Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Viết cho mẹ, cho mình!

1. Sáng mẹ bảo, có gì đi trường về thì ghé qua nhà ngoại, mẹ mua bông về chưng mồng một, nhiều lắm, mẹ chở về hổng hết. Anh dạ ran, nói có gì con đi tranh thủ về, sẽ ghé. Mẹ anh là vậy, nhịn đói cũng được, nghèo khổ gì cũng được, nhưng bàn thờ nhà không bao giờ thiếu bông. Nhiều năm rồi, bao giờ mẹ cũng sắp sải ngược xuôi mua bông đơm cho mấy cái bình trên bàn thờ được sung túc, mẹ nói, tiền ăn bao nhiêu cũng hết, cúng ông cúng bà, được cái hậu! Anh đi tổng kết ở trường về, ghé qua nhà ngoại, ôm mấy chục bông cúc với lại mấy chục bông huệ mẹ mua, trưa nắng sang sảng nhưng biết tính mẹ nên phải nâng niu kỹ lưỡng, mẹ nói, bông mờ, yếu đuối mỏng mong nên phải trân trọng, nhất là bông cúng, càng phải nâng niu chiều chuộng hơn nữa, vậy là vừa chạy xe, vừa níu vừa giữa cả một vườn bông mệt đuối muốn chết. Cái thứ nắng xứ này, thiệt tình hổng bao giờ ngưng dai dẳng và bốc lửa. Về tới nhà dựng xe cái chách, bông chưa kịp đưa đi rộng nước đã bò vô giường nằm ngủ. Quãng rày anh hay bị tỉnh dậy lúc nửa đêm về sáng, y chang như mẹ, nhưng mẹ thì nhiều năm rồi. Mẹ thì già, gần sáu mươi chớ có ít ỏi gì. Anh thì mới hai mươi sáu, chắc cũng cập rập tuổi thanh xuân sắp chia tay mười hai bến nước, nên đâm ra bần thần bẫn thẫn đêm nằm thao thức, dậy sớm cút côi!

2.Lúc mang thai anh, mẹ nói mẹ hay đọc sách, từ chuyện diễm tình Quỳnh Dao, đến truyện Nam Kỳ Hồ Biểu Chánh, truyện Chu tiên, Tây Du Ký, từ Tây đến Tàu, chuyện gì mẹ cũng đọc. Lúc đó thì nhà anh cũng khá, mần trại đũa, đũa tre, thứ đồ hổng thể nào thiếu bên mâm cơm của người trên cái thẻo đất này! Rồi anh sanh ra xong thì cảnh nhà rơi vào khó khăn, biết đâu chừng, vì vậy mà anh khó có thể nào hòa hợp với cha anh được, trộm vía thì anh nghĩ, hay do mình ra đời, nên nhà mình mới bị như vậy, kiểu như bữa đó công nhân đang chạy máy làm đũa, bị máy tứa đứt bàn tay, rồi chạy chữa rồi thuốc thang rồi kia rồi nọ rồi đến nỗi nhà anh không bao giờ còn được như những ngày anh chưa có mặt trên cái cõi đời này. Nhưng mẹ thì khác, mẹ vẫn thương anh nhất, mẹ không nhiều chữ nhiều nghĩa, tháng năm còn trẻ, mẹ giỏi giang tần tảo đi bán chợ nọ, chợ kia. Một mình mà chèo chống. Mẹ truyền cho anh tình yêu không bao giờ dứt với sách. Lúc nhỏ, hổng có nhiều tiền nhưng anh đều làm mọi cách để đọc chữ, mượn hàng xóm, mượn anh chị, cô dì. Cái cảm giác đói chữ của những ngày thơ chả biết đến bao giờ anh mới quên đi được. Mẹ cũng dạy anh cái tánh không sợ trời không sợ đất. Hồi anh nhỏ xíu mẹ đã phải bươn bả chợ xa, ngày tạt qua nhà dăm bận, mùi của mẹ được thay bằng cái khăn mẹ quấn trên đầu, tanh rình mồ hôi mà lúc nào anh cũng ôm lấy cho thỏa nỗi nhớ xa mẹ. Ở nhà một mình nên anh cũng tự chơi, tự lớn lên và sống. Như cây còi, cây dại, anh lấy mấy cuốn sách làm bạn! Và giờ thì đã lớn, đi chỗ này, đi chỗ kia. Chỉ có những tháng ngày thơ bé xa xôi là không bao giờ tìm lại được. Anh mua cho mẹ cặp mắt kính, nói mẹ đọc sách nghen, tủ sách của con giờ bộn sách rồi, mẹ tha hồ đọc. Mẹ nói, cám ơn, mẹ già rồi, nhìn không thấy mặt chữ, cầm bổn đọc kinh thì cũng ba trệu ba trạo, đọc nhiều lại nhức đầu! Hay để con đọc, cho mẹ nghe, đến suốt cuộc đời, mẹ nghen!

3. Anh sinh vào tháng năm, đầu tháng năm. Những hồi còn nhỏ, hay thắc mắc tại sao cha mẹ lại đặt cho mình cái tên lạ lùng quá đỗi. Lạ đến nỗi đi vô trường thầy cô đều phải hỏi lại, bây giờ đi làm, chỗ anh kiếm được người nhớ được chính xác tên anh chắc đếm trên đầu ngón tay! Lúc nhỏ thì mặc cảm, sao không đặt cho tền Xoài, Cóc, Ổi, Cu tí, cu Bầu, Minh Minh, Dương Dương, Tuấn Tuấn gì đó cho hay ho, lại là cái tên này, lạ lùng buồn hết sức. Rồi năm dài tháng rộng, rồi lớn lên rồi đi xa, tự nhiên thấy trân quý và thương gì đâu cái tên nhỏ cút côi của mình. Là tên mình, tên do ông ngoại đặt, do chính mẹ viết ra trên tờ giấy khai sanh một ngày tháng năm của hai mươi sáu năm về trước. Đi đâu cũng hổng gặp ai trùng tên, đến chỗ nào cũng phải lặp lại dăm ba lần cái tên ngộ ngộ này. Nhưng đó là tất cả những yêu thương và kỳ vọng mà cha mẹ đặt vô đó, thằng con trai của cha mẹ giờ đã lớn, đã biết trân quý tất cả những gì mà cha mẹ đã cho anh. Hồi lâu lâu thì biết được ngày của mẹ, ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm. Ngày này, theo một cách vô tình hay hữu ý gì đó, lại thường trùng với ngày anh sanh ra đời. Tánh anh thì một mình quen rồi, nên đôi khi sợ đến ngày này lắm, sợ những tin nhắn chúc mừng này nọ, sợ những gương mặt người cười nói, sợ cảm giác người ta đang dòm mình đang nghĩ tới mình vì hôm này, chỉ hôm nay thôi, là ngày của mình. Thay vì vậy, anh lại cũng không thích ngày của mẹ, thấy nó hình thức và xa lạ quá. Mỗi ngày, đúng và như vậy, cũng sẽ đều là ngày của mẹ! Nghĩ thì nghĩ thế thôi, chớ đôi khi, tránh làm sao chuyện làm cho mẹ buồn!

4. Đi làm về, mệt nên đâm ra gắt gỏng. Anh nói mẹ khỏi nấu cơm, con mệt rồi, con đi ngủ. Mẹ sẽ khê nệ mần cơm, nếu ngày mặn thì sẽ chỉ toàn món thịt kho, thịt rim, thịt chấy, thịt nướng vì mẹ biết nếu có mần món khác, anh cũng không thèm ăn. Rồi xới một tô cơm, bưng vô cho anh! Anh thì lại hay càm ràm, mệt mà, con có ăn đâu, cơm gì mà nhiều vậy ăn sao cho hết, con không ăn, con đi ngủ. Nhưng lúc nào anh cũng sẽ rón rén lén bưng cơm nuốt trọn, kiểu như lời nói gió bay, chỉ được cái càm ràm quen miệng. Tối anh ngủ hay quên tắt quạt, sáng tỉnh mắt ra lại thấy quạt tắt mất tiêu tự lúc nào! Mẹ hay gọi điện, hỏi con đang ở đâu, chỉ hỏi vậy thôi, chớ cũng chả để làm chi! Mẹ thì lớn tuổi, hay quên trước quên sau, sáng ra thấy lược chải đầu dính đầy tóc, anh vội quá sợ trễ giờ làm nên nói sao mẹ không chịu lấy tóc bỏ đi, tóc gì rụng quá trời nhắc hoài mà hổng chịu nhớ. Nói ra mới thấy sao tóc mẹ càng ngày càng rụng nhiều! Nhưng lời nói vô tình thì không gì múc lại được. Mẹ sẽ bảo, nếu mẹ mất đi, chỉ mong một giấc ngủ rồi nhẹ nhàng, đừng bị bệnh tật hành hạ, đừng để con cái phải thăm nom, phải chăm sóc nhiều, một ngày hai ngày thì hổng nói, năm qua tháng qua mà trường kỳ thì thế nào con cái cũng sẽ phiền, nói thì không nói ra đâu nhưng trong bụng nó sẽ nghĩ. Rồi lỡ mệt mỏi rã rời vì chăm sóc mẹ mình, con cái lỡ nặng nhẹ lỡ buông lời mai mỉa, thì mẹ buồn cũng không phải vấn đề, chỉ sợ con mình mang tội, lời mà, gió bay đi mất tiêu! Mẹ suy nghĩ sâu sa, hay nhìn này sợ nọ lo trước cái kia! Anh chắc cũng giống tính mẹ, nên cũng sợ. Mỗi ngày trôi qua, được ở với mẹ đã là hạnh phúc nhất trên đời!

5. Không ai nghĩ được, đoán được có ngày anh cặm sào và bén rễ ở nơi quê nhà. Nhưng từ ngày tốt nghiệp đại học, cầm bằng về thì anh ở yên với má, lúc đầu cũng buồn, nghĩ một ngày nào đó, anh phải trở lại Sài Gòn, nơi phồn hoa đô hội, để làm chi: chắc chỉ để vui. Nhưng năm đi qua tháng đi qua, anh dần tụt đi khí thế ban đầu, bây giờ nghĩ lại, thì thôi bằng lòng với những gì mình có. Ở nhà, nghĩa là sẽ ở gần cha mẹ! Ở gần cha mẹ, đơn giản là những ngày vui không bao giờ dứt. Thế thôi!

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

NHỮNG NGÀY Ở XANH

Là những ngày thảnh thơi nhất anh từng có, qua rất nhiều những bận xách của nả lên mà rong chơi phiêu lãng cuối trời. Xanh hiền hòa, thiệt là đúng với cái ý của anh khi đặt vé đến đây. Xanh thì cũng thuộc dạng nổi tiếng, nhưng ưa thích thì anh không biết có ai ưa thích nơi này hay không? Vì Xanh thì buồn, chủ yếu là đền đài, cây cỏ nhiều, đồng ruộng cũng nhiều, chả khác gì cái nơi anh sinh ra, lớn lên và sống. Mà ai biết được, dám chừng anh thích Xanh cũng do bởi những đồng rơm gốc rạ đó. Xanh thiệt hiền và buồn, giá cả lại rẻ, người Xanh cũng không bon chen, họ sống chan hòa với cộng đồng, những nét văn hóa truyền thống hòa vào sự đa dạng từ những luồng văn hóa khác, với những điều giản dị hòa chung với không khí của dân du lịch từ khắp muôn nơi. Xanh len l
én rót vô bụng anh những niềm thương nỗi nhớ rất nhẹ nhàng và bãng lãng. Xa Xanh rồi, mà vẫn cựa hoài nhiều niềm nhớ.

Là những món ăn địa phương - ăn hoài suốt mấy bữa nên đâm ra ngán. Món ăn ở Xanh cũng đầy màu sắc, anh ăn từ trong nhà hàng cho đến mấy quán dọc lề đường, kiểu nào cũng có cái hay riêng. Nhiều khi người ta đi đến đây, ngắm mây trời, ngắm những gương mặt người, lắng nghe tiếng gió hát, tiếng biển cười, là đã đủ. Anh thuộc dạng dễ chịu, nhất là trong mấy khoản ăn uống với ngủ nghỉ, nên cái nào anh cũng thích. Không e ngại, không chần chừ. Mấy bữa anh ở Xanh, có khi ăn sáng bằng tô mì giấy, có khi tự đãi mình bằng một bữa tối ở bãi biển có ánh nến và trăng hôm rằm, với tiếng đàn hát rộn ràng, có bữa lại đói khờ râu vì tô hủ tiếu bò viên dở lỏng đạn không đủ can đảm nuốt cho hết, hay nhìn ra ngoài ruộng, với mấy món ăn địa phương vào một chiều muộn, không gian thì ngập trong tiếng côn trùng kêu và tiếng người nông dân hối hả thu hoạch cho xong lúa đông xuân. Hay biết đâu đó, là mấy trái ớt đâm muối xẩn, thêm trái ổi trộm ngoài vườn - chỗ anh ở như một cái rừng, có cây cối và hoa lá, có chim kêu và ông bà chủ thiệt hiền, giữa mênh mông ta bà vừa ăn vừa cười.

Là mưa, có cơn mưa nặng hạt, theo chân anh suốt từ nơi này qua nơi khác mà chưa chịu dứt. Cũng có mưa bóng mây, mưa luồng và gió biển, mới lé đé nhiễu giọt qua vành tai, lại bay đi mất tiêu nhường chỗ cho nắng, nắng lên sau cơn mưa cũng dịu dàng, anh thì khoái những cái gì dịu dàng và nhẹ nhàng. Và cầu vồng sau cơn mưa cũng đẹp, rạng rỡ về trên những nếp nhà nhỏ nằm bên vệ đường, những ngôi nhà có mái lợp ngói cũ, với vườn cây ăn trái bao chung quanh. Con đường quê nhỏ nhỏ, chạy cong cong qua mấy mảnh vườn, xe chạy qua rồi mà vía anh còn đứng hoài ở nơi đó, quấn mãi không chịu đi. Đong sao cho đầy những yêu thương về trên những cơn mưa cuối mùa ở xứ Xanh này. Người Xanh bảo thời tiết càng ngày càng khó chịu, mùa mưa nơi này tháng ba đã khô véo rồi, còn bây giờ thì cuối tháng tư, đầu tháng năm, mà mưa vẫn rớt hột, hổng hiểu nổi. Chỉ có anh là khoái. Anh có coi thử thời tiết mấy bữa ở Xanh như thế nào. Bữa nào cũng có mưa, từ nhẹ đến rải rác, riêng bữa cuối cùng trước khi chia tay Xanh thì nắng, nắng ấm và ít mây. Vậy mà mưa suốt, từ lúc trưa cho đến chiều. Trước lúc về, anh cởi giày, chạy ra ngoài lộ, mưa phợt thẳng vô mặt, vô quần áo tay chân, lạnh nhưng vui. Là những phút thấy mình y chang con nít, vui lắm luôn ấy, Xanh ạ.

Là những gương mặt người. Lâu lắm rồi anh không tha thiết gì chuyện tìm bạn cho những chuyến ruổi rong. Anh thì sống ở quê, không quen bù khú, không ưa chuyện gặp mặt và diễn những nụ cười. Nhưng rồi phút cuối cùng, trước lúc đến Xanh, anh rải lời nhoi nhỏ tìm bạn, rồi gặp duyên thì thắm lại. Qua đến Xanh, anh ráp vô với những gương mặt người, những người trẻ, những người không còn trẻ, họ vô tư và thân thiện, họ cũng chịu đi chơi nhưng cũng giữ lại cho mình những khoảng khắc riêng. Anh thấy vui vì biết đâu đó khi mình mở lòng mình ra, là sẽ tiếp cận với một Xanh khác, không phải một mình. Cái cảm giác không phải một mình lâu rồi anh mới có lại. Chỉ đơn giản là để sáng sớm sẽ có người ơi ới gọi nhau dậy đi, ăn trưa cũng sẽ bàn nhau bữa nay ăn cái gì, tối thì mướn xe máy chạy vòng vòng vô chợ, không biết làm gì thì kéo vô một quán cà phê nào đó, nói chuyện ta bà, đưa tay nhau ra coi đường tình duyên vì sao mà trắc trở, để đến giờ này còn độc thân vui tính mà thắm lại một đám thế này với nhau. Tiếng người nói cũng sẽ làm cho lòng ấm lại, đừng nói chi đến những bàn tay và những nụ cười. Gặp gỡ ở Xanh rồi, là duyên!
 
 
 
 
Những ngày ở Xanh, với anh thiệt bình thường và giản dị. Không vui quá, không buồn quá. Cứ vậy mà Xanh hết cả chuyến đi. Chắc anh không viết nhiều, thay vào đó anh sẽ chụp ảnh. Viết buồn quá, mất hay, mất vui!

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Một câu chuyện khác, về Nê



Thêm một lần nữa hả? Anh nói với bạn khi bạn báo tin về, lại kẹt ở đồi cọ, trên đường đi Nê. Bạn nói bên đó vừa mới có động đất, gầm trời nhoi nhỏ xứ mồ côi sụt sùi, những rạn vỡ mở ra những vệt chia ly nức nẻ, cảnh đau thương tàn tạ và thảm thiết lắm. Lúc đó, anh đang ngồi họp ở văn phòng Đoàn của cơ quan, cho mấy cái hoạt động văn nghệ văn gừng m...àu mè hoa lá hẹ. Chưa kịp đọc tin nhưng anh cố gắng động viên bạn mình, thì thôi là duyên hết, không đi được lần này, thì vẫn còn lần khác, năm dài và tháng rộng chỉ sợ mình hổng muốn đi thôi chớ đã phải duyên nhau thì sẽ thắm lại, mấy hồi.

Rồi lúc anh bưng mấy cái sổ sách kịch bản đem về nhà, họp hội chỉ làm cho con người ta thêm mệt mỏi và hoài chán. Anh sợ mấy gương mặt lúc nào cũng gồng lên, buồn ngủ bỏ mẹ mà cứ phải ngồi đó nghe những điều xa lơ xa lắc. Chán nản nên anh lật qua mấy trang mạng, cảnh xứ Nê tang thương và tàn khốc. Chạy rẹt rẹt qua đầu anh là ý nghĩ, bà nội cha nó mình đã từng định đi chỗ này, giơ bị như vầy, còn đâu nữa mà đi. Tiếc nuối bời bời định bụng quăng lên mạng những điều vô nghĩa và lời sâu ý cạn. Nhưng có ngờ đâu thằng người thức tỉnh kịp thời, giữ vía anh ở những nước mắt và gương mặt người, đau đớn quăn quại trước thiên tai, mất mát. Đong đếm nào được bởi cảm giác nhoi nhỏ trước sự phẫn nộ của mẹ thiên nhiên. Xứ Nê đã không được xênh xang như những miền khác, người xứ đó chỉ được cái là hiền, mà nay thì rung chuyển hết rồi. Mấy lời anh định nhỏ ra tự nhiên bay đi đâu mất, nhắn tin cho bạn nói thôi coi hổng được thì kiếm chỗ khác mà đi, xứ người ta đang có chuyện tùm lum, vui vẻ gì cho những bước chân thưởng ngoạn vô vị. Bạn nhắn tin lại, buồn thiệt buồn nhưng đơn giản là ừ. Có vui vẻ gì.

Những tin tức từ Nê rồi cũng theo đường chim bay mà rủ nhau về. Anh đọc nhựt trình buổi sáng, thấy con số thương vong chỉ hàng trăm, trưa chưa kịp ngủ giở lại tờ báo thì con số nhảy lên hàng ngàn, đồng thời chưa hề có dấu hiệu nào bảo đảm cho sự chững lại. Anh sợ, nếu cuộc sống vô thường như thế này, càng ngày càng vô thường thì liệu rằng một ngày nào đó, những bước chân của anh nơi miền xa xứ lạ có bị hụt lại hay không. Tính anh thì đa sự, lại hay mê mải dấn chân vào những vùng hay có mưa bay và gió bụi, Nê là một chỗ như thế. Bạn anh có bận quỡn lên, nói bộ hết chỗ nào rồi hay sao mà lại đi cái xứ này. Anh chỉ có thể cười, trái tim nó biểu anh như vậy, anh mần sao mà làm trái lời được. Trái tim ấy, lại còn mong manh chưa trói buộc bởi một ai và bất cứ hình ảnh nào.

Rồi Nê cũng sẽ phải vượt qua, phải đứng lên, bằng cách này hay cách khác. Có người nói, nếu chưa từng đứt tay, làm sao biết cách cầm máu. Đã nhiều năm rồi Nê không rơi vào cái cảnh vỡ nát như thế này, nhựt trình bảo là tám mươi năm, anh biết vậy. Thời gian phủ lên những kiến trúc công trình xứ mồ côi những mảng màu đậm tính huyền thoại, và buồn. Nay thì chỉ trong một khoảng khắc động đậy, hơi mạnh, mà cả mảng màu ấy biến thành sự tối tăm, văng vẳng là tiếng khóc than, nước mắt đây chỉ khóc cho mình, cho người. Anh cứ tần ngần hoài trước hình ảnh chia lìa đau đáu đó. Nhưng cuộc sống sẽ hồi sinh, đứa bé từ mặt đất được sinh ra, là tất cả niềm hạnh phúc. Có gian khổ có đắng cay cơ cực đoạ đày, nhưng niềm tin và hy vọng, không một ai và điều chi, có thể dập tắt được. Đọc nhựt trình mà xúc động muốn rơi cả nước mắt.

Nhưng nước mắt không dành cho những bức ảnh, là những gương mặt mũi tẹt và da vàng hăm hở với cái gọi là tự sướng trước những công trình đổ nát, trên ngực áo, là dấu cộng màu đỏ, thứ màu sắc rực rỡ mà cũng quá đỗi vô tình. Anh là người ngoài, cũng chỉ nhóng cổ về xứ mồ côi như một kẻ lạ xa, đã từng có duyên với xứ ấy nên thấy bạn gặp chuyện không may, không giúp gì được nên cũng thôi xin đành là nhỏ lời ra trên giấy, những chữ nhoi nhỏ kiểu như là thông cảm, tội quá đi, xứ Nê be strong, cho nó đúng điệu, đại loại vậy. Nhưng gạch đá vô tình làm tổn thương nhưng con người khác. Một đoàn cán bộ qua xứ mồ côi tập huấn, họ bỏ về ngay lúc xứ này đang run rẩy và tuyệt vọng. Anh thấy cũng không có gì đáng trách lắm. Nếu họ ở lại, biết đâu ngày mai nhựt trình ra, họ sẽ là anh hùng, với những câu chuyện đại loại như tôi đã ở đây, có mặt ở xứ này, bôn ba tìm kiếm người bị hại, có ai biết tin tức của những người Việt hiện ở Nê sao không, tôi sẽ cập nhật hết, tình hình cứu nạn ra sao, ăn uống như thế nào, chụp ảnh, viết note, gửi thông cáo báo chí. Và biết đâu họ thành nổi tiếng, sau một quãng dài nơi xứ mồ côi đầy đổ vỡ. Nhưng họ chọn cách trở về, bình thường như những người bình thường nhất, sợ chết, là điều mà một trái tim bình thường với đầy đủ tâm nhĩ và tâm thất, phải có. Chuyện chắc cũng không ầm ĩ và lớn lao nếu người ta không phát hiện ra những bức ảnh họ cười hỉ hả bên những ngôi nhà vỡ nát, cách họ trả lời về cái sự bình thường như bao người của mình. Anh thấy họ đáng thương, nhưng có không? Có đáng hay có thương?

Mà chả biết sao anh lại đa sự nói này và nói nọ. Anh có là gì đâu mà vờ nguy hiểm. Chắc tại anh say rồi, say vì cái vị máy bay ngầy ngật của một chuyến đi ngắn ngủi về Xanh. Nên thôi, anh phải ngừng lại, để những hồi ức về Xanh cứ mãi nằm im không lỏng bỏng chảy. Và Xanh, đó lại là một câu chuyện khác rồi!