Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Những điều hối tiếc!

Nếu có đi qua một khu trời nào đó, chắc tôi sẽ hối tiếc vì tại sao mình không nán chân lại đôi chút, để lăn xả vào khu trời ấy, để cống hiến, để vui cho trọn đêm nay! Vậy mà khi cô giáo môn Kinh tế công kể chúng tôi nghe về cái khu trời sinh viên nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm đáng nhớ của cô, tôi chưng hửng gật đầu, ừ, chắc cũng vui, nhưng giả tạo! Hai năm trước chính cô là người gây thất vọng cho tôi về một việc nhỏ như tờ giấy thi đáng giá 200 đồng, và giờ cô đang kể về những kỷ niệm đẹp… đối với cô!


Cô giáo mở màn bằng kỷ niệm về những ngày đi chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh! Tôi nặng nợ nhiều với cái công ích mùa hè này! Nếu bấm đốt ngón tay, lọc tọc chắc cũng hơn 10 năm cho một phong trào tình nguyện ăn sâu bám rễ trong lòng sinh viên của thành phố! Và chỗ tôi ở, ăn may với những anh chị sinh viên đầu tiên xuôi dòng về tỉnh lẻ, đem con chữ về cho đám trẻ con nước mắt nước mũi chảy lòng thòng, quần đùi rách đít long nhong. Trẻ con tỉnh lẻ, nghèo, dơ, ngu, và không thích đi học, ngày hè tranh thủ phụ má ra chợ bán quán, ở nhà trong em, lòng thòng canh con heo nái mới đẻ để cho heo con bú. Nhưng ngày ấy, những ngày đầu tiên được tiếp xúc với cái gọi là Ánh sáng văn hóa hè, tiền thân của Mùa hè xanh bây giờ, thì mê tít! Bữa sinh hoạt nào cũng đông vui như đi hội, và các anh chị sinh viên thì nhiệt tình, dễ thương, khoái tỉ tê khi mỗi bận sáng trưa chiều đi qua, có cô hai đi chợ về ngang biếu cho con cá, bà ngoại kế bên cắp rổ rau xanh um qua cho, móm mém cười, qua có chút lòng, hay chùm nhãn chín đầu mùa thơm phức được bọn nít ranh ăn cắp trong vườn nhà ai, rón rén con tặng cô chút quà! Chiến dịch tình nguyện ngày xưa tôi thấy vui và bổ ích lắm, vì người dân cần, vì con nít chúng tôi cần! Thấy thương quá xá!


Trở lại chuyện của cô giáo, cô nói này nói nọ về cái việc xây cầu, xây đường. Cô cho rằng chiến dịch trường X ý nghĩa hơn, vui hơn. Tôi hoàn toàn không đồng ý, đã đi tình nguyện, thì dù có bị cái giấy chứng nhận kéo lưng, hay tính trẻ con ham vui đưa đón, thì vẫn phải hòa mình vào trong cái không khí được cồng hiến. Và mỗi hành động của mỗi thanh niên tình nguyện, tôi cho rằng rất ý nghĩa. Và tất cả chiến dịch tình nguyện, dù là trường X, trường Y hay trường Z, vẫn đáng trân trọng như nhau, so đo làm chi về một cái chữ “chân chính” nhỏ nhoi, khi tấm lòng là cái quý giá nhất!
Tôi biết cô giáo níu kéo về cái vùng trời hối tiếc mà cô đã đi qua, nhưng cái vùng trời của cô sao xa lơ xa lắc cái vùng trời mà chúng tôi đang gồng mình tiến về phía khác, dù vẫn một con đường! Giả như chuyện cô kể về một tháng quân trường không thể nào quên của cô, rằng học tập trung, rằng chọi nước mắm, rồi ăn chơi ngủ nghỉ theo chuẩn nhà binh! Tôi nghe hết, và cũng đã từng nghe nhiều! Nhưng trả lời câu hỏi của cô về vùng trời của chúng tôi thì tôi hài lòng về tháng quân trường của mình! Không có những tối tụi con trai bày trò chọc bọn con gái, không có cái vụ tắm chung trong cái ổ tắm tối thui, dơ hầy, thúi hoắc, không có chuyện 6 giờ đánh kẻng cái beng thức dậy tập vệ sinh khi mặt đơ đơ ngái ngủ. tôi hài lòng với chuyện được tự do mặc đồ như ý mình, được học nhẹ nhàng, thi nhẹ nhàng! Tháng quân sự của chúng tôi trôi qua trong vô vị, nhạt nhưng không ầm ĩ, đủ để cho chúng tôi thỏa mãn với những con số “thích bao nhiêu có bấy nhiêu”.


Để giờ đây khi nhớ về thời sinh viên của mình, chắc tôi sẽ lục lọi dữ lắm trong tâm trí, chỉ để tìm ra những cái khác, ấn tượng hơn chứ không phải chuyện em kia ăn cắp đồ, em nọ nói xấu sau lưng, nhỏ mọn tranh đua trong từng con số… Lớp tôi không như những lớp khác vẽ ra trong sách báo, nó đời đến lạ lùng, nhưng đời ở đây là đời chợ búa, đầy những tính toan!


Bạn tôi, trong một lần rỗi rãi mời tôi bằng câu chuyện về những sinh viên ngày hôm nay! Tôi ngượng chín người vì trong cái bóng dáng chưa kịp thành hình về những sinh viên ấy, có một tôi co rút trong cái tôi khác nhỏ bé, cái tôi nhỏ mọn, cái tôi tính toan!



Ừ thì cũng phải đi cho hết quãng đường còn 3 học kỳ phía trước, chứ ở đó mà tiếc làm chi mấy chuyện đẩu đâu! Cuộc đời ai cũng chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống, để một khi nhắm mắt xuôi tay, ta không phải hối tiếc về những năm tháng đã sống hoài sống phí!
Thép đã tôi thế đấy nói như thế, và tôi tin!

2 nhận xét:

  1. Mình thật sự bất ngờ khi vô tình bắt gặp được một Tồn như thế. Dù biết bài này Tồn đăng lâu lắm rồi những vần muốn để lại vài dòng...Lãng đãng trong mình mình cũng có chút gì đó man mác buồn vì khi ngoái nhìn lại, gần ba năm đi qua, và mình cũng đi qua cuộc đời sinh viên thờ ở đến lạ...Nhưng, mình thờ ơ với cuộc đời sinh viên ở trường mình thôi, vì như Tồn nói đúng, "Lớp tôi không như những lớp khác vẽ ra trong sách báo, nó đời đến lạ lùng, nhưng đời ở đây là đời chợ búa, đầy những tính toan! "...Mình vẫn sống rất chất, rất máu lửa với cuộc sống thứ hai mà mình chọn, vẫn đang tìm kiếm những mảnh ghép ý nghĩa cho cuộc đời mình. Tồn chắc cũng như mình, chon một con đường song song để sống, để cống hiến, để cho đi hết mình, Tồn nhỉ. Có thể mình không hiểu hết, hoặc hiểu không đúng những gì Tồn viết, nhưng mình cũng lò dò nhận ra một cảm giác gì đó đồng cảm. Nên ù vào viết ngay kẻo nó bay đi đâu mất!
    ..^^..
    Mình chúc Tồn rẽ đúng đường, để đi lạc vần tìm được lối ra nha!
    Nhím!

    Trả lờiXóa
  2. ngạc nhiên nhìu vì cái cảm xúc của a
    ngọt ngào và nồng thắm
    nhưng e thik và ấn tượng nhìu
    p.s: đời sn nt là thế đấy !

    Trả lờiXóa