi cả cây trường mé cuối vườn trái chín đỏ cả trời, thứ trái chua chua ngọt ngọt này âu bây giờ chỉ có nước lên rừng kiếm mặc may mới có! Và cả cây trâm bầu lớn chung với tôi đến bây giờ chắc cũng tày nửa vòng ôm, trái chín tím rịm! Và còn nhiều nhiều cây cối khác, mà chỉ có người chăm cần như dượng hai tôi mới bưng khắp nơi về để trong khu vườn mình!

Nhà cô hai tôi có một khu vườn, và đất và vườn đã làm thành một tôi trưa ngồi gác tay lên trán mà mơ về những trái điều, bụm trâm bầu, chùm trường chín đỏ, hoặc một la tiêu hăng hăng nồng nồng mà thương, mà nhớ lắm!

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011



Rơi tự do và chả biết bao giờ mới trở lại!!!

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Học!

1.

Hổm nay đọc báo Tuổi trẻ, thấy đề cập đến chuyện thí sinh thi đại học điểm môn Sử thấp kỷ lục, khiến cho mình buồn quá xá!

Mình khoái môn Sử lắm, phần vì cái tính mê đọc của mình. Nhớ ngày còn nhỏ nhỏ, thuở mà nhà sách Fahasa dưới thành phố mới thành lập hoặc thành lập chưa lâu ấy! Lúc đó, có phong trào bưng sách, bút các thể loại lên một chiếc xe, rồi chở khắp nơi trong cùng ngõ hẻm đặng đem tri thức văn hóa đến mọi nhà, đặc biệt là những nơi xâu xa ít có điều kiện tiếp xúc với sách báo. Quãng đó đang là thời của bộ Lịch sử Việt Nam qua ảnh, chiếc xe chở sách kia chất rất nhiều sách nhưng nổi bật nhất vẫn là bộ sách này. Thế nên mình rất thích, rất ấn tượng, sung sướng hơn cả là nhà sách cũng biết được con nít không có tiền, nên ơ hờ cho đọc sách ké miễn phí. Thế là mình đọc hết hàng loạt từ thời ăn lông ở lỗ, người Việt cổ rồi tới Hai Ba Trưng phất cờ khởi nghĩa, đến Ngô Quyền đại chiến trên Bạch Đằng Giang, rồi sau sau đến cờ lau tập trận, rồi Ỷ Lan Nguyên Phi hái dâu sau này làm rạng danh sử sách... Tình yêu nước, yêu lịch sử đến tự nhiên, nhẹ nhàng bằng những câu chuyện nức lòng của tinh thần tự hào dân tộc và chiến tích vẻ vang của các bậc tiền nhân!

Đấy, không thương làm sao được khi mà nói đến Sử là nhớ đến những ngày chắt mót dành dụm tiền của mua sách sử về đọc, nhớ đến những tối chong mắt canh coi cải lương mấy tuồng Sang hậu, Tiếng trống Mê Linh... Và nói đến Sử là nói đến cả một quá trình dài ngâm đi ngâm lại từ hồi lớp bốn cho đến mãi sau này, khi đã là một anh sinh viên đại học rồi. Có lần mình bảo, thi tốt nghiệp học phần bắt buộc ở trường, mình chọn môn Lịch sử Đảng, đơn giản bởi vì môn này đã thâm căn cố đế, dù có học tủ, học vẹt thì vô có trật đề, cũng có cơ sở để mình phăng, kiểu như về cơ bản, sử mình có thể tự nhiên mà buông ra.

Vậy thì có khác gì không khi ngày nay các bạn trẻ lại quay lưng với môn Sử và kết quả thi thì tệ?

Mình mắc cười với những ý kiến cho rằng chương trình và cách dạy môn Sử không phù hợp. Đâu phải chỉ có mỗi môn Sử là chương trình nặng về lý thuyết, về các con số, sự kiện, bao nhiêu dân tình chết, bao nhiêu vũ khí máy bay khí tài bị bắn hạ đâu. Mà này là toán với quá chừng quá đất những kiến thức cao cơ, là lý là hóa là sinh là anh văn và cả ngữ văn, giáo dục công dân. Thế thì làm sao đổ thừa cho chương trình được vì nặng là nặng cả hệ thống, không riêng gì Sử. Lý do đó hiển nhiên và rất chung chung!

Mình cũng không hiểu, nói môn Sử khô khan, với toàn số liệu, ngày tháng năm là sao. Đó là lịch sử, là kết quả của một phong trào, là những điều hiển nhiên mà bản chất của lịch sử là phải có. Mình không thi và không chuyên sâu nghiên cứu lịch sử, nhưng mình nghĩ, những thí sinh chọn môn sử họ là ai, liệu rằng nguyên nhân họ chọn thi sử có phải hay chăng họ yêu lịch sử, họ giỏi lịch sử hay là... ngoài văn sử địa chỉ cần học thuộc lòng ra, họ không thể nào chịu đựng nổi một bài toán giản đơn, một công thức lý hóa ở trình độ phổ thông. Chọn học sử, thi sử, nếu không xuất phát từ năng lực và đam mê của bản thân, thì hóa ra, cũng chỉ là tâm lý đi thi của những thí sinh ... đụng gì thi đó. Thì cuối cùng, kết quả cũng là như vậy, dù cho cách học, cách thi và chương trình và cả bản chất của môn lịch sử có thay đổi đến cách nào đi chăng nữa!

Ngày xưa thi tốt nghiệp phổ thông, sử mình thi được 9.5d mà mình còn ấm ức vì mình tự tin bài làm của mình rất tốt, mình đòi hỏi một điểm số tuyệt đối cơ. Thế nên khi nói về chuyện sử, mình hơi tự tin thái quá! Và điều này, có thể dẫn mình đi hơi lố, mà kệ, vậy!

2.

Cũng một môn học khác, theo mình suốt ba năm cấp ba: Toán!

Mình học chuyên toán của trường chuyên Kha. Đến với toán cũng không phải đam mê mà chủ yếu, theo phong trào và quan trọng nhất là sự truyền cảm hứng môn học từ cô giáo dạy thêm toán của mình. Thế nên mình biết, toán hoàn toàn là một môn học khó, rất khó. Tuy nhiên, đây lại là một cột trụ, cực kỳ quan trọng trong căn cơ mỗi người. Một người giỏi toán, có thể giỏi tất cả các môn, nhưng một đồng chí học dở toán, thì có xu hướng, dở nhiều môn khác.

Với việc đoàn thí sinh thi Olympics Toán quốc tế năm nay của Việt Nam trở về với một thúng huy chương đồng, mình cảm thấy đó là một việc hơi bị ... nham nhở. Bởi lẽ trong tâm trí của mình, học trò Việt Nam giỏi toán, bởi vì học toàn là lý thuyết, chương trình vừa cao vừa nặng, mà đi thi, đạt kết quả như thế, thì không nham nhở, thì là gì. Nếu như học trò phổ thông bên các nước Tây Âu học mấy môn khoa học rất nhàn nhã, thì tụi mình phải è đầu è cổ học, rồi nếu đã vào đội tuyển, thì mình biết, việc luyện gà cũng thuộc hàng kỳ công dữ dội lắm, áp lực lắm. Bởi thế mà ngày xưa, mấy đứa bạn mình mà lọt đội tuyển, được ưu tiên rất rất nhiều, mà cụ thể và phổ biến nhất là, miễn thi, miễn kiểm tra với điểm 10 đỏ au! Sướng nha!

Nhiều nhà toán học, nhà nghiên cứu cho rằng độ rày học trò không còn thiết tha với môn toán nữa, bởi ngành này khổ quá mà. Mình nghĩ rằng cũng đúng! Những đứa bạn giỏi toán của mình, nói chung, cũng có nét cá tính nào đó hơi bị lãng tử, các đồng chí ý cũng đam mê dữ dội lắm nhưng lên đại học, toàn né, và chọn các con đường nhẹ nhàng bằng phẳng, đặng ra trường kiếm nhiều lúa, đỡ mẹ, đỡ con!

Vậy thì rồi đây, nếu không cho học trò thấy được sự cần thiết và những đãi ngộ xứng đáng dành cho dân học toán (hay các môn khoa học cơ bản khác) thì làm sao mà phát triển đất nước được đây ta, vì theo mình, môn toán nó quan trọng lắm lắm luôn!

Mình cũng học toán nhưng rồi thì cũng đâu phải hùng anh gì đâu, nên quẹo qua học kinh tế đặng sau này thơi thả thanh nhàn. Âu cũng do năng lực và cả cái chí không có. Thì đành thôi!

3.

Đọc bài viết về Chữ Bích Phương trên Tuổi trẻ, mình hoàn toàn khâm phục và ngả mũ trước em. Cũng là một sinh viên Ngoại thương, mình biết được sức hút của ngôi trường danh tiếng này, bởi lẽ hơn bốn năm trước, ngày mình quyết định đăng ký ngành học này, lý do duy nhất và đơn giản nhất, cũng là vì hai chữ: danh tiếng. Có thể sau bốn năm học, mình tạm chấp nhận là mình phù hợp với trường mình chọn, nhưng mình biết, nếu như mình có những đam mê khác, và khi đã đạt kết quả ở trường Ngoại thương hay những trường đại học tốp trên khác, chắc chắn, mình sẽ không có được quyết định phi thường như em.

Mình gọi đó là quyết định phi thường, bởi trước tiên ngành em chọn là một ngành khó: Công nghệ sinh học. Một đất nước muốn phát triển bền vững, thì những ngành xương sống như thế này cần phải có được những đội ngũ kỹ sư tài năng và đặc biệt là có niềm đam mê cống hiến với ngành này. Em đã chọn nó, với tất cả niềm đam mê và tôi hoàn toàn tin rằng, với năng lực bản thân, em chắc chắn sẽ có thành tựu. Phải có những người trẻ như thế, những người tài như thế, thì nước Việt Nam mình mới có thể phát triển được.

Con đường phía trước sẽ còn dài, rất dài và đầy chông gai. Trước mắt là còn cha mẹ và gia đình em, họ chưa chấp nhận hoàn toàn với quyết định của em, nhưng mình nghĩ rằng, em hãy cứ tự tin bước tiếp con đường của em đi. Thực sự đất nước này đang rất cần những người như thế. Có lẽ do mình không có được sức mạnh, tài năng và dũng cảm như em nên có tư tưởng như thế. Nhưng thực sự, mình mong mỏi em sẽ thành công với đam mê của mình.


Đấy, lâu lâu cũng phải làm vài cái đặng lòe thiên hạ rằng mình cũng dân cử nhân kinh tế đàng hoàng bằng cách nói chuyện học vấn với người ta. Chỉ e, nói nhiều nói bậy thôi! Ha ha, tâm đắt nhất cái kiểu nói của một nhà thiết kế: nếu cởi mà trái đất bớt nóng, thì tôi cũng cởi. Đổi lại, nếu nói được và làm được mà VN mình rạng rỡ hơn một xí, mình cũng quyết tâm... đi học lại lần nữa, cho bỏ!

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Ruộng gần nhà!

Trong Folder hình ảnh của tôi, có một tập tôi đặt tên là ruộng. Kiểu như có mấy bận tôi ngoảy đuôi chạy xuống mé ruộng sát rạt bên nhà rồi tức cảnh sinh tình chụp mấy ngụm đem về. Bữa nay tôi câu view bằng cách treo lên đây cho khách đến xem! (tôi bỏ ý định câu còm kiếm sống rồi! Đau nhỉ!)

Báo động trước là hình nó dòm không có art lắm, lại mờ mờ ảo ảo do độ phân giải của máy có hạn (mà chủ yếu là do túi tiền nó nhiêu đó thì... là nhiêu đó! Lăn tăn chi!). Nhưng với tôi là đẹp, bởi, báo động kinh hơn là ruộng gần nhà hầu như bị đô thị hóa gần hết rồi! Không còn cảnh cò bay thẳng cánh nữa đâu người ơi! Chua chưa?




Ngày xưa tôi khoái chạy tềnh tang trên những thửa ruộng kiểu như thế này, ruộng chưa tháo nước, chiều chưa đổ mưa, xách tay áo mà chạy trong phần phật gió, cảm giác nó đã dữ dội lắm! Ruộng tháng ba tháng tư vô vụ đã gặt xong còn trơ gốc rạ, thấp thoáng là vài mẫu môn củ trồng xen canh! Môn củ nấu canh, luộc, hấp ăn cũng ngon, nhưng tính tôi không khoái ăn các loại củ cho lắm!




Trong những bài văn kiểu mẫu ngày xưa tôi học, hễ dính đến hình ảnh cây tre thì sẽ là: tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Nói chung có những quy tắc, những cách thể hiện điển hình mà khi đụng tới là tự nhiên nó thốt ra!

Bụi tre đằng ngà này coi mòi chai điếc dữ ta! Xác xơ tiêu điều buồn thúi ruột!





Ruộng hành, ruộng mướp! Nói chung dòm mấy cái ruộng này là thương đứt ruột à!

Khoái cái cảm giác len lỏi giữa những giàn mướp, bầu bí trái không là trái, để cái cảm giác rằng mình trở lại cái hồi xa xưa chiều chiều hay xách bụm tiền lẻ chạy xuống xóm dưới mua mấy đồ hàng bông về cho má, không cần chạy ra chợ chi cho mắc công! Kiểu như hồi xưa, hàng xóm láng giềng người ta bán đồ ăn tươi tại vườn luôn! Giờ thương lái tới tận vườn mua bao, khỏi có cái cảnh như hồi xa xưa nữa!




Trồng rau nhúc đang là nghề thời thượng đó! Rau nhúc bán đắt như tôm tươi. Rau nhúc luộc chấm nước tương, rau nhúc nấu canh chua cá bông lau, rau nhúc để sống chấm nước tương, rau nhúc trụng lẩu, thảy đều ngon.

Nhớ tới ông bạn quê miền Trung, hồi tôi đi chợ xách bó rau nhúc về, ổng tăm hơ tăm hớt lặt lá bỏ cuống hỏi tôi mần làm sao? Tôi cười rụng quai hàm nói anh chưa từng ăn loại rau này sao? Hóa ra, có người cũng chưa từng ăn rau nhúc!




Một mái nhà cổ! Phía sau là sông, phía trước là con đường rợp bóng cây từ mé chợ chạy lòn xuống. Một con hẻm điển hình của những ngày xa xưa! Nhà này bỏ hoang, không có người ở! Um tùm, đẹp và gợi chất liêu trai!

Có ba con gà nhà thả rông gặm cỏ. Gà đẹp mã dữ thần ôn ha!

Khoái nhứt là cái bãi cỏ xanh mơ xanh miết, dòm mát cả mắt!



Thấy sông chưa? Mái nhà loang lổ, có thể ngày xưa là một chỗ nghỉ trưa đặng làm bến tàu, bến sông chi đó! Chỗ tôi không thuận hà thương nên sông rạch không hảo hảo được người dụng!

Một chiều điên, buồn giả bộ bay ra sông ngắm lục bình. Sến còn hơn Marie sến!



Có các cô bác nông phu đang chăm chỉ mần ruộng! Máy cùi chụp xa chỉ thấy beng béc hư ảnh! Thiệt ra họ đang cấy hành cho một mẫu mới.



Tôi đây, tôi đây! Quần đùi áo khoác dòm mắc cười quá xá! Bữa đấy in như trời mưa lất phất hay sao đấy nên mới phải trang bị kín trên hở dưới lạ lùng như vậy!

Cây cầu bắc ngang bờ kinh dòm chơn quê ghê! Bờ kinh này hồi xa xưa tôi hay xách cần câu câu cá chốt nè! Giờ nó chảy thỏ thẻ thỏ thẻ, kênh cống Kiều, thúi quắc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường đó nha!

Có ai khoái dòm ruộng như tôi không?

Chợt nhớ kem của những ngày xưa!





Đã lâu lắc lâu lơ rồi không còn thấy thằng bé, trên dưới tuổi của tôi đẩy xe kem, màu xanh, lắc lư leng keng đi qua xóm tôi bán kem dạo nữa.

Kem, thiệt ra là tiếng gọi của lớp trẻ bây giờ, chứ như tôi rặt ròi của những ngày xa xưa, chỉ gọi toàn cà rem hay cà - lem mà thôi! Cà rem ướp trong thùng xốp, có đá giữ lạnh ngắt, cắn một ngụm, cắn hai ngụm với cả le cái lưỡi liếm khắp vòng trên vòng dưới là thành ra quá chừng ngọt ngon của cái thời ngây thơ nghe tiếng leng keng của cái chuông đồng nhỏ lắc xắc là xớn xơ xớn xác xin cha, xin má hai trăm, năm trăm đồng xách quần ù té chạy. Vui vậy đó! Mà cái nắng ngày xưa không heo hắt, không nực nội như bây giờ, mà cây cà rem lúc nào cũng thấy ngọt lành, mát rưởi, đặng thổi mát cả một thời tuổi thơ khốn khó chìm nát trong lớp lớp những niềm vui!

Con nít khoái cà rem, cái này in như thời nào nó cũng là như thế. Kiểu như má tôi bật tivi thấy phim Đài Loan có hai cái bím (ý chỉ những phim của Quỳnh Dao có nhơn vật nữ chính thường thắt hai cái bím tóc) là thể nào cũng coi sống coi chết. Kiểu như cha tôi dù coi Việt Nam đá banh thua xiển liển nhưng vẫn cứ canh chừng ngày báo ra đặng đọc điểm báo, rồi canh giờ phát sóng coi ngọn ngành từ lúc bình luận trước trận đấu cho đến bình luận giữa giờ và còn nuối tiếc đến cả những lời bình sau trận. Cái chân lý con nít khoái cà rem với tôi nó thực và gần gũi như những thói quen của cha, của má, hiển nhiên và gần gũi, bình dị đến không ngờ!

Thì bởi nhà tôi gần cái chỗ làm cà rem mà. Nhà đó cách ba ngã tư, trước nhà không có hàng rào hàng kẽm gì hết ráo, nghề nghiệp tư gia in như là làm kem. Nói theo kiểu ngôn ngữ tân thời có học như bọn tôi bây giờ là kinh doanh hộ gia đình, cơ sở nhỏ lẻ, manh mún. Hàng cà rem chỉ độc hai loại, cà rem nước dừa với cà rem đậu đen. Hai loại đó, đơn giản mà hầu như ngày nào tôi cũng thèm ăn. Cả đám mê mẩn thường ráng ngày nào cũng để dành tiền đặng chờ thằng nhỏ đẩy xe đi bán ngang nhà rồi ngoắc vào thằng làm một cây xì xào xì xụp mà liếm, vui lắm!

Cái cơ sở làm kem đó, còn kiêm thêm cả nạo dừa. Thì cũng đúng thôi, làm cà rem nước dừa, chuyên nghiệp hóa một chút thì phải trang bị cái motor nạo dừa bằng điện, chứ chả lẽ ai lại đi xài cái bàn nạo dừa bằng sắt đen, mỗi bận rột rà rột rẹt nạo đến phồng tay công suất vừa thấp vừa không hiệu quả cho đặng. Lỡ trang bị rồi thì mở rộng đa dạng hóa sản xuất bằng cách nhận nạo dừa xỉ và lẻ. Dân nhà quê lâu lâu nấu chè, mần bánh đám giỗ, gói bánh cấp bánh cúng nhơn dịp đại tường, tiểu tường, quờn kinh... đều xách dừa trái thọc trong vườn nhà bưng tới chỗ làm cà rem đó đặng nạo giùm. Nói nào ngay đâu phải nhà nào cũng có bàn nạo tay đâu ta!

Trở lại chuyện thằng bé bán cà rem ngày ngày chăm chỉ đẩy xe cà rem màu xanh dương đậm đi tềnh tang khắp làng khắp xóm bán cà rem nhé. Thằng đấy chắc cũng xấp xỉ tuổi tôi thôi, nhà đồng chí ấy đông anh em. Cha má hắn cấp cho mỗi người một cái xe, đẩy đi bán khắp các nẻo đường quê thôn xóm. Những năm hắn đi bán cũng trên dưới một chục năm trước. Tôi ăn cây cà rem của hắn từ thuở chưa nhổ giò, chưa vỡ tiếng cho đến lúc mặt tôi và hắn đều dề dề u cục mụn mới lớn. Đi qua đó là biết bao nhiêu đôi dép của hắn mòn khắp lối, và đi qua đó là rất rất nhiều niềm vui con trẻ khác mà tôi có, trong khi, hắn mỗi bận chắc chỉ toàn dòm tụi tôi chơi mà lẳng lặng đẩy xe cà rem đi!

Hơn sáu, bảy năm gần đây, không còn thấy hắn nữa. Thằng nhỏ bán kem đó đã lớn. Lúc thành niên đổi tính, không còn hiền lành, chân chất nghe lời cha lời má mà ngày ngày đẩy xe kem đi bán nữa. Trong trí nhớ lâu lơ lắc của tôi là hình ảnh một cậu trai để mái dài, loe hoe những bợt màu của thứ thuốc nhuộm rẻ tiền dòm y chang đám lục lâm thảo khấu lưu linh lưu địa. Hắn vẫn đẩy xe cà rem đi nhưng thời điểm đó, kiểu như từ kem đã phổ biến hơn từ cà lem cà rem rồi, và ít người còn mua cà rem nước dừa, cà rem đậu đen cho con người ta ăn nữa. Rồi nghe nói hắn bỏ nhà đi lưu linh, nhà đó con cái cũng lớn lên, vợ chồng con cái cũng không còn bán kem nữa, bán nhà, bán đất đi nơi khác. Không còn cái nhà bán kem nữa, địa điểm nạo dừa mướn coi như vất đi. Mà cơ hồ giờ cũng ít nhà nào nấu chè mà chịu khó xách cây, trèo cây hái dừa rám, rồi lột vỏ, rồi bưng đi cho người ta nạo. Chẳng thà bay ra chợ mưa đường, đậu sẵn ghé mua luôn dừa nạo sẵn, hoặc tiện hơn mua luôn bịch nước cốt dừa đựng trong bọc giấy kín dạng fast food tiện lợi đem về nấu. Vì thế, mà cái xe cà rem cùng thằng bán cà rem sàn sàn tuổi tôi nó biến mất tiêu. Lâu thiệt là lâu!

Nói cà rem ngày xưa ngon là nói xạo! Thiệt tình, vì kem không đông cứng, ăn cứ xồm xộp xồm xộp và cơ hồ ăn chậm là chảy tè le tét lét. Nhưng với tôi, ngày xưa là hết thảy, kiểu như thèm là ăn hết, ăn tất, ngày đó là ngon, bây giờ nghĩ lại là thấy thương chứ không phải cái cảm giác ngon lành ngọt mát nữa. Tôi lý trí như thế, cho nên cảm thấy tiếc nó cứ ăn dần ăn mất những ngọt ngon tuyệt cú mèo của những cây kem, viên kem thời bấy giờ. Dù là kem của cửa hàng nước ngoài nổi đình nổi đám trên Sài hay ở một góc quán nhỏ nhỏ nơi Ninh nhà! Âu cái tư tưởng già đầu rồi mà còn kem kiết nổi gì đã tràn ngập trong tâm tưởng tôi rồi!

Và bữa nay tự nhiên nghe leng keng tiếng của chiếc chuông nhỏ bán cà rem chạy qua trước ngõ. Ông già đó bán kem cũng mấy chục năm rồi, nhưng tôi không hảo kem của ông bác ấy, kem bở và ngọt ngơ ngọt ngắc. Và nhớ lại xe kem ngày xưa của thằng bé sàn sàn tuổi tôi, chả biết giờ hắn lưu lại nơi đâu, chả biết có còn nhớ có một quãng ngày xưa hiền lành ngày ngày đẩy cà rem đi bán. Ông già bán cà rem leng keng xe đạp cũng như thế, mấy chục năm rồi vẫn đi bán kem. Ngày nào đó ông không còn chở thùng cà rem đi được nữa, liệu tiếng chuông kia có còn ai nhớ tới!

Hơi, bé em của tôi chỉ biết mỗi kem Merino bảy ngàn một que trúng điện thoại Nokia thôi! Nó ăn hoài chờ hoài đặng trúng điện thoại đấy! Cơ mà con nít mới học lớp sáu mà đã mộng xài di động rồi cơ à! Để tiếng chuông đồng leng keng trôi tan nát những buổi trưa thèm ngơ ngác một cây cà lem hình tròn tan nát!

Leng keng! Leng keng!

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Chi!



Tôi nhận được tin bạn tôi mất vào một sáng, trời trong. Một ngày tháng bảy, và tôi biết được rằng, từ lúc đó mà tôi thật sự lớn, thật sự biết nghĩ về bước đường tương lai phía trước của mình!

Bạn tôi quê ở Hà Tĩnh, bạn học chung với tôi hai năm đầu đại học, sau đó bạn chuyển ra Hà Nội, vẫn học Thương, nhưng chỉ khác cái, là bạn học ở cơ sở một thôi! Là một trong những người chơi chung nhóm, dĩ nhiên, tôi với bạn có rất nhiều dịp tiếp xúc với nhau. Tôi không muốn nhắc nhiều về những kỷ niệm đó, cơ hồ tôi cho là một sự xúc phạm đối với người đã khuất. Ngày xưa tôi gọi bạn bằng bà, có nhiều khi bạn kêu tôi bằng mày, nhưng chưa bao giờ tôi thay đổi thói quen gọi bạn bằng bà, như một khoảng cách, một vệt ngăn giữa hai người bạn!

Do giọng khu bốn, nên những ngày đầu tiên khi bạn nói gì đó, tôi thường không hiểu, nhưng nghe dần thì quen. Và giọng nói ấy, thế là từ nay tôi không còn cơ hội nghe được nữa. Tôi khóc khi gọi điện để chứng thực rằng bạn đã mất qua một người bạn khi xưa đã từng ở chung phòng trọ với bạn. Tôi khóc vì biết, bạn thực sự đã mất đi rồi. Nụ cười giả lả cách vòng dây điện thoại tắt ngắm, tôi định mượn nụ cười giả lả đó, đặng hy vọng rằng, đứa mô nào chơi ác tung tin thất thiệt kỳ cục vậy bây! Nhưng cuối cùng, nụ cười hóa thành giọt nước mắt, nhẹ hẫng, nhẹ tênh! Ít người biết, ngày xưa tôi cũng ở chung một nhà trọ một trệt hai lầu, bạn ở lầu một và tôi ở lầu hai, sáng chiều đi học đều hay đi chung, đụng đầu nhau côm cốp!

Bạn nổi tiếng trong trường lắm, bởi có giai đoạn, bạn xách đống báo Sinh viên Việt Nam đi bán lung tung khắp cả trường. Nhiều người biết bạn, và chắc khi nghe tin bạn không còn trên cõi đời này nữa chắc sẽ ngớ ra, và những ai còn giữ lại tờ báo bạn đã từng tận tay trao, giờ lại thành kỷ vật. Chắc hẳn họ sẽ giống như tôi, đau đớn và bất ngờ! Tôi đã từng giúp bạn rất rất nhiều lần phụ canh giúp sạp báo, và đồng hành cùng bạn trong một quãng đường con gái ngắn ngủi hai mươi mấy năm, thốt nhiên, nói cái đau đớn bất ngờ của tôi, so ra với những bạn bè, người thân trong gia đình bản, chả thành ra cái gì. Nhưng thực sự thì, tôi vẫn cứ đau, vì bạn, và vì cả những nỗi đau mà bạn để lại cho mọi người!

Từ bận bạn chuyển qua Bắc, tôi ít liên lạc với bạn, thực sự ít. Đó cũng là cái khó của tôi, bặt tăm rồi lặn tăm. Địa chỉ liên lạc trên facebook tôi cũng xóa, số điện thoại của bạn vẫn còn trong list nhưng nói thiệt, chưa từng được tôi nhắn tin gọi điện hỏi thăm, và tôi đồ chừng, số điện thoại đó, giờ không biết bạn có còn sử dụng. Tôi không dám gọi vào số điện thoại ấy nữa, tôi sợ đầu kia sẽ có người bắt máy, và tôi sợ hỏi lên đây có phải số máy của C. hay không? Và tôi càng sợ hơn nếu là những tiếng nấc, vì chắc ăn nếu còn sử dụng, thì mẹ của bạn hoặc ba bạn sẽ là người cầm giữ cái sim số ấy, nhà bạn có bốn người, anh trai đi làm, bạn đang chờ lãnh tấm bằng đại học và chờ ngày đi làm, giống như tôi. Những công cụ liên lạc dở dang, mãi dở dang như cái tài khoản facebook của bạn kia, giờ biến thành một bảo vật chứng minh bạn đã từng sống, từng tồn tại. Tất cả đều đơn độc!

Hình như có lần bạn chia sẻ với tôi, bạn thích đọc blog Trang Hạ, bởi bạn thích cái cách cô ấy sống, tự tin là gái hư! Chắc vì thế mà bạn đăng ký vào câu lạc bộ nhảy dù ngoài Hà Nội. Rất lâu rồi, khi phát hiện bạn có niềm đam mê với môn thể thao phiêu lưu ấy, tôi hơi gợn. Bất ngờ như lần biết bạn tham gia vào đội SIFE của trường. Còn bao nhiều điều về bạn tôi chưa biết, và giờ, là không thể biết!

Nhưng tôi biết bộ phim bạn mê: Babel, quyển sách bạn thích: Đèn không hắt bóng… Hai tháng trước tôi vô tình gởi cho bạn một message hỏi thăm dạo này sao rồi, mà chủ yếu là để than thở chuyện của bản thân mình. Và hóa ra, những dòng hỏi thăm ấy, giờ lại thành ra là bút tích cuối cùng còn lại của bạn dành cho tôi!

Bạn mất vì một lý do y chang phim! Đi nhảy dù, đáp phải một hồ nước sâu, bạn không biết bơi, khi phát hiện ra đem bạn vào bệnh viện, mọi chuyện đã thành ra quá trễ. Bất ngờ và mắc cười quá chừng phải không?

Và đến giờ thì tôi vẫn còn đau, vì cái tài khoản facebook kia, bữa rôi rãi tôi đi unclick nó, và giờ thì có muốn add you as friend cũng có còn ai ok nó nữa đâu!!!

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

6:21 pm

7/8/2011

Ngồi chờ thời giữa canteen tắt đèn đi ngủ của B - Đại học Kinh tế Sài!

Một mình!

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Thì cũng chỉ là duyên!

Thành - 2007.

1.

Chỉ còn mấy bận sáng dậy sớm tranh thủ quét tước nhà cửa, nhón gót chải đầu rồi ghé qua cái tủ đầu giường lấy mớ tiền má để sẵn quạnh hiu khô khốc từ tối hôm qua đặng xách giỏ ra chợ Hải mua đồ ăn rồi về tranh thủ mần đồ ăn. Trưa thì đòng đưa ngồi phụ dì hai nhà bên lột mớ vỏ tỏi, vỏ ớt, hai cái tay khẳn dậy mùi của đứa làm lâu năm, đầu gối tựa đầu mà nước mắt cứ rơi ri rả. Bà dì hai dòm còn cười tủm tỉm, lột tỏi, hành, ớt các thứ biết bao năm rồi mà đến giờ này vẫn còn chảy nước mắt sống, thiệt tội nghiệp! Có ai biết con nhỏ đang khóc, chiều chạng vạng chạy về bắt nồi cơm, làm mớ rau, mớ canh, mớ cá, mớ đậu hũ ky, mớ que, đậu cho buổi cơm chiều cha má. Tối sáu giờ hườn đất là xắp xải chuẩn bị mùng, mền đi ngủ. Đời con gái không chữ nhiều, không nhan sắc nhiều, không ăn chơi, không tụ tập trai gái, không đô thành phồn hoa tấp nập quanh quanh quẩn quẩn chỉ có nhiêu đó. Mười chín năm rồi mà giờ cái vòng quay ấy sắp sửa bị người ta bưng đi mất. Cả ba bốn tháng ròng con nhỏ không còn tí toáy nói chuyện với bà con dòng họ nữa. Tiếng cười khí khách bay đi đâu mất. Còn tròn dăm bữa nữa, con nhỏ đi lấy chồng!

Thì cũng là chuyện của những người nhà quê! Ông già Nam Bộ khẳng khái, mần lúa, bạn nông nhiều, đa phần là bạn rượu. Bữa hai ông già ngồi chung sạp chiếu, cười rung lơ rung lắc hai hàm răng cũng sắp sửa lung lay hết thảy! Rượu vào lời ra tôi còn nhỏ con gái út, không giỏi giang gì lắm nhưng hiền lương thục đức, cũng coi mòi kiếm mối nào gả đi! Ông bạn ngồi kế bên dốc ly đế, khoải ra cười ê hê nào ngay thằng con kế út của tui cũng vậy đa, hai mươi mấy tuổi rồi, cũng đang kiếm người dạm hỏi, thằng nhỏ nhát, đến giờ chưa thấy dẫn đứa con gái nào về. Ù ù cạc cạc rồi hai ông bạn hiền đập ly rượu cái cộp, tui với anh đây làm xui.

Y chang chuyện kiếm hiệp, bữa con nhỏ đang lóc cóc lột củ hành, củ tỏi bên mé hiên nhà dì hai! Đòng đưa võng, đòng đưa tiếng cười khúc khích vì bữa qua bộ phim Mất tích (Lost) trên đài Vê ba chiếu tới cảnh có ông bác sĩ làm nhân vật chính. Con nhỏ khoái, lạ là nó không thích phim Hàn, phim Tàu, phim Việt, toàn chuộng hàng Mỹ, coi hay, hoành tráng! Ai nói không học nhiều thì không được coi phim đòi hỏi nhiều nếp nhăn trên não hử?

Thì đang tới cảnh con nhỏ đòng đưa chỗ võng lột tỏi đó, thì tiếng má vọng qua, gái nhỏ ơi về nhà có chuyện gấp. Rốt cuộc qua bữa đó, nó ngồi lơ ngơ láo ngáo, nửa buổi mới biết người ta đem cau trầu qua đi hỏi! Nó ngồi đực mặt đực mày, trời ơi có vụ này nữa sao ta? Thời đại gì rồi mà còn có vụ uống bữa rượu rồi nối cái dây tơ hồng cho hai cái người không quen không biết làm thành chồng thành vợ. Mà mình là cái loại người gì mà lại rớt vô cái vũng bùn lầy vô duyên này chứ. Mà cha của của mình cũng lạ, con gái tự dưng bưng đem gả cho con người ta, mà mình cũng có biết mặt cái người mà mình sẽ hay bị đem bưng cho kia tròn dài mập béo ra sao.

Con nhỏ giãy nãy, giậm chân giậm cẳng khóc lóc thảm thương nhưng ông cha càng làm trợn. Tao là cha, tao nói mày đứng là mày đứng, nói con bò chỉ con vịt mày cũng phải nói con bò. Phang cho con giỏ mấy cây gậy đi không nổi nhưng vẫn một mực không đồng ý chuyện chỉ tay đám cưới, và ông cha thì càng bướng càng sinh khí, càng sinh khí thì chuyện cưới hỏi càng đến gần, tuyệt đối không thể bỏ! Từ bữa đó con nhỏ không còn cười tí toáy, hông nhà bên cánh võng cũng ít khi đòng đưa. Tối con nhỏ đi ngủ sớm, không còn tranh thủ chờ lúc mười giờ đêm trong buồng cha má đi ngủ hết lén mở truyền hình lên coi phim Mất tích! Chỉ thấy nó im ỉm như cái bóng, cái vòng tròn các chuyện phải mần đã nói phía trên vẫn lặp lại, chỉ điều im hơi lặng tiếng, và cái đầu gối bữa trưa nào ngồi lột tỏi, lột ớt, lột củ hành cũng ướt lướt thướt lem nhem! Ít đi tiếng cười và nhiều thêm mấy hàng nước mắt! Đời con nhỏ độ rày nó là như thế!

****************************************************************

(Còn tiếp tiếp)

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Năm mười - Của nhớ và xa....

Bữa vô tình dành một phút để xem chương trình "1 phút có trong sự thật" - những hình ảnh ngắn, những thông điệp ngắn, về những không gian chật hẹp tù tùng nới phố thị bây giờ đã vắng bóng đi những tiếng cười con trẻ, những bước chân tuổi thơ ngang tàng bên những quãng vắng! Trò chơi năm mười hiện lên trong tiềm thức qua một phút phim ngắn ngủi để thấy rằng trời đất cơi sao con nít bây giờ, đủ đầy no ấm đấy mà cũng thiếu thốn quá chừng đấy! Đã quá lâu rồi không còn thấy tiếng trẻ nhà ai ơi ới gọi nhau, tìm nhau trong những trời chiều chạng vạng rủ nhau chơi năm mười. Mà đó, là cả một tuổi thơ tôi dậm dài cho tới lớn!

Năm mười - trò chơi đơn giản mà vui nổ trời, lẽ thường, là trò chơi phổ biến và được lũ con nít tôi khoái nhất. Luật chơi đơn giản lắm, một đứa chăn - ôm cây cột đếm năm, mười, mười lăm cho đến một trăm (sau này lớn lên, hơi dài ra, lại bắt đầu tăng lên, đếm tới hai trăm, đặng đủ thời gian mà đi tìm chỗ núp!). Những đứa còn lại, trong khoảng thời gian từ năm đến một trăm / hai trăm đó, ba chân bốn cẳng hú hí rủ nhau đi núp, núp càng khó tìm, thì thằng bị chăn kia càng chăn đừ! Luật còn chơi cứu, tức theo sau câu đồng dao - chín lăm, một trăm - đứng xa ba bước bắt tử nhất chăn, thì theo thứ tự đứa nào bị bắt đầu tiên, sẽ là người tiếp theo chăn cho tụi kia trốn. Nếu trong đám đi trốn có đứa không bị bắt, nghĩa là còn sống, sẽ được quyền cứu bất kỳ đứa nào trong bọn! Càng nhiều đứa sống, thằng chăn càng đừ!

Chơi năm mười đơn giản, càng đông càng vui! Thế nên, có khi cả xóm gần mười lăm hai chục đứa chiều chạng vạng trời là rủ nhau ra lộ cái chơi năm mười, chạy thả trời thả gió thả cửa, thả lốp ngốp những tiếng cười trẻ thơ bay ngang tàng trong cái khoảng không gian đường cái ít xe, ít người qua lại!

Không kén người chơi như những trò chơi khác, phải đợi lớn lên tí nữa thì anh chị mới cho chơi (như ống thụt - con nít con nôi mà súng ống cái gì - anh tôi hay đá đít tôi, biểu đi chỗ khác cho ổng mần ống thụt, sợ mạt cưa bắn ra văng vô mù mắt), như bắn nạn ná - lạng quạng coi chừng banh con mắt, như chơi keo - bao giờ tay mày dài ra thì cho mày chơi, tay ngắn ngủn, sao mà bắt người ta được... Năm mười chỉ cần biết chạy, là cho chơi tuốt! Từ đứa lớn tồng ngồng mười lăm, mười sáu tuổi, đến đứa con nít bốn, năm tuổi đang giữa đường chạy trốn té cái rật, đứng lên, kéo quần tuột tới đáy, chạy tiếp, mũi dãi chảy lung tung! Trò này là thế, càng đông, càng vui!

Do tính chất đứa tìm - đứa trốn, nên chơi năm mười, thường lại gắn liền với những câu chuyện ma. Kiểu như tụi bây liệu hồn đừng trốn trong góc kẹt, trong hốc bà tó, sau thân cây cô quạnh tịch liêu có một mình ên không ai biết, là coi chừng bị ma bắt. Tuổi thơ đứa nào cũng dấu in ký ức về những buổi trưa cả đám tụ tập ngoài đường hẻm, rì rào rì rầm truyền tai nhau nghe những câu chuyện liêu trai hồ ma quỷ quái, con nít trốn chỗ tối bị con ma lưỡi dài le lưỡi liếm, đi vô rừng bị ma bắt cho ăn bún, cho ăn bánh mà tỉnh ra là ăn giun với ăn đất. Những câu chuyện như thế nhập vào với trò chơi năm mười thành thử ra hòa vào nhau, làm cho trí óc trẻ thờ càng khoái tợn. Vừa mang tính phiêu lưu - cho đứa nào chơi giỏi, gan lanh thì tìm chỗ nào khuất người khó kiếm mà núp. Nếu chơi năm mười vào buổi tối còn ác chiến dữ. Đứa nào cũng sẽ bu nhau núp cùng một chỗ, rồi nhát ma, rồi này rồi nọ đủ thứ! Để rồi cài chân thể nào cũng sẽ dính đầy đất cát, tối đi ngủ từ cổ cho tới nách cho tới chân tay đều đầy mồ hôi! Tối sẽ ngủ ngon, trong giấc mơ sẽ không có con ma nào tới bắt, bởi một tối chạy nhảy thôi rồi mà!

Này, chỗ tôi còn có thêm chơi năm mười tạt lon / tạt bóng / tạt bưởi! Thì cũng sẽ có một đứa chăn đấy, những đứa còn lại sẽ chạy đi tìm chỗ trốn. Nhưng không cần một cái cột, một thân cây làm trụ đâu! Chỉ cần có một cái lon gô sữa bò, một trái banh bằng nhựa, một trái bưởi đèo chơi đá banh xong thừa ra! Rồi vẽ cái vòng tròn, đặt vô giữa, giống trò tạt lon đấy! Sau đó thì đại diện phe được chạy đi trốn, lựa thằng nào mạnh con, sức khỏe tí, lấy hết sức bình sinh mà đá trái banh, quăng cái lon, đá trái bưởi đi xa thiệt là xa rồi cả đám ù té chạy đi núp. Đứa chăn thì ba chân bốn cằng chạy đi lượm trái banh về, đặt lại vô vòng rồi bắt đầu hành trình đi tìm chỗ mấy đứa kia núp. Thấy đứa nào thì tức tốc bay tới cái vòng tròn gõ tùm tùm ba cái vô cái lon đồng thời xưng tên xí thằng A, con B, bé C... núp đừng sau x,y,z... Vậy đấy, một biến thể của năm mười kết hợp với tạt lon mà thành ra một trò chơi vừa vui vừa lạ! Thông thường trò này lâu lâu tụi con nít tôi mới bày ra chơi, sau khi chơi tạt lon, đá banh chán. Và thường chơi vào lúc trưa, không giống như kiểu năm mười phía trên, chơi vào buổi chiều hoặc tối. Âu cái nào cũng có chỗ giống nhau là... càng đông thì lại càng vui!

Một biến thể khác nữa của năm mười, mà tôi chả biết rằng ngoài đám con nít chỗ tôi ra, chỗ khác có ai đã từng chơi hay không: năm mười đắp mền. Nghe cái tên vui vui, ngộ ngộ quá chừng mà. Thì cũng sẽ là tìm và bắt những đứa trong bóng tôi thôi, nhưng bóng tối ở đây được bao trùm bằng một cái mền bự, trong đó là ba bốn năm đứa con nít - toàn là anh chị em trong một nhà! Và đứa chăn sẽ ở vòng ngoài, sờ soạng lung tung dùng thính giác, tri giác tất cả mọi thứ mà lần ra danh tính của những đứa đang núp trong chăn đó! Trò này thường chơi không lâu, chừng ba bốn hiệp là chán, chơi lại ít, vì một cái mền một cái giường làm sao mà chứa cho nổi cả chục đứa con nít bò lê lăn toài trên đó. Nhưng được cái, anh chị em trong nhà, cũng nhờ đó mà tình cảm thêm gắn bó. Năm mười đắp mền, thôi thì cũng chắc là đặc sản của những nhà đông con, hoặc của những gia tộc đông đúc anh chị em con cháu. Để mỗi bận giỗ quảy, ngoài những giờ chạy lăn tăn xách tàu chuối bày trò quánh trận giả, chơi tạt lon, chơi keo... chán chê, lúc lên giường hau háu rủ nhau chơi tiếp. Con nít mà, chỉ có niềm vui là bất tận chứ nào có biết mệt, biết mỏi là gì đâu!

Rồi thì tôi cũng lớn lên, lũ trẻ nít chung xóm, anh chị em cùng trang lứa cũng lớn lên. Không đi xa, nhưng rồi thì dĩ nhiên đến một tuổi nào đó, những trò chơi trẻ thơ sẽ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm! Và nhớ, và thương và lâu lâu đem ra tiếc! Con nít bây giờ không biết cò còn chơi những trò chơi thơ dại ngày cũ hay không nữa! Đấy, là cái mà những người ngai ngái ngày cũ như tôi, cảm thấy tiếc nuối nhất!

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Kinh nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp... Số 2

Ối ối hổm rày bản tự kỷ quá, chả hiểu sao đề tài thì cứ đầy ong óc mà chữ rơi ra chừng nửa trang là tắt tị, bản thiệt là bực bội mà! Đành trở lại với đề tài trước đang dang dang dở dở vậy! Chấm cái nhỏ là bản đã tạm không xài đến facebook được một tháng rồi, hy vọng là bỏ được luôn, vậy nên bà con nào có liên lạc với bản thì tốt nhất là cứ gọi trực tiếp, còn không thì thôi! Cái bờ lau này cũng đang trên bờ vực bị bản bưng vô vất trong xó, gì cái gì thì bản cũng chả biết! Lầm bầm ba chấm đủ rồi, giờ thì tiếp tục vì các đàn em FTU thân yêu mà chia chia sẻ sẻ kinh nghiệm làm khóa luận tốt nghiệp vậy!

Và đừng quên bài số 1 ở cái chỗ này!

1. Về số liệu

Nỗi lo lắng trường kỳ kháng chiến của các đồng chí khi làm khóa luận, đó chính là... số liệu! Dĩ nhiên rồi, phải có bột mới gột nên hồ, có thể nói số liệu chính là cái sườn cốt làm nên nội dung bài viết á! Có số liệu, thì mới dễ dàng mà tung tung hoành hoành, phân tích, dự đoán, đưa ra kết luận thế này, thế nọ, thế kia. Số liệu có nhiều, thì có thể tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau, số liệu ít thì dễ rơi vào tình huống lẫn quẫn, bài làm không phong phú. Phong cách của các thầy cô trường FTU2 bọn mình là rất thích nhiều số liệu, các bạn nhớ nhé!

Thế thì làm thế nào kiếm được số liệu đây? Có một số nguồn như sau: đến tận nơi xin số liệu, ví dụ: làm đề tài xuất nhập khẩu, khảo sát ở một số công ty, thì đến các công ty đó xin, chỉ định dành cho đồng chí nào có mối quan hệ sẵn có, chứ nếu không, bộ điên hay sao đi bưng số liệu cho không trời. Hai, lên mạng tìm, các bạn nên nhớ là, kho đề tài trên mạng cực kỳ nhiều, vô các trang như khoaluan này nọ kia là thể nào cũng sẽ gom được một mớ khóa luận về, tốn tiền, và phải chỉnh sửa lại, nhưng số liệu nói chung cũng không thiếu. Ba, lặn lặn lội lội đi mua số liệu, khóa của tôi, nghe bảo có đồng chí chi ra hai chai rưỡi đặng mua số liệu đấy, thông tìn này chính thức, do bạn thân thân thân của đồng chí ấy tám với tôi, coi bộ cũng đầu tư công phu dữ heng! Bốn, tự bịa, cái này là trường hợp của tôi: nghĩa là không có quan hệ máu mủ chi hết, lại làm biếng vác thân vác xác đi xin số liệu, lên mạng tìm các đề tài thì lại không có. Tạm thời có bốn nguồn tìm số liệu như trên, ai có nguồn nào khác, thỉnh giáo!

Nói chung số liệu đứng dưới góc độ của người sinh viên, thì quan trọng. Nhưng đối với người chấm khóa luận, thì lại không quan trọng lắm, vì thứ nhất, thầy cô chả rỗi hơi mà cũng không thể nào kiểm định được số liệu của bạn có cơ sở khoa học hay không, thứ hai: số liệu không quan trọng bằng cách bạn xử lý số liệu như thế nào, có logic và khoa học và hợp lý và không mang tính cá nhân của người viết hay không. Thật sự là như vậy, tôi có theo dõi một số hội đồng, rất ít khi phản biện đề cập đến vấn đề số liệu có chính xác không, mà nếu có thì chỉ có trường hợp bạn xử lý số liệu vô lý một cách trầm trọng, ví dụ như một chỉ số gì đó đó mà năm này qua năm khác bạn cho tăng giảm vô tội vạ mà không thể giải thích lý do biến động, vậy thì tiêu đời nhạn em rồi. Thế nên, nếu như các bạn không tìm được số liệu, thì cứ sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học là dự đoán, và cứ đoán thế nào thì đoán, miễn đảm bảo bạn đoán ra được cái nguồn hợp lý một tí, và sự biến động của các nguồn số liệu qua các năm trong thời kỳ nghiên cứu nó có não một tí, nếu có biến động thì vui lòng đừng quá cao hoặc quá thấp, tránh trường hợp bị hỏi thì đú đớ, chết!

Nói chung số liệu bài của tôi là lấy số liệu của 10 năm trước nhân lên 10 lần cộng trừ nhân chia và ráp cái nguồn trời ơi vô nhưng cuối cùng cũng không bị nhắc nhở gì hết! Bạn tôi khá là ngưỡng mộ tôi ở cái điểm này!

2. Về tầm quan trọng của hình thức trình bày:

Chỉ có thể nói là cực kỳ quan trọng! Trường mình cơ bản có một bản hướng dẫn trình bày rất là chi tiết, không thống nhất giữa các giáo viên (mỗi giáo viên hướng dẫn có một bản khác nhau, nhiều khi mình làm theo cái này, khi ra hội đồng lại bị bắt chẹt, thì im thôi chứ biết làm sao!). Nhưng nói chung, tôi thấy những điểm không thống nhất cũng không quan trọng lắm, những điểm cơ bản thì các bạn cần phải nắm, đừng để bị dính thì đảm bảo được điểm trình bày!

Tại sao trình bày lại quan trọng? Thứ nhất, giáo viên hướng dẫn của bạn, sẽ có một cái note cho mỗi đồng chí mà thầy cô hướng dẫn, mang tính định hướng cho người chấm khóa luận của bạn! Nếu như bạn tạo ấn tượng tốt với thầy cô (luôn nộp bài đúng hạn, cách cư xử nhã nhặn, đúng chừng mực và không quá phận, hiểu ý thầy cô... nói chung là đắc nhân tâm!) thì trường hợp bài của bạn nội dung không được xuất sắc lắm, nhưng bù lại hình thức lại đẹp, đúng, chuẩn, thể nào cũng sẽ được thầy cô cho còm tốt! Cái này kiểu như trông mặt mà bắt hình dong vậy đấy! Thứ hai, trình bày chiếm đến 2 điểm trong tổng điểm đấy! Bạn trình bày tốt, được 2đ, nhưng trình bày xấu, cứ một lỗi lại đem ra trừ từ từ, mà sai chính tả, viết tắt không đúng quy cách, lỗi ở cái tên đề tài (xuống dòng vô duyên...), bảng biểu sai, mục lục không khớp nội dung, tài liệu tham khảo không chuẩn (cái này cực kỳ khó, vừa theo tên ABC, vừa có nhiều điểm lăn tăn, tôi bỏ luôn cái tài liệu tham khảo, cuối cùng, bị dập te tua!). Thế nên, nếu bạn muốn ăn điểm, trước tiên, phải chăm sóc cho cái hình thức bài của mình, dù gì dòm vô thấy bài làm chuyên nghiệp, xuống tay cũng thấy thoải mái hơn! Kinh nghiệm để hình thức trình bày đẹp, tốt nhất là trước khi bắt tay vào type trên máy tính, làm ơn quán triệt hết tất cả những quy tắc, lưu ý trình bày. Vừa làm vừa chỉnh luôn, đừng nên để tới lúc cuối cùng mới bắt đầu sửa trình bày, vừa lập cập, dễ bỏ sót, lại còn giữa chừng làm biếng bỏ luôn giống tôi trong cái tài liệu tham khảo á! (tôi làm danh mục tham khảo vào đêm cuối trước ngày nộp, hậu quả là tôi bê nguyên cái danh sách tên phóng viên của bạn tôi vô, đường link các trang tham khảo thì tè le, nói chung thấy ghê lắm!)

3. Các công việc cần chủ bị trước ngày bảo vệ:

Về lý thuyết thì bà con được bưng bê hết thảy các tư liệu, tài liệu lên để nhằm đối phó với các câu hỏi cảu hội đồng. Nhưng tình hình là khi bảo vệ thì bạn không có đủ thời gian để đọc sách và tìm ý trả lời đâu, và nhiều khi, việc bạn trả lời câu hỏi, và trả lời được câu hỏi cũng không phải là vấn đề đâu nha. Thế nên, trước ngày bảo vệ, tốt nhất là hãy soạn cho mình một bài nói ngắn, gọn, súc tích, không dài quá 5 phút (bạn có 7 - 10 phút để nói nhưng nói chung, nói chả ai để ý đâu, ngắn ngắn là được, đặc biệt, nếu gặp hội đồng các thầy cô khó chịu, chưa nói xong đã bị cắt, và nhiều khi cái tật xài sáo ngữ bị đem ra chửi nữa à!).

Bên cạnh đó, hãy đọc lại ít nhất là một lần bài khóa luận của mình! Không nhất thiết ngày nào cũng đọc, trước đó một tháng đâu, kỹ thì tốt, nhưng không cần thiết. Mục đích của việc đọc lại này là giúp bạn hệ thống lại những gì bạn đã viết ra. Cái này khỏi cần nói nhiều, nhưng tôi thực tình khuyên bạn rằng là, đừng quan trọng hóa vấn đề, ngày bảo vệ chỉ là bước cuối cuối cuối của cả một quãng hành trình dài. Nó chẳng qua cũng chỉ là hình thức mà thôi, nên sự quyết định của nó cũng không phải là nhiều nhặn gì, nếu bạn thích phỡn, cứ phỡn. Miễn sao đừng phỡn quá, mất mặt thôi chứ chả có gì, vì như tôi đã nói, bài của bạn đã có được 80% điểm chấm ở nhà rồi!

Một số vấn đề bạn cần để ý đến: thường xuyên theo dõi tin tức để biết lịch bảo vệ của mình! Thường trường mình sẽ cho biết trước khoảng, 4 - 5 ngày trước ngày bắt đầu bảo vệ! Nhiều người bảo là gì mà cho biết trễ quá vậy, với tôi thì nghĩ như vậy cũng bình thường, chả có gì quan trọng. Bạn đã dành cả ba tháng trời ăn ngủ với nó rồi, bảo vệ chỉ là một bước cuối nữa thôi, biết càng gấp càng tạo cho bạn có cơ hội để nhảy cao, giờ này chả còn gì để nhảy xa nữa rồi. Thêm nữa là, ba ngày cũng đủ để bạn chuẩn bị mọi thứ rồi, đừng ngại là không có đủ thời gian ha!

Tôi thì khoái bảo vệ sớm, những ngày đầu tiên thường có lợi thế là thầy cô cũng dễ dãi, cho điểm thoáng tay hơn, về sau, kiểu như tích tụ ân oán ngày càng nhiều, dễ bị bể show và ăn đá lắm á! Điểm số cũng theo hướng xuống dốc, càng về sau càng khó có được điểm cao phơn phớn! Kinh nghiệm này là của khóa tôi, các khóa khác, vui lòng thỉnh giáo!

Trang phục: nam thì cứ quần tây áo sơ mi cho nó lành! Đừng bận màu chóe quá, thầy cô trường mình bạn cũng thấy rồi đấy, giản dị thanh lịch là được! Nên ủi thẳng thớm, nói thiệt, thấy nhiều bạn sinh viên bận đồ, ngày thường chả nói gì, ngày bảo vệ có lần một, lần hai trong đời mà đồ đạc gì đâu y chang da mèo, tôi là đờn ông tôi còn dòm không được mắt, nói chi đến thầy cô đã ra đời rồi! Phía nữ, tôi nghĩ nên bận áo dài, đẹp, sang và bắt mắt, thêm nữa là lạ (vì thường các bạn nữ trường mình khoái chọn váy, bạn chọn áo dài tự nhiên lạ và nổi bật liền!). Nói thiệt, thấy ai bận áo dài tự nhiên thấy có cảm tình, thầy cô trường mình phần đông đều khoái áo dài hết, ha ha cái này là tâm sự nhỏ to giữa thầy cô với bạn nhóm trường khoái tám tám tám như tôi!

Nên chuẩn bị nước uống và các loại bánh trái cho hội đồng. Cái này khi có lịch bảo vệ rồi, lập tức gởi bom lên các hộp mail của các khóa lớp đặng tìm người quen heng. Sau đó thì phân công lẫn nhau mà chuẩn bị bánh trái, nước uống và hoa. Thường thì nước suối cho nó đơn giản, bánh thì có bánh AFC, bánh Chocopie, bánh ngọt kiểu food & finger... nhớ bưng thêm khăn giấy! Trái cây thì thường sinh viên trường mình khoái cúng nho Mỹ, dễ ăn, nhưng thiệt ra nho Mỹ vừa mắc, vừa không hợp vệ sinh (có ai rửa đâu, toàn mua đùm đùm rồi bưng lên thui!). Tôi đề nghị là mua quýt nà, bòn bon... Nói chung nên mua nhiều nhiều vô, cảm tưởng đồ ăn ngập mặt cũng khiến người ta phây phây trong lòng, cũng cơ hồ không tập trung lắm vô việc bắt lỗi. Ha ha! Hoa thì phải có, không cần cầu kỳ quá, nhưng phải có!

Nên thị phạm trước ít nhất là hai hội đồng để biết được cách thức bảo vệ, quy trình bảo vệ như thế nào tránh trường hợp lớ nga lớ ngớ không chuyên nghiệp và mất tự tin!

4. Ngày bảo vệ

Nên đến sớm, có khi cả tiếng cũng được. Chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Bạn nên nhớ là đến ngày bảo vệ, đến giờ bảo vệ mới biết hội đồng của mình gồm những thầy cô nào (3 thầy cô: chủ tich, thư ký và phản biện. Phản biện là thầy cô chủ yếu hỏi và nhận xét bài bạn, thư ký làm nhiệm vụ hành chính, dặn dò bạn các thứ, đồng thời cũng hỏi và nhận xét, chủ tịch kiểu như MC, cầm trịch buổi bảo vệ!).

Cuối buổi sẽ được thông báo điểm luôn!

Trong quá trình bảo vệ, nên giữ thái độ vui vẻ, thầy cô có ném đá thì nên gật đầu, cười chân thật. Tránh tình trạng đôi co, cái này nhiều người nói, nhưng cũng có cả mớ làm không được. Kiểu như bị thầy cô nhận xét gì đó không hợp tai, vô tình mình bật lại, thầy cô lại bật tiếp, bạn biết mà, cái miệng nhiều khi hại cái thân, cái đầu nghĩ là không được nói lại, nhưng lời cứ vọt ra, và chỉ cần một lời thôi cũng đủ làm cho thầy cô nóng mặt rồi. Tốt nhất khi thầy cô nhận xét thì cứ im lặng, bỏ micro xuống tránh trường hợp nói leo, tuyệt đối không được nói leo!

Câu hỏi thì mỗi thầy cô sẽ có quyền đặt tối đa 2 câu hỏi, vị chi là maximum 6 câu, bạn sẽ được chọn 3 câu để trả lời. Nhưng nhiều hội đồng cũng yêu cầu bạn trả lời hết, thường là 4 câu! Trả lời câu hỏi ngắn gọn, tránh dùng sáo ngữ, trả lời không được cũng không sao,tất nhiên bạn sẽ bị bắt bẻ đủ thứ, và lại tiếp tục dùng chiêu chịu đấm ăn xôi, im lặng lắng nghe. Thời gian trả lời câu hỏi bạn hãy tự cho nó qua một cách tự nhiên. Trả lời được thì tốt, không trả lời được thì thẳng thắn nói là em không có ý kiến về vấn đề này, sáo ngữ kiểu như để em nghiên cứu thêm thì cực kỳ tránh, thầy cô sẽ lôi ra tôi cho em thêm 6 tháng để nghiên cứu tiếp nhé là ê càng!

Nội dung câu hỏi thì khó đoán được, cái này tôi chả có chuyên môn, cũng chả có kinh nghiệm gì! Miễn bàn!


Nói chung có được nhiêu đó kinh nghiệm, chia sẻ với các bạn thân yêu! Dưới đây là một kinh nghiệm khác, của một đàn chị ngoài cơ sở 1 Hà Nội, ai thích thì bay vô tăng pageview cho gia trang nhà chỉ ấy! Tôi thấy những điều chỉ nói hiện giờ cũng khá là lạc hậu rồi đa!

Đây!