Không hiểu sao trong tâm tưởng, tôi thường mơ về một khu xóm nhỏ, có con sông hiền hòa chảy qua, có những người dân thuyền chài chân chất, hiền như cục đất chia nhau những miếng đời! Đó là một miền sông lý tưởng, nhưng thật lòng thì hơi sến, nghĩ sao lại mơ về một cái bến quê nào đó, như trong bài hát, để mỗi sớm đi học, bắt loa tay kêu đò ơi, rồi nhà ở bên kia sông, xa tắp lự, mỗi bận đi về, tốn thêm công thêm sức, rõ cũng chán! Nhưng đã mơ, thôi thì mơ cho trót, người làm nghệ thuật trước tiên phải thỏa mãn mình, và tôi thỏa mãn mình trong cái mong ước nhoi nhỏ hướng về phía sông, nhà bên sông!
Và giờ thì cần chi mơ ước, qua bao bận dời nhà, tôi tạm thời vất vưởng mình ở một cái bờ kè vừa làm xong ở khu bán đảo Thanh Đa. Ở cái nơi mà ra đường gặp rác, ra ngõ gặp cướp như thành phố này, kể như tôi cũng may, ra đường gặp sông, có hửi cũng hủi mùi bùn, coi như thỏa mãn!
Hôm đọc Tuổi trẻ chủ nhật, số ra ngày bao nhiêu quên mất, nhưng ấn tượng nhất là loạt hình về số phận những em bé ven sông Hồng. Thấy tội ghê mấy phận đời nhỏ xíu đó, em hổng biết nhiều về các quy tắc của cuộc sống, em cứ lớn lên như cây còi, cây dại, nghĩ sao mà trái xoài nhà ai ăn dở, em lụm lên ăn tiếp. Rồi ba má đi vắng, các em chơi một mình, chơi với sông, đôi lúc bị cái thằng sông hung dữ ăn hiếp, nuốt trọng vào bụng, em loi lẻ một mình, chới với! Tôi thấy thương sao những số phận ấy, những số phận gắn mình bên sông, những số phận nghèo!
Chỗ ở mới cảu tôi nhìn ra sông Sài Gòn, đoạn cầu kinh Thanh Đa, ngay chỗ lẩu đầu cá chạy xuống. Hôm đi coi nhà, tôi quên mất hỏi thằng nhỏ chung phòng là chỗ này ngày mưa có ngập không, đến chừng nhắn tin, bạn bảo cũng có ngập. Nhưng lỡ hứa hẹn rồi, đành nhắm mắt xuôi tay, biết đâu trong cái khổ có cái may, lội nước mà lụm được vàng vậy! Từ nhà tôi dòm qua bên kia là một dãy nhà hàng, nhà trọ, nhà khách đủ kiểu, khu Thanh Đa mà, phức tạp và ô hợp như những khu khác tôi đã từng lết qua: Văn Thánh, Bình Lợi, Ung Văn Khiêm… nhưng khác ở chỗ, chần dần trước mặt tôi là một con sông, êm đềm vắt vẻo giữa lòng thành phố!
Tôi nghiễm nhiên trở thành bạn của những người dân vùng bờ kè! Tôi chưa có dịp quan sát nhiều, nhưng hai buổi dọn nhà, cũng đủ để ý một chiếc thuyền, hổng phải xuồng ba lá như ở mấy con sông quê hay có, mà cũng hổng bự như thuyền buồm, thuyền sáo gì ráo, nhưng là một chiếc thuyền, đóng bằng ván ép, hổng kiên cố gì mấy. Tôi chưa thấy chủ nhân, nhưng chắc ăn là nghèo, vì cái thuyền cũng ốm tong teo, mỗi bận sóng lên là cái thuyền ọp ẹp ho sù sụ, y chang bà già, bị bệnh kinh niên! Và tôi hỏi bạn, cái này ngộ quá, sao hổng lấy thuyền này đi bắt cá hay gì đó, neo chỗ này làm chi, phí của! Bạn nhỏ của tôi cười, nói em cũng hổng biết, nhưng có thấy vài lần, chủ thuyền lên bờ, đi làm ăn gì đó, tối về chong đèn ngủ, có mình ên, tội nghiệp! Từ câu chuyện bạn kể, tôi mường tượng cảnh một người đàn ông, chắc dân miền nào đó trôi dạt về thành phố, không nhà không cửa nên chọn bờ sông này làm nơi cư trú, để đỡ tốn tiền nhà trọ, ngày ông đi làm bậy làm bạ kiếm hai bữa cơm, tối về đây ngủ, khỏe thì đi bắt con này con kia, về bán, dành dụm ít tiền, gởi về nhà cho bốn đứa con với bà vợ trắng nỏ, chơi đánh bài, thấy ghét! Cái này tôi tưởng tượng, nhưng biết đâu đúng, đời mà!
Đó là câu chuyện đầu tiên về một phận đời tôi gặp đầu tiên tại bến sông thành phố này! Cảm thấy chưa đủ nên tôi dòm tiếp, để ý coi có những cây còi cây dại nào nơi bờ kè này không, để chạm tay vào thực tế, để sẻ chia! Trên bước đường khám phá ấy, tôi lại gặp một phận đời khác, buồn tênh! Đó là một cô bé, dễ thương lắm, loi roi cỡ 4, 5 tuổi, tóc quăn tít tắp, da trắng, miệng đỏ, chiều nào cũng tíu tít chạy ra bờ sông chơi. Nhưng em là con lai, tôi chắc ăn về điều đó! Tôi gặp mẹ em, chạy theo bắt con nhỏ vô nhà, bắt ăn cơm! Mẹ em người Việt, nói giọng miền Tây, bình thường ở nhà cũng tô son, mỏ đỏ chét! Không nói cũng biết, cầu kinh Thanh Đa mà! Trong đầu tôi chạy ro ro bộ phim về một cô gái quê miền sông nước nào đó, xách cái giỏ bàng rời quê lên thành phố, sông nước đẩy đưa cô vào một cái quán mát xa mát gần nào đó, cô thay bộ bà ba quen thuộc bằng cái áo ống hổng có dây, cái quần đen xăn lên tới đầu gối cũng thay bằng cái quần đùi ngố khỏi xăn cũng trên đầu gối, tóc thề dài tới đít xoành xoạch thêm hai lai vàng chóe, uốn mì tôm mì ống lung tung beng! Và trong một lần đi khách, ông khách Tây, em lỡ dính bầu! Cũng tại lần đó cô lơ đễnh, bị thằng Tây đem hai tờ Đô Mỹ ra dụ, bảo khỏi áo mưa áo nắng gì hết anh mới thương, anh bo nhiều, chơi tới bến, chứ kinh nghiệm đường trường cô sức mấy… Rồi thì em nhỏ ra đời, đẹp như mẹ và cũng đẹp như Tây, nhưng đôi mắt buồn! Bà mẹ chiều chiều cho con ăn cơm sớm, tối đi đâu mất, con nhỏ buồn, nhiều lần chạy ra sông, tôi tưởng đâu nó tự tử, nhưng hổng phải, nó bập bẹ “chú ơi lục bình, lục bình”. Ờ, lục bình trôi, cũng như con người ta, trôi!
Nhà tôi dòm ra sông, đôi lúc cũng muốn như sông, êm đềm, tĩnh tại, nhưng ai biết đâu, dòm cái thằng sông hiền như vậy nhưng trong lòng dậy sóng, thế mới chết, chứ!
Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010
Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010
Những điều hối tiếc!
Nếu có đi qua một khu trời nào đó, chắc tôi sẽ hối tiếc vì tại sao mình không nán chân lại đôi chút, để lăn xả vào khu trời ấy, để cống hiến, để vui cho trọn đêm nay! Vậy mà khi cô giáo môn Kinh tế công kể chúng tôi nghe về cái khu trời sinh viên nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm đáng nhớ của cô, tôi chưng hửng gật đầu, ừ, chắc cũng vui, nhưng giả tạo! Hai năm trước chính cô là người gây thất vọng cho tôi về một việc nhỏ như tờ giấy thi đáng giá 200 đồng, và giờ cô đang kể về những kỷ niệm đẹp… đối với cô!
Cô giáo mở màn bằng kỷ niệm về những ngày đi chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh! Tôi nặng nợ nhiều với cái công ích mùa hè này! Nếu bấm đốt ngón tay, lọc tọc chắc cũng hơn 10 năm cho một phong trào tình nguyện ăn sâu bám rễ trong lòng sinh viên của thành phố! Và chỗ tôi ở, ăn may với những anh chị sinh viên đầu tiên xuôi dòng về tỉnh lẻ, đem con chữ về cho đám trẻ con nước mắt nước mũi chảy lòng thòng, quần đùi rách đít long nhong. Trẻ con tỉnh lẻ, nghèo, dơ, ngu, và không thích đi học, ngày hè tranh thủ phụ má ra chợ bán quán, ở nhà trong em, lòng thòng canh con heo nái mới đẻ để cho heo con bú. Nhưng ngày ấy, những ngày đầu tiên được tiếp xúc với cái gọi là Ánh sáng văn hóa hè, tiền thân của Mùa hè xanh bây giờ, thì mê tít! Bữa sinh hoạt nào cũng đông vui như đi hội, và các anh chị sinh viên thì nhiệt tình, dễ thương, khoái tỉ tê khi mỗi bận sáng trưa chiều đi qua, có cô hai đi chợ về ngang biếu cho con cá, bà ngoại kế bên cắp rổ rau xanh um qua cho, móm mém cười, qua có chút lòng, hay chùm nhãn chín đầu mùa thơm phức được bọn nít ranh ăn cắp trong vườn nhà ai, rón rén con tặng cô chút quà! Chiến dịch tình nguyện ngày xưa tôi thấy vui và bổ ích lắm, vì người dân cần, vì con nít chúng tôi cần! Thấy thương quá xá!
Trở lại chuyện của cô giáo, cô nói này nói nọ về cái việc xây cầu, xây đường. Cô cho rằng chiến dịch trường X ý nghĩa hơn, vui hơn. Tôi hoàn toàn không đồng ý, đã đi tình nguyện, thì dù có bị cái giấy chứng nhận kéo lưng, hay tính trẻ con ham vui đưa đón, thì vẫn phải hòa mình vào trong cái không khí được cồng hiến. Và mỗi hành động của mỗi thanh niên tình nguyện, tôi cho rằng rất ý nghĩa. Và tất cả chiến dịch tình nguyện, dù là trường X, trường Y hay trường Z, vẫn đáng trân trọng như nhau, so đo làm chi về một cái chữ “chân chính” nhỏ nhoi, khi tấm lòng là cái quý giá nhất!
Tôi biết cô giáo níu kéo về cái vùng trời hối tiếc mà cô đã đi qua, nhưng cái vùng trời của cô sao xa lơ xa lắc cái vùng trời mà chúng tôi đang gồng mình tiến về phía khác, dù vẫn một con đường! Giả như chuyện cô kể về một tháng quân trường không thể nào quên của cô, rằng học tập trung, rằng chọi nước mắm, rồi ăn chơi ngủ nghỉ theo chuẩn nhà binh! Tôi nghe hết, và cũng đã từng nghe nhiều! Nhưng trả lời câu hỏi của cô về vùng trời của chúng tôi thì tôi hài lòng về tháng quân trường của mình! Không có những tối tụi con trai bày trò chọc bọn con gái, không có cái vụ tắm chung trong cái ổ tắm tối thui, dơ hầy, thúi hoắc, không có chuyện 6 giờ đánh kẻng cái beng thức dậy tập vệ sinh khi mặt đơ đơ ngái ngủ. tôi hài lòng với chuyện được tự do mặc đồ như ý mình, được học nhẹ nhàng, thi nhẹ nhàng! Tháng quân sự của chúng tôi trôi qua trong vô vị, nhạt nhưng không ầm ĩ, đủ để cho chúng tôi thỏa mãn với những con số “thích bao nhiêu có bấy nhiêu”.
Để giờ đây khi nhớ về thời sinh viên của mình, chắc tôi sẽ lục lọi dữ lắm trong tâm trí, chỉ để tìm ra những cái khác, ấn tượng hơn chứ không phải chuyện em kia ăn cắp đồ, em nọ nói xấu sau lưng, nhỏ mọn tranh đua trong từng con số… Lớp tôi không như những lớp khác vẽ ra trong sách báo, nó đời đến lạ lùng, nhưng đời ở đây là đời chợ búa, đầy những tính toan!
Bạn tôi, trong một lần rỗi rãi mời tôi bằng câu chuyện về những sinh viên ngày hôm nay! Tôi ngượng chín người vì trong cái bóng dáng chưa kịp thành hình về những sinh viên ấy, có một tôi co rút trong cái tôi khác nhỏ bé, cái tôi nhỏ mọn, cái tôi tính toan!
Ừ thì cũng phải đi cho hết quãng đường còn 3 học kỳ phía trước, chứ ở đó mà tiếc làm chi mấy chuyện đẩu đâu! Cuộc đời ai cũng chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống, để một khi nhắm mắt xuôi tay, ta không phải hối tiếc về những năm tháng đã sống hoài sống phí!
Thép đã tôi thế đấy nói như thế, và tôi tin!
Cô giáo mở màn bằng kỷ niệm về những ngày đi chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh! Tôi nặng nợ nhiều với cái công ích mùa hè này! Nếu bấm đốt ngón tay, lọc tọc chắc cũng hơn 10 năm cho một phong trào tình nguyện ăn sâu bám rễ trong lòng sinh viên của thành phố! Và chỗ tôi ở, ăn may với những anh chị sinh viên đầu tiên xuôi dòng về tỉnh lẻ, đem con chữ về cho đám trẻ con nước mắt nước mũi chảy lòng thòng, quần đùi rách đít long nhong. Trẻ con tỉnh lẻ, nghèo, dơ, ngu, và không thích đi học, ngày hè tranh thủ phụ má ra chợ bán quán, ở nhà trong em, lòng thòng canh con heo nái mới đẻ để cho heo con bú. Nhưng ngày ấy, những ngày đầu tiên được tiếp xúc với cái gọi là Ánh sáng văn hóa hè, tiền thân của Mùa hè xanh bây giờ, thì mê tít! Bữa sinh hoạt nào cũng đông vui như đi hội, và các anh chị sinh viên thì nhiệt tình, dễ thương, khoái tỉ tê khi mỗi bận sáng trưa chiều đi qua, có cô hai đi chợ về ngang biếu cho con cá, bà ngoại kế bên cắp rổ rau xanh um qua cho, móm mém cười, qua có chút lòng, hay chùm nhãn chín đầu mùa thơm phức được bọn nít ranh ăn cắp trong vườn nhà ai, rón rén con tặng cô chút quà! Chiến dịch tình nguyện ngày xưa tôi thấy vui và bổ ích lắm, vì người dân cần, vì con nít chúng tôi cần! Thấy thương quá xá!
Trở lại chuyện của cô giáo, cô nói này nói nọ về cái việc xây cầu, xây đường. Cô cho rằng chiến dịch trường X ý nghĩa hơn, vui hơn. Tôi hoàn toàn không đồng ý, đã đi tình nguyện, thì dù có bị cái giấy chứng nhận kéo lưng, hay tính trẻ con ham vui đưa đón, thì vẫn phải hòa mình vào trong cái không khí được cồng hiến. Và mỗi hành động của mỗi thanh niên tình nguyện, tôi cho rằng rất ý nghĩa. Và tất cả chiến dịch tình nguyện, dù là trường X, trường Y hay trường Z, vẫn đáng trân trọng như nhau, so đo làm chi về một cái chữ “chân chính” nhỏ nhoi, khi tấm lòng là cái quý giá nhất!
Tôi biết cô giáo níu kéo về cái vùng trời hối tiếc mà cô đã đi qua, nhưng cái vùng trời của cô sao xa lơ xa lắc cái vùng trời mà chúng tôi đang gồng mình tiến về phía khác, dù vẫn một con đường! Giả như chuyện cô kể về một tháng quân trường không thể nào quên của cô, rằng học tập trung, rằng chọi nước mắm, rồi ăn chơi ngủ nghỉ theo chuẩn nhà binh! Tôi nghe hết, và cũng đã từng nghe nhiều! Nhưng trả lời câu hỏi của cô về vùng trời của chúng tôi thì tôi hài lòng về tháng quân trường của mình! Không có những tối tụi con trai bày trò chọc bọn con gái, không có cái vụ tắm chung trong cái ổ tắm tối thui, dơ hầy, thúi hoắc, không có chuyện 6 giờ đánh kẻng cái beng thức dậy tập vệ sinh khi mặt đơ đơ ngái ngủ. tôi hài lòng với chuyện được tự do mặc đồ như ý mình, được học nhẹ nhàng, thi nhẹ nhàng! Tháng quân sự của chúng tôi trôi qua trong vô vị, nhạt nhưng không ầm ĩ, đủ để cho chúng tôi thỏa mãn với những con số “thích bao nhiêu có bấy nhiêu”.
Để giờ đây khi nhớ về thời sinh viên của mình, chắc tôi sẽ lục lọi dữ lắm trong tâm trí, chỉ để tìm ra những cái khác, ấn tượng hơn chứ không phải chuyện em kia ăn cắp đồ, em nọ nói xấu sau lưng, nhỏ mọn tranh đua trong từng con số… Lớp tôi không như những lớp khác vẽ ra trong sách báo, nó đời đến lạ lùng, nhưng đời ở đây là đời chợ búa, đầy những tính toan!
Bạn tôi, trong một lần rỗi rãi mời tôi bằng câu chuyện về những sinh viên ngày hôm nay! Tôi ngượng chín người vì trong cái bóng dáng chưa kịp thành hình về những sinh viên ấy, có một tôi co rút trong cái tôi khác nhỏ bé, cái tôi nhỏ mọn, cái tôi tính toan!
Ừ thì cũng phải đi cho hết quãng đường còn 3 học kỳ phía trước, chứ ở đó mà tiếc làm chi mấy chuyện đẩu đâu! Cuộc đời ai cũng chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống, để một khi nhắm mắt xuôi tay, ta không phải hối tiếc về những năm tháng đã sống hoài sống phí!
Thép đã tôi thế đấy nói như thế, và tôi tin!
Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010
BỖNG DƯNG MÀ ÔNG TRỜI MƯA!
Sáng nay trời mưa, đúng là lạ, thời buổi gì mà kỳ cục quá, giáp năm rồi mà ông trời còn mưa! Nếu ngày xưa, tức ngày tôi còn nhỏ, gặp ngày mưa trái mùa tréo cẳng ngoe thế này, chắc mừng túc tắc, vì được nghỉ học, được nằm chèo queo ở nhà, có khi lại đi tắm mưa, chắc vui! Còn bây giờ, đang yên đang lành thế này, trời mưa, chỉ có nước buồn thúi ruột. Gì chứ cuối năm cuối tháng, ông trời bậy bạ khóc nỉ khóc non, sáng ra chỉ thêm uể oải, kéo theo là không muốn làm việc gì hết. Coi như đói nhe răng!
Người dân Tây Ninh quê tôi khát mưa dữ dội lắm! độ chừng tháng giêng mình là bắt đầu vào mùa hạn. ngày tết ngồi chơi đánh bài, đàn ông hùng hùng hổ hổ chặt heo, thúi hẻo, cởi trần, quần nhau từ sáng đến tối. chỉ tội mấy cô đàn bà, ngày tết không được rảnh rang, vừa chộn rộn làm này làm nọ, còn phải châm trà rót nước, cộng thêm kế bên hầu quạt cho mấy anh. Cũng tại ông trời, ai biểu nóng quá, làm các chị thêm khổ, quạt lấy quạt để. Ngày tết nắng chi mà nắng, ai nói nắng vàng, tôi thấy vàng con mắt luôn mới đúng!
Ở chỗ tôi ngày trung thu có cái hội, nôm na là Lễ hội Diêu trì cung, đậm đà màu sắc tôn giáo Cao Đài! Bà con mình ở tứ xứ tụ về, ăn chay, làm việc thiện, ngày gói bánh ít, bánh tét, bánh ú, tối coi múa rồng nhang, cộ tiên… Cá nhân tôi thấy ngày hội này vui, thú vị, nhưng ngặt nỗi năm nào cũng quần đi quần lại như thế, hóa ra nhàm! Vậy mà dân làng mình cứ tới ngày, tháng đó là tụ về, vui lắm!
Có điều cũng hay hay về cái hội ấy, rằng năm nào cũng tới giờ múa rồng nhang (tức múa rồng, trên mình rồng cắm nhang, múa may loạn xạ, đi vòng lượn xoáy tùm lum tùm la, nghe đồn ngày xưa cháy quần cháy áo ghê lắm, bây giờ thay bằng nhang điện, hóm hỉnh thiệt!) là ông trời đổ mưa xuống, ầm ầm ào ào, ướt thôi là ướt! Về chuyện này thì ông ba của tôi trong một bữa trà dư tửu hậu, ngồi nhâm nhi ly cà phê đắng ngét, thong thả nói tôi nghe về cái tục của tôn giáo ruột thịt mình là ngày hội phải có mưa, coi như ông bà mình về, có dòm xuống, thấy ừ, con cháu mình năm nay có lòng thành, biết thương yêu, có hướng thiện, thôi kệ, cho tụi nó chút nước, năm sau ráng làm ăn, chứ Tây Ninh nắng quá, chịu hổng thấu! Đấy, đến đây thì thấy có mối liên kết với cái sự mưa rồi đấy! Tây Ninh nắng dữ quá nên con người tìm đến nhau, thông qua một ngày hội, thông qua tôn giáo để liên kết với một thế giới nào đó xa lắc xa lơ, tự an ủi là thế này thế nọ. Để có sức mà chiến đấu với thiên nhiên, với cái nắng xứ vùng biên trồng cái gì cũng hổng nổi như đất này!
Bởi vậy mà đôi khi thấy ước gì giữa trưa nắng có một cơn mưa, nhỏ nhỏ, vừa vừa, đủ để làm bớt đi cái oi nực của ngày đổ lửa. Mà cái ước mơ này tôi ước hoài, nhỏ lớn, vậy mà ông trời có cho tôi bao giờ đâu! Những ngày tôi ôn thi đại học là những ngày khủng khiếp, ông trời hành hạ bằng cái nóng thôi là nóng! Tôi chữa cháy bằng cái máy quạt, quạt điện thứ trăm mấy ngàn bán đầy ngoài tiệm, về nhà chạy hết công suất, rốt cuộc cũng đỡ đôi chút, nhưng nghe giang hồ đồn là xài cái này nó hổng tốt, nên thôi. Khuyên bản thân mình nên hạn chế xài điện, coi như hành động nhỏ vì một xã hội lớn, cái này báo chí bàn miết, thấy cũng có lý ghê!
Và giờ thì tôi đổ lỗi cho cái việc rằng Tây Ninh quê tôi nắng quá là do chính người dân Tây Ninh làm ra, nào là xài túi nylon nhiều (hồi nhỏ đi lụm bọc nylon bán ve chai, thiên hạ mua hà rầm, bán hà rầm, xài nhiều là cái chắc), xài điện nhiều (ông nhà nước hay bậy bạ cúp điện, chứ thật ra do dân mình xài nhiều quá, nên lâu lâu canh me tắt cái cụp, tiết kiệm được một miếng!), làm ô nhiễm nguồn nước (hôm bữa đi xuống mé sông Bến Kéo, thấy hổng còn đám lục bình nào, mà nước sông đen thui, ghớm chết),… Và còn nhiều nhiều nữa, cho nên, nắng là tại con người!
Trở lại chuyện mưa, tại sao lại có mưa vào thàng này? Tôi một lần nữa cho rằng là do con người! Cá mười ăn một là dân làng nhiều khi cũng cho rằng như thế là đúng! Nghĩ sao mà tết đến nơi rồi mà trời lại đi mưa, ông trời chư đâu phải đứa con gái mít ước, đụng vô là xịt nước! Cái này là do con người, làm này làm nọ, ổng buồn, ông giận, ổng tức, và ổng khóc! Thế thôi!
Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010
Xe khách!
Thật ra thì tôi không thích gọi xe khách là xe khách, khoái gọi là xe đường, dù cho nó có là xe bus, xe dù hay xe gì đi nữa, miễn là ngồi lên đó tôi gà gật, nhức đầu, muốn ói! Kể ra cũng tệ, nhỏ lớn, đi xe đường không được, từ lúc lên tới lúc xuống là ói ra mật xanh mật vàng. Bây giờ cũng đỡ rồi, nhờ xuống thành phố, đi xe bus, riết cũng quen!
Tôi thấy mình tâm trạng ghê ghớm trên mỗi chuyến xe đường về quê! Chắc là tôi đọc tùy bút của Nguyễn Ngọc Tư nhiều quá, hay bị nhiễm cái tính lơ tơ mơ gì đó của cô Lý Lan, cho nên cái tâm trạng nôn nao, hồi hộp của những vòng bánh xe ngày về nhà chất đầy tâm trạng của tôi! Và trong cái tâm trạng đó, tôi hay gọi là tâm lý hướng quê, có nghĩa là dù đi đâu, làm gì cũng đều nghĩ về quê nhà, muốn về quê nhà! Mà sự thật thì cũng non một tháng tôi mới về quê một lần (trong khi nhiều thằng tuần nào cũng về hoặc hứng lúc nào về lúc ấy). Một sự thật khác là Tây Ninh gần xịt thành phố, và hổng ai tin rằng chỗ tôi ở là một cái "quê" nào đó, như trong phim sách ảnh báo chí rùm beng rằng con người "quê" chân chất dữ lắm, nghèo khó lắm, chân thì nứt hết, tay thì chai cục cục. Tôi thấy bà con gần nhà tôi tay chân trắng nỏ, dù năm nay ảnh hưởng cơn suy thoái, đánh bài ít tiền hơn mợt chút, nhưng vẫn đỏ đen sát phạt nhau ầm ĩ, tối ngày sáng đêm!
Về chuyến xe bận đi, nghĩa là từ nhà ra phố, tôi thấy không thích! Thì cũng dễ hiểu, xa nhà ai mà thích cho nổi! Thêm cái nữa là cái tật đi xe yếu, nên bận về dù gì thì có cái "hướng quê" nâng đỡ, đằng này hổng có gì bâng khuâng lưu luyến ở cái nơi sắp phải lăn xả vào đó, nên lại càng chán hơn!
Tôi thấy vui khi trên một chuyến xe có người này người nọ nói chuyện! Tự nhiên thấy lòng mình tươi hơn hớn, dù đôi lúc cũng bực! Gí chứ mấy bà đi hàng sỉ về nói chuyện ỏm tỏi, bóp chát dữ lắm! Và mấy ông hút thuốc, càng làm cho tôi muốn nôn ói hơn! Nhưng tóm lại là cũng vui, khi trên đường về xa tăm tắp, nghe chuyện bà Tư nào đó dạo này ăn nên làm ra, hay câu chuyện vãng của một người mẹ có con đi học xa liên tu bất tận về chuyện tương lai của con mình, đôi mắt hấp háy niềm tự hào, và cái miệng
thì cũng nối dài theo hành trình xe khách!
Trên xe đường thường có mấy bà già, hay đem theo chai dầu gió xanh, để mỗi khi có đứa nhỏ trên xe quấy khóc, cô gái quê nào đó trở mình nôn thốc nôn tháo thì bà già giúi vào tay họ, xức dầu này vô cho ấm bụng! Thật ra thì dầu gió có tác dụng bao nhiêu tôi hổng biết, chứ ấm lòng ấm bụng thiệt tình khi giữa những con người không quen biết nhau mà có một mối dây liên kết vô hình nào đó, thông qua chai dầu, làm cho tôi biết rằng mình đang sống giữa những con người thật, có trái tim! Và thật sự thì đã hơn chục lần tôi nhận từ tay cùa những người bạn đồng hành trên xe đường khách, những bàn tay không chỉ già héo nhăn nheo mà có thể trơn láng hơn nữa, có thể của bà ngoại già đi thăm con cháu, của má hai đi chợ đường xa, của chú Tư mần hồ cuối tuần về nhà hay của cô em tháng ngày lam lũ... Ấm lòng quá đi!
Nói vậy thôi chứ trên đường xa gối mỏi, cũng có đầy chuyện để nói về những thói hư tật xấu! Giả như chuyện ép cá mòi cá chém, cái xe lúc lắc trùng trình vì 12 chỗ mà phải gánh hơn hai chục nhân mạng, phần đông là nghèo (chứ người giàu sang ai mà thèm đi xe chặt chém ép này ép nọ). Rồi chuyện sang xe, chuyện chửi bới gây lộn của mấy ông cà nheo trên xe... Coi như xui tận mạng khi đụng mấy chuyện này!
Và sáng nay, lâu lơ lâu lắc mới đi lại xe đường, tôi một lần nữa thấy ấm lòng khi được một giọng nói dịu dàng như má tôi hỏi thăm chuyện này chuyện nọ, hay anh hai thợ hồ hiền như cục đất quay sang nói nhỏ với tôi rằng dù thứ hai nhưng xe vẫn đông, cố gắng chút chút rồi cũng tới khi tôi buột miệng câu né ngày chủ nhật đi ngày đầu tuần mà người đâu đông đúc quá! Đông nhưng hãy để những chuyến xe trĩu nặng những ân tình của những người quê chân chất, đừng để xuống xe rồi mà chân cứ mong mỏi bước nhanh khỏi những vòng quay thổ tả đầy chuyện gai mắt trái tai!
Dù mệt gần chết nhưng cũng vui vì chuyến xe đường hôm nay! Nhưng sự thật thì tôi cố tình đấy, để chuyến về còn được hồi hộp bâng khuâng với "hướng quê", nhất là chuyến xe ngày Tết, vui lắm!
Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010
Khai bút!
Vẫn đang nghỉ ngơi ở quê! Vậy là coi như qua nửa năm 3, chớp mắt thêm vài cái nữa là ra trường! Tuổi trẻ, mong chờ cái ngày được lăn xả vào đời, được cống hiến, được làm việc, được thỏa chí! Con trai, lại càng mong mỏi, đôi vai thì nặng gánh! Năm mới năm me, ở thành phố thì không thấy không khí gì hết, vậy chứ về quê cũng có thấy cái gì đâu! Thế mà hay đạo đức giả cho là tết ở thành phố hổng có không khí gì ráo trọi, nhưng thật ra mấy năm nay, anh em gì lớn hết rồi, tết coi như già thệm một tuổi, nhất là khi trong túi hổng có tiền, thì tết để mà làm chi!
Khai bút đầu năm, mà thật tình cũng là năm tây, chứ có phải năm ta đâu mà bày đặt! Làm biếng viết nữa rồi! Thôi, năm sau khai tiếp!
Khai bút đầu năm, mà thật tình cũng là năm tây, chứ có phải năm ta đâu mà bày đặt! Làm biếng viết nữa rồi! Thôi, năm sau khai tiếp!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)