1.
Hổm nay đọc báo Tuổi trẻ, thấy đề cập đến chuyện thí sinh thi đại học điểm môn Sử thấp kỷ lục, khiến cho mình buồn quá xá!
Mình khoái môn Sử lắm, phần vì cái tính mê đọc của mình. Nhớ ngày còn nhỏ nhỏ, thuở mà nhà sách Fahasa dưới thành phố mới thành lập hoặc thành lập chưa lâu ấy! Lúc đó, có phong trào bưng sách, bút các thể loại lên một chiếc xe, rồi chở khắp nơi trong cùng ngõ hẻm đặng đem tri thức văn hóa đến mọi nhà, đặc biệt là những nơi xâu xa ít có điều kiện tiếp xúc với sách báo. Quãng đó đang là thời của bộ Lịch sử Việt Nam qua ảnh, chiếc xe chở sách kia chất rất nhiều sách nhưng nổi bật nhất vẫn là bộ sách này. Thế nên mình rất thích, rất ấn tượng, sung sướng hơn cả là nhà sách cũng biết được con nít không có tiền, nên ơ hờ cho đọc sách ké miễn phí. Thế là mình đọc hết hàng loạt từ thời ăn lông ở lỗ, người Việt cổ rồi tới Hai Ba Trưng phất cờ khởi nghĩa, đến Ngô Quyền đại chiến trên Bạch Đằng Giang, rồi sau sau đến cờ lau tập trận, rồi Ỷ Lan Nguyên Phi hái dâu sau này làm rạng danh sử sách... Tình yêu nước, yêu lịch sử đến tự nhiên, nhẹ nhàng bằng những câu chuyện nức lòng của tinh thần tự hào dân tộc và chiến tích vẻ vang của các bậc tiền nhân!
Đấy, không thương làm sao được khi mà nói đến Sử là nhớ đến những ngày chắt mót dành dụm tiền của mua sách sử về đọc, nhớ đến những tối chong mắt canh coi cải lương mấy tuồng Sang hậu, Tiếng trống Mê Linh... Và nói đến Sử là nói đến cả một quá trình dài ngâm đi ngâm lại từ hồi lớp bốn cho đến mãi sau này, khi đã là một anh sinh viên đại học rồi. Có lần mình bảo, thi tốt nghiệp học phần bắt buộc ở trường, mình chọn môn Lịch sử Đảng, đơn giản bởi vì môn này đã thâm căn cố đế, dù có học tủ, học vẹt thì vô có trật đề, cũng có cơ sở để mình phăng, kiểu như về cơ bản, sử mình có thể tự nhiên mà buông ra.
Vậy thì có khác gì không khi ngày nay các bạn trẻ lại quay lưng với môn Sử và kết quả thi thì tệ?
Mình mắc cười với những ý kiến cho rằng chương trình và cách dạy môn Sử không phù hợp. Đâu phải chỉ có mỗi môn Sử là chương trình nặng về lý thuyết, về các con số, sự kiện, bao nhiêu dân tình chết, bao nhiêu vũ khí máy bay khí tài bị bắn hạ đâu. Mà này là toán với quá chừng quá đất những kiến thức cao cơ, là lý là hóa là sinh là anh văn và cả ngữ văn, giáo dục công dân. Thế thì làm sao đổ thừa cho chương trình được vì nặng là nặng cả hệ thống, không riêng gì Sử. Lý do đó hiển nhiên và rất chung chung!
Mình cũng không hiểu, nói môn Sử khô khan, với toàn số liệu, ngày tháng năm là sao. Đó là lịch sử, là kết quả của một phong trào, là những điều hiển nhiên mà bản chất của lịch sử là phải có. Mình không thi và không chuyên sâu nghiên cứu lịch sử, nhưng mình nghĩ, những thí sinh chọn môn sử họ là ai, liệu rằng nguyên nhân họ chọn thi sử có phải hay chăng họ yêu lịch sử, họ giỏi lịch sử hay là... ngoài văn sử địa chỉ cần học thuộc lòng ra, họ không thể nào chịu đựng nổi một bài toán giản đơn, một công thức lý hóa ở trình độ phổ thông. Chọn học sử, thi sử, nếu không xuất phát từ năng lực và đam mê của bản thân, thì hóa ra, cũng chỉ là tâm lý đi thi của những thí sinh ... đụng gì thi đó. Thì cuối cùng, kết quả cũng là như vậy, dù cho cách học, cách thi và chương trình và cả bản chất của môn lịch sử có thay đổi đến cách nào đi chăng nữa!
Ngày xưa thi tốt nghiệp phổ thông, sử mình thi được 9.5d mà mình còn ấm ức vì mình tự tin bài làm của mình rất tốt, mình đòi hỏi một điểm số tuyệt đối cơ. Thế nên khi nói về chuyện sử, mình hơi tự tin thái quá! Và điều này, có thể dẫn mình đi hơi lố, mà kệ, vậy!
2.
Cũng một môn học khác, theo mình suốt ba năm cấp ba: Toán!
Mình học chuyên toán của trường chuyên Kha. Đến với toán cũng không phải đam mê mà chủ yếu, theo phong trào và quan trọng nhất là sự truyền cảm hứng môn học từ cô giáo dạy thêm toán của mình. Thế nên mình biết, toán hoàn toàn là một môn học khó, rất khó. Tuy nhiên, đây lại là một cột trụ, cực kỳ quan trọng trong căn cơ mỗi người. Một người giỏi toán, có thể giỏi tất cả các môn, nhưng một đồng chí học dở toán, thì có xu hướng, dở nhiều môn khác.
Với việc đoàn thí sinh thi Olympics Toán quốc tế năm nay của Việt Nam trở về với một thúng huy chương đồng, mình cảm thấy đó là một việc hơi bị ... nham nhở. Bởi lẽ trong tâm trí của mình, học trò Việt Nam giỏi toán, bởi vì học toàn là lý thuyết, chương trình vừa cao vừa nặng, mà đi thi, đạt kết quả như thế, thì không nham nhở, thì là gì. Nếu như học trò phổ thông bên các nước Tây Âu học mấy môn khoa học rất nhàn nhã, thì tụi mình phải è đầu è cổ học, rồi nếu đã vào đội tuyển, thì mình biết, việc luyện gà cũng thuộc hàng kỳ công dữ dội lắm, áp lực lắm. Bởi thế mà ngày xưa, mấy đứa bạn mình mà lọt đội tuyển, được ưu tiên rất rất nhiều, mà cụ thể và phổ biến nhất là, miễn thi, miễn kiểm tra với điểm 10 đỏ au! Sướng nha!
Nhiều nhà toán học, nhà nghiên cứu cho rằng độ rày học trò không còn thiết tha với môn toán nữa, bởi ngành này khổ quá mà. Mình nghĩ rằng cũng đúng! Những đứa bạn giỏi toán của mình, nói chung, cũng có nét cá tính nào đó hơi bị lãng tử, các đồng chí ý cũng đam mê dữ dội lắm nhưng lên đại học, toàn né, và chọn các con đường nhẹ nhàng bằng phẳng, đặng ra trường kiếm nhiều lúa, đỡ mẹ, đỡ con!
Vậy thì rồi đây, nếu không cho học trò thấy được sự cần thiết và những đãi ngộ xứng đáng dành cho dân học toán (hay các môn khoa học cơ bản khác) thì làm sao mà phát triển đất nước được đây ta, vì theo mình, môn toán nó quan trọng lắm lắm luôn!
Mình cũng học toán nhưng rồi thì cũng đâu phải hùng anh gì đâu, nên quẹo qua học kinh tế đặng sau này thơi thả thanh nhàn. Âu cũng do năng lực và cả cái chí không có. Thì đành thôi!
3.
Đọc bài viết về Chữ Bích Phương trên Tuổi trẻ, mình hoàn toàn khâm phục và ngả mũ trước em. Cũng là một sinh viên Ngoại thương, mình biết được sức hút của ngôi trường danh tiếng này, bởi lẽ hơn bốn năm trước, ngày mình quyết định đăng ký ngành học này, lý do duy nhất và đơn giản nhất, cũng là vì hai chữ: danh tiếng. Có thể sau bốn năm học, mình tạm chấp nhận là mình phù hợp với trường mình chọn, nhưng mình biết, nếu như mình có những đam mê khác, và khi đã đạt kết quả ở trường Ngoại thương hay những trường đại học tốp trên khác, chắc chắn, mình sẽ không có được quyết định phi thường như em.
Mình gọi đó là quyết định phi thường, bởi trước tiên ngành em chọn là một ngành khó: Công nghệ sinh học. Một đất nước muốn phát triển bền vững, thì những ngành xương sống như thế này cần phải có được những đội ngũ kỹ sư tài năng và đặc biệt là có niềm đam mê cống hiến với ngành này. Em đã chọn nó, với tất cả niềm đam mê và tôi hoàn toàn tin rằng, với năng lực bản thân, em chắc chắn sẽ có thành tựu. Phải có những người trẻ như thế, những người tài như thế, thì nước Việt Nam mình mới có thể phát triển được.
Con đường phía trước sẽ còn dài, rất dài và đầy chông gai. Trước mắt là còn cha mẹ và gia đình em, họ chưa chấp nhận hoàn toàn với quyết định của em, nhưng mình nghĩ rằng, em hãy cứ tự tin bước tiếp con đường của em đi. Thực sự đất nước này đang rất cần những người như thế. Có lẽ do mình không có được sức mạnh, tài năng và dũng cảm như em nên có tư tưởng như thế. Nhưng thực sự, mình mong mỏi em sẽ thành công với đam mê của mình.
Đấy, lâu lâu cũng phải làm vài cái đặng lòe thiên hạ rằng mình cũng dân cử nhân kinh tế đàng hoàng bằng cách nói chuyện học vấn với người ta. Chỉ e, nói nhiều nói bậy thôi! Ha ha, tâm đắt nhất cái kiểu nói của một nhà thiết kế: nếu cởi mà trái đất bớt nóng, thì tôi cũng cởi. Đổi lại, nếu nói được và làm được mà VN mình rạng rỡ hơn một xí, mình cũng quyết tâm... đi học lại lần nữa, cho bỏ!
Sử ngày xưa của ông cha mình thì còn gì bằng, từ chiến thắng Nguyên Mông, Bạch Đằng, Hai bà trưng đã quá lừng lẫy, không đọc là uống phí là người VN. Nhưng sử của những ngày chống Mỹ không như những gì trong sách vở bạn đọc qua đâu, đằng sau đó là cả những vấn đề khác, không chỉ phiến diện như những gì mình được biết. Vì vậy, bạn có thi sử 9.5 thì cũng đừng buồn nhé, vì sự thật cũng không hoàn toàn như những gì bạn được học, được đọc và được dạy. Nhận xét hoàn toàn khách quan đấy bạn ạ
Trả lờiXóaNói chung Lịch sử là một môn học khá nhập nhằng giữa tính Sử và tính chính trị trong đó. Thế nên nhiều người không khoái Sử là bởi vì nó mang tính chủ quan của người viết quá!
Trả lờiXóaTuy nhiên, nếu đem lý do môn sử nặng nề hoặc nhiều chữ, nhiều số, nhiều sự kiện ra đặng làm lý do để học trò ngày nay quay lưng lại với môn sử thì thấy nó hơi mắc cười thôi!
Mình thích sử từ sự yêu thích thiệt lòng! Thế nên dĩ nhiên, mình biết rằng chuyện học là một chuyện mà sự thực nhiều khi được nhìn khác dữ lắm, theo từng phía khác nhau! Tuy nhiên, đã bảo rằng học vì yêu thích chứ không học vì đúng sai, mà cũng chưa biết được ai đúng ai sai mà!
Dễ dàng bị tẩy não nếu không có được bản lãnh chánh trị vững vàng!
Nếu bạn còn quay lại thì cho tôi gởi lời cám ơn vì còm của bạn nhé!