Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Năm mười - Của nhớ và xa....

Bữa vô tình dành một phút để xem chương trình "1 phút có trong sự thật" - những hình ảnh ngắn, những thông điệp ngắn, về những không gian chật hẹp tù tùng nới phố thị bây giờ đã vắng bóng đi những tiếng cười con trẻ, những bước chân tuổi thơ ngang tàng bên những quãng vắng! Trò chơi năm mười hiện lên trong tiềm thức qua một phút phim ngắn ngủi để thấy rằng trời đất cơi sao con nít bây giờ, đủ đầy no ấm đấy mà cũng thiếu thốn quá chừng đấy! Đã quá lâu rồi không còn thấy tiếng trẻ nhà ai ơi ới gọi nhau, tìm nhau trong những trời chiều chạng vạng rủ nhau chơi năm mười. Mà đó, là cả một tuổi thơ tôi dậm dài cho tới lớn!

Năm mười - trò chơi đơn giản mà vui nổ trời, lẽ thường, là trò chơi phổ biến và được lũ con nít tôi khoái nhất. Luật chơi đơn giản lắm, một đứa chăn - ôm cây cột đếm năm, mười, mười lăm cho đến một trăm (sau này lớn lên, hơi dài ra, lại bắt đầu tăng lên, đếm tới hai trăm, đặng đủ thời gian mà đi tìm chỗ núp!). Những đứa còn lại, trong khoảng thời gian từ năm đến một trăm / hai trăm đó, ba chân bốn cẳng hú hí rủ nhau đi núp, núp càng khó tìm, thì thằng bị chăn kia càng chăn đừ! Luật còn chơi cứu, tức theo sau câu đồng dao - chín lăm, một trăm - đứng xa ba bước bắt tử nhất chăn, thì theo thứ tự đứa nào bị bắt đầu tiên, sẽ là người tiếp theo chăn cho tụi kia trốn. Nếu trong đám đi trốn có đứa không bị bắt, nghĩa là còn sống, sẽ được quyền cứu bất kỳ đứa nào trong bọn! Càng nhiều đứa sống, thằng chăn càng đừ!

Chơi năm mười đơn giản, càng đông càng vui! Thế nên, có khi cả xóm gần mười lăm hai chục đứa chiều chạng vạng trời là rủ nhau ra lộ cái chơi năm mười, chạy thả trời thả gió thả cửa, thả lốp ngốp những tiếng cười trẻ thơ bay ngang tàng trong cái khoảng không gian đường cái ít xe, ít người qua lại!

Không kén người chơi như những trò chơi khác, phải đợi lớn lên tí nữa thì anh chị mới cho chơi (như ống thụt - con nít con nôi mà súng ống cái gì - anh tôi hay đá đít tôi, biểu đi chỗ khác cho ổng mần ống thụt, sợ mạt cưa bắn ra văng vô mù mắt), như bắn nạn ná - lạng quạng coi chừng banh con mắt, như chơi keo - bao giờ tay mày dài ra thì cho mày chơi, tay ngắn ngủn, sao mà bắt người ta được... Năm mười chỉ cần biết chạy, là cho chơi tuốt! Từ đứa lớn tồng ngồng mười lăm, mười sáu tuổi, đến đứa con nít bốn, năm tuổi đang giữa đường chạy trốn té cái rật, đứng lên, kéo quần tuột tới đáy, chạy tiếp, mũi dãi chảy lung tung! Trò này là thế, càng đông, càng vui!

Do tính chất đứa tìm - đứa trốn, nên chơi năm mười, thường lại gắn liền với những câu chuyện ma. Kiểu như tụi bây liệu hồn đừng trốn trong góc kẹt, trong hốc bà tó, sau thân cây cô quạnh tịch liêu có một mình ên không ai biết, là coi chừng bị ma bắt. Tuổi thơ đứa nào cũng dấu in ký ức về những buổi trưa cả đám tụ tập ngoài đường hẻm, rì rào rì rầm truyền tai nhau nghe những câu chuyện liêu trai hồ ma quỷ quái, con nít trốn chỗ tối bị con ma lưỡi dài le lưỡi liếm, đi vô rừng bị ma bắt cho ăn bún, cho ăn bánh mà tỉnh ra là ăn giun với ăn đất. Những câu chuyện như thế nhập vào với trò chơi năm mười thành thử ra hòa vào nhau, làm cho trí óc trẻ thờ càng khoái tợn. Vừa mang tính phiêu lưu - cho đứa nào chơi giỏi, gan lanh thì tìm chỗ nào khuất người khó kiếm mà núp. Nếu chơi năm mười vào buổi tối còn ác chiến dữ. Đứa nào cũng sẽ bu nhau núp cùng một chỗ, rồi nhát ma, rồi này rồi nọ đủ thứ! Để rồi cài chân thể nào cũng sẽ dính đầy đất cát, tối đi ngủ từ cổ cho tới nách cho tới chân tay đều đầy mồ hôi! Tối sẽ ngủ ngon, trong giấc mơ sẽ không có con ma nào tới bắt, bởi một tối chạy nhảy thôi rồi mà!

Này, chỗ tôi còn có thêm chơi năm mười tạt lon / tạt bóng / tạt bưởi! Thì cũng sẽ có một đứa chăn đấy, những đứa còn lại sẽ chạy đi tìm chỗ trốn. Nhưng không cần một cái cột, một thân cây làm trụ đâu! Chỉ cần có một cái lon gô sữa bò, một trái banh bằng nhựa, một trái bưởi đèo chơi đá banh xong thừa ra! Rồi vẽ cái vòng tròn, đặt vô giữa, giống trò tạt lon đấy! Sau đó thì đại diện phe được chạy đi trốn, lựa thằng nào mạnh con, sức khỏe tí, lấy hết sức bình sinh mà đá trái banh, quăng cái lon, đá trái bưởi đi xa thiệt là xa rồi cả đám ù té chạy đi núp. Đứa chăn thì ba chân bốn cằng chạy đi lượm trái banh về, đặt lại vô vòng rồi bắt đầu hành trình đi tìm chỗ mấy đứa kia núp. Thấy đứa nào thì tức tốc bay tới cái vòng tròn gõ tùm tùm ba cái vô cái lon đồng thời xưng tên xí thằng A, con B, bé C... núp đừng sau x,y,z... Vậy đấy, một biến thể của năm mười kết hợp với tạt lon mà thành ra một trò chơi vừa vui vừa lạ! Thông thường trò này lâu lâu tụi con nít tôi mới bày ra chơi, sau khi chơi tạt lon, đá banh chán. Và thường chơi vào lúc trưa, không giống như kiểu năm mười phía trên, chơi vào buổi chiều hoặc tối. Âu cái nào cũng có chỗ giống nhau là... càng đông thì lại càng vui!

Một biến thể khác nữa của năm mười, mà tôi chả biết rằng ngoài đám con nít chỗ tôi ra, chỗ khác có ai đã từng chơi hay không: năm mười đắp mền. Nghe cái tên vui vui, ngộ ngộ quá chừng mà. Thì cũng sẽ là tìm và bắt những đứa trong bóng tôi thôi, nhưng bóng tối ở đây được bao trùm bằng một cái mền bự, trong đó là ba bốn năm đứa con nít - toàn là anh chị em trong một nhà! Và đứa chăn sẽ ở vòng ngoài, sờ soạng lung tung dùng thính giác, tri giác tất cả mọi thứ mà lần ra danh tính của những đứa đang núp trong chăn đó! Trò này thường chơi không lâu, chừng ba bốn hiệp là chán, chơi lại ít, vì một cái mền một cái giường làm sao mà chứa cho nổi cả chục đứa con nít bò lê lăn toài trên đó. Nhưng được cái, anh chị em trong nhà, cũng nhờ đó mà tình cảm thêm gắn bó. Năm mười đắp mền, thôi thì cũng chắc là đặc sản của những nhà đông con, hoặc của những gia tộc đông đúc anh chị em con cháu. Để mỗi bận giỗ quảy, ngoài những giờ chạy lăn tăn xách tàu chuối bày trò quánh trận giả, chơi tạt lon, chơi keo... chán chê, lúc lên giường hau háu rủ nhau chơi tiếp. Con nít mà, chỉ có niềm vui là bất tận chứ nào có biết mệt, biết mỏi là gì đâu!

Rồi thì tôi cũng lớn lên, lũ trẻ nít chung xóm, anh chị em cùng trang lứa cũng lớn lên. Không đi xa, nhưng rồi thì dĩ nhiên đến một tuổi nào đó, những trò chơi trẻ thơ sẽ mãi mãi chỉ còn là hoài niệm! Và nhớ, và thương và lâu lâu đem ra tiếc! Con nít bây giờ không biết cò còn chơi những trò chơi thơ dại ngày cũ hay không nữa! Đấy, là cái mà những người ngai ngái ngày cũ như tôi, cảm thấy tiếc nuối nhất!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét