Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Bởi yêu thương, là không chờ đợi!

Đang rúc đầu trong phòng thì cha gõ cửa, thằng con trai nhỏ bực mình nói con chuẩn bị đi ngủ rồi, cha có gì không? Cha nói xe con bánh sau mòn vỏ rồi, có gì đi thay đi để bữa nào đi trong xóm, nằm đường thì đẩy bộ chết! Bữa nay anh đổi xe với cha, tại đi mần mà chạy xe ga mau xuống xe quá nên anh nói với cha đổi xe ít bữa, đi coi thử ra sao! Lúc chiều về cha nói thôi đổi xe lại cho cha, bữa nay cha chạy thấy dằn quá, đau lưng. Lúc đó tự nhiên thấy cha mình già xọm đi mất, và tự nhiên muốn nói điều gì đó, với cha mình. Nhưng cánh cửa phòng cha đóng lại mất tiêu rồi, không quên với tay tắt công tắc đèn. Ở nhà dưới má đang bật Cô dâu 8 tuổi, cha chong đèn chắc lại đang ngồi viết cái gì đó. Chỉ có anh là đóng cửa trong phòng, theo đuổi những giấc mơ phù phiếm, kiểu như ngủ qua một giấc, thấy mình đang ở những nơi thật oách, chẳng hạn!

Lúc nhỏ, anh không thích cha lắm. Bởi cha đụng tới là xách cây đánh anh đến đi không nổi! Cha lại thương anh tư hơn, vì anh tư là con cầu tự, anh coi như thuộc dạng bể kế hoạch, cha với má định ngừng lại ở ba đứa con vừa đủ tẻ vừa đủ nếp rồi mà tự nhiên một bữa bụng má lồm lồm, rồi chín tháng và mười ngày cái anh chui ra, gọn bâng hai ký tám. Cha ít khi nào biểu anh lại, cho anh cái này hay cái khác. Cha được cái dữ đòn, đánh anh hoài đánh anh miết riết anh đâm ra sợ, so với má thì cũng dữ đòn nhưng má đánh xong thì sẽ dỗ anh bằng mấy cái bánh bò dừa hay cái hôn chụt chụt vô mặt. Anh lớn lên trong nỗi sợ mơ hồ chực chờ vì mỗi khi anh phạm lỗi, nhỏ hay lớn gì cha cũng sẽ phụt roi ra trước, rồi mới tính toán đúng sai thiệt hơn sau. Anh sợ cha, đâm ra xa cha từ hồi nảo hồi nào!

Và con trai thường thân với mẹ, có gì cũng dễ tâm sự, dễ nói chuyện, dễ sẻ chia. Những chuyện cỏn con cho đến những điều to lớn khác của cuộc đời, thường được đứa con trai rỉ rả dễ dàng với má. Nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng, anh khó tiếp cận với cha của mình hơn, trong cuộc sống, trong những lúc khó khăn, khi vui cười, khi trắc trở. Với cha, bao giờ cũng có một vách ngăn vô hình luôn ngáng giữa đường mỗi bận con trai định hỏi cha định làm thân với cha bằng một cách gì đó. Năm dài và tháng rộng, bất chợt một bữa trời mưa thấy cha mình ngồi lau cái xe để anh đi làm nhìn được con mắt một xí, biết đâu bỗng thấy cơn mưa kia như tắm mát hồn anh dịu dàng. Hay bằng một cách nào đó anh thấy được rằng cha của mình đã già, tóc cha đã bạc hết trơn, những đường gân hằn trên tay, những vết thời gian trên lưng, nếp nhăn dưới đuôi mắt, cái ho cũng không khẽ khàng mà ì đùng gõ vào tim anh đau nhói. Chiều đó mưa to, đêm nằm ngủ cũng thoải mái. Giữa đêm, lại giật mình tỉnh dậy. Thấy bao la cả một vùng trời, thấy cảm ơn cuộc đời vì dù qua bao mây ngàn gió biển bão táp phong ba, những ngọt ngào, những cay đắng, anh vẫn còn có má, và cha đi cùng. Những tháng ngày hạnh phúc!

Ai cũng nói cái mặt của anh, với cha nhìn y chang nhau, khỏi cần giới thiệu, dòm một phát, là biết. Cái dòng máu mủ ruột rà, là núm ruột của mẹ của cha sanh ra, nên tánh tình, cũng y chang nhau. Tánh anh cũng ngang bướng, thuộc dạng miệng ngon ngọt nhưng trong bụng khó chịu vàng trời. Cha cũng vậy, cha còn khó tánh hơn anh nữa. Cha ăn chay, nhưng không như má, cha ăn uống bày bản. Nếu nói cha gia trưởng, thì cũng đúng. Cha lại còn tự ái, ai nói động tới gì, là giận là hờn mác là năm ngày không thèm dòm mặt. Càng có tuổi cha lại càng khó, đến nỗi anh đâm ra mệt. Bao giờ có chuyện gì cần nói, nếu được, thì anh toàn nói với má. Bữa đó đi chơi, đi nước ngoài đàng hoàng, trốn việc, nên hụt trước quên sau, chạy xe đâu chừng tới Củ Chi, vía nhắc cái bực rằng có đem theo hộ chiếu chưa đó thằng quỷ? Thẳng quỷ nhỏ giựt mình, xóc ba lô đổ ra coi, đường quốc lộ buổi chiều hoang hoải, có một thằng anh lòng rối bời bời, bỏ quên hộ chiếu ở nhà mất tiêu rồi. Đành phải gọi cho cha, nói cha ơi cha đem xuống giùm con, không quên nhắc cha chạy cho cẩn thận, nhanh nhanh xí nhưng cẩn thận. Lúc tối mịt thì cha tới, hớt hơ hớt hải còn hơn anh, câu đầu tiên không phải chửi rủa hay cầm cây roi mà quất, chỉ đơn giản hỏi anh còn kịp hay không? Đi cho lẹ đi! Chắc là cha chưa kịp ăn cơm chiều đâu? Và chắc là đường về nhà bữa đó của cha sẽ càng thêm xa ngái, bởi thằng con lớn đầu rồi mà vẫn cứ hoài tâm hơ tâm hớt, đầu óc để ở đâu đâu. Vì sợ trễ nên anh lật đật cắm đầu chạy cho lẹ, quên mất tiêu một cái ngoái lai nhìn cha của mình. Con cái lớn lên chỉ biết có đi xa, đi mải miết. Đứa nào biết chuyện thì năm thì mười họa tạt ngang nhà rồi cũng đi biền biệt. Chỉ có cha với má là hoài đứng yên đó, dòm theo dõi theo con mình cho đến suốt cả cuộc đời. Những chuyện nhỏ nhặt nhưng đôi khi nhắc lại, thấy thương ông cha già khó tánh nhưng khi cần vẫn dành cho con mình yêu thương và hy sinh vô bờ bến. Những hy sinh ấy đâu cần chi tính toán thiệt, hay hơn!

Anh nhớ lúc nhỏ, quyển sách đầu tiên anh có, là do cha mua về, truyện tranh thôi, quyển Nhị thập tứ hiếu. Anh mê muốn chết, chưa biết chữ nhưng dòm tranh thôi cũng đủ khoái. Cái thời non trẻ thiếu thốn đủ bề, cuốn sách nhỏ mỗi ngày được bưng ra cả trăm lần, dòm hình, rồi hỏi người lớn nhờ người lớn đọc cho nghe, kể cho nghe đến mức thuộc luôn lúc nào không hay. Rồi những đêm tắt đèn dầu đi ngủ sớm, cha sẽ kể = những câu chuyện như Quan Âm Diệu thiện, Bồ tát phổ độ chúng sinh... Anh mê nghe lắm, cứ đòi cha kể miết. Cha lại hát hay, lên câu vọng cổ ngọt như mía lùi. Anh lớn lên cũng từ những bữa buồn buồn cha mở ra-dô hoặc ôm đờn tỉnh tình tang xề u liêu cống như thế. Bữa nay cha ca hết nổi nữa, câu vọng cổ xuống xề nổi hột. Thấy mây bay qua thềm, và cha, rồi cũng đã già!

Từ đận cha đi ngồi tộc, năm thì mười họa cha mới trở về nhà. Mới đầu lúc cha quyết định đi, anh cũng cản, kiểu như nhà đã không có ai, mà đi mần chi, không biết? Nhưng má lại khác, má nói cha bây già rồi, muốn mần gì làm gì thì cứ mần đi, cản mà làm chi, cứ để ổng vui, là được. Má hồi trẻ nóng tánh một cây, nhưng càng về già má lại đâm ra dễ. Cha thì ngược lại, hồi trẻ dễ, sau này rốt cuộc lại thay thế má, làm ông thần giữ cửa của cái nhà nhỏ này. Anh thì lấy gì để cản cha mình đi mần việc thiên hạ, đi làm đạo. Thì thôi, coi như cha đi mần phước, cái hậu sau này, cũng con cái, cũng là anh hưởng, chớ ai vô đây. Anh không cản cha nữa, chỉ âm thầm dõi theo những bước cha đi. Miễn cha thấy vui, là đủ rồi! Lời hoa mỹ, với cha thì có bao giờ anh nói được, nhưng trong thâm tâm, cha mình, kiểu gì vẫn là chỗ dựa vững chãi nhất không bao giờ dời đổi. Cái đèn trong nhà tắm bị hư, lafone lâu ngày bị dột, xe cần thay nhớt, bàn thờ phải đánh vẹc ni.... mấy cái chuyện nhỏ nhặt đó, vẫn phải là bàn tay của cha rớ vô, mới xong. Anh thấy mình dở tệ, dở vô cùng vì đáng lẽ ra, mình phải là người thay cha mần những chuyện như thế. Nhưng ai mà biết được đâu, cái đứa này nếu thay cây viết bằng những thứ khác, còi cọc mạnh mẽ hơn, thì thôi, nói chung khó quá, cứ tự tiện bỏ qua, cho rồi!

Nhưng đến lúc anh thấy cha mình già, và mình cần phải lớn, là bữa đám giỗ. Nhà làm đám giỗ chay, thì bởi ông bà cha má ăn chay trường hết trơn nên đâu làm mấy món mặn cho đặng. Bữa đó là ngày đàn, cha lo việc cúng kiếng bên Thất, không về. Me già thì lụm cụm, bệnh vừa xong nên chuyện nhỏ chuyện lớn anh đứng ra lo. Mấy chị có chồng lo chuyện bếp núc, làm chay nên cũng hổng có mần gì nhiều nhặng. Lúc bưng lên bàn thờ, lúc sắp sạn cúng ông bà và đất đai nhơn trạch, tự nhiên anh đâm ra lúng túng như gà mắc tóc. Cầm cây nhang mà không biết vái ra làm sao? Cúng đất đai phải năm chén cơm đốt ba cây hương, bàn thờ ông bà phải để bốn cái chén, rồi tuần trà tuần rượu tuần nước trắng phải canh châm như thế nào. Lễ nghi nhiều vô thiên lủng. Cha thì đang cúng đàn nên đâu điện gọi hỏi được nên thì thôi nghĩ gì vái nấy, sơ sót thì cũng mong ông bà đất đai khuất mặt khuất mài bỏ quá cho. Nói thầm trong bụng khi nào cha về thì phải nhờ cha chỉ lại mới được.  Lúc này đây mới thấy cha mình là một kho kiến thức vô tận, những chuyện không phải vĩ mô, nào có phải trời cao đất dày, cần học hành bài bản mới thấm được, chỉ là những chuyện lặt vặt nhỏ xíu nhưng khi chánh thức bắt tay vô mần rồi mới biết, khó vô cùng. Con trai vẫn cần phải học ở cha, nhiều!

Như những lúc giận hờn những bãi bồi triều cường lên và xuống. Anh với cha đôi lúc hậm hực với nhau vì những chuyện đâu đâu! Nhưng ai mà biết được còn có bao lâu nữa. Chỉ cần thấy cha mạnh giỏi là đã vui vẻ rồi. Thứ gì đâu mà đối xử bất công, sẵn sàng nói lời yêu thương tha thiết nhớ với má, nhưng nào giờ chớ hề nghe nhắc đến cha mình bao giờ. Phũ phàng đến nỗi một bữa nóng ngu người có đứa rắn mắt hỏi bộ cha của anh mất (quở miệng) hay nhà anh ba má ly dị hay sao mà chả bao giờ nghe anh nhắc đến cha. Anh nghĩ trong bụng mà tức cành hông nhưng biết sao cho được. Và như vậy đó thì những câu chuyện tủn mủn lặt vặt của gia đình ra đời. Công nhận là cũng khó thiệt để rớt ra những chữ như thế này, bởi đã qua rồi cái thời yêu thương được nhỏ ra từ trang giấy. Điều quan trọng hơn, anh nghĩ rằng nếu yêu thương thì phải trân trọng, cụ thể bằng hành động. Đơn giản như chiều nay chạy về nhà, mưa nhưng nghĩ để ghé mua cho cha mình cái áo mưa mới, hổm nay chần chờ vì nghe đâu cơ quan phát áo mưa nên dù thấy cái áo mưa cha mặc cũng đã rách teng beng rồi vẫn chưa mua được cho cha cái áo mới bận đi xóm mấy bữa trời nhễu hột. Chắc bà bán hàng áo mưa cũng vui, tự nhiên thằng kia mặc cái áo mưa đen thui bự chảng ghé vô hỏi mua thêm một cái áo nữa, loại tốt tốt xí để xài cho bền. Những cái đó gọi là không chờ đợi. Yêu thương mờ, dù bằng lời hay bằng hành động, cũng không nên chờ đợi. 

Bởi biết đâu, gió lại cuốn đi hết trơn, chả để lại vết tích gì đâu, nghen!

1 nhận xét: